BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

THƠ 1-2-3 CỦA TRẦN MAI NGÂN


  

 
THƠ 1-2-3
 
Tờ lịch đắn đo buông ngày hôm qua rơi xuống
Cẩn trọng ngày hôm nay
Nhìn rõ trái tim người qua nụ cười thật ngọt
Chọn ngày mai tử tế
Ân cần và bao dung
Để khi thành ngày hôm qua - không ngại ngùng!
 
                                                    Trần Mai Ngân

MẮC NỢ - Thơ Lê Kim Thượng


  


Mắc Nợ 1 – 2
 
1.
Người đi mắc nợ… “Ngày Xưa”
Người đi mắc nợ nắng mưa… “Quê Nghèo”
Sông buồn tím ngắt cánh bèo
Lời ru xa vắng, gió reo, sóng tràn
Ngân Hà – Chức Nữ - Ngưu Lang
Quạt mo đổi chác, nghênh ngang Thằng Bờm
Được mùa lúa chín vàng ươm
Được mùa, canh cá, bát cơm tràn đầy
Cánh cò bay lạc tầng mây
Đàn trâu nhai cỏ, nằm đầy gốc me
Lành yên những buổi trưa hè
Sông dài in bóng lũy tre gió lồng
Hai sương, một nắng trên đồng
Dù cho mưa nắng vẫn không quản gì
Đất phèn theo bước Cha đi
Chân bùn, tay lấm không gì thở than
Ruộng đồng đâu quản gian nan
Đông về giá rét, chang chang nắng Hè
Tình quê ấm mái tranh che
Nép mình dưới bóng lũy tre xanh ngần…
 
2.
Trăm năm Con Tạo xoay vần
Một đời hạnh phúc cũng ngần ấy thôi
Thơ rơi chén đắng rượu mời
Gió trăng còn đó, cuộc chơi vội tàn
Đọt tre đọng bóng trăng ngàn
Rạ rơm, sương khói quyện tràn âu lo…
Bến sông vọng tiếng gọi đò
Để cho câu hát câu hò mênh mông
Còn tôi đứng với dòng sông
Nhìn câu thơ cũ lạc dòng lênh đênh
Chảy qua bao thác, bao ghềnh
Chỉ là trôi nổi bồng bềnh buông xuôi
Bãi sông của tuổi lên mười
Cho tôi ngụp lặn, nụ cười thân yêu…
Bóng quê… Bóng Mẹ xế chiều
Nhớ quê… Nhớ Mẹ, nhớ nhiều Mẹ ơi!
Con còn nỗi nhớ mù khơi
Mái tranh nghiêng cả một thời trở trăn
Chỉ là hoài niệm băn khoăn
Mắt xưa ghim vết dấu hằn chân chim…
       
                 Nha Trang, tháng 10. 2024
                         Lê Kim Thượng

MÙI CƠM SÔI, Ô CỬA THÁNG MƯỜI – Thơ Tịnh Bình


   


MÙI CƠM SÔI
 
Bâng khuâng miền ký ức
Thương hình bóng quê nhà
Ao quê bông súng nở
Tím hoàng hôn phôi pha
 
Cánh cò bay dẫn lối
Man mác hình quê xa
Áng mây chiều cô lữ
Chợt dừng chân bôn ba
 
Lối cũ về xóm nhỏ
Vang tiếng trẻ nô đùa
Mẹ ngồi tựa hiên vắng
Đăm chiêu nét trầm tư
 
Lặng nghe chiều nắng tắt
Cánh đồng gió ngân nga
Đường đê mòn cỏ dại
Lúa vàng bông thật thà
 
Mùi cơm sôi chái bếp
Lửa hồng bén rạ rơm
Nghe lòng như ấm lại
Khói lam chiều nồng thơm...
 
 
Ô CỬA THÁNG MƯỜI
 
Mở ra khung cửa sớm
Gió ngàn lời trong veo
Ơ giọt sương giấc muộn
Có hay nắng về theo ?
 
Thầm thì lời cỏ rối
Tự tình chi tháng Mười
Thu cuối trời lơ đãng
Mùa đông say giấc vùi
 
Nhặt tờ thu lá mỏng
Trắng trời mây trắng bay
Bình yên trong tĩnh lặng
Ô cửa khép u hoài
 
Chạm tay vào nắng vỡ
Ban mai đã vùi chôn
Tháng Mười câu chuyện kể
Bắt đầu là hoàng hôn...
 
                    Tịnh Bình
                   (Tây Ninh)

SẮC MÀU – Thơ Lê Phước Sinh


  

 
SẮC MÀU
 
Cho mùa Thu rụng lá
để Đông sang, trơ cành.
Những nhánh cây giá lạnh
giữa chuông lễ, giòn tan...
 
                 Lê Phước Sinh

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

RAU SÂM ĐẤT CÓ CÔNG DỤNG GÌ? – Thanh Thanh



Sâm đất là cây gì?
 
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, sâm đất thuộc họ rau sam và có tên khoa học là Talinum fruticosum.
 
Trong dân gian, sâm đất còn nhiều tên gọi khác như sâm mồng tơi, sâm thảo, đông dương sâm. Loại cây này chứa pectin và nhiều hoạt chất khác, có tính bình, vị ngọt.
 
- Sâm đất có một số đặc điểm như sau:
+ Thân cây thẳng đứng.
+ Lá cây có hình trái xoan, cuống rất ngắn, phiến lá dày, 2 mặt lá bóng, phần mép lá hơi lượn sóng. Lá thường mọc so le.
+ Hoa sâm đất nhỏ và màu hồng tím, thường ra hoa theo từng chùm với chiều dài chùm hoa khoảng 30 cm. Thời điểm cây cho hoa là vào tháng 6 đến tháng 7.
+ Thời gian thu hoạch quả sâm đất là vào tháng 9 đến tháng 10. Loại quả này nhỏ, thường có màu đỏ nâu hay màu xám tro. Hạt sâm đất nhỏ, dẹt và có màu đen nhánh.
+ Loại cây này có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Ở nước ta, cây sâm đất phân bố tại nhiều vùng miền, nhưng tập trung chủ yếu ở vùng trung du miền núi và nhiều người dân ở những vùng này đã dùng sâm đất như một loại rau ăn hàng ngày. Củ cây sâm đất còn được dùng để làm thuốc bổ. Bên cạnh đó, hoa sâm đất rất đẹp nên cây sâm đất được dùng như một loại cây cảnh.
+ Sâm đất ưa đất ẩm nhưng có thể sống ở những vị trí nhiều nắng. Đây là loại cây dễ trồng. Có thể thu hoạch sâm đất quanh năm như một loại rau ăn hoặc phơi khô sâm đất, bảo quản và dùng dần như một vị thuốc bổ, thuốc hỗ trợ điều trị bệnh.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

VOI BIỂN LÀ “HẢI TƯỢNG” HAY “HẢI MÔ ? - La Thụy sưu tầm và biên tập

 



          VOI BIỂN LÀ “HẢI TƯỢNG” HAY “HẢI MÔ ?

Câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn, khi mà ai cũng biết từ Hán Việt “tượng” là voi, tất nhiên VOI BIỂN phải là HẢI TƯỢNG. Nhưng, không phải tự dưng tôi đặt ra câu hỏi “ngớ ngẩn” trên. Việc gì cũng có nguyên do cả (như “nguyên lý túc lý” trong triết học).

Năm 1967, tôi học lớp nhất (tương đương với lớp năm hiện nay). Khi học môn Khoa Học Thường Thức, bài “động vật Bắc cực” thấy giới thiệu về gấu trắng, hải cẩu và hải mã. Nhìn hình vẽ thì con hải mã to lớn và đặc biệt có 2 cái ngà nhọn hoắt chỉa ra từ miệng. Sách Khoa Học Thường Thức lớp nhất hồi đó cho biết HẢI MÃ nặng trung bình 1,5 tấn. Tôi tự hỏi con vật to lớn, có ngà trông giống con voi, chẳng giống ngựa tí nào, tại sao không có tên là HẢI TƯỢNG mà lại mang tên HẢI MÃ. Bẵng đi một thời gian dài, đọc sách báo, tôi thấy có đề cập đến HẢI TƯỢNG. Tôi truy cập tìm hiểu “hải tượng” là con vật như thế nào, quả nhiên như suy nghĩ của tôi thời tiểu học: HẢI MÃ còn được gọi là hải tượng.

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

VỀ BÀI THƠ “TIẾNG HẠT NẨY MẦM” (SÁCH TIẾNG VIỆT LỚP 5) - Vương Trung Hiếu, Phùng Hiệu



Vài ngày nay cư dân mạng xôn xao trước bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của Tô Hà (sách Tiếng Việt lớp 5). Nhiều người khen, song cũng lắm kẻ chê bài thơ này, đặc biệt là cho rằng tác giả đã chế ra những từ khó hiểu, chẳng hạn như từ “ánh ỏi” trong câu thơ “Hót nắng vàng ánh ỏi”.
 
Xin thưa, có những từ ngày nay hiếm khi hoặc không còn sử dụng, song chúng đã thật sự tồn tại trong văn bản tiếng Việt (chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ). Do đó cần tìm hiểu kỹ, ít nhất là tra từ điển, trước khi phê phán, chê bai, thậm chí là chửi người khác.
 
Trên thực tế, từ “ánh ỏi” xuất hiện trễ nhất cũng từ thế kỷ 17, được viết bằng chữ Nôm là 朠喂 (ánh ỏi). “Ánh ỏi” có nghĩa là “tiếng vút cao, du dương”, ví dụ:  “Tao nhân ánh ỏi (暎喂) hứng thơ ngâm” (“Hồng Đức Quốc âm thi tập” của Hội Tao Đàn do Lê Thánh Tông chủ trì) hoặc “Thông đưa gió tiếng cầm tranh ánh ỏi” (暎喂) - “Lê triều ngự chế quốc âm thi” của An Đô Vương Trịnh Cương.
Ngoài ra “ánh ỏi” còn được viết bằng chữ Nôm khác là 朠喂, ví dụ: “Ca xoang ánh ỏi (朠喂 ) khéo chiều người”  (“Khâm định Thăng bình bách vịnh” của Trịnh Tùng).
 
(Những ví dụ trên trích từ “Tự điền chữ Nôm dẫn giải” của Nguyễn Quang Hồng). 

                                                                             Vương Trung Hiếu

HÌNH NHƯ GIÓ BAY PHẤN NỤ HOA NÀO LONG LANH – Trần Vấn Lệ



Anh gửi cho em thư, sao em không hồi đáp?  Hay thư anh đi lạc? Mà nhỉ... lạc ở đâu?
 
Không lẽ áo qua cầu, bay qua đầu, bay mất!  Không lẽ như lời Phật, Có tức thị là Không!  Thư anh... viết mông lung như chẳng từng câu nói.  Thư anh chỉ thăm hỏi em thế nào, đơn sơ.  Thư anh... như bài thơ để bên em buổi sáng cũng như chiều lãng mạn mình ngồi trên bờ ao... thấy có con cá tràu nó trào lên đớp nắng.  Thấy mây qua để bóng... cái bóng ngày hoàng hôn!  Em nhớ không, hoảng hồn nụ hôn anh bữa nọ?  Em nhớ không, có nhớ... chiều lạnh và em... run!
 
Thư anh gửi mấy hôm dám nhiều hơn, Thế Kỷ.  Chắc không phải tờ giấy xếp để trong phong bì.  Mà nó là gì?  Hơi thở anh?  Tan hết?  Coi như là anh chết trong lòng em.  Vườn cau Ngoại lem lem những vì sao mọc sớm.  Lúc đó miệng em   chớm cái nụ tình vườn mơ...
 
Anh kể em:  Ngày xưa có vườn hoa rất đẹp, có cô Tiên mang giép, hoa nở hồng gót chân...Hồi xưa, anh bâng khuâng nghĩ vườn hoa có chủ, rồi anh đi biệt xứ, Huế ơi là nhớ thương...
 
Bây giờ là hoàng hôn!  Chữ Nguyễn Du, đấy nhé!  Cái vườn hoa, hoa lệ... Cái cổng vườn, phong linh!  Em ơi, anh giật mình:  Thư anh, em chưa nhận?
 
Hình như gió bay phấn Nụ-Hoa-Nào-Long-Lanh?
 
                                                                                       Trần Vấn Lệ

NHỚ EM TỪNG HƠI THỞ - Nhạc Khê Kinh Kha


     


NHỚ EM TỪNG HƠI THỞ
 
tôi nhớ em
như mây nhớ gió ngàn
như sông nhớ cội nguồn
như ai nhớ lời tình
như mặn nồng nhớ hương đêm
 
tôi nhớ em
như đêm nhớ trăng vàng
như mưa nhớ núi rừng
như môi nhớ tình nồng
như mùa thu nhớ lá vàng
 
tôi nhớ em từng giờ
tôi nhớ em từng giấc ngủ
    từng niềm mơ
    từng hơi thở
 
tôi nhớ em mặn nồng
em có nhớ tôi nồng nàn?
xin nhớ tôi thật lòng
thật lòng ghe em
cho tình mình rụng vào trăm năm
 
tôi nhớ em
như hoa nhớ bướm tình
như sương nhớ cây cành
như men nhớ rượu nồng
như nụ hôn nhớ môi thơm
 
tôi nhớ em
như tim nhớ lời thề
hương thơm nhớ tóc mềm
trăm năm nghĩa vợ chồng
như lòng tôi mãi yêu nàng
 
                  khê kinh kha
                 (Michigan '73)

TA CHẲNG NÊN VỘI VÃ – Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc Phan Hoàng Đệ, ca sĩ Kara Ngọc Thúy trình bày


     
 

TA CHẲNG NÊN VỘI VÃ
 
Tình yêu như mây cao, chất chứa những giọt buồn
Mưa bất ngờ rơi xuống, hòa vào nước mắt tuôn
 
Tình yêu như ngọn lửa, đốt cháy tình nôn nao
Mê cuồng nên bốc cháy, cháy mất thuở ngọt ngào
 
Anh sao khờ dại quá, nghĩ yêu là thăng hoa
Yêu là lời nói dối, là nước mắt chan hòa
Ta chẳng nên vội vã rơi vào bể ái tình
Nếu biết rằng kết quả rồi cũng sẽ đơn côi
 
Ôi trái tim mù lòa, ôi tình yêu tội lỗi!
Dẫu tim em rướm máu, chẳng hối hận anh ơi!
 
                                          Quách Như Nguyệt

ĐỌC “TRÊN MẤY DẶM VỀ XƯA” TẬP THƠ CỦA MY THỤC - Châu Thạch



Trong ngày ra mắt tập thơ “Trên Mấy Dặm Về Xưa” của nhà thơ My Thục tại quán Cà Phê Cố Quận – Đà Nẵng, người chị ruột của My Thục tên facebook là Trinh Nguyễn đã nói qua về My Thục đại ý như sau:

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

SAO LẠI GỌI LÀ “KHÓC NHƯ RI”? – Hoàng Tuấn Công

Một trăm đứa khóc như ri,
Không bằng một đứa nó đi giật lùi
                                         (Ca dao)

Hình ảnh chim ri bị bắt nhốt làm chim phóng sinh, nhiều con bị chết trước khi, hoặc chết ngay sau khi được thả.

https://tuoitre.vn/nhoi-long-xac-chim-roi-xuong-khi-vua...
 
Thành ngữ “khóc như ri” được nhiều cuốn từ điển tiếng Việt thu thập và giải nghĩa:

 -Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng “khóc như ri” là “Khóc nhiều, tiếng nhỏ mà đều”.
-Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân) giảng: “khóc như ri” là “Khóc lâu và thảm thiết”, và lấy ví dụ “Mấy ngày liền chị ấy khóc như ri”.
-Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên) giảng: “khóc như ri • Khóc la ầm ĩ, nhiều tiếng khóc cùng oà lên một lúc: Họ đổ ra các khe cửa nhòm ngó hỏi nhau, bàn tán, quát tháo, van lạy, chửi rủa và oà lên khóc như ri”.
-Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung): “khóc như ri • Khóc râm ran, nhiều tiếng khóc cùng một lúc (thường nói về trẻ con khóc)”.
 
Theo như trên thì tất cả các cuốn từ điển đều không đề cập gì đến nghĩa đen câu thành ngữ; mặt khác, về nghĩa bóng cũng không có sự thống nhất về cách hiểu.
 

CHUYỆN BI HÀI MẤY ÔNG NHÀ VĂN ĐI NHẬN GIẢI THƯỞNG! - Trương Chí Hùng


p/s: ảnh minh họa là chai thuốc nhuộm do BTC tặng.
 

Mình gặp nhà văn Nguyễn Quang Lập (Bọ Lập) lần đầu tiên là hôm bữa nhận giải cuộc thi CHUYỆN CỦA NHỮNG DỎNG SÔNG
   
Ông bị liệt gần nửa người, chống gậy bước từng bước khó nhọc vào khán phòng. Mình thấy áy ngại, nhưng nghĩ cha này chắc được giải cao lắm nên mới bay từ ngoài Bắc vào (chi tiết này vừa được các bạn văn nhắc, rằng Bọ Lập giờ ở Củ Chi chớ không phải ở ngoài Bắc. Vậy là đỡ khổ thân Bọ một chút, làm mình cứ áy ngại cho ông cả tuần nay).
   
Nhà văn Xuân Ba cũng mới bay vô, bắt tay và kéo Bọ Lập ngồi chung, hàng ghế sát bên mình. Hai ông hí hửng lắm, kiểu như dù nhà bao việc nhưng phải dành chút thời gian vào “ẵm” cái giải vài chục triệu rồi về làm tiếp.

“TÔI CHỜ CÁC NHÀ VĂN LÊN TIẾNG THAY VÌ IM LẶNG LÀ VÀNG…” – Huỳnh Thu Vân



Anh nói về điều khác, về giải thưởng bị chấm sai… nhưng tôi lại muốn xin câu nói này để mở đầu cho những điều mình sắp nói khác.
 
Tôi, thay vì đọc mãi chán rồi những câu chuyện nhân văn, những gương người tốt việc tốt, những ngợi ca vẻ đẹp của quê hương đất nước, cách nấu ăn ngon, cách đi chơi sao cho thú vị hiệu quả… thì nay, tôi đọc cụ Nguyên Ngọc một cách quyết liệt.
Hôm nọ, tôi nói với một bạn thế này: chỉ cần đọc Nguyên Ngọc thì giá trị bằng chữ của cả nghìn nhà văn bình thường khác cộng lại. Mà có khi còn hơn, nếu nó nhạt và chả có gì đáng đọc.
Nếu các bạn không tin, thì đọc các bút ký của Nguyên Ngọc sẽ rõ. Mà về RỪNG, chỉ RỪNG thôi nhé, các bạn sẽ thấy trí tuệ của Nguyên Ngọc tầm cỡ thế nào!
 

MAY MÀ TRỜI CÓ GIÓ ĐUỔI ĐƯỢC THỜI GIAN BAY – Trần Vấn Lệ



Không gì buồn cho bằng khi người ta ngã bệnh!  Những gì mình toan tính không nhớ gi nữa đâu!
 
Tự nhiên lạ, cái đầu, đụng gì đâu, đau điếng?  Cũng lạ, cứ hé miệng là "đau!  Đau quá đi!".
 
Người ta rên làm chi?  Đó là cách tự chữa?  Người ta muốn khép cửa, ánh sáng làm đau thêm!
 
Người thân ở một bên, không ai làm gì được... chỉ là bưng chén nước, đưa viên thuốc:  "Uống đi!".
 
"Xuyên Tâm Liên" bệnh chi?  Bệnh gì cũng nó trị!  Nó nhiều như hạt bí... Bác Sĩ viết toa cho!
 
Bệnh... thêm bệnh ngẩn ngơ!  "Xuyên Tâm Liên - Xin Đem Liệng"...Mười năm hơn "cải thiện", thuốc thần có cái tên!
 
*
Phật từng đi bốn bên thành quách che cung điện... thấy Sinh, Lão, Tử, Bệnh... Bốn Chín Năm Làm Thinh!
 
Chùa mọc lên linh đình.  Báo đăng toàn chuyện bậy.  Thích Chân Quang thì quậy, Thích Tâm Phúc làm hề.  Thích Nhật Từ thả dê.  Thích Thái Minh lông diễn...
 
Biết bao bệnh tai biến.  Đời biết bao tai ương.  Bệnh Viện thành Nhà Thương.  Xuyên Tâm Liên chủ chốt!
 
Di sản tùng đống, hốt, xếp kề nhau:  Nghĩa Trang!  Bệnh, có lúc mơ màng, thấy đời vui như Kịch!
 
Đường nào cũng Mai Dịch!  Đường nào cũng thênh thang... Bệnh, một mình, nằm lăn, cái drap nhăn... tưởng mặt!
 
Rồi thấy cả nước mắt dòng dòng Xuyên Tâm Liên!  Uống thuốc rồi ngủ yên, dậy thấy Thơ-Ràn-Rụa.
 
May mà trời có gió đuổi được thời gian bay...
 
                                                                                    Trần Vấn Lệ

MÙA THU HƯƠNG PHẤN – Thơ Khê Kinh Kha


   

 
MÙA THU HƯƠNG PHẤN
(Cho DP)
 
trong mắt em mùa thu vừa đến vội
gió lạnh đầy trong nỗi nhớ chơi vơi
anh chợt biết vì sao thu yếu đuối
bởi vì em gửi nhớ đến bên tôi
 
này em hỡi thu này mình xa cách
nên lá vàng rưng rức theo gió lay
nên chiều nay mình anh ôm lá khóc
mà ngỡ hồn mình trên cánh lá bay
 
anh sẽ mượn con gió trên cành lá
và cánh chim lãng đãng giữa chiều tà
để anh gửi về em nụ hôn ấm
ấm trong mặn mà- ấm trong tình ta
 
anh sẽ góp ánh trăng vào ước vọng
và giọt sương long lanh như mắt em
đề ấp ủ trong tháng ngày xa vắng
cho tình mình dịu ngọt đến dễ thương
 
anh sẽ nhặt nắng hồng rơi trên lá
và nhẹ hôn để nhớ môi em nồng
anh sẽ kết mây trời thành tóc xõa
anh sẽ ôm – tựa má vào mây mềm
và sẽ thở vào mây lời yêu mến
 
anh sẽ hái vạn ngàn cánh sao băng
và sẽ nguyện xin Chúa tình em ngoan
để mùa thu trong anh đầy hương phấn
hương phấn tình mình – hương phấn yêu đương
 
                                                       khê kinh kha

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

MỘT THUỞ TRẦN GIAN BAY LƯỚT QUA! – Phạm Hiền Mây



1.
Nói biết, thì hẳn là phải biết rồi. Tên tuổi như Tô Thùy Yên, làm sao mà không biết cho được. Nhưng chú tâm đọc, thì thú thiệt, tôi cũng chỉ đọc khoảng hơn mười năm nay.
Còn tại sao trước đây thì không? Thiệt tình, tôi cũng chẳng hiểu nữa. Có lẽ vì ông không in thơ chăng? Hay là do thơ ông khó đọc, không dành cho lứa đôi và tuổi hoa mộng? Có thể. Và chắc cũng do nhiều nguyên do khác nữa.
Biết sớm hay biết muộn, yêu thích nhiều hay yêu thích ít, thì hẳn, ai cũng phải thừa nhận, thơ Tô Thùy Yên vững chãi, sừng sững, một mình một cõi, dù năm tháng có qua đi.
 
Cũng hơn mười năm trước, trên trang facebook, có một người bạn trẻ, Lê Hoàng Tuấn Kiệt, thư sinh, nho nhã, khiêm tốn, là thầy giáo dạy môn vi tính, vậy mà cậu lại am hiểu văn chương, đặc biệt là thơ, một cách tinh tường, làm tôi hết sức ngạc nhiên.
Cậu như một thư viện cổ. Mỗi ngày, cậu đưa lên trang một bài thơ hay, của một trong các nhà thơ tài hoa tại miền Nam trước 1975. Nguồn ở đâu, thì chịu. Cậu ấy có bí mật riêng của mình. Như ma xó vậy đó.
 
Hai chị em quen nhau. Và, cùng với nhà phê bình văn học Đặng Tiến, đôi khi, gặp một bài thơ hay, xuất sắc, độc đáo, mắc nói về nó quá, thế là ba anh em, nhắn tin qua lại cho nhau, trao đổi, chuyện trò, hết sức thú vị và mở mang kiến thức.
Mấy năm gần đây, Tuấn Kiệt để avatar là ảnh của Tô Thùy Yên, và, chỉ đăng gần như duy nhất, không thêm ai nữa, ngoài thơ Tô Thùy Yên.
 

NỖI ĐAU ĐỚN NHƯ ĐĨA PHẢI VÔI CỦA XUÂN DIỆU - Vương Trí Nhàn


Ảnh: Nhà thơ Xuân Quỳnh (trái) và Xuân Diệu. Nguồn: Wiki
 

Theo dõi cuộc đời Xuân Diệu, người ta tự hỏi thế có bao giờ Xuân Diệu “hố” không, có bao giờ lộ vở là một người yếu đuối, vụng về không? Có đấy. Có một lần, sự cô đơn đã xui dại khiến ông gây sự, để rồi bị “đối thủ” giáng cho một cú nặng nề, không thể cãi lại. Mà vẫn chỉ là câu chuyện liên quan đến thơ.
 
***
Năm đó là năm 1985, cái năm về sau sẽ được xem là năm cuối cùng trong cuộc đời Xuân Diệu, nhưng hình như cả ông, cả chúng tôi, đều không ai tính tới chuyện đó.

BỐN CHÍN NĂM DÀI THẾ CHƯA ĐỨT HƠI THỞ DÀI – Trần Vấn Lệ


 
Mười giờ sáng chưa nắng.  Hôm nay không mặt trời?  Có thể mưa sắp rơi vào buổi trưa này lắm?
 
Mở email, không bạn... bèn tìm đọc lung tung.  Việt Nam bão Yagi ngừng, nhiều núi đồ để đống...
 
Bấm tấm hình, tôi phóng nhìn cho rõ một người.  Người con gái đứng cười, khúc bánh mì cắn dở...
 
Tôi thích cô gái đó vì cô rất hồn nhiên.  Nụ cười cô rất duyên, cả người bùn bám chặt!
 
Đọc bài, biết sự thật:  Cô là Cô Giáo Rừng, cô làm nhiệm vụ chung:  Giúp Đồng Bào Trong Lũ...
 
Cô giống đóa hoa nở trong lòng tôi... Dễ thương!
 
*
Mười ngày, tôi rất buồn:  Ngả bệnh, không thơ thẩn.  Hôm nay không có nắng... thấy buồn, trời sắp mưa!
 
Tôi sẽ có bài thơ nhảm như người nói sảng?  Bạn bè tôi sẽ chán, hết chơi tôi từ nay...
 
Tôi đưa hai bàn tay hứng gió và vuốt mặt.  Nghĩ bà con đang lạc trong rừng... giống tôi xưa!
 
Người Lính cũ mắt mờ.  Lẽ nào tôi ứa lệ?  Bốn chín năm dài thế... chưa đứt hơi thở dài!
 
                                                                                      Trần Vấn Lệ

ĐẤT CHẠY – Thơ Lê Phước Sinh




ĐẤT CHẠY
 
Những lát Da lột
trầy trụa
Trôi.
 
Người
thú vật
nhà cửa
xoong chảo
bùi nhùi quần áo
...
những vạt lông ngắn ngụt
nham nhở
xác xơ
Trôi.
 
Thất thần
thất thảm
Ô chao,
Giàng ơi !
 
Dốc trôi
xoáy cuồng
từng mảnh xé tung
làm suối
chạy đồng.
 
Những giọt lệ cứng thành đá
những ngôi mộ mới
khoác áo màu đất nâu
bó nhang cắm vội.
Những cặp sách của con trẻ
chưa kịp cài khuy
Móc bùn lầy lội
dưới sâu
những cỗ quan tài ván tạp
 vội vàng ghép tạm
sình lên
ấn xuống.
Qua rồi những kiếp nhân sinh.
 
Trôi đi
trôi đi
đám mây trời vẩn vơ quỷ quái.
 
                        Lê Phước Sinh