Huynh
đệ "Mã thầu dậu" ở Cholon hồi đầu thế kỷ XX.
Tay anh chị Chợ Lớn Tín Mã Nàm là một trong những nhân
vật được đề cập trong tập truyện ký “Những
người săn bắt cướp” của nhà văn-nhà báo Nguyễn Như Phong. Sau đó, hình tượng
nhân vật này được khắc họa hư cấu thêm, thành tuồng cải lương “Vụ án Mã Ngưu” [1] nổi tiếng một thời.
Những thông tin sai lạc ngày càng được bồi đắp, nhấn
nhá, khiến sự thực về nhân vật truyền kỳ Tín Mã Nàm càng thành quái đản, dị dạng,
tâm thần.
Chỉ riêng cái tên Tín Mã Nàm cũng được giải thích tầm
xàm. Người thì lấy tiểu sử của “Tư Hải
Phòng”, một du đãng hạng ba, hạng tư của Chợ Lớn để thêm thắt và khoác vào cho
Tín Mã Nàm, biến Nàm thành Trần Hoài Tư với những thành tích gian dâm hạ đẳng.
Kẻ thì cho Tín Mã Nàm tên là “Mã Thầu Dậu” mà không hề biết rằng cái tên Mã Thầu
Dậu vốn không phải danh từ riêng, và chữ Mã trong đó chẳng hề dính dáng gì đến
con ngựa [2]!
Cho đến năm 1985, khi Đoàn ca kịch Thống Nhất Tiều-Quảng
cải biên “Vụ án Mã Ngưu” ra Việt kịch
(nhạc kịch Quảng Đông) thì dân Ba Tàu Chợ Lớn mới biết có vụ bịa đặt ba xàm như
thế!
Thi vị hóa chân
dung du đãng như kiểu nhà văn Duyên Anh đã làm với Đại Cathay (trong tiểu thuyết
“Điệu ru nước mắt”), hay Nhã Ca viết
về nữ chúa giang hồ Lệ Hải (“Cô hippy lạc
loài”)... đã là việc không nên; nhưng mà đơm đặt bịa chuyện, biến người ta
thành kẻ vô nhân tính để hậu thế nguyền rủa phỉ nhổ như lối Nguyễn Như Phong đã
làm với Tín Mã Nàm, cũng chẳng phải hành vi cao thượng.
Bài viết này là để nói lại cho rõ về nhân vật “ngựa điên”, cũng như của giới giang hồ
Chợ Lớn hồi trước 1975.
Viết về Tín Mã Nàm là việc cực khó, bởi tài liệu về
anh ta sau 30-4-1975 đã không còn trong hồ sơ lưu trữ của Nha Cảnh sát Đô
thành, đến một tấm ảnh chân dung cũng chẳng có. Người này sau đó lại bị chính
quyền cách mạng truy lùng gắt gao nên hành tung càng bí ẩn. Bài viết này tham
khảo từ các hồi ức của những người Tàu từng sống ở Chợ Lớn thời đó.
* * *
Tín Mã Nàm gốc người Quảng Đông, tên thật là Diêu Kiệt
Nam 姚傑南. Nàm vốn con một nhà hào
phú danh giá, không rõ năm sinh năm mất, là tay anh chị Chợ Lớn, thành danh khoảng
thập niên 70 thế kỷ trước.
Địa bàn Chợ Lớn rộng lớn, phức tạp vốn là chốn long
bàn hổ cứ, anh hùng hắc đạo xôm tụ như mây. Gốc Triều Châu có “Ngũ long Thập hổ”, thì Quảng Đông cũng
có “Thập tam Thái bảo”, đều là những
tay anh chị sừng sỏ chẳng ai hơn ai. Tín Mã Nàm nhờ bản tính gan lỳ, một khi
xung trận là say máu xông lên như điên cuồng nên được nhiều người kiêng nể. Nàm
nổi tiếng là một trong những kẻ khó chơi nhất của giang hồ Chợ Lớn, chứ không
phải ông trùm của cả Chợ Lớn. Lịch sử
bang hội Tàu ở Chợ Lớn 300 năm nay chưa từng có ai dám cả gan tự xưng mình là sếp
sòng toàn bộ Chợ Lớn. Miếng bánh lớn được chia ra cho quần hùng, ai cũng có phần,
mỗi băng nhóm chiếm cứ một địa bàn, nước sông không phạm nước giếng. Địa bàn của
Tín Mã Nàm là tuyến đường Triệu Quang Phục, với thu nhập chính là bến Trần Văn
Kiểu.
Nguyễn Như Phong miêu tả Nàm là một gã hộ pháp, vạm vỡ,
nhưng thật ra anh lại thấp bé, nhỏ con, mập mạp. Tướng mạo tuy bình thường
nhưng thân thủ lanh lẹ, cước pháp linh hoạt, nổi tiếng với tuyệt kỹ “Tuyệt mệnh cước” của Thiếu Lâm.
Về nhân phẩm của Nàm, có những lời đồn đại trái ngược
nhau, người quý mến thì gọi anh là “Nàm chẩy” 南仔
(Nam tể, tức “thằng nhóc Nam”), khen anh là bậc hào kiệt trọng nghĩa khinh tài,
trợ già giúp trẻ. Kẻ căm ghét thì kêu anh bằng “Tín chẩy” 癲仔 (Điên tể, “thằng điên”), và cho Nàm là kẻ
cùng hung cực ác vô nhân tính. Nhưng trên hết thảy là ngoại hiệu “Tín Mã Nàm” 癲馬南 (Điên Mã Nam, dịch ra là “Nam Ngựa
Điên”), và mọi người đều thống nhất về bản tính phong hoa của gã du đãng gốc Quảng
Đông này.
Thuở đó, các bang hội đen của bọn Ba Tàu thường lập đội
múa lân và mượn danh nghĩa đó để tụ tập huynh đệ. Tụi “múa lân” này ngày ngày
thao luyện quyền cước, khi đụng chuyện thì có sẵn giá binh khí 18 món, cứ việc
rút ra mà xông lên ào ào.
Một
đội lân Chợ Lớn đang xực lì-xì (ảnh chụp Tết 1998).
Vậy là năm 1961, Diêu Kiệt Nam xin vào Nhân Nghĩa đường,
đội lân đứng đầu Chợ Lớn thời đó, và trở thành đồ đệ đắc ý của đệ nhất tôn sư
Chợ Lớn: Đường chủ Lưu Hạo Lương. Chưa đầy nửa năm, các sư huynh đệ đồng môn đã
chẳng ai dám ghép đôi để đấu võ chung với thằng nhóc Nam lỳ đòn như quỷ. Lúc
này, Nàm được giang hồ tặng cho biệt hiệu “Hương Cảng Tiểu Bá Vương”.
1962, Nàm tỷ võ với “Tín Mã Sánh” 癲馬新 (Điên Mã Tân). Người này không rõ tên họ,
chỉ biết là cao thủ khu vực đường Tân Khai (tức Trần Hoàng Quân, sau là Nguyễn
Chí Thanh), sở dĩ có biệt hiệu “ngựa điên” là vì y ra đòn hung hãn, luôn liều mạng
lấy công làm thủ. Trong trận này, Nàm tỏ ra còn điên hơn cả Sánh, hạ gục đối
phương chỉ trong hai hiệp đấu, nên đoạt luôn ngoại hiệu, thành danh Tín Mã Nàm.
1963, Triệu Nhĩ Văn, tức đại ca “Thủy Long” [3], thành
lập đội lân Liên Anh đường (tiền thân của đội Tinh Anh đường ở Lãnh Binh Thăng
quận 11 hiện nay), mời Tín Mã Nàm làm tổng giáo đầu.
1964, kết hôn với nữ quái “Muội Đầu” 妹頭, ái nữ của võ học danh gia “Lục thần
kinh”.
1965, cưới vợ hai cũng là một nữ quái nổi tiếng,
“Quyên Tỷ”, con gái của Tăng Đông, Đường chủ Việt Anh đường. Cũng trong năm
này, Nàm bị kẻ thù phục kích ở đường Thành Thái (quận 10), đối phương có 5 người,
mang theo cả súng, nhưng Nàm may mắn chạy thoát.
1966, đụng độ với “Hải Phòng Kiếm”.
Kiếm gốc Tàu Quảng Tây, từ Hải Phòng di cư vào Nam,
hai mẹ con bán đậu tương ở đầu một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Hoàng (nay là đường
Trần Phú quận 5) để độ nhật. Về sau, nơi này mọc lên rạp hát Hào Huê, Kiếm bèn
bá chiếm xưng hùng luôn khu vực này.
Hai thủ lĩnh mạnh ai nấy khai thác địa bàn của mình, vốn
chẳng hề xâm phạm nhau, nhưng tụi đàn em vì ghẹo gái mà sinh xung đột. Nghe lời
ton hót đâm thọc của lâu la, hai tay anh chị nổi nóng bèn hẹn nhau quyết đấu.
Tín Mã Nàm đánh bại Hải Phòng Kiếm, hạ nhục bằng cách bắt đối phương phải nuốt
nguyên chai tương ớt.
Cuối năm lại gây hấn, đánh tay anh chị khu vực đại lộ
Trần Hoàng Quân (nay là đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5) là Triệu Trúc Khê trọng
thương.
Biểu
diễn khí công.
1967, thủ hạ đông đến hơn 200, trong đó nhiều tay kiệt
hiệt, lại có các đội lân hùng mạnh làm hậu thuẫn, thanh thế Tín Mã Nàm chấn động
Chợ Lớn. Anh ta sắm nhà lầu xe hơi, cưới cả bầy vợ bé. Biết mình gây thù chuốc
oán đã nhiều, Tín Mã Nàm hối lộ để làm “cảnh sát ma”, không cần lãnh lương nhà
nước, chủ yếu nhằm có thể mang súng hợp pháp cùng với còng tay để phòng thân.
1968, Đường chủ Nhân Nghĩa đường Lưu Hạo Lương, sư phụ
Tín Mã Nàm vì dính líu một vụ buôn súng số lượng lớn nên bị tống giam. Ông bị cảnh
sát tra tấn tận tình nên ra tù không bao lâu thì mất. Nàm vì có qua lại với cảnh
sát nên bị giang hồ đồn rằng anh đã góp phần đưa sư phụ vào tròng.
1969, oan gia chạm trán, Tín Mã Nàm hội ngộ Hải Phòng
Kiếm trong ngỏ hẹp lúc không hề phòng bị, bị Kiếm chém cho một nhát, để lại vết
thẹo vắt chéo trên mặt [4].
1970, địa bàn của Nàm mở rộng từ rạp An Lạc đến ngã tư
Phùng Hưng. Lúc này Đường chủ Trung Nghĩa đường Tô Hồng chiếm cứ khu vực từ Ngã
Sáu đến rạp Hào Huê (sau đổi tên là rạp Nhân Dân, đường Trần Phú, quận 5).
Huynh đệ chia nhau khai thác địa bàn.
1971, đụng độ với băng du đãng Sài Gòn do Đại Cathay cầm
đầu. Sau trận huyết chiến, bên nào cũng khoe mình chiến thắng.
1972, có tin đồn Tín Mã Nàm thông gian với vợ của “Tảo
Bả Tinh” 掃把星 (tức Sao chổi), một
đàn em đắc lực của mình. Đôi bên trở mặt thành thù suýt đâm chém nhau. Thậm chí
lúc đó đã có người đặt ra bài hát theo Việt kịch Quảng Đông có tựa đề “Thệ sát
Điên Mã Nam” 誓殺癲馬南
(Thề giết Tín Mã Nàm) để chế giễu. Chẳng ai biết thực hư vụ việc thế nào, nhưng
sau đó cả hai bắt tay dàn hòa, bỏ qua không nhắc chuyện cũ.
1975, “giải phóng” miền Nam, cõi nhân gian thành một
trường hỗn loạn, huynh đệ thủ hạ của Nàm bị lưu lạc tứ tán.
1976, Ủy ban Quân quản truy lùng hắc đạo gắt gao, băng
Tín Mã Nàm bị công an phục kích, bắn chết “Cấy Thầu” 雞頭 (Đầu gà), một đàn em thân tín của Nàm.
1977, Tín Mã Nàm biến mất khỏi Chợ Lớn. Có tin đồn Nàm
đã bị bắt và chết trong tù, lại có tin Nàm bị kẻ thù cắt nhượng chân, có người
bảo anh ta đã vượt biên sang Pháp.
1981, có người từng là giang hồ Chợ Lớn gặp Tín Mã Nàm
ở Bangkok, Thái Lan.
......
[1]
Vụ án Mã Ngưu: soạn giả Đăng Minh, Đoàn cải lương Trung Hiếu, 1980, do Châu Thanh-Phượng
Hằng diễn.
[2]
“Mã thầu dậu” là ký âm Quảng Đông của “Mã đầu hữu” 碼頭友, có nghĩa là “bạn bến tàu”. Nguyên
người Tàu gọi bến tàu là Mã đầu. Xuất xứ của nó là tiếng lóng của hắc đạo. Các
bang hội giang hồ của Tàu xưa đều đặt tổng hành dinh ở nơi bến tàu, vì thành phần
bang chúng chủ yếu thường là nhân công của Tào vận 漕運, một cơ quan của triều đình, phụ
trách các vấn đề giao thông và vận chuyển lương thực. Do việc vận chuyển hàng
hóa thời xưa chủ yếu dựa vào đường thủy, nên bến tàu thành nơi rồng rắn tụ hội.
Từ đời Thanh, các tổ chức Thanh bang, Thiên Địa hội đã có thói quen gọi cứ điểm/
địa bàn của mình là Mã đầu. Mã thầu dậu (Mã đầu hữu) do vậy là ám chỉ huynh đệ
đồng bang hội.
[3]
Thủy Long: một trong bộ ba lừng lẫy nhất Chợ Lớn lúc bấy giờ (gồm Thủy Long, Tô
Hồng, và Tín Mã Nàm).
[4]
Sau biến cố 1975, Hải Phòng Kiếm hành nghề tiêu thụ hàng gian, sau nhiều lần
vào tù ra khám, rốt cục đến 1980 thì chết trong ngục.
Vinhhuy Le
*
Nguồn:
https://www.facebook.com/vinhhuy.le/posts/pfbid0ZuL8sMK3qSVb2EC5eJnwy74nnE16piR4rWHEcbpgjqruCMBwjeprwR7ierWSZW5ql
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét