BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2025

ĐẸP HƠN CHUYỆN THẦN TIÊN – Thơ Quách Như Nguyệt


   

 
Chuyện tình mình đẹp hơn cổ tích
Ly kỳ hơn, tình diễm tuyệt sắt son
Như trái táo, cắn vào thật là ngon!
Không hối tiếc ta yêu nhau tha thiết!
 
Chuyện tình mình sôi nổi hơn tiểu thuyết
Có đủ mùi ngọt bùi chát chua cay
Như rượu nhẹ một ly chẳng thể say
Mà ngây ngất ngọt thơm hơn là đắng
 
Chuyện tình mình mơ màng hơn mây trắng
Mây vô tư, mây bay mãi không ngừng
Chuyện tình mình đẹp hơn cả vầng trăng
Vầng trăng sáng đêm rằm ta cùng ngắm
 
Chuyện tình mình hay hơn là thần thoại
Anh yêu em, yêu bất chấp rủi may
Cảm ơn anh đã yêu em si dại 
Đã yêu em trọn hết cuộc đời này!
 
Chuyện tình mình, tình vĩnh cửu ngọt ngào
Như sao sáng trên trời cao, sáng chói!
Ở bên anh, hiểu được chân hạnh phúc
Có được anh, đời sống quá an vui!
 
Như câu cuối chuyện thần tiên cổ tích
"They lived happily forever..."
"Họ sống rất hạnh phúc trọn đời và mãi mãi..."
Chuyện tình mình đẹp tuyệt như thế đó
Chuyện tình mình hiếm có ở thế gian
 
                                        Quách Như Nguyệt

EM CƯỜI RỒI MÔ PHẬT NAM MÔ A DI ĐÀ – Thơ Trần Vấn Lệ


   


Em nói nghe buồn quá!
"... rồi mai mốt em già!".
Anh nâng một cành hoa
anh ấn đầu em xuống...
 
Em à, mai mốt muộn
biết lúc đó bao giờ?
Em vẫn em, bài thơ
anh yêu em từng chữ!
 
Không có chữ Quá Khứ,
cũng không chữ Tương Lai...
chỉ có mười ngón tay
em - Là Yêu Mãi Mãi!
 
Em là người con gái
Mạ sinh ra hồi nào
anh gặp mà ôi chao
Giai Nhân, còn ai nữa?
 
Em!  Hôn đi hoa nở!
Không ai nghĩ hoa tàn
không Không Gian, Thời Gian
chỉ...Đá Vàng làm chứng!
 
Em nói - anh cảm động,
anh nói, em nghe không?
Hoa cũng gọi là Bông
bềnh bồng mình bay nhé!
 
*

Chữ Đá Vàng em để
trước gió, gió không bay...
Anh yêu em ngón tay,
mười ngón là ngón út!
 
Em cười rồi!  Mô Phật!
Nam Mô A Di Đà!
 
               Trần Vấn Lệ

ĐÀ LẠT PHỐ NÚI - Thơ Hồng Thúy, nhạc Nguyễn Tuấn, ca sĩ Hà Thanh trình bày


   

ĐÀ LẠT PHỐ NÚI

Đà Lạt thân yêu cao nguyên phố núi
Nhớ nắng mênh mang ôm dáng hàng cây
Xuân Hương đôi bờ mơ xanh liễu rũ
Chan chứa tim ai tiếng gió reo Đồi Cù
 
Buổi chiều Cam Ly hẹn hò xưa vẫn thắm
Thung Lũng Tình Yêu đôi bóng còn vương
Muôn lời Than Thở lòng nghe xao xuyến
 Em nhắn gì trong lam tím hoàng hôn?
 
Về Tuyền Lâm khói sương rơi mờ lối
Trắng Thác Prenn ngỡ cơn sóng ngàn khơi
Cõi hoa vàng Mộng Mơ đầy tay với
Mimosa say đắm cả trời mây
 
Chợ Hòa Bình, Trại Hầm từng con dốc
Bước chân qua Palace áo mềm bay
Thủy Tạ ơi! hương tình cà phê cũ
Xứ hoa đào, Đà Lạt nhớ không vơi
                      
                                     Hồng Thúy


        

"MƠ TRĂNG", BÀI THƠ ĐỘC ĐÁO CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN – Châu Thạch


Tác giả bài viết Châu Thạch
 
Thật tình tôi rất yêu thơ Đặng Xuân Xuyến vì qua những bài thơ tôi đọc được, tôi khám phá ở anh một tâm hồn đầy ắp thơ. Người thơ không phải người sáng tác mới là thơ, lại càng không phải chỉ người sáng tác hay mới là thơ. Người thơ là người có tâm hồn nhạy bén trong cảm thụ những điều mà nhà thơ Hàn Mặc Tử đã viết: “Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói đến mộng là nói đến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu Người là cao cả, vô biên và vô lượng: xung quanh Người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm dây quyến luyến làm bằng êm dịu, làm bằng thanh bai…” Thơ Đặng Xuân Xuyến chất chứa thật và đầy sự rung động của Người đi giữa nguồn trong trẻo, cho nên có đôi lúc ý, từ “mới lạ”, gây tâm lý “phản cảm” cho một ít người nhưng chính những ý, từ đó phát tiết được những điều bí ẩn của “nguồn trong trẻo” “vô biên và vô lượng” mà một tâm hồn nhạy bén phải dùng nó như dùng một tiếng đàn phá cách để truyền đi một thứ âm thanh lạ cho đời. Ví như bài thơ “Mơ Trăng”, ta tìm thấy ở đây một cơn mơ phi lý trong giây phút ái ân.
 

PHỐ THIU, CHUA – Thơ Lê Phước Sinh


 


Người đàn bà gãi ngứa
trở bộ.
Điếu thuốc lập lòe như ma trơi
ngáp
chờ khách.
 
Nhạc bù lu bù loa chập chờn
chảy dãi
gỡ ghèn con mắt.
 
Cây cầu vượt nhe hàm răng
nghịch ngợm
Ngày mai treo bandroll chạy mừng
Biến đổi khí hậu.
 
                              Lê Phước Sinh

ĐẤT MẸ - Thơ Lê Kim Thượng


 


Đất Mẹ 1 – 2
 
1.
“ Đừng về… Người ở… Người ơi…”
Câu dân ca cũ muôn đời vẫn xanh
Lời quê theo gió dỗ dành
Đong đưa cánh võng, ru anh vào đời
Bồng bềnh, lãng đãng mây trôi
Dậy mùi hương đất, gió xuôi ngọt lành
Cánh diều no gió chòng chành
Đàn bò gặm cỏ, đồng xanh tươi màu
Đôi bờ xanh ngắt ngàn dâu
Con sông phơi ngực, ngực bầu tinh khôi
Gió đưa, bèo dạt nổi trôi
Có con én nhỏ giữa trời bay ngang…
Nắng mưa quản mấy gian nan
Mồ hôi rơi xuống, lúa vàng đầy sân
Mưa chiều, nắng sớm tảo tần
Lời ru Đất Mẹ, bâng khuâng tiếng đàn
Rượu quê uống cạn lại tràn
Mù say, say giữa mênh mang đất trời
Thương nhau chín bỏ làm mười
Giữ niềm vui giữa cuộc đời đảo điên…
 
2.
Hoàng hôn xuống tím con thuyền
Quá giang lữ khách về miền lãng quên
Rời xa bến nước buồn tênh
Dòng sông im vắng, tuổi tên quên rồi
Đường xưa lạnh dấu chân người
Chờ người viễn xứ, chân trời về quê
Trăm năm một cõi đi về
Người trăm măm vẫn bộn bề chênh chông
Vọng Phu đá núi trông chồng
Lưng còng dáng Mẹ ngóng trông con về
Nắng chiều ngã bóng triền đê
Lũy tre xanh mướt, não nề nhớ con…
Người đi xa xứ thiệt hơn
Phố đông, đông cả cô đơn riêng mình
Cuộc đời ảo mộng, phù sinh
Có – Không, Còn – Mất, nhục vinh, thăng trầm…
Thắp nhang Mẹ ấm ngày Rằm
Nhạt nhòa hương khói, xa xăm hiền hòa
Thật lòng chỉ có Mẹ - Cha
Trả bao hiếu thảo mới là đủ đây?...
 
                               Nha Trang, tháng 04. 2025
                                       Lê Kim Thượng

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2025

NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN VÀ CA SĨ KHÁNH LY - Long Phạm

Trịnh Công Sơn và người định mệnh một đĩa cơm chia hai, cùng ngủ trên tờ báo cũ nhàu nát
 

Vừa cách đây ít hôm, danh ca Khánh Ly kỷ niệm sinh nhật tròn 80 tuổi. Tới hôm nay cũng là kỷ niệm 24 năm ngày mất cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây là cặp đôi huyền thoại đi cùng lịch sử âm nhạc Việt Nam mà hơn nửa thế kỷ qua chưa một ai thay thế được.
 
Cuộc tái ngộ định mệnh tại đường hoa Nguyễn Huệ
 
Đối với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly là một cơ duyên kỳ lạ, một phần không thể tách rời với âm nhạc của mình. Bởi thế, tự tay ông đã viết những ca khúc dành riêng cho giọng hát Khánh Ly.
Thực tế đã chứng minh, trong suốt nửa thế kỷ qua, đã có hàng trăm ca sĩ hát nhạc Trịnh, từ bậc danh ca lớn như Thái Thanh, Thanh Thúy, Lệ Thu, Ngọc Lan, Tuấn Ngọc, Khánh Hà… tới hàng diva như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần hay những ca sĩ danh tiếng như Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà… Thế nhưng, chưa một tiếng hát nào gây tiếng vang rộng lớn, vươn ra nước ngoài và gắn chặt như hình với bóng cùng nhạc Trịnh như Khánh Ly.

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

GIẢI MÃ MỘT GIAI THOẠI VỀ TRỊNH CÔNG SƠN – Bùi Chí Vinh


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001)

Gạt qua một bên nỗi sầu muôn thuở của thi ca để đổi “tông” sang âm nhạc. Tôi vốn là một thằng hay dị ứng với dạng “Xướng ca vô loại” nhưng cũng biết thần tượng một bậc thầy là “phù thủy Phạm Duy” ông vua các bài hát làm phong phú kho tàng dân ca. Ngoài Phạm Duy tôi cũng “ngã mũ” trước các “hoàng thân” Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Cung Tiến, Dương Thiệu Tước… Vốn là “trai thời loạn” trước 1975 nên tôi cũng biết đến các dòng nhạc trữ tình có công chúng riêng của các “hoàng tử” Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương… và đặc biệt là Trịnh Công Sơn với những ca khúc “Da Vàng” phản chiến.
 

CON GÁI QUANG DŨNG LẬN ĐẬN VỚI TÂY TIẾN – Trần Ngọc Trác



Cuối năm 1982 tôi rời Đà Lạt đưa gia đình về định cư ở vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Gia đình tôi có hai cháu nhỏ. Cháu trai đầu ba tuổi và cháu gái mới sinh được ba tháng tuổi. Cuộc đời tôi bắt đầu từ những năm tháng khốn khó của thời bao cấp.
Tôi gởi cháu trai vào học lớp mẫu giáo của cô Bùi Phương Hạ. Không ngờ Hạ chính là con gái của nhà thơ Quang Dũng.
 
Những năm đó ở vùng kinh tế mới, lãnh đạo Hà Nội đưa các thầy cô giáo của thủ đô tăng cường vào dạy học ở Lâm Đồng. Rất nhiều cô gíáo xinh đẹp đã có mặt ở đây. Hạ là một trong những cô giáo như thế.
 

THANH MINH TRONG TIẾT THÁNG BA LỄ LÀ TẢO MỘ HỘI LÀ ĐẠP THANH – Trần Vấn Lệ



Trời lạnh và âm u.  Mấy ngày rồi không nắng.  Tiết Thanh Minh bằng phẳng / những nghĩa trang mênh mông... (*)
 
Người sống đã hết lòng để thương nghĩ người chết?  Chết có nghĩa là hết! Bình tro cho có thôi...
 
Xưa, Thanh Minh, đất trời thường là ngày rực rỡ:  Xanh trời, xanh biếc cỏ, xanh đất, xanh biếc hoa... (**).
 
Xưa!  Bây giờ là xa... Nhiều người... rồi thưa thớt / cúi đầu đi đếm bước / dừng chân vài mộ bia...
 
Vài nhánh hoa đem chia... Chia không thể hết mộ!  Vài mái tóc bạc xỏa... ngồi vén gọn:  anh ơi...
 
Thanh Minh là Ngày Vui.  Xưa, nó là Lễ Hội.  Nay... nhiều Kỷ Nguyên Mới, Thanh Minh:  Quá Khứ mờ...
 
Trời ơi Thơ tôi...Thơ, nhám xì như chiếc lá / rụng hình như từ Hạ, từ năm ngoái, năm kia...
 
Người thác bây giờ về... một Giáo Đường nào đó?  Một ngôi Chùa thành phố?  Một nhà kho thời gian?
 
Những chiếc lá úa tàn, phất phơ bay tình nghĩa... chút khói nhang tứ phía thơm thơm ngày Thanh Minh!
 
*
Em ơi ngồi với anh thấy mình mai mốt nhé...
Thấy chiếc lá lặng lẽ bay trong trời mờ sương!
 
                                                                                       Trần Vấn Lệ
 
(*) Nghĩa trang, nghĩa đia ở Mỹ đa số không có đắp nấm mồ,
bia mộ đặt nằm ngang với mặt đất, cỏ phủ xanh, chỉ thấy mộ bia khi mình cúi đầu...

(**) Thơ Nguyễn Du:
Thanh Minh trong tiết Tháng Ba,
Lễ là Tảo Mộ, Hội là Đạp Thanh.

DANH CA KHÁNH LY KỶ NIỆM SINH NHẬT 80 TUỔI



Danh ca Khánh Ly nói con gái: “Con ở đây với mẹ, mẹ có thể đi bất cứ lúc nào”
Mới đây, kênh Jimmy TV đã chia sẻ một đoạn clip quay lại live show kỷ niệm sinh nhật danh ca Khánh Ly tròn 80 tuổi mới diễn ra cách đây ít hôm.
Được biết, danh ca Khánh Ly vừa trải qua trận đột quỵ, phải nằm viện và sức khỏe khá yếu. Nhưng bà vẫn cố đến sân khấu để giao lưu cùng khán giả.

NGHE TRỊNH CÔNG SƠN BÀY TỎ - Phạm Văn Kỳ Thanh



“…Tôi hình như, đã có lúc mang thân phận chiến tranh, rồi hoà bình, rồi tư sản và rồi cộng sản. Cái lý lịch đa mang này cũng đủ để tôi tự thấy mình là một loại công dân ngoại hạng…”

“…Tôi đi trồng và gặt lúa. Tôi đi trồng khoai, sắn, ở Cồn Tiên, trên bãi đất chằng chịt mìn có thể nổ bất cứ lúc nào ở cửa ngõ Trường Sơn. Tôi đi chợ nấu ăn. Tôi chở bột mì rải trắng cả một con đường như ngày xưa Mỵ Châu làm dấu cho Trọng Thuỷ. Tôi xếp hàng mua từng điếu thuốc hạng tồi. Tôi lãnh hàng tháng một lóng tay thịt mỡ không đủ cho một con mèo ăn. Và cứ thế nhiều năm, mù mịt. Nhưng có hề gì đâu, vì trên tất cả những vụn vặt, nhiễu nhương đó là Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Là tình yêu chan chứa, là những mặn nồng mà cả một cuộc đời ngày trước chưa bao giờ được trao tặng một cách rộn rã, đậm đà và lộng lẫy đến như vậy…”
 

KHOẢNH KHẮC 頃刻 – Ung Chu, Hán Việt thông dụng



Nhiều người nói các phương ngữ phía Nam thường viết sai từ "khoảnh khắc" 頃刻 thành "khoảng khắc". Trong các phương ngữ này, chúng phát âm trong ngữ lưu nghe khá gần âm nhau và nhiều người liên kết ý nghĩa của nó với đơn vị "khoảng" thông dụng.
"Khoảnh" nghĩa là chốc lát, vụt chốc, khoảng thời gian rất ngắn. Ngoài ra nó cũng chính là đơn vị "khoảnh" dùng để đo diện tích đất đai tương đương 100 "mẫu"
Ngày xưa có đơn vị thời gian "khắc" . Người Việt có thành ngữ "đêm 5 canh, ngày 6 khắc". Đêm tính từ giờ Tuất đến giờ Dần (tức nay là 19 giờ tối đến 5 giờ sáng), ngày tính từ giờ Mẹo đến giờ Thân (tức nay là 5 giờ sáng đến 17 giờ chiều). Còn giờ Dậu (17 giờ đến 19 giờ) không phải ngày mà cũng không phải đêm.
"Khắc" vốn nghĩa là dùng dao để khắc. Ngày xưa người ta làm "đồng hồ" 銅壺 (bình bằng đồng, còn gọi là "lậu hồ" 漏壺) đều khắc các mức để định giờ, nên "khắc" trở thành đơn vị đo thời gian (khoảng cách thời gian giữa 2 vạch khắc).
Có nơi thì chia ngày đêm thành 100 khắc (hình dung lậu hồ khắc 100 vạch), tức 1 khắc khoảng 14 phút rưỡi so với ngày nay. Về sau khi đổi qua hệ 24 giờ, mỗi giờ 60 phút của phương Tây, khắc được tinh chỉnh thành 1/96 ngày, tức 15 phút tròn, đây là giá trị 1 "khắc" vẫn đang được dùng tại Trung Quốc.
"Khắc" trong Hán ngữ được khái quát hoá để gọi chung chung khoảng thời gian ngắn (cũng như "giây" và "phút" chỉ khoảng thời gian ngắn), hoặc mới tức khắc, tức thì, tức thời. Do đó, "khoảnh khắc" 頃刻 nói về khoảng thời gian rất ngắn, chốc lát.
--
"Khoáng" nghĩa là rộng rãi, trống trải (có khoảng cách, khoảng trống), bỏ trống không. Ý nghĩa này được Việt hoá thành âm "thoáng" để mô tả không gian trống trải không cản trở, hoặc dùng để mô tả sự phóng khoáng, hoặc để nói về tư tưởng cởi mở, phóng khoáng: không gian thoáng, nét vẽ thoáng, tư tưởng thoáng... "Khoảng""quãng" là 2 âm Việt hoá của "khoáng" .
Khoảng thời gian rất ngắn cũng được gọi là "thoáng": thoáng thấy, một thoáng... Âm Việt hoá này được vận dụng vào một số tổ hợp Hán-Việt: "khoáng đãng" - "thoáng đãng", "khoáng đạt" 曠達 - "thoáng đạt", "thông thoáng" 通曠. Phát âm của "khoáng""thoáng" nghe gần giống nhau, tạo điều kiện biến âm trong khẩu ngữ. Ngày xưa "khách thứa" cũng bị biến thành "khách khứa".
 
                                                                                             Ung Chu

BÊN KIA MIỀN IM LẶNG 2 – Thơ Lê Văn Trung


    

Anh ngồi nhẩm từng khoảnh chiều trôi nhẹ
Thấy lòng mình trôi nhẹ giữa nhân gian
Những còn mất cũng vô cùng nhỏ bé
Những buồn vui như hoa nở hoa tàn
 
Anh đã đi rồi thầm mong dừng lại
Anh đã về rồi tiếc cuộc ra đi
Khi chật hẹp trong vòng tay trời đất
Xin nhẹ lòng như một thoáng mây bay
 
Anh ngồi nhớ con đường anh đã trải
Bàn chân đời rỉ máu những chông gai
Những nông nổi qua muôn vàn dặm mỏi
Nghe bên đời thổi buốt gió thiên tai
 
Rồi chợt thấy BÊN KIA MIỀN IM LẶNG
Anh bạc đầu ngồi đợi bóng anh qua
Ai biết được giữa trùng vây cuộc sống
Vẫn lang lang tìm kiếm một quê nhà
 
                                   Lê Văn Trung
                                 Tháng 3 - 2025

NHỚ TIỆM LƯU KHÁCH VÀ CHÁO TIM CẬT – Đinh Hoa Lư



Tôi hay nhắc về chuyện “ăn hàng” của Thành Phố Năm Xưa nhưng lại quên đi tiệm ăn Lưu Khách thì quả là thiếu sót.  Thành phố Quảng Trị có to lớn gì cho lắm để tôi quên nhắc lại cái tiệm này thì không phải chút nào.

Tiệm Lưu Khách có mũi tên màu đỏ
 
Chiếc vespa đang chạy trên Đường Trần Hưng Đạo sau khi qua tiệm sách Tao Đàn và cổng Quân Trấn. Nếu bạn đi lui lại cái băng rôn màu vàng sau xa quẹo trái là tới tiệm Lưu Khách, tiệm ngó ra là múi đầu đường Lê thái Tổ (cạnh lầu Đồng Dụng)
 

Con đường phố chính Trần Hưng Đạo chia hai bên này là Phan bội Châu đâm tuốt ra bờ sông. Bên này là bắt đầu con đường Lê thái Tổ từ Trần hưng Đạo đi qua Lưu Khách tới Đồng Dụng cắt Phan đình Phùng hơi nhếch một xí trước tiệm sửa xe motor Bảy Hiền theo bờ hồ chạy tuốt về Cửa Tiền tức cắt Phan Thanh Giản và cũng nắp theo bờ hồ đi qua bún bò Cô Em, Cô Ba và đi về trường Nguyễn Hoàng.

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

NGUỒN GỐC TỪ NGỮ “CHỦ XỊ” VÀ NỀN VĂN HÓA CHIẾU CỦA NGƯỜI VIỆT



Nếu quý anh chị và các bạn hay hội họp bạn bè để ăn nhậu giải trí thì hẳn quý anh chị và các bạn đã từng nghe tới danh từ "chủ xị". Tôi những tưởng "chủ xị" xuất phát từ "chủ trì" và sau khi các bô lão nhấp rượu mềm môi thì các cụ líu lưỡi mà đọc nhầm "chủ trì" sang "chủ xị". Nhưng tôi hoàn toàn sai. Trang Tiếng Việt Giàu Đẹp giải thích nguồn gốc danh từ "chủ xị" của tiếng Việt như sau:
 
"Chủ xị" là gì ? Nguồn gốc từ "Chủ xị" của người Việt 
 
Từ này đặc biệt phổ biến trong phương ngữ miền Nam, dùng để chỉ người chủ trì một cuộc họp, một bữa tiệc hay một chương trình nào đó. Dựa trên định nghĩa này ta có thể hiểu được chữ “chủ”, nhưng còn “xị” thì sao? Liệu điều này có liên quan gì đến “xị” trong “một xị rượu” hay không?
 

VIẾT SÁCH NHƯ “TRÒ ĐÙA" CỦA SỐ PHẬN – Đặng Xuân Xuyến



Tôi bắt đầu viết sách để kiếm tiền từ năm 1994 cũng thật tình cờ, do sự “xúi giục” của tác gia Trần Hữu Thực, hệt như một “trò đùa” của số phận.
 
Đầu năm 1993, Viện Sử Học nhận tôi về làm Hợp đồng ở phòng Tư Liệu với mức lương khởi điểm là 90.000/tháng nhưng chưa được 30 ngày, Viện Sử Học đã điều tôi sang làm bảo vệ kiêm bán sách cũ của Viện Sử Học vì “ông bảo vệ già yếu xin nghỉ việc mà cơ quan chưa tìm được người”. Lương thì Viện Sử Học chỉ trả cho một người nhưng công việc tôi phải đảm nhận phần việc của 2 người. Lúc đó, tôi đã định bỏ việc về quê nhưng nghĩ tới số nợ gần 100 triệu, (tính theo lương khởi điểm lúc bấy giờ thì số nợ đó bằng tiền lương của khoảng 1.075 tháng), do bị đối tác lừa đảo, khách hàng bùng nợ (ngày học Đại học tôi vừa học vừa buôn hàng chuyến), và do tin người mà đứng ra vay hộ tiền rồi trở thành “con nợ” vì không đòi được tiền... nên ngậm ngùi tiếp tục công việc để dùng danh nghĩa là người của Viện Sử Học mà từ từ kiếm tiền trả nợ.
 

PHÙ ĐIÊU BẰNG ĐÁ THỜI MINH MẠNG, BẢO VẬT QUỐC GIA



Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng (niên đại 1829) là tác phẩm bằng đá cẩm thạch còn lưu giữ dấu ấn của hoàng đế Minh Mạng.
Trước khi Musée Khai Dinh (Bảo tàng Khải Định), nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được thành lập (trước năm 1923), phù điêu này đã được ghi nhận trong bài viết “Về chiếc đĩa chạm và thơ ngự bút của Minh Mạng” của R. Orband, đăng trên tạp chí Những người bạn Cố đô Huế (B.A.V.H, 1915) (*). Trong bài viết, tác giả gọi hiện vật này là “đĩa chạm”, mô tả nó thuộc bộ sưu tập của triều đình nhà Nguyễn và từng được trưng bày tại Tân Thơ Viện - tiền thân của Musée Khai Dinh.

BÔNG, HOA, HUÊ... - Nguyễn Chương Mt


Hình ảnh: Bông rau muống biển

* Về miền Tây mà nghe câu "Chờ anh, em hết sức chờ. Chờ cho ến xại lên bờ khui huê" (*), nghe ngồ ngộ hết biết.

Coi, "ến xại" là gì? Đây là tiếng Tiều (Triều Châu), họ đọc như rứa cho hai chữ (âm Hán-Việt "ủng thái"), nghĩa là rau muống!
Còn "khui huê", cũng tiếng Tiều, viết (âm Hán-Việt "khai hoa"), nghĩa là trổ bông!
 
/1/ "BÔNG" không phải là "phương ngữ" miền châu thổ Cửu Long đâu, mà cách gọi này thuộc Nam âm (quốc âm), là tiếng thuần Việt của chúng ta!
Thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: "Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm BÔNG".
Trong tiếng Mường, còn goi là "proto Vietic" (tiếng Việt nguyên thủy), gọi "Pông".
Xứ Thanh, xứ Nghệ - xin chú ý- cũng gọi "Bông".
Nhiều tỉnh miền duyên hải vẫn giữ cách gọi "Bông".
Miền châu thổ Đồng Nai - Cửu Long, bà con gọi "Bông", dễ mến gì đâu!
Vì là Nam âm (quốc âm) nên ghi bằng chữ Nôm , đọc là "BÔNG".
* Cùng nghĩa với BÔNG, trong chữ Hán ghi là   - "hoa" (âm Hán-Việt), "huê" (tiếng Tiều), "huā" (tiếng Hán Bắc Kinh).
 

DANH CA BẠCH YẾN 70 NĂM GẮN BÓ VỚI ÂM NHẠC – Đàng Sa Long



Danh ca Bạch Yến cho biết, bà vẫn khỏe mạnh ở tuổi 82. Để đáp lại tình cảm của khán giả, bà sẽ tổ chức đêm nhạc kỉ niệm 70 năm ca hát.
Danh ca Bạch Yến tên thật là Quách Thị Bạch Yến, sinh năm 1942 tại Sóc Trăng, 10 tuổi đã bước lên sân khấu biểu diễn.
Đến năm 15 tuổi, với ca khúc “Đêm đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, tên tuổi Bạch Yến được xác lập là một ngôi sao tân nhạc lừng lẫy nhất Sài Gòn thời điểm đó.

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2025

SƯƠNG KÌA CON MAN MÁC MÂY BÀNG BẠC MÂY BAY – Thơ Trần Vấn Lệ


    

Từ Thành Phố xuống Phường, Đà Lạt vẫn dễ thương...
Vẫn như con cừu non uống sương và ăn cỏ...
 
Thành Phố mà quá nhỏ, hạ nó xuống đâu sao!
Cần là ngọn cờ cao, phải cao hơn đầu núi...
 
Núi Bà muôn năm cúi nhìn xuống đời biển dâu!
Đà Lạt như Lê Cu người đi đâu cũng gặp...
 
Không có việc gì gấp, tay bắt thì mặt mừng
Im lặng như rừng thông dần dần thành nghĩa địa!
 
Sống, còn tình còn nghĩa.  Thác thì có đám ma,
Thôi!  Bây giờ nó là... là Cheo Reo, Phú Bổn...
 
May nó còn Số Bốn - khu vực của Dòng Tu (*)
May nó còn Dốc Đu, còn Sở Trà Cầu Đất!
 
Bạn tôi quê Trại Mát, cười ngất ngất, là vui?
Đất là của ông Trời... Trời là nơi sương tản...
 
*
Mắt của bạn tôi sáng gờn gợn chút mưa bay...
"Xưa, người ta đến đây, bây giờ cũng vậy chớ?"
 
Ôi!  Nhà nhà không số...
Ôi!  Đường đường không tên...
Ôi!  Những phố không đèn...
Rồi!  Cũng quen như cũ...
 
Người Mẹ chìa đôi vú:  "Con bú mà lớn nha...
mai mốt chữ Sơn Hà thấy Mẹ già đầu bạc".
 
Sương, kìa con:  man mác...
Mây... bàng bạc... lá bay!
 
                                                Trần Vấn Lệ
 
( *) Cây Số Bốn cách Bưu Điện Đà Lạt 4 km, hướng Đông Bắc, đây có dòng tu Vinh Sơn và Nhà Thờ Đức Bà tức Domaine de Marie, nhỏ hơn Nhà Thờ Con Gà mà...đẹp lắm!