BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

LẠI LÀM THƠ, VÔ THƯỜNG, TỰ DO, MẬU DẬU XÌN, NGUYỄN BÍNH, KHÔNG – Thơ Chu Vương Miện


   


LẠI LÀM THƠ
 
gỡ bao giấy đút cục kẹo cao su
vào mồm nhai mãi nhai hoài
nhai chán nhạt nhổ đi
hỏi nhai để làm cái gì?
thì cũng y như viết văn?
bỏ miếng trầu vào mồm
nhai bỏm bẻm
nhổ nước cốt trầu vào ống nhổ
nhổ bã trầu xuống đất
hỏi làm cái thứ gì? làm thơ
viên thuốc lào rời thành một cục
nhồi vào lõ điếu cày
dùng đóm châm vào ngọn đèn
dí mồm vào rít thả khói
hỏi làm kí gì?
là làm văn chương

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

GẶP TRẦN QUANG ĐẠO "TRONG MƯA XUÂN" – Đặng Xuân Xuyến


Nhà thơ Trần Quang Đạo
 
Sáng nay, lang thang ngắm "phố phường" làng facebook, tôi gặp lại chàng thi sĩ Trần Quang Đạo "đầu trần chân đất" "đi mê mải" "dưới mưa xuân rây lộc" ngắm phố phường Hà Nội bằng tâm thế tĩnh tại của người đã ngộ được Đạo của cõi Người, với những câu thơ phảng phất chất men Thiền:
 
TRONG MƯA XUÂN
 
Dưới mưa xuân rây lộc
ta đầu trần
mưa cứ rơi đều
 
Mưa chia không thiên vị
 
Ta đi
phố phường mờ ảo
hoa đào
quất
hàng quán
bay trong mưa
 
Nỗi nghèo bay lên trời
năm đói kém
 
Ta cứ đi mê mải
mắt mua hết phố hết phường
mắt mua hết đào hết quất
mua hết người đẹp trên đường…
 
Tặng những người chưa gặp
 
Mưa cứ rơi nữa đi
chốc nữa bên hàng cây dọc phố
ta nẩy những nụ xuân!
 
Hà Nội, 01 tháng 02/2024
Trần Quang Đạo
 

ÂN SỦNG ƠN TRÊN NĂM GIÁP THÌN - Nhạc Khê Kinh Kha

    

               

MÙI GIÓ TẾT – Thơ Tịnh Bình


  
 

MÙI GIÓ TẾT
 
Chợt nghe hương gió bâng khuâng
Mai khoe sắc thắm đầy sân nắng vàng
Rẽ trời chim én bay ngang
Trên đôi cánh nhỏ chở ngàn điều vui
 
Tạm dừng bề bộn ngược xuôi
Thương cha nhớ mẹ bùi ngùi cảnh quê
Bướm vờn hoa dại triền đê
Cùng ta nao nức trở về nhà xưa
 
Ngàn lời cây lá đong đưa
Trong veo lộc biếc cũng vừa thanh tân
Giọt sương ban sớm ngại ngần
Rưng rưng vạn thọ ngoài sân cha trồng
 
Gió ơi có nói gì không?
Một năm mới đến ước mong niềm gì
Đường về rộn cánh chim di
Nghe mùi gió Tết thầm thì nguyên xuân...
 
                                              Tịnh Bình
                                             (Tây Ninh)

SURINAME: QUỐC GIA DUY NHẤT Ở NAM MỸ ĐÓN TẾT ÂM LỊCH. – Trúc Nhi biên dịch

Cho đến nay, có hơn 10 quốc gia trên thế giới đón Tết âm lịch như Đài Loan, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc v.v.

Điều thú vị là, có một quốc gia khác ở Nam Mỹ cũng đón Tết Nguyên Đán, đó chính là Suriname. Tết Nguyên Đán truyền thống đã được đưa vào làm ngày lễ quốc gia ở nước này vào năm 2014. Hơn nữa Suriname cũng là quốc gia duy nhất ở Tây bán cầu xem Tết cổ truyền là ngày nghỉ lễ chính thức.
 
Quốc gia Suriname duy nhất ở Nam Mỹ đón Tết Nguyên đán.
(Ảnh: Dmytro Balkhovitin/ Shutterstock)
 
Đất nước  nằm ở khu vực Nam Mỹ. Phía Bắc giáp với Đại Tây Dương, phía Nam giáp Brazil, phía Đông giáp với lãnh thổ Guyane thuộc Pháp, phía Tây giáp với Guyana. Địa hình chủ yếu của Suriname là rừng nhiệt đới với phần lớn đất thấp và sông ngòi. Lãnh thổ phía Nam của Suriname trải rộng khắp khu vực cao nguyên và núi Guyana. Nơi đây được bao phủ bởi những khu rừng rậm xích đạo. Thoải dần về khu vực phía Bắc là là vùng đầm lầy, đồng bằng ven biển. Quốc gia này có hai dãy núi chính là Wilhelmina và Bakhuys.
 

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

SỰ TÍCH CÂY MAI VÀNG NGÀY TẾT – Mai Cát



Mai vàng là biểu tượng của mùa xuân phương Nam, cứ dịp Tết đến xuân về, người dân nơi đây đều xuống phố để sắm cây mai về trưng trong nhà.
Nếu như miền Bắc Tết không thể thiếu hoa đào thì miền Nam không thể thiếu hoa mai. Tục chơi mai ngày Tết lâu dần đã trở thành nét văn hóa của người người Sài Gòn.
Thế nhưng, không phải ai cũng biết và hiểu về tục chơi mai vàng ngày Tết và vì sao người phương Nam lại trưng Tết bằng hoa mai vàng?

Tương truyền, ngày xưa có một cô gái tên Mai, con một người thợ săn rất gan dạ và can đảm. Năm lên mười bốn, cô gái đã được cha rèn luyện trở thành một nữ hiệp sĩ vô cùng tài giỏi và tinh thông võ thuật.
Lúc ấy, có con yêu tinh rắn đến quấy phá một làng nọ, dân làng treo giải ai giết được yêu tinh sẽ được thưởng trọng hậu. Thế là hai cha con lên đường giết yêu tinh. Sau khi giết được yêu tinh trở về, danh tiếng của hai cha con vang dội và truyền đi khắp nơi.
Vài năm sau người cha lâm bệnh, sức khỏe ngày một yếu đi. Còn cô con gái đã bước qua tuổi mười tám và võ thuật càng ngày tinh thông. Năm ấy yêu tinh rắn lại xuất hiện ở một vùng nọ và dân làng đến khẩn khoản mời hai cha con đi giết yêu tinh.
Trước khi con gái lên đường, người mẹ may cho cô một bộ đồ gấm màu vàng rất đẹp và cô gái hứa ngày trở về sẽ mặc bộ đồ ấy, để mẹ có thể nhìn thấy mình từ xa.
Sau đó, hai cha con trèo non, lội suối tìm yêu tinh để tiêu diệt. Người cha vì sức yếu nên không phụ giúp được gì, nên để con gái một mình chống chọi với yêu tinh. Cuối cùng, cô gái đã giết được nó. Nhưng không may, trước khi chết, con yêu rắn đã vùng dậy dùng đuôi quấn và siết chết cô gái.
Cảm thương trước tấm lòng hiệp nghĩa của cô gái cũng như sự khóc lóc van nài của người mẹ tội nghiệp, nên ông Táo trong nhà đã khẩn khoản xin Ngọc Hoàng cho cô gái được sống lại và trở về với gia đình trong 9 ngày Tết. Thế là từ đó, cô gái được trở về nhà trong hình hài nguyên vẹn với gia đình trong 9 ngày (từ 28 tháng Chạp cho đến mùng 6 Tết thì biến mất).

Hoa mai vàng luôn hiện hữu trong mỗi gia đình phương Nam mỗi khi xuân về.

Về sau khi cha mẹ và người thân qua đời hết, cô gái không trở về nhà nữa mà hóa thành một cây hoa mọc bên ngôi miếu - nơi người dân đã lập nên để cúng bái cô.
Thấy cây hoa lạ mọc lên bên miếu và cứ trổ hoa vàng suốt 9 ngày Tết, nên dân làng lấy tên cô gái đặt cho cây hoa ấy là hoa mai. Sau đó, người dân chiết nhánh mang về trồng khắp nơi để trừ tà đuổi quỷ, mang lại may mắn cho gia đình mỗi độ Tết đến xuân về.
Từ đó về sau, cây mai vàng trở thành hoa chơi Tết, trưng Tết của người dân. Tục chơi hoa mai vàng ngày Tết lâu dần đã trở thành nét văn hóa đẹp không chỉ của người phương Nam.
Ngày nay, hoa mai vàng có mặt khắp nhà nhà vào dịp Tết, trong nhà trang trí hoa mai vừa đẹp, vừa mang lại ý nghĩa xua đuổi tà mà, mang may mắn, tài lộc cho cả năm.
 
                                                                                                Mai Cát
*
Nguồn:
https://vtc.vn/su-tich-cay-mai-vang-ngay-tet-ar658399.html

MÙA XUÂN CÙNG “TIẾU NGẠO GIANG HỒ” – Hoài Nguyễn



Tiếu ngạo giang hồ được coi là một trong những tiểu thuyết đặc sắc nhất, là tác phẩm tương đối ít bi thương của nhà văn Kim Dung so với những tác phẩm trước đó.
Nội dung bộ truyện xoay quanh những đề tài về tình bạn, tình yêu, sự dối trá, phản bội, những âm mưu và cả ham muốn quyền lực. Trung tâm của toàn bộ cốt truyện là nhân vật chính Lệnh Hồ Xung, một đệ tử của chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần. Xuyên suốt câu chuyện, người đọc được dẫn dắt theo hành trình trở thành một kiếm khách lẫy lừng của chàng lãng tử này, đồng thời trải nghiệm những chứng kiến của Lệnh Hồ Xung đối với nhiều âm mưu tranh quyền đoạt vị trên giang hồ.
 

“LY RƯỢU MỪNG”: VẪN BẤT TỬ MỖI ĐỘ XUÂN VỀ - Thanh Phương



Giống như khi chào cờ thì phải hát quốc ca, mỗi khi đến độ Xuân về, trong các cuộc họp mặt đầu năm, văn nghệ ngày Tết, Ly rượu mừng vẫn là ca khúc không thể thiếu được. Mỗi người trong chúng ta, nhất là thế hệ 40 tuổi trở lên, có lẽ ai cũng thuộc lời bài hát nổi tiếng này của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ít ra thì cũng được vài câu đầu : «Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó…..»

XUÂN THA HƯƠNG – Thơ Khê Kinh Kha


   


XUÂN THA HƯƠNG
 
xuân này là mấy xuân rồi
mà sao hoang lạnh giăng đầy trong tôi
nhìn quanh chỉ thấy tuyết rơi
tuyết rơi hay lệ tuôn rơi vào hồn
bao năm rồi chẳng mai vàng
chỉ bao thương nhớ với ngàn đắng cay
 
nhớ quê hương – nhớ tình người
nhớ sông nhớ núi nhớ trời mây bay
nhớ vầng trăng – giữa đêm dài
nhớ mưa nhớ nắng nhớ ngày tháng xưa
nhớ ruộng lúa – nhớ bờ đê
nhớ con đường đất hàng tre rũ mềm
nhớ cây đa đứng đầu đình
nhánh sông nhỏ bé gập ghềnh cầu tre
 
 
nhớ ai xõa mái tóc thề
dáng mềm như bóng trăng khuya đáy hồ
nhớ đêm tát nước, ai hò:
“trăng em mười tám nõn nà như hoa
chàng về trình với mẹ cha
trầu cau trà bánh sang nhà thiếp đây
à ơi duyên phận lứa đôi
chàng chàng thiếp thiếp trọn đời có nhau”
 
nhớ biển xanh nhớ núi cao
bóng chim mỏi cánh qua đèo lẻ loi
nhớ bay theo cánh gió trời
gió ơi đưa chút tình này về quê
vượt trùng dương, vạn sơn khê
lênh đênh tìm lại lối về quê hương
 
phận người viễn xứ lưu vong
dù thân héo úa nhưng lòng sắt son
 
                             Khê Kinh Kha

LIÊN KHÚC XUÂN THA HƯƠNG - Nhạc Khê Kinh Kha

   

               

NGÀY TẾT, BÀN THƠ TẾT KHA TIỆM LY VÀ TÚ XƯƠNG - Châu Thạch


   
                            Nhà thơ Kha Tiệm Ly

 
ĐÓN TẾT
(Gởi Nguyễn vô Cùng)
 
Chẳng hẹn mà mi lại tới rồi
Hè nhau nhằm tớ lấy đùa chơi?
Ngoài sân chủ nợ la khàn tiếng
Dưới bếp thằng cu vét lũng nồi!
Nhuận bút leo heo chờ mỏi cổ
Cháo hoa lỏng bỏng húp cầm hơi
Người vui, ta cũng vui ra phết
Kéo xệch hai môi, Đọ! Cũng cười
 
                                      Kha Tiệm Ly

 *
NGÀY TẾT, BÀN THƠ TẾT KHA TIỆM LY VÀ TÚ XƯƠNG
                                                                                       Châu Thạch

                          
                                           Nhà thơ Tú Xương

Nếu tôi là vị quan nào đó thì tôi sẽ hỏi tội Kha Tiệm Ly ngay, vì bài thơ “Đón tết” tưởng như bi thảm hóa xã hội nầy. Nói đùa thế thôi, chứ tôi cũng biết vị quan nào đó sẽ cười khề khà bên ly rượu hảo hạng, khen nhà thơ Kha Tiệm Ly nầy làm thơ tự trào hay quá. Quan đó cũng dư biết rằng ngày tết thì dân chúng sẽ vui chơi ba ngày, thế nhưng nhà thơ nầy thì chắc chắn sẽ túy lúy đến ba mươi ngày. Bởi vì làm thơ trào phúng nên thi sĩ cường điệu lên đấy thôi, mà cũng nhờ vậy nên Kha ta mới có giọng tự trào độc đáo được như thế.

HƯƠNG CHIỀU THÁNG CHẠP – Thơ Lê Văn Trung


   


HƯƠNG CHIỀU THÁNG CHẠP
 
Lòng đã ươm đầy mây tháng Chạp
Mây ơi trắng quá mấy phương chiều
Có người ngồi vẽ câu thơ mới
Mà sắc màu Xuân tưởng chớm phai
 
Tình ai vội vã thay xiêm áo
Bỏ lại bên chiều một thoáng hương
Bỏ lại một người nơi quán vắng
Uống hương như uống rượu hoang đường
 
Tình đã vàng bay những cánh mai
Màu thơ người vẽ dáng mai gầy
Có người nhặt vội dăm ba cánh
Úp vùi men mật một đêm say.
 
                       Lê Văn Trung
                          02. 2024

THẤT BẠI TRONG HÒA BÌNH - Nguyễn Hiến Lê

Dẫn nhập:

Những ngày áp cuối tháng 4, Sàigòn bắt đầu hỗn loạn. Võ Phiến rời tòa soạn Bách Khoa trên đường Phan Đình Phùng để đến từ giã người bạn tâm giao là Nguyễn Hiến Lê. Đôi bạn cùng ngậm ngùi. Cả hai đều biết sẽ không gặp lại. Sang đến Mỹ, Võ Phiến không bao giờ quên dòng nước mắt lăn trên má người bạn có sở học uyên thâm.
Võ Phiến chọn ra đi. Nguyễn Hiến Lê chọn ở lại vì trong nội chiến Nam-Bắc, cụ Lê dành nhiều cảm tình cho phía “cách mạng”. Rồi chứng kiến “xã hội mới, con người mới” của phía chiến thắng áp đặt lên đồng bào đã đầu hàng, cụ Lê phê phán không tương nhượng.
Sống đúng với lương tâm của mình, là tiêu chí của Nguyễn Hiến Lê.

                                                                                  Trần Vũ
                                                                         (January 13th, 2024)


    THẤT BẠI TRONG HÒA BÌNH 
                                                              Nguyễn Hiến Lê
 
Mấy tháng đầu sau ngày 30-4-75, các bạn kháng chiến, già cũng như trẻ, nhất là trẻ, đều có tâm lý chung là hăm hở hưởng thụ sau mấy chục năm gian khổ sống chui, sống nhủi trong rừng, trong bụi, dưới hố dưới hầm. Đành rằng phải bắt tay ngay vào việc kiến thiết, nhưng đã có đường lối sẵn rồi, có kinh nghiệm 20 năm ở Bắc thì không có gì khó; vả lại đã thắng được Mỹ, thành cường quốc thứ ba trên thế giới, sau Nga và Trung Hoa thì có việc gì mà làm không được, chỉ trong 5 năm sẽ tiến bộ, 20 năm sẽ đuổi kịp Nhật Bản về kinh tế.

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

NHÀ THƠ PHẠM NGỌC THÁI VỪA QUA ĐỜI

TIN BUỒN
 
Nhà thơ Phạm Ngọc Thái từ trần.
Xin thông tin tới các bạn yêu thơ văn Phạm Ngọc Thái:
Chúng tôi vừa nhận được tin nhà thơ Phạm Ngọc Thái đã từ trần sáng nay. Vô cùng thương tiếc nhà thơ Phạm Ngọc Thái.
Xin chia buồn cùng tang quyến. Cầu cho linh hồn nhà thơ, nhà văn mau được siêu thoát về nơi vĩnh hằng cực lạc.

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY: “RƯỢU ĐÊM NAY” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN – Trịnh Thị Nhâm


   
             Nhà thơ Trịnh Thị Nhâm

 
RƯỢU ĐÊM NAY
(Với M.Q)
 
Người ở lại bên ta ngồi châm tửu
Dìu ta say quên bớt oái oăm đời
Quên "cười ruồi - mắt đĩ - và cơn đau"
Cả nham nhở niềm tin vừa vá vội.
 
Chén rượu đấy, rót rồi, cứ uống
Nước mắt đan đốt tê dại đêm cuồng
Đắp nụ cười nghẹn đắng lằn môi
Nuốt lấy nhau gán niềm tin tráo đổi.
 
Ta vẫn biết đêm cuồng xô sóng dội
Người vì ta dạn dĩ chốn quần hồng
Xác thân phàm bầm dập những bỉ bôi
Phận lá liễu tả tơi vì gánh tội.
 
Ta sẽ dám trọn đêm nay chồng vợ
Cho mồ hôi rịn chặt với mồ hôi
Cho hơi thở mơn man dìu hơi thở
Cho bỏng đêm cuộn từng cột sóng trào.
 
         Làng Đá, đêm 28 tháng 12/2023
               ĐẶNG XUÂN XUYẾN
 

"ÔNG ĐỒ MỚI", CẢM TÁC VỀ BÀI THƠ “BÓNG ÔNG ĐỒ” CỦA VŨ ĐÌNH LIÊN – Thơ Nguyên Lạc


Bức ảnh chụp nhà thơ Vũ Đình Liên và bút tích của ông. Ảnh: Nguyễn Bình Phương

 
ÔNG ĐỒ MỚI
 
"Ông đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ nhân đạo, thiên cơ
Cách mạng là nhân nghĩa
Ông đồ là thi thư
Chữ tuôn dòng thiện mỹ
Từ ngón tay ông đồ"
 
(Vũ Đình Liên 1/1982) [*]
______
 
"Cách mạng là nhân nghĩa
Ông đồ là thi thư"
Ông kiêm luôn họa sư
Tô hồng cái "bánh vẽ"
Ngón tay ông "thiện mỹ"
Bút lông ông tuyệt vời
Một nét tiêu chữ Sĩ
Khen ông biết nắm thời
 
Từ đó hoa đào nở
Mỗi năm lại thấy ông
Trên tay ly vang đỏ
Trên thân bộ Veston
Trên môi điếu "thuốc cán"
Lòng ông vui phải không?
 
Ông đồ mới ngồi đấy
Giấy đỏ, ngọn bút lông
Cạnh bên chai vang đỏ
Khề khà với đám đông
Nhắc người qua kẻ lại
"Cách mạng là nghĩa nhân"
 
Mỗi năm hoa đào nở
Hình như... bút ông cong
Sao lòng tôi hụt hẫng?
Mắt buồn nhìn xa xăm
Ông đồ ngày xưa ấy
Còn đâu nữa mà mong!
 
Chữ tuôn dòng dối trá
Bút lông xưa đã cong
"Những người muôn năm cũ"
Hồn có sầu hay không?
 
Nguyên Lạc

---
[*] Lời thơ trong bài "Bóng Ông Đồ" của Vũ Đình Liên - ông làm vào tháng 1/1982

NÊN VIẾT “XỬ DỤNG” HAY “SỬ DỤNG” – Gs Trần Huy Bích



Trong cuốn Ngữ vựng tiếng Việt đầu tiên (Westminster, CA, 2017), nơi trang 6, Giáo sư Trần Ngọc Ninh cho biết theo nhận xét của ông, “trong số các nhà văn nhà báo, có chừng 50 phần trăm viết ‘sử dụng’ và áng 50 phần trăm viết ‘xử dụng’.” Nhân thấy hai phía “tương đương,” Gs. Ninh không tỏ ra thiên về phía nào. Ông dẫn lời một nhà làm tự điển, “thói quen là vua trong ngôn ngữ” (sách đã dẫn, cùng trang).

NGƯỜI MIỀN NAM ĐƯA ÔNG TÁO KHÔNG THẢ CÁ CHÉP SỐNG, KHÔNG THÒNG THÊM “ÔNG CÔNG” - Nguyễn Gia Việt


Táo quân Việt Nam, hình vẽ thế kỷ 19
 
Đưa cái tựa như vậy để nhắc các bạn, tại thấy có vài bạn Nam Kỳ cúng cá chép, rồi kêu Tết Ông Công Ông Táo, bạn làm lộn phong tục là không đặng
Đất lề quê thói. Miền Nam có tập tục của Miền Nam
 
"Hôm nay tháng chạp hăm ba
Tiễn đưa Ông Táo thăng la chầu trời"
 
Tết Ông Táo ngày 23 là cái lễ đầu tiên trong mùa Tết, là tri ơn cái bếp và ngọn lửa ấm áp trong nhà. Ngày 23 đưa thì ngày 30 lại đón, đón Ông Táo cùng đợt với đón ông bà tổ tiên. Cái bếp lò luôn cháy là cái nhà có người đàn bà siêng năng tần tảo, cái nhà ngon lành. Bếp lửa cuối năm sum hợp hạnh phúc
 

MÙA XUÂN CŨ – Thơ Trần Mai Ngân


  


MÙA XUÂN CŨ
 
Những nụ cười của đôi ta
Còn mắc lại trên tấm ảnh cũ
Tươi tắn mùa Xuân xưa
Tay trong tay nồng ấm
 
Ngày Xuân nay nụ cười phai
Bốn mùa đi qua như luật định
Không đợi chờ chúng mình
Ngoài hiên hoa Mai vàng, hoa Cúc cũng vàng…
 
Anh lui cui bón đất vào cây
Rồi cây sẽ đâm chồi nảy lộc
Kịp ngày Xuân không anh, em hỏi
Trên trời xanh mây bay bay - không trả lời
 
Em vẫn ngồi đây im lặng - thiền
Thiền trong nụ cười còn mắc lại trên tấm ảnh
Nụ cười tươi tắn ngày Xuân
Có điều là một mùa Xuân cũ…
 
                                               Trần Mai Ngân
 

THƠ XUÂN ĐẤT KHÁCH – Thơ Chu Vương Miện


  

 
THƠ XUÂN ĐẤT KHÁCH “*”
 
Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ   “*”
Giờ đây đầu tóc trắng bơ phờ
Mới hay sắp có ngày đi đứt
Lẩm cà lẩm cẩm chuyện vdăng thơ
 
Con sông một bên bồi bên bếp “**”
Rồi có một ngày ghềnh với thác?
Cuộc đời bây chừ sao vô vị
Hết đất minh chuyển qua đất khách?
 
Đếm đốt ngón tay 83
Bao năm toàn bịt mắt và quáng gà
Diễn qua diễn lại trò lục sở
Không cười chả khóc chỉ thoáng qua
 
Lâu bỏ làm thơ vì không còn người đọc
Có làm dăm câu thơ ếch cóc
Trong chốn nhà quê sống phất phơ
Lai rai như ốc bưu leo đầu cọc
 
Sớm sớm sương mù trưa nắng gắt
Sau lưng là núi trước sa mạc
Nhìn quanh nhìn quẩn toàn sương rồng
Sống hẩm hiu không cần tới nước?
 
14 tuổi đã rời xứ Bắc
Đến 45 thì rời xứ Nam
38 năm xơi cơm quán từ thiện
Mơi mốt nơi đâu? địa ngục thiên đàng?
 
Đa thọ đa nhục
Mắm tôm bánh đúc
Miếng đút vào mồm là miếng tồi tàn
Chả có sừng trên đầu mà thích húc
 
Thơ này viết ra chả ma nào đọc
Xuân xuân tết tết nước non người
Người xưa chừ có còn không nhỉ?
Mà dòng nhạc cũ “nhớ thương đời”
 
                         Chu Vương Miện
 
* Thơ Thanh Nam
** “bên lở bên bồi”
 

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

TẠI SAO GỌI THÁNG 12 ÂM LỊCH LÀ 'THÁNG CHẠP'? - Trung Hòa



Chúng ta thường gọi tháng 12 Âm lịch là tháng Chạp, và còn dùng các từ như “giỗ Chạp”, "lễ Chạp", "lễ Lạp"... Nguồn gốc của những cái tên này như thế nào, nó mang ý nghĩa gì, và quá trình diễn biến lịch sử cho đến ngày nay ra sao?