BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

“HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO” CỦA NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH - Võ Văn Cẩm

Nguồn:
https://nld.com.vn/van-nghe/hoai-niem-thay-co-giao-cua-nguoi-thay-dang-kinh-20190517211914028.htm

                     
                                   Tác giả Võ Văn Cẩm 


              “HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO” 
               CỦA NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH

19 năm cặm cụi đèn sách, chúng ta có biết bao nhiêu người thầy truyền đạt kiến thức, tạo nên vóc dáng cho một con người đủ kiến thức căn bản bước vào đời.
Ngoái nhìn lại, có bao nhiêu học trò ghi lại công đức của người dạy dỗ mình? Dù rằng mỗi người vào đời bằng những con đường khác nhau, thời gian cắp sách cũng tùy vào hoàn cảnh từng người và rất nhiều thầy dạy nhưng mối quan hệ mỗi thầy cô mỗi khác, cho nên chúng ta hiếm hoi bắt gặp những trang sách học trò viết về thầy mình.

Đặc biệt mối quan hệ thầy trò khó diễn đạt và nhạy cảm, mối quan hệ ấy khó viết thành sách, vì mỗi thầy cô dạy ta thời gian không lâu, nên khó lưu lại những dấu ấn trong thời gian ngồi ở trên ghế nhà trường.
Vì quan niệm giáo dục có ranh giới ngăn cách giữa thầy và trò, chỉ có những người học trò đặc biệt mới có mối quan hệ thầy trò thoáng hơn, trường hợp này tình thầy trò như một người bạn đời tri kỷ. Đoàn Đức là người học trò như vậy.
Đoàn Đức sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, giàu lòng nhân ái, quý trọng tổ tiên, luôn hướng về quê cha đất tổ. Cùng quê với tôi, làng Đâu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Từ thời thơ ấu, gia đình Đức đã lên sinh sống tại làng Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị.

Đức đã tốt nghiệp ĐH sư phạm tiếng Anh và cử nhân giáo khoa Việt văn tại Viện ĐH Huế, giảng dạy ở nhiều trường trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp tại Quảng Trị và Bình Thuận.
Sau năm 1975, Đức trải qua một chặng đường dài cơ cực để nuôi dạy một đàn con 6 trai và 1 gái, bên người vợ yếu đuối làm nghề gõ đầu trẻ.
Nhờ vốn ngoại ngữ uyên thâm, khi đất nước mở cửa, nhiều tập đoàn nước ngoài vào đầu tư, Đoàn Đức có ưu thế, chẳng bao lâu thì khá lên. Các con anh có điều kiện học hành và có cơ hội phát triển tài năng.
Với tập "Hoài niệm thầy cô giáo" là ước vọng từ lâu, anh viết về thầy cô giáo như viết về chính mình. Anh không có tham vọng để lại cho đời mà anh muốn lưu lại bút tích cho con cháu và đồng môn.
Anh muốn dạy cho con những bài học: "Lòng biết ơn", "Biết trân quý tình thương yêu mà người khác trao cho""Tấm gương sáng của sự chia sẻ".
Tập "Hoài niệm thầy cô giáo" của Đoàn Đức như một thông điệp nhắn nhủ với nhiều thế hệ học trò, ngay cả thế hệ đàn anh mình, nhấn mạnh về nền giáo dục: "Dân tộc, nhân bản và khai phóng", có tiếp nhận, trao đổi với nền văn hóa Âu - Mỹ.

           
              Tập sách “Hoài niệm Thầy cô giáo” của Đoàn Đức 
                                            (xuất bản lần đầu)

Đức viết "Hoài niệm thầy cô giáo" khi tuổi đời trên "Thất thập cổ lai hy", khi đã là một thầy giáo về hưu, tuổi tác và trăm mối lo toan cuộc sống làm tóc anh bạc trắng, có đủ thời gian và kiến thức của một người thầy, có hàng ngàn học sinh như anh, thừa kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử.
Khi tặng tôi tập "Hoài niệm thầy cô giáo" gồm 194 trang, giấy trắng khá đẹp, Đức nói với tôi dù đã in thành sách nhưng còn nhiều vấn đề mà Đức chưa vừa ý. Chắc chắn trong lần tái bản, Đoàn Đức sẽ bổ sung đầy đủ hơn.

Hôm nay, tôi lại nhận được tập "Hoài niệm thầy cô giáo" Đoàn Đức vừa chỉnh sửa theo ước nguyện của mình, tập sách dày đến 334 trang.

           
                 Tập sách “Hoài niệm Thầy cô giáo” của Đoàn Đức 
                                                      (mới tái bản)   

Về nội dung, Đức vẫn viết về 7 thầy cô giáo mà Đức quý mến: Thầy Trương Ngọc Hội, cô Nguyễn Thị Nhã, cô Nguyễn Thị Thanh, thầy Trần Thương Bá, thầy Hồ Sĩ Châm, thầy Lê Mậu Tâm, thầy Gary Carkin, trong số hàng chục thầy cô dạy anh.

Tái bản tập "Hoài niệm thầy cô giáo" lần này với hình bìa quá đẹp và vô cùng ý nghĩa. Chỉ nhìn hình bìa cũng thấy được người viết muốn nói gì. Một người đang lái chiếc đò chuyên chở có thể: Cho - nhận. Đi - về. Thầy cô - học trò. Một sự trao đổi vô cùng ý nghĩa cho cuộc sống đời người và sự tồn vong của nhân loại.

                                                                                  Võ Văn Cẩm

Không có nhận xét nào: