BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

HỒI ỨC MIÊN MAN - Đoàn Minh Phú


   

       Mùa hè đỏ lửa năm 1972, chiến tranh tàn phá Quảng Trị. Theo dòng người tản cư vào Đà Nẵng, trường Nguyễn Hoàng tiếp tục hoạt động với 2 phân hiệu : một ở trại Hoà Khánh, một ở trại 5 Non Nước (các trại tản cư của người tị nạn Quảng Trị). Lớp 10A3 chúng tôi thuộc phân hiệu đặt tại trại 5 Non Nước (Hoà Long, Hoà Vang, Đà Nẵng). Trại 5 Non Nước vốn là căn cứ quân sự cũ, một phi trường bị bỏ hoang do lính Mỹ giao lại. Trường Nguyễn Hoàng lúc đó gồm vài dãy nhà bán kiên cố, vách ván, mái tôn khá rộng rãi, nhưng trống hoang trống huếch. Quý thầy cô phải cố gắng mới ngăn tạm các phòng học bằng những tấm “gót” tre, hở trên, trống dưới, các bạn nghịch ngợm có thể chui lòn qua các lớp bạn một cách dễ dàng. Trường chỉ trang bị cho các phòng học bảng lớp và một số bàn học sinh, không có các băng ghế. Học sinh đi học phải mang theo ghế đẩu từ nhà đến trường mới có chỗ ngồi. Vì các phòng học chỉ ngăn tạm bằng gót tre nên không có sự cách âm tối thiểu nào. Đang giờ học sử địa, nhưng tiếng giảng bài của thầy lý hoá, của cô Việt văn, thầy toán… của các lớp chung quanh vẫn nghe rõ mồn một. Ngược lại, lớp này phát âm đồng thanh tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) thì các lớp gần cạnh chỉ việc nín khe, nếu không muốn đọc phụ hoạ theo. Giờ học luôn có sự “hoà âm” bất đắc dĩ như thế. Cuộc sống tạm bợ trong trại tạm cư cũng bất ổn. Những điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy và học của thầy trò trường Nguyễn Hoàng lúc đó, nhưng không làm vơi đi sự tận tâm của quý thầy cô cũng như tinh thần hiếu học của học sinh trường Nguyễn Hoàng. Chính những hình ảnh ngộ nghĩnh ấy lại là hồi ức sâu đậm cho tôi, dù gần 40 năm đã trôi qua
        Gần bốn mươi năm rồi , phải chăng thế
        Ơi ! Mái tôn vách ván sân trường xưa
        Ơi ! Bè bạn thẹn thò ngày mới lớn
        Ghế cầm tay thắm dệt đoá hoa mơ

        Nguyễn Hoàng ! Thôi vời vợi ngôi trường cũ
        Ngăn phên gót vẫn thích hơn tường vữa
        Tiếng học ồn ta vẫn thấy véo von
        Còn chăng hương má cốm đến thơm giòn

      Lớp 10A3 Nguyễn Hoàng niên khoá 1972-1973 do thầy Cái Ngọc dạy môn vạn vật làm giáo sư hướng dẫn. Cũng như các lớp đệ nhị cấp khác, lớp 10A3 học vào buổi sáng (cạnh các lớp 10A2, 10A1, 10B, 11C…). Cô Võ Thị Hồng dạy môn Việt văn, thầy Nguyễn Văn Thị dạy toán (đại số và hình học). Thầy Lê Quang Dị dạy công dân giáo dục. Thầy Nguyễn Quang Kế dạy Anh văn (sinh ngữ 1) khoảng 2 tuần, sau đó thầy Trương Thúc Cổn về thay. Thầy Lê Văn Gioang dạy Pháp văn (sinh ngữ 2). Thầy Lê Ngọc Dinh dạy sử địa. Thầy Nguyễn Đôn Hộ dạy lý hoá. Lúc đầu, danh sách lớp 10A3 có 51 bạn, nhưng thực học có 49 bạn (2 bạn có tên nhưng không hề học gồm : Nguyễn Ngọc Minh và Võ Đình Mướp). Sau đó có 1 bạn vào học trễ (Lê Thị Hoa). Như vậy đầu niên khoá, lớp 10A3 có 50 bạn cùng chung học. Nhưng đến cuối niên khoá, lớp chỉ còn 47 bạn (có 3 bạn bỏ học : Trần Ngọc Nghĩa phải đi quân dịch, Nguyễn Hùng Việt bỏ học sau giờ thi lý hoá đệ nhị lục cá nguyệt vì bị du đảng vây rượt đánh, Nguyễn Mộng Thanh cũng bỏ thi vài môn).


      Hồi đó, chỗ ngồi trong lớp do học sinh tự phân định lấy, không hề có sự sắp xếp của giáo sư hướng dẫn. Lớp trưởng được bầu là Lê Trước, nhưng anh này không chịu làm, tôi là người giữ sổ điểm. Khi các thầy cô bước vào lớp, Trần Quốc Cường chủ động hô lớp đứng dậy chào. Cường cũng khá năng nổ khi tiếp xúc với các thầy cô nên có lẽ trong cái nhìn của thầy hướng dẫn lớp Cái Ngọc thì Cường là lớp trưởng, (vì điểm hiệu đoàn cuối niên khoá của Cường là 19 điểm, cao hơn điểm 18,75 của tôi). Ngồi ở 2 dãy bàn đầu bên nam gồm : Tôi, Trần Quốc Cường, Hoàng Văn Oanh, Trương Đăng Hùng, Nguyễn Văn Bình, Phan Khắc Tu… Ngồi bàn đầu bên phía nữ gồm : Lê Thị Thắm, Lê Thị Mỹ Trúc, Cao Thị Xuân Lan, Nguyễn Thị Liên. Tôi, Cường và Oanh ngồi gần nhau lại cùng sở thích văn thơ. Trong những giờ giải lao, bộ ba thường chụm lại làm thơ nối vần với nhau. Oanh là người có tâm hồn thơ nhất, hay đột xuất ra đề tài và làm những câu thơ đầu tiên, tôi và Cường tiếp tục nối vần. Tôi còn nhớ những bài thơ như "Cánh sen vàng, Cành trúc, Xuân lan thu cúc", mà chúng tôi làm chung với nhau (lấy tên các bạn gái trong lớp như : Hoàng Liên, Nguyễn Liên, Mỹ Trúc, Xuân Lan làm đầu đề). Chẳng hạn như bài "Cành trúc" :

           Len lén chiều về với gió sương
           Cây buồn rũ chết giữa trời sương
          Xác xơ cành trúc vươn hồ nước

      Oanh viết 3 câu thơ liền, tôi và Cường suy nghĩ hồi lâu mà chưa nối thêm được câu thơ thứ tư, nhưng nhanh trí tôi vụt đọc tiếp : “Đứng chịu tang trời đổ bóng đơn”. Các bạn đều vỗ tay khen hay. Đúng ra câu thơ trên là của một thi sĩ tiền chiến mà tôi thuộc đem lắp ghép vào mà thôi. Cường đọc to bài "Cánh sen vàng" làm hai cô bạn Hoàng Liên và Nguyễn thị Liên thẹn đỏ mặt. Sự thực là Cường yêu thầm Lê Thị Thắm, anh chàng dạn dĩ tuyên bố : “Cánh sen vàng" của Cường chính là Thắm đó. (Sau này Cường và Thắm đã thành duyên vợ chồng). Cường cũng đã từng nghịch ngợm viết trên bàn học của Lê Thị Thanh Thương (em thầy Gioang dạy Pháp văn) trong ngày nghỉ Chủ nhật, cải biên thơ Hàn Mặc Tử :

               “Đêm qua nằm mộng thấy Thanh Thương
                Má đỏ au lên đẹp lạ thường”

     Sáng thứ hai vào học, đám con gái xôn xao bàn tán ầm ĩ, nhất là “xóm nhà lá” ngồi các dãy bàn phía sau. Quý cô nương này nổi tiếng là siêu quậy; các lớp 10A1, 10A2 và nhất là lớp 11C bên cạnh nhiều khi bị các trò quậy nghịch của quý nàng mà phải chịu “văng miểng”. Quý nàng lấy biệt danh “Diễm Trang", đang giờ học bắn giấy gửi thư tình chọc ghẹo mấy chàng, làm họ bị thầy cô la rầy vì tưởng nhầm trong lớp đang đùa giỡn với nhau; ngay thầy Đôn Hộ, giáo sư dạy lý hoá trẻ (mới ra trường) lần đầu bước vào lớp đã bị quý nàng trêu chọc đến nổi phải quăng phấn hậm hực thốt lên: “nham nhở”. Trong quý nàng, nổi trội có Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Lê Thị Tuyết Thu, Trần Thị Ái Nghĩa, Trần Thị Năm, Nguyễn Thị Thanh Thanh. . . Một kỷ niệm mà 10A3 khi gặp lại là nhắc đến : Vào giờ Anh văn ( sinh ngữ 1) của thầy Trương Thúc Cổn, giờ học hôm đó chuyển sang buổi chiều, học chung với các lớp đàn em đệ nhất cấp (cạnh các lớp 6), thời tiết thì nóng ơi là nóng, và đám học sinh lớp 6 thì ồn ơi là ồn. Thầy Cổn đang dạy, thầy giảng  “thì hiện tại hoàn hảo" (The present perfect tense) của một động từ thông thường : It’ s ( = It has) nhầm với “thì hiện tại đơn” (The simple present tense) của động từ TO BE : It’s ( = It is). Tôi lên tiếng thắc mắc, thầy đính chính cho lớp liền. Ngay sau đó, đám nữ siêu quậy hoạt động mạnh. Thế là 2 nàng “nữ quái” Lê Thị Tuyết Thu, Trần Thị Năm bị lôi lên bảng, nằm sấp mặt trên nền lớp và bị thầy “đại uý” Trương Thúc Cổn áp dụng kỷ luật quân đội quất cho mấy hèo liền, khóc bù lu bù loa... Tuyết Thu nổi tiếng với trò đùa : đứng chận ngay cửa ra vào, không cho nam sinh (loại hiền lành nhút nhát ) vào lớp. Trước đây, lúc còn học lớp 7, lớp 8… Lê Đình Ninh và vài anh nam sinh trắng trẻo, hiền lành phải bật khóc vì kiểu giỡn chơi này (khi học Anh Văn vào buổi tối ở Ty Điền Địa QT – gần rạp chiếu bóng Kim Châu tức rạp Đại Chúng cũ ). Một lần đang lon ton xách ghế vào lớp, tôi bị chặn ngay trước cửa lớp bởi 2 nàng Nguyễn Thị Ngọc Thanh và Lê Thị Tuyết Thu. Nói nhỏ, nói dịu năn nỉ mãi không được, nổi nóng lên tôi mới xáng cho Ngọc Thanh một tát tai. Thế là cửa lớp được khai thông, tôi bước lẹ vào lớp nhưng Ngọc Thanh rớm lệ, đám con gái la hét mắng mỏ um sùm. Nói thiệt, lúc đó tôi cũng hơi bị run vì đám nữ tặc này diễu võ dương oai dữ quá, nếu có nàng nào nhảy vô, chắc tôi phải vắt giò lên cổ bỏ chạy thôi. Các bạn biết không ? Trần Thị Ái Nghĩa và cô em Trần Thị Phú đã từng dám học võ Thiếu Lâm ở trại Tình Thương chung với đám con trai mấy mươi đứa đó. Hoa lạc giữa rừng gươm mà còn coi như không, thì mình có "xi- nhê" gì ! Mấy bữa sau, Quốc Cường mới chọc mấy nàng : “Thằng Phú mới xoa má nhẹ một chút, rứa mà đàn chị đại tỉ chi mô đã són lệ rồi”. Mấy nàng nhăn răng cười khì, tôi mới có dịp xin lỗi làm hoà. Nghịch thế thôi, nữ sinh lớp tôi dễ thương lắm. Tôi đã gặp Ái Nghĩa ở Sài Gòn, giờ là bà nội, bà ngoại rồi. Ái Nghĩa rất lanh lợi, tháo vát đang làm dịch vụ du lịch dã ngoại cho các quan chức ngoại giao nước ngoài (trụ sở đặt tại TP HCM) vào những ngày Chúa nhật. Đối với bạn bè Ái Nghĩa rất ân cần, tràn đầy tình cảm, nhất là chồng Nghĩa – anh Thanh hiếu khách “trên cả tuyệt vời”. Tuyết Thu tôi nghe nói ở đâu khoảng Long Khánh, Xuân Lộc, Bà Rịa… và đang bị bệnh thì phải, bạn nào rõ cho mình biết với.

      Nam sinh quậy lớp 10A3 cũng “khét tiếng” lắm. Nguyễn Hùng Việt được xem là đàn anh thứ dữ. Một hôm, trong giờ thi môn lý hoá đệ nhị lục cá nguyệt, Việt ngồi cạnh tôi, đòi tôi đưa bài thi cho “ngài” chép. Nói tử tế, tôi giúp ngay nhưng đe doạ thì đừng hòng ! Việt chồm qua định giật bài thi của tôi, thì thầy giám thị coi thi nhắc nhở, Việt tạm ngồi im. Lúc đó tôi nhìn ra cửa sổ; thấy hai, ba chàng du đãng mặt mày dữ tợn đang đưa nắm đấm lên hăm doạ. Làm bài mà lòng tôi hồi hộp, run lên. Cứ nghĩ rằng họ là bạn của Việt. Việt cũng không thèm đoái hoài gì đến tôi nữa. Hết giờ, thí sinh lục tục rời phòng, tôi nấn ná ở lại, lo sợ nhìn quanh thì Việt đã phóng ra khỏi lớp từ lúc nào. Sau đó nghe tiếng la hét vang lên nhốn nháo: “Du đãng cầm dao rượt đuổi nhau bây ơi !”. Hỏi chuyện nhau, mới biết Việt với đám giang hồ gây thù chuốc oán sao đó, nên bị họ đến thanh toán . Từ đó Việt bỏ học đi đâu mất dạng. Ngoài Việt ra, còn có Nguyễn Kim Phụng, anh chàng này tuy nhỏ con nhưng nhiều đứa cũng phải gờm mặt không dám trêu ngươi. Phụng học với tôi từ năm đệ thất đến năm lớp 10, anh chàng chưa hề ăn hiếp hoặc hù doạ ai, nhưng bạn của Phụng là những anh chị thứ thiệt : “băng cột điện 192” khá khét tiếng trong lứa tuổi thiếu niên hồi đó (lúc chúng tôi học lớp 7, lớp 8, lớp 9), băng đảng này có Võ Văn Nhơn bạn học lớp tôi từ đệ thất đến lớp 9. (Nhơn là bạn thân và là hàng xóm của Phụng - nhà trên đường về Hạnh Hoa Thôn và Trí Bưu, gần nhà Cao Thị Kim Lương).

      Trong lớp có Lê Nguyên, Lê Đình Tứ (cháu thầy Lê Đình Chỉnh), Nguyễn Mãn, Lê Hữu Kháng, Lê Văn Quy, Lê Thọ Tuyển, Nguyễn Thọ, Võ Văn Đôn, Lê Văn Toàn, Lê Hoà… những bạn ngồi phía sau hiền lành và ít tham gia hoạt động lớp. Lê Nguyên,Võ Văn Đôn cùng học với tôi từ năm đệ thất đến lớp 10. Lê Nguyên, người Nhan Biều, là cháu thím Quy (vợ chú Quang của tôi). Hồi còn học lớp 8, lớp 9 Nguyên đã đi học bằng chiếc xe Gobel, ra dáng anh hùng xa lộ lắm. Các bạn nữ như : Cao Thị Thanh Thuỷ, Trần Thị Nếp, Trần Thị Hoàng Liên, Trần Thị Thu Lam, Nguyễn Thị Ninh, Trần Thị Thảo, Nguyễn Thị Kim Thu, Phan Thị Tự, Nguyễn Thị Vu, Phan Thị Liễu, Trần Thị Ngoan, Đào Thị Bạch Nhật, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thị Hoài An…. nói chung đều hiền lành, rụt rè ít nói. Cao Thị Thanh Thuỷ người làng Trà Liên, là em ruột thím Nhàn (vợ chú Đức của tôi). Hoàng Liên, nhà ở Thạch Hãn, đối diện với nhà thầy Trần Văn Lữ. Liên có em gái Hồng Phượng, lúc đó học lớp 10B, rất xinh nên là đối tượng chiêm ngưỡng của nhiều chàng trai trường Nguyễn Hoàng. Phan Thị Liễu, người Nhan Biều, hiện là giáo viên đã nghỉ hưu, hiện ở xã Tân Phước, La Gi, Bình Thuận. Chồng Liễu, anh Hải cũng là đồng môn NH hơn Liễu ba lớp. Anh Hải thật thà đôn hậu , đối xử rất nhiệt tình với bạn học của vợ mình.

      Trường NH lúc đó vẫn được quản lý bởi thầy hiệu trưởng Thái Mộng Hùng. Nhưng nhà thầy ở Đà Nẳng, phải điều hành hai phân hiệu (Non Nước – Hoà Khánh), cách xa nhau hơn 20 km, nên thầy không thường xuyên có mặt. Giám học trường vẫn là thầy Nguyễn Thiện. Thầy Hồ Ngọc Thanh, tổng giám thị luôn có mặt ở trường (nhà thầy ở ngay trong trại 5 Non Nước). Năm học này, trường NH bùi ngùi tiễn đưa thầy Phan Phụng Thạch (quản thủ thư viện trường - giáo sư dạy sử địa lớp đệ thất 3 của tôi niên khóa 1968 - 1969) -  một nhà thơ tài hoa về nơi an nghỉ cuối cùng. Đoàn người tiễn đưa thầy Thạch đông hàng nghìn người, ngoài  tang gia quyến thuộc, đồng nghiệp, thi văn hữu, thì học sinh toàn trường Nguyễn Hoàng đang tản cư ở Đà Nẵng đều hiện diện đông đảo. Ai cũng rưng rưng xúc động nhớ thương vị thầy giáo tài hoa mà mệnh yểu. Chưa tròn một năm sau đó, thầy Trần Văn Lữ - người bạn thân của thầy Phan Phụng Thạch - vị giáo sư quốc văn khả kính của nhiêu thế hệ học sinh Nguyễn Hoàng cũng ra đi trong sự tiếc thương của gia đình thân hữu, đồng nghiệp và học sinh Nguyễn Hoàng

        

       Quý thầy cô dạy 10A3 đều để lại cho chúng tôi những kỷ niệm khó quên. Thầy Cái Ngọc, giáo sư hướng dẫn lớp, dạy môn vạn vật trầm lặng ít nói, thầy thường để lớp chủ động giải quyết công việc. Quốc Cường, Đăng Hùng và tôi được thầy giao cho công việc cộng sổ, viết bảng điểm của các kỳ thi lục cá nguyệt vào thành tích biểu cho các bạn trong lớp. Trương Đăng Hùng viết chữ rất đẹp, nên sau khi bị hư 1 bảng điểm cuối niên khóa (do có chỉnh sửa, bôi xoá); Hùng sao chép thêm 2 bảng điểm cuối niên khoá  nữa, sau khi nộp bảng chính đẹp nhất cho giáo sư hướng dẫn. Hắn giao cho tôi 1 bảng sao và 1 bảng bị hư do sửa chữa và  hắn chỉ giữ 1 bảng sao. Tôi cho Mĩ Trúc bảng điểm có chỉnh sửa. Hè năm 1977, khi về Quảng Trị tôi cho lại Nguyễn Văn Bình bảng sao hoàn chỉnh duy nhất mà tôi còn giữ (nghe nói hắn để cho mối mọt gặm nát rồi, chán thiệt!). May sao, Mỹ Trúc đã photocopy bảng điểm Trúc đang giữ và gửi vào cho tôi (khổ giấy A1, to rộng lắm). Bạn học 10A3 NH cũ nào cần thì liên hệ tôi hoặc Mỹ Trúc để xem.


    Thầy Thị dạy toán, thấp lùn, béo tròn. Mặt thầy hồng hào, miệng cười tươi trông phúc hậu như Phật Di Lặc. Tôi vốn mất căn bản toán, đúng ra phải chọn ban C, nhưng niên khoá đó, trường NH không mở ban C nên tôi mới miễn cưỡng học ban A. Thầy Thị dạy rất dễ hiểu. Tôi ngồi bàn đầu, hay được thầy trò chuyện. Thầy hỏi : “ Minh , Liên , Đức là gì của em ?” (Đoàn Minh, Đoàn Liên, Đoàn Đức là những học sinh cũ của trường NH, nổi tiếng học giỏi, và là những người chú ruột của tôi; sau này chú Đức dạy Nguyễn Hoàng môn Anh Văn, có dạy lớp 11A3 niên khoá 1973 -1974 từ lớp 10A3 của chúng tôi lên). Giờ học toán, thầy Thị lại đố tôi Anh văn: “ Đố Phú ICCS (viết tắt chữ tiếng Anh "Uỷ ban Quốc tế kiểm soát ngừng bắn bốn bên") xếp các nước thành viên theo thứ tự alphabet mà sao Ba Lan lại xếp sau Gia - nã - đại ? Tôi trả lời : “Dạ thưa thầy họ xếp tên các nước theo alphabet của tiếng Anh chứ không theo tiếng Việt ạ ! Gia - nã - đại viết theo tiếng Anh là Canada, nên xếp trước Ba Lan, tiếng Anh là Poland”. Thầy khen giỏi làm tôi đỏ mặt . Không thể để thầy chê là dốt toán nên tôi cố gắng tự học, tự ôn lại nội dung các lớp dưới để lấy lại căn bản. Trong giờ học, thầy hay cho làm “toán chạy”. Có một chuyện làm tôi nhớ mãi : để nộp bài trước những bạn gái, chúng tôi làm toán rất nhanh, do đó đọc đề không kỹ, tôi nộp bài sớm nhất. Thầy Thị xem bài gật gù liên tục : “Đúng ! Đúng! Đúng!...” làm tôi khoái chí nở mũi khá to. Đột nhiên, thấy la lên: “Trời ơi! Răng mới làm chừng ni đã vội nộp rồi… A! Á! À! A!...”. Thì ra tôi mới làm được phân nửa bài, chỉ tạm xong câu a, chưa làm câu b nhưng sợ thua các bạn nữ mà đại diện nổi trội là Lê Thị Thắm (em ruột cô Lê Thị Em, giáo sư dạy lý hoá NH ), nên đã chạy lên nộp trước, phải một bữa quê mặt. Nhờ sự tận tâm, gần gũi của thầy Thị nên tôi học toán khá trở lại

     Giáo sư dạy Anh văn (sinh ngữ 1) của chúng tôi là thầy Trương Thúc Cổn, dạy liên lớp 10, liên lớp 11. Mới vào học thầy ra ngay bài kiểm tra cho tất cả các lớp với một dạng đề như nhau (không phân biệt lớp 10 hay lớp 11). Tôi còn nhớ đại khái như sau
      Dịch ra Anh văn các câu sau :
     1.Thầy hiệu trưởng trường chúng ta là thầy Thái Mộng Hùng, cao gầy, đẹp trai , nghiêm nghị
     2. Thầy dạy Anh văn lớp chúng tôi trước đây là thầy Kế, thầy đeo kính cận, đến trường bằng xe jeep trắng
     3.Chị em trao đổi :
       - Chị ơi ! Chúng ta có thể lên cung Hằng bằng cách nào nhỉ ?
      - Dễ lắm em ạ ! Chúng ta có thể du nguyệt điện bằng phi thuyền Appllo 11 do Mỹ chế tạo đấy…
      Do bài làm của tôi hợp nhãn với thầy hay sao, đi dạy lớp nào (kể cả lớp 11C), thầy cứ biểu dương tôi mãi, làm tôi hết sức ngượng ngập vì bị các anh chị lớp 11C trêu chọc khi đi ngang qua lớp họ (chị Đoàn Hoa của tôi học lớp 11C đó).

      Cô Võ Thị Hồng dạy Việt văn là người hết sức tình cảm. Trong giờ nghỉ, cô hay trò chuyện với học sinh, nhất là các bạn gái . Năm sau, ra trường Quốc Học Huế học, tôi lại gặp cô dạy ở đây. Phan Ngọc Đăng (lớp 10A2 NH) và tôi chuyển trường cùng học lớp 11C Quốc Học. Chúng tôi hay đến nhà cô ở Vỹ Dạ (Huế) chơi và khoe cô việc hai chúng tôi thay nhau dẫn đầu lớp 11C QH, cô rất vui. Do xa nhà (gia đình chúng tôi vẫn ở các trại tạm cư Đà Nẵng), chúng tôi thường về thăm nhà, nhưng không có người thân xin phép nghỉ học. Trường Quốc Học Huế rất nghiêm, chỉ cần vắng 1 ngày không phép là gửi ngay giấy mời phụ huynh học sinh lên gặp (chúng tôi gọi đùa là gửi “mandat”). Đăng và tôi phải đến nhờ cô bảo lãnh giùm. Sau khi trách mắng, cô gặp thầy giám thị xin cho chúng tôi. Có một lần, chúng tôi đến nhà cô chơi. Trong gia đình cô hình như có chuyện gì không vui, chúng tôi không được đón tiếp như mọi khi. Chúng tôi giận, tránh mặt cô (dù gặp trong sân trường) nhiều tháng liền. Điều này làm cô buồn lòng. Chưa kịp xin lỗi cô, thì sự kiện lịch sử mùa xuân 1975 xảy ra, tôi vào Bình Tuy với gia đình, không tiếp tục học Quốc Học nữa. Cô, trò từ đó không liên lạc với nhau. Viết những dòng này, em xin cô bỏ qua cho những phản ứng nông nổi, trẻ con của em lúc đó, mong cô luôn vui khoẻ và đầy ắp tình cảm bao dung như thuở nào.

      Thầy Lê Quang Dị, dạy công dân giáo dục, thầy thường cho học sinh lên bảng diễn thuyết, tự giới thiệu về mình. Sau này, thầy chuyển về Huế, chúng tôi hay đến nhà, thầy trò nói chuyện khá tâm đắc.

     Thầy Lê Văn Gioang dạy Pháp văn (sinh ngữ 2). Thầy nghỉ nhiều do sức khoẻ yếu (bệnh phổi) nên chúng tôi học Pháp văn bị gián đoạn, hết năm lớp 10 chỉ học xong bài 8 trong cuốn “Cours de Langue et de Civilisation Francaises” tập 1 của G. Mauger. Lúc ra học lớp 11C Quốc Học Huế, đầu niên khoá chúng tôi bắt đầu học bài 30 cũng sách trên. Nhờ sự tự học trong hè 1973, chúng tôi mới bắt kịp chương trình và không để thua kém các bạn Huế.

      Thầy Nguyễn Đôn Hộ dạy lý hoá còn trẻ, mới ra trường nhưng đã có phong thái đĩnh đạc. Thầy khá nghiêm khắc, có phản ứng gay gắt với những nữ sinh tinh nghịch. Thầy Hộ hát hay, ăn nói có duyên (khi đã hoà đồng cùng học sinh trong các buổi dã ngoại), lại có kiến thức khá rộng (không chỉ trong môn lý hoá của thầy). Nhiều nữ sinh có vẻ xao xuyến, thường chụm lại bàn tán “chuyên đề” về thầy. Không ít nam sinh đau tim vì “người trong mộng” tỏ ra hờ hững với mình nhưng lại chú trọng đến thầy Hộ.

      Thầy Lê Ngọc Dinh, dạy sử địa rất hay. Thọc tay vào túi quần, thầy lôi cuốn học sinh bằng những bài giảng hấp dẫn không chỉ trong phạm vi sử địa mà còn mở rộng ra ngoài phạm vi văn chương, chẳng hạn câu chuyện “Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”. Học sinh chúng tôi đồn rằng thầy là một cao thủ đai đen Judo, vì vậy những đám đánh lộn trong trường thường tự động “bỏ cuộc” khi thấy bóng dáng thầy.

              

     Lớp 10A3 chúng tôi được thầy cô dẫn đi dã ngoại ở Nam Ô  (Liên Chiểu, Quảng Nam, gần đèo Hải Vân ), và tự tổ chức đi chơi chùa Non Nước (Ngũ Hành Sơn), cách Trại 5 Non Nước khoảng 10 km. Chúng tôi còn giữ được một số ảnh chụp của lớp trong những chuyến đi dã ngoại đó. Trên núi Non Nước, Trương Đăng Hùng, một bạn rất khéo tay đã dùng dao đẽo khắc vào tảng đá tên lớp 10A3 và ngày tháng khắc, rất đẹp. Giờ đây tảng đá có còn chăng hay tan biến theo bụi thời gian ?

           Thương thắm thiết lớp mười xưa cũ đó
           Tảng đá buồn rêu phủ tên A3 ?
           Thương Non Nước hang sâu cùng dốc núi
           Mây bay về ai nhắn kể chuyện ngày qua

           Lan và Thắm còn than chăng chân mỏi
           Hường, Trúc ơi vẫn ngọt nước dừa tươi
           Trên đỉnh núi nhấm hoài vắt xôi dẻo
           Thoáng mắt nhìn Thân có thấy bồi hồi                        

      Chúng tôi hồi đó gồm : Cường, Oanh, Bình, Phú, Hùng, Tu (nam sinh ) chơi khá thân với nhóm nữ như : Hường, Trúc, Xuân Lan, Thắm, Thân. Một số bạn thường ghép đôi tôi với Thân. Thân là cô gái dễ thương, đảm đang về nữ công gia chánh, việc ẩm thực khi đi picnic, dã ngoại đều do Thân phụ trách là chính. Thân còn có tên gọi ở nhà là Thuận, nên có bạn đọc ghép thành Thuận Thân. Thân có cháu gái tên Huệ học lớp 9 rất xinh, Thành học lớp 11A2 theo đuổi, vì vậy anh chàng hay gọi trêu Thân là dì Thuận. Như đã nói, trại 5 Non Nước vốn là một phi trường nên có phi đạo khá đẹp chạy dọc theo bờ biển Hoà Long. Chúng tôi ghép chữ phi đạo và hải (biển) đặt thành tên riêng cho nơi này: Phi Hải. Tôi nhớ, có một lần đi chơi chung nhóm về, do  mang xách đồ lỉnh kỉnh, Thân dừng lại nghỉ, các bạn trêu, thách tôi làm thơ tặng... Nhìn những dãy núi xa xa xanh biếc cắt hình trên nền trời, tôi đọc:

         “ Em dừng bước bài thơ tình in bóng .
          Cảm hồn trời bao dãy núi trầm tư”.

 Thân thẹn chín đỏ mặt, vội bước đi . Tôi lại đọc tiếp :

         “ Em chuyển bước trùng dương nào cuộn sóng .
           Dưới bàn chân hồi hộp biển cây xanh”.

   Cả nhóm vỗ tay cười vang. Thực ra những câu thơ trên là của thi sĩ Đinh Hùng, tôi chỉ vay mượn, đọc lên cho kịp thời mà thôi. Những kỉ niệm đó đã hoá thân vào thơ khi tôi hồi tưởng lại:

          Và Phi Hải cát vàng chao sóng vỗ
          Ta ngày xưa nồng ấm đẹp hồn mơ
          Chưa yêu thương nhưng lòng hoài rộn rã
          Ơi Thuận Thân ! Ơi ngày tháng xa đưa

      Học sinh chúng tôi hồi đó có độ tuổi không đồng nhất, có khi cách biệt 4; 5 tuổi là thường. Những nam sinh lớn tuổi sinh vào thời loạn ly không thể ngồi yên trên ghế nhà trường. Trần Ngọc Nghĩa phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Có bữa, nhiều bạn gái không cầm được nước mắt khi thấy Trần Ngọc Nghĩa xúng xính trong bộ đồ tân binh rộng thùng thình trở về lớp thăm, lúc Nghĩa nghỉ phép. Một số bạn nam khác phải đổi tên họ và làm lại khai sinh nhỏ tuổi lại, chuyển sang học trường khác : Hoàng Văn Oanh cải tên là Hoàng Văn An qua học trường Bồ Đề, Trần Quốc Cường thay khai sinh học bạ lại là Trần Văn Hùng, Trương Đăng Hùng thì biến thành Trương Thành Hưng. Không ít bạn bạn nam thay tên đổi họ như thế. Chính bản thân tôi cũng khai nhỏ tuổi lại, chỉ có điều vẫn giữ nguyên họ tên.

      Hè đến, cuối năm học trước khi chia tay, học sinh viết lưu bút cho nhau. Tôi còn giữ hai tập lưu bút năm đó. Nhiều bạn viết rất cảm động. Có bạn tỏ rõ khiếu viết văn : Lê Thị Hường với bút hiệu Tuỳ Hương và Hoàng Văn Oanh có lời văn mượt mà như tuỳ bút văn học. Văn đã thể hiện tính cách con người. Trương Đăng Hùng đã viết:

            “Ngày mai đôi ngả cách xa rồi
             Tôi về đơn độc một mình tôi
             Người ơi tôi viết dòng lưu bút
             Kỷ niệm ngày sau có thế thôi”
                         (Trương Đăng Hùng)

    Quả thực, sau này Hùng sống đơn độc, lạnh nhạt với bạn bè, dù tình cờ gặp nhau hay có ai đó đến thăm Hùng, kỷ niệm chỉ có chút ít thế thôi. Còn Quốc Cường nồng nhiệt hơn với những dòng lưu bút sau:

           “Mai này ta sẽ cách xa nhau
           Mỗi đứa một phương một chuyến tà
           Hành trang đầy ắp dòng lưu niệm
           May mắn gặp nhau chớ cúi đầu”
                             (Trần Quốc Cường)

     Có lẽ, phong cách viết lưu bút của Cường hợp với những câu sau (thơ tôi tình cờ đọc của một tác giả chưa biết tên )

            “Mai sau có gặp lại nhau .
            Xin đừng cúi mặt để đau lời chào”

       Hè ở trại tản cư không có một tiếng ve, không có sắc hoa đỏ thắm của nhành phượng vĩ, tôi cũng đã viết lưu bút :

          Hè đến rồi đây em biết không
          Vắng tiếng ve ran vắng phượng hồn
          Về ta em nghĩ gì chăng nhỉ !
          Hay chỉ thờ ơ xem như không?

     Năm 1975, ngay sau khi Đà Nẵng vừa được bộ đội miền Bắc tiếp quản, tôi có đến trại 5 Non Nước thăm lại một vùng đất in dấu nhiều kỷ niệm thời học trò hoa mộng. Trước mắt tôi chỉ còn là vùng đất hoang vu cát trắng. Thời gian vùn vụt trôi qua, mới đó đã gần 40 năm rồi. Khói sương kỷ niệm lãng đãng bao phủ làm trào dâng những cảm xúc dào dạt trong tôi về thầy xưa bạn cũ, xin ghi lại lên đây ít hồi ức về ngày tháng hoa niên thơ mộng đó

       Trường học cũ giờ tan thành cát trắng
       Thầy cô xưa mù biệt với ngàn khơ
       Thời tản cư chập chờn vương hư ảnh
       Khói sương mờ hay kỷ niệm lên hơi

       Thoáng kỷ niệm về bơi trong đáy mắt
       Ta trầm ngâm hoài tưởng cả trời xưa
       Nghe vang vọng dư âm bao tình mất
       Thoảng bay cao diệu vợi những giai thừa

                                                                             Đoàn Minh Phú

11 nhận xét:

NHAMY nói...

Mot hoi uc dep ve tuoi hoc tro truong lop Thay ban

Bâng Khuâng nói...

Cám ơn sự đồng cảm của bạn nhé!

ĐINH DUY ĐANG nói...

Thaydo đã xuất các dữ liệu ở blog yahoo và nhập vào đâu chưa? Tôi đã xuất hết và đã tải về máy mình , giả nén rồi song muốn chuyển sang một blog nào đó cùng một lúc thì là thế nào? Theo Thaydo nên chuyể vaof blof nào choi thuận tiện và dễ dàng? Thay do nếu bieesrt cách thì chỉ cho tôi với nhé. Cảm ơn.

Bâng Khuâng nói...

Tôi chưa xuất dữ liệu từ Yahoo blog. Chỉ có Yahoo Blog Việt Nam mới đóng cửa thôi. Nhiều bạn đã chuyển sang Yahoo Blog Hồng Công , cấu hình hoàn toàn giống Yahoo Blog VN . Một số ít đã có sẵn Yahoo Blog Korea nên họ chuyển nhà rất nhanh.
Bác thử xem các Blog Yahoo , tôi vừa nêu trên xem sao nhé! Chúc vui !

Bâng Khuâng nói...

Chúc chiều Chủ Nhật vui nhé!

[img]http://img1.123tagged.com/en/sunday/182.gif[/img]

Bâng Khuâng nói...

:))

Bâng Khuâng nói...

DANH SÁCH HỌC SINH LỚP 10A3 TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG – QUẢNG TRỊ
( PHÂN HIỆU TRẠI 5 NON NƯỚC - HOÀ LONG – HOÀ VANG – ĐÀ NẴNG )

NIÊN KHÓA 1972 - 1973

1- Nguyễn Thị Hoài An
2- Lê Thị Hoa
3- Nguyễn Thị Hậu
4- Lê Thị Hường
5- Cao Thị Xuân Lan
6- Trần Thị Thu Lam
7- Nguyễn Thị Liên
8- Trần Thị Hoàng Liên
9- Phan Thị Liễu
10- Trần Thị Năm
11- Trần Thị Nếp
12- Nguyễn Thị Ninh
13- Đào Thị Bạch Nhật
14- Trần Thị Ngoan
15- Trần Thị Ái Nghĩa
16- Lê Thị Thân
17- Nguyễn Thị Ngọc Thanh
18- Nguyễn Thị Thanh Thanh
19- Trần Thị Thảo
20- Lê Thị Thắm
21- Cao Thị Thanh Thủy
22- Nguyễn Thị Kim Thu
23- Lê Thị Tuyết Thu
24- Lê Thị Thanh Thương
25-Phan Thị Tự
26-Lê Thị Mỹ Trúc
27-Nguyễn Thị Vu
28-Nguyễn Văn Bình
29-Trần Quốc Cường
30-Lê Hòa
31-Trương Đăng Hùng
32-Lê Hữu Kháng
33-Nguyễn Mãn
34-Lê Nguyên
35-Hoàng Văn Oanh
36-Đoàn Minh Phú
37-Nguyễn Kim Phụng
38-Lê Văn Quy
39-Lê Văn Toàn
40-Nguyễn Văn Tiến
41-Phan Khắc Tu
42-Lê Thọ Tuyển
43-Nguyễn Thọ
44-Lê Đình Tứ
45-Lê Trước
46-Nguyễn Hữu Vinh
47-Võ Văn Đôn

TỔNG CỘNG : 47 bạn

Ghi chú :
a-Vào đầu niên khóa, lớp 10A3 gồm thêm các bạn sau (bỏ học nửa chừng , vì nhiều lý do) :

48 - Trần Ngọc Nghĩa
49 - Nguyễn Hùng Việt
50 - Nguyễn Mộng Thanh

b - Ngoài ra, danh sách ban đầu còn có những bạn có tên nhưng không tham gia thực học, gồm:

1- Võ Đình Mướp
2- Nguyễn Ngọc Minh

Danh sách này lấy từ các tờ chemise các môn Anh Văn, môn Vạn Vật,… và bảng điểm cuối năm (bảng điểm sao thêm, sau khi nạp bản chính cho giáo sư hướng dẫn mà ĐMP còn lưu giữ được)
Người lập danh sách

ĐOÀN MINH PHÚ

Bút Nguyên Tử- Tiểu Hùng Tinh nói...

Cảm động biết bao!

Bâng Khuâng nói...

Thật vui khi có sự đồng cảm của bác Bút Nguyên Tử! Chiều thanh thản hí!

http://www.graphics99.com/wp-content/uploads/2012/07/good-evening-sun-sets-picture.gif

Bâng Khuâng nói...

ICC hay ICSC là chữ viết tắt của Hội Đồng Giám Sát Hiệp Nghị Geneve 1954 về Việt Nam, có tên tiếng Anh là “the International Commission for Supervision and Control in Vietnam,” gồm ba quốc gia, một thuộc thế giới tự do là Canada, một thuộc khối Cộng Sản là Ba Lan và một thuộc khối Không Liên Kết là Ấn Độ.

Bâng Khuâng nói...

ICCS là chữ viết tắt của International Commission of Control and Supervision (Ủy ban Quốc tế về Kiểm soát và Giám sát Đình chiến Việt Nam)

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ICC hay ICSC (Hội Đồng Giám Sát Quốc tế Hiệp Nghị Geneve 1954 về Việt Nam) bị giải tán và được thay thế bằng Ủy ban Quốc tế về Kiểm soát và Giám sát Đình chiến Việt Nam (ICCS)
ICCS là tổ chức có vị trí rất quan trọng trong việc thực thi Hiệp định Paris 1973 do đây là tổ chức đảm bảo sự đánh giá một cách khách quan và trung lập đối với việc thực thi hiệp định của các bên. Theo phía Hoa Kỳ, ICCS có vị trí cao hơn Ban liên hợp Quân sự và họ muốn sử dụng ICCS để giữ nguyên hiện trạng tại Việt Nam, có nghĩa là tiếp tục chia cắt Việt Nam và lợi dụng ICCS để cản bước Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, họ cho rằng ICCS là cơ quan đảm bảo Hiệp định được thực hiện nghiêm chỉnh, ICCS không đứng trên Ban liên hợp quân sự mà có mối quan hệ và phối hợp với Ban liên hợp quân sự. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam coi ICCS là một trong những nơi phối hợp các kết quả trên cả ba mặt trận: Chính trị - Quân sự - Ngoại giao.

Thành phần:
Ngày ngày 27 tháng 1 năm 1973, cùng với lễ ký Hiệp định Paris 1973, các thành viên của ICCS được công bố bao gồm: Ba Lan, Canada, Hungary và Indonesia.