BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

VÀI ĐIỀU VỀ CAO XUÂN HUY VÀ LÂM CHƯƠNG - Nguyên Lạc

  
                                 
Nhà thơ Nguyên Lạc

    Trước khi bàn về văn phong của cố văn sĩ Cao Xuân Huy và văn thi sĩ Lâm Chương, tôi có vài ý này:
    - Khi bước vào "trò chơi" văn chương, tôi có tìm hiểu về khái niệm "Nguyên Lý Tảng Băng Trôi" của nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway và thủ pháp Show, Don’t Tell của nhà soạn kịch (biên kịch) người Nga Anton Chekhop.[1]
 
    1. Nguyên Lý Tảng Băng Trôi
 
"Nguyên Lý Tảng Băng Trôi" (Iceberg theory) hay còn được gọi là "Lý Thuyết Thiếu Sót", "Lý Thuyết Bỏ Lửng" (Omission Theory) là một kỹ thuật viết văn được nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway (giải Nobel 1954) giới thiệu.
 
Nguyên Lý Tảng Băng Trôi là một phương pháp viết văn dựa trên hình ảnh tảng băng trôi: Tảng băng trôi gồm hai phần: Phần nổi và phần chìm/ phần ngầm. Phần nổi ở trên mặt nước (đỉnh băng trôi) là nơi chứa đựng những dòng chữ viết, còn phần chìm (đáy băng trôi) – lớn hơn, nhưng bị nước biển che khuất – là nơi ẩn chứa các hàm ý (implications) suy ra từ các ẩn dụ (metaphors) trong phần nổi. Người phương Đông gọi phần chìm/ phần ngầm là tính hàm súc, hàm ẩn, "ý tại ngôn ngoại" trong văn chương. Phần chìm của tác phẩm văn học là giá trị chủ yếu của tác phẩm, dành cho độc giả tự tìm hiểu, suy nghĩ và sáng tạo theo sở thích, cá tính của riêng mình thông qua những nội dung nhân vật và câu chuyện mà tác giả đã xây dựng nên.
Văn phong tiêu biểu của Hemingway là giản dị, tránh những câu văn dài dòng, nói trực tiếp, không "son phấn", "hoa lá cành" (ít dùng tĩnh từ và trạng từ). Theo Hemingway, người viết có thể cố tình bỏ lửng điều gì đó, không cần viết nó ra, với chủ ý phần bỏ qua này dành cho độc giả tự cảm nhận, tự lãnh hội rồi phát triển thêm. Việc này sẽ làm câu chuyện mạnh mẽ hơn và ý nghĩa sâu xa hơn những điều biểu hiện trong bản văn. Hãy đọc The Old Man and the Sea (Ngư Ông và Biển Cả) của ông.
 
2. Thủ pháp Show, Don’t Tell
Show, don’t tell là một biện pháp tu từ (a technique) của nhà soạn kịch (biên kịch) người Nga  Anton Chekhop đưa ra. Đại khái như sau:
“Trong các mô tả về Thiên nhiên, con người phải nắm lấy một số chi tiết nhỏ, gom chúng lại sao cho khi độc giả nhắm mắt, anh ta sẽ có một bức tranh. Ví dụ, bạn sẽ có đuợc MỘT ĐÊM TRĂNG SÁNG nếu bạn viết rằng: Trên cái đập nước xoay quạt, một mảnh thủy tinh từ một chai vỡ lấp lánh như một ngôi sao nhỏ sáng và rằng bóng đen của một con chó hay một con sói lăn cuộn qua như một quả bóng”.
                                                 (Show, don’t tell - Anton Chekhop)
 
Qua trên, bạn thấy trong thơ văn, "phần nổi" không quan trọng bằng "phần ngầm". "Phần nổi" thí dụ như vần luật, kết cấu câu ... tuy cần thiết nhưng cái quan trọng hơn, cái làm cho thơ văn "có hồn" là "phần ngầm" ẩn dưới những hàng chữ - Những điều không cần nói ra, những khoảng không ("hư không" như Kakuzo Okakura nói trong Trà Đạo*) để độc giả tự "lấp đầy". Độc giả  tự tìm hiểu, suy nghĩ và sáng tạo theo sở thích, cá tính của mỗi người, tìm ra ý nghĩa sâu xa hơn những điều biểu hiện trong truyện, thơ.[2]

...........
 
 * Đây là lời của Okakura Kakuzo trong The Book of Tea:

"Trong nghệ thuật, điều quan trọng của cùng nguyên lý trên được minh họa bằng giá trị "gợi ý". Khi đưa ra điều gì thì không bộc lộ ra, cứ để người thưởng thức có cơ hội hoàn thiện ý tưởng và như vậy một kiệt tác lớn thu hút sự chú ý của bạn đến mức không thể kháng lại được mãi đến lúc bạn cảm thấy như mình là một phần của kiệt tác. Ở đó có một khoảng Hư Không để bạn đi vào và lấp cho đầy bằng mọi cảm xúc thẩm mỹ của bạn"
 
Từ những tìm hiểu trên, tôi áp dụng vào cách viết và phê bình, không chú trọng nhiều về "đường bay của những con chữ" bí hiểm, vô nghĩa. "Phần nổi của tảng băng" - vần luật, tu từ... cũng cần thiết nhưng không quan trọng bằng "phần ngầm" - ý nghĩa dưới các hàng chữ, "ý tại ngôn ngoại". Văn chương tác giả không cần nói ra hết, chỉ gợi ý để độc giải tự tìm, tự mình “lấp đầy khoảng hư không”, như đã nói trên, thì văn chương như thế mới hay.
Văn của Lâm Chương - cũng như của Cao Xuân Huy trong tập truyện ngắn "Vài Mẩu Chuyện" -  thì theo tôi đúng với những điều nói trên.
Tôi xin có vài điều lần lượt về Cao Xuân Huy và Lâm Chương
 
CAO XUÂN HUY
 
 
                                              Ảnh nhà văn Cao Xuân Huy
 
Vài hàng tiểu sử
 
09-1947 năm sinh, quê nội Bắc Ninh, quê ngoại Hà Nam, Bắc Việt
10-1954 di cư vào Nam với mẹ
02-1968 đi lính Thuỷ Quân Lục Chiến, VNCH.
03-1975 bị bắt làm tù binh
09-1979 ra tù.
12-1982 vượt biên.
10-1983 đến Mỹ.
1984 định cư tại Nam California.
2005 chủ biên tạp chí Văn Học tới 04-2008
11-2010 mất tại Lake Forest, Nam California
 
Tác phẩm:
 
Tháng Ba Gãy Súng, Văn Khoa xuất bản lần đầu tiên 1986
Vài Mẩu Chuyện, Văn Học xuất bản 2010 - Bốn tháng trước khi ông qua đời.

........
 
 - Hồi ký "Tháng Ba Gãy Súng" đã được tái bản đến 14 lần, và sách đã có mặt trong các thư viện lớn trên thế giới. Có lẽ chưa một cuốn sách nào ở hải ngoại được tái bản nhiều lần và được tìm đọc nhiều đến như vậy. Cuốn sách cũng được đưa nguyên vẹn vào bộ trường thiên tiểu thuyết “Mùa Biển Động” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác như một chương kết.
 
Trích văn Cao Xuân Huy
 
Để minh họa về nguyên lý và thủ pháp bàn trên, tôi sử dụng truyện ngắn "Trả Lại Tiền" trong tập truyện “Vài Mẩu Chuyện” của nhà văn Cao Xuân Huy.
“Trả lại tiền” là một truyện cực ngắn; toàn truyện, phần tự sự rất ít, vài ba câu, không câu nào dài, thậm chí có câu chỉ gồm một từ/chữ duy nhất. Đối thoại chiếm phần lớn, với những câu đối đáp cụt ngủn, lửng lơ, cộc cằn. Không có phân tích tâm lí nhân vật, không độc thoại nội tâm. Các biện pháp tu từ, khoa đại chữ nghĩa đều không có mặt.
Văn phong của ông là giản dị, tránh những câu văn dài dòng, nói trực tiếp, không "son phấn", "hoa lá cành" (ít dùng tĩnh từ và trạng từ), cố tình bỏ lửng điều gì đó, không cần viết nó ra với chủ ý phần bỏ qua này dành cho độc giả tự cảm nhận, tự lãnh hội rồi phát triển thêm- Như đã bàn trên phần Ernest Hemingway. Việc này sẽ làm câu chuyện mạnh mẽ hơn và ý nghĩa sâu xa hơn những điều biểu hiện trong bản văn.
 
Trả Lại Tiền
 
Sau khoảng năm năm "cải tạo" về, biết gã thèm đàn bà, người bạn mới cho gã mượn chiếc xe đạp và dúi vào tay gã năm đồng rồi chỉ hướng.
Đường Hồng Thập Tự (1980) lác đác chị em ta đứng thập thò dưới các gốc cây. "Xe qua lại nhiều quá, không được."
Gã đảo một vòng công viên trước cổng Dinh Độc Lập. Tối. Mỗi gốc cây đều thấp thoáng bóng người. Vài tay cũng đạp xe rảo rảo giống gã.
"Được rồi”. Gã tấp vào một gốc cây.
Một ả ló ra kéo tay gã:
"Dzô sát trong đây."
"Nhiêu?"
"Hai chục."
"Không có đủ!"
"Dzậy có nhiêu?"
" 'Thổi' không thì nhiêu?"
"Mười."
"Vẫn không đủ."
"Dzậy chớ muốn nhiêu?"
"Có năm thôi."
“Hổng được. Đụ má… Chưa mở hàng.”
“Nguyên một ngày lương! Không được há? Thì thôi.”
Gã quay đi. Ả kéo lại:
"Thôi, có nhiêu lấy nhiêu!"
Gã đứng tựa lưng vào gốc cây. Tụt quần.
Ả ngồi xổm xuống. Làm việc
...
Ánh đèn pin bất ngờ chiếu thẳng vào khuôn mặt gã, kèm tiếng quát:
“Đứng yên!”
Gã mở choàng mắt, kéo vội quần lên.
Ả bật dậy, co chân định chạy.
Tiếng lên đạn lách cách. Tiếng quát:
“Đưa giấy tờ coi.”
Gã lúng túng moi ra tờ giấy: “Ra Lệnh Tha”, Tội danh: “Can tội sĩ quan ngụy”.
Ánh đèn pin dừng lại trên những hàng chữ, ngập ngừng.
Gã phân bua:
“Tôi mới được thả. Lâu ngày… thèm quá…”
Hắn nhỏ giọng:
“Anh tui cũng bị mấy năm như cha, mà đâu có tầm bậy tầm bạ như dzầy. Phải kiếm chỗ kín kín một chút chớ.”
“Tôi cũng muốn vậy, nhưng tiền đâu mà mướn phòng.”
“Nó lấy cha nhiêu?”
“Năm đồng.”
“Năm đồng?” Hắn bật tiếng cười.
Quay sang phía ả, hắn ra lệnh:
“Trả lại tiền cho người ta!”
Không hiểu, ả hỏi lại:
“Tiền? Trả lại…”
Hắn quát nhỏ:
“Trả lại cho người ta. Rồi đi đi.”
Ả ngập ngừng định lên tiếng, nhưng đành im lặng trả lại tiền.
Gã lên xe, đạp đi. Đợi hắn đi khuất, gã vòng xe lại, đến gần ả.
“Này. Tôi trả lại năm đồng.”
Ả quay lại. Cái nhìn đậu trên mặt gã vài giây, rồi nói:
“Thôi, giữ lấy xài đi.”
                                                            (Trả Lại Tiền - Cao Xuân Huy)
 
Bài văn "kiệm lời" này giải thích rõ về thủ pháp Show Do Not Tell: Không cần nói nhiều, kể lể chi tiết (Tell); nó cũng có "dính líu" với "Nguyên Lý Tảng Băng Trôi" (Iceberg theory) của Ernest Hemingway: Qua những đối thoại kiệm lời (Show) này, "phần nổi" này, chắc độc giả sẽ ra suy được cái "phần chìm" - Thảm kịch nhân sinh sau ngày "đổi đời", niềm xót xa cho những cảnh ngộ của một dân tộc, và tình người, tính nhân bản. Độc giả cùng dự phần với tác giả-Tính phê phán của nó được người đọc hiểu ngầm.
 
 
LÂM CHƯƠNG
 
 
                                              (Ảnh nhà văn Lâm Chương)
 
Vài hàng tiểu sử:
 
Lâm Chương là tên thật: Sinh năm 1942 tại Gò Dầu Hạ Tây Ninh.  Cựu sĩ quan quân lực VNCH. Trong trại "cải tạo" từ 1975-1985.  Vuợt biển năm 1987, hiện định cư tại Boston, Massachusetts Hoa Kỳ.
Cộng tác trước 1975: Bách Khoa, Văn, Văn Học, Khởi Hành, Nghệ Thuật ...
Hải ngoại: Lửa Việt, Văn Học, Hợp Lưu, Sóng Văn...
 
- Tác phẩm đã xuất bản:
 
Tập thơ Loài Cây Nhớ - Gió Khai Phá 1971
Đoạn Đường Hốt Tất Liệt, với 17 truyện ngắn - Văn Mới 1998
Lò Cừ với 14 truyện ngắn - Văn Học năm 2000.
Đi Giữa Bầy Thú Dữ, gồm hai truyện vừa - Văn Mới năm 2002
Truyện Và Những Đoản Văn-  Văn Mới năm 2004
 
Trích văn Lâm Chương
 
Xin được nhắc lại: Văn của Lâm Chương - cũng như của Cao Xuân Huy trong tập truyện ngắn "Vài Mẩu Chuyện"-  theo tôi đúng với những điều đã bàn trên: Nguyên Lý Tảng Băng Trôi, thủ pháp Show Do Not Tell và khoảng Hư Không để bạn đi vào và lấp cho đầy.
Tôi xin ghi ra đây trích đoạn "Bắt Khỉ" (Trong Lên Rừng Thăm Bạn) và "Bùa Ếch" (Trong sách Mảnh Đất Nhiều Âm Binh) của Lâm Chương đã làm tôi "phê" và "nhức nhối". (Các tiểu tựa truyện tôi tự đặt)
 
1.   Bắt Khỉ :
2.    
[ ...Phía ngoài, gần bên hông lều, một cái hố đang đào dở. Hố rộng bằng căn phòng nhỏ. Theo lời anh Khan, còn phải đào sâu hơn nữa, khoảng hai thước.
Lúc mới đến, tôi hỏi: "Đào hố để làm gì?"
Anh nói: "Bắt khỉ."
Tôi ngạc nhiên: "Bắt khỉ?"
"Ừ , bắt khỉ."
"Để ăn thịt?"
"Khỉ ốm, chỉ có da bọc xương. Thịt khỉ lại tanh, không ai ăn."
"Không ăn thì bắt để làm gì?"
"Để đuổi khỉ."
"Bắt khỉ để đuổi khỉ? Tôi không hiểu."
"Cứ ở đây vài hôm thì hiểu."
Anh Khan không giải thích. Có lẽ anh muốn dành cho tôi một lý thú bất ngờ.
Sau vụ bẫy heo rừng. Anh Khan cho biết đàn khỉ đã kéo về lảng vảng vùng này rồi. Nhưng chừng nào chúng đến tảo thanh rẫy bắp thì chưa biết. Một hôm, tôi thấy vài con khỉ nấp ló trên cây. Anh Khan nói, đó là những con tiền sát, đi dò địa bàn hoạt động. Khỉ là loài tinh khôn sau loài người. Chúng sống có đàn. Mỗi đàn có một con khỉ đầu đàn. Con này sẽ dẫn đàn đi kiếm ăn rày đây mai đó, như những bộ tộc du mục thời xưa. Chúng đến cái rẫy nào một lần, sẽ lẩn quẩn ở đó nhiều ngày, ăn cho tàn mạt rồi mới chịu đi nơi khác. Con khỉ đầu đàn, không vào rẫy. Nó ngồi trên ngọn cây cao để canh chừng, và xua con cháu vào mục tiêu, ăn cho no, còn độn hai bên má làm phần dự trữ. Trước khi rút lui, chúng còn mang theo một hoặc hai trái bắp làm chiến lợi phẩm, và đóng thuế cho con khỉ đầu đàn. Khi nào con khỉ đầu đàn la ré lên là báo hiệu có biến, đàn khỉ đang ăn sẽ bỏ chạy, mất trật tự còn hơn cuộc di tản chiến thuật từ cao nguyên về miền biển. Tôi hỏi thế những cái thùng thiếc khua động chung quanh rẫy, không có tác dụng làm chúng sợ hay sao? Anh Khan nói, cũng có tác dụng trong những lần đầu, nhưng nhiều lần sau chúng quen, không sợ nữa. Khi ta ở trong lều, thì chúng phá ngoài rẫy. Khi ta ra rẫy, chúng kéo vô trong lều, lục phá tan hoang đồ đạc.
Một buổi trưa, nghe tiếng khọt khẹt ngoài rẫy, anh Khan giựt dây khua thùng báo động và chạy ra xem. Một vạt bắp bị phá. Nhiều cây gảy gục và trái bị cạp lem nhem dang dở.
Anh nói: "Chỉ mới đợt đầu mà thiệt hại như thế, thì đàn khỉ này có thể đông gần trăm con."
Tôi ra bìa rẫy, nhìn lên những ngọn cây rừng, tất cả đều im lìm.
"Chúng đã chạy xa hết rồi." Tôi nói.
"Chưa chắc. Có thể chúng nấp đâu đó trong những vòm lá. Thử ném mạnh một viên đá lên thì biết ngaỵ"
Tôi ném viên đá, không thấy động tĩnh gì. Anh Khan ném một khúc gỗ mục lên tàng cây khác. Bỗng nghe ào ào trên cây. Bầy khỉ hốt hoảng chuyền cành, đổi chỗ ẩn nấp. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, tất cả đều im lìm trở lại. Nhìn kỹ sẽ thấy vài con thu mình trong lá, hai mắt thao láo nhìn xuống.
Trở lại lều, anh Khan chuẩn bị bắt khỉ bằng cách đâm một chén muối ớt thật cay, trộn với cơm nguội, để xuống hố. Anh dựng thêm một cây tầm vông từ dưới lên miệng hố, và giải thích, cây tầm vông làm cái thang cho khỉ xuống hố. Gặp cơm trộn ớt đỏ, nó sẽ bốc ăn, cay quá chảy nước mắt, nó sẽ đưa tay dụi mắt. Tôi cười, bàn tay dính ớt mà dụi vào mắt, thì chỉ còn có cách làm hiệp sĩ mù nghe gió kiếm mà thôi.
Chuẩn bị xong, anh Khan kéo tôi ra một góc rẫy, nơi bìa rừng, ngồi dưới bóng cây tọ Anh nói, bỏ trống cái lều, nhường cho bầy khỉ. Nhưng suốt chiều hôm đó, không có con khỉ nào bén mảng vào lều.
Hai hôm sau. Trên đường từ nhà Y Nôm trở về, vừa đến rẫy đã nghe tiếng con khỉ đầu đàn trên ngọn cây ngoài rừng la ré lên, anh Khan chạy vội vào lều. Bầy khỉ tuôn ra, phóng chạy. Đồ đạc trong lều bị phá tung, vất bừa bãi. Dưới cái hố, bên hông lều, những con khỉ còn kẹt lại, tranh nhau leo lên bằng cây tầm vông. Cứ con này ôm cây tầm vông leo lên, thì con kia sợ hãi nắm đuôi kéo xuống, giành leo lên trước. Rốt cuộc, không con nào lên được miệng hố. Chúng quờ quạng, loi choi, bưng mặt, dụi mắt, và la chí choé. Anh Khan rút cây tầm vông lên. Thế là những con khỉ dưới hố đã hoàn toàn bị nhốt. Tôi đếm được bảy con.
Tôi hỏi: "Đã bắt khỉ rồi. Bây giờ, làm cách nào đuổi khỉ?"
"Đến giai đoạn này, mọi chuyện sau đều dễ dàng."
Tất cả đồ nghề đã chuẩn bị từ trước. Anh Khan dùng thanh cây, một đầu có buộc thòng lọng, tròng vào cổ từng con, kéo lên, trói lại. Anh lấy kéo cắt lông trên đầu khỉ, như bị cạo trọc. Và lấy sơn màu đen đỏ trắng vàng, phết lem nhem lên đầu, lên mặt khỉ, trông rất khôi hài. Xong, anh mở trói, thả nó chạy vào rừng. Lại lôi con khác lên, hớt lông, sơn đầu...
Anh Khan giải thích, khỉ có khuynh hướng nhập bầy. Những con khỉ này, nó sẽ chạy đi tìm bầy để nhập. Nhưng những con khỉ khác không còn nhận ra bạn nữa, và tránh xa nó như con vật quái đản. Tự bản thân con vật bị sơn mặt, nó không biết nó quái đản, nên bầy khỉ càng chạy tránh, nó càng bám theo để nhập bầy. Cứ thế, một bên chạy, một bên bám riết, càng ngày càng đi xa, thật xa.
"Rồi nó sẽ về đâu?"
"Rừng núi bao la muôn trùng, ai biết sẽ về đâu."
"Những con khỉ bị bôi sơn lên mặt, rồi sẽ ra sao?"
"Cũng không ai biết sẽ ra sao. Nếu nó cứ bám riết theo bầy, có thể một ngày nào đó, con khỉ đầu đàn sẽ cắn nó chết."
Sáng mai, tôi sẽ rời khỏi lều rẫy, bỏ lại núi rừng, từ giả anh Khan để đi một nơi thật xạ Trong đêm, tôi nằm thao thức trên chiếc võng, không ngủ được. Nhìn ánh trăng khuya lạnh lẽo soi vào căn lều trống trải, tôi nghĩ đến những ngày cô đơn của anh Khan giữa đám rẫy đìu hiu. Tôi lại nghĩ đến đàn khỉ cứ chạy mãi, chạy mãi, không biết giờ này chúng dừng lại hay chưa? Anh Khan cũng không ngủ được. Anh ngồi dậy vấn thuốc, bất ngờ anh hỏi tôi, nghĩ thế nào về những con khỉ bị sơn mặt? Tôi nói, nếu ở Âu Mỹ, Hội Bảo Vệ Súc Vật sẽ can thiệp cho nó. Anh bảo, khi tôi sang xứ người, nên tìm đến cái Hội Bảo Vệ Súc Vật, để nhờ họ che chở. Và nhớ hỏi họ, rằng giữa vùng rừng núi Việt Nam, có những "con khỉ người" đang bị sơn mặt, họ có bảo vệ không?...]
                              (Trích trong Lên Rừng Thăm Bạn - Lâm Chương)
 
2. Bùa Ếch
[ ... Lương Mập hí hửng mang lọ bùa ếch về gặp Bảy Cự. Hắn nói: “Có bùa rồi. Lần này nhất định thành công”. Bảy Cự hỏi cách xử dụng. Hắn giải thích theo lời chỉ dẫn của lão thầy bùa Miên: “Khi con Lan ngồi đái, tia nước đái sẽ xói một cái lỗ dưới mặt đất. Bỏ bột bùa ếch vào ngay cái lỗ ấy. Sau vài ngày sẽ thấy kết quả”. Bảy Cự nóng lòng: “Kết quả thế nào, mày nói rõ hơn coi? Nó là đứa con gái ngây thơ hiền lành, mày đừng dùng bùa ngải hại đời nó tội nghiệp”. Lương Mập cười: “Chú Bảy yên tâm. Tôi thương nó, đâu nỡ làm hại nó. Tôi chỉ dùng mẹo để nó phải thương lại tôi. Khi con Lan lậm bùa rồi, nó ngồi đâu phải khép cặp đùi lại. Nếu không thì cửa mình sẽ phát ra âm thanh “ộp,ộp” như tiếng ếch kêu”. Bảy Cự cười ngất: “Như vậy rồi nó thương mày à?” Lương Mập nói: “Chưa thương đâu. Phải qua một giai đoạn nữa. Tôi sẽ hốt cho nó một thang thuốc vô thưởng vô phạt uống vào chẳng có tác dụng gì cả, đồng thời tôi ngưng bỏ bùa. Tiếng ếch kêu cũng chấm dứt. Nó tưởng đó là hiệu nghiệm của thuốc. Nó sẽ coi tôi là ân nhân, và từ đó phát sinh tình cảm”.
Dĩ nhiên tiếng nhạc ếch mà Lương Mập chờ đợi chẳng bao giờ xảy ra. Phần vì bùa ngải là thứ làm xàm, phần vì bướm đâu có gốc ếch mà kêu ồm ộp! Lương Mập tới cự nự với ông thầy bùa. Ông cho một thứ bùa khác cũng nhắm vào…bướm mà tấn công. “Lương Mập thắc mắc: “Sao bùa nào của thầy cũng nhằm vào bộ phận kín của phụ nữ?”. Lão nghiêm nét mặt: “Tôi còn cả trăm thứ bùa khác. Nhưng mục đích tối hậu của cậu chỉ nhằm vào cái đó nên tôi cũng nhằm vào chỗ đó mà cho bùa”. Lương Mập phân trần: “Tôi thương cô ta thiệt tình. Chứ đâu phải vì cái đó.” Lão lắc đầu: “Cậu lầm rồi. Nếu cô ta không có cái đó, cậu có thương không?” Lương Mập cứng họng. Trên đường về, nghiệm lại lời của lão thầy bùa, hắn hiểu ra rằng tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó khác nhau mà thôi...] 
                      (Trích trong Mảnh Đất Nhiều Âm Binh- Lâm Chương)
 
Riêng phần bạn, bạn nghĩ sao về lời "phán" của lão thầy bùa?
Chắc các bạn đã tìm ra được "phần chìm" của tảng băng trôi? Và bạn nghĩ sao? 
- Chủ quan, cái làm tôi "phê" là lời của ông thầy bùa và cái làm tôi  "nhức nhối" là "những con khỉ bị sơn mặt". Những con khỉ này đã "một thời" bị "người ta tránh né và tránh xa như con vật quái đản": "Vết thương" đến nay đã nguôi và lành chưa?
 
                                                                                       Nguyên Lạc
.............
 
Ghi chú:
 
[1] --Ernest Hemingway (1899-1961) lãnh giải Nobel văn chương năm 1954 và được biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm The Sun Also Rises (1926), A Farewell to Arms (1929), For Whom the Bell Tolls (1940), The Old Man and the Sea (1952) và về khái niệm "Nguyên Lý Tảng Băng Trôi" (Iceberg theory)
Mời đọc: Ngư Ông và Biển Cả/The Old Man and the Sea
https://daohieuvn.wordpress.com/category/ngu-ong-va-bien-ca-ernest-hemingway/
-- Anton Pavlovich Chekhov (1860–1904) là nhà viết kịch, nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn người Nga. Chekhov được xem như là người đã nâng thể loại truyện ngắn lên một tầm cao mới trong nền văn học Nga, và dần dần trong nền văn học của thế giới. Với cái nhìn trầm tĩnh, trung thực về những nhân vật, Chekhov thể hiện nội tâm và cảm nghĩ của họ một cách gián tiếp, qua ẩn dụ thay vì miêu tả trực tiếp. Những cấu kết trong truyện của ông thường giản dị, và kết cục thường được để ngỏ thay vì là chung quyết.
[2] Okakura Kakuzo (1862 -1913) là một văn nhân Nhật Bản có nhiều đóng góp cho nghệ thuật dân tộc này và là nhà bảo tồn đồ cổ có tiếng trong thời kỳ nền văn hóa phương Tây tràn ngập nước Nhật.Tác phẩm nổi tiếng nhất là cuốn ‘Trà đạo” (đúng ra nên dịch là Trà thư), xuất bản năm 1905 tại Hoa Kỳ. Tác phẩm này được viết bằng tiếng Anh mang nhan đề Book of the Tea và sau đó dịch ra nhiều ngôn ngữ khác, làm tên tuổi ông nổi lên trên văn đàn quốc tế.

3 nhận xét:

lehongngoc nói...


Bình Luận Của NhiPham Trên Facebook:

Trong 3 truyện ngắn anh Nguyên Lạc đưa vào làm thí dụ cho thủ pháp Show, Don’t Tell trong bài Vài Điều Về Cao Xuân Huy Và Lâm Chương thì nhận xét của tôi chỉ nhắm vào truyện ngắn Bùa Ếch của nhà văn Lâm Chương. Truyện ngắn này có đoạn kết như sau:

Lương Mập phân trần: “Tôi thương cô ta thiệt tình. Chứ đâu phải vì cái đó.” Lão (thầy bùa) lắc đầu: “Cậu lầm rồi. Nếu cô ta không có cái đó, cậu có thương không?” Lương Mập cứng họng.
Trên đường về, nghiệm lại lời của lão thầy bùa, hắn hiểu ra rằng tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó khác nhau mà thôi…]

Rõ ràng nhà văn Lâm Chương đã không “vòng vo Tam Quốc” mà nói thẳng, nói “toạc móng heo” ý chính của truyện ngắn Bùa Ếch. Bảo rằng nó là “tảng băng trôi”, có phần chìm “bị nước biển che khuất - là nơi ẩn chứa các hàm ý (implications) suy ra từ các ẩn dụ (metaphors) trong phần nổi” - như anh Nguyên Lạc - là hoàn toàn sai lầm.

Có lẽ không nhận ra cái sai của mình anh Nguyên Lạc hiên ngang hỏi độc giả:

Riêng phần bạn, bạn nghĩ sao về lời “phán” của lão thầy bùa?
Chắc các bạn đã tìm ra được “phần chìm” của tảng băng trôi? Và bạn nghĩ sao?

Trong truyện này chẳng có “tảng băng trôi” nào hết; ý chính của truyện có phần nổi chứ không có phần chìm. Nó chỉ là mặt nước biển bình thường ở một vùng nhiệt đới bình thường nào đó. Nhưng đâu phải tác phẩm cứ phải có Show, Don’t Tell mới hay, mới đáng đọc. Cái giọng thẳng thắn, bộc trực ở đoạn kết của Bùa Ếch, theo tôi, đã tạo nên nét riêng cho tác phẩm.

Sai sót trong phê bình văn học không phải là cái gì ghê gớm lắm. Dân chơi lâu năm thế nào cũng có một đôi lần sơ xuất. Có điều đây là sai lầm mang tính lý thuyết, đụng chạm đến một trong những biện pháp tu từ quan trọng trong kỹ thuật viết văn, làm thơ. Hơn nữa, không phải chỉ xê xích chút đỉnh mà là Trắng lầm lẫn với Đen, nói huỵch toẹt mà lại khen là có ẩn ý sâu sắc.

Truyện của mình không bóng gió, không nửa kín nửa hở, đã cho vũ nữ “sexy 100%” mà người ta lại chọn là tác phẩm có thủ pháp Show, Don’t Tell nổi bật thì không biết nhà văn Lâm Chương nên vui hay nên buồn? Riêng tôi, chỉ trách anh Nguyên Lạc đã không khéo, làm độc giả bối rối, không biết phải hiểu Show, Don’t Tell như thế nào cho đúng.




Steve Nguyen nói...

Trả lời Bình Luận Của Nhi Pham Trên Facebook:
Bạn Phạm Đức Nhì có quyền phê phán và nêu ra ý "chủ quan" của bạn, đó là điều cần thiết trong phê bình. Tuy nhiên bạn "cả quyết" như vầy: "như anh Nguyên Lạc - là hoàn toàn sai lầm" và "Có điều đây là sai lầm mang tính lý thuyết, đụng chạm đến một trong những biện pháp tu từ quan trọng trong kỹ thuật viết văn, làm thơ. Hơn nữa, không phải chỉ xê xích chút đỉnh mà là Trắng lầm lẫn với Đen, nói huỵch toẹt mà lại khen là có ẩn ý sâu sắc" - NP... thì tôi thấy bạn Nhi Pham quá "chủ quan" và tự cho mình "đúng" hơn người. Trong phê bình cần trung thực, cảm tính xin bỏ qua bên.
Tôi xin trả lời bạn và cũng xin nói trước, đây chỉ là ý chủ quan nên có thể là sai sót:
1- Các thủ pháp trên tùy theo "hệ quy chiếu" của mỗi người, tùy theo cái tạm gọi là "trình độ" của mỗi người mà "nắm bắt". Sai chăng? Cái của tôi hiểu có thể khác với cái bạn hiểu- vì trình độ tôi "chưa tới"nên tôi không dám nói cái của bạn hiểu là sai, cái của tồi là đúng.
2- Bài của CXH, cái "phần nổi" thì bạn đã biết rồi, còn cái "phần chìm" thì tôi cũng đã nói- nhưng chắc bạn đã quên:"Thảm kịch nhân sinh sau ngày “đổi đời”, niềm xót xa
cho những cảnh ngộ của một dân tộc, và tình người, tính nhân bản. Độc giả cùng dự phần với tác giả-Tính phê phán của nó được người đọc hiểu ngầm" Theo tôi, đâu cần phải nói thảm kịch vầy vầy..., độc giả cũng biết: Đó là DO NOT TELL? Tôi sai chăng?
3- Còn về Lâm Chương, cái "phần ngầm" tôi cũng đã nói, và chắc bạn cũng quên:
- "Những con khỉ này đã “một thời” bị “người ta tránh né và tránh xa như con vật quái đản”: “Vết thương” đến nay đã nguôi và lành chưa?"
- Lời của ông thầy bùa: "Phần ngầm" là cái mà Sigmund. Freud (an Austrian neurologist and the founder of psychoanalysis) đã nói, nó luôn chi phối con người, và bản tính "lương thiện" của Lương Mập- một con người "bình thường", không "cao siêu" gì. Cũng giống trên, đâu cần phải giải thích vầy vầy.,.. phải không?
Xin nói lại, chỉ là "Vài Điều Về Văn Phong...", có nghĩa là chủ quan, nếu bạn thấy sai thì cứ viết bài phê phán, tôi sẽ học hói
Xin nói thêm, nhà văn Lâm Chương/ Chương Lâm FB cũng có góp ý với tôi: OK và like, cám ơn tôi
Chúc mừng năm mới tới nhà bình thơ PĐN
Nguyên Lạc

Steve Nguyen nói...

Xin nói lại, chỉ là "Vài Điều Về Văn Phong...", có nghĩa là chủ quan, nếu bạn thấy sai thì cứ viết bài phê phán, tôi sẽ học hỏi.
Đừng cho mình là đúng, đừng "đóng sẵn cái hòm" theo ý mình mà phải đo kích thước người trước, kèo... thì tội quá.
Về nhà văn Lâm Chương, anh là bạn tôi, tôi có gởi bài cho anh xem trươć, anh Lâm Chương/ Chương Lâm FB cũng có góp ý với tôi rồi, anh nói OK và cám ơn tôi, không có chỉnh sửa gì cả. Nói thêm, nếu bạn có đọc Sử Ký Của Tư Mã Thiên thì thấy văn phong của Lâm Chương như thế nào.
Theo tôi: Bắt sâu để cho hoa không bị tàn lụi, chứ không lấy cớ bắt sâu rồi bẻ luôn cành hoa, tội cho cây hoa lắm và hỏng cả vườn hoa. Đừng tự cho mình đúng, hiểu hơn người, đừng "đóng sẵn cái hòm" theo ý mình mà phải đo kích thước người trước, kẻo ... thì tội quá.
Xin lập lại lần nữa,"Vài Điều Về Văn Phong...", vài điều có nghĩa là chủ quan cảm xúc văn thơ mình đọc, mình thích - có thể người khác không-; và chủ quan có thể người khác không hài lòng, tuy nhiên đừng "nâng cao quan điểm" đưa đến nào là "Sai sót trong phê bình văn học không phải là cái gì ghê gớm lắm. Dân chơi lâu năm thế nào cũng có một đôi lần sơ xuất. Có điều đây là sai lầm mang tính lý thuyết, đụng chạm đến một trong những biện pháp tu từ quan trọng trong kỹ thuật viết văn, làm thơ" thì theo tôi "sao đâu ấy", phải không?
Vài lời và sẽ ngừng tại đây, chúc mừng năm mới tới bạn, nhà bình thơ "có tiếng" nghiêm chỉnh, "công tâm". Nguyên Lạc