Tác giả: TRẦN DUỆ
Không biết vùng đất nơi đây tên gọi là gì nhưng nó ở cách
những thành phố lớn xa lắm ! Với con đường ngoằn ngoèo băng qua những cánh rừng
cây cao vút, làm cho con người thấy mình quá bé nhỏ trước thiên nhiên. Những dãy
núi hình vòng cung bao quanh vùng đất bằng phẳng và rộng lớn. Một con sông bắt
nguồn từ các dòng suối chảy về và băng qua cánh đồng, tạo cho nơi đây trở thành
vùng đất phì nhiêu, cây lá xanh tốt quanh năm. Chiều chiều, hơi đá từ các ngọn
núi toả ra làm cho cái thung lũng này như chìm trong sương mù. Cảm giác lành lạnh
và cảnh trí u uất đã tạo cho con người nơi đây sự trầm lắng và cam chịu.
Nghe nói đã lâu lắm rồi, có một đoàn người
đi tìm trầm. Họ đi suốt mấy tháng trời mà không tìm ra trầm. Họ tìm đường về xuôi
bằng cách đi theo dòng chảy của các con suối. Đoàn người kéo nhau đi trong sự
liêu xiêu, ngất ngưỡng và đói rét, bệnh hoạn. Họ xuống sông để tắm và cố gắng mò
mẫm những con cá để ăn. Trong họ, ai cũng biết rằng muốn về đến nhà phải đi bộ
nhiều ngày đường nữa. Tất cả nằm trên bờ sông để nhìn núi, nhìn trời. Lúc này họ
mới nghĩ về chính thân phận của họ. Thật là khốn khổ cho kiếp người ngậm ngải tìm
trầm ! Lúc nào trong họ cũng mong một sự đổi đời, bằng cách tìm được một cục trầm
thật to để chấm dứt cái nghề khốn nạn này. Nhưng rồi cục gỗ thơm tho màu đen ấy
đã cuốn hút gần hết tuổi thanh xuân của họ nơi chốn rừng sâu núi thẳm. Để rồi cốt
khỉ vẫn hoàn cốt khỉ. Lúc này họ đã biết chính con người của họ đã làm khổ cái
thân xác của họ. Nếu trở về nhà thì lấy đâu ra tiền để trả nợ, trả lãi cho những
nhà giàu đã cho họ vay tiền để trang trãi cho những chuyến đi rừng. Nếu không
trả thì chắc chắn vợ con của họ phải ở đợ để gán nợ. Nếu đã ở đợ cho nhà giàu
thì bản thân, vợ con của họ sẽ còn khổ hơn con chó nhà chủ. Nếu lên rừng trở lại
để tìm cơ may cuối cùng thì cái đói, cái rét sẽ không buông tha họ và chắc chắn
họ sẽ trở thành loại người rừng mà cha ông họ đã mắc phải.
Vậy là cái xóm nhỏ nằm ven chân núi đã
hình thành. Tất cả cùng nhau khai hoang vùng đất ven sông trước mặt nhà. Những
cánh rừng đã lùi xa nơi họ ở, thay vào đó là những ruộng lúa xanh tốt. Dần dà
trong xóm đã có tiếng khóc của trẻ con, tiếng chó sủa vào ban đêm, tiếng gà gáy
sáng… Tất cả dù chưa nhiều nhưng cũng đủ để cho những con người sống ở đây đỡ
thấy trống vắng hơn và thấy quý nơi họ đang sống.
Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, mọi người đã
nghĩ ngay tới việc cất lên một ngôi nhà để làm nơi thờ cúng, tạ ơn thần linh của
núi rừng đã phù hộ cho những con người sống nơi đây được trúng mùa. Đêm đêm
trong ngôi nhà lợp tranh, vách nứa này vẫn được đốt lên đống lửa để những người
đàn ông tụ tập lại với nhau. Họ kể cho nhau nghe về cuộc đời của mình cùng những
kỷ niệm lúc còn ở dưới xuôi. Trong họ không có ai biết chữ cả ! Cuộc sống ở đây
cứ vậy mà sinh sôi. Không ồn ào náo nhiệt. Không có ai mưu lợi cho riêng mình.
Hầu như ai cũng đều sống bộc bạch với nhau.
Có một buổi sáng, mọi người cùng thắc mắc
bởi một chuyện lạ thường là trong xóm lại xuất hiện một vị thầy tu. Dù trên đầu
đã không còn tóc, mặc áo cà sa, đi chân đất nhưng nhìn vóc dáng thanh mảnh và nước
da trắng đã hiện rõ cho mọi người thấy rằng đây là một người giàu sang, quyền
quý chứ không phải là một bậc chân tu. Có người thắc mắc là không thấy vị thầy
tu đi vào nhưng lại có vị thầy tu từ nhà ông Năm đi ra. Ông Năm nói là thầy vào
nhà hồi khuya. Ai cũng biết là ông Năm nói không thật. Ở đây mọi người đều biết
đi một mình trong rừng vào ban đêm thì thì chẵng còn ai sống sót với lũ cọp beo.
Ông Năm đưa vị thầy tu đến ở trong ngôi đình của xóm. Ban đêm nghe tiếng thầy đọc
kinh, có người thắc mắc “ đã là thầy tu thì phải có chuông, có mõ, sao thầy lại
không có ”. Hàng ngày thầy vẫn đi làm ruộng với mọi người. Nhìn cách làm ruộng
của thầy không giống người làm ruộng thực thụ. Nếu có người thắc mắc thì ông Năm
đều có cách biện hộ cho thầy. Vậy rồi mọi chuyện cũng qua đi, không ồn ào náo
nhiệt như cái vốn có của nó.
Bức tượng được ngự trên tòa sen. Những
cánh sen được đẻo gọt cẩn thận, nhưng muốn hiểu đó là một bông sen thì người nhìn
phải tưởng tượng ra. Những cánh sen nhìn từ phía trước lại nhỏ hơn những cánh
sen ở phía sau và cánh cao, cánh thấp không đều nhau, tạo nên một sự sắp xếp lộn
xộn, trái ngược với những cánh sen mà thiên nhiên đã tạo ra. Đức Phật to khoảng
đứa bé ba tuổi, ngồi kiết già, hai tay chắp lại phía trước ngực. Chiếc áo cà sa
mặc chéo sang một bên, còn một bên để trần lộ rõ xương vai và từng dãy xương sườn
biểu hiện sự khắc khổ, chịu đựng. Khuôn mặt Đức Phật nghiêm nghị, trầm tư, yên
lắng… như một sự bằng lòng với ngoại cảnh. Người xem tượng khó hình dung được đức
Phật có còn tóc hay không, bởi do những vết đẽo nham nhở tạo nên những đường gợn
sóng không đều trên đầu tượng Phật. Mọi người đều biểu hiện sự thông cảm với điều
kiện của thầy.
Có tượng Phật, có thầy trụ trì, ngôi đình
mặc nhiên trở thành ngôi chùa mà chính những người làm ra nó chưa bao giờ nghĩ
tới. Đêm đêm mọi người đều nghe thầy đọc kinh. Nghe mãi thành thuộc. Ngày làm
ruộng, đêm lên chùa đọc kinh, vậy là họ trở thành phật tử hồi nào không hay, không
biết. Có người thắc mắc “ kinh nhà Phật thì nhiều, tại sao thầy chỉ thuộc kinh
cầu an và cầu siêu ?. Nghe vậy có người trả lời “Sống thì cầu an, chết thì cầu siêu chứ biết cầu gì cho
nhiều ”. Tất cả cười ồ lên trong không
khí thoải mái, vô tư.
Một hôm có một toán người tìm trầm, họ đến
và ở lại chùa ăn chay, nằm đất ba ngày đêm. Khoảng hai tháng sau, họ đưa lên chùa
một cái chuông đồng to bằng thùng gánh nước, nặng chừng hai người khiêng. Họ nói
là nhờ Phật phù hộ mà họ tìm gặp một cục kỳ nam, cho nên họ tặng chùa để tạ lễ
theo đúng lời khấn nguyện của họ. Mọi người vui vẻ nhận chiếc chuông. Không ai
tham gia vào những câu chuyện sặc mùi tiền bạc của người đối diện.
Tiếng chuông chùa làm cho cái xóm nhỏ
vui hẳn lên. Núi rừng chung quanh, muông thú chung quanh dường như im lặng hơn
mỗi khi tiếng chuông được cất lên. Buổi sáng khi mọi người đang ngủ say thì tiếng
chuông được dóng lên từng hồi như giục giã, réo gọi, vậy là ai cũng thức dậy để
chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Ngày tháng trôi qua, tiếng chuông vẫn đều đặn
ngân vang, chính xác hơn tiếng gà gáy, trung thành như người lính đứng gác. Tiếng
chuông vào ban đêm nghe khác hơn buổi sáng. Chỉ có những người sống nơi đây mới
hiểu được điều đó.
Năm tháng qua đi, chiến tranh qua đi. Mọi
người ở đây đã làm hết sức mình để bảo vệ vùng quê mới của họ. Xóm núi năm xưa
bây giờ đã thay đổi. Có chợ đông vui, đường sá thông thương, rừng chỉ còn ở trên
núi. Ngôi chùa bằng gỗ, lợp tranh chỉ còn trong trí nhớ của những người lớn tuổi,
thay vào đó là một ngôi chùa được xây dựng bề thế. Riêng vị sư già thì vẫn đầy
bí ẩn và vẫn trầm tư như đang thả hồn vào một cõi xa vắng nào đó. Tiếng chuông
vẫn được cất lên đều đặn. Khúc ngân của chuông vào mỗi buổi chiều như kéo dài hơn,
nghe như một điệu nhạc trầm buồn. Dù không lý giải được nhưng ai cũng hiểu mỗi
khi nghe thầy đánh chuông, lòng có buồn thì cũng thấy vui, lúc quá vui thì cũng
làm cho lòng người như lắng lại.
Một hôm trong chùa xuất hiện một người phụ nữ có vóc dáng
cao to, đầy đặn, trên người đeo nhiều nữ trang đắt tiền. Người phụ nữ khóc. Mặt
thầy không biểu hiện một nét buồn vui nào cả. Thì ra người đàn bà đẹp và sang
trọng này chính là con gái của thầy. Vậy là những điều bí ẩn đã được hé mở. Hồi
ở dưới xuôi thầy đã có vợ và một người con gái. Vợ thầy là một người phụ nữ đẹp
và lanh lợi. Gia đình thầy giàu có, ruộng đất rất nhiều. Nếu không có trí nhớ tốt
thì không thể nhớ hết những người làm công trong nhà. Không có ai biết được thầy
đã học hết lớp mấy, nhiều người chỉ nghe nói được rằng từ nhỏ đến lúc trưởng thành,
thầy chỉ biết đi học. Rồi gia đình giàu sang, quyền quý đó thật sự tan nát kể từ
khi người chồng tận mắt trông thấy vợ của mình đang nằm bên cạnh một người đàn ông
khác. Lúc đó người chồng đã đã bộc lộ hết bản năng ích kỷ của người đàn ông. Vợ
chết. Người chồng tìm lên rừng để gặp ông Năm là người đầy tớ lâu năm trong nhà
của mình.
Không hiểu sao từ hồi thầy trở về thành
phố để thăm đứa con gái của mình thì tiếng chuông được đánh lên nghe khác hơn.
Nó không còn ngân vang, kéo dài như để đưa hồn người nghe vào cõi sâu lắng của
tâm linh, hay dẫn dắt, níu kéo sự tham dục trở về với nhân bản. Tiếng chuông
nghe như đứt quãng từng hồi, có lúc lại hối thúc, dứt khoát như tiếng trống trận.
Người con gái của thầy trở lại thăm và nói với thầy cùng các phật tử là xin được
cúng dường cho chùa một tượng Phật to và một cái đại hồng chung để thay thế cho
những cái đã cũ. Thầy im lặng. Có người nói: “ Thầy xem thường lòng tốt của đạo
hữu”, người nói: “ Thầy không lo việc xây dựng chùa”.
Đã hai đêm rồi không nghe tiếng chuông
chùa được đánh lên. Đây là một điều không bình thường. Nhiều người chạy lên chùa
tìm thầy. Khung cảnh chùa vẫn vắng lặng như mọi ngày. Thầy đang quỳ trước chánh
điện, một tay xá phía trước ngực, một tay để tựa trên quyển kinh. Nhìn vết máu
chạy dài từ miệng xuống và đông cứng lại trên trên chiếc áo cà sa, mọi người đều
biết là không còn sống. Ông Năm ân hận là mấy hôm nay bị đau lưng nên ông không
lên chùa. Đứa cháu gái sắp được chồng cưới
phải bỏ đi làm ruộng để thay ông làm các việc chẵng tính công ở chùa. Cô
bé vừa khóc vừa kể “ Trưa, chiều con đều đưa cơm lên cho thầy và con vẫn thấy
thầy quỳ như vậy. Con nghĩ là thầy bận xem kinh”. Có người hỏi lại “ Sao con không
nhắc thầy ăn cơm”. Cô bé lau nước mắt “ Sợ thầy giật mình nên con không dám gọi”.
Bây giờ thì ai cũng hiểu thầy đã đến sống và đi khỏi xóm núi này đều là sự lặng
lẽ, khó hiểu…
Nhiều người đến để tiễn thầy ra an nghỉ
ở một góc rừng, nơi có những cây gỗ quý còn sót lại của thuở khai hoang. Riêng
con gái của thầy thì không có mặt. Đúng là cô ta không biết, do không có ai biết
nơi ở của cô để báo tin.
Hàng ngày tiếng chuông lại được ngân
vang dội vào vách núi./-
TRẦN DUỆ
Điện
thoại: 0989.870.698
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét