Thầy Trần Thương Bá
Dạy văn lớp Tam C (lớp 10) – Niên Khóa 1964 – 1965
Trường Nguyễn Hoàng từ khi có Đệ Nhị Cấp thì học sinh Đệ Nhất Cấp đeo bảng tên màu đỏ, học sinh Đệ Nhị Cấp bảng tên màu xanh đậm, biên giới giữa 2 cấp là bằng Trung học Đệ Nhất Cấp, còn gọi là bằng Thành Chung, bằng Diplôme; (với bằng này có thể đi thi cán sự y tế và ra trường dư sức nuôi vợ con, nếu đi lính thì mang cấp bậc Trung sĩ.) Vì thế học sinh bảng đỏ chúng tôi kính ngưỡng học sinh bảng xanh Đệ Nhị Cấp là đàn anh hay bậc thầy, vì họ đã đậu Diplôme, và Tú Tài I.
Chúng tôi sau khi thi đậu Diplôme, như qua một thế giới khác – Đệ Nhị Cấp với bảng tên màu xanh dương đậm và được phân ban theo sở thích, năng lực. Ban A: Sinh vật và lý, hóa là môn chính, Ban B: Toán và lý, hóa là môn chính, Ban C: Văn, sinh ngữ 1 là môn chính, hệ số 3, sinh ngữ phụ và sử địa hệ số 2.
Ba đứa bạn thân chúng tôi đành chia lìa: Tôi và Đỗ Tư Nghĩa cùng vào ban C vì kém Toán, Lý, Hóa. Còn Nguyễn Thắng chọn ban B vì giỏi Toán, Lý, Hóa. Thế nên tôi viết về một vị thầy dạy văn có nhiều ấn tượng đối với tôi ở cái tuổi hình thành nhận thức của mình đó là thầy Trần Thương Bá.
Tôi chỉ được học với Thầy về Ca dao và Chinh Phụ Ngâm hơn một học kỳ, bởi sau đó Thầy phải lên đường nhập ngũ.
Ca dao
Ngày đầu tiên vào lớp, hồi hộp đợi thầy dạy môn văn, dù lớp Đệ Tứ Việt văn là môn chính cùng hệ số 3 với Toán nhưng vì cái tên ban C Văn Chương và Sinh Ngữ nên nó được quan trọng hóa hơn. Rồi thầy Trần Thương Bá xuất hiện, trẻ trung như sinh viên, đẹp trai da trắng, nói giọng Huế diễn cảm rõ ràng. Sau khi điểm danh học sinh để làm quen, thầy tự giới thiệu dạy môn Văn kiêm giáo sư cố vấn (Chủ nhiệm) của lớp Tam C.
Để hiểu năng lực học sinh thầy ra bài luận kiểm tra kiến thức trên bảng: Bình luận câu sau đây của La Rochefoucauld: “Đạo đức mất đi trong tư lợi, giống như những con sông mất đi trong biển cả” và có ghi chú tiếng Pháp (Les vertus se perdent dans l’intérêt, comme les fleuves dans la mer.) Tôi nghĩ thầm, đúng là đề luận của dân Ban C, khác với hồi Đệ Nhất Cấp và các ban khác. Khi phát bài luận văn này, bài của Đỗ Tư Nghĩa và tôi được thầy khen và chú ý.
Giờ tiếp là học Ca dao. Giọng thầy đọc hay và cách giảng mới lạ với tôi, vì ngay hồi Đệ Thất (lớp 6) cũng có học ca dao nhưng đơn giản, còn bây giờ ca dao hay hơn mà đượm mùi tình yêu và triết lý. Thầy viết:
Mình về ta chẳng cho về
Ta níu áo lại ta đề câu thơ
Câu thơ ba chữ rành rành
Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba
Chữ Trung dành để phần Cha,
Chữ Hiếu phần Mẹ, đôi ta chữ Tình.
Thầy giảng: “Tình yêu đối lứa của người bình dân Việt nam thắm đượm tình riêng – chung, trong đó có tương giao với cha mẹ, họ hàng vì con người là sống với, sống bên cạnh người khác chứ không phải “chỉ hai đứa mình thôi nhé, đừng cho trăng nép sau hè” như trong tình yêu ở phương Tây, chỉ có hai người “Toa và moa” đi tìm thanh bình riêng rẽ. Nên yêu ai, yêu cả tông ty họ hàng, thậm chí yêu cả đường đi lối về. Đó là tình cảm cộng đồng sau lũy tre xanh, trong gia đình, còn có sự hiện diện của anh em, chú bác chứ không chỉ có riêng anh và em. Đó là cuộc sống của nền văn hóa nông nghiệp, sống sao cho hòa hợp với đại gia đình hai ba đời, nên tình yêu muốn trường tồn phải kết hợp với thực tế này. Bài sau nói rõ ý hơn:
Anh về em chẳng dám đưa
Xin trời đừng nắng đừng mưa trơn đường
Anh về thăm quán thăm quê
Thăm cha thăm mẹ rồi về thăm em.
Thực ra về thăm quán, thăm quê, thăm cha thăm mẹ để cuối cùng lộ rõ mục đích thăm em; nói là trung là hiều với mẹ cha, là lấy cớ để dành riêng tình cho em thôi. Khi yêu phải nói như thế mới hợp lẽ để tình đôi lứa tiến tới, đi vào hôn nhân; nếu không sẽ xảy ra tình cảnh như trong bài “Trèo lên cây bưởi hái hoa” đã nói rõ: Anh thương em nhưng chú bác họ hàng chẳng thương. Nhưng cái tình chung đôi khi làm cho ta mệt mỏi chán chường đó lại là biện pháp bảo vệ hữu hiệu cho tình riêng, khi đôi trẻ không tự chủ mình được mà có những quyết định nông nỗi, mù quáng. Cho nên nó vừa trói buộc hai người đồng thời cũng bảo vệ hai người như giới luật hôn phối của Thiên Chúa giáo. Đó chính là ý nghĩa triết lý của cuộc đời.
Tình yêu đôi lứa môn đăng hộ đối trói buộc trên không phải thuần túy phong kiến hẹp hòi, mà biểu lộ sự cân xứng về tư duy nhận thức giữa hai người, sẽ dễ hòa hợp khi sống chung. Người bình dân trong thực tế vẫn có tự do luyến ái theo quan điểm của mình, nhưng vẫn thường bị áp lực gia đình, phải chia tay người thương để chọn lựa hôn nhân. Yêu mà không cùng chung lối về, hay phải chia ly thì bao giờ cũng tha thiết và đẹp cả. Tha thiết cho cả hai hay cho một người để sang sông hay ở lại làm kỷ niệm.
Ở bài
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống rơm
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai
Và
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Bài trên thầy nhấn mạnh cách sử dụng từ “ai” phiếm chỉ này mà lại ám chỉ trong cách dùng chỉ có trong thơ tiếng Việt. Chính điệp từ “ai” này và âm điệu của nó, làm quặn đứt tâm can hơn là dùng bất kỳ danh từ hay đại từ nào.
Hai bài trên đã nói lên tình yêu say đắm của người con gái với vết thương lòng ray rứt khôn nguôi, họ vì tình yêu sẵn sàng chấp nhận hèn mọn dù biết là vô ích vì với mình người ta chỉ còn lại chán chường nhưng vẫn cố bám vào hy vọng:
Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng
Chàng ơi đưa gói thiếp mang
Đưa khăn thiếp vắt cho chàng đi không
Bài Tát nước đầu đình nói lên một hạnh phúc giản đơn nhưng được tìm thấy là nhờ duyên phận:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Thầy giảng: “Sen làm gì có cành mà vắt áo, mà áo có mồ hôi nặng trịch, ai thèm lấy” đó là hư cấu, lấy cớ để tỏ tình và tán gái để đầu ngoài sân sau lần vô bếp. Vì sao lấy áo có mồ hôi? vì khi yêu thì yêu cả cái tốt lẫn cái xấu, “tình yêu như thương áo, quen hơi ngọt ngào” (Trịnh Công Sơn) và không gì hạnh phúc hơn khi tìm được người mà ta mong ước chỉ bằng vào một lần tìm kiếm và gặp gỡ đầu tiên.”
Rồi bài:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ
…
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ
Đó là tan vỡ của dự ước chung đôi, hạnh phúc đã ở ngoài tầm tay, dù vẫn đợi chờ chung thủy mà không chắc được người thương tưởng, khi lòng của người tình không còn hình bóng của mình nữa. Dù quyết chí tìm chàng, nhưng khi đã chia lìa thì biết đâu tìm, dù có chấp nhận gian khổ đi chăng nữa, cũng không bao giờ tìm được.
Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương
Thầy nói: Nếu người con gái bị đau khổ vì tình phụ, thì người con trai nào có kém gì, vì nghĩ mình là người chủ động vì thế chủ quan mọi chuyện ở trong tầm tay, nhưng đâu chỉ có một mình ta, mà còn có những chàng trai khác nữa nên đành lỡ hẹn, còn lại một sự tiếc nuối nhẹ nhàng mà chua chát khi đã mất rồi:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay.
Và:
Ngày đi trúc chửa mọc măng
Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre
Ngày đi lúa chửa chia vè
Ngày về lúa đã đỏ hoe đầy đồng
Ngày đi em chửa có chồng
Ngày về em đã tay bồng tay mang.
Đó là vì anh, tại anh “Sao không hỏi những ngày còn không” nên mới lỡ làng đôi ta. Khi đưa tay hái nụ “tầm xuân” chợt nhận xuân đã mất rồi, mất cả người yêu lẫn tuổi thanh xuân. Đã biết tình yêu là lẽ sống của con người mà không nhận chân được sự việc đến nỗi lỡ hẹn, thì còn gì nữa mà nuối tiếc.
Cả khi người con trai chủ động mạnh dạn tỏ tình nhưng bị chối từ rồi đâm ra hối tiếc, tự giận và ngộ ra rằng mình đã mất công, mất cả một thời đeo đuổi:
Cầm vàng mà lội sang sông
Vàng trôi không tiếc, tiếc công cầm vàng
Tình yêu là dâng hiến cho nhau, nếu không được đáp trả, có tiếc gì tình yêu chỉ tiếc mối tình cho sai đối tượng. Sự diễn đạt cụ thể bằng “vàng” mà rất trừu tượng. Với người bình dân vàng là biểu tượng quý giá nhất, nên tình cảm chân thật của trái tim cũng là vàng, vì đó là cái quý nhất của con người khi lớn lên: Tình yêu. Vốn quý của tuổi hoa niên khi đã đem cho, trao tặng, ngỡ rằng được chút đáp trả, ngờ đâu người chỉ thờ ơ lạnh nhạt. Câu ca dao trên có thể diễn đạt: cho không bao giờ tiếc, không nhận hay nhận mà không biết dùng mới tiếc. Nói như nhà thơ Xuân Diệu trong bài “Tình thứ nhất”
Em đã xé lòng non cùng giấy mới
Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê
…
Tình cho đi không lấy lại bao giờ.
Người con trai dù không bi lụy, cũng không thể không có những giây phút mềm yếu chạnh lòng, vì thiết tha muốn được gần gũi người thương mà phải buông rời tay, ly biệt ra đi chấm dứt một cuộc tình:
Còn đêm nay nữa mai đi
Lạng vàng không tiếc, tiếc khi ngồi kề
Còn đêm nay nữa mai về
Lạng vàng không tiếc, tiếc kề môi son
Thôi thì:
Anh về để áo lại đây,
Để khuya em đắp kẻo ngọn gió tây lạnh lùng.
Biết đâu rằng cuộc đời ngoài kia còn tiếp diễn lạnh lùng hơn nữa.
Nhắc đến các bài ca dao đã được học này, tôi nhớ bạn Lê Mậu Minh thuở còn là sinh viên cùng ở cư xá Xavier tại Huế, đã nhờ tôi nhét thư tình vào cặp vở của cô gái tên Thương để rồi trở thành hồi tưởng, thốt lên nỗi ngậm ngùi than thở trong câu thơ gởi cho tôi:
Thư tình nhờ bạn thân trao
Thương ơi, có đọc chút nào không Thương
Tôi muốn khuyên Mậu Minh hãy để tình ấy thành ra kỷ niệm êm đềm, đừng gợi lại nữa vì ngay thuở xưa, tình ấy đã là một mối tình tuyệt vọng chán chường rồi, nên mới hỏi:
Nếu xưa hoa đã hái rồi
Tơ vàng chiếc áo bồi hồi nữa không?
Chỉ những mối tình dang dở tuyệt vọng mới bắt ta hoài niệm hay nhớ tiếc vì nó ở ngoài tầm tay hay vì ta yếu đuối không đủ năng lực? Còn nếu chiếm hữu được rồi thì nó có trở nên tầm thường không? Minh còn nhớ bài thơ “Kim Lũ Y” của Đỗ Thu Nương đời Đường không?
Khuyến quân mạc tích kim lũ y
Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì.
Hoa khai kham chiết trực tu chiết,
Mạc đãi vô hoa không chiết chi.
Khuyên chàng chớ giữ áo tơ,
Mà nên giữ lấy tuổi thơ của mình
Hoa vừa lứa được bẻ đi
Chần chờ hoa rụng còn gì là xuân.
Hồ Đắc Định
Qua những giờ học ca dao với thầy Bá, lớn lên tôi nhận định: Nếu cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi ta bên nhau, nguyện cùng sống chung đôi hòa hợp, không có em cũng như trời đất không có mùa xuân thì “Còn gì hơn đâu anh, Còn gì nữa đâu em?” Sao không dám phá bỏ những ước lệ định kiến cuộc đời để được tự do sống, sao lại dại khờ chấp nhận số phận như Alisa bước vào “Khung Cửa Hẹp”, để thấy được gì?
Tiếc nhau chi mai mốt đã xa rồi
Xa là chết, hãy tặng tình lúc sống.
Xuân Diệu
Hay như Thúy Kiều khi vào lầu xanh để rồi ray rứt nuối tiếc:
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
Vì ai ngăn đón gió đông
Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi
Định mệnh chăng? Hay không dám sống vì mình?
Chinh Phụ Ngâm
Khi bắt đầu học Chinh Phụ Ngâm, thầy biểu về nhà học 412 câu và thầy sẽ dò bài. Tôi và Nghĩa hỏi làm sao dò bài để biết học sinh thuộc hết tác phẩm Chinh Phụ Ngâm? Thầy bảo có hai cách: Cách thứ nhất là đọc thuộc một đoạn chừng 16 câu do thầy yêu cầu đọc bất kỳ chỗ nào trong sách. Cách thứ hai là thầy đọc một câu, trò đọc tiếp một câu. Thầy đọc năm lần, bất kỳ đoạn nào mà học sinh đọc theo được là thuộc hết khúc ngâm. Nhờ vậy mà chúng tôi ai không thuộc thì cũng có nhớ ít nhiều Chinh Phụ Ngâm. Thầy còn khuyên nên học một ít nguyên bản chữ Hán để đối chiếu và hiểu rõ tài năng dịch của Đoàn Thị Điểm. Chúng tôi học theo bản sách Vân Bình Tôn Thất Lương soạn. Mở đầu Chinh Phụ Ngâm thầy đọc:
Thiên địa phong trần,
Hồng nhan đa truân.
Du du bỉ thương hề thùy tạo nhân.
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này
Khi gió bụi nổi lên ở sa trường thì nó cũng lan tới chốn khuê phòng, và đồng thời gây ra một tiếng kêu đau thương của một tâm thức lãng mạn đang tự biết mình cho nên đã để lời trào thành tiếng nói trước số phận của cuộc đời, đó là tiếng nói của nội tâm chân thật, mà không có gì làm sáng tỏ nội giới con người bằng tình yêu đôi lứa. Khuôn mặt đàn bà chỉ là phụ thuộc, qua đó phô bày tất cả thảm trạng của thân phận làm người. Người chinh phụ không nói về tình cảm của đối tượng mà nói về tình của chính mình. Khúc ngâm là cả một chữ tình cùng với những biến thiên của ý niệm, trong tâm trạng ấy ta có thể hình dung được người chinh phu nơi sa trường: Nỗi mong ngóng, sự nhớ nhung, đau khổ của người chinh phụ thì cũng chính là nỗi lòng của người chinh phu. [Sau này Trịnh Công Sơn cũng diễn cùng một ý như thầy Bá, khi trả lời phỏng vấn của tờ báo News Week (1) , xem chú thích cuối trang 36]
Chinh Phụ Ngâm như một bức bích họa, chỉ cần nhìn vào đó là thấy được tất cả hình ảnh của chinh phu, diễn tiến của trận đánh, di chuyển của đoàn quân và sự nhọc nhằn gian khổ:
Quân trước đã gần ngoài Doanh Liễu, Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương.
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại, Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang. Non Kỳ quạnh quẻ trăng treo, Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.
Xông pha gió bãi trăng ngàn, Tên gieo đầu ngựa, giáo lan mặt thành.
Ôm yên gối trống đã chồn, Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.
Nhưng nào có ai biết được sự can trường, có ai quan tâm đến sự hy sinh của người chiến sĩ vô danh. Người gây ra cảnh gió bụi thì chỉ biết an nhàn hưởng thụ:
Trên trướng gấm có hay chăng nhẽ,
Mặt chinh phu ai vẽ cho nên.
Chỉ có một người biết vì luôn theo dõi chồng nơi sa trường, sẳn sàng chia sẻ và cùng đau khổ với người yêu, những nỗi niềm mà người chinh phu không biết ngỏ cùng ai ngoài người chinh phụ ở trong cánh cửa:
Xưa nay chiến địa dường bao,
Nội không muôn dặm biết bao dãi dầu.
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu,
Thương người áo giáp bấy lâu.
Tưởng chàng giong ruổi mấy niên,
Chẳng nơi Hãn hải thời miền Tiêu quan.
Những người chinh chiến bấy lâu,
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây.
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Trong phạm vi văn chương, thầy nhận xét: Nguyên văn Chinh Phụ Ngâm viết theo lối nhạc phủ, không bó buộc về gieo vần hay đặt câu, lối thơ này được truyền hưởng, cảm thông nhiều hơn là lý luận phân tích, vì nội dung của nó là tình cảm, là tâm thức của con người. Về bản dịch, Đoàn Thị Điểm đã sử dụng thể Song thất lục bát để diễn đạt, mà chỉ có thể thơ này mới hợp với khúc ngâm, lúc dồn dập, lúc hờn oán, giận dỗi, lúc tỷ tê, lúc tự tình độc thoại phù hợp với tâm trạng của người chinh phụ:
Đèn có biết, dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng, bi thiết mà thôi
Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương
Thư thường tới, người không thấy tới
Bức rèm thưa, lần rải bóng dương
Bóng dương mấy buổi xiên ngang
Lời sao mười hẹn, chín thường đơn sai
Nếm chua cay, tấm lòng mới tỏ
Chua cay này há có vì ai
Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi
Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề
Thể thơ song thất lục bát là thuần Việt, tiết tấu của câu đôi 7 chữ của thể này hoàn toàn khác với thơ 7 chữ của Trung Quốc. Tiết tấu của nó là nhịp 3/2/2
Thuở trời đất / nổi cơn / gió bụi,
Khách má hồng / nhiều nỗi / truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ?
Hay
Xin làm bóng / theo cùng / chàng vậy
Chàng đi đâu / cũng thấy / thiếp bên
Trong khi đó thơ 7 chữ của Trung Quốc (Đường thi, Thất ngôn cổ phong hay Tứ tuyệt) nhịp thơ luôn là nhịp 2/2/3 trái ngược với thơ Song thất của Việt Nam. Ví dụ, trong bài Đường thi
Hoàng Hạc Lâu.
Tích nhân / dĩ thừa / hoàng hạc khứ
Thử địa / không dư / Hoàng Hạc Lâu
Hoàng hạc / nhất khứ / bất phục phản
Bạch vân / thiên tải / không du du
Tình xuyên / lịch lịch / Hán dương thụ
Phương thảo / thê thê / Anh vũ châu
Nhật mộ / hương quan / hà xứ thị
Yên ba / giang thượng / sử nhân sầu
Thôi Hiệu
Lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây hoàng hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Tản Đà
Hay trong bài Tứ tuyệt:
Hoài Thủy Biệt Hữu
Dương tử / giang đầu / dương liễu xuân
Dương hoa / sầu sát / độ giang nhân
Sổ thanh / phong địch / ly đình vãn
Quân hướng / Tiêu tương / ngã hướng Tần.
Trịnh Cốc
Tiễn Bạn Ở Sông Hoài
Đầu sông dương liễu thắm tươi
Hoa dương sầu giết một người sang sông
Ly đình sáo vẵng chiều tàn
Đất Tần bạn đến sông Tương tôi về.
Trần Trọng San
Và ngay thể thơ 7 chữ như vậy ở trong văn chương Việt Nam cũng theo tiết tấu Trung Quốc:
Gió thầm / mây lặng / dáng thu xa
Nắng nhỏ / bâng khuâng / chiều lỡ thì
Xuân Diệu
Thuyền về / nước lại / sầu trăm ngả
Củi một / cành khô / lạc mấy dòng
Huy Cận
Chính tiết tấp nhịp 3 là tiết tấu chủ đạo mở đầu trong 1 câu thơ thuần Việt, nên sau này thơ 8 chữ cũng giữ nhịp 3/2/3 hay 3/3/2
Con chim hồng / trái tim nhỏ / của tôi
Mau với chứ / thời gian / không đứng đợi
Xuân Diệu
Người cũng vậy / lòng muôn nghìn / dối trá
Vờ yêu thương / vờ đắm đuối / ân tình
Tôi trót dại / tin lời / trao tất cả
Đâu biết người / mang nửa dạ / yêu tinh
Trần Thy Nhã Ca
Em có nghe / trong âm thầm / lá úa
Tiếng thời gian / khắc khoải / chết trong ta.
Đêm lênh đênh / lòng phố vắng / ơ hờ,
Ngày ngất tạnh / những cung đường / mỏi mắt.
Nguyễn Đình Hạnh
Sau này tôi càng phục thầy Bá khi đọc bài viết “Tính đối kháng trong văn học Việt Nam” của Doãn Quốc Sỹ, vì tác giả cũng dẫn chứng nhịp 3 này trong thơ Việt Nam để nói đến tính độc lập, tự cường của người Việt và vì thế mới giữ độc lập trước ngoại xâm.
Còn về sử dụng từ ở trong 2 câu thơ Chinh Phụ Ngâm của bản Vân Bình Tôn Thất Lương là:
Nước trong chảy, lòng phiền chẳng rửa
Cỏ xanh thơm, dạ nhớ chẳng khuây
Thầy diễn ý rằng: Với tâm trạng đau xót của người vợ tiễn chồng, người chinh phụ không còn lòng dạ nào mà chú ý đến nước trong hay đục, cỏ xanh hay héo úa, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nên trong một bản khác câu này đúng hơn
Nước có chảy, lòng phiền chẳng rửa
Cỏ có thơm, dạ nhớ chẳng khuây.
Thầy Bá có sử dụng rất nhiều từ ngữ và ý tưởng của giáo sư Lê Tuyên trong “Chinh phụ ngâm khúc và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày”. Nhưng thầy không khai thác khía cạnh lãng mạn lưu đày theo giáo sư Lê Tuyên mà khai thác theo hướng khác, đó là tính hiện sinh trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm.
Thầy giảng: Gabriel Marcel nói về dự ước chung đôi của con người: Il faut être deux, pour nommer que le ciel est beau (Phải là hai mới nói lên được trời đẹp). Đây là tình yêu được sống dậy, dù có vị kỷ hay tương khắc với công lệ của cuộc đời thì cũng đúng. Không có gì vị kỷ bằng tình thương mà cũng không có gì chân thành bằng tình thương. Người chinh phụ dám nói ra tiếng nói chí tình, mà người sống vì công lệ thì không bao giờ dám nói ra dù lòng muốn thế:
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong
Chẳng hay muôn dặm ruổi dong
Lòng chàng biết có như lòng thiếp chăng
Lòng chàng ví cũng bằng như thế
Lòng thiếp riêng đâu dám gần xa
Hướng dương lòng thiếp như hoa
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương
Tất cả trách móc ấy đều do chân thành mà có, sở dĩ có chân thành là vì có ước ao được sống, thôi thúc con người khi đã hiện sinh
Khách phong lưu đang chừng niên thiếu
Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên
Nỡ nào đôi lứa thiếu niên
Quan san để cách hàn huyên sao đành
Hay:
Đời người thấm thoắt qua màu xuân xanh
Vì hiện sinh mà chinh phụ đã sống một kiếp lưu đày tình cảm. Nàng như một số phận bị bỏ quên và tiếng lòng khi vang lên là để nói với cuộc đời rằng mình đang hiện hữu. Vậy mà cũng thua cả loài vật và vật vô tri “bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền” cho nên chỉ còn biết:
Vui còn hồn mộng được gần
Đêm đêm thường đến Giang Tân tìm người
Giận thân thiếp lại không bằng mộng
Được gần chàng bến Lũng thành Quan
Khi mơ những tiếc khi tàn
Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không!
Tuyệt vọng ở Roméo và Juliette là một tuyệt vọng bế tắc, khi Shakespeare viết “Oh love, oh life, not life but love in death” (Ôi tình yêu, ôi cuộc sống, nếu không được sống với nhau, thì được chết để yêu nhau) như vậy không bằng nàng chinh phụ mà Đặng Đặng Trần Côn đã viết:
Ninh cam tử tương biệt
Hà nhẫn sinh tương ly
Tuy nhiên tử tương kiến
Hạt nhược sinh tương thùy
Thà chết mà phải ly biệt nhau,
còn hơn cùng sống mà chia lìa,
Tuy nhiên chết mà được gặp nhau,
sao bằng được sống mà yêu nhau.
Như Roméo thì đâu còn ý nghĩa hiện sinh trên cõi đời này nữa, cho dù thế nào chăng nữa thì giá trị là ở chỗ còn sống, nên tuyệt vọng của chinh phụ là một tuyệt vọng hy vọng:
Thiếp xin muôn kiếp duyên này
Như chim liền cánh, như cây liền cành
Đành muôn kiếp chữ tình là vậy
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung
Tính hiện sinh còn thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi biết rằng mình là một kẻ mất hết hạnh phúc, đang bị lưu đày trong cuộc đời, thì chỉ có mơ về người yêu trong giấc mộng,
Duy còn hồn mộng được gần
Đêm đêm thường đến Giang Tân tìm người.
Níu kéo được chừng nào hay chừng ấy khi còn sống; hãy hưởng những giờ phút hiện tại, đừng bao giờ hờ hững với nó, để nó đi qua rồi hối tiếc
Xin làm bóng theo cùng chàng vậy
Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên.
Chàng nương vầng nhật phỉ nguyền
Mọi điều trung hiếu thiếp xin vẹn toàn
Dù không có được gì trong giấc mơ, nhưng nó sáng liên hiện hữu tìm về chung đôi của mình trong kiếp sống này, dù đang sống lìa đôi, nhưng lìa đôi không ngăn cách được chung đôi khi lòng ta đã quyết định.
Xin vì chàng thay bào cởi giáp
Xin vì chàng rủ lớp phong sương
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng
Và
Giở khăn lệ chàng trông từng tấm
Đọc thơ sầu chàng thấm từng câu
Rồi không chỉ dừng lại ở kết hợp lứa đôi:
Sum vầy mấy lúc tình cờ
Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân.
Mà còn hơn thế nữa:
Liên ngâm đối ẩm từng phiên
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già
Cho bõ lúc xa sầu, cách nhớ
Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình.
Chưa ai nói được cái bao la đau thương của sự nhớ thương bằng người chinh phụ trong lưu lạc tìm đến một đối tượng để mơ về mà chẳng bao giờ gặp được, vì đối tượng ấy vốn không có nữa ở dưới mỗi chân trời, thật xót xa tội nghiệp…
Toàn bộ tác phẩm Chinh Phụ Ngâm là một tiếng kêu nấc nghẹn của một con người, từ đau thương con người biết mình vì sao thống khổ và cũng từ đau thương mà con người hằng mơ tưởng đến yêu thương.
***
Thời kỳ học Chinh Phụ Ngâm này, thầy rất vui vẻ và tận tình với học sinh. Ai không hiểu điều gì, cứ hỏi và tranh luận với thầy cho đến khi sáng tỏ vấn đề. Thầy thường giảng cho tôi những gì tôi đọc không hiểu trong hai quyển sách của Giáo sư Lê Tuyên mà thầy cho: “Tìm về triết lý cuộc đời qua Ca dao Việt Nam” và “Chinh phụ ngâm khúc và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày” mỗi khi thầy đến chơi nhà tôi. Hồi đó tôi mê cờ tướng và đánh thắng thầy dễ dàng. Thầy khuyên tôi nên dành thì giờ để luyện văn và học ngoại ngữ, vì đánh một ván cờ năng lượng tiêu hao bằng học thuộc hai mươi câu thơ hay hai mươi từ vựng, tôi nghe lời và bỏ cờ tướng từ đó. Tôi cũng hay đến nhà trọ của thầy, ở gần bên rạp chiếu phim Đại Chúng. Thầy ở chung với thầy Lô và thầy Phan Minh Ân. Ngoài tôi, Đỗ Tư Nghĩa, Nguyễn Thắng, chị Ngọc Lan và các bạn khác cũng thường đến thăm thầy ở đây.
Có lần chị Ngọc Lan thêu một áo gối màu xanh nhạt hình thiếu nữ Nhật Bản cầm dù, tôi có thấy và nghĩ chị thêu cho chính chị. Ba của chị Lan ở trên lầu xuống bắt gặp và hỏi thêu cho ai? Chị Lan nói dối “Đức nhờ thêu”. Bẵng một thời gian, nghỉ 2 giờ cuối buổi chiều, trên đường về thấy thầy đứng ở hiên nhà, tôi vào thăm. Thấy gối của thầy được bọc bởi cái áo gối đó. Tôi nói “Thật là quýt làm cam chịu”, thầy được hưởng mà em thì mang tiếng oan. Thầy hỏi sao vậy? Tôi kể câu chuyện và thầy nói “Để thầy trả áo gối này lại cho em”. Tôi cười “Vấn đề là chị Lan cho người nào áo gối, chứ đâu phải là thầy cho”. Sau đó hai thầy trò qua bên kia đường ăn chè và nói chuyện.
Cuối năm 1964, trước nghỉ tết học trò đóng góp tổ chức liên hoan và xin thêm tiền quý Thầy Cô mua mứt, bánh kẹo và hạt dưa tập trung mang đến lớp, dọn lên bàn, rồi mời thầy cô chủ nhiệm và bộ môn đến chung vui. Hôm đó, thầy Bá tham dự lớp chị Lan. Phần văn nghệ cố nhiên là học trò hát chính, sau đó mời quý thầy cô. Đến lượt thầy Bá được mời. Thầy đứng dậy, giới thiệu bản nhạc Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước, rồi hát (Chắc chị Lan lúc đó thích chí lắm!) Tan buổi liên hoan, các lớp lần lượt ra về. Tôi đi cùng Nghĩa, nghe các bạn trai lớp chị Lan cười nói: “Vậy là mất Ngọc Lan rồi nhé! Thầy Bá vừa mới hát tặng người đẹp bài hát Ngọc Lan đó”. Trước khi thầy về Huế ăn tết, thầy và tôi gặp nhau, tôi thuật lại lời nói ở buổi liên hoan vừa qua. Thầy trả lời: “Người ta tặng mình áo gối thì mình cũng lịch sự đáp lễ thôi, không có ý gì cả, cái gì của César thì vẫn là của César, em đừng lo”. Thầy Bá với chúng tôi luôn thân mật như một người thầy, người anh, và là người bạn.
Chú thích:
(1) Tháng 4/1970 Ông Paul Roger, phóng viên báo News Week đi cùng ông John Schaffer, thầy dạy tôi môn History ở ĐH Sư Phạm Huế, đến phỏng vấn Trịnh Công Sơn. Tôi là người dịch trực tiếp cho ông Roger nghe và tốc ký. Còn ông Schaffer thì trực tiếp nghe và tốc ký. Sau đó đối chiếu lại hai bên để so sánh sự chính xác. Ông Roger hỏi Trịnh Công Sơn: “Anh là người đứng ngoài cuộc chiến, làm sao anh có được cảm nhận và niềm hứng khởi để sáng tác các tình khúc phản chiến?” Dịch xong tôi nói với anh Sơn: “Theo em, ý của ông ta là anh trốn lính cho nên đứng ngoài cuộc chiến”. Để anh Sơn suy nghĩ, tôi quay sang ông Roger và nói “Nhà văn không nhất thiết phải tham gia hành động mới mô tả được, khi họ diễn tả một hành động sát nhân không nhất thiết bắt họ phải đi giết người trước; mà ngay cả chính tên sát nhân chưa chắc đã mô tả lại hành động này một cách kịch tính như nhà văn. Đó chính là tài năng của những thiên tài sáng tác, Trịnh Công Sơn cũng thế”. Sau phút suy nghĩ, Trịnh Công Sơn trả lời rất hay: “Khi gió bụi chiến tranh nổi lên ở sa trường, ngay cả người thiếu phụ ở chốn phòng the cũng chịu ảnh hưởng, huống hồ là tôi. Tôi là người Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này, thì cuộc chiến này là cuộc chiến của tôi. Ông dù có cầm súng trực tiếp tham chiến, thì đây cũng không phải là cuộc chiến của ông. Ông không thể có những cảm xúc lo âu, đau đớn, và có tình tự dân tộc như tôi được. Vả lại hằng ngày tôi chứng kiến, đọc trên báo, nghe tin tức về từng trận đánh như cơm bữa, thì làm sao mà đứng ngoài cuộc chiến được. Ngay như trước mặt nhà tôi trên con đường đi đến cầu Bến Ngự, hằng ngày buổi chiều tôi thấy một thiếu phụ thất thểu, tóc tai rũ rượi lang thang như người điên vì chồng chết trận, tôi cảm xúc viết nên “Tình khúc người đàn bà mất trí”.)
Vào Nơi Gió Cát
Thầy Bá nhập ngũ năm 1965, được huấn luyện tại Trường sĩ quan dự bị Thủ Đức. Ra quân ngũ hai năm rồi được biệt phái về dạy tại trường Nguyễn Hoàng. Bước đầu huấn luyện thầy rất “khổ”, đúng như những người đã được huấn luyện tại nơi đó nói “Hai mũ cối mồ hôi, một bi đông nước mắt, để đổi lấy một quai chảo” (tức quân hàm Chuẩn úy). Hồi ấy tôi dù còn nhỏ, nhưng thường viết thư thăm hỏi thầy hầu mang một chút không khí quê hương đến cho thầy đồng thời kể những đổi thay trong lớp, trong nhà trường cho thầy biết, nên thầy rất vui. Trong một lá thư trả lời cho tôi thầy viết “Đức biết không, người thầy nặng khoảng 45kg, mà hành trang ba lô trên vai gần 20kg. Súng trường Garant M1 nặng 4kg và một bi đông nước gần 1kg, bằng hơn một nửa thân xác của thầy; khi người lính đi tập luyện hằng ngày trên bãi tập, hành quân dã trại, cái gì quý nhất? Đó là những bóng râm của lùm cây để rúc vào trốn nắng và giải mệt. Thư của em đến với thầy như những bóng mát đó, thật cảm ơn em. Thầy đọc đi đọc lại lá thư của em cũng như thư của gia đình thầy những lúc nghỉ ngơi và rất hãnh diện vì những người thầy khác cũng nhập ngũ như thầy, chưa chắc đã có những học trò viết thư thăm hỏi như em, dù các học sinh của các thầy đó cũng có nghĩ đến thầy cũ của họ. Đọc thư em là lúc được mơ về những kỷ niệm đã qua, nhớ trường, nhớ bục giảng, nhớ học trò, lại nhớ thêm quãng đời sinh viên, giảng đường và bạn cũ cùng với thời gian đi dạy ngắn ngủi của mình.” Trong thư viết cho thầy, tôi hay nhắc lại và trao đổi những nội dung “Chinh Phụ Ngâm” mà Lê Tuyên đã viết và thầy đã dạy.
Ngay thư đầu tiên gởi Thầy, tôi mở đầu “Chàng thì đi vào nơi gió cát, Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao” và thầy trả lời tiếu lâm “Thầy đã đi vào nơi gió cát, Trưa nắng này nghỉ mát đọc thư em.” Sau khi rời trường Võ bị Thủ Đức thầy ra đơn vị, rồi biệt phái về dạy lại Nguyễn Hoàng, thời gian này tôi không liên lạc thư từ với thầy vì vừa lo sinh kế vừa lo học nên rất khó có thời giờ. Sau khi ổn định, có đủ tiền đi học, tôi biết được thầy đổi về Huế dạy là nhờ anh Cơ, Trung úy biệt phái, dạy cùng trường với thầy, đang ghi danh học chứng chỉ Văn hóa Anh Mỹ cùng với tôi tại Đại học Văn Khoa. Tôi liền rủ Nguyễn Thắng đến thăm thầy nhiều lần. Nhà của thầy ở trong vườn cây râm mát, trở mặt ra sông. Những buổi nói chuyện chỉ là thăm hỏi sức khỏe, sinh hoạt thế sự, thầy thường hỏi Thắng vấn đề chuyển ngữ tiếng Việt trong giảng dạy ở Đại học Y khoa như thế nào? Và Thắng trả lời là vẫn còn sử dụng nhiều tiếng Pháp vì phần nhiều là các giáo sư tốt nghiệp tại Pháp dạy, hơn nữa các danh từ chuyên môn bệnh lý, các loại vi trùng, thuốc… không thể không dùng tiếng Pháp vì thế phải giỏi tiếng Pháp. Thầy hoàn toàn đồng ý. Thầy và tôi không còn nói về văn chương nữa vì thơ, truyện Anh Mỹ thầy không học và không đọc. Đối với dân học tiếng Pháp như thầy thì thường dị ứng với văn chương Anh Mỹ, dù có rất nhiều nhà văn, thơ Anh Mỹ đoạt giải thưởng Nobel; nhưng với thầy thì làm sao mà đạp đổ được các thần tượng văn học của kinh đô ánh sáng Paris.
Gian Khổ Mưu Sinh
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
(Kiều)
Tôi biệt tin tức thầy sau ngày giải phóng 1975, vì vợ chồng tôi vừa cầm phấn vừa cầm cuốc mới tạm đủ nuôi mẹ già và các con dại thời bấy giờ. Ngày thường mặt úp xuống đất, lưng trông lên trời, chỉ trừ những giờ lên bục giảng cầm phấn mới được đứng thẳnglưng
Đến năm 1990, để thay đổi cuộc sống, tôi “tháo giày”, bỏ cuốc, bỏ cả ruộng đồng vào Sài Gòn làm việc. Sau một năm, gặp Thái Thạch và giới thiệu việc làm cho Thạch ở 289 Điện Biên Phủ, Quận 3, TP HCM. Ổn định công việc, một buổi sáng sớm, theo địa chỉ được biết Thạch dẫn tôi đi tìm thăm thầy Bá. Nơi đến là cửa hàng sang bán băng dĩa nhạc “Bạch Yến” trên đường Cách Mạng Tháng 8 thuộc quận Tân Bình. Chúng tôi đóng vai người đi mua băng nhạc. Thầy đang lúi húi xếp đặt các hộp băng thì chúng tôi đến. “Xin anh cho tôi sang một băng nhạc xưa”, thầy quay lại và mừng rỡ “Đức, Thạch – Sao tìm được đến đây!”. Thầy trò lặng nhìn nhau: “Những từ sen ngó đào tơ, Hai mươi năm cách trở bây giờ lại gặp nhau”. Thầy lẩm bẩm “thật bất ngờ”, rồi định kéo lại cửa vừa mới mở trước đó một giờ, để đến quán ăn kế cận uống cà phê. Tôi và Thạch không chịu, liền yêu cầu chị chủ quán lấy bàn ghế và cà phê đem tới trước góc cửa hàng thầy. Thầy tâm sự những lao đao, vất vả khó khăn trong cuộc sống; mà thầy thì thư sinh nhỏ yếu, dài lưng tốn vải làm sao bươn chải được. Thầy có về ở Long Thành làm ruộng, rẫy hai năm. Bước đầu đi làm mướn không ai thuê vì sức yếu không quen việc, lao động không bằng người khác. Để kiếm sống thầy ngỏ ý chỉ nhận một nửa tiền công mỗi ngày so với công lao động khác, người ta thương tình mới mướn thầy. Về sau, may mà nhờ bạn hữu giúp, giới thiệu dạy Pháp văn ở một trường tại Sài Gòn được vài năm nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Cuối cùng, thầy kiếm được công việc thích hợp – sang băng đĩa, tạm đủ sống qua ngày. Nhờ hồi xưa thầy nghe nhiều nhạc, nên phân loại chọn bài, sang trước nhiều băng có ghi sẵn tên bản nhạc và người hát, từng loại băng theo sở thích của từng người, họ chỉ việc chọn và mua, chứ không phải đặt hàng chờ đợi như các tiệm khác, vì thế bán được nhiều hơn, và thời gian của thầy cũng thong thả, chủ động. Tôi nói: “Thầy vậy mà may mắn hơn em. Hai mươi năm nay em làm nông là chính, dạy là phụ. Thầy tưởng tượng vợ chồng em cả đời chưa biết cuốc đất mà đánh vồng trồng khoai mì, khoai lang, bắp đậu 02 mẫu (hecta), trồng lúa 5 sào chỉ với cái cuốc, cái cào. Buổi sáng từ 4 giờ vác cuốc đi khu đông thì hình ảnh ngọn núi Nhọn choán ngợp cả tầm mắt, buổi chiều vác cào đi khu tây thì núi Mây Tào giăng kín lối đi “L’âme en peine”, tối mịt mới về. Lúc ấy, hai hình ảnh luôn hiện hữa thường trực trong em, hình ảnh thứ nhất là Nguyễn Du, lang thang trong những ngọn núi ở Hồng Lĩnh khi viết:
Vô cùng kim cổ thương tâm xứ;
Y cựu thanh sơn tịch chiếu hồng
Mạn Hứng 2
(Lòng đau xót cho cuộc thế cổ kim khôn xiết.
Núi xanh vẫn nhuộm ánh chiều hồng như xưa).
Hình ảnh thứ hai là Tô Đông Pha khi bị đày đi Hải Nam vẫn còn ưu thời mẫn thế có nói: “Bình sinh đọc được rất nhiều sách mà không có một chữ cứu đói cho dân.” Em thì bình sinh học 16 năm mà không có một chữ cứu đói cho gia đình mình. Em ngỏ lời này với một vị linh mục giỏi nông nghiệp và được khuyên “Bởi vì mình không biết áp dụng điều mình học để làm, nên mới đói.” Em chợt hiểu Vương Dương Minh với thuyết “Tri Hành Hợp Nhất” và hiểu vì sao kinh dịch luôn đề cập “Thể và Dụng”. Từ đó em áp dụng sở học vào nông nghiệp và trở thành người sản xuất tốt, mới có lương thực đủ dùng. Sau này còn đi bán nước mắm và gạo ở chợ cùng đứa con nhỏ học lớp 9. Gian khổ vô cùng dù không thiếu đói. Chịu không nổi nữa, không lẽ để các con em lớn lên cũng đi làm rẫy, nên vào đây tìm đường sống “lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh” nhờ đó mà gặp được Thái Thạch và gặp lại thầy.”
Sau hàn huyên hơn 2 tiếng đồng hồ, thầy cho tôi địa chỉ nhà số B73 ở đường 3/2 Quận 10 rồi từ đó tôi thường đến thăm và ôn lại tất cả chuyện cũ, trao đổi về thế sự, và các nhận thức văn học theo chiều hướng của người làm kinh tế, chứ không phải của người sinh viên hay thầy giáo nữa. Tôi nói “Với thầy trò mình ngày xưa, niết bàn là “giải thoát, đất hứa” nhưng nay thoát khỏi nghèo đói là đất hứa, là giải thoát phải không thầy?”
Ở Sài gòn, mỗi lần có học trò cũ họp mặt hay liên hoan là tôi và thầy Bá thường có mặt. Có một lần người bạn cũ, tình xưa của chị Ngọc Lan từ hải ngoại về, đặt tiệc và mời bạn bè đến dự. Thầy Bá và tôi được chị Lan mời chứ không phải người tình cũ mời, vì không quen tôi và cũng không học với thầy. Nể lời mời Ngọc Lan và để được gặp các học sinh Nguyễn Hoàng khác như Hồ Sĩ Kỷ, Lê Đình Ân, Nguyễn Thị Huê… Thầy biểu tôi cùng đi.
Tại buổi tiệc, khi sắp xếp chỗ ngồi, thay vì lịch sự phải ngồi bên người tình cũ vượt trùng dương về thăm mình, chị Lan lại chọn ngồi giữa thầy Bá và tôi. Tôi nói:“Ngày xưa với áo gối thêu tặng thầy chị đã gây sóng gió chia rẽ giữa thầy trò rồi, nay chị còn muốn trực tiếp chứng kiến cảnh thầy trò lên sàn đấu hay sao”. Chị Lan ha hả cười và thầy Bá trả lời: “Thầy trò mình thì không sao, thầy luôn nhường em mà, chỉ sợ người ngàn phương “knock out” cả thầy lẫn trò ngay bây giờ mới khổ.” Nhưng không, anh bạn của chị Lan vẫn vui vẻ, cầm bia đến chúc mừng và rất vui được thầy Bá nể tình đến dự.
Nhiều lần tôi đi Đà Lạt, đến thăm Đỗ Tư Nghĩa, rủ Nghĩa đến khách sạn thăm tôi. Chúng tôi nói chuyện với thầy qua điện thoại, mở loa lớn, thầy hỏi thăm điều kiện sống của Nghĩa, đặc biệt là sau khi vợ con qua định cư ở Hoa Kỳ; thầy thắc mắc sao Nghĩa không đi cùng, mà ở một mình như vậy, khi đau yếu lấy ai chăm sóc và hoàn cảnh kinh tế có eo hẹp không? Nghĩa trả lời “Chốn quê hương đẹp hơn cả” và dẫn chứng Chateaubriand trong bài Le sol natal là “chàng chăn chiên chỉ hợp với cánh đồng cỏ và những chú cừu” và trong đó có những nàng tiên đến thăm hoặc an ủi vỗ về qua điện thoại. Nghĩa yêu Đà Lạt và không bao giờ nghĩ là có thể rời Đà Lạt. Rồi thầy và Nghĩa tâm tình riêng về những người tình không chân dung; cuối cùng là trao đổi về những bài thơ mà sau này Nghĩa thu thập vào tập Gởi tình yêu, gởi cuộc đời (1). Khi hai thầy trò trao đổi với nhau tôi thấy thật đồng điệu, và thấy mình đứng bên lề bởi tôi thiên về lý luận và phân tích, ứng dụng hơn. Nói chuyện cho đến khuya, Nghĩa mới giã từ khách sạn tôi ở ngay đầu đường Nhà Chung cạnh nhà thờ Con Gà để tản bộ về nhà số 1/10 cùng đường. Sau này nhiều lần lên Đà Lạt tôi cũng chọn cùng khách sạn để tiện gặp Nghĩa và cùng nói chuyện với thầy Bá. Đặc biệt là trước khách sạn, bên kia đường là quán cà phê đẹp, mà Nghĩa mời tôi cùng uống mỗi lần lên Đà Lạt, hay một mình uống hàng ngày. Thời kỳ này thầy và chúng tôi cũng như với học sinh khác liên hệ thăm hỏi nhau như vậy đó…
Chú thích:
(1) Tập thơ này, Nghĩa tặng tôi 4 bản, một bản dành cho tôi còn 3 bản dành cho các con tôi. Vì sao? Xin nói hơi chi tiết khi nhắc đến hai người ban thân nhất thuở thiếu thời của tôi: Đỗ Tư Nghĩa và Nguyễn Thắng.
Tôi thường kể với các con về những người bạn Nghĩa, Thắng, Văn Quang, Mậu Minh, Đình Hạnh, họ là những người bạn tốt là bến đậu của tư tưởng và đạo đức, là tấm gương để mình phấn đấu học tập, là người cùng mình đối mặt với cuộc đời. Vì vậy con trai thứ tư của tôi luôn quý chiều chú Đỗ Tư Nghĩa; Nếu lên Đà Lạt là ghé thăm ngay, thậm chí còn đưa nhiều em đẹp chân dài lên quây quần quanh chú Nghĩa để nghe thơ, uống cà phê rồi được tặng thơ khiến chú Nghĩa thấy ngày vui qua mau và quên đường về. Còn con thứ hai của tôi rất thân chú Thắng, ra Huế thì nhất định là đi với chú một buổi, vì thế trong lần vào Sài Gòn thăm tôi, Thắng nhất định đi thêm 150km để thăm con thứ 2 của tôi ở Đức Linh – Bình Thuận. Thắng và Nghĩa nói với tôi “Đức hơn tụi mình, vì con của mình không được như thế với bạn của Cha mình”. Tôi trả lời: “Không phải con hai bạn thua con tôi mà vì hai bạn không nói cho con biết những giao tình của chúng ta từ lúc thiếu thời cho đến nay, thì làm sao mà con các bạn có ấn tượng đẹp về những người bạn của cha mình được.” Chúng tôi 3 đứa cùng một tuổi, hai người kia bị gọi bằng chú vì tôi có đến 7 đứa con nhiều hơn hai bạn, mà con trai lại có đến 6 đứa, chỉ một gái mà thôi.
Thi Ca và Nỗi Niềm
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím nầy.
(Kiều)
Thầy Bá có cả thảy 5 tập thơ: ba tập đã xuất bản là Tình Huế, La Poésie Candide, Vô Ngôn Kinh, thầy đều dành tặng cho tôi. Hai tập chưa xuất bản: Ce Qui Flotte Dans Les Nues và Nếu Vắng Em; và có thơ trong tuyển tập Chút tình với Huế gồm 42 tác giả.
Tập thơ thứ nhất: Tình Huế
Thập niên 90, trung bình ba tháng tôi đến thăm Thầy một lần, thường gọi trước để thầy khỏi đi vắng. Một hôm tôi đến, Thầy lấy tập thơ Tình Huế đã đề tặng sẵn cho tôi. Thầy nói trong này có 2 bài thơ thầy tặng cho em, kỷ niệm hồi thầy dạy Nguyễn Hoàng. Đó là bài Chinh phụ và tôi (1) đề tặng Đỗ Tư Nghĩa – Đoàn Đức – Lê Quý Phi. Bài Chinh phụ và tôi (2) tặng Lê Thị Vân (chị Vân hồi đó cùng học Tam C với tôi, sau đó nghỉ học đi lấy chồng. Chị có mời tôi và thầy Bá dự đám cưới). Bài Cao dao trông thì đề tặng Đoàn Đức và Nguyễn Trinh.
Tôi ngồi đọc một mạch hết tập thơ và bài tựa của Tạ Nghi Lễ. Tôi hỏi thầy sao không nhờ anh Đỗ Tư Nhơn, Nguyễn Đình Hạnh hay Đỗ Tư Nghĩa đề tựa. Thầy nói vì Tạ Nghi Lễ nổi tiếng, nhiều người biết. Tôi nói “Em không nói là Nghi Lễ đề tựa hay hoặc dở, nhưng tập thơ tên là Tình Huế mà Nghi Lễ thì không một tình nào cho (Huế của) thầy, chỉ viết một cách máy móc như giới thiệu chỉ để mà giới thiệu. Không vì Phạm Công Thiện đề tựa khen ngợi truyện Ngày vui qua mau của Tuấn Huy mà truyện đó được nổi tiếng. Nhưng Phạm Công Thiện đã làm được một điều là nói lên tình bạn và cảm xúc đồng điệu của mình đối với Tuấn Huy. Không vì Bùi Giáng nhiệt liệt giới thiệu bộ truyện Xác chết loạn giang hồ mà người ta đọc truyện này nhiều hơn truyện của Kim Dung như Anh Hùng Xạ Điêu, Ỷ Thiên Đồ Long Ký hay Thiên Long Bát Bộ…, nhưng Bùi Giáng có những nhận xét mới lạ và thích thú thực sự đối với Tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình này. Tác phẩm tự bản thân của nó đã có giá trị, người đời nay chưa hiểu, nhưng sẽ có người đời sau thích nó, trong lịch sử văn chương đã có nhiều tác phẩm chứng minh điều đó. Cũng có thể nói như nhà thơ Mỹ Robert Frost “The right reader of a good poem can tell the moment it strikes him that he has taken an immortal wound that he will never get over it.” (Một đọc giả sành khi đọc một thi phẩm có giá trị có thể nói rõ lúc thi phẩm đó gây ra trong lòng mình một vết thương bất diệt, một vết thương không bao giờ hàn gắn được.) Điều này có thể cảm nhận được trong phần hai của tập thơ. Tạ Nghi Lễ không đề cập đến phần hai này của tập thơ, gồm 19 bài so với 22 bài của phần một, là tiếng lòng thổn thức đối với người tình, người tri kỷ, người vợ thân yêu của mình; là tiếng khóc cho mình cho con và cả cuộc đời còn lại; tha thiết đắng cay như Tương Phố khóc chồng, day dứt đau khổ như Đông Hồ khóc vợ.
Trừ một bài, còn lại 18 bài của phần 2, sau khi đọc hết em cảm nhận được lời của Alfred de Musset “Les plus dèsespêrés sont les chants les plus beaux, et j’en connais d’immortels qui sont de purs sanglots.” (Khúc đoạn trường là khúc ca hay nhất, và tôi biết những khúc ca bất hủ chỉ là những tiếng thổn thức đơn thuần) ; vậy mà người đề tựa lại bỏ qua. Với em phần hai của tập thơ Tình Huế là một biến tấu của số phận làm cho thầy sáng tác nên “mỗi lời thơ đều dính não cân ta” (Hàn Mặc Tử). Tôi nói “Nếu anh Đỗ Tư Nhơn viết tựa cũng sẽ cân đối và chú trọng phần hai như em, khi viết đề tựa tập thơ của thầy. Ngay hồi còn là sinh viên năm thứ nhất, anh Nhơn có viết một bài phê bình nhà văn Mai Thảo, chủ bút tờ nguyệt san Sáng Tạo nổi tiếng bấy giờ, về truyện ngắn của ông Chuyến viễn du bí mật của chàng. Sau khi đọc bài này, Mai Thảo đã dành nửa trang khổ lớn của tờ Tuần báo Văn Nghệ khen ngợi bài phê bình của anh Nhơn có những nhận xét sâu sắc, tinh tế, độc đáo và đầy cảm xúc với lối viết văn gọn gàng bóng bẩy. Truyện ngắn này sau được in vào Tuyển tập truyện ngắn đặc sắc của Mai Thảo với cái tên mới là Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời. Có lẽ Mai Thảo không ngờ người mình khen nức nở đó là một sinh viên vừa tốt nghiệp từ trường TH Nguyễn Hoàng ở một tỉnh nhỏ địa đầu giới tuyến. Anh Đỗ Tư Nhơn khi còn là học sinh lớp 10 đã đoạt giải nhất toàn trường Nguyễn Hoàng về bài thơ Tiếng Thời Gian nữa. Thầy có tiếc không? Thầy trả lời: “Lúc đó thầy nghĩ không ai giới thiệu thích hợp hơn ngoài Tạ Nghi Lễ. Thôi cũng đành.” Phải chăng vì buổi nói chuyện này nên khi thầy tặng tập thơ “Tình Huế” cho những người khác, lời đề tựa bị bỏ đi và để giấy trắng?
Tập thơ thứ hai: La Poésie Candide
Tập thơ này Thầy viết bằng tiếng Pháp và được nhiều người dịch thơ ra tiếng Việt. Ngày phát hành tập thơ này tôi và Thái Văn Thạch là hai người học trò cũ được thầy mời đến dự. Hôm đó có ca sĩ Vân Khánh lên sân khấu hát ba bài, làm cho buổi lễ thêm phần thân ái, trang trọng và rất Huế. Thầy Bá tất bật đón khách và hòa nhập vào buổi lễ, có giới thiệu đọc thơ và phát biểu. Sau đó thầy viết đề tặng tập thơ cho nhiều người, mà tôi và Thạch là hai người đầu tiên. Thái Thạch cũng mang theo hai tập thơ của mình để viết tặng cho thầy Bá và tôi.
Trong buổi lễ, có sự hiện diện của các dịch giả và người đề tựa, họ ngồi dãy đầu sát sân khấu, tôi chỉ tiếc không có cơ hội giao lưu với quý vị đó vì không khí quá xô bồ, nhiều người dự tranh thủ gặp mặt nhau để trao đổi tâm sự. Khi ra về tôi và Thạch nán lại cuối cùng, bắt tay chúc mừng thầy “Người đi dạy mong có một ngôi trường để được giảng bài, người đi tu mong có một ngôi chùa để trụ trì thuyết pháp, nhà thơ thì luôn mong mình có những tác phẩm tiếp nối.”
Thầy hỏi: “Đã đọc chưa và thích bài nào?” “Em thích nhiều bài, nhưng chọn bài “Le Pont” mà bản dịch nào cũng hay cả.” Từ Song Nguyên, Cao Quảng Văn đến Mịch La Phông, Trần Mỹ Hạnh. Đành lấy bài bản thứ nhất trong hai bản dịch của Trần Mỹ Hạnh làm tiêu biểu:
Cây cầu và ta (bản 1)
Cầu kia ôm ấp sông này
Sông kia bỏ trốn cầu này hay chăng
Ta nay theo mãi thời gian
Cầu còn ở lại tới ngàn năm sau
Gập ghềnh bước thấp bước cao
Cuộc tình theo đuổi kiếp nào cho nguôi
Bản dịch này gợi em nhớ đến bài thơ của Hoàng Trúc Ly:
Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng
Thương về con nước ngại ngùng xuôi
Những người em nhỏ bên kia ấy
Ai biết chiều nay có nhớ tôi?
…
Em là em tôi có là tôi?
Dù nghĩa thời gian ngăn cách rồi
Tôi đứng bên này lưu luyến quá
Những người em nhỏ của tôi ơi!
(Gửi người em)
Và cũng không quên được một đoạn thơ của Hoài Khanh:
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
(Ngồi lại bên cầu)
Nhưng tiết tấu, âm hưởng bài thơ tiếng Pháp Le Pont của thầy khiến em lại thấy sông Seine của Apollinaire trong:
Sous le pont Mirabeau
Sous le pont Mirabeau coule la Seine,
Et nos amours.
Faut_il qu’il m’en souvienne
La joie venait toujours après la peine.
Appollinaire
Dưới cầu Mirabeau sông Seine chảy
Và những mối tình của chúng mình.
Anh có nên nhớ lại chăng?
Niềm vui luôn luôn theo sau nỗi đau đớn.
Phạm Công Thiện
Và “Le pont” của thầy thì dừng lại thương dĩ vãng, dù nước vẫn chảy ngày tháng vẫn trôi qua nhưng tình không trôi.
J’aime mes jours
qui passent
Et je les suis
Le pont reste
Toujours
Moi, Je cloche
Chaque jour
à côté
de mon amour
Câu cuối “À côté de mon amour” lại da diết mong chờ như trong bài hát “Tous les garcons et les filles”, mà Francoise Hardy hát:“Oui mais moi, Je vais seule par les rues, l’âme en peine. Mes jours comme mes nuits… Car personne ne murmure “Je t’aime” à mon oreille” (Ừ, chính tôi, chỉ một mình lang thang trên các nẻo đường, lòng đớn đau. Ngày trôi qua rồi đêm tối cũng qua đi. Tôi khát khao một tiếng thì thầm vào tai “Anh yêu em” mà chẳng bao giờ có được). Một dòng sông biết mấy cây cầu, mấy bến đợi phải không Thầy!”
Tập thơ thứ ba: Vô Ngôn Kinh
Tôi đến thăm thầy một chiều nắng muộn, ngồi uống cà phê và ăn bánh tại phòng khách. Tôi xin thầy cho photocopy lại bài giảng của giáo sư Bửu Cầm tại đại học hồi xưa “Truyện Kiều không những là một tác phẩm văn học mà còn là một tác phẩm bói toán của nhân gian”. Tôi muốn học thêm kinh nghiệm và những lý luận qua những tình huống ví dụ được dẫn chứng để biết phương thức đoán Kiều theo luận văn này. Thầy Bá nói tiếc quá thầy không còn giữ tập cours này, rồi thầy hỏi tại sao lại nghiên cứu vấn đề này? Tôi trả lời “Hồi còn sinh viên, em bị hấp dẫn bởi lời đoán của một bà bói Kiều, nên mới để tâm học hỏi. Nguyên là năm 1968-1969, Lê Mậu Minh rủ em đi bói Kiều, xem thử Minh có thi đậu hai chứng chỉ Tâm lý học và Đạo đức học năm đó không? Về ban triết, thông thường sinh viên sau khi đậu xong chứng chỉ Dự bị Văn khoa, thì ghi danh học chứng chỉ Triết học Đông phương và Đạo đức học là hợp lý hơn vì dễ. Còn chứng chỉ Tâm lý học khó hơn thường để năm sau, khi mình có thêm kinh nghiệm và giỏi hơn. Đặc biệt chứng chỉ này có hai “máy chém” (giáo viên khó tính cho điểm rất thấp) là thầy Hoan và cô Quê (họ là vợ chồng nữa). Thường những ai mới lớp dự bị lên mà học ngay chứng chỉ Tâm lý, thì chắc chắn sẽ thi hỏng. Thế mà Mậu Minh dám ghi danh học. Hôm đó khi bói Kiều, Minh trình bày lý do và sự kiện với người đoán để xin bói Kiều, rồi Minh bốc được câu: “Cớ sao chịu tốt một bề, Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao”. Bà bói Kiều đoán: “Dù cậu còn nhỏ, lại với cao học lớp này, lý ra là thi không đậu; nhưng nhờ sự may mắn và phúc phận nên mới thi đậu. Năm nay cậu thi đổ cả hai chứng chỉ ngay trong kỳ một”. Em ngạc nhiên hỏi “Vì sao?”. Bà bói toán trả lời: “Vì chịu tốt một bề: nghĩa là thi kỳ đầu và gái tơ mà đã ngứa nghề sớm: là còn nhỏ mà thi vượt sức nhưng lại đậu”. Kết quả năm đó Mậu Minh đậu cả hai chứng chỉ ngay trong kỳ thi đầu như lời đoán, và bạn bè ở Trung tâm sinh viên Xavier chọc Mậu Minh là “đi nhớ xem đường, nếu không sẽ vấp ngã thì khổ.” Hàm ý Minh đậu rồi hãnh diện chỉ ngước mặt nhìn trời mà không nhìn đến bạn bè”
Thầy Bá hỏi “Căn cứ vào đâu mà chọn mấy từ đó để đoán?”. Tôi trả lời: “Bằng intuition (trực giác)”, và giải thích “Nếu trước đây tại lớp Tam C, thầy nói “Văn chương có tính cách hàm hồ”, thì thưa thầy, bói kiều lại càng hàm hồ thập phần. Có khi lấy nghĩa một câu, hay một cụm từ để đoán theo cách bà bói Kiều, có khi dựa theo tình huống của một hồi, có khi chọn lựa tiết tấu, hay chính tả hỏi ngã để suy diễn câu Kiều rồi đoán, v.v…” Thầy lắc đầu không hiểu. Tôi ví dụ: “Chọn dấu ? (hỏi) chính tả và tiết tấu theo nhịp hai để đoán như câu:
Còn chi / nửa cánh / hoa tàn
Tơ lòng / đã đứt / dây đàn / tiểu lân.
Thì sẽ đoán là kết cục xấu, thất bại, thi hỏng.
Nhưng nếu câu đó chính tả dấu ~ (ngã) và tiết tấu theo nhịp ba như sau
Còn chi nữa / cánh hoa tàn
Tơ lòng đã đứt / dây đàn tiểu lân.
Nhờ cụm từ còn chi nữa nghĩa là còn chút gì nữa đây nên đoán kết quả tốt hơn, vượt qua hoàn cảnh và có hậu, như sẽ được đậu vớt.
Hồi đó Mậu Minh rất chuyên cần, chăm học, em và Mậu Minh cùng học tại thư viện Xavier cho tới nửa đêm dù mùa giá rét hay nóng bức. Mậu Minh đọc rất kỹ hai quyển The Complete Works of Simund Freud (Simund Freud toàn tập) cuốn này Minh nhờ em xin tại Trung tâm Văn hóa Hoa Kỳ và Ainsi Parlait Zarathoustra (Zarathoustra đã nói như thế) của Nietzsche mượn tại thư viện Đại học Huế, mà đã thi đậu. Có thể Mậu Minh có động lực này ít nhiều cũng có tác động của lời bói toán trên.” Thầy Bá cười và hứa “sẽ hỏi bạn cũ hay giáo sư Bửu Cầm mượn cho em photocopy bài giảng trên”
Nhân dịp mới hoàn thành bản thảo tập Vô Ngôn Kinh mà giáo sư Bửu Cầm đề tựa, thầy tặng tôi 1 bản đánh máy chữ. Ngồi yên lặng 30 phút đọc xong tập thơ gồm 54 đoản khúc, mỗi đoản khúc gồm 2 câu lục bát, xếp thành 9 dòng trong 1 trang in. Tôi nói: Khác với Hòa thượng Thích Minh Châu trong phần kết luận bài đề tựa cho Phạm Thiên Thư trong tập thơ thi hóa Kinh Kim Cang thành “Qua suối mây hồng” bằng chính ngôn từ phủ nhận triệt để của Kinh Kim Cang qua bài kệ sau:
Nhược dĩ sắc kiến ngã.
Dĩ âm thanh cầu ngã.
Thị nhơn hành tà đạo.
Bất năng kiến Như Lai
(Nếu lấy sắc thấy Ta
Lấy âm thanh cầu Ta
Người ấy hành đạo tà
Chẳng thấy được Như Lai.)
Trái lại Giáo sư Bửu Cầm mở đầu bài tựa cho Vô Ngôn Kinh “Tu sĩ khi đã hiểu Đạo, không biện Đạo. Thi sĩ khi đã hiểu thơ, không làm thơ. Nhạc sĩ khi đã hiểu nhạc, không đánh nhạc.”
Và thêm rằng Bạch Cư Dị đã hiểu được Nhạc, nên trong bài Tỳ Bà Hành mới viết “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh” rồi đánh giá tiến trình thơ của thầy: tập Tình Huế, 1995 (Tình của bản ngã) đến tập Poesie Candide, 1996 (Tình yêu đồng loại) đến tập Vô Ngôn Kinh (Tình yêu chúng sinh) để đi đến kết luận Giáo sư nhấn mạnh Đoản khúc 2:
Nói điều / chẳng thể nói ra
Nửa là Tâm Đạo / nửa là Tâm Kinh
Vô ngôn / ngậm miệng làm thinh
Quỳ/ bên Ca Diếp / một mình cười khan.
Đây là “Niêm hoa vi tiếu” không thể dùng ngôn từ để diễn tả.
Tôi trao đổi với thầy Bá “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh” (Lúc này không có âm thanh hơn có âm thanh) nhờ cụm từ “thử thời” nên ta biết “hữu thanh” có trước, rồi ngừng bặt âm thanh mới đến “vô thanh”. Cái vô thanh này bắt nguồn từ hữu thanh. Cái vô thanh này tồn đọng bởi cảm xúc được gây ra từ cái hữu thanh vừa dứt cộng thêm cái cảm xúc của quá khứ, và cảm xúc của thân phận Bạch Cư Dị hiện tại. Đó là sự tiếp nối chứ không phải là đối lập hay đối kháng. Tận cùng của sự sống là khởi điểm của cái chết, chính Phật cũng nói “dứt phiền não là Bồ đề” - Bồ đề ở trong phiền não – Vô thanh ở trong hữu thanh, chính nhờ bao gồm “hữu thanh” cộng với “thử thời” nên “vô thanh” mới thắng được “hữu thanh”. Ngài Hám Sơn ba mươi năm sớ giảng kinh Kim Cang, Tâm luôn thiền, Thân luôn định. Sau khi giác ngộ Ngài không còn kinh để sớ giảng, không còn Tâm để thiền, không còn Thân để định, nhưng Tâm vẫn thiền, Thân vẫn định và kinh pháp vẫn giảng giải luôn luôn. Vì Ngài bây giờ Tâm đã “Vô quái ngại”, đã đạt Chánh tư duy và Thân đã Chánh định, Ngôn đã Chính ngữ nên dù có thuyết kinh dị giáo đi nữa cũng trở thành chính pháp mà “pháp cũng còn phải bỏ, huống hồ là phi pháp” (Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp). Chính Bạch Cư Dị sau khi nhận thức cái vô thanh gồm cảm xúc, cảm niệm ký ức cộng với cảm nhận thân phận làm người, đành trở lại “hữu thanh”. Cái “hữu thanh” sắp đàn tiếp sau đây lại bao hàm cái vô thanh trước cùng cảm xúc mới vừa cảm nhận ở trên. Nên nếu đoạn trước sau khi nghe đàn “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh” (Lúc này không có tiếng đàn lại hơn là có tiếng đàn) nghĩa là sắc tức thị không thì đoạn cuối này khi đánh đàn tiếp là không tức thị sắc nên đành phải hạ bút:
Khước tọa xúc huyền, huyền chuyển cấp.
Thê thê bất tự hướng tiền thanh
(Ngồi xuống vặn mau dây đàn, tiếng phím đàn trở nên vội vã.
Tiếng đàn thê lương không giống như lúc trước.)
Vậy “không tướng” và “sắc tướng” không phải là hai hình thức đối lập mà là bổ khuyết cho nhau. Cái “hữu thanh” bây giờ được tạo nên bởi cái hữu thanh lúc trước + cái cảm xúc, cảm niệm + cái vô thanh + cảm xúc mới vì thế nó mới đạt đến “bất tự hướng tiền thanh” (Không giống với âm thanh ở đoạn trước). Phan Huy Thực đã dịch rất tuyệt đoạn cuối cùng này:
Hãy ngồi lại, gảy chơi khúc nữa
Sẽ vì nàng sửa soạn bài ca
Đứng lâu dường cảm lời ta
Lại ngồi lựa phím đàn đà kíp dây.
Nghe não nuột khác thay đàn trước
Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi
Lệ ai chan chứa hơn người
Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.
Tỳ Bà Hành
Cũng giống như ngài Hám Sơn, sau Vô Ngôn Kinh, thầy sáng tác tiếp chắc sẽ tuyệt vời hơn, chứ đừng theo giáo sư Bửu Cầm không phải từ “Vô Ngôn Kinh” để rồi trở thành “Bặt Ngôn Kinh” là một tập thơ toàn giấy trắng, rồi như Đường Tam Tạng sau khi nhận “lầm” kinh phải trở lại chùa trả lại Kinh Vô Tự. Vậy kể từ nay “vô ngôn” hay “hữu ngôn” hay “bặt ngôn” cũng đều là một, chỉ có điều là nó vượt lên một cung bậc khác mà thôi, cho nên kẻ phàm phu chúng ta không thể không nói đạo, nói thơ, nói nhạc và người giác ngộ cũng thế.
Không phải em nịnh thầy, sau khi đọc xong “Vô Ngôn Kinh” của thầy, em thấy nếu hai tập trước em chưa hòa nhập vào thơ thầy vì còn phân biệt “Thầy và em” (chủ thể và khách thể), còn thấy xa lạ. Trong 54 đoản khúc này không có một chữ “Tôi” tức là Thầy, mà toàn bộ là chữ “Ta” nghĩa là “cái tôi” chung. Cảm nhận, tình yêu, thao thức, ân hận, tiếc nuối, đau khổ, trong thơ là tâm trạng cho bất kỳ ai muốn thẩm nhập vào thơ thầy; giống như khi ta đọc bài thơ “Ký viễn” của Lý Bạch.
Ký viễn
Mỹ nhân tại thời hoa mãn đường,
Mỹ nhân khứ hậu dư không sàng.
Sàng trung tú bị quyển bất tẩm,
Chí kim tam tải văn dư hương.
Hương diệc, cánh bất diệt,
Nhân diệc, cánh bất lai.
Tương tư hoàng diệp tận,
Bạch lộ thấp thanh đài
Gởi Đi Xa
Người đẹp còn đây hoa ngập hồng
Người đẹp đi rồi giường bỏ không
Trên giường chăn gấm không nằm đến
Nay đã ba năm hương còn nồng
Hương không bay đi mất
Người xa không trở về
Nhớ nhau lá vàng rụng
Rêu xanh ướt não nề
Trần Trọng San
Lý Bạch là ta và ta là Lý Bạch; mỹ nhân trong bài thơ là mỹ nhân của mọi người, chỉ còn lại nhớ nhung, hạnh phúc, đắng cay, mất mát của con người hữu hạn trước cái vô cùng mà thôi. Như thế có phải giáo sư Bửu Cầm nói là đạt đến cái tâm (tình yêu) của chúng sinh không?
Về lời bạt của Tô Kiều Ngân thì em có một chút nhận xét khác biệt. Ở đoản khúc 16:
Trưa / ra đón bạn / đầu làng
tranh nhau nhặt / chiếc lá bàng đỏ tươi
Môi em thắm / tưởng em cười
chợt thương màu ớt / đã phơi mấy mùa
Là nói biến tướng của tình yêu từ môi thắm như lá bàng mới rụng rồi biến đổi qua màu ớt sau khi phơi mấy mùa chứ không phải mấy nắng. Em là người Quảng Trị hay ăn ớt bột và trồng ớt nên chiêm nghiệm được nhiều màu ớt, trái vừa chuẩn bị chín màu vàng hồng, rồi hồng đỏ, chín đỏ mọng, thêm chút nữa là đỏ thẫm (như môi người con gái biến đổi từ tằm ăn rỗi, qua dậy thì, trở thành thiếu nữ, trung nữ, thiếu phụ và nạ dòng….) Rồi hái phơi khô mới đầu còn màu đỏ, qua phơi nắng liên tục vài lần, khô trở nên đỏ thẫm, rồi tím như tiết gà mà đây lại phơi mấy mùa thì còn gì nữa ngoài bị mốc meo. Bài thơ này nhắc em nhớ giọng hát trầm buồn của Juliette Greco não nùng chẳng kém tiếng-hát-liêu-trai Thanh Thúy trong phim Bonjour Tristesse “Môi tôi đã phai màu, những nụ cười đã hết tươi, và những cái hôn không còn thú vị, rồi một ngày nào đó tôi phải nói: Chào bạn âu sầu.” nên môi như màu ớt là nói đến tàn tạ của tình yêu, “đã phơi mấy mùa”là cái hờ hững, nghẹn ngào, âm thầm của tình yêu, nhất là khao khát một nụ hôn và tàn nhẫn thay, ngay cả khi cho hôn cũng không ai dám nhận. Tô Kiều Ngân viết “đắng cay thì phơi đến mấy mùa cũng không thôi cay đắng. Nghịch lý là ở chỗ người (tức là thầy) tự rước đắng cay vào mình và lưu giữ đắng cay, chấp nhận đắng cay để tìm giải thoát.” Em không nghĩ thế, ở bài này thầy thương cho người, cay đắng sống trong ân hận và tiếc nuối, nhưng thầy đành bất lực không cách nào chia sẻ, muốn vác giùm thập tự giá mà không được nên mới “Chợt thương màu ớt đã phơi mấy mùa” dù còn cay còn chút tình nhưng đã… nên trước đó thầy đã không dối lòng trong Đoản khúc 30: “Tình nào chẳng chút giả mù sa mưa”
Đến đoản khúc 19:
Anh về khơi bấc/ đọc thơ
Cho cau mọc nhánh/ cho thơ đậu cùng
Ngàn năm sau/ biết đâu chừng/
Chim về/ làm tổ/ trên từng cành cau.
Thầy viết vậy sau này khổ cho người đọc và người phê bình. Trước đây dạy bài Ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình, Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen” Thầy đã nói “Sen làm gì có cành, chỉ có lá và cọng sen, làm sao bỏ quên cái áo nặng trịch mồ hôi được. Đây là hư cấu, để có cớ tỏ tình” thì nay, cau làm gì mà mọc nhánh và ra cành, vì “biết đâu chừng” nghĩa là một hy vọng mong manh chẳng khác gì ảo vọng. Chim sẻ luôn làm tổ trên bẹ cau thôi, em đã từng trèo cau bắt chim rồi, thế mà Tô Kiều Ngân dám bỏ qua để nói rằng Thầy dù đã đọa đày, yêu đương đếm từng ngày để mà lấy hình ảnh “thơ – cau” biểu đạt tính nhân hậu của thầy “Chim về làm tổ trên từng cành cau” là “Happy ending” - kết thúc có hậu cho những người yêu đi lấy chồng rồi sinh con đẻ cái. Không, không phải thế mà chính thầy sau bao thăng trầm trở về chiêm nghiệm chính mình để từ đó mang yêu thương cho kẻ khác, nhưng phải đợi tới ngàn năm sau tái sinh. Nên theo em Vô Ngôn Kinh là tiếng nói của một người tự tính số đời, để lòng được thanh thản như chính bây giờ thầy đang cười với em, đó là nụ cười trẻ thơ “từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” (Trịnh Công Sơn). Thầy hãy nhớ lại những lời trước đây đã nói khi chia tay học sinh lớp em năm 1965 “Thành thực mà nói, không có gì để nói. Giã từ!” (Mayakovsky).
Buổi nói chuyện kết thúc trong trầm lặng rồi thầy trò chia tay ra về.
… Và, tháng 5/2002 thầy đã giã từ thật, để về cõi vĩnh hằng!
Rất tiếc, đáng lẽ Vô Ngôn Kinh sẽ được tiếp nối thêm hai tập nữa là “Ce qui flotte dans les nues” và “Nếu Vắng Em” nhưng không còn cơ hội nữa. Phải chăng, với định mệnh như thế là đủ rồi ? “Cho xuống trần gian rong chơi một lúc” (Bùi Giáng), và nếu có trùng lai, sẽ như lời nguyện cầu của người em gái út của thầy.
“Anh ơi anh hãy thong dong
Bước về cõi ấy phiêu bồng với mây
Rồi đây hóa kiếp thân này
Cả nhà mình lại những ngày bên nhau”
(Thầy trò mình lại những ngày bên nhau.)
Ta hãy lắng nghe tiếng gió hư vô bàng bạc….
Giã Biệt Trần Gian
“Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”
(Cung Oán Ngâm Khúc)
Hai tháng trước khi thầy qua đời. Tôi đến thăm thầy, thấy tôi đi cà nhắc vội hỏi vì sao, tôi nói “Em bị tai nạn gãy cổ xương bánh chè, đóng đinh lại mà nó không liền vết gãy, nhiều lần tái khám rồi mà không tiến triển, chắc phải thay khớp”. Thầy liền dẫn tôi đến nhà bác sĩ Lê Chí Dũng ở đường 3/2 gần nhà Thầy (B.S. Lê Chí Dũng rất nổi tiếng, là cựu học sinh Nguyễn Hoàng sau tôi, con của người bạn vong niên thâm tình với tôi, nhà thơ Thanh Phong, thầy giáo Lê Chí Phóng cùng dạy Anh Văn ở Nguyễn Hoàng khi tôi dạy lớp 11A3, năm 1972-1973). Thầy Bá nhờ BS. Dũng chẩn đoán và tạo điều kiện cho tôi mổ tại BV Chấn thương chỉnh hình, Khoa Chi Dưới do Dũng đảm trách. Dũng đồng ý và động viên tôi an tâm, mổ thay khớp chỉ mất độ bốn giờ, bằng phương pháp gây tê sẽ không đau, thoải mái nghe nhạc hay ngủ một giấc rồi là xong. Tôi rất cảm ơn, dù sau đó tôi mổ tại BV Sài Gòn Ito của BS. Tố, người mổ trực tiếp là hai bác sĩ Pháp đến mổ chuyển giao kỹ thuật. Mổ xong ở bệnh viện về, mười ngày sau tôi đột ngột nhận tin thầy mất vì bạo bệnh bất ngờ. Tháng 5/2002 sau khi nhận thi thể từ phòng lạnh nhà ướp xác, lễ tang được tổ chức tại nhà B73 đường 3/2. Vợ chồng chúng tôi liền đến nhà thầy để đón quan tài từ bệnh viện đưa về. Nhìn hình ảnh con gái duy nhất của thầy mặc áo tang bên áo quan, chúng tôi không cầm được nước mắt dù biết cuộc đời là vô thường. Chị Ngọc Lan hôm ấy khóc nức nở, sưng cả hai mắt, khiến chúng tôi đã buồn lại càng thêm buồn! Chị nói với vợ chồng tôi “Đức Nhàn ơi, thầy còn trẻ, còn khỏe sao vội vã ra đi. Ra đi là hết rồi, từ nay không còn được thấy và nói chuyện với thầy Bá nữa.” Linh cửu sau đó được đưa lên Bình Hưng Hòa để thiêu. Tôi không thể đi được, vợ tôi và chị Lan cùng những người thân quen và gia đình họ hàng tiễn đưa thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng. Lúc đó tôi nhớ bài thơ của Thầy “Chiều Qua Nghĩa Trang Bình Hưng Hòa” khi hỏa táng vợ thầy:
Khói cao nhà hỏa táng
Bay xa, lên thật xa
Hồn em lên trên đó
Cứ ngỡ như hôm qua
Anh và con đứng ngó
Tay run rẩy cành hoa
Còn chúng tôi:
Nay đưa thầy hỏa táng
Lửa phủ trùm áo quan
Người thân khăn áo trắng
Thầy Bá qua đời, tôi chắc rằng ở trong lòng các bạn bè, đồng nghiệp của thầy cũng như trong lòng các học trò đã từng học hay dù không, nhưng đã quen biết thầy qua giao tiếp, họ luôn giữ hình ảnh và cảm tình tốt đẹp với thầy. Thế là thầy có thể thỏa mãn khi đã xuất hiện trong cuộc đời này. Thầy ơi, riêng em, thầy mất đi, thầy không bao giờ còn nữa, nhưng em vẫn cảm thấy gần gũi thầy hơn bao giờ hết. Những gì thầy dạy, đã trở thành máu, tủy của nhận thức em. Em có thể hãnh diện mà nói “Trong những học trò tâm đắc của thầy và trong từng giai đoạn của cuộc sống thầy, luôn có bóng dáng em, và em là người nhận được bí truyền của thầy nhiều nhất. Cho nên trong những bài giảng, phát biểu của em đối với các thế hệ học sinh sau này, có sự hiện diện hình bóng của thầy và thầy chắc cũng không hối tiếc khi có một người học trò như em.”
“So sad, so fresh, the days that are no more” (Buồn bã thay và tươi thắm thay, những ngày ấy không bao giờ còn nữa). /.
Tưởng niệm 15 năm Thầy qua đời
Viết xong ngày 15/1/2017
ĐOÀN ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét