BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

LỜI TRI ÂN MUỘN MÀNG KHI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT - Vĩnh Hoàng


     
                Tác giả Vĩnh Hoàng


     LỜI TRI ÂN MUỘN MÀNG KHI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT
                                                                                Vĩnh Hoàng

Tôi Vĩnh Hoàng, tình cờ đọc bài “Lời Tiễn Biệt” của thầy Hoàng Đằng viết về Cha Nguyễn Vân Nam sinh năm 1935 người làng Đốc Sơ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Cha mất ngày 17-4-2016 nhằm ngày 11-3 Bính Thân. Bài này tác giả thay cho lời cáo phó.
Sau những dòng tiểu sử đã nói lên công lao của cha dành riêng cho sự nghiêp giáo dục với những học trò nghèo Quảng Trị thất học trong hoàn cảnh cuộc chiến ngày một lan rộng trên quê hương từ những năm 69 đến 75 của thế kỷ trước.

Tôi không phải học trò của Cha, cũng không phải con chiên ngoan đạo, nhưng tôi cảm thấy xót xa bùi ngùi với thân phận của một con người, một đấng chân tu, dâng hiến trọn đời mình để cứu vớt biết bao số phận nghiệt ngã vì đói nghèo, đơn độc, cô thế bị xã hội chèn ép mà lời kêu cứu của họ chẳng ai lắng nghe rồi biến tan theo gió.
Nhân ngày nhà giáo 20-11 cũng cần nhắc lại những đóng góp của cha cho quê hương. Sau khi thụ phong, cha về dạy trường Đắc Lộ thị xã Đông Hà , cha là người chủ trương vận động sáng lập, quản lý ngôi trường Thanh Linh từ năm 1969-1975. Vì sự biến động của chiến sự chỉ trong vòng 7 năm mà phải di dời tới ba địa điểm từ 69-72 Gio Linh, 73-74 Hoà khánh Đà Nẳng, 74-75 Động Đền Bình Tuy. Nhiều lớp học trò Quảng Trị nhất là Gio Linh, Cam Lộ nhờ ngôi trường này mà khỏi dang dở việc học. Hôm nay Cha đã về với Chúa, về với cõi vĩnh hằng, Cha đã để lại sự tiếc thương, kính trọng của biết bao người biết Cha, được cha che chở.
Riêng tôi trong lòng cứ thôi thúc khi biết cha tạ thế, tôi phải viết vì câu chuyện giữa tôi với cha Nam nếu tôi không nói ra thì không ai biết được. Dẫu lời tri ân quá muộn màng, xin cha tha thứ Con phải viết để lòng con thanh thản Con xin đốt nén hương
lòng mong cha nhận tấm lòng thanh của kẻ chịu ơn cha, xin cầu nguyện linh hồn cha an lành nơi nước Chúa. Câu chuyện đã lãng quên sau 41 năm bây giờ mới kể.
Tôi với cha không hề quen biết, chỉ biết cha dạy trường Thanh Linh ở Động Đền, Bình Tuy vì tôi đóng quân ở đó. Vào khoảng đầu tháng 3/75 trong đợt hành quân chiếm lại các làng ở tả ngạn sông La Ngà gồm Sùng Nhơn, Võ Xu, Nghị Đức, Chính Đức và chi khu Hoài Đức, đây là vùng đất đai trù phú đồng bào di cư 1954 đã định cư ở đó - Chiến sự lan xuống huyện Hoài Đức vì huyện Tánh Linh đã mất, đồi Núi Rinh là chốt quan trọng để khống chế chi khu Hoài Đức – đó chỉ là ngọn núi trơ trọi nằm giữa cánh đồng ,trên có lô cốt bê tông cốt thép chung quanh chỏng chơ toàn là đá đang do quân giải phóng chiếm giữ. Vào chiều ngày 4-3-1975 tôi nhận lệnh chiếm lại Núi Rinh, tối hôm đó tôi ém quân dưới chân núi thám sát tìm cách đánh, một toán quân của tôi bị phát hiện. Thế là bao nhiêu hoả lực trên đồi xối xả nhã đạn. Sáng hôm sau, giờ G đã điểm mấy phi vụ phản lực dội bom, khói bay mịt mù không thấy mục tiêu, nhưng khi khói tan, họ vẫn ngồi đó. Tôi báo cáo xin trực thăng vận không có, mà BCH buộc tôi phải chiếm bằng mọi giá. Tấn thối lưỡng nan, tôi chị có hai chọn lựa - một phải chịu thương vong lớn “Nuôi quân ba năm, dụng quân một giờ”, hai tôi phải bị mất chức, đây là sự lựa chọn khó khăn. Sau ít phút nghĩ suy tôi chọn thiệt thòi về mình. Chính nhờ sự chọn lựa đó mà hôm nay đời tôi vô cùng thanh thản không chút hối hận những việc đã qua. Thế là chiều hôm đó tôi bị mất chức. Khoảng 10 ngày sau tôi lại được phục chức và khỏi ra toà án QS Hỏi ra mới biết qua phản ánh của dân (gia đình lính) Cha Nguyễn Vân Nam đã can thiệp, với uy tín của cha tỉnh trưởng Bình Tuy buôc phải huỷ lệnh trừng phạt tôi.
Từ dạo đó đến nay tôi cũng chưa bao giờ gặp cha để nói lời cảm ơn…. Nay Cha đã mất. Kèm theo nhân chứng bài thơ

                                                                             Vĩnh Hoàng
                                                                 Sài gòn, ngày 15-11-2016

HÃY NHƯỜNG TÔI ĐI

- Anh hãy nhường tôi đi
Anh chiếm giữ làm gì ?
Mấy tảng đá trơ trụi
Bao người đã ra đi ?

- Anh tuân lệnh thượng cấp
Có phải thế không anh ?
Anh xương đồng da sắt
Hay anh cũng con người

- Nếu anh vẫn là người
Anh phải biết buồn vui
Tâm hồn đâu gỗ đá
Chỉ biết giết nhau thôi;

- Anh cũng gióng như tôi
Hai người “hai lý tưởng”
Nhưng chung một giống nòi
Thôi; đừng giết nhau, thôi;

Anh hãy bỏ đi, đi
Để tôi lên chiếm giữ
Non nước đều “của chung”
Dành làm chi cho khổ

Nếu anh còn ở đó
Bom đạn xé thân anh
Mẹ già anh đau khổ
Anh có biết cho không ?

- Anh cũng vì nhiệm vụ
Tôi nào khác chi anh
Thôi nhường nhau đi nhé
Cho đất nước hoà bình

- Rồi một ngày nào đó
Khi đất nước bình yên
Anh gặp tôi sẽ kể
Chuyện ta đánh núi Rinh

                  Vĩnh Hoàng

Lúc 10g ngày 05-3-1975 dưới chân đồi núi RINH huyện Hoài Đức, Tỉnh Bình Tuy.

Không có nhận xét nào: