BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

GÓC KHUẤT TRONG THỜI NHÂN VĂN GIAI PHẨM - Hồi ký của Lâm Bích Thủy

Cô  Lâm Bích Thủy, trưởng nữ của nhà thơ tiền chiến Yến Lan (một nhà thơ trong nhóm Bàn Thành Tứ Hữu) viết hồi ký về người cha kính yêu của mình.

                        

              Tác giả Lâm Bích Thủy

    GÓC KHUẤT TRONG THỜI NHÂN VĂN GIAI PHẨM 

                                                                     Lâm Bích Thủy


  Từ nhiều ngày qua, trên báo, đài và web của các nhà mạng đăng tin ông này bị tù, ông kia bị thu hồi thẻ báo v.v…, khiến tôi nhớ và xót xa cho văn nghệ sĩ thời cha tôi. Thời mà người nào càng tài giỏi càng bị vùi dập, oan trái, như nhạc sĩ Văn Cao, Cụ  Phan Khôi, nhà thơ Quang Dũng v.v… Tôi thương họ vì đã sinh bất phùng thời, họ đa tài nên bị gọi là bọn phản động, là “Nhân văn giai phẩm”:   
  Vấn đề “Nhân văn giai phẩm” giờ đây người ta có nhắc đến thì cũng chỉ như nói về sự ấu trĩ của một thời. Bây giờ hồ dễ quay trở lại; vì được nhìn nhận với lý lẽ: “…trước đây, do thiếu kinh nghiệm và năng lực, vô tình người lãnh đạo đã kìm hãm và tước đi chân giá trị đích thực của nghệ thuật, tư tưởng và sáng tạo trong giới văn hóa văn nghệ, đã khiến không ít nghệ sĩ bị oan trái…”.

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

VĨNH BIỆT HIỀN ĐỆ NGÔ VĂN LONG - Thơ 4 Sinh Ngữ (Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha) của Phước Tuyền Ngô Quang Huynh


1. Vĩnh Biệt Hiền Đệ. (Việt Nam)
2. Farewell to my brother. (English)
3. Adieu à mon frère. (Français)
4. Adios a mi hermano. (Español)


    

Vĩnh Biệt Hiền Đệ NVL

Long nằm xuống... phút giây nầy đã điểm.
Chấm dứt rồi... hiện diện ở dương gian,
Mảnh hình hài tứ đại sẽ tiêu tan,
Không còn nữa giữa giòng đời động loạn.

Nay từ giã thân nhân cùng bè bạn,
Trong niềm thương nỗi nhớ biết bao người,
Hình ảnh em cử chỉ với tiếng cười,
Thường đọc được trong mắt lòng nhân ái ...

Nhớ những lúc, trên đường đầy trở ngại,
Khi Miền Nam sụp đổ quá thương đau,
Anh em mình bàn tính chuyện trước sau,
Cùng vượt thoát... đúng ngay giờ nguy biến..

Trên xe nhỏ, chen chúc người thân mến,
Rồi xuống thuyền đánh cá vượt trùng dương,
Suốt ngày đêm mưa nắng, quá thê lương !
Luôn phó mặc xác hồn cho định mệnh.

Trời thương đoái, cuối cùng thuyền cập bến,
Bước lên bờ, tràn ngập nỗi hân hoan...
Rồi định cư tại Thung Lũng Hoa Vàng,
Anh em mãi gần nhau nơi quê mới.

Chuyện sẽ tới... và giờ đây đã tới...
Không thể nào tránh được phút chia tay,
Khi Thiên Cơ vạn sự đã an bài.
Đành chấp nhận... nhìn em đầy thương tiếc..

Thôi vĩnh biệt... nhưng nào đâu vĩnh biệt !
Chỉ tạm thời vắng bóng cõi trần gian...
Tuổi già anh, thấp thoáng ánh chiều tàn,
Không xa lắm, hẹn em ngày tái ngộ...

      Phước Tuyền Ngô Quang Huynh 
                     (Jul. 4, 2016)

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

NGHỈ HƯU - Thơ Trần Mai Ngân





        NGHỈ HƯU
       (Tặng thầy giáo Đoàn Minh Phú)

       Mây trôi... tháng Chín... mùa Thu
       Bâng khuâng... ừ lại nghỉ hưu đến rồi
       Xa rời bảng phấn, tường vôi
       Trống giờ chơi thuở của tôi, của người

       Giã từ đồng nghiệp một thời
       Tôi xin giữ lại nụ cười đã cho
       Bốn mươi năm một con đò
       Bây giờ xa nhé... học trò tôi ơi !

       Gửi em hy vọng của đời
       Bước công danh đạt... tiếp lời Thầy Cô
       Con đò... tôi đậu bến mô
       Ân cần vẫn thế... hư vô dẫu là !

                              Trần Mai Ngân

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

LÝ NGẠO ĐỜI - Thơ Kha Tiệm Ly


         
                    Nhà thơ Kha Tiệm Ly


       LÝ NGẠO ĐỜI

       Chẳng có bầu mà tự nhiên muốn ói,
       Chẳng phải thằng điên sao đột ré lên cười.
       Rượu uống suông, uống một mình quen thói,
       Nhức tai nghe con kéc nói tiếng người!

       Nhân cách một đời người còn rao bán,
       Còn thơ ta muốn bán chẳng ai mua.
       Lỡ dạy học trò cái Tâm trong sáng,
       Nên vào đời đứa thiệt đứa thua!

       Chẳng bằng, bọn tự xưng kẻ sĩ,
       Bôi tro, muối mặt riết thành quen
       Đứa háo lợi háo danh, đạp chà sĩ khí
       Ôm đống bạc tiền bất kể trắng đen.
       Đứa mượn chút văn chương lếu láo,
       Làm mặt mo che đậy cái tâm hèn!

       Thương học trò ta:
       Em “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”
       Cho đời nầy còn có Lục Vân Tiên.

       Lại thương em bút nghiên không thỏa chí,
       Gồng gánh lên rừng đốt củi làm than.
       Em chờ vận vác cần ra sông Vị.
       Em như thầy, vỗ bụng nghênh ngang!

       Tìm đỏ mắt không ra người tri kỉ,
       Giận bấy nhân gian ta viết Lý Ngạo Đời
       Một khúc giang hồ bỏ liều cũng phí
       Ngâm vào bầu thỉnh thoảng uống chơi!

                                          Kha Tiệm Ly

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

CÂU CHUYỆN VỀ BÚT DANH CỦA NHÓM THƠ XỨ NẪU - Ký của Lâm Bích Thủy

Cô Lâm Bích Thủy - ái nữ của nhà thơ tiền chiến Yến Lan vừa gửi đến chúng tôi bài ký về bút danh của nhóm thơ tiền chiến Bàn Thành Tứ Hữu vang bóng một thời. Thân mời quý bạn đọc cùng xem:

                                                                         
                
                    Nhà thơ Yến Lan lúc còn trẻ


   CÂU CHUYỆN VỀ BÚT DANH CỦA NHÓM THƠ XỨ NẪU 
                                                                  Lâm Bích Thủy                  
Bút danh Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Khi mới vào làng thơ, ông lấy bút danh Minh Duệ Thị. Bút danh này ít ai biết, ông đổi là Phong Trần. Nhìn vóc hạc thư sinh của ông, bác Tấn chọc vui “anh người mảnh mai như cây sậy, làm sao chịu được Phong Trần mà ước? ” và cũng bị một bà cụ thâm nho ở Bình Định nói tên này không phù hợp với tính cách Hàn nên đã khuyên đổi bút danh. Ông Trí bèn lấy chữ đầu của nơi sinh “Lệ Mỹ” và chữ đầu của quê cha “Thanh Tân” ghép lại thành “Lệ Thanh”. Bút danh này ông rất vừa ý, nhưng bác Quách Tấn lại trêu. “Bộ anh ngó dễ thương mà hiệu Lệ Thanh nghe cũng “yểu điệu thục nữ”, vậy tôi gọi anh là cô Lệ Thanh cho thêm duyên”. Ông Trí chẳng nói gì, ít lâu sau thấy người ta thấy tên Hàn Mạc Tử xuất hiện trên các báo. 
   Hàn Mạc có nghĩa là ”rèm lạnh”, ông cho là độc đáo, đến khoe với bác Quách Tấn.. Bác Tấn cười mà rằng “Kể cũng ngộ thật. Tránh kiếp PhongTrần lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân lại đi làm kiếp Rèm Lạnh. Tránh lờ chui vào lưới, sao lẩn quẩn quá thế?” Ông Trí bực quá “Anh này thật đa sự, không biết đặt cái đếch gì cho vừa lòng anh”. Bác Tấn hướng cho ông lối ra “nếu đã có rèm mà thêm bóng trăng vào, hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng?”. Ông Trí bàn với bác Tấn một lúc, rồi lấy bút vạch thêm vành trăng non lên đầu chữ a ra chữ ă. 
  Chỉ thêm một cái dấu thôi mà nghĩa khác hẳn. Từ “Rèm lạnh” giờ thành “Bút mực.”  Sau đó, ông Trí thích chí nói: “Đã có bóng trăng rọi vào, thì từ nay danh tôi cũng như thơ tôi sẽ mỗi ngày mỗi thêm rạng ngời như bóng trăng”.     

Bút danh Chế Lan Viên

Tờ Văn Nghệ - Người văn. Số …. đề cập đến bút danh này .
PV: Nghe nói, bút hiệu của nhà thơ Chế Lan Viên xuất phát từ tình bạn với ông (Yến Lan)?
YL: Nói đúng hơn chữ “Lan Viên” là từ tên tôi và một bài thơ của tôi. Hoan làm thơ từ lúc 12, 13 tuổi, đầu tiên lấy bút danh từ những địa danh ngoài quê hương Quảng Trị như: Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Khoảng 1934, tôi xa nhà xuống Qui Nhơn học. Đêm trước ngày ra đi, thấy trời đã tối mà cha tôi vẫn thắp đèn dầu tưới lan, tôi xúc động làm bài thơ

            Rồi đây mỗi ngã một thân đơn
            Con ngọn đèn xanh, cha mảnh vườn
            Đêm lụi đèn tàn ai gạt bấc
            Vườn lan ai ấy tưới thay con

Nghe tôi đọc hết bài thơ, Hoan xúc động rơm rớm nước mắt. Sau vài giây im lặng, Hoan chậm rải nói “Mình muốn làm một cái gì đó để kỷ niệm bài thơ và tình bạn của chúng ta”. Và Hoan đã thực hiện lời nói ấy; các bài thơ đăng trên “Tiếng trẻ”  sau này Hoan đều lấy bút danh là “Lan Viên”.

Đến năm 1936 Hàn Mạc Tử có bài thơ “Thi sĩ Chàm” tặng Hoan, ghi mấy chữ là “Tặng Chế Bồng Hoan”. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm nhân lúc đến thăm bạn, ở bên bờ đầm Thị Nại, nơi Hoan đang trọ học. Xem thấy dòng đề tặng ở trang sách, bèn góp ý với Hoan “Hoan nên ghép hai tên lại làm kỷ niệm”.

Lúc ấy, bản thảo tập “Điêu tàn” vừa xong, Hoan lấy bút danh “Chế Lan Viên” và gửi cho Nguyễn Xuân Sanh, nhờ in ở Hà Nội. Từ đó trên thi đàn văn học Việt Nam người ta thấy bút hiệu – Chế Lan Viên.

Bút danh Yến Lan                                                          

Trong làng văn, ai cũng tìm cho mình một bút danh mang ý nghĩa khó quên; người thì lấy tên làng, tên dòng sông quê hoặc một kỷ niệm nào đó trong đời. Chắc chắn chỉ có ba tôi, người duy nhất lấy tên hai thiếu nữ yêu mình làm bút danh:

Thầy Lang tên thật là Lâm Thanh Lang. (Lan có g) Thầy và 12 học trò quây quần bên nhau, trong một gian nhà mái ngói âm dương, đối diện với cây me cổ thụ. Trước khi làm thầy, chàng đã nổi tiếng là người hay thơ, đẹp trai. Các nữ sinh thường đọc thơ và chuyện ngắn của chàng trên các tạp chí với bút hiệu Xuân Khai.

Riêng bút danh Xuân Khai, bác Quách Tấn có thắc mắc:
“…hiệu Xuân Khai có người bảo rằng do câu thơ cổ “ xuân khai hoa bản địa” mà ra. Tôi nghĩ tên chú là Lâm Thanh Lang, chữ lang có nghĩa “chàng” hoặc “cây cau” chứ có phải “Lan” là hoa lan đâu mà dùng “trích cú“ như vây?”    

Tài thơ và cách ăn nói nhỏ nhẹ, có duyên của chàng làm xiêu lòng nhiều thiếu nữ. Dáng người phong độ, gương mặt ưa nhìn, ánh mắt trong sáng, tất cả toát lên vẻ thông thái làm các thiếu nữ ở huyện đêm nhớ, ngày mong…
 Họ đến lớp học cốt chỉ để bàn về thi sĩ hay thơ, đẹp trai hơn là thu lượm kiến thức.
 Trong giờ học, thầy đang bình giảng về thơ, đôi khi học sinh bỗng thấy thầy khựng lại và ánh mắt nhìn ai đó; học sinh nam theo hướng mắt thầy thì phát hiện ra nơi đó là chỗ ngồi của một thiếu nữ tình tứ liếc thầy, khiến thầy bối rối ngập ngừng...
 Tôi không biết ông già tôi đẹp trai cỡ nào mà má tôi cũng hay nói tới điều này. Còn anh Quách Giao, con bác Q,Tấn đã nói với tôi: “Ba em hồi trẻ đẹp trai lắm đó, thiếu nữ nào thấy cũng mê chứ không phải mình má em đâu”

Lớp học của thầy, có hai thiếu nữ khá dễ thương; họ cùng tầm tuổi và vóc dáng. Cô tên Yến, cô tên Lan. Hai cô thương nhau như chị em ruột, đi đâu cũng có nhau. Cả hai đều thương thầm nhớ trộm; mê thơ và giọng đọc của thầy Lan lắm. Một hôm, không biết là vô tình hay cố ý, hai cô nói rõ to như để thầy nghe được “Tao với mày chơi thân nhau như vầy, sau này có lấy chồng, chỉ lấy chung một chàng đẹp trai làm chồng để chúng mình khỏi xa nhau” . Nghe lõm trọn câu nói của hai nữ sinh, thầy Lang tủm tỉm cười ý nhị! Ít lâu sau, cô Yến theo gia đình chuyển vào Nha Trang. Tình bạn của họ bị chia xa. Cô Lan vẫn đều đặn một mình đến lớp thầy Lang học.

Không lấy được chàng thi sĩ, cô Lan nhất quyết đi tu. Cô vào tu tại chùa Sư Nữ ở Phan Thiết. Cả nhà tỏa khắp nơi tìm, nhưng bóng dáng cô như biến khỏi mặt đất? May có bà chị họ đi lễ Phật, gặp, lén báo tin về gia đình. Chàng thi sĩ họ Lâm khăn gói theo anh trai cô, vào tận chùa đón về. Và bài thơ “Phan Thiết”có 18 câu đã ra đời. Xin trích:

           Ôi Phan Thiết, sông Cầu, Lăng Cô, Đà Nẵng
           Đến một lần chỉ để nhớ mãi không khuây
           Đêm lạnh, tóc mai dầm hướng gió
           Nặng tình xanh trăn trở giữa chăn đơn
           Tôi thức uống bầu sao từng hớp nhỏ
           Gạn vô lòng chất biếc mỗi tình thương ….
                                                Tháng 4/1944

Sau bước ngoặc này, cô Lan và thầy Lang gắn bó hơn. Mặc mẹ kế ngăn cản “ Lấy con Lan là lấy gái nạ dòng”; mặc cha cô Lan cấm đón. Hai người vẫn lén rủ nhau xuống bãi biển Qui Nhơn, ra Đập Đá trên những chuyến xe ngựa rất lãng mạng.
Cha cô thấy họ quá quyết tình, đành chấp nhận để con gái cưng lấy chàng thi sĩ mà không màng đến nữa việc có môn đăng hộ đối hay không!
Cô Yến ở Nha Trang nghe tin, gửi thư ra động viên, vun đắp cho hai người nên duyên vợ chồng và tế nhị rút lui lời thề lấy chung chồng năm xửa năm xưa nữa!
 Tội nghiệp, trong lần đi tản cư, chiếc thuyền chở gia đình cô Yến bị lật làm chết hết! Biết tin, chàng thi sĩ Xuân Khai, nhớ lời thề ngây thơ của đôi bạn, và để kỷ niệm tình bạn của họ, ông thay bút danh Xuân Khai thành Yến Lan

Trong cuốn “Phong trào thơ mới 1932-1945” giáo sư Phan Cự Đệ cho rằng, nhóm thơ có cả Bích Khê và Hoàng Diệp. Ông vẫn giữ ý kiến của mình khi tái bản. Điều này, không đúng. Bác Quách Tấn khẳng định “Tứ linh chỉ có 4 người: Hàn, Yến, Quách, Chế. Mỗi người mang tên một linh vật. Theo bác, người đầu tiên dùng bút hiệu của nhóm Tứ linh trong thi đàn là Hoài Thanh.

                                                                            Lâm Bích Thủy

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

CHẤT VIỆT GIAN ĐÃ RÕ - Thơ Đỗ Trọng Tầu

Vừa qua, nhà hàng Thanh Thủy - Cà phê Pensy, ở Đà Lạt, đã bộc lộ sự phân biệt đối xử: khinh thị khách hàng Việt Nam, trọng thị khách hàng Trung Quốc. Bạn Đỗ Trọng Tầu đã làm bài thơ bày tỏ thái độ khi đọc bài viết "CHUYỆN KHÓ CHẤP NHẬN Ở NHÀ HÀNG THANH THỦY - CÀ PHÊ PENSY ĐÀ LẠT".  
(http://bao.click49.net/chuyen-kho-chap-nhan-o-nha-hang-thanh-thuy-ca-phe-pensy-da-lat/)
Chúng tôi xin giới thiệu cùng quý bạn


       
              Nhà hàng Thanh Thủy - cà phê Pensy, ở Đà Lạt


             CHẤT VIỆT GIAN ĐÃ RÕ
       (Tặng nhà hàng Thanh Thủy - Cafe Pensy Đà Lạt)

              Dân Nam khinh rẻ người Nam
        Nằm trong nôi mẹ mà ham ngoại Tàu!
              Ngu đần đầu óc như trâu
        ĐỒNG BÀO hai tiếng, còn đâu hỡi người?!
              Cút sang với chúng mà chơi
        Phản dân hại nước lũ người sài lang!
              Mai sau... lỡ chiến tranh lan
        Chúng làm nội ứng, phá tan nước mình!
              Dân ta suy xét cho minh:
        Chất VIỆT GIAN đã rõ rành mười mươi!
              Cùng nhau tẩy uế cho rồi
        Nhà hàng THANH THỦY ai ơi đừng vào!

                                              Đỗ Trọng Tầu
                                       Bắc giang, 02/8/2016

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

BÀI THƠ "BƯỚC THỜI GIAN " BẰNG 4 SINH NGỮ - Phước Tuyền Ngô Quang Huynh

     BÀI THƠ "BƯỚC THỜI GIAN " BẰNG 4 SINH NGỮ

     1. Bước Thời Gian (Việt Nam)
     2. The Steps of the Time. (English)
     3. Les Pas du Temps. (Français)
     4. Los Pasos del Tiempo (Español)

      

     BƯỚC THỜI GIAN

     Lẳng lặng nhìn trông những tháng ngày,
     Không chơn không cánh hững hờ bay,
     Lặng lờ phút dến, giờ qua lại,
     Tối sáng đêm ngày mãi chuyển xoay...

     Nhìn đến đồng hồ kim vẫn quay,
     Thở đều hổn hễn với hai tay,
     Chạy lui chạy tới không hề mệt..
     Đếm bước thời gian tại cõi nầy...

     Thời gian khởi điểm tự bao lâu ?
     Có phải chăng đây lắm nhiệm mầu,
     Vũ trụ hồng hoang bao thế kỷ ?
     Rồi thành bốn bể với năm châu...

    Thời gian không chậm, chẳng đi mau,
    Tóc mới xanh đen, đã bạc màu,
    Ngoảnh lại giựt mình thân biến đổi,
    Hoàn toàn khác lạ trước và sau...

    Làm sao trói buộc gót thời gian,
    Khỏi sợ qua nhanh với muộn màng,
    Khỏi thấy mặt trời chiều hấp hối,
    Chắc điều hoang tưởng dưới trần gian...

    Biết được thời gian chẳng đợi mình,
    Thường xuyên biến dạng những sắc hình,
    Vạn vật vô thường "sanh với diệt",
    Thời gian không có "diệt và sinh".

    Thời gian đã đến sẽ về đâu ?
    Chuyên chở hân hoan lẫn muộn sầu,
    Ngắn ngủi đời người đi lại đến,
    Giàu sang danh vọng chẳng dài lâu...

    Mọi sự Thiên Cơ đã an bài,
    Kiếp người đã định ngắn hay dài..
    Thời gian hiện tại là quan trọng,
    Cố gắng bình tâm những tháng ngày...

        Phước Tuyền Ngô Quang Huynh
                       (Oct.1, 2013)


Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

CHẬP CHỜN TỈNH MÊ - Tùy bút của La Thụy

Bài viết từ năm 1978, bị bỏ quên rất lâu trong chồng bản thảo, tình cờ tìm thấy lại.


             
                                La Thụy năm 1978


“Voici maintenant ma vieille angoisse, là, au creux de mon corps, comme une mauvaise blessure que chaque mouvement irrit. Je connais son nom. Elle est peur de la solitude éternelle, crainte qu'il n'y ait pas de réponse”.
                 (Trích trong tác phẩm Le Malentendu của Albert Camus)

Hình như Bùi Giáng dịch thì phải, mình không nhớ rõ. Nếu đoạn văn dịch bên dưới không đúng thì coi như La Thụy phụ dịch:
 
“Và ở đây, bây giờ, niềm khắc khoải hãi hùng xa xưa từ trong sâu thẳm của hình hài, tựa như chấn thương tồi tệ, nhức buốt theo từng mỗi cử động. Tôi biết tên nó. Đó là mối sợ cô đơn ngàn thu không tiếng đáp”

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

XƯƠNG RỒNG CHỢT NỞ HOA - Thơ Kha Tiệm Ly

 
    

       
        XƯƠNG RỒNG CHỢT NỞ HOA

        Ta quen em chưa tàn cuộc rượu chiều,
        Mà như đã bao đời tri kỉ.
        Ta hạt cát mang thân hàn sĩ,
        Em loài hoa hương sắc mỹ miều.

        Cát quên hẳn đời gió đùa nắng dội
        Như ta quên một kiếp nặng phong trần.
        Nắng sa mạc vẫn mát lòng đá sỏi,
        Vì bên em, hoa nở cánh thiên thần.

        Khi tình em nhuốm thơ ta cháy đượm
        Dù nắng hanh, hoa cũng chẳng hao gầy.
        Trăng còn nhuộm cho vàng thêm lá úa
        Rượu ngọt ngào sao lại chẳng cho say?

        Xa rồi thuở hận tình theo gió cuốn,
        Đá bơ vơ cùng sa mạc ngậm buồn.
        Từ bếp tình nồng em cháy đượm,
        Mới biết hoa chiều vẫn đậm sắc hương.

        Khi lời em thành cung đàn huyền diệu,
        Vớt hồn ta chìm tận đáy ly sâu.
        Hết một thuở phong ba đùa sỏi đá,
        Hay từng đêm lặng lẽ uống trăng sầu.

        Bỗng rơi xuống xuống một mầm hoa rất lạ
        Nẩy chồi lên sau một trận mưa rào
        Cám ơn em, loại hoa bên sỏi đá
        Chẳng phi đời ta khi tóc đã thay màu

                                           Kha Tiệm Ly


Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

VIDEO CLIP "RAY RỨT MÙA XUÂN" - Thơ Xuân Ly Băng


            
             Nhà thơ Xuân Ly Băng

Trong nắng đẹp ngày xuân hòa bình hôm nay, chạnh nhớ lại mùa xuân ly tán trong chiến tranh tang tóc của đất nước một thời phân chia, ai mà không chao động cõi lòng, rưng rưng cảm xúc cho non sông bị tàn phá , ruộng nương nhà cửa bị bom đạn cày xới, thấm đẫm máu người. Sinh ly tử biệt sầu dâng! Càng mũi lòng rỏ lệ cho nỗi lòng của người con xa xứ, biệt bóng quê nhà, đau đáu dõi trông về Đất Mẹ bên kia giới tuyến, trĩu nặng khối tình,“ray rứt mùa xuân”.  Xin giới thiệu video clip RAY RỨT MÙA XUÂN. Thơ của Xuân Ly Băng tức Đức Ông  LM Goan Baotixita Lê Xuân Hoa cảm tác từ đầu thập niên 1960.  


      

       RAY RỨT MÙA XUÂN

       Đường về mỏi cánh chim bay
       Còn xa hút lắm núi mây… hỡi trời!
       Ta buồn từ độ đôi mươi,
       Mùa thu năm ấy lá rơi phũ phàng…
       Xa quê trong một chiều vàng,
       Bờ tre bến nước xóm làng đìu hiu
       Nghĩ thôi một sớm một chiều,
       Con đò tìm được bến yêu mà về…
       Ngờ đâu biền biệt sơn khê,
       Nhìn mây phương bắc mà tê tái lòng! 
       Mỗi năm một độ mùa đông,
       Mười bảy năm ròng lá rụng hoa rơi…
       Mai nay xuân đã đến rồi,
       Cành mai lại nở sáng ngời hoa mai…
       Nhìn hoa hồn lạnh u hoài,
       Nhớ cành đào cũ ở ngoài quê xưa…
       Đau lòng sớm khổ chiều trưa…
       Biết mấy cho vừa thương nhớ cố hương!
       Ai gây nên nỗi đoạn trường?
       Ai làm nên cảnh nhiễu nhương sơn hà?
       Cho mùa xuân giết mùa hoa,
       Cành mai chích máu trong ta cành đào!
       Nửa đời khổ chuyện binh đao,
       Máu sông xương núi dâng cao ngập trời!
       Thương dân thương nước ngậm ngùi
       Thương người chiến sĩ dập vùi sơn khê!
       Mưa ngàn gió núi lê thê…
       Ngày đi thì có ngày về thì không!
       Mẹ quê đau khổ tràn lòng
       Còn đâu nước mắt để hòng thở than!
       Dân lành bao kẻ chết oan,
       Đồng khô, suối nước, mép ngàn phơi thây!
       Thương người quả phụ hao gầy,
       Tang chồng chưa mãn lại ngày tang con!
       Khăn sô phủ trắng linh hồn,
       Còn đâu máu hận mà hờn chiến tranh!
       Tội tình gì mái đầu xanh?
       Mẹ nào còn sữa mà giành em ơi!
       Xuân sang thương cảm bời bời…
       Nhìn cành mai nở đầy trời hoa mai!
       Mà hoa có biết lòng ai?

                                  Xuân Ly Băng  

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

TÌNH XUÂN - Thơ La Thụy


            

                              TÌNH XUÂN
                      (Tặng Phạm Tường Đại)
  
              Bướm vàng điểm phấn má hồng nhung
              Thánh thót cung đàn gọi cõi không
              Xôn xao nhựa chuyển run cành lá
              Phơi phới tình xuân phả nhạc lòng.

              Thấm đẫm sắc trời ngây ngất biếc
              Thời gian chao cánh dậy mầm thơ
              Thu tàn đông tạ quay tròn đất
              Mây nước hồi sinh rạo rực mùa.

              Gió khẽ vương hương hồn cây cỏ
              Oanh yến hòa ca ấm điệu vần
              Ờ thiên kỷ hết ta còn đó
              Vật đổi sao dời xuân vẫn xuân               

                                               La Thuỵ