BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỚI THẠC SĨ LẠI QUẢNG NAM - Phiếm luận của Chu Vương Miện


        
             Nhà thơ Chu Vương Miện


                      MA MỊ
          (Trao đổi với Thạc Sĩ Lại Quảng Nam)

Được biết anh, chưa tới 25 tuổi đã tốt nghiệp Cao học. Bây giờ sau 42 năm, chúng ta còn may mắn sống sót qua cuộc "kim kiếm điêu linh" thật là mừng. Xin trao đổi về từ Ma Mị, theo anh thì từ Ma không có nghĩa nào Tốt Đẹp cả.
Chu Vương Miện chỉ Thống Nhì với anh ở quan niệm này mà thôi, không thể thống nhất được. Nếu dùng từ Nhất Trí thì cũng chỉ là Nhất Trí Thôi, chớ không Nhất Trí Cao được.
Mở vài trang ở vài cuốn tự điển, thì Chu Vương Miện thấy như sau :
- Ma là một loại cây có vỏ, có thể tước ra phơi khô, xe lại thành dây để cột (như cây gai còn có tên là cây tầm ma, cây trữ ma)
- Ma có nghĩa là cha, các Hoàng Tử con của vua Khang Hy gọi Ngài là Hoàng A Ma, còn Hoàng A Nương Là Mẹ, là Hoàng Hậu"
- Ma thuật là chiến thuật tác chiến quân sự, khi ẩn khi hiện, làm cho quân địch không biết đâu là thật đâu là giả để dành lấy thắng lợi.
Chữ để diễn đạt nghĩa, không có từ nào chỉ để diễn tả cái xấu, và cũng không có từ nào chỉ để diễn tả cái đẹp ?
*
Từ MA MỊ mà nhà văn Lê Mai choàng vào thơ của nhà thơ Nguyễn Khôi, là quyền của nhà văn Lê Mai, còn đúng được bao nhiêu phần trăm lại là phần chung của người đọc, chứ không có nghĩa là ai cũng giống như nhà văn Lê Mai. Chúng tôi không có ý khen hay chê mà chỉ tham gia vào giải nghĩa từ chữ mà thôi.
Anh Lại Quảng Nam có đề cập tới Mị Nương và Mị Châu là hai Mỹ nhân có mang từ Mị, (hình như để trả lời riêng với bạn Phú Đoàn) mà không đề cập chi nhiều tới từ Ma. Vậy trước khi đi tới diễn giải từ Mị, chúng tôi xin lạm bàn về từ Ma trước.

MA
Ma Thiên Lãnh là một Ải tối quan trọng của nước Đông Liêu, tức là nước Cao Ly, vào thế kỷ thứ 7, thì Sử Trung Hoa còn chưa mở mang, họ cũng không biết nước Cao Ly là nước nào, mà họ chỉ biết nước Liêu ở Phương Bắc, tiếp giáp với Sơn Hải Quan của tỉnh Hà Bắc "bây giờ là Bắc Kinh" gần với sông Áp Lục mà qua sông này là nước Cao Ly, mà nằm về phía Đông của nước Liêu, nên họ gọi là Đông Liêu  (tức là nước nằm về phía Đông của nước Liêu). Ải Ma Thiên Lãnh là một vị trí chiến lược quan trọng vào bậc nhất, bên cạnh núi là vực thẳm của biển cả, vì nếu chiếm được Ải Ma Thiên Lãnh thì chỉ đi chừng 50 dặm nữa là đến một vùng mỏ vàng Lộ Thiên  Kim Ô, tha hồ mà tiếp thu, đó là lý do nhà Đại Đường mang quân chinh phạt nước Cao Ly. Lý do phụ là chậm ngày Cống Phẩm, đáng lẽ phái đoàn đi về phía Tây đến Lạc Dương, Hà Nam thì lại đi về hướng đông. Còn lý do chính là nước Cao Ly (Đông Liêu) có mỏ vàng lộ thiên, cứ xúc mang về nấu lỏng ra đổ vào khuôn là mang ra xài thoải mái, không phải mất nhiều sức lao động chi cả. Thành ra cứ thường xuyên lấy cớ mang quân sang chiếm "dạy cho bài học nhớ đời". Cứ bổn cũ soạn lại, đi Tiền Phong là các bạn Hỏa Đầu Quân dưới quyền Nguyên Soái Tiết Nhơn Quý, khi thành công thì toán này đi chỗ khác chơi, mà dành cho Lỗ Quốc Công Trình Giảo Kim với mấy chục chiếc xe goòng, cấp kỳ ngày đêm khuân vàng ròng lên xe, rồi chuyển xuống thuyền mang về nước Tàu. Càng học cho đến khi Mỏ Vàng Lộ Thiên hết ráo, thì người Hán không còn mang quân dạy cho nước Đông Liêu một bài học nào nữa.
- Đơn Kiếm Diệt Quần Ma là tác phẩm kiếm hiệp Chưởng cùng môn phái với đại văn hào Trà Lương Cấm Dùng.
- Lục Chỉ Cầm Ma cũng giống như trên, nhưng có xuất xứ từ pho Lục Mạch Thần Kiếm, dùng 6 đường chỉ lực để giữ con Ma lại không thì sợ con Ma biến mất!

MỊ
Thời Hùng Vương con trai Vua được gọi là Lạc Hầu (văn) và Lạc Tướng (võ), con gái gọi là Mị Nương tức Công Chúa. Vào thời Nhà Thục thừa kế nhà Hùng Vương thì gọi khác đi, con gái là Mỵ Châu. Nếu xét về từ chữ thì Mị Nương đã sai rồi , bài thơ ca dao truyền khẩu như sau :

Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu hát thì thậm hay 
Cô Mị Nương vốn ở lầu tây
Con quan Thừa Tướng ngày rầy cô cấm cung 
                                          (Lời ca dân gian) 

Như trên đã dẫn, từ Nương chỉ để dành cho con Gái nhà Vua  mà thôi (như Công nương Diana), còn con quan Thừa Tướng ai cho phép được gọi là Nương (Mị)?
Thôi bỏ qua chuyện này, chúng tôi trở lại với từ Mị, Giai nhân Mị Nương được chàng Ca Nhạc Sĩ Trương Chi ngưỡng mộ, còn Trương Chi thì cũng được ngưỡng mộ lại, nhưng khi gặp nhau thì kết quả không ra cái gì! Chàng Ca Nhạc Sĩ ôm mối tình tuyệt vọng mà thác, thân xác thì tan thành cát bụi để trộn với vôi xây lâu đài, còn trái tim thì được đục đẽo cải tạo thành cái ly uống nước trà, mỗi khi nàng Mị Nương uống trà thì hình ảnh anh chàng thuyền chài nghèo khổ mặt rỗ mắt toét, xuất hiện trên ly trà, và tiếng hát xa xưa vọng về. Mị Nương thương cảm rớt nước mắt trên ly nước, sau đó thì nước và ly nước tan ra thành nước hết.
Mị Châu là con vua Thục An Dương Vương, vì mắc vào Kế Nam Nhân nên thân bại danh liệt và bỏ của chạy lấy người. Chạy đến chân núi Mộ Dạ thì thần Kim Qui hiện lên và phán ngay rằng : "Giặc sau lưng nhà ngươi đó", thế là An Dương Vương bèn rút kiếm, chém một nhát cô con gái cưng Mị Châu đi đời nhà ma! Máu của Mị Châu từ cổ chảy lênh láng xuống biển, các loài nhuyễn thể như con trai, con sò, uống phải nên kết tinh lại thành những viên ngọc trai tuyệt đẹp tuyệt đắt giá.
Phần trên là trái tim của chàng Trương kết thành khối Ngọc Người. Phần dưới thì máu Mị Châu kết thành Ngọc Trai.
Ma Mị có nghĩa chung chung là mối tình lâm ly bi đát, có thể mang diễn thành tuồng tích hay soạn thành phim truyện để chiếu thành cinema.
Và người viết này tức Chu Vương Miện đang chờ Thạc Sĩ Lại Quảng Nam chỉ bảo cho đôi điều phải quấy.
                                                                                          Kính!
                                                                                Chu Vương Miện 

1 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...

https://3.bp.blogspot.com/-ZBAH_sjsFwM/WLiusWOlvnI/AAAAAAAAFds/Ul6DWbmLQUorGY_xHgSTwpA5ZfXiQ-yEgCLcB/s1600/New%2Bday%2B%252813%2529.gif