Tác giả Đoàn Anh Kiệt
(con trai út của blogger Phu Đoan)
KIẾP TÌNH
(Thân tặng chị Quyên Đỗ, cho bài viết Ngày
VALENTINE ĐẦY NƯỚC MẮT)
Ngày xưa
có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu hát thì thậm
hay
(Ca dao)
Đêm khuya. Tiếng hát buồn cất lên da diết. Mảnh trăng ngầu đục
soi mình dưới dòng sông như một cái đĩa tròn móp méo. Vắng lặng. Xóm chài nghèo
ven sông thảng hoặc có đôi người còn thức, nghe tiếng ca buồn mà thở dài sườn
sượt. Trương Chi ôm gối trên thuyền chờ kéo lưới, ánh mắt chàng long lanh giữa
đêm trăng mờ. Không gian đặc quánh. Cách đây 7 năm, từ khi chàng tới đây, hầu
như đêm trăng nào cũng vậy, chàng đều rong thuyền thả lưới. Vốn nghiệp chài lưới
khuya thì phải yên phải lặng, nhưng giữa không gian này, chàng cảm thấy khó thở,
cảm giác uất nghẹn cứ trào lên trong lòng, không cất tiếng ca thì chẳng thể nào
vơi bớt.
Tính chàng vốn hiền lành, chịu thương chịu khó, lại giỏi nghề
xướng ca, đa phần những bài chàng hát đều do chàng tự nghĩ ra. Điều ấy hiếm. Nhất
là với người dân xóm chài này. Bởi thế nên dù chàng xấu xí, thậm chí là cực xấu
thì cũng có không ít người từng gấm ghé, cũng không ít lần bạn bè khuyên chàng
tính chuyện vợ con, nhưng mỗi lần hỏi đến chàng chỉ cười bảo đàn ông ba mươi
không lấy vợ thì không nên lấy, sách nói thế mà. Chỉ có điều, hiếm ai để ý đến
ánh mắt vụt lóe lên rồi lịm tắt, thất thần trong lúc ấy của chàng. Tiếng hát buồn
cứ văng vẳng theo những con trăng hàng tháng, như con tằm rút ruột nhả tơ.
Mỵ Nương trằn trọc mãi không yên giấc. Tiếng ca ngoài kia
như có như không, khi đứt đoạn khi nối liền, như mưa phùn nhẹ rơi trên tán lá…
Mưa rơi trên lá hay đang rơi trong lòng nàng? Tiếng ca ấy như quen biết, như xa
lạ. Chừng như nó gợi lại điều gì đó mông lung mờ ảo sâu trong tiềm thức nàng.
Chỉ là mỗi khi nàng đắm chìm vào tiếng ca ấy thì cứ như lạc vào sương khói mênh
mông, chẳng thể nhớ ra điều gì. Hay là… trong những giấc mơ ngày cũ nàng đã từng
nghe?
Thấm thoắt, nàng đã đến ở gần 4 năm. Ngay cả cha nàng cũng
không hiểu vì sao nàng lại nằng nặc đòi dựng gian nhà bên mé sông này để ở. Khi
ấy, cha nàng ánh mắt hình như có chút ưu tư không nỡ, nhưng cuối cùng ông cũng
chiều lòng nàng.
Lạ một điều, từ ngày nàng về, suốt 4 năm dù trời mưa hay trời
tạnh, tiếng ca ấy không đêm nào gián đoạn. Mỵ Nương mơ hồ cảm giác tiếng ca đó
chỉ dành riêng cho nàng, cho những giấc chiêm bao mờ mịt của nàng, nhiều lúc
nàng cố lục lọi trong ký ức để tìm ra cảm giác ấy, nhưng giấc mơ nào có dành
cho người tỉnh thức…
***
Đêm cuối năm. Nhà nhà tụ họp quây quần bên bếp lửa. Riêng
Trương Chi một mình chèo thuyền ra giữa sông. Chàng không đánh lưới. Trái lại,
chàng chỉ âm thầm rắc thức ăn cho lũ cá, cùng lũ cá đón giao thừa giữa sông nước
mênh mang.
Căn lầu mé sông ánh lửa rực sáng, bóng Mỵ Nương mong manh in
trên khung cửa sổ. Lửa bập bùng tối sáng, bóng nàng cũng gợn sóng, như là thực,
như là ảo ảnh. Trương Chi nhìn sững vào bóng Mỵ Nương, ánh mắt chàng mờ mịt,
như nhìn mà không nhìn.
Chàng chợt thở dài, cất tiếng ca khẽ khàng. Tiếng ca hòa cùng
nhịp sóng nhẹ như sương khói bảng lảng… Mai chàng quyết định rời khỏi nơi này.
Tiếng hát câm lặng của lòng chàng đêm nay, biết còn có ai nghe…
Sóng vỗ mơn man mạn thuyền, như luyến tiếc, như níu kéo.
Trương Chi im lặng, quẫy mạnh mái chèo. Bọt nước óng ánh như sụt sùi thở than.
Người rời đi, nhưng lòng có thực rời đi?
***
Mỵ Nương chợt khựng người. Nàng như linh cảm được mình đang
sắp mất đi cái gì đó, mà cụ thể thì không biết đó là gì. Nàng vén rèm, nhìn ra
sông, mơ hồ thấy bóng ai đó đang thinh lặng chèo thuyền đi. Tiếng hát văng vẳng
như từ sóng nước truyền ra, chẳng rõ được lời ca, mà sao bỗng dưng nàng lại cảm
thấy đầy bi thương, mất mát.
Bóng hình chàng ngư phủ hòa trong khói sương như bức họa mà
vô số lần trong những giấc chiêm bao mờ mịt nàng đã thấy, chỉ là càng muốn níu
kéo thì lại càng xa vời.
Những gì xa vời chẳng phải bao giờ cũng đẹp hay sao?
***
Mấy tháng ròng, Trương Chi không hề cất 1 tiếng ca. Từ khi
chuyển sang nhánh sông này, bao nhiêu khúc hát đã bị chàng bỏ lại phía bên kia,
như bỏ lại một cuộc đời, giống như trước đó 7 năm chàng đã từng bỏ lại. Đành vậy,
ngày tháng cũng dần qua…
Mỵ Nương bệnh. Bệnh nặng! Cha nàng bỏ hết mọi việc về chăm
sóc nàng, đôi khi ngồi bên giường bệnh, ánh mắt ông lộ vẻ trầm tư và bất nhẫn…
Trương Chi được tìm về, hàng đêm chàng lại dong thuyền ra giữa
dòng cất tiếng ca. Tiếng ca của chàng lần này tuy vẫn sầu thương, nhưng ẩn ước
một niềm vui len lỏi bên trong.
Mỗi tối, đôi khi chàng lại được thấy bóng Mỵ Nương mờ ảo sau
khung cửa sổ, mỗi lần như thế, tiếng ca của chàng cũng rộn ràng hơn, như trái
tim bao năm giá lạnh nay bất chợt ấm nồng. Hình như chàng cũng cảm nhận được tiếng
lòng của mình cũng đã có người hiểu thấu…
Mỵ Nương càng ngày càng tươi tắn, cô gái trẻ trung bật tung
biết bao quy tắc gò bó đã trở lại bên nàng sau nhiều năm u uất. Nàng một mực
đòi cha gọi Trương Chi đến gặp. Mỗi lần như thế, nàng lại không nhìn thấy khóe
mắt ông có chút mịt mờ, u ám. Cuối cùng ông đành phải chiều lòng nàng.
Mọi chuyện diễn ra chóng vánh đến mức bất ngờ, đến nỗi
Trương Chi cứ ngỡ mình vừa tỉnh một giấc mộng hoang đường. Ngày gặp chàng, Mỵ
Nương phũ phàng đến độ rú lên như vừa nhìn thấy một con ác thú. Đêm đêm, trên
chiếc thuyền, chàng cất tiếng ca, nhưng rèm buông cửa khép, bóng người hư ảo đó
giờ chỉ còn lại trong giấc mơ.
U uất buồn, chàng lâm bệnh, chết giữa dòng sông. Mộ chàng được
táng bên cái cây gần mé sông.
***
Quang âm thấp thoáng, chớp mắt đã qua hơn mười năm. Cha Mỵ
Nương từ quan, nhưng chẳng trở về quê quán mà lại về căn lầu bên sông ở cùng
con gái. Câu chuyện cũ chẳng ai còn nhớ, chợt cái cây kia trong đêm trăng rằm
nước lớn đột nhiên gãy đổ. Lõi cây bên trong đọng thành một khối ngọc, dân
trong vùng tiện thành chén trà dâng tặng cho ông.
Đêm ấy, Mỵ Nương rót trà vào chén. Chợt, bóng hình chàng
trai thinh lặng khua chèo giữa sông hiện lên, tiếng ca ngày xưa ấy bất chợt
văng vẳng trong lòng nàng. Đột nhiên, bao nhiêu ký ức ngày trước, những giấc
chiêm bao mờ mịt một thời quẩn quanh tâm trí nàng bỗng trở nên rõ ràng, cả những
ánh mắt khó hiểu của cha nàng ngày đó.
***
Thì ra, trái tim Trương Chi đã run lên một lần từ 17 năm trước.
Cô gái yêu kiều năm ấy lúc nào cũng quấn quýt bên chàng, lắng nghe những bài
hát của chàng. Nhưng mất mát luôn rình rập quanh rìa hạnh phúc. Đêm trăng đó,
sóng dữ suýt nữa đã cuốn mất nàng đi. Tuy chàng cố gắng giành giật được nàng từ
tay sóng nước, nhưng gương mặt chàng đã bị những góc đá ngầm sắc cạnh cướp mất.
Càng đau hơn khi nàng tỉnh dậy, chẳng những không nhớ gì, lại còn ghê sợ chàng,
như ghê sợ loài thú dữ. Mảnh đời cũ ngỡ đã chôn vùi khi nàng theo cha về xứ khác,
chàng cũng ra đi tới một miền sông nước hiền hòa hơn sinh sống. Rồi sau đó 3
năm, ngẫu nhiên hay là duyên kiếp, nàng lại chọn đúng bến sông chàng ngụ cư mà
dựng lầu ở đó. Để tiếng ca lại vẳng lên, như ru lại khúc tình năm cũ, đáng tiếc
là nàng chỉ còn chút chiêm bao mơ hồ không rõ… Để cho lần gặp lại càng thêm bẽ
bàng…
***
Mỵ Nương câm lặng, nước mắt nàng từng giọt tuôn rơi ấm nồng.
Chén gỗ chợt hòa tan cùng nước mắt nàng.
Như cùng khóc cho một kiếp tình…
Đoàn Anh Kiệt
22/02/2012
6 nhận xét:
''nhung gi xa voi khong phai luc nao cung dep hay sao?''
"Tình chỉ đẹp khi còn sang dỡ
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
Thư viết đừng xong thuyền xuôi chớ đỗ
Cho ngàn xưa lơ lửng đến ngàn sau ..."
Nhà thơ Hồ Dếnh đã viết như rứa rồi mà
"Đến hẹn lại lên" lại không bằng "Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé" hay sao ?
Đó là 2 phạm trù khác nhau !
"Đến hẹn lại lên" như là "sự việc tuần tự sẽ diễn ra tất nhiên" hoặc "giữ đúng chữ tín"
"Cứ hẹn nhưng đừng đến nhé" là tâm trạng người đang chờ đợi,đang mong nhưng ...
CHÚC MỪNG NĂM MỚI. CHÚC MỪNG NHÀ MỚI CỦA Thaydo.
RẤT VUI KHI TÁI NGỘ CÙNG BÁC DIZIKIMI TRÊN VÙNG ĐẤT BLOGSPOT NÀY !
Đăng nhận xét