BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

CHUYỆN XỨ ĐỘNG ĐỀN NGÀY XƯA CƠM MỚI - Đinh Hoa Lư


                
                          Tác giả bài viết Đinh Hoa Lư


    CHUYỆN XỨ ĐỘNG ĐỀN NGÀY XƯA CƠM MỚI
                   (Nhớ về Động Đền, Hàm Tân, Bình Thuận)
                                                                 Đinh Hoa Lư

Trong đêm thanh, trăng tàn canh,
bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh
Dư âm xa, còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà
                         (Gạo Trắng Trăng Thanh - HTT)

Đất ruộng Động Đền nổi tiếng hiếm hoi. Một dải đất cát ven biển Hàm tân chỉ ưu tiên dành cho người nào biết chăm chỉ làm lụng, chịu khó khai hoang vỡ đất, có thể nói từng tấc đất một !
Kỷ niệm ở đây tôi không thể nào quên được những năm sau 1980, thời gian tôi có mặt tại "XỨ ĐỘNG", cái tên của tay sáo có biệt danh là THÀNH TÍN, anh cũng người gốc phường Đệ tứ tỉnh Quảng trị năm xưa .

Lúc độc thân tính tôi siêng năng chịu khó. Tôi không bao giờ bỏ qua bờ tranh bụi lách hoang nào cả vì mong muốn kiếm thêm diện tích cho đám đất bạc màu trên rẫy "CHỒM CHỒM". Tôi còn nhớ một cây cầy cổ thụ cao, gỗ cứng ngắt, thiên hạ ai cũng chê, tôi không bỏ sót. Đến khi hỏi vợ xong, tôi đi phụ làm ruộng với ba vợ tôi cái tánh siêng năng cũng không giảm bớt mà lại còn tăng gấp bội.

Động Đền hồi này có đến sáu thôn. Người dân phải sống chen chúc với đám ruộng pha cát bạc màu nhỏ hẹp. Đất hẹp đến nổi đứng bên này nói vói qua bên kia vẫn rõ giọng. Hàng trăm gia đình cạnh tranh nhau từng tấc ruộng, bờ be để sinh tồn, có khi mích lòng nhau từng miếng nước dẫn vào từng đám ruộng cỏn con.

Thứ đất này trong quá khứ chỉ tốt cho vài mùa đầu khi dân Quảng Trị mới di dân vào, tức khoảng sau năm 1973. Những vồng khoai củ to quá cỡ, chưa từng thấy, hay những bụi sắn củ lớn đến nỗi ít ai nhổ lên được ! Đó là chuyện hơn mười lăm năm trước khi tôi về, chuyện mà ai là người dân xứ Động cũng còn nhắc lại. Thế rồi đất hẹp người đông, túng cùng sinh kế có người phải từ giã quê hương gian nan chật vật này mà ra đi biền biệt. Họ đã vào tận Rạch giá, Bạc liêu nơi ruộng đồng 'cò bay thẳng cánh' hay chịu làm phu cao su tại những vùng đất đỏ Long Khánh, Biên Hòa hay Bà Tô, Xuân Sơn, Ngãi Giao, Bình Giả.

SAN LẤP HỐ BOM

Tôi thì bám vào những mét đất ruộng cằn cỗi này, 'đồng cam cộng khổ' với những người còn ở lại. Làm sao quên được ngày tháng cần cù chịu khó; ba vợ tôi, mấy đứa em vợ, và cả tôi ngày lại ngày san cả hố bom từ lâu biến thành cái hồ ở giữa đám ruộng. Cái hố bom là miếng đất hoang, chẳng ai có gan san lấp, thế mà cả nhà tôi dám làm ! (*)

Tôi nhớ lắm, hình ảnh đồng ruộng Động Đền. Mang tiếng là đồng ruộng nhưng chỉ là những đám lúa mất mùa, thiếu phân, thiếu nước.

Thế nhưng nhờ tính kiên trì chịu đựng lâu rồi; nó giúp làm sức bật cho chúng tôi đủ ý chí san lấp hố bom mà bà con thôn xóm chưa ai nghĩ đến. Nỗi đau khi cả nhà cùng lê lết cắt từng nhánh lúa nhẹ bấc, mất mùa, chỉ còn vài hạt, vì đất chẳng còn gì cho cây lúa sinh sôi nảy nở. Lúa cắt không đủ bù giống! Có nhà bỏ luôn không thèm cắt nữa ! Cánh đồng lổ đổ những đám lúa mất mùa, thiếu phân, thiếu nước. Những nhánh lúa lép xẹp, hạt ngay đơ, chỏng ngọn lên trời như "than thân trách phận". Chúng thấp hơn đầu gối, buộc chúng tôi cùng hàng ngang vừa ngồi vừa cắt. Những nhánh lúa nhẹ đến nỗi không gây được chút cảm giác nào trong lòng bàn tay ! Tôi nhớ hoài những buổi gặt lặng lẽ,- sự lặng lẽ - buồn bã - chua cay. Chúng tôi im lìm làm việc, những động tác chán nản khó tả, dù không nói nhưng ai cũng mang tâm trạng giống nhau.


Quê nghèo làm gì có trâu bò ! Hoàn cảnh bấy giờ trâu bò là cả một gia tài không ai dám mơ. Không trâu bò làm ruộng, mấy cha con chúng tôi chỉ nhờ vào cái cuốc bản thật to để cuốc mau hơn. Mỗi lát cuốc, tôi phải cắn răng, mím môi, cố sức lật cho được tảng đất lớn lẫn bùn sình. Sức người và những cái bừa "cải tiến!" chúng tôi đã bừa lại ruộng trước khi cấy lúa. Tôi và mấy đứa em vợ thay phiên nhau choàng những sợi dây thừng qua vai xong cùng nhau kéo những đường xẻ thẳng tắp bỏ đậu phụng mùa đất ẩm. Những lúc này tôi mới nhớ lại bài hát "quê nghèo" của Phạm Duy thời chống Pháp rồi thấy hoàn cảnh hiện tại của chúng tôi thấm thía làm sao !

Trớ trêu thay! Những hình ảnh được nhạc sĩ Phạm Duy từng vẽ lên trong bài hát đó lại vận vào số phận chúng tôi không sai chút nào. Tôi càng thấy tội nghiệp, nay thôn xóm đã đủ ăn, dư mặc thì hai đứa em vợ nay đã ra người thiên cổ. Nay tôi thì ra tận xứ người, hai đứa em ở lại đã nằm yên trên đồi hoang lộng gió, nhìn về biển khơi, nhìn lên núi Bể mà cảm thương cho những số phận lầm than!

KHOAI CÁ BÙ CƠM

Tôi xin trở về chuyện xưa : chuyện của những vồng khoai sau mùa ruộng. Rơm rạ còn lại chịu lót làm phân cho mùa khoai đất ẩm. Hình như khoai sắn là những gì đã định phần cho số dân Động Đền còn ở lại như chúng tôi, để thấy rằng lúa cơm là những gì quý giá nhất và dầu có 'bong tay mỏi gối' cũng cắn răng san cho bằng cái hố bom to nhất xóm mới nghe ! Trời cũng an ủi cho số phận người dân ở gần biển, nhiều khoai thiếu gạo, nhờ những mớ cá 'tươi rói'- dễ kiếm, trong khi ruộng đồng thiếu thốn bạc màu.


Sát bờ biển là những xóm nhà làm nghề biển. Họ ở cạnh nhau, nương vườn nhỏ hẹp. Mùa gió chướng, những ngày không đi biển, họ là những nông dân cần cù. Lúc này họ chịu khó khai phá từng mẫu rừng tràm bên bờ đại dương, biến chúng thành nương khoai xanh ngắt. Khoai Động Đền ông Trời bù trừ cũng có tiếng ngon, vì trồng trên thứ đất pha cát, xen lẫn độ mặn của biển.


Mùa rảnh tôi ra biển phụ kéo lưới bờ với ngư dân. Hai toán người già có, trẻ có phụ nhau kéo lưới vào bờ. Thúng không ra xa nên chỉ giăng lưới rùng sát bờ kiếm cá nhỏ thôi. Tình làng nghĩa xóm người nông kẻ ngư ai cũng là lối xóm nhau cả. Mớ cá vụn kéo xong bà con chia nhau sòng phẳng không nề hà kẻ yếu người mạnh. Cứ buổi như thế tôi cũng kiếm được một bao cát cá cơm về cho mẹ tôi làm mắm.

CÚNG CƠM MỚI

Muôn câu hò, hò hò khoan, đang mãi vang trong đêm dài,
Gái trai làng chiều hôm nay đang mãi say theo tiếng chày
đêm chơi vơi gạo cười tươi, như chuyền hơi ấm, ấm lòng người…
                                                                                          (HTT)

Thế là nhà vợ tôi cùng tôi đã thành công san cái hố bom. Hố bom đó dĩ nhiên không thể rộng thêm nhưng đất đai cả nhà tôi đổ vào càng lúc càng nhiều. Số phận và kiên trì đã thách đố nhau. Hình ảnh cái hố bom đó đã thực sự biến mất; miếng đất hoang đã hiện thành sào lúa đầu mùa được sức trĩu nhánh. Lúa vàng óng ánh no tròn đầy hạt hòa với niềm vui của ba vợ tôi cùng tôi - người rể tương lai - cả hai đang đứng bên lề ruộng ngắm say sưa.


Ngày CÚNG CƠM MỚI đến. Ông gia tôi có lệ hay cúng cơm mới sau khi hoàn tất một vụ lúa dù được hay mất mùa. Mùa cúng cơm mới cái năm mà chúng tôi thu hoạch những gánh lúa đầu tiên từ hố bom nhà tôi vừa lấp nó vui vẻ và háo hức thật. Mẹ gia tôi tất tả ra chợ từ sớm, bà cũng vui lây với niềm vui trúng mùa của chồng con. Mâm cơm mới vừa trưa là đã xong để ông gia tôi trước là khấn nguyện tạ ơn thổ thần đất đai sau đó cả nhà sẽ cùng nhau ăn mừng một mùa làm lụng cực nhọc đã qua.

Làm sao chúng tôi không vui do từng giọt mồ hôi cùng bàn tay rát bỏng để kiếm ra hạt gạo. Trong niềm vui đơn sơ - bình dị đó, lòng tôi phát sinh niềm thông cảm cho nỗi cơ cực của người nông dân. Tôi mới nhận ra được giá trị của cái nghề chân lấm tay bùn, cảm thông sâu sắc nỗi khổ ở những nơi đất hẹp người đông cùng lúa ruộng bạc màu.

Những hạt gạo trắng ngần mới thay xong lớp vỏ lúa; chúng vừa rời đồng ruộng chỉ mấy hôm thôi. Giờ đây chúng biến thân thành từng chén cơm thơm ngát cho ngày CÚNG CƠM MỚI. Vừa liên hoan chén tạc chén thù với ba vợ, tôi vừa nhìn ra cánh đồng nhỏ hẹp đang trơ gốc rạ.

Trong NGÀY VUI CƠM MỚI, tôi sung sướng khi ngày cưới của vợ chồng tôi gần kề. Đồng cảm từ những hoàn cảnh giống nhau, tôi bước vào làm rể nhà vợ tôi không một điều kiện nào ngoài trừ hai bàn tay trắng cùng một tấm lòng ngay thật.

Giữa cánh đồng là con đường đất đỏ duy nhất dẫn về thị trấn LA GI. Dưới đó là nơi phố thị nhưng không xa vùng này nhiều lắm. Có vài ba con buôn, phương tiện của họ là xe đạp, đang gò lưng cố đạp trong mùa gió ngược. Buôn bán đường xa, những chiếc áo phong sương đang phập phồng bay theo gió. Mùa gió chướng đến rồi. Mấy mảnh đất khô cằn chẳng còn sinh thêm lợi tức gì nữa? Ngoài biển người dân làm cá cũng chẳng hơn gì; sóng lớn bạc đầu thi nhau đập vào bờ. Mấy chiếc thuyền nhỏ thiếu cá đang nhấp nhô theo sóng- nhiều chiếc thúng nay úp phơi trên cát, ít ai ra khơi.

Tôi uống thêm vài ba chung rượu vì muốn vui, muốn "tận hưởng" cho trọn vẹn một ngày VUI CƠM MỚI vì hôm sau chuỗi thời gian cơ khổ còn chờ...

***

Thế mà đã bốn mươi năm vùn vụt trôi nhanh kéo theo bao nhiêu biến đổi cuộc đời. Thôn xóm năm xưa đó nay đã thay đổi khá nhiều. Bao lớp trẻ ra đi tìm đất sống mới, cuộc đời mới. Lớp người già cả lần lượt cùng nhau từ biệt kiếp nhân sinh tạm bợ để về cõi trời miên viễn. Ông Gia tôi hôm nay ra đi, giã từ cháu con - vĩnh biệt quê hương thứ hai mà bao chục năm nay người mình quen gọi hai tiếng ĐỘNG ĐỀN. 
          
      
Xuân Đinh Dậu 2017, lần cuối nhạc phụ người viết (Đinh Hoa Lư) gói bánh tét tại Động Đền, Tân Phước, La Gi, Bình Thuận (có vợ chồng người viết về thăm)

Động Đền từng gắn bó với bao mảnh đời lưu dân Quảng Trị, trong đó có hình ảnh nhạc phụ tôi hàng ngày cần cù cuốc đất trên đám ruộng pha cát bạc màu, ven biển. Trong bao kỷ niệm vơi đầy đó, tôi không quên hình ảnh NGÀY VUI CƠM MỚI chất chứa nhiều nỗi nhọc nhằn nhưng lại thấm đượm tình quê.

                                                                                      Đinh Hoa Lư

Không có nhận xét nào: