BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

GIEO TÌNH 1 - 2 / Thơ Lê Kim Thượng


        
                Nhà thơ Lê Kim Thượng


GIEO TÌNH 1 - 2

1.    
Tôi về rải nắng, gieo tình
Ươm mầm hạt nhớ, mơ hình bóng xưa
Trời còn khi nắng, khi mưa
Vẫn thương ngày ấy, mình chưa một mình...
Ngày rơi nắng, nắng thủy tinh
Vàng mơ áo lụa, xinh xinh dáng gầy
Hoa hồng, má đỏ hây hây
Bướm bay, bướm lượn, bướm say với người
Giữa vườn nắng rực vàng tươi
Em cười, hoa nở nụ cười thương thương
Tóc em hai mái ngậm hương
Nửa che bầu ngực, nửa vương vai tròn
Tóc ôm hai má hồng non
Tóc bay theo gió, che con mắt huyền
Tôi - Em tuổi nhỏ vẹn nguyên
Đôi tim hòa nhịp tình duyên đầu mùa...
Em về chiều ấy, chiều mưa
“Đầu em không nón, mưa chừa em ra...”
Áo Bà Ba ướt đôi tà
Ướt mem áo lụa, nõn nà dáng mai
Tiễn em hết chặng đường dài
Em cười... Thôi để ngày mai... Rồi cười...
Con đường tình sử đôi mươi
Lung linh nắng ấm, thắm tươi hoa vàng...

XIN TRẢ LẠI - Thơ Đoàn Giang Đông


       
        Nhà thơ Đoàn Giang Đông


XIN TRẢ LẠI

Xin trả lại những ngày xưa tháng cũ
Buổi đầu đời tập gọi tiếng: Yêu em
Những sáng Thu con đường vương đất đỏ
Tuổi học trò với Hồn Bướm Mơ Tiên

Có những đêm trăng tàn trên hè phố
Ngã tư buồn mờ tỏ ánh đèn đêm
Trần Hưng Đạo con đường xưa còn đó
Dấu chân nào khuất bóng buổi Chiều lên?

Ta gặp em cuối lần nơi cổng chợ
Quảng Trị ơi! Ngày ấy súng vang rền
Như con chim lạc bầy còn bỡ ngỡ
Về tìm em trong chập choạng hoàng hôn

Ta áo trắng cuộc đời đầy mộng ước
Em má hồng thiếu nữ dáng ngoan hiền
Mái trường xưa giờ đã thành di tích
Để Chiều nay trở lại mắt vương buồn!

Em có còn ở đâu miền đất lạ?
Xin nhớ về một chút thưở xa xưa
Ta xót xa nỗi niềm xin trả lại
Gửi vào trời cao rộng mấy vần thơ.

                         Đoàn Giang Đông
                         (Muà Đông 2018)

BỆNH VĨ CUỒNG – MEGALOMANIA / Nguyên Lạc


         
                            Nhà bình thơ Nguyên Lạc

         BỆNH VĨ CUỒNG MEGALOMANIA                                                                                        Nguyên Lạc


DẪN NHẬP
Đúng ra thì Nguyên Lạc tôi cũng không muốn mất thời giờ cho những chuyện như thế này, luôn muốn dành thời giờ quý báu cho những chuyện về văn chương, nhưng nghĩ lại phải "động não" viết bài này cung cấp thông tin cho độc giả hiểu về cái bệnh mà một số người mắc phải: Bệnh Vĩ Cuồng - Megamonia.
Có 2 lý do để viết:
-- Thứ nhất: Trong bài PHÊ BÌNH LỐI BÌNH THƠ "BẺ CONG" tôi phê phán XYZ (xin dấu tên vì lịch sự) và các ông bà "vái" ông , tôi nhận được Email từ anh Phú Đoàn - Văn Nghệ Quảng Trị - chuyển đến tôi trong đó có câu hỏi của anh Thương Nguyễn (CVM) hỏi nhà thơ lão thành ở Hà Nội NK (tôi xin phép viết tắt để dấu tên) về anh XYZ nầy. Đây là câu trả lời của ông NK: "XYZ là một anh người Hà Nội, làm thơ có một số bài thơ tình đọc trên trung bình, ... anh ta bị bệnh Vĩ cuồng,  hoang tưởng tự cho mình là Nhà thơ lớn, được một số vị “ bốc thơm” lên quá mức". Trong câu trả lời này có chữ VĨ CUỒNG.
-- Thhai: Nhà thơ NAT (tôi cũng xin tạm dấu tên) cũng vướng bệnh VĨ CUỒNG, xem mình "nhất thiên h". Anh NAT này tôi gọi là "Người đi trên mây" (tên quyển sách của có nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng) với nghĩa xa rời hiện thực, huyễn tưởng. Anh NAT càng ngày càng "mục hạ vô nhân", coi trời đất không có ai, càng ngày càng đưa cái "Tôi" lên "đỉnh".  
Hãy xem đây những lời comments của anh đối với tha nhân:
-- Đối với thi nhân hiện đại: Anh chê là "triết lý con tiều thơ con cóc ..." 
-- Đối với tiền nhân: Anh NAT có những lời mạo phạm tiền nhân như Nguyễn Du  (tôi ngại ghi ra đây những lời này nhưng  tôi có lưu bằng chứng, không thêm tht, sẽ đưa ra nếu có tranh luận)
Anh thường "tự sướng", cho mình thông thạo mọi thứ, thay vì không biết thì "đứng dựa cột".
Thấy các anh XYZ và NAT muốn tung cánh bay cao "lên mây" mà "cục đá" (cái tôi) càng ngày càng lớn, càng nặng, tôi e các anh sẽ gẫy cánh, rơi vào "hố thẳm" nên bắt buộc tôi phải viết bài nầy để giúp anh "nhẹ cánh" bằng cách bớt "cái Tôi" của các anh: "Cái Tôi đáng ghét" (Le moi est haissable) /aimable của Blaise Pascal (1623-1662)
Đó là hai lý do tôi viết bài về bệnh VĨ CUỒNG
Trước khi đi vào phân tích căn bệnh, tôi xin ghi ra đây những triệu chứng hiển lộ của hai ngài XYZ và NAT.

HÀ-NỘI XUÂN ĐANG VỀ, BÊN LỀ ĐƯỜNG SÀI-GÒN THÁNG12-2018, THÁNG TƯ VỀ LẠI BẾN NINH KIỀU - Thơ Huy Uyên


      
                                      Nhà thơ Huy-Uyên


HÀ-NỘI XUÂN ĐANG VỀ     

Cơn gió hạnh lạnh se đường phố
Hình như Hà-Nội mùa xuân đang về
gánh cốm,hàng trầu cau cuối chợ
đôi chim bay,tà áo phất phơ.

Người ơi xin ở đừng về
chuông ngân phía nhà thờ lớn
nước hồ Gươm biếc xanh,tím lòng
em tha thiết sáng chiều đi lễ sớm.

Giấc mơ thánh thần Hà-Nội ngàn năm
chim oanh xưa ở mãi vườn hồng
giọng ca Saint Joseph cất lên thánh thót
trên cáo đỉnh thập-tự đá đợi mong.

bốn mùa xanh, bốn mùa nắng
thu vàng theo đông về cho rụng lá
(bỗng nhớ nhà-thờ Đức-Bà Paris ngập sáng
Val-de-Grace sông Sein lặng im).

Ngân nga chiều lên đầu hai tháp
Hà-Nội giờ này hương sấu sắc xanh.

Quỳnh hương đức mẹ Maria
suối nguồn xuân ngất ngây tinh khiết
buốt lạnh đêm ánh đèn sương pha
yêu người trọn đời
mà người nào biết.

Gởi em những chiều đông nhung nhớ
con đường xưa thôi em về thôi
nét hằn khuôn mặt ai xa lạ
vệt khói bay lên tận trời.

hoa dạ-lý-hương tối nép mình
bóng ai sót trên sân ga hiu-quạnh
nước mắt đỏ màu chao nghiêng
hơi thở bơ vơ lời-buồn-thánh.

Hà nội cập kê tuổi mùa xuân đến
đốt trên môi khói thuốc cay se
mùa đông hãm vây nỗi buồn đau kín
trần thế đêm nay Chúa bỏ không về.

Căn nhà vắng treo lòng ai tái tê
em không còn ngồi bên cửa sổ
nắng tàn rồi thôi lặng lẽ đi qua
dưới kia sông chảy hoài nỗi nhớ.

"Đình tiền hạc dạ nhất chi mai (*)
xuân và nụ hoa vàng đời
tình chưa tỏ
em bên tôi những tiếng thở dài
đêm xuân Hà-Nội sương và gió.

(*) Ngoài sân vẫn nguyên vẹn một cành mai.
Thiền-sư Mãn-Giác

DÒNG SÔNG XƯA CÒN NGÀY TRỞ LẠI... - Thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt


       
                 Nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt



DÒNG SÔNG XƯA
CÒN NGÀY TRỞ LẠI...

Tôi trở về thăm lại dòng sông
Có bến ghe thuyền chài chen chúc
Dòng nước hiền hòa hai mùa trong đục
Gốc xoan bên đường đúng độ trổ bông
Chỗ thân quen, nay ai cũng lạ
Tự xót xa rồi tự thấy đau lòng.

Tên thân thuộc ngày xưa xóm Bống,
Bên kia bờ Xuyên Mỹ quê em,
Người thuở trước, bây giờ ai còn mất,
Có còn ai chằm nón với xe tằm,
Đi lòn qua ngõ cũ ghé thăm,
Những đôi mắt nhìn theo xa lạ quá
Trong những đôi mắt kia có mắt em không hở
Lâu quá rồi, tính lại mấy mươi năm,

Nước vẫn trôi ra biển xa xăm
Tôi, mây bạc giăng thành chiều núi nhạt,
Mấy mươi năm phong sương phiêu bạt,
Chưa quên mùi rượu gạo Xuyên Quang,
Chưa quên những ngày Nam Phước nắng chói chang,
Đêm gật gù ngâm thơ thị trấn Điện Bàn,
Con đường tôi đi thân thương chừng lối,
Như vết hằn in đậm chẳng phôi pha.

Tôi trở về thăm lại dòng sông
Có chiếc cầu dài như một đời chinh chiến,
Chiếc cầu còn ngủ yên, tôi từng ươm lòng thương mến,
Khi tối trời dạo bước thâu canh,
Những đêm trăng sóng nước tròng trành,
Tôi, lãng tử bơi thuyền mơ Lý Bạch,
Bên này bên kia hai bờ ngăn cách,
Nhịp nối liền xích lại kề nhau.

Thôi xa rồi - đành đoạn từ lâu,
Ai hiểu thấu hồn ai đau nhức !
Lúc trở về, âm thầm tôi bật khóc,
Dấu vết bầm dưới ánh mắt trũng sâu,
Nước lững lờ qua, trôi dạt về đâu,
Người đứng lại bên đời buồn cô quạnh,
Sóng gió mênh mang mưa chiều bay lành lạnh,
Lòng ngậm ngùi chạnh xót nghĩa anh em !

Tôi trở về thăm lại dòng sông
Thẫn thờ đọc câu thơ một thời xuôi ngược,
Sáng Câu Lâu tôi nhớ chiều Trung Phước,
Sớm Cà Tang thương mấy độ Khương Bình.
Con sông buồn dòng nước lặng thinh,
Không gió dập mà sao lòng dậy sóng
Lần trở về thăm lại dòng sông.

                            Hạ Thái Trần Quốc Phiệt

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

TÌNH THƠ MỘT THUỞ... - Thơ Tịnh Đàm


       
                Nhà thơ Tịnh Đàm


TÌNH THƠ MỘT THUỞ...

Nghe chừng
Lạnh bước chân đêm
Thẫn thờ trăng
Ngả bên thềm...
Hắt hiu !

Tôi ngồi
Thắp nỗi buồn thiu
Nhớ trong hoài niệm
Chắt chiu chút tình.

Người xưa
Giờ
Cũng an bình
Nhủ tôi :
Thôi nhé duyên mình...
Bấy nhiêu.

Trả em
Dáng mộng yêu kiều
Tình thơ một thuở...
Bao điều vấn vương !

         TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn, TP.HCM)

RƯỢU SOJU, THIÊU TỬU BÀI - Phạm Đình Khuê


              
                        Một chai rượu Thiêu Tửu Chamisul 
                           cùng với loại ly của cùng hãng sản xuất.

             RƯỢU SOJU - THIÊU TỬU BÀI 
                                                  Phạm Đình Khuê

Có một điều gằn như chắc chắn rằng là khi nền kinh tế của một quốc gia phát triển, vươn ra khỏi giới hạn biên giới của chính nó, thì đi liền với cái sức mạnh kinh tế đó chính là những ảnh hưởng tác động trực tiếp của văn hóa sẽ theo bước chưn tiếp theo sau mà ra ngoài.  Hàn Quốc, thực sự chỉ là phần đất Nam Hàn ngày nay, đang là một ngôi sao sáng về phát triển kinh tế trên vòm trời quốc tế, và do đó những ảnh hưởng văn hóa của họ cũng đã và đang phát triển mạnh ra thế giới bên ngoài.

VỀ THƠ BÙI GIÁNG, NÓI THẾ NÀO CHO PHẢI ? - Trần Nhuận Minh


        
                Nhà thơ Trần Nhuận Minh


Tiểu sử Nhà thơ Trần Nhuận Minh:
Nhà thơ Trần Nhuận Minh quê ở làng Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Bút danh: Trần Nhuận Minh, Trần Bình Minh
Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1982, uỷ viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam.
Hiện ông đang sống và viết tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh là anh ruột nhà thơ Trần Đăng Khoa (người nổi tiếng là thần đồng thơ văn ở miền Bắc những năm 1966-1971, từ khi mới tám tuổi)


       VỀ THƠ BÙI GIÁNG, NÓI THẾ NÀO CHO PHẢI ?
                                                                   Trần Nhuận Minh
                                                                                 
      Tôi đọc thơ Bùi Giáng cũng được khoảng 2 -300 bài và tương đối hệ thống trong mươi năm trở lại đây.
      Tôi cũng đọc rải rác hầu hết các bài viết về Bùi Giáng. Nói chung là hơi giông giống nhau của nhiều tác giả. Có người so Bùi Giáng với Nguyễn Du. Có người cho rằng, phải đến Bùi Giáng, thì thơ Việt Nam mới có biển có trời. Sự sáng tạo trong ngôn ngữ thơ Bùi Giáng là rất rõ, nhưng ca ngợi đến mức ấy, tôi cho là quá lời. Và như thế, dù không muốn, cũng là cách làm hại ông.

       
                             Nhà thơ Bùi Giáng

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

NHIỀU KHI... - Thơ Trần Mai Ngân


   
                            Nhà thơ Trần Mai Ngân


NHIỀU KHI...

Nhiều khi tôi không biết…
Mình đi đâu về đâu
Chỉ muốn tan nỗi sầu
  đời loanh quanh mãi

Nhiều khi tôi không biết
Mình đã yêu hay không
Chỉ thấy tím cả chiều
Nhuộm hoàng hôn mênh mông

Nhiều khi tôi rất nhớ
Rất nhớ một dòng sông
Thuyền tình tôi đã đắm
Bến xuân chiều khói lam

Nhiều khi tôi muốn khóc
Giọt lệ đừng cầm lòng
Cứ rơi trên má hồng
Như vẫn là thanh tân

Nhiều khi và nhiều khi
Bâng quơ tôi với trời
Dù chẳng để làm chi
Mây cứ là bay đi...

       Trần Mai Ngân
           5-12-2018

CHỜ ĐÔNG, MONG XUÂN - Thơ Quang Tuyết


   
                 Nhà thơ Quang Tuyết


CHỜ ĐÔNG, MONG XUÂN

Chờ đông... chi?
Để nhớ Xuân
Bên hiên bóng lẻ
Đắng dòng lệ rơi
Nhện giăng tơ
Rối nửa vời
Lần năm ngón nhỏ
Gởi người chữ duyên
Những mong
Bến cũ nhớ thuyền
Cho sông thương chuyến đò nghiêng nước ròng
Thu tàn - Người đứng bên song
Chờ đông... chi nữa?
Nát lòng thơ phai
Chiều nay
Nắng nhạt trên tay
Hỏi xuân? Ai có mong ngày xuân qua

                                Cuối Đông 2018
                                   Quang Tuyết

NGÚT NGÀN GIỮA ĐẠI DƯƠNG BÁT NGÁT - Tâm Nhiên


      
                    Thầy Tuệ Sĩ và cư sĩ Tâm Nhiên


           NGÚT NGÀN GIỮA ĐẠI DƯƠNG BÁT NGÁT
                                                                          Tâm Nhiên

“Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng” là một câu thơ của Thầy Tuệ Sỹ mà tôi cứ đọc đi đọc lại mãi trên những chuyến phiêu bạt, giang hồ khắp đó đây. Ngày đi, tháng đi, năm đi và đời mình cũng đang chuyển dịch đi qua. Đi trên nhịp bước sương lồng sông núi lặng: “Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng. Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu.”* Phiêu lưu, phiêu lãng ngàn phương, theo cách điệu tiêu dao du chơi giữa vô thường:

“Bước đi nghe cỏ động
Đi mãi thành tâm không
Hun hút rừng như mộng
Tồn sinh rụng cánh hồng”**

VỀ MỘT NGƯỜI VIỆT NAM ĐI TÌM CÁC ẨN SỐ CHÍNH TRỊ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG - Cao Tuấn

Nguồn:
https://boxitvn.blogspot.com/2018/12/ve-mot-nguoi-viet-nam-i-tim-cac-so.html

          
                     Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy


VỀ MỘT NGƯỜI VIỆT NAM ĐI TÌM CÁC ẨN SỐ CHÍNH TRỊ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG
                                                                           Cao Tuấn
                            
Người Việt Nam nói ở đây là ông Nguyễn Ngọc Huy, tác giả quyển sách “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung” xuất hiện ở Hải Ngoại vào khoảng 1985, 1986 nhưng tác phẩm này không được biết đến nhiều như các tác phẩm “chính thống” khác của ông. Tuy vậy, theo thiển ý, đó là một tác phẩm đứng đắn, độc đáo, đáng đọc và đáng suy nghĩ. Nếu ông Huy chứng minh  nhà văn Kim Dung, người Trung Hoa, có những hậu ý chính trị khi viết các bộ tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng thì có thể chính ông Huy, một nhà chính trị Việt Nam cũng có những thông điệp chính trị riêng khi bỏ thì giờ viết sách về Kim Dung.