BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ (8) - Nguyên Lạc


               
                               Nhà thơ Nguyên Lạc


VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ (8)
                                                                                        Nguyên Lạc

Tiếp nối theo loạt bài viết “Vài Ý Về Chữ Dùng  Trong Thơ” [*] đã đăng trên FB và các trang web, hôm nay tôi sẽ tiếp tục phân tích việc dùng chữ trong thơ qua việc trả lời cho nhóm tự gọi là: CÁNH ĐẠI BÀNG của THI CA ĐƯƠNG ĐẠI VN.
Dưới cuối bài là copy Email của nhóm này [**], nó đã được họ phát tán rộng khắp để tấn công cá nhân tôi, vì tôi dám "góp ý" về bài bình thơ "có cánh", dù dưới bài bình thơ này đã có ghi: "Rất mong nhận được những ý kiến trao đổi của các bạn!" 

BÀN VỀ HAI CHỮ MIÊN TRƯỜNG

Để hiểu rõ cụm chữ "miên trường", hãy thử xét câu thơ sau đâyy:

"Miên trường trở giấc hồn cô quạnh" - XYZ

a. Như đã biết: Chữ Hán Việt là chữ Hán viết theo chữ Việt. Thí dụ  câu:        (thuần Hán) - Quân tại Tương giang đầu (Hán Việt) - Chàng ở đầu sông Tương (thuần Việt)
Trong các bài trước tôi đã phân tích: Tiếng Hán Việt cũng giống tiếng Anh: Tính từ đứng trước danh từ, khác với tiếng Việt
Thí dụ: Bạch mã (H) White horse (A) Ngựa trắng (V)
b. Theo nghĩa: Trường là dài, Miên là miên viễn = rất dài. Vậy tập hợp "Miên trường" nghĩa là dài dài, dài rất dài, dài dằng dặc.
- Câu thơ trên muốn nói gì?
- Nếu muốn nói đang ngủ rồi trở giấc, ta phải nói "Trường miên", vì Trường là dài, Miên là ngủ; Trường miên là giấc ngủ/ giấc mộng dài. Do đó câu thơ trên phải được viết: "Trường miên trở giấc hồn cô quạnh".
c. Ta biết rõ tác giả câu thơ trên đã "mượn" 2 chữ Miên trường trong bài thơ "Chào Nguyên Xuân" của cụ Bùi Giáng.
- Trong bài thơ Chào Nguyên Xuân, theo tôi hiểu cụ Bùi Giáng ̣đùa với 2 chữ Miên trường trong câu thơ "Mùa xuân phía trước miên trường phía sau". Miên trường như giải thích trên là dài dài. Ghép vào câu thơ nó có nghĩa tếu: "Mùa xuân phía trước dài dài phía sau": Phía trước mùa xuân vui thì phía sau cũng dài dài ... mùa xuân vui. Phải cụ đùa không?
- Vâng, cụ đùa nhưng cười ra nước mắt. Đó là cái tuyệt vời của Bùi Giáng:  Câu thơ vui, nhưng thường ẩn trong đó là sự não lòng. Phía sau "dài dài" cũng có thể mùa thu hay mùa đông, mùa sầu mùa nhớ...
Đây là câu thơ có sự đối tỷ, sự so sánh trước và sau: Trước là mùa xuân thì sau phải mùa xuân hay mùa nào đó. Trước là cảm xúc- mùa xuân vui - thì sau phải cũng là cảm xúc - mùa vui hay buồn nào đó - chứ không thể là giấc ngủ/ giấc mộng - nếu hiểu miên trường là giấc ngủ/ giấc mộng dài (?).

Người "hậu bối" làm thơ sao không suy nghĩ cho thông nghĩa, lại vội vàng hít hà rồi "cố tình nhét đại" vào các câu thơ "nghiêm chỉnh" của mình, vô tình "hại" cụ Bùi, phải không?

BÀN VỀ TÀ HUY VÀ ĐOÀI

Sau đây là lời trong Email của nhà bình luận Nguyễn Xuân Dương mà "nhà thơ" Đỗ Anh Tuyến đã phát tán rộng khắp trong nhóm "Elites" của các ông để chê tôi "không biết gì".

"Theo ông Nguyễn Khôi thì trong bốn bài gọi là thơ đăng trong THƠ BẠN THƠ 9 thì có ba bài ông sử dụng cụm từ BÓNG TÀ HUY, TÀ HUY, TÀ HUY BAY cụm từ này độc nhất chỉ có thi sỹ Bùi Giáng sử dụng trước đây. Tôi tin một cách chắc chắn rằng ông Nguyễn Lạc không biết nghĩa của cụm từ BÓNG TÀ HUY BAY, ông thấy lạ thì ông ăn cắp thôi ạ. Còn vào trang ông ấy đọc những cái gọi là thơ của ông ấy thì càng chứng minh ông rất ngô nghê và thơ thuộc loại thiểu năng trí tuệ khi ông đưa ra từ PHƯƠNG ĐOÀI rồi ông chú thích "Phương đoài là phương tây, nhìn từ nước Mỹ". Nghe cứ cười đến vỡ bụng mất thôi". - Lời của Nguyễn Xuân Dương
Tôi sẽ vận dụng cái đầu "thuộc loại thiểu năng trí tuệ" để xét cụm chữ Tà huy và chữ Đoài mà ông Nguyễn Xuân Dương đã chê tôi "không biết nghĩa" xem sao.

I. Tà huy
Tà huy: The setting sun, sun set, sun đown - Tiếng Anh

Xin ghi lại lời "vàng ngọc" của ông Nguyễn Xuân Dương :

"Tôi tin một cách chắc chắn rằng ông Nguyễn Lạc không biết nghĩa của cụm từ BÓNG TÀ HUY BAY, ông thấy lạ thì ông ăn cắp thôi ạ" - Lời NXD

Tôi sẽ phân tích cụm chữ "Tà Huy" để trả lời đến các "nhà thông thái" Nguyễn Xuân Dương và Đỗ Anh Tuyến:

1. Kết hợp Tà huy có thể hiểu trên cơ sở lắp ghép nghĩa của các thành tố tạo nên nó:
Tà huy do ghép 2 chữ: Tà và Huy
-Tà : lệch, vẹo, nghiêng, xiên, chéo, dốc
- Huy :Ánh sáng (mặt trời), nắng, ánh nắng
Nghĩa của  cả kết hợp Tà huy giống như Tà dương
- Ánh mặt trời chiều ngả về tây -Từ điển trích dẫn
- Ánh nắng nghiêng của buổi chiều.- Từ điển Nguyễn Quốc Hùng

2. Tà dương
Dương :
- mặt trời
- dương: Trong âm dương - Lưỡng nghi (NL)

Tà dương là mặt trời xế về tây - Từ điển Nguyễn Quốc Hùng

3. Về "Bóng tà huy bay"

- Tà huy, ánh sáng mặt trời chiều rọi vào cây cối, nhà cửa, núi đồi vân vân... tạo ra những bóng nghiêng. Do mặt trời chiều từ từ lặn, các bóng từ từ nghiêng thêm, nếu có thế nói là chạy dần trên mặt đất; làm sao gọi là bay được mà viết là "bóng tà huy bay"? Viết "Bóng tà huy nghiêng" thì có thể chấp thuận được.
Hai ông nói:"chắc chắn rằng ông Nguyễn Lạc không biết nghĩa" vậy nhờ giải thích giùm làm sao "bóng tà huy" BAY? Tôi đang "đứng dựa cột" chờ nghe "lời vàng ngọc" đây.
- Xin được thưa thêm, nếu câu thơ được viết như thế này thì "đắc địa":  "Áo tà huy bay":
Áo em màu nắng chiều đang bay không đẹp sao?

4. Tà huy, tà dương cũng gợi ý đến tuổi cuối đời, tuổi xế chiều ...

II. Đoài

Xin ghi lại "lời vàng ngọc" của ông Dương:

"Còn vào trang ông ấy đọc những cái gọi là thơ của ông ấy thì càng chứng minh ông rất ngô nghê và thơ thuộc loại thiểu năng trí tuệ khi ông đưa ra từ PHƯƠNG ĐOÀI rồi ông chú thích "Phương đoài là phương tây, nhìn từ nước Mỹ". Nghe cứ cười đến vỡ bụng mất thôi". Nguyễn Xuân Dương
.
Tôi đã hỏi hai ông tại sao "cười đến vỡ bụng"? Sai chỗ nào xin giải thích? Tôi xin "rửa tai chờ ‘lời vàng tiếng ngọc’" của các ông, nhưng không thấy các ông trả lời. Thôi thằng tôi "thiểu năng trí tuệ" này phải tự giải thích xem sao:

- Tại sao phương Tây gọi là phương ĐOÀI? Vì trong Hậu Thiên Bát Quái của Dịch: Quẻ Đoài nằm ở hướng Tây, ngược với nó là quẻ Chấn nằm ơở hướng Đông. Chính vì điều này người ta mới gọi phương/ hướng Tây là phương/ hướng Đoài.

- Khi tôi chú thích 2 chữ PHƯƠNG ĐOÀI trong bài thơ, trên tay tôi có quả cầu vẽ hình thế giới: Mỹ tôi đang sống cách VN qua biển Thái Bình Dương- Pacific Ocean, VN gọi là Biển Đông; VN ở phuơng tây, phương mặt trời lặn nếu nhìn từ Mỹ.

- Do những điều nhận xét trên, tôi mới chú thích:

"Phương đoài (Phương tây): Danh từ địa lý và ước lệ: nói lên sự thương nhớ, hoài niệm nhớ về. VN ở phuơng tây nhìn từ Mỹ" (Bài thơ Góc quê hương sau nhà)

Sao? lời giải thích của kẻ "thô thiển trí tuệ" này ra sao? Xin lãnh giáo.

-- Xin ghi thêm:

-Trong các câu thơ của tôi, Đoài ngoài nghĩa địa lý là phương hướng tây; nó còn hàm ý là phương thương nhớ, vùng ký ức... và còn là cõi về của người : "về cõi Tây phương" = chết.

- Đoài cũng có nghĩa đoài đoạn - "thương nhớ đoài đoạn":

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
(Đôi mắt người Sơn Tây - Quang Dũng)

Nên nhớ người xưa có câu "... dựa cột mà nghe", chắc tôi không cần viết trọn câu?

LỜI KẾT

- Thơ phải tự nhiên như hơi thở. Đừng cố tìm những từ thật kêu, những cấu trúc thật lạ nhưng không chút cảm xúc, trống rỗng, vô hồn. Thơ bật ra từ cảm xúc, từ tâm thức chứ không phải từ cái đầu, từ lý trí.
- Đừng nên "mượn" người trước, người khác những chữ mà mình không hiểu rõ nghĩa, không biết cách sử dụng; cố tình gán ghép càn vào thơ mình để "tạo dáng", mà không biết rằng câu thơ có khi trở thành sáo rỗng, vô nghĩa.

                                                                                    Nguyên Lạc
..................

[*] Vài Ý Về Chữ Dùng  Trong Thơ- Nguyên Lạc


[**]. Đây là lời trong Email của nhóm "Đại Bàng":
[ ... Chú Bùi Mạnh Hiệp còm dưới bài "Nguyên Lạc và những chày cối":
"Mình nghĩ thế này Xuyến ạ: Thắng thua làm gì... Nếu là đại bàng thì dù giông bão đại bàng vẫn cất cánh bay- nhưng nếu là con sâu con kiến... có châm nọc đốt người.... mãi mãi vẫn chỉ là loài sâu loài kiến. Để thời gian quý báu mà chăm con, sáng tác thơ văn chia sẻ với bạn bè, chấp gì loại sâu kiến làm mình cũng nhỏ đi."
Anh thấy chí lí đấy Tuyến ạ.
Việt Kháng
From:thanh tuan
Date: Wed, Nov 20, 2019 at 9:24 AM... ]

24 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...


Trong chùm thơ “Cảm đề La porte étroite” in trong phần Phụ lục của truyện dài “Khung cửa hẹp” (La porte étroite, tác giả André Gide) do Bùi Giáng dịch, có bài thơ sau:

CẢM ĐỀ LA PORTE ÉTROITE GIDE TẶNG SOPHOCLE

Ta về giũ áo đười ươi
Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau
Em về thảng hoặc mai sau
Diệu Hoa lầu các đêm nào hoá sinh
Còn nghe cơn cớ bất bình
Đầu xuân rất mực biên đình ra hoa

Em về giũ áo mùa sa
Trút quần phong nhụy cho TÀ HUY BAY

Bùi Giáng

Bâng Khuâng nói...

Tiếng “miên” trong từ “miên trường” không phải là “trường miên” (giấc ngủ dài)

1/
綿 MIÊN :
a/ Dài. Lâu dài.
Td: Liên miên, triền miên.
b/ Nối tiếp không dứt, kéo dài

Một số từ kép Hán Việt có tiếng “miên”:
liên miên 連綿 • miên diên 綿延 • miên dương 綿羊 • miên man 綿蠻 • miên trường 綿長 • miên viễn 綿遠 • triền miên 纏綿

遠 VIỄN
1. Xa, dài, lâu. (Đối lại với “cận” 近)
- “diêu viễn” 遙遠 xa xôi
- “vĩnh viễn” 永遠 lâu dài mãi mãi.
2. Sâu xa, thâm áo.
- “thâm viễn” 深遠

3/
綿遠 MIÊN VIỄN:
a/ Dài, lâu dài
b/ Xa xôi

4/
長 TRƯỜNG
(Âm Hán Việt: tràng, trường, trướng, trưởng, trượng)
1. dài
2. lâu

5/
綿長 MIÊN TRƯỜNG:
a/ Tiếp tục lâu dài.
- Tây du kí 西遊記: “Phổ dụ thế nhân vi thiện, quản giáo nhĩ hậu đại miên trường” 普諭世人為善, 管教你後代綿長 (Đệ thập nhất hồi).
b/ Lâu dài.
b/ Xa, dằng dặc.
- Lưu Tri Cơ 劉知幾: “Cương vũ tu khoát, đạo lộ miên trường” 疆宇修闊, 道路綿長 (Sử thông 史通, Tự truyện 序傳).

Bâng Khuâng nói...

Có những từ kép Hán Việt nhưng dễ lầm là từ láy thuần Việt. Chẳng hạn:

TRIỀN MIÊN 纏綿
- Ràng buộc, vướng mắc
-Quấn quýt không gỡ ra được (vương vấn không dứt).

MIÊN MAN 綿蠻
Từ Hán-Việt miên (“kéo dài”) + man (“nước tràn ra”).

- Hết cái này sang cái khác, tiếp liền theo nhau không dứt
Vd: suy nghĩ miên man, sóng vỗ miên man

- Đồng nghĩa: liên miên

Bâng Khuâng nói...

Nhà bình thơ Châu Thạch cho rằng:

Giải thích câu thơ "Mùa xuân phía trước miên trường phía sau" của Bùi Giáng" là "Mua xuân phía trước dài dài phía sau" chẳng khác chi bán bổ câu thơ của ông ấy. Giải thích như thế biến câu thơ tuyệt vời của họ Bùi thành ra vô nghĩa, và tầm thường như rơm như rác. Chữ "miên" có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa êm dịu. Chữ trường cũng có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là khung cảnh. Vậy câu thơ của họ Bùi phải hiểu là "Mùa xuân phía trước và một khung cảnh, hay nói rộng ra là một khung trời êm đềm ở phía sau". Cả câu thơ Bùi Giáng vẽ một bức tranh không chỉ chứa không gian tươi đẹp mà còn truyền thông cho ta cảm nhận được khung cảnh tươi đẹp đó kéo dài theo năm tháng. Mùa xuân đương nhiên là thắm tươi rồi, nhưng khi mùa xuân đã đi qua (phía trước) thì để lại phía sau nó một khung cảnh êm đềm, bình tịnh (miên trường). Hiểu như thế ta mới thấy được câu thơ của họ Bùi đã gói trọn cả một không gian và một thời gian an lành, hạnh phúc vào đó.

*
Xin trao đổi với bác Châu Thạch vài ý:

1/
MIÊN có nhiều nghĩa khác nhau, trong đó với “miên” nghĩa là “mềm mại, kéo dài, dài, liền, tơ tằm…” thì có tự dạng chữ Hán viết giống nhau. Nhưng MIÊN có nghĩa là “ngủ, giấc ngủ” thì tự dạng chữ Hán viết khác.

a/
綿 MIÊN:
- tơ tằm
- kéo dài, liền
- mềm mại

b/
眠 MIÊN
Ngủ, giấc ngủ

2/

TRƯỜNG có nhiều nghĩa khác nhau, nếu ghi cùng một tự dạng chữ Hán thì có những nghĩa sau:

a/ 場 (场) TRƯỜNG
1. Nơi, chỗ, trường, chợ, sân:
2. Bãi
3. Cảnh (kịch)
4. Sân khấu
4. Buổi, cuộc

b/
Nhưng TRƯỜNG có nghĩa là “dài” thì tự dạng chữ Hán viết khác.

長 TRƯỜNG
(Âm Hán Việt: tràng, trường, trướng, trưởng, trượng)
1. dài
2. lâu

Căn cứ tự dạng chữ Hán của từ “miên trường” thì :

綿長 MIÊN TRƯỜNG: Có nghĩa chủ yếu sau:
a/ Tiếp tục lâu dài.
b/ Lâu dài.
b/ Xa, dằng dặc.

Miên trường không có nghĩa là “khung cảnh êm đềm, bình tịnh” như bác Châu Thạch nêu. Chỉ là một cách tán rộng ý thơ “mùa xuân phía trước, miên trường phía sau” của nhà thơ Bùi Giáng theo cảm quan cá nhân thôi

Bâng Khuâng nói...

Muốn hiểu từ ngữ phải tìm về từ nguyên. Không phải cứ lấy từng từ đơn rồi ghép chữ và ghép nghĩa theo ý riêng của mình để phân tích bình thơ.
MIÊN TRƯỜNG (綿長) hay MIÊN VIỄN (綿遠) cùng có nghĩa chung là DÀI LÂU. Bác Châu Thạch tra từ điển sẽ rõ.
Còn thi nhân khi dùng từ tất nhiên có sự sáng tạo của họ, nhưng cũng không thoát ly nghĩa của từ gốc.

Bâng Khuâng nói...


Về TÀ HUY, TÀ HUY BAY trong văn học:

1.Ý nghĩa:
斜 暉 TÀ HUY
a. Ánh mặt trời chiều ngả về tây.
b. Ánh nắng nghiêng của buổi chiều.

2. Thơ văn có từ TÀ HUY, TÀ HUY BAY:

- Trong “Cung oán ngâm khúc” có câu:

“Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ,
Quán thu phong dừng rũ tà huy”

- Trong “Đoạn trường vô thanh” của Phạm Thiên Thư:

“Người về đỉnh núi sương tây
Ta riêng nằm lại đợi ngày mướp hoa
Bến nam có phố giang hà
Nghiêng nghiêng nậm ngọc dốc tà huy say

*
Tóc dài cuối nội mây xa
Vàng con bướm nhụy lẫn tà huy bay
Dùng dằng tay lại cầm tay
Trao nhau khăn lụa nhớ ngày sầu đưa”

- Trong “Tây sương kí” có câu:

“Liễu ti trường ngọc thông nan hệ,
Hận bất sai sơ lâm quải trụ tà huy”
柳絲長玉驄難繫,
恨不倩疏林挂住斜暉

Nhượng Tống dịch:

Rừng thưa ơi! có thương ta?
Vì ta, mi níu bóng tà lại nao!

Nguyên Lac nói...

Ông Châu Thạch viết:
"Giải thích câu thơ "Mùa xuân phía trước miên trường phía sau" của Bùi Giáng" là "Mua xuân phía trước dài dài phía sau" chẳng khác chi bán bổ câu thơ của ông ấy. Giải thích như thế biến câu thơ tuyệt vời của họ Bùi thành ra vô nghĩa, và tầm thường như rơm như rác" CT
Đây là cắt xén cố tình có "ý đồ" như ông thường làm vậy khi ai 'dám' nói đến cái "không đúng" của ông.
Sao ông không ghi thêm cho đầy đủ đoạn văn trong bài của tôi?
- "Vâng, cụ đùa nhưng cười ra nước mắt. Đó là cái tuyệt vời của Bùi Giáng: Câu thơ vui, nhưng thường ẩn trong đó là sự não lòng. Phía sau "dài dài" cũng có thể mùa thu hay mùa đông, mùa sầu mùa nhớ...
Đây là câu thơ có sự đối tỷ, sự so sánh trước và sau: Trước là mùa xuân thì sau phải mùa xuân hay mùa nào đó. Trước là cảm xúc- mùa xuân vui - thì sau phải cũng là cảm xúc - mùa vui hay buồn nào đó - chứ không thể là giấc ngủ/ giấc mộng - nếu hiểu miên trường là giấc ngủ/ giấc mộng dài (?)" "Phía sau "dài dài "cũng có thể mùa thu hay mùa đông, mùa sầu mùa nhớ..." Với nghìa "Mùa xuân phía trước... đoạn trường - muà sầu- phía sau."NL.

Bâng Khuâng nói...

BÓNG TÀ HUY

Chán chường phố thị đèn hoa
Rủ em lên núi ngắm tà huy rơi
Quanh ta chỉ có đất trời
Và em và những nụ cười hồn nhiên
Nắng chiều ngả xuống vai em
Hoàng hôn chấp chới bên triền núi xa
Nghe từng sớ thịt làn da
Ngất ngây trong bóng chiều tà huy rơi

Nguyễn Đức Nhơn

http://www.tongphuochiep.com/images/07.2018/TuyenTapThoVanBongTaHuy_NguyenDucNhon.pdf


BÓNG TÀ HUY…

Khi bóng tà huy nghiêng đổ
Cuối mùa…Thu – lá vàng rơi
Tháng mười
Phương Nam nước nổi
Bên anh
Gió lạnh bời bời.

Vẫn là…tháng_năm – mưa_nắng
Vẫn là…giờ_khắc loay hoay
Vẫn là anh trong thầm lặng
Miên man cùng với những ngày…

Anh mơ…
Một ngày nắng mới
Hoa Xuân cuối vườn xinh tươi
Rộn ràng con đê trẫy hội
Xôn xao từng tiếng nói_cười.

Chiều nghiêng
Chân trời tím ngát
Trên sông Lục Bình…trôi…trôi
Cò quê tìm về tổ ấm
Cả đời yên bình – thế thôi !

Chắc là…
Niềm tin sẽ trọn
Mai nầy
Anh về – Em ơi !
Đời như sóng xô cuối bãi
Êm êm…
Mây vắt ngang trời.

TiCa

https://tica52nh.wordpress.com/2014/02/19/bong-ta-huy/


VÂN MỘNG

Dang tay cố níu bóng tà huy
Thấy em tóc xõa dáng xuân thì
Mây ơi ta gởi niềm vân mộng
Trọn giấc mơ xuân rực sắc người

Nguyên Lạc

Bâng Khuâng nói...

VỀ "BÓNG TÀ HUY BAY" TRONG VĂN HỌC:

BÓNG TÀ HUY
Thản một chiều
Mắt buồn vụng dại
Bóng người
Liễu rũ ..cợt trăng mơ
Chim thôi
Hót tiếng
Đợi chờ
Trái sầu rơi rụng
Đôi bờ phù hoa
Ôi ! cát bụi
Chia đời trăm ngã
Đôi môi hồng
Nức nở phôi pha
Chiều Đông
Dệt mộng mình ta
Buồn rơi lặng lẽ
Bóng Tà Huy bay

Phan Cát Linh

https://poem.tkaraoke.com/12717/Bong_Ta_Huy.html

Bâng Khuâng nói...

Để tìm hiểu thêm về ngữ cảnh “tà huy”, “bóng tà huy”, “tà huy bay”, “bóng tà huy bay”. Tôi trích dẫn đoản văn trong truyện ngắn “Thương Vay” của Xuân Diệu (in trong tập truyện PHẤN THÔNG VÀNG)
*
“Chiều lên dần dần. Tôi càng đi trời càng tối.
Những bước đi cũng đồng thời với chiều bóng dâng, xui cho tôi dễ tưởng rằng bước của tôi có quan hệ với thời giờ, thỉnh thoảng tôi đứng lại tần mần xem thử họa chăng có liên lạc gì không...
Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng; tôi khởi sự đi trong ánh sáng, và tôi tới lần trong bóng tối, tợ hồ bên thành phố Huế là ngày, bên Nam Giao là đêm.

Vâng, chiều lên dần dần: chiều không xuống. Đầu tiên ruộng hai bên đường thẫm lại; những bụi cây, lá không phân biệt nữa, thành những khối bóng. Chín mùi cây cau song song vụt lên, giữ sáng ở trên đầu như những cây nến khổng lồ.
Ánh vàng nhạt cứ bớt mãi, có ai kéo về trời để thắp các vì sao. Tàu lá cau trỗi nhất gượng bám chút bụi mặt trời. Nhưng hết rồi. Bóng càng lên mau, càng đậm mãi, xuất tự đất đen, trong khi ở sát da trời, còn mơ hồ ánh sáng. Trí tôi thấy, tuy mắt tôi không, những lớp bóng càng ở trên càng nhạt một tý, và cái đen tối cứ lên hoài, cho đến lúc ngập cả trời cao.

Hoàng hôn ... ễnh ương lên, tiếng khan khản phát từ muôn gốc cỏ, từ những ruộng sâu thũm xuống làm cho con đường tự nhiên mà cao. Tiếng ảo não, hơi phồng, như trong ấy có sự gắng sức, tiếng rậm, và nhiều, và thê lương như sự chết, làm sôi bóng hoàng hôn.

... Không còn cái gì rõ nữa. Bóng chập chững, mọi vật mập mờ, bảng lảng, đương rung rinh. Mây rách từ đâu lê tới những mảnh đen thất thểu, thêm vào cái cảm giác không đều; giữa không trung, dường như có những chụm bóng đặc bay lởn vởn

XUÂN DIỆU

(https://vietmessenger.com/books/?title=phan%20thong%20vang&page=2&fbclid=IwAR07vbpc73b7lCIbYFbh9A1wVX8V89ZmK3u6C7b_3syZ8QJPkiHD2a-45gs)

Bâng Khuâng nói...

Nhà thơ Nguyên Lạc và tôi có cuộc trao đổi trên facebook. Xin ghi lại phần chính cuộc trao đổi này (do trao đổi khá dài, không thể đăng mộtlần nên phải ngắt ra từng đoạn:

*

TÀ HUY, TÀ DƯƠNG là CHIỀU chứ không phải BÓNG CHIỀU. NẮNG NGHIÊNG khác với BÓNG NẮNG NGHIÊNG. Chiều và bóng chiều hoàn toàn khác nhau. TÀ HUY BAY là CHIỀU "bay" chứ không phải BÓNG CHIỀU "bay" (Lac Nguyen)

Xin trả lời bạn Nguyên Lạc:

1/ Theo nguyên nghĩa:


斜 暉 TÀ HUY
a. Ánh mặt trời chiều ngả về tây.
b. Ánh nắng nghiêng của buổi chiều.

Nghĩa gốc của TÀ HUY như trên theo từ điển.

*
2/ Vận dụng trong văn thơ:

Trong “Tây sương kí” có câu:

“Liễu ti trường ngọc thông nan hệ,
Hận bất sai sơ lâm quải trụ tà huy”

Nhượng Tống dịch:

Rừng thưa ơi! có thương ta?
Vì ta, mi níu bóng tà lại nao!

Nhượng Tống đã dịch TÀ HUY là bóng tà.
*
Trong bài thơ “Nhật Lệ giang vãn diểu” của Nguyễn Phúc Ưng Bình có câu

Mâu Lệ thanh cao hữu Trực kỳ,
Cảnh liêu nhân xứ thị tà huy.
Nguyễn Phúc Ưng Bình

(Núi Đâu Mâu cao, sông Nhật Lệ xanh bên phải chảy về hướng phố
Nơi phong cảnh rực rỡ là nơi bóng xế chiều)

Sông Lệ núi Mâu hướng phố phường,
Hữu tình phong cảnh bóng tà dương.
(Lương Trọng Nhàn dịch)

TÀ HUY được dịch là bóng xế chiều, Lương Trọng Nhàn dịch bóng tà dương
*
Trong bài thơ “Há than hỷ phú” của Nguyễn Du có câu:

Tịch tịch thuyền song vô cá sự,
Ngư ca giang thượng khán tà huy.
Nguyễn Du

(Lặng lẽ ngồi bên cửa thuyền, không làm gì cả
Nghe thuyền chài hát, ngắm chiều tà)

Lặng lẽ cửa thuyền không việc bận,
Trên sông chài hát bóng chiều trông!
Lâm Trung Phú dịch

TÀ HUY có thể dịch là “nắng tà” hay “chiều tà”.
Lâm Trung Phú dịch là “bóng chiều”

*
Tà huy, tà huy, hựu tà huy
Thập ước giai kỳ cửu độ vi
(Đặng Trần Côn)

Chiều rơi, chiều rơi lại chiều rơi
Ước hẹn mười phen chín bận dời
(Nguyễn Huy Hùng)

Nguyễn Huy Hùng dịch TÀ HUY là chiều rơi
*
Như vậy, TÀ HUY:

- NGHĨA GỐC là ánh mặt trời chiều ngả về tây, ánh nắng nghiêng của buổi chiều, ánh tà dương.

- NGHĨA CHUYỂN: Khi sử dụng trong văn học TÀ HUY được hiểu là bóng chiều, chiều tà, chiều rơi…

Bâng Khuâng nói...

- Muốn có BÓNG thì phải có cái nền: Nền nằm ngang như mặt đất, nền đứng như bức tường, ngọn nuí... do đó bóng CHẠY hay RƠI DÂNG thì OK, còn chữ BAY thí dụ mây bay thì cần trời không: Bạch vân KHÔNG du du...TRỜI KHÔNG đâu phái là cái nền mà hiên bóng nắng, chỉ có bóng nắng hiện lên nền núi chẳng hạn, mà đã hiện trên nền núi thì sao gọi là BAY?

- Rõ ràng TÀ HUY BAY và CHIỀU BÓNG DÂNG chứ đâu có nói BÓNG TÀ HUY BAY ̣đâu?
CHIỀU BÓNG DÂNG như tôi đã nói: Nền nằm ngang như mặt đất, nền đứng như bức tường, ngọn núi... do đó bóng CHẠY hay RƠI, DÂNG (Lac Nguyen)

Xin trả lời:

Mời đọc đoản văn của Xuân Diệu:

“Chín mùi cây cau song song vụt lên, giữ sáng ở trên đầu như những cây nến khổng lồ.
"Ánh vàng nhạt cứ bớt mãi, có ai kéo về trời để thắp các vì sao. Tàu lá cau trỗi nhất gượng bám chút bụi mặt trời”
“... Không còn cái gì rõ nữa. Bóng chập chững, mọi vật mập mờ, bảng lảng, đương rung rinh. Mây rách từ đâu lê tới những mảnh đen thất thểu, thêm vào cái cảm giác không đều; giữa không trung, dường như có những chụm bóng đặc BAY lởn vởn”
"Bóng càng lên mau, càng đậm mãi, xuất tự đất đen, trong khi ở sát da trời, còn mơ hồ ánh sáng. Trí tôi thấy, tuy mắt tôi không, những lớp bóng càng ở trên càng nhạt một tý, và cái đen tối cứ lên hoài, cho đến lúc ngập cả trời cao.”
(Xuân Diệu)
*
Bóng cây, bóng vạn vật “dường như” đang BAY theo cách miêu tả của Xuân Diệu... đâu có “chạy dần trên mặt đất” như bạn lập luận đâu ?

BÓNG HOÀNG HÔN càng đậm mãi, rồi ĐẶC...
Bóng từ BUỔI CHIỀU LÊN, của HOÀNG HÔN, bóng CHIỀU TÀ, BÓNG TÀ...
CHIỀU LÊN tạo nên bóng, bóng hoàng hôn, bóng tà huy...

Bạn Nguyên Lạc đọc kỹ đoạn văn này đi. Nền là MẶT ĐẤT và ánh nắng phản chiếu lên bầu trời mà “Trí tôi thấy, tuy mắt tôi không, những lớp bóng càng ở trên càng nhạt một tý, và cái đen tối cứ lên hoài, cho đến lúc ngập cả trời cao”.

Bùi Giáng chỉ nói TÀ HUY BAY. Nhưng tà huy cũng có thể hiểu là bóng chiều, bóng tà…
CHIỀU BÓNG DÂNG của Xuân Diệu là do mặt trời lặn chiếu ánh nắng ngược từ dưới lên trên, gặp lúc cỏ cây, hoa lá lay động trong gió tạo bóng phất phơ lay động BAY BAY không "CHẠY hay RƠI, DÂNG" như bạn áp đặt...

Tại sao chấp nhận TÀ HUY BAY mà không chấp nhận BÓNG CHIỀU BAY ?

Bâng Khuâng nói...

Tôi xin nói lại CHIỀU BÓNG DÂNG chứ không phải BÓNG TÀ HUY BAY. Tôi chỉ nói riêng tôi không dám dùng BÓNG TÀ HUY BAY, chỉ dùng BÓNG TÀ HUY hoặc TÀ HUY BAY thôi, còn ai dùng BÓNG TÀ HUY BAY thì tuỳ "cái tài” của họ.
BÓNG của một vật gì đó, kể cả “vật đó” là nắng chiều cũng không thể bay. Chúng CHẠY, DÂNG, RƠI hãy RỤNG... ngoại trừ BAY. Bóng muốn có thì điều kiện là phải có cài NỀN, kể cả bóng "vật đó". Không có NỀN thì bóng không hiện ra. NỀN như mặt đất hay ngọn núi... Muốn bóng bay thì NỀN phải bay, nhưng núi và mặt đất không bao giờ BAY. (Lac Nguyen)
*
Xin trả lời:
CHIỀU BÓNG DÂNG là chiều hướng của bóng dâng lên của nắng tà.
Đúng thế, Xuân Diệu cũng cảm nhận CHIỀU LÊN bằng tâm cảm. Ông xác định CHIỀU BÓNG DÂNG (hướng ngược từ mặt đất lên NỀN trời)
CHIỀU LÊN tạo nên BÓNG, bóng hoàng hôn, bóng tà huy... và bóng chiều đang bay.
CHIỀU BÓNG DÂNG của Xuân Diệu là do mặt trời lặn chiếu ánh nắng ngược từ dưới lên trên, gặp lúc cỏ cây, hoa lá lay động trong gió tạo bóng phất phơ lay động BAY BAY, không bắt buộc “CHẠY hay RƠI, DÂNG, RỤNG” như bạn quy ước...

TÀ HUY BAY (do cảm thức, tâm cảm) thì BÓNG của TÀ HUY cũng có thể BAY (do cảm thức, tâm cảm) sao “bắt buộc” chỉ có “CHẠY, DÂNG, RƠI hay RỤNG”… thôi, theo cách suy luận định kiến một chiều.

Bâng Khuâng nói...

BÓNG của một vật gì đó, kể cả “vật đó” là nắng chiều cũng không thể bay (Lac Nguyen)

Xin trả lời:
Chính thế, “nắng chiều không thể bay”, thì tương ứng, bóng chiều cũng không thể bay, nhưng khi có sự sáng tạo trong ngôn từ TÀ HUY BAY thì từ ngữ dịch nghĩa tương đương như “nắng chiều bay”, “chiều bay”, “bóng chiều bay” bên cạnh những từ vốn có sẵn như “bóng chiều rơi”, “bóng chiều buông”, “bóng chiều dâng”…
Bùi Giáng khi viết TÀ HUY BAY là do cảm thức trong giây phút xuất thần của nhân, cùng thi tứ trào dâng…
Khi Bùi Giáng viết TÀ HUY BAY nghĩa là ông ấy cảm nhận hoàng hôn, nắng chiều, ráng chiều, bóng chiều... BAY.
Một cảm thức của thi hứng, của thi tứ khó lý giải theo cách thông thường, những từ ngữ sáng tạo của văn học nghệ thuật được nảy sinh...

Những thi nhân khác khi viết BÓNG TÀ HUY BAY cũng theo tâm cảm đó thôi

Bâng Khuâng nói...

- “Dường như có những chụm bóng đặc BAY lởn vởn”- Xuân Diệu
DƯỜNG NHƯ không phải là tâm cảm sao? Nó đâu phải là sự thật, chỉ là mình tưởng thôi.
- “Nhưng đã chấp nhận TÀ HUY BAY (tức là bóng chiều bay)” - Phú Đoàn
(Lac Nguyen)

Xin trả lời:

Từ “dường như” là của tôi khi trả lời bạn, chứ không phải là từ dùng của ông Xuân Diệu trong đoản văn trích từ truyện ngắn THƯƠNG VAY

Nguyên văn câu của tôi:

“Bóng cây, bóng vạn vật ‘dường như’ đang bay theo cách miêu tả của Xuân Diệu... đâu có ‘chạy dần trên mặt đất’ như bạn lý luận đâu ? ” (Phú Đoàn)

Xét về nghĩa của từ TÀ HUY:

- NGHĨA GỐC là ánh mặt trời chiều ngả về tây, ánh nắng nghiêng của buổi chiều, ánh tà dương.

- NGHĨA CHUYỂN: Khi sử dụng trong văn học TÀ HUY được hiểu là bóng chiều, chiều tà, chiều rơi…

Đúng thế, Xuân Diệu cũng cảm nhận CHIỀU LÊN bằng tâm cảm. Ông xác định CHIỀU BÓNG DÂNG (hướng ngược từ mặt đất lên NỀN trời)
CHIỀU LÊN tạo nên BÓNG, bóng hoàng hôn, bóng tà huy... và bóng chiều đang bay.
CHIỀU BÓNG DÂNG của Xuân Diệu là do mặt trời lặn chiếu ánh nắng ngược từ dưới lên trên, gặp lúc cỏ cây, hoa lá lay động trong gió tạo bóng phất phơ lay động BAY BAY, không bắt buộc “CHẠY hay RƠI, DÂNG, RỤNG” như bạn quy ước...
Cái này không phải là “mập mờ hiệu ứng” mà do cảm thức của tác giả Xuân Diệu
"Trí tôi thấy, tuy mắt tôi không, những lớp bóng càng ở trên càng nhạt một tý, và cái đen tối cứ lên hoài, cho đến lúc ngập cả trời cao.” (Xuân Diệu)

Xuân Diệu không dùng từ BÓNG TÀ HUY BAY. Nhưng cách hành văn của ông:
“Bóng càng lên mau, càng đậm mãi, xuất tự đất đen, trong khi ở sát da trời, còn mơ hồ ánh sáng. Trí tôi thấy, tuy mắt tôi không, những lớp bóng càng ở trên càng nhạt một tý, và cái đen tối cứ lên hoài, cho đến lúc ngập cả trời cao... giữa không trung, dường như có những chụm bóng đặc BAY lởn vởn”.
Xuân Diệu đã gợi tả BÓNG CHIỀU, BÓNG HOÀNG HÔN “mập mờ, bảng lảng, đương rung rinh, BAY lởn vởn”

BÓNG CHIỀU không nhất thiết chỉ là BÓNG NẮNG CHIỀU...

*
Nguyên văn câu nói của tôi trao đổi:

“Trong “Tây sương kí” có câu:

‘Liễu ti trường ngọc thông nan hệ,
Hận bất sai sơ lâm quải trụ tà huy’

Nhượng Tống dịch:

Rừng thưa ơi! có thương ta?
Vì ta, mi níu bóng tà lại nao!


Vậy TÀ HUY có phải là BÓNG TÀ không?
TÀ HUY BAY có thể hiểu là BÓNG TÀ BAY được không?
*
Bùi Giáng không dùng cụm từ BÓNG TÀ HUY BAY, nhưng vẫn có người khác dùng và cách dùng này không sai, nhưng dễ bị quy chiếu và so sánh với chữ dùng TÀ HUY BAY (gọn hơn và gần như tuyệt hảo).
Nhưng đã chấp nhận TÀ HUY BAY (tức là “nắng chiều bay, nắng tà bay”) thì tại sao bắt bẻ người khác dùng từ BÓNG TÀ HUY BAY, đồng thời có lập luận phủ định về BÓNG TÀ HUY BAY. Lập luận của bạn Nguyên Lạc lại chưa thuyết phục.

Trong khi đã có “bóng chiều rơi”, “bóng chiều buông”, “bóng chiều dâng”, tại sao không thể có “bóng chiều bay”.

Bâng Khuâng nói...

Bóng CHẠY, DÂNG, RƠI hãy RỤNG... ngoại trừ BAY. Bóng muốn có thì điều kiện là phải có cái NỀN, kể cả “vật đó” là nắng chiều cũng không thể bay. Không có NỀN thì bóng không hiện ra. NỀN như mặt đất hay ngọn núi... Muốn bóng bay thì NỀN phải bay, nhưng núi và mặt đất không bao giờ BAY.
(Lac Nguyen)

Xin trả lời:

Như bạn đã nêu:
“BÓNG của một vật gì đó, kể cả ‘vật đó’ là nắng chiều cũng không thể bay”. “Muốn bóng bay thì NỀN phải bay”
(Lac Nguyen)

Tương ứng như thế, “Nắng chiều cũng không thể bay” theo cách nhìn của vật lý.

Nhưng “nắng chiều đã bay” theo chiều kích cảm nhận thi ca trong cụm từ TÀ HUY BAY của thi nhân Bùi Giáng, một cách phi vật lý…

Theo cách nhìn vật lý của bạn “Muốn bóng bay thì NỀN phải bay” (Lac Nguyen).
Bóng và hình quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Hình và bóng "song hành". Tại sao TÀ HUY BAY, mà bóng tà huy bị bạn định hướng một cách áp đặt, khiên cưỡng, chỉ có "CHẠY, DÂNG, RƠI hay RỤNG" thôi... và dứt khoát cấm BAY
Có “bóng chiều rơi, bóng chiều buông, bóng chiều dâng”, chả lẽ không được có “bóng chiều bay”?

Thi sĩ Bùi Giáng dùng từ ngữ TÀ HUY BAY thật tuyệt vời, sau đó nhà thơ Phạm Thiên Thư có dùng lại từ ngữ này. Ngoài ra nhiều tác giả khác dùng từ ngữ BÓNG TÀ HUY, một số ít nhà thơ dùng từ ngữ BÓNG TÀ HUY BAY. Những từ ngữ trên đều là là do cảm thức trong giây phút bộc khởi thi hứng, thi tứ trào dâng.

Bâng Khuâng nói...

- "Bóng tà huy BAY" đối với tôi là "vấn nạn", tôi không dám dùng, để dành cho "đại thi sĩ".
BÓNG TÀ là BÓNG TÀ HUY đồng ý, nhưng đâu có nói BÓNG TH BAY? Chạy không níu lại được sao? Tại sao phải bắt buộc là BAY?
- “Tôi chưa bao giờ gặp bài thơ nào của BG có cụm chữ BÓNG TÀ HUY BAY, chỉ có TÀ HUY BAY hay BÓNG TÀ HUY, còn mấy ông thi sĩ nào hơn BG thì tôi không biết. Và ở đây tôi chỉ bàn về BÓNG BAY, tôi không chấp nhận BÓNG BAY. Bong Bóng bay thì có. Không phải tất cả mọi điều của người trước viết/ nói là đúng, trừ các ông Thánh”
(Lac Nguyen)

*

Xin trả lời:

Không thể nói: chỉ vì Bùi Giáng không dùng từ BÓNG TÀ HUY BAY, nên không ai được thêm bớt của cụm từ TÀ HUY BAY... (xuất phát điểm). Văn học nghệ thuật là sáng tạo, người viết văn, làm thơ có thể sáng tạo từ ngữ mới. Quan trọng là từ ngữ mới có “đắt” không và “trường tồn” hay bị “đào thải”…
Các thi nhân khác khi viết BÓNG TÀ HUY BAY cũng theo tâm cảm đó thôi, còn được cảm nhận hay dở thế nào còn do độc giả, nhưng không thể cho rằng từ dùng trên sai.
Việc xem từ ngữ "BÓNG TÀ HUY BAY" là "vấn nạn" và việc mỉa mai người dùng từ BÓNG TÀ HUY BAY là "đại thi sĩ" theo tôi là hà khắc

Bâng Khuâng nói...


BÓNG NẮNG:
Bóng nắng: Ánh nắng (tiếng Anh: The sunlight)
“Bóng nắng in trên sàn, bóng nắng tót lên vách, bóng nắng đôi khi sa vào trong một hốc nhỏ rồi xô nhau nhảy nhót trong vũ điệu sớm mai, bóng nắng chiếu qua ô cửa”.

“Bóng nắng dọi trứng gà bên vách…”
(Hàn Nho Phong Vị Phú- Nguyễn Công Trứ)

*
HOÀNG HÔN:
Hoàng hôn hay còn gọi là chiều tà (tiếng Anh: sunset)
Hoàng hôn hay còn gọi là chiều tà chỉ một khoảng thời gian kể từ ngay sau khi Mặt Trời lặn cho tới khi trời tối hẳn (buổi tối).
Nó là khái niệm gắn liền với vị trí biểu kiến của Mặt Trời ở phía dưới đường chân trời, trong tiếng Việt còn có các tên gọi như nhá nhem, chạng vạng, nhá nhem tối, tối nhọ mặt người, Hán-Việt: bàng vãn, bạc mộ...

*
BÓNG NẮNG CHIỀU:
Ánh nắng chiều, bóng nắng chiều (tiếng Anh: evening sun)

*
RÁNG CHIỀU:
Hiện tượng ánh sáng mặt trời lặn, phản chiếu vào các đám mây, làm cho một khoảng trời sáng rực, nhuộm màu vàng đỏ hay hồng sẫm

*
CẦU VỒNG:
Cầu vồng là hiện tượng quang học thiên nhiên mà bản chất là sự tán sắc ánh sáng Mặt trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa. Cầu vồng thực ra có rất nhiều màu sắc, trong đó có 7 màu sắc nổi bật là đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.

*
Qua các định nghĩa trên, ta thấy ánh nắng (bóng nắng), cầu vồng, ánh nắng chiều (bóng nắng chiều), ráng chiều, ánh hoàng hôn (ánh chiều tà, bóng tà) thì ánh nắng đều chiếu hoặc phản chiếu lên NỀN TRỜI. Ánh nắng mặt trời của ráng chiều, của cầu vồng chính là BÓNG NẮNG in trên NỀN TRỜI có đủ màu sắc chứ không hẳn trong suốt, “thắm”, “vàng vọt”

Nhà thơ Vương Bột nổi tiếng với câu thơ:
“Lạc hà cô vụ dữ tề phi”
“Ráng chiều với con cò lẻ cùng bay”.

Ráng chiều bay, tà huy bay…

Ánh hoàng hôn (hay ánh chiều tà) với vị trí biểu kiến của Mặt Trời ở phía dưới đường chân trời, đang chiếu ngược lên NỀN TRỜI, Xuân Diệu rất tinh tế khi viết:

““Chín mùi cây cau song song vụt lên, giữ sáng ở trên đầu như những cây nến khổng lồ.
"Ánh vàng nhạt cứ bớt mãi, có ai kéo về trời để thắp các vì sao. Tàu lá cau trỗi nhất gượng bám chút bụi mặt trời”
“... Không còn cái gì rõ nữa. Bóng chập chững, mọi vật mập mờ, bảng lảng, đương rung rinh. Mây rách từ đâu lê tới những mảnh đen thất thểu, thêm vào cái cảm giác không đều; giữa không trung, dường như có những chụm bóng đặc BAY lởn vởn”
"Bóng càng lên mau, càng đậm mãi, xuất tự đất đen, trong khi ở sát da trời, còn mơ hồ ánh sáng. Trí tôi thấy, tuy mắt tôi không, những lớp bóng càng ở trên càng nhạt một tý, và cái đen tối cứ lên hoài, cho đến lúc ngập cả trời cao.”
(Xuân Diệu)

Bóng nắng chiều, ráng chiều, ánh hoàng hôn (ánh chiều tà) cũng là bóng tà huy. Tà huy bay, BÓNG CỦA TÀ HUY cùng bay.

Trong khi bạn Lac Nguyen, một mực cho rằng:
“Bóng CHẠY, DÂNG, RƠI hay RỤNG... ngoại trừ BAY. Bóng muốn có thì điều kiện là phải có cái NỀN, kể cả “vật đó” là nắng chiều cũng không thể bay. Không có NỀN thì bóng không hiện ra. NỀN như mặt đất hay ngọn núi... Muốn bóng bay thì NỀN phải bay, nhưng núi và mặt đất không bao giờ BAY”.
(Lac Nguyen)

Nguyên Lạc nói...

Rất là thích thú cùng các bạn "thương thảo" để tiến bộ. Tất cả điều tôi muốn nói đều có trong bài LẠI BÀN VỀ "BÓNG TÀ̀ HUY BAY" trên FB tôi và trang BÂNG KHUÂNG, nên tôi không bàn thêm. Tuy nhiên, để trả lời các phản biện và bài viết của bạn Lê Nghị tôi chỉ muốn "nhấn mạnh" ý này của riêng tôi về chữ BÓNG - nó cũng đã được nói trong bài:
Đây là vài điểm tôi cần bàn:
1. Về BÓNG và BAY
- BÓNG = BÓNG DÁNG (Bd ) vật, ta thấy được- trừ những "vật trong suốt"
- BÓNG (B ) = Cái BÓNG được tạo ra trên NỀN khi ánh sáng chiếu rọi "vật cản". Nên nhớ ở đây "vật cản" phải là thật, nếu trong suốt, chân không thì không tạo BÓNG
a. Bd như con chim, phi cơ... thì có thể BAY, tuy nhiên B của chúng, do ánh sáng chiếu hiện trên NỀN, không BAY được vì chúng "bị dính" vào nền ngang/ nghiêng/ ̣đứng như đã nói trong bài.
b. Vì NẮNG trong suốt nên ta không thấy được Bd nó, ta chỉ nhận biết Bd của nó thông qua "màu nắng" hiện ở các đám mây. Mây bay thì "màu nắng" bay theo. Tuy nhiên "màu nắng" không phải là Bd thật sự của nắng = Tà Huy. Nó cũng không phải là B

2. NẮNG =Tà Huy vì trong suốt và cũng không thể tự chiếu rọi nó, nên như đã nói, nó không có B thật sự, ta chỉ biết B của nó thông qua bóng cây, bóng lá v.v.. Dĩ nhiên những bóng cây, bóng lá này hiện, dính vào nền nên BÓNG NẮNG/ BÓNG TÀ HUY không thể BAY như ̣đã nói về mục BAY trong bài viết
Tóm lại TÀ HUY BAY là đúng, BÓNG TÀ HUY - bóng theo nghĩa B - không thể BAY, sử dụng BÓNG TÀ HUY BAY theo chủ quan tôi không chính xác.
3. Về dùng cụm chữ BÓNG TÀ HUY LẠNH bạn Lê Nghị dùng, tôi thêm cả luôn BÓNG TÀ HUY NÓNG: Đó là sử dụng cụm từ đúng, còn nếu bạn dùng BÓNG TÀ HUY BAY là không chính xác. Tại sao?
- Như đã bàn trên, BÓNG (B) TÀ HUY chỉ biết được thông qua bóng lá, bóng cây... tự nó TÀ HUY/NẮNG trong suốt và không thể "tự chiếu rọi" để tạo ra BÓNG mình. Những bóng cây, bóng lá ... này hiện trên nền tuyết lạnh hoặc nền hè nóng... thì thì ta nghĩ những BÓNG TÀ HUY này lạnh /nóng. Có thể nói luôn khi "tâm" ta lạnh/ nóng thì ta thấy những BÓNG TÀ HUY này cũng lạnh / nóng. Đó là cảm xúc. BÓNG TÀ HUY (B) theo tôi dứt khoát không thể nói BAY - thị giác - vì bóng cây/ lá "hiện/dính" vào nền.
4. Về: "bóng tà huy bay là nó dần biến mất" - Lê Nghị
- Nếu chữ BAY dần biến mất thì TÀ HUY BAY - giống như Bùi Giáng dùng - cũng là chiều dần mất, thêm chi chữ BÓNG cho rắc rối? Các nhà phê bình thường nói: "Trong văn thơ, nếu bỏ thêm được chữ nào mà câu vẫn giữ nguyên nghĩa thì nên bỏ" , ở đây lại cố tình thêm chữ.
Nếu cố tình nghĩ " bóng tà huy bay" là chiều dần biến mất thì ta viết "bóng tà huy PHAI" nó hay gắp nhiều lần: Chiều dần dần phai màu rồi đêm tới, nó cũng giải quyết luôn vấn nạn chữ BÓNG

Bâng Khuâng nói...

- Từ ngữ “BÓNG TÀ HUY” làm cho tôi có cảm nhận sự “đài các”, “trang trọng” và “kiểu cách” của văn chương hàn lâm...

- Từ ngữ “BÓNG TÀ”, “CHIỀU” mà nhà thơ Nguyễn Du dùng nghe dung dị nhưng lại thấm đẫm hồn Việt:

“Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo.
Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”.
*
“Một vùng cỏ áy bóng tà,
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau”.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Bâng Khuâng nói...

Từ Hán Việt được sử dụng với mật độ dày đặc, có tính cách trang trọng, kiểu cách trong dòng văn học bác học
Ngược lại, với dòng văn học dân gian thì từ ngữ trong thơ ca hò vè, truyện thơ, ca dao tục ngữ… giản dị, thông dụng, không kiểu cách, và thuần Việt
*
Bởi vậy, các từ như TÀ HUY, MIÊN TRƯỜNG làm ta nghĩ ngay đến từ Hán Việt. Mà quả thế, từ ngữ TÀ HUY xuất hiện từ lâu trong thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn, Nguyễn Du, Nguyễn Phúc Ưng Bình, Vương Thực Phủ…
(Xem phần thơ văn trích dẫn ở những comments phía trên)

Bâng Khuâng nói...

BÙI GIÁNG VÀ TỪ NGỮ “MIÊN TRƯỜNG”, “MIÊN VIỄN”

“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”
(Bùi Giáng)

Có thể nói MIÊN TRƯỜNG và MIÊN VIỄN là từ ngữ không hề xa lạ. MIÊN TRƯỜNG, MIÊN VIỄN được hiểu là LÂU DÀI, trường cửu, bất diệt và chỉ xuất hiện trong văn học bác học, xuất hiện trong bình chú kinh Phật như bài “Mùa Xuân Miên Viễn” của Hòa Thượng Thường Chiếu hay bài “10 Thọ Giới Là Làm Cho Phật Pháp Miên Trường Giữa Thế Gian” của Thượng Tọa Thích Thiện Siêu... , nên người đọc có thể cảm nhận ngay từ ngữ này là từ Hán Việt

Tây Du Ký là một trong tứ đại danh tác nổi tiếng của Trung Hoa được sáng tác vào thời nhà Minh thế kỷ thứ 16 có câu:
“Phổ dụ thế nhân vi thiện, quản giáo nhĩ hậu đại miên trường”
(Tây Du Ký đệ thập nhất hồi)

Tạm dịch:
Khuyên nhủ người đời làm điều thiện, dạy dỗ đời sau của mình lâu dài. (Tây du ký hồi 11)

*
Chưa thấy từ ngữ “miên trường, miên viễn” xuất hiện trong dòng văn học dân gian, văn chương truyền khẩu.

*
Nhà thơ Hoài Khanh trong bài thơ MỘNG ĐỜI MIÊN VIỄN với lời đề tặng: (Tặng Phạm Công Thiện để nhớ những tháng ngày Đà Lạt xa xưa thời Thân Phận), đã nói lên rằng “miên viễn” là “bất tuyệt”, “phiêu hốt”

MỘNG ĐỜI MIÊN VIỄN

Có phải đó là mộng đời bất tuyệt
Nói cho ta ý nghĩa cuộc sinh tồn
Vì những đoá hoa nào thời trẻ dại
Hơn một lần phai lạt sắc và hương!

Có phải đó là mộng đời phiêu hốt
Nói cùng ta qua đôi mắt mơ buồn
Khi em hiểu sương tan trên đầu núi
Là chuyện đời xiêu đổ dưới màu sương

Hoài Khanh
*
MIÊN TRƯỜNG hay MIÊN VIỄN ngoài ý nghĩa là lâu dài còn có ý nghĩa là “xa xôi, dằng dặc”. Nhà thơ Thế Lữ gợi tả bằng câu thơ thật sâu lắng:

“Buồn ơi ‘xa vắng mênh mông’ là buồn”

Từ MIÊN vốn đã có nghĩa :
a/ Dài. Lâu dài.
b/ Nối tiếp không dứt, kéo dài

Trong Chinh Phụ Ngâm có câu:
“Đưa chàng lòng dặc dặc buồn”

Nguyên tác thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn:
“Tống quân hề tâm MIÊN MIÊN”

Câu này có dị bản:
“Tống quân hề tâm du du”

Bùi Giáng là thiên tài trong thi ca và có ngôn ngữ sáng tạo. Khi phong trào kiếm hiệp của Kim Dung phát triển, Bùi Giáng nằm tại Vạn Hạnh, tự học chữ Hoa trong 6 tháng, ông ta trực tiếp đọc sách Kim Dung bằng Hoa Ngữ. Ông đã viết một số bài bình về Kim Dung chẳng hạn như “Tại sao Tiêu Phong chết”

Bùi Giáng nhắc tới Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung với chi tiết: khi Trương Tam Phong dạy Thái Cực Kiếm cho Trương Vô Kỵ, ông nói lên tinh hoa của kiếm thuật là:

“Thần tại kiếm tiên, MIÊN MIÊN bất tuyệt”
(Cái “thần” trước hết ở nơi kiếm, kéo dài không dứt).

Nếu kết hợp MIÊN với TRƯỜNG (dài), với VIỄN (xa) thành MIÊN TRƯỜNG hoặc MIÊN VIỄN cùng có nghĩa chung là “dài lâu, trường cửu, bất diệt” mà các thiền sư hay dùng để chú giải phật học…

Bùi Giáng từng dạy học Đại Học Vạn Hạnh, ông đọc nhiều bình chú thiền học, nhiều chú giải kinh kệ, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nên những từ ngữ như MIÊN TRƯỜNG, MIÊN VIỄN được ông sử dụng linh hoạt, sáng tạo trong thi ca…

Nguyên Lac nói...

Comment trên của thi sĩ Phú Đoàn rất hay. Rất đúng theo ý tôi nghĩ

Đỗ Anh Tuyến nói...

SỰ THẬT NẰM Ở ĐÂY NÀY ÔNG ĐỆ NHẤT ĂN CẮP THƠ NGUYÊN LẠC:

https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2019/12/vai-loi-ve-bai-vu-ao-y-tho-cua-ong.html