Nhà bình thơ Châu Thạch
“VỌNG KHÚC CHIỀU”, THƠ LƯƠNG MINH VŨ:
TIẾNG HÁT TRÔI VỀ QUÁ KHỨ BƠ VƠ
Châu Thạch
Đêm nay tôi không làm được gì ngoài việc đọc bài thơ “Vọng Khúc Chiều” của Lương Minh Vũ rồi nghe đi nghe lại bản nhạc “Hát Bên Bờ Suối” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Mai phổ nhạc từ bài thơ nầy qua giọng hát của ca sĩ Huỳnh Lợi. Cả ba người nầy tôi không hề biết nhưng sao tôi thấy mình quá gần với họ. Thấy quá gần với họ vì cả ba (thơ, nhạc và tiếng ca) khiến hồn tôi dậy lên biết bao cảm xúc. Bài thơ đã hay, bài hát xáo từng câu rồi ghép lại, phối thành âm thanh tuyệt vời, và giọng ca thì vang vọng như tiếng gió trong rừng vi vu bao lời kể lể. Tôi không rành âm nhạc, chỉ biết nghe, không biết phân tích nên xin chỉ nói về thơ, cảm ơn thơ đã đưa tôi vào hưởng thụ những hương hoa của nhạc.
Đầu đề bài thơ là “Vọng Khúc Chiều” đã được nhạc sĩ phổ vào bản nhạc có tên là “Hát bên Bờ Suối”. Tôi thích đầu đề nầy hơn vì chỉ nghe cái cụm từ nầy ta đã thấy ngay tính cách lãng mạn và nên thơ của nó.
Khổ thơ đầu đẹp làm sao khi cho ta hình ảnh một người ngồi hát bên bờ suối:
Ta ngồi hát bên bờ suối
Rừng đổ chiều cây lá ngủ mang mang
Ngày buông cánh, chim về non bạt gió
Bài ca buồn từng phiên khúc gian nan
Câu thơ “Ta ngồi hát bên bờ suối” đã cho ta hình dung được sự thơ mộng. Những câu thơ kế tiếp lại càng cho ta hình ảnh buổi chiều đại ngàn với những xao động vô cùng thi vị. Nhà thơ viết “bài thơ buồn từng phiên khúc gian nan” làm ta liên nghĩ đên một người ngồi bên bờ suối hát đi hát lại suốt buổi chiều một bài ca u uẩn cùng với âm thanh của núi rừng trong buổi hoàng hôn. Những hình ảnh trong thơ đẹp đến bút màu cũng không vẽ nổi: “cây lá ngủ mang mang”, “chim về non bạt gió” và những tứ thơ “rừng đổ chiều”, “ngày buông cánh” đượm ngát một thứ hương trầm của cái thú đau thương, cái thú mang nỗi sầu le lói trong tim.
Vế thứ hai của bài thơ kéo nỗi sầu dài ra từ quá khứ đến tương lai:
Ta ngồi hát bên bờ suối
Ngày sẽ qua, ngày sẽ đến... bao giờ?
Nhớ cố quận nước bỏ nguồn đi mãi
Trôi lời ca theo sầu khúc bơ vơ
Khổ thơ cho ta thấy tác giả hát đên quên cả thời gian. Hình ảnh sự triền miên hiện ra trong câu “Ngày sẽ qua, ngày sẽ đên…bao giờ?”, hình ảnh quê hương hiện ra trong câu “nhớ cô quận nước bỏ nguồn đi mãi” và kỷ niệm và ký ức hiện ra trong câu “trôi lời ca theo sầu khúc bơ vơ”. Khổ thơ như hòa nhập tiếng hát cùng dòng nước, như hòa nhập sự trôi của nước của thời gian và của tiếng hát vào cùng một thể để “bỏ nguồn đi mãi” không về.
Khổ thứ ba của bài thơ tác giả đêm hình ảnh người xưa nhuộm cả rừng chiều:
Ta ngồi hát bên bờ suối
Dáng ai về, cơn quặn thắt từ bi
Áo xưa mộng nhuộm rừng chiều đỏ nhớ
Cho lời ca thành tình khúc sinh ly
“ Cơn quặn thắt từ bi” là một cơn đau cao thượng. Cơn đau ấy chỉ có thi sĩ mới hiểu được nó thấm thía như thế nào, còn người thường không biết, tu sĩ cũng chẳng biết đâu. Không biết được nhưng có lẽ cũng cảm thông được nỗi khổ vừa yêu vừa đau của thi sĩ khi “Dáng ai” ngày ấy theo tiếng hát về trong trí nhớ của mình. “Áo xưa mộng nhuộm rừng chiều đỏ nhớ” làm cho áo xưa đẹp quá, nỗi nhớ đẹp quá và rừng chiều nay cũng đẹp quá. “Cho lời ca thành tình khúc sinh ly” khiến bài ca sầu tê tái, khiến cho tiếng hát đau niềm đau ly tán của tình.
Khổ thứ tư của bài thơ tác giả muốn ôm cả thế giới vào nỗi đau của mình khi khóc cho lá, khóc cho cây và khóc cả cho người:
Ta ngồi hát bên bờ suối
Lời thương rừng mãi khóc lá, trơ cây
Người thương người một đời đau phí phạm
Xui bài ca bao điệp khúc hao gầy
Qua bốn khổ thơ ta thấy nỗi sầu từ nội tâm đã truyền ra cho cả vạn vật. Đầu tiên tác giả chỉ hát “một bài ca buồn”, rồi bài ca đưa tác giả nhớ về “cố quận”, rồi từ nỗi nhớ đó hình ảnh “dáng ai về” làm cho “áo xưa mộng” nhuộm đỏ cả rừng chiều. Cuối cùng niềm đau trùm cả lên vạn vật khi rừng và tha nhân cũng được hình tượng trong”Điệp khúc hao gầy”.
Và khổ thơ cuối cùng cho ta biết lời ca như nước chảy, như mây trôi, như sự mòn mõi triền miên là để hát về quá khứ, là những vọng khúc cho tâm hồn quay về đầu nguồn của dòng sông ký ức:
Ta ngồi hát bên bờ suối
Lời vỗ về theo nước mỏi mòn trôi
Lời đong đưa trao mây về phương tận
Ôi! Lời ca những vọng khúc quy hồi.
Tất cả năm khổ thơ của “Vọng Khúc Chiều” là trình tự tâm lý khi thi nhân ngồi hát bên suối. Mỗi khổ thơ đều được khởi đầu bởi điệp khúc “Ta ngồi hát bên bời suối” cho ta hình ảnh nước chảy không ngừng, tiếng hát không ngừng, và rừng chiều đỏ, và lá trơ cây, và nước bỏ nguồn…, tất cả chuyên chở hồn ta trôi theo “vọng khúc quy hồi” của tác giả để cảm xúc, để rung động cùng sự “mang mang” của chiều, sự âm u của rừng, sự triền miên của suối và nỗi đau của tình trong lời ca trôi theo sầu khúc bơ vơ. Suối của rừng thì trôi về biển mênh mông, suối trong hồn thì trôi ngược về quá khứ bơ vơ ./.
Châu Thạch
Nhà thơ Lương Minh Vũ
VỌNG KHÚC CHIỀU
Ta ngồi hát bên bờ suối
Rừng đổ chiều cây lá ngủ mang mang
Ngày buông cánh, chim về non bạt gió
Bài ca buồn từng phiên khúc gian nan
Ta ngồi hát bên bờ suối
Ngày sẽ qua, ngày sẽ đến... bao giờ?
Nhớ cố quận nước bỏ nguồn đi mãi
Trôi lời ca theo sầu khúc bơ vơ
Ta ngồi hát bên bờ suối
Dáng ai về, cơn quặn thắt từ bi
Áo xưa mộng nhuộm rừng chiều đỏ nhớ
Cho lời ca thành tình khúc sinh ly
Ta ngồi hát bên bờ suối
Lời thương rừng mãi khóc lá, trơ cây
Người thương người một đời đau phí phạm
Xui bài ca bao điệp khúc hao gầy
Ta ngồi hát bên bờ suối
Lời vỗ về theo nước mỏi mòn trôi
Lời đong đưa trao mây về phương tận
Ôi! Lời ca những vọng khúc quy hồi.
Lương Minh Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét