BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2021

NGƯỢC DÒNG CHỜ HOA ĐÊM... - Chùm thơ độc vận của Đặng Xuân Xuyến


    


NGƯỢC DÒNG
 
Hôm nọ có người ghé bến sông
Nói chuyện nhà bên đã gả chồng
Từ độ ngược dòng đi xây mộng
Chả thấy một lần ghé bến sông.
 
Tôi biết người ta chẳng ngóng trông
Chỉ mình tôi với mộng hư không
Chiều qua lạc bước về Kim Động
Tôi lại trắng đêm hứng gió đồng.
 
Tôi biết người ta đã gả chồng
Giờ là mệnh phụ giữa phố đông
Tôi buồn tôi giận tôi dại mộng
Say mãi đò ngang khách má hồng.
 
Đã  mấy đông rồi, đã mấy đông
Bếp lửa nàng nhen có đượm hồng
Mỗi bận nàng ra cài then cổng
Có lạnh so người trước gió đông?
 
Nàng có còn quen nép cạnh chồng
Hững hờ dạo gót giữa phố đông
Lá vàng lả tả khi chiều xuống
Có thấm cô đơn bởi gió cuồng?
 
Tôi biết người ta chẳng đoái trông
Chỉ mình tôi với mộng hư không
Tôi buồn tôi giận tôi dại mộng
Lỡ cả chuyến đò khách sang sông.
 
Hà Nội, Ngày 29.11.2014
 

KHÓC BỐ VỢ - Thơ Nguyễn Khôi


 
                           Nhà thơ Nguyễn Khôi


KHÓC BỐ VỢ
          
Chàng trai cảng Hải Phòng
giác ngộ Việt Minh
đi “Bộ đội Cụ Hồ”
trải ba cuộc chiến
- Mất vợ
mất nhà đất
- Còn một mụn con gái
một vốc Huân Chương...
Nay
đi Đài hóa thân
Hai bàn tay trắng
Bố ơi !
         
Hà Nội, 11/4/MậuTí – 2008
Nguyễn Khôi

LỜI CHÀO! – Thơ Văn Công Toàn


   

 
LỜI CHÀO !
(Kính mừng Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - Đại thọ 104 tuổi !)
 
Đời ta rồi cũng trăm năm    
Con sông muôn thuở ôm cầm thuyền ai ?    
Còn chi trong cõi hình hài      
Ra đi rồi cũng một mai dặm trường...         
 
Bây chừ gặp lại dòng Hương         
Qua bao mùa lũ vẫn thương đôi bờ !         
Lời chào như một giấc mơ           
Thắp lên ngọn lửa hồn thơ ru tình...     
 
Ru ai đời lại ru mình ?     
Cho ta năm tháng yên bình còn đây !         
 
Đời ai rồi cũng ngủ say         
Âm Dương rồi cũng có ngày cách chia...         
Tâm hồn thể xác xa lìa         
Trăm năm rồi cũng bên kia cuộc đời.             
 
Giờ ta nhìn lại chính tôi              
Đẳng cấp phong độ là lời rỗng không...             
Chiều nay đứng giữa cánh đồng                
Ngắm cô đi cấy chổng mông còn gì ?!
 
                                   Dạ Lê, 9-1-2021
                                   Văn Công Toàn

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

NHÀ THƠ LÃNG TỬ DỄ THƯƠNG NGUYỄN TẤT NHIÊN – Đoàn Dự




Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, là một nhà thơ được nhiều người Việt Nam yêu thích. Đối với các nhà thơ khác thì người ta hâm mộ, còn đối với Nguyễn Tất Nhiên, người ta yêu thích do thơ của Nhiên rất hay, phóng khoáng, có những nét gần như kỳ lạ nhưng lại rất trẻ, rất hồn nhiên, cứ viết là viết, hễ thích là viết và viết rất gần gũi với cuộc sống con người. Ví dụ: “Người từ trăm năm/ Về ngang sông rộng/ Ta ngoắc mòn tay/ Trùng trùng gió lộng/ Thà như giọt mưa/ Vỡ trên tượng đá/ Thà như giọt mưa/ Khô trên tượng đá/ Có còn hơn không…” (Trích: Khúc tình buồn. Phạm Duy phổ nhạc và đổi tên thành ‘Thà như giọt mưa’ nhưng xem ra cái tên Khúc tình buồn hay hơn). Ôi, tình yêu mà chỉ có “một khúc” thôi – một khúc ngắn ngủi, nhỏ bé, giống như những giọt mưa rơi trên tượng đá, sau đó khô đi và tác giả tự an ủi: “Có còn hơn không”. Thật dễ hiểu, dễ gần gũi, vì ai cũng đã từng trải qua thứ tình cảm ấy nên thấy yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên.
 

NĂM SỬU NÓI CHUYỆN TRÂU - Nguyễn Đại Duẫn




Thành ngữ “con trâu là đầu cơ nghiệp” nói lên vị trí, vai trò quan trọng của trâu đã có từ lâu trong đời sống con người Việt với nền nông nghiệp lúa nước. Con trâu là con vật có vai trò quan trọng đến mức trước cả việc lập gia đình, làm nhà. Vậy nên trong tục ngữ ca dao Việt Nam có câu: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là thế.
 

NẦY EM HỠI - Thơ Phan Quỳ


  
                     Nhà thơ Phan Quỳ

 
NẦY EM HỠI
 
Nầy em hỡi, chân xưa giờ quên lối,
Sáng mai hồng, trưa nắng, những chiều đông.
Ta mòn mỏi chờ mong ngày tháng rộng
Tiếng tơ đồng vang vọng giữa trời không.
 
Nầy em hỡi, tóc xưa giờ có rối,
Có phai màu, khắc khoải những đêm đêm?
Ta chợt ước mình là cây lược nhỏ
Tay em mềm, tóc chảy bờ vai êm.
 
Nầy em hỡi, đêm nay trời dần tối,
Mưa rưng buồn qua mái lá che nghiêng,
Ta ngồi nhớ mưa xa từng hạt vỡ,
Ta ngồi mong thôi hết những ưu phiền.
 
Nầy em hỡi, xa xăm về muôn nỗi,
Ký ức buồn, lồng lộng một trời thương.
Sóng lênh đênh chìm nổi một cánh buồm.
Mùa giông bão, mong chi ngày cập bến?
 
Nầy em hỡi, ta mong lần cứu rỗi,
Thượng Đế buồn, gieo mãi hạt từ tâm.
Chiếc lược nào trong mộng ảo trăm năm?
Mơ tóc rối trên vai người tình nhỏ.
 
Nầy em hỡi, thênh thang về con ngõ,
Thưa vắng rồi, cô quạnh một tình nhân.
Ta vẫn mong, ta gọi em lần nữa,
Âm vang buồn, vọng mãi đến ngàn xanh...
 
                                                 Phan Quỳ

ĐƯỜNG RỪNG VÀ CÂY MÂY – Đinh Hoa Lư


Tác giả Đinh Hoa Lư


Mây đây không phải là những đám mây trời bồng bềnh trôi trên bầu trời xanh lơ trong một ngày nắng đẹp đâu thưa quý bạn. Mây đây là những bụi mây rừng đầy gai nhọn trong rừng xanh núi thẳm.
 

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

TRẢ LỜI ANH NGUYÊN LẠC VỀ SHOW, DON’T TELL – Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


Trong bình luận của tôi về bài viết của anh Nguyên Lạc tôi chỉ giới hạn nhận xét của mình vào một phần “không ổn”:
 
Trong 3 truyện ngắn anh Nguyên Lạc đưa vào làm thí dụ cho thủ pháp Show, Don’t Tell trong bài Vài Điều Về Cao Xuân Huy Và Lâm Chương thì nhận xét của tôi chỉ nhắm vào truyện ngắn Bùa Ếch của nhà văn Lâm Chương. Truyện ngắn này có đoạn kết như sau:
 
Lương Mập phân trần: “Tôi thương cô ta thiệt tình. Chứ đâu phải vì cái đó.” Lão (thầy bùa) lắc đầu: “Cậu lầm rồi. Nếu cô ta không có cái đó, cậu có thương không?” Lương Mập cứng họng.
 
Trên đường về, nghiệm lại lời của lão thầy bùa, hắn hiểu ra rằng tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó khác nhau mà thôi…
 

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 5, PHỤ LỤC 1 – Nguyên Lạc



Phụ lục 1:

TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA KIM VÂN KIỀU LỤC
 
DẪN NHẬP

Trước khi vào phần phụ lục, chúng tôi xin tóm lược các phần trước đã nói để độc giả dễ theo dõi:
Nguyễn Du dựa vào tích sử triều Minh, Vương Thúy Kiều của Dư Hoài (dài khoảng 3, 4 trang giấy), Tình sử Phùng Mộng Long, và các hý kịch/ hát bộ nhà Thanh - như Thu Hổ Khâu, ông thêm vào các nhân vật đệm sáng tác ra truyện thơ Đoạn Trường Tân Thanh / Truyện Kiều. Xuất hiện sau Đoạn Trường Tân Thanh / Truyện Kiều => Kim Vân Kiều Lục => Các phóng tác Truyện Kiều (văn, thi, phú… tuồng Kim Vân Kiều, Đào Hoa Mộng Ký) => Thanh Tâm Tài Nhân Truyện => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (Duy Minh Thị) => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (Tàu) – (Xem phần ghi chú ở cuối bài)
 

XUÂN KỀ, TẾT ĐỢI; NHỚ SAO!– Thơ Văn Thiên Tùng


   

 
XUÂN KỀ - TẾT ĐỢI
 
Tháng chạp đến xuân bên thềm tết đợi
Tiểu - Đại hàn hai tiết tiễn năm qua
Nhưng năm nay bấc buốt rét hanh lùa
Mưa tầm tả suốt những ngày đông kết
 
Nơi đồng quê máy cùng người lã mệt
Cố khép dần lịch nông vụ gần xa
Từ bưng biền cho chí trũng vườn nhà
 Đồng gấp rút việc vàn đâu vào đấy
 
Chốn thị thành chẳng rảnh rang chi mấy
Gom góp hàng lắm thứ dự trữ kho
Nguồn cung cầu sít soát phải tính lo
Lúc chợ Tết lắm người mua kẻ viếng
 
Góc hoa xuân đan xen màu lúng liếng
Mai, quất đào, … lắm thế đủng đỉnh chào
Cúc vàng hoe, tầm ly,… đẹp nhường bao
Đều ứ nụ - ướm sắc hương đợi tết
 
Bao sân ga vào ra chật kín hết
Từng đoàn tàu xuôi ngược rộn ràng sao
Cảng hàng không đông đúc biết nhường nào
Ai cũng muốn sớm được về kịp tết
 
Tiệc tất niên mọi người đông đủ hết
Lễ cuối năm cung thỉnh rước thần linh
Từ ngàn xưa tục lệ vốn quê mình
Sau mâm cộ đợi giao thừa tết điểm.
 
 

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

VŨ HÁN VÀ HOÀNG HẠC LÂU – Trần Nguyên Thắng

Nguồn:
https://www.saigonweeklyonline.com/chuyen-la-bon-phuong/-tran-nguyen-thang-vu-han-va-hoang-hac-lau.html

Hoàng Hạc Lâu là thắng cảnh nổi tiếng ở Vũ Hán gắn liền với sông Trường Giang và là một trong “Tứ đại danh lâu” của Trung Hoa (Vũ Hán là tên ghép của Vũ Xương – Hán Thủy). Ngôi lầu nằm bên bờ sông Dương Tử và nhìn ra thành phố Vũ Hán, tỉnh Hà Bắc. Biết bao thi nhân, có cả Thôi Hiệu và Lý Bạch, đã từng viết nên những áng thơ nổi tiếng về ngôi lầu này.



Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu ra đời tại thành Vũ Xương vào thế kỷ 8, thời thịnh Ðường, với tám câu:
 
“Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tĩnh xuyên lịch lịch Hán Dương Thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”
 
黃鶴樓 
昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。
 

CHÙM THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA VĨNH HOÀNG


 
                           Nhà thơ Vĩnh Hoàng

 
CẢNH ĐẸP HÀM TÂN
 
Hàm Tân cảnh đẹp vẻ nên thơ
Xao xuyến lòng ai đến muốn sờ
Bát ngát Đồi Dương cây cỗ thụ
Xanh rờn Khe Dứa nụ non tơ
Tam Tân chuyện cũ rơi xa bến
Thầy Thím tích xưa dạt tới bờ
Viếng chốn đền thiêng còn hiện hữu
Cảm hoài cứ tháy tưởng trong mơ
                      

ĐẦU NĂM TẢN MẠN CÙNG THƠ NHẠC – Phan Quỳ



Sân chiều chao nhẹ dăm tơ lá....
 
Giữa bao bộn bề tất bật của mưu sinh và cả những nhọc nhằn hiu hắt của tuổi xế chiều, bỗng một hôm ta chợt nghe đâu đó thoáng về một tiếng cười giòn tan của kỷ niệm. Vang vọng đâu đây tiếng chú ve nhỏ hết hồn kêu vang trong một trưa hè đôi lứa. Và ta chợt thấy lòng bâng khuâng xao xuyến một trời mơ trở lại, ngọt ngào, tha thiết và đắm say:
 
Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời     
Vai kề vai một mái lầu phong nguyệt    
Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười.
 
Đó là niềm hạnh phúc lộng lẫy của Đinh Hùng, nỗi nhớ nhẹ nhàng lắng sâu bàng bạc của Trịnh, hay của hết thảy chúng ta khi hoài vọng về một bóng hình xa xôi trong nhạt phai dĩ vãng:
 
Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ, đôi khi thoáng nghe bước chân về đâu đó của em...
 

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

VÀI LỜI VỚI PHẠM ĐỨC NHÌ VỀ BÀI: "CÁI SIÊU VÀ CÁI VỤNG..." - Nguyên Lạc


Nhà thơ Nguyên Lạc

Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì đã nhiều lần "sờ gáy" tôi, tôi sợ nên "chạy làng"; thế mà cũng không yên, vẫn bị "truy lùng". Chi vậy? Luận tội?
Trong bài cảm nhận văn phong của 2 nhà văn tôi thích vừa đăng:
 
VÀI ĐIỀU VỀ CAO XUÂN HUY VÀ LÂM CHƯƠNG - Nguyên Lạc
 
http://phudoanlagi.blogspot.com/2020/12/vai-ieu-ve-cao-xuan-huy-va-lam-chuong.html
 
http://t-van.net/?p=47155
 

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2021 - Đức Hạnh cùng quý thi hữu

   
 
 
 

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2021
 
CHÚC Xuân rạng rỡ mộng an lành
MỪNG bọn vi trùng [1] thanh toán nhanh
NĂM tới dương trần vui khỏe mạnh
MỚI thêm chính nghĩa vọng trung thành
HAI trừ giặc Hán loài ương ngạnh...
KHÔNG để sơn hà dáng lạnh tanh
HAI thịnh quê nhà luôn thắm cảnh
MỘT niên Chú Sửu vững muôn ngành.
 
                                           Đức Hạnh
                                          31 12 2020
 
[1] Dịch Covid-19
 
 
THƠ HỌA:
 
 
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
 
CHÚC Tết "bà con" vạn sự lành
MỪNG Ngài Sửu, trẻ lớn khôn nhanh
NĂM quen tự tại an nhiên đạt
MỚI biết tham thiền, nhập định thành
HAI vọng Vaccine mình khỏe mạnh
KHÔNG còn Covid dịch hôi tanh
HAI người bạn tốt chung hoàn cảnh
MỘT đóa Xuân tươi thắm mọi ngành... !
 
                               Mai Xuân Thanh
                                  31/12/2020
 

NGÀY XUÂN ĐỌC CHUYỆN KHÔNG VUI – Hoàng Long Hải


Nhà văn Hoàng Long Hải (Tuệ Chương)


“Mồ côi
tội lắm ai ơi!”
 
Cuối năm 1945 đầu năm 1946, người miền Trung, có thể cả người Bắc nữa, tham gia “Nam Bộ Kháng Chiến” đông lắm. Có lần chị cả tôi cùng “đoàn thể” lên ga xe lửa Quảng Trị để “hoan hô” “tiếp tế quà bánh” cho thanh niên các tỉnh phía ngoài đi “Nam Bộ Kháng Chiến”. Họ đi Nam bằng xe lửa. Xe chỉ nghỉ lại ở ga Quảng Trị một thời gian ngắn, và cũng để đón thêm thanh niên Quảng Trị cùng đi về Nam.
 

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

NHỮNG NHÀ THƠ CHỈ CÓ MỘT BÀI THƠ VẪN NỔI TIẾNG DÀI LÂU – Phan Thành Khương



Trong lịch sử văn học Việt nam và thế giới, chúng ta biết có những nhà thơ chỉ có một bài thơ. Thế mà, tác phẩm của họ, bài thơ duy nhất ấy, sống mãi với thời gian, sống mãi với người đọc.
 
Tác phẩm của họ, bài thơ duy nhất ấy, vẫn mãi làm xúc động người đọc, vẫn mãi tiếp thêm năng lượng sống cho các thế hệ.

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

ĐỂ MẠ GÁNH GIÚP CHO – Đinh Hoa Lư


Tác giả Đinh Hoa Lư

 
Trại 4 Ái Tử có căn nhà THĂM NUÔI vách bằng phên đất, liền vách với cái TRẠM XÁ tức là nơi chữa bệnh cho tù. Hai cái nhà tranh này nằm ngoài Trại cách nhau cái hàng kẽm gai sơ sài thôi và chẳng kỹ càng gì cho lắm. Con đường mòn dẫn vào Nhà Cán Bộ phía bên này là Trại 4. Trại nằm sát con suối ngó qua bên kia là thôn Xuân Khê sau này có cái cầu bằng sắt ri bắc qua thôn đó.
 

ƠN, GIỌT NƯỚC MẮT VÀ TRÁI TIM – Thơ Tịnh Bình




ƠN...
 
Cho dòng sữa ngọt trắng trong
Ơn người câu hát lọt lòng đầu nôi
Cho đời no ấm nếp xôi
Ơn ai cày cấy mồ hôi nhọc nhằn
 
Cho xanh xanh những hạt mầm
Ơn sông bồi đắp lặng thầm phù sa
Cho tươi thắm những màu hoa
Ơn nghìn tia nắng giao hòa gió xuân
 
Cho vui chim chóc hót mừng
Ơn mùa quả ngọt đã từng chắt chiu
Cho thương nắng sớm mưa chiều
Ơn sao bóng mẹ liêu xiêu dáng cò
 
Người về nhặt lại câu hò
Ơn quê hương với con đò thủy chung...
 

NHÀ VĂN TÔ HOÀI TRONG “HỒI KÝ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH”

Nguồn:
https://www.vinadia.org/hoi-ky-nguyen-dang-manh/hoi-ky-nguyen-dang-manh-to-hoai/


Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh


Tôi tiếp xúc với Tô Hoài rất sớm. Từ những năm 60 của thế kỉ trước. Nhưng mãi đến năm 2000, tôi mới viết được một bài về ông.
 
Tôi trước sau vẫn thế, khi viết về một nhà văn nào đó mà chưa hiểu tư tưởng chi phối một cách có hệ thống sự nghiệp sáng tác của ông ta, thì tôi không thể viết được. Về Tô Hoài, tôi cứ nghĩ mãi không biết tư tưởng của ông là gì. Nhiều tác phẩm của ông tôi thích, nhưng không tìm ra một tư tưởng chung. Tư tưởng Nguyễn Tuân là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc gắn với những giá trị văn hoá cổ truyền của đân tộc; Nam Cao là nỗi đau đớn trước tình trạng con người không giữ nổi nhân tính, nhân phẩm vì miếng cơm manh áo và cái chất hèn, chất nô lệ đã thấm vào trong máu không biết từ kiếp nào. Xuân Diệu là niềm khát khao giao cảm hết mình với cuộc đời trần thế này… Còn tư tưởng Tô Hoài là gì? Tôi lúng túng quá! Trong khi đó, Xuân Diệu có lần nói với tôi: “Tô Hoài nó chẳng có có tư tưởng gì cả. Nguyễn Đình Thi còn có tư tưởng, chứ Tô Hoài chẳng tư tưởng gì”. Tôi lại càng hoang mang. Một nhà văn cỡ như Tô Hoài mà không có tư tưởng! Vô lý quá!.
 

CHÙM THƠ “CÒN…” CỦA LÊ VĂN TRUNG



 
CÒN CHĂNG BI KHÚC ĐOẠN TRƯỜNG
 
Mưa dầm đêm gió lao xao
Nghe con cú gọi buồn nao cả lòng
Ai xa xăm hút nghìn trùng
Lời trăm năm cũng mịt mùng mù xa
Xót lòng người quặn lòng ta
Quê là dâu bể nhà là tang thương
Còn chăng BI KHÚC đoạn trường
Ba trăm năm gửi nghìn phương bụi mờ.
                  

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

CHÙA TRẤN QUỐC, NGÔI CHÙA CỔ NHẤT HÀ NỘI – Đặng Xuân Xuyến

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT,
Đặng Xuân Xuyến; Văn Hóa Thông Tin ; 2006)
 

Chùa Trấn Quốc (Ảnh: Sưu tầm)
 

Chùa Trấn Quốc có lịch sử lâu đời nhất của Hà Nội, cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544 - 548), thuộc phường Yên Hoa (nay là Yên Phụ) với tên là chùa Khai Quốc (mở nước).
 

NẾU ANH HỎI – Thơ Vĩnh Hoàng


 
                    Nhà thơ Vĩnh Hoàng

 
NẾU ANH HỎI
 
Em muốn nghe anh khẽ hỏi rằng
Xa rồi em có nhớ anh không ?
Nếu đem nhung nhớ xây thành núi
Cao được bao nhiêu đó hở em ?
 
 Khi ấy em anh sẽ mĩm cười
Đáp rằng thương nhớ mãi khôn nguôi
Nếu đem tình ấy xây thành núi
Chắc sẽ cao lên vút tận trời
 
 Em muốn nghe anh khẽ hỏi rằng
Khi nào em cảm thấy bâng khuâng ?
Nhớ anh em phải làm gì nhỉ
Và có lần nào lệ ứa không ?
 
Lúc đó em anh sẽ trả lời
Bâng khuâng hay đến lắm anh ơi
Thương anh em phải hôn lên ảnh
Và đã bao lần lệ ứa rơi
 
Em muốn nghe anh khẻ hỏi rằng
Thương nhau chừng ấy đủ chưa cưng ?
Chắc em sẽ bảo đang còn thiếu
Biết mấy cho vừa được hỡi anh
 
                             Vĩnh Hoàng
 

NGUYỄN ĐỨC SƠN, CHÂN DUNG VÀ HUYỀN THOẠI - Nguyễn Mạnh Trinh

Nguồn:
http://thuanmychanh.blogspot.com/2012/06/nguyen-uc-son-chan-dung-va-huyen-thoai.html


Nguyễn Đức Sơn - Tranh Đinh Cường


Nguyễn Ðức Sơn là một khuôn mặt thi sĩ lớn của văn chương Việt Nam. Một phong cách văn chương riêng, một mình một chiếu, thơ và văn bộc lộ một tâm thái suy tư khác thường đi ngược lại dòng sống thay vì xuôi chảy.
 
Ông là người làm thơ mà cuộc sống văn chương và đời thường đã tạo thành nhiều huyền thoại. Những chuyện kể về, những giai thoại nói đến, một chân dung tác giả khác thường được tạo dựng và người đọc, không phải chỉ ở những lớp sau mà ngay ở lớp cùng thời, đã có những nhận định sai lạc về chân dung thực con người thực. Ðó là không kể, như ở trong nước, vì lý do lợi nhuận đã có những cuốn sách khai thác quá độ đời tư để đến thành những khoảng cách thật xa với thực tế.
 
Bao nhiêu quyển sách, bao nhiêu bài báo đã nói về Bùi Giáng, về Trịnh Công Sơn, về Nguyễn Ðức Sơn…. Và đã có bao nhiêu ngộ nhận xảy ra vì những chi tiết trái ngược nhau từ bài viết này với cuốn sách khác của một chân dung tác giả. Ðộc giả, có lẽ phải có sự cẩn thận khi tiếp cận với những vấn đề đó.