Làm thế nào để biết một nhà thơ đang nói thật?
Người đi, người đi, người đi. Vừa bước vừa vấp
Tác giả cho phép người đọc đến gần, nhìn thấy những nhược điểm
của mình.
Trong văn chương, có hai cách nói thật. Một là thành
thật, tức là tự bộc lộ trước người khác. Hai là tuyên bố về sự thật, kể lại sự
thật. Như chúng ta sẽ thấy sau đây, nhiều lần Nguyễn Quang Thiều nghiêng về phương
pháp thứ nhất, đi đến cùng phương pháp ấy, ngay cả khi có vẻ như anh đang nói về
một người khác. Vừa bước vừa vấp ở đâu?
Trên đường. Con đường là lịch sử văn hóa, nhưng lịch sử có thể nhầm lẫn,
văn hóa có thể là huyền thoại.
Con đường
Con đường
Con đường
Dắt ta về hồ nước cũ
Tuyển tập thơ Châu thổ mở đầu với bài Lễ tạ. Chỉ có lá,
không hoa. Trước anh một thế hệ:
Đường
ra trận mùa này đẹp lắm
(Phạm Tiến Duật)
Hồn nhiên, thẳng tắp.
Hoặc, rất khác:
Con đường
đáo nhậm xa như nhớ
(Tô Thùy Yên)
Phân vân, mờ ảo.
Ngược lên trước đó hai thế hệ, một người trẻ tuổi từng mơ ước:
Ngày trở
lại quê hương
Đường
hoa khô ráo lệ
(Quang Dũng)
Nhưng lệ vẫn chảy trên đường. Con đường là
một ý tưởng, nhưng sự xuất hiện tự phát của một hình ảnh không có nguồn gốc,
trong ý thức, là điểm khởi đầu của quá trình sáng tạo. Con đường dắt ta về hồ nước
cũ là một hình ảnh, hơn thế nữa, trở thành một trong những đầu mối tương
thông giữa bài thơ và người đọc, khơi dậy ở người đọc những đường dẫn liên kết
họ với nhau, như trong khái niệm ý thức tập thể của Jung. Nguyễn Quang Thiều tạo
ra hình ảnh mới, nhiều hơn là tạo ra ngôn ngữ mới. Anh tìm thấy chúng trong môi
trường quen thuộc, phát hiện trở lại điều có sẵn, chưa ai nhận ra. Phương pháp
của anh giản dị và, do đó, lạ thường:
Tôi đi
tìm vợ tôi
Người
đàn bà cài chiếc cúc đoan trang
Một người đàn bà đoan trang nhưng đã thất lạc?
Chuyện gì xảy ra? Khi bỏ lại sự giản dị phía sau để mô
tả ý tưởng mới, anh loay hoay với cách dùng chữ:
Ta giấu một tình yêu chưa giới tính
Sau nâu nâu vạt áo học trò
Tình yêu chưa giới tính là một chữ mới,
nhưng khó lặp lại.
Cũng với ý thức rõ ràng, nhưng anh đã thành công hơn, cũng
trong bài Mười Một Khúc Cảm, một trong những bài thơ hay nhất của anh:
Tiếng
người gọi hai bên thiêm thiếp cỏ
Ta khổ
đau lần thứ nhất trên đời
Sức nặng nằm ở câu thứ hai. Nhưng cái mới trong
thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn chung lộ ra ở cặp ý tưởng- hình ảnh. Khi đi với
nhau, hình ảnh dễ gây chú ý; tuy thế, vẫn có một ý tưởng đơn tuyến xuyên suốt bài
thơ, xâu chuỗi. Chính điều này làm cho thơ anh dễ hiểu so với nhiều nhà thơ mới
khác, mặc dù anh dùng nhiều chữ, dùng kỹ thuật lập lại, làm nản lòng một số người
đọc.
Tôi nghĩ rằng trong tương lai, nếu tiếp tục sáng
tạo, thơ anh sẽ phải khó hiểu hơn nữa, dĩ nhiên không phải để đánh đố người đọc.
Khó hiểu hay dễ hiểu không phải là đức
tính của thơ. Có một sự dịch chuyển trong thơ đương thời, từ chỗ là thơ của
công chúng trở thành thơ của cá nhân. Nhà thơ trước đây cần nhiều sự tán đồng của
người đọc; hiện nay sự cần thiết ấy không tuyệt đối. Thơ càng riêng tư, gắn bó
với một số độc giả chọn lọc, càng đánh mất các độc giả khác. Khoảng cách giữa
nhà thơ và số đông ngày càng xa, và cái cầu giữa họ với nhau các nhà phê bình của
chúng ta chưa bắc xong. Thơ mới bao giờ cũng có tính thách thức vì chúng chứa các
bí mật. Một bài thơ cần được đọc nhiều lần, mỗi lần đem lại một ý nghĩa khác.
Muốn biết, đối với bạn, bài thơ thành công hay không, cần đọc lại vài lần. Mặc
dù mỗi ngày bạn đến gần hơn, nhìn sát mặt nó, trở đi trở lại như người quen, một
bài thơ thành công dù mới hay cũ bao giờ cũng giữ được sự tươi mới lộng lẫy,
như một người đàn bà đẹp ngay lúc giận dữ trước số phận vẫn tỏ ra duyên dáng.
Mày xanh trăng mới in ngần. Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa (Kiều).
*
Thiên nhiên của Nguyễn Quang Thiều vừa là chất liệu sáng tạo, là chủ đề, vừa là môi trường nuôi dưỡng quá trình sáng tạo ấy. Ngày càng trở thành một hiện thực hoảng loạn, thiên nhiên vẫn còn là nơi trú ẩn của tâm hồn giữa những vấn nạn xã hội mà nhà thơ không tìm thấy câu trả lời.
Những chiều xa quê tôi mong dòng
sông dâng lên ngang trời cho tôi được thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như
hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được dàn dụa nước mưa sông.
Hình
như so với những thế hệ trước, ngày nay tâm hồn chúng ta phức tạp hơn nhiều
quá, thiên nhiên buồn hơn, vừa chật chội vừa trống trải; trong những câu thơ của
anh đọc thấy nỗi chán chường, mệt mỏi, vừa chối bỏ, vừa tha thiết trở về. Ngày
nay có vẻ người đọc cần phải thông cảm với nhà thơ nhiều hơn, kiên nhẫn hơn, chịu
khó hơn, “miễn thứ” cho tác giả nhiều hơn, thì mới mở được cánh cửa của thơ mới.
Khi đọc:
Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run nghe lạnh nỗi hàn bao la
(Huy
Cận)
Khung
cảnh hiện ra xa vắng, giá lạnh, tác giả cô đơn, nhưng tâm trạng ấy hoàn toàn có
thể hiểu được: trời mưa, vì mưa nên mờ tối, vì mờ tối nên chật hẹp, vì chật hẹp
nên làm nhớ không gian, vì nhớ không gian nên đã lạnh càng lạnh thêm vân vân. Mặc
dù vắng vẻ cô đơn, cả hai, nhân vật và không gian, vẫn hiện ra như những khái
niệm toàn vẹn. Nhưng:
Đã
khóc, chìm vào mê sảng, và bắt đầu nức nở
Những
chiếc lá trên đầu ta mang số phận sẵn rồi
Là một thiên nhiên tuy gần gũi, không xa cách, mà vẫn giá lạnh,
là một hiện thực suy tàn mà các nhân vật của thơ anh mắc kẹt vào:
Trong ký ức buồn bã và mãi mãi thì
thầm
Nhịp điệu đẹp, máy
móc, lạnh lùng. Người ta ngơ ngác: có một điều gì rất ngăn cách giữa nhà thơ và
người đọc, không phải kiến thức, hiểu biết mà là ngăn cách tâm hồn. Họ khác
nhau nhiều quá: nhà thơ và người đọc ngày nay có vẻ không thích nhau lắm. Lỗi của
nhà thơ hay của người đọc? Cả hai, hay chẳng của ai cả. Lỗi của thời đại, của sự
đảo lộn các giá trị, của các cuộc chiến tranh, của khuynh hướng phát triển bằng
mọi giá, của các học thuyết, các ảo tưởng về chân lý, của sự dối trá đầy rẫy
trong lịch sử chúng ta, giữa chúng ta, bên trong chúng ta. Thơ cố
gắng chống lại điều ấy, sự tan rã ấy, làm cho cấu trúc tinh thần của xã hội trở
nên chặt chẽ, thế giới bớt tan tác, nối kết vào nhau. Nhưng trong thơ, giải ảo tưởng, giải huyền thoại
cũng có những nguy hiểm, vì thơ không thuyết minh, không đặt ra những bước chuẩn
bị, lập tức phá tan các vòng đai an toàn, đặt người làm thơ và người đọc vào trạng
thái bị chiếu sáng gay gắt.
Có hai loại thơ không thành
công: những bài thơ dở của một nhà thơ hay, như là cái bóng của những bài thơ
hay của nhà thơ ấy, tuy không hay nhưng có vai trò cần thiết. Loại thứ hai là:
những bài thơ dở đứng một mình, không cần thiết cho ai, vì chúng chứa các phẩm
chất giả tạo. Nguyễn Quang Thiều là một trong vài nhà thơ đầu tiên chỉ ra một số
tính chất căn bản, trước đó vốn là những cấm kỵ văn học, của người cùng thời
quanh anh. Một cách nhiều lời:
Họ chạy
trốn, không. Không kẻ nào nhìn thấy con đường thật của họ
Bởi thế họ hiện ra trên con đường khác trong cái nhìn của ảo giác đê hèn
Họ chạy trốn, không, họ chỉ nhóm lửa không giống và thì thầm không giống
Bởi thế họ hiện ra trên con đường khác trong cái nhìn của ảo giác đê hèn
Họ chạy trốn, không, họ chỉ nhóm lửa không giống và thì thầm không giống
Khi đạt tới sự trong sáng, gọn gàng hơn, câu thơ đầy sức mạnh:
Lặng lẽ đi qua cầu
Chúng ta chọn con đường đến với
nỗi sợ hãi
Nỗi
sợ hãi của ai? Anh thuộc về truyền thống nào? Thơ anh tách ra khỏi dòng thơ truyền
thống, trở thành tiếng nói riêng biệt. Như người đi trong mơ, anh xác lập một
hiện thực thứ hai của lịch sử và ngôn ngữ, của khát vọng và hoài niệm, tình yêu
nam nữ và tình thương xót đối với phụ nữ, thiên nhiên như vấn đề văn hóa và
thiên nhiên như vấn đề môi trường, và từ trên nền của những kết hợp ấy, anh là
kẻ phê phán nghiêm khắc nhưng lặng lẽ. Giấc mơ: đó là một đời sống được xem xét
kỹ về mặt nghệ thuật; hay cái mà các nhà sinh lý học sáng tạo thường gọi: bán cầu
não phải hoạt động mạnh hơn trong các bước nhảy. Cách anh chọn chất liệu là một
ví dụ. Các nhà thơ xưa thường chọn chất liệu: mây xưa, hạc cũ, trăng vàng, một
đời sống hiền hòa, nhưng sang trọng và xa vắng. Các nhà thơ Thơ Mới gần hơn với
đời sống hàng ngày, nếu có lãng mạn cũng là cái lãng mạn cụ thể. Thật ra chính
phương cách sử dụng của nhà thơ đối với chất liệu mới làm nên tính đặc trưng của
chúng. Chúng ta xét hai trường hợp sau đây trong cùng một bài thơ khá nổi tiếng
của anh:
Một bàn
tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi
Bàn tay kia bấu vào mây trắng
Bàn tay kia bấu vào mây trắng
Nguyễn Quang Thiều vốn
không hẳn là nhà thơ siêu thực. Anh đã chọn phương thức biểu hiện thành công vì
ngôn ngữ của anh tham gia vào các hình ảnh, vận động giữa các giác quan như một
hình ảnh, tức là một hình tượng. Nhưng khi anh viết tiếp:
Sông gục
mặt vào bờ đất lần đi
Thì không thành công lắm,
vì ngôn ngữ biến thành phương tiện diễn đạt. Sông gục mặt không phải là một hình ảnh thuyết phục. Ẩn dụ là dùng
một vật này để nói một vật khác, là sự dịch chuyển của ý nghĩa từ nơi này đến
nơi khác, nhưng trong trường hợp đạt đến mức nghệ thuật, chúng không được quá
xa nhau, mà phải nằm trong các mối liên kết sẵn có từ trước (pre-existing
connections), trong tấm lưới của vô thức cộng đồng. Trong bài thơ này, anh
không nhận ra điều ấy, và quả nhiên lập lại một lần nữa, ở đoạn gần cuối:
Và cá
thiêng lại quay mặt khóc
Và một lần nữa, khi hạ chữ
ngơ ngác, có phần không thích hợp.
Trước
những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi.
Mà đây là bài thơ có khả năng trở thành bài thơ rất hay. Tôi
không có ý cho rằng mỗi câu thơ của anh đều phải chứa một hình ảnh quan trọng, mỗi
chữ phải là một thông điệp. Thơ cũng như người, cần vận động trong không gian rộng,
thoáng, nhiều không khí hơn là giữa chiếu chăn, bàn ghế chật hẹp: nó cần rất
nhiều khoảng trống hư từ.
Bầy kiến đen đi qua bàn tiệc
Như lang thang qua bãi chiến trường
Đầy mảnh thịt của gia súc
Đầy xác chết của rau thơm
Quả ớt đỏ như lá cờ rách nát
Hiếm khi Nguyễn Quang Thiều có một ngôn ngữ hài hước, châm
biếm, trong khi vẫn mượt mà, như thế. Đó là về một bữa tiệc, không khí sau bữa
tiệc, chán ngán, thất vọng, phẫn nộ.
Trích từ một trong những bài thơ thành công, tiêu biểu cho phương pháp nhân
cách hóa.
Anh viết dàn trải, ngôn ngữ phủ rộng khắp, hơi thơ dàn dụa mạnh
mẽ. Nhưng những người có khuynh hướng viết dài có thể thừa chữ, thừa câu và tự lập
lại.
Bóng đêm
vẫn vây bọc chàng mỗi lúc một dày trong thị xã bé nhỏ này không ai thức cùng
chàng
Chỉ có
chàng đang ngồi trước một kẻ là chàng, kia những ngón tay thô, kia cặp môi dày
luôn luôn nung trong lửa
Thơ trữ tình phát sinh từ cảm xúc, nhưng đôi khi anh cũng rơi
vào trạng thái quá mẫn cảm:
Con
ốm đau ngồi ho bên cửa
Những
con thuyền ốm đau nằm đâu
Tập thơ Châu Thổ, sự tuyển chọn lại từ các tập
trước đây của Nguyễn Quang Thiều, gồm những bài thơ về cuộc sống hàng ngày, thơ
tình, thơ về những chuyến đi xa, về cây cối, mùa màng, về súc vật, về gia đình,
người thân, bi ca, thơ tự do, thơ có vần. Những bài thơ thành công của anh có
nhịp điệu gần với âm nhạc, như trong hầu hết các bài anh viết về cha, mẹ, con trẻ,
người thân yêu, sự vận động của câu thơ dồn dập. Những bài thơ không thành công
rơi vào tình trạng: ngôn ngữ nhiều hơn hình ảnh, hình ảnh nhiều hơn ý tưởng,
xúc cảm không mạnh, kết thúc có thể đoán được, nhưng anh vẫn ít khi phạm lỗi cliché.
Cộng đồng các nhà thơ tiếng Việt là một tập thể rời rạc chia cách, Nguyễn Quang
Thiều lại thuộc dòng thơ tách rời khỏi truyền thống, vì vậy sự phát triển của
riêng anh, đối với tôi, vừa có nhiều nguy nan, vừa đáng thán phục: anh gần như
không dựa vào ai, không xuất phát từ ai, chỉ nối kết về mặt nghệ thuật với một
vài nhà thơ cùng thời; trong tình cảnh ấy không có gì đáng ngạc nhiên là, trong
một số trường hợp, thơ anh bị chê, được khen vì những lý do ngoài văn học, và thiếu
một mạch phê bình dành riêng cho nó.
*
Đọc thơ cần có cảm hứng. Cảm hứng đến từ đâu? Từ
hai phía, người đọc và bài thơ. Người đọc không nhất thiết đi tìm toàn bộ các ý
tưởng, tổng số hình ảnh, nhưng kẻ ấy phải mở được đường vào. Đường vào bài thơ có
khi như cánh cửa, có khi là toàn bộ bài thơ xuất hiện cùng lúc, trong giây phút
ấy người đọc tiếp nhận tất cả kinh nghiệm. Trường hợp Nguyễn Quang Thiều, đối với
tôi, gần như bao giờ cũng là hình ảnh. Vì sự tiếp nhận ấy không đầy đủ, nên tôi
muốn trở lại. Mỗi lần đọc, bài thơ của anh xuất hiện một cách khác. Tác phẩm có
thể được sáng tạo nhiều lần, có thể được viết trong năm phút hay trong năm năm,
điều ấy chẳng hề chi. Vì vậy mà trong văn chương, chuyện xuất khẩu thành thơ,
đi bảy bước làm bảy câu thơ, chỉ có tính cách giai thoại mua vui. Điều quan trọng
là mỗi lần đọc, bao giờ cũng là một lần đọc mới, ở thì hiện tại. Bởi vì thơ trữ
tình được viết ở thì hiện tại.
Cỏ đuôi
chó em tết con chó nhỏ
Ta xa nhau chó héo đuôi rồi
Ta xa nhau chó héo đuôi rồi
Hình ảnh đẹp, ý đẹp, nhưng anh lập lại ba lần một
chữ khó, hơi vụng về. Thế mà tôi vẫn cứ quay lại với hai câu thơ này, vì nếu
người đọc được dẫn dụ, anh ta sẽ đi ngược thời gian, tìm cách sắp xếp lại các sự
kiện. Khuynh hướng của một số nhà thơ hiện nay là sử dụng ngôn ngữ như một
phương tiện biểu đạt cho sự làm mới, vốn là nhu cầu tất nhiên của sự phát triển.
Sau khi thoát khỏi những ràng buộc chặt chẽ của các quy luật của thơ truyền thống,
sau khi chính những kẻ cầm cân nảy mực cho các quy luật ấy cũng sa vào trạng
thái mơ mơ hồ hồ, ngơ ngác, vì hệ quy chiếu thẩm mỹ của họ đang bị đe dọa sụp đổ,
thì những người viết mới như chim sổ lồng sung sướng bay lên bầu trời tự do,
nhưng họ không bay xa vì quên để ý đến vần điệu, tức là quên đập cánh thường
xuyên, vốn là một thứ lao động đơn điệu và nặng nhọc, không lãng mạn chút nào.
Vần điệu trong thơ là thứ làm ổn định, làm cho các
yếu tố gắn bó với nhau, các quan hệ bớt lỏng lẻo, trở nên chặt chẽ. Nhờ nén lại
như thế mà không gian của bài thơ mở rộng
ra. Thơ tự do dàn trải, như thơ của Nguyễn Quang Thiều và các nhà thơ mới khác,
khi cởi bỏ các ràng buộc của thơ truyền thống, lập tức đối diện với thử thách mới:
họ phải làm cho không gian của bài thơ rộng ra hơn nữa trên một nền đã giãn nở,
một công việc khó khăn hơn so với các nhà thơ trước đây. Đôi khi họ nhận ra điều
ấy; đôi khi không. Bài thơ của Nguyễn Quang Thiều thường khởi đầu bằng một ý tưởng
mạnh và kết thúc bằng một hình ảnh hoặc là ngược lại, làm cho khả năng triển nở
của bài thơ trở nên dễ dàng hơn. Như khi anh mở đầu:
Tôi tựa lưng vào bức tường xám
mốc
Và kết thúc:
Tôi sẽ ngủ với họ thế nào
Có những trường hợp khác, anh cố gắng đem nhiều thứ vào một câu. Vì vậy mà câu cuối bài thơ Cánh đồng:
Xa tít
một lưỡi cày mơ tên gọi vì sao
Là một hình ảnh phức, hoặc hai hình ảnh, mà mối
liên kết giữa chúng lỏng lẻo, hoặc là một cấu trúc rối. Thơ có thể mờ nhưng
không nên rối. Câu kết thúc một bài thơ thường là điểm “hạ cánh” quan trọng, từ
đó nhìn ngược lại có thể thấy toàn bộ quá trình sáng tạo của bài thơ. Thơ Nguyễn
Quang Thiều có những đoạn kết gây cảm giác thỏa mãn, mở ra, dồi dào ý tứ như
sau đây, nhưng chúng không xuất hiện đều đặn.
Hình như có một bậc cửa cho tôi bò qua
Nơi ấy sóng trăng đang vật vã.
Nơi ấy sóng trăng đang vật vã.
*
Thơ
Việt Nam
mấy mươi năm qua có phải là người làm chứng của thời đại mình? Tôi nghĩ là
không. Hầu hết các nhà thơ của chúng ta im lặng hoặc chọn im lặng trong tác
phẩm trước những sự kiện xã hội, khi ngôn ngữ bị giày vò, thoái hóa. Khi đọc
thơ Nguyễn Quang Thiều, như trong tập Châu Thổ, tôi có một thứ ảo giác, ngày
một dâng lên, như sương khói. Các ý nghĩa của bài thơ khi mờ khi tỏ, các phần
khác nhau của bài thơ có liên hệ mật thiết nhưng không kém bất ngờ, đó là mối
liên hệ giữa ý thức và vô thức, giữa bán cầu não trái và bán cầu não phải, chỗ
lằn ranh của quầng ánh sáng một ngọn đèn trong đêm tối. Đọc thơ anh là sự thách
thức, là cảm giác sợ hãi trước số phận con người, là cảm giác đứng trước thương
tổn. Anh là trường hợp điển hình của cố gắng vượt ra khỏi đám đông, bằng ý
thức, trong khi chính anh tự nguyện hoặc bắt buộc phải bước vào đám đông ấy,
sống với họ mỗi ngày, vật vã, trả giá, để giữ được bản sắc, một thứ bản sắc vừa
nhân bản vừa hoang dại.
Đó là
những từ vựng mệt mỏi và đổ đốn
Nhưng
có một buổi trưa
Tôi phải
chung sống
Như
chúng ta từng chung sống với ruồi
Những vấn đề cấp thiết đương thời không thể hiện
trực tiếp trong thơ Nguyễn Quang Thiều, mặc dù vậy phía sau mỗi bài thơ của
anh, bất kỳ anh viết về đề tài nào, với chất liệu gì, đều trang trải một nỗi buồn
nhân thế rất chín, rất dày, những suy tư gần chạm tới triết lý về con người.
Những con chim xanh của tâm hồn nàng đập cánh không ngưng nghỉ
Tìm lối thoát ra khỏi thân xác của nàng
Đó là ngôn
ngữ đẹp, vô tội, ngôn ngữ thân phận. Tuy thế, thỉnh thoảng đối với tôi, như
trong một ngày đầy tin dữ, chúng vẫn toát ra vẻ đẹp phù phiếm. Bạn có thể hỏi: nhưng liệu
thơ có phục vụ cho một mục đích cụ thể nào không? Chính trị, luân lý, giáo dục,
gợi ý cho các giải pháp xã hội hay môi trường? Các nhà thơ của chúng ta hiện
nay có nhiệm vụ gì? Hay họ đã được người đọc cởi bỏ khỏi tất cả các nghĩa vụ rồi?
Và lúc đó có người đứng dậy
Đi vào bóng tối
quay nhìn lại
Thấy mình mẩy chúng ta cắm đầy
giáo
Phóng tới từ một đấu trường khác
Kết thúc mạnh mẽ, nhưng nội tâm hóa, phi xã hội. Các nhân vật
“chúng ta” của bài thơ có trích đoạn trên đây không lên tiếng phản đối nhưng từ
chối tham dự vào trò chơi của lịch sử, từ chối làm kẻ đồng phạm: anh đang tiến
dần tới một nền văn chương của nạn nhân.
Họ chạy
trốn không nguyền rủa, không tuyên bố, không hoảng hốt, chỉ đau đớn, chỉ có chuẩn
bị.
Tôi cho rằng trong khi việc đòi hỏi nhà thơ phải phục vụ xã
hội là một đòi hỏi hoặc ngây thơ hoặc quá độc đoán, người đọc vẫn có quyền chờ ở
họ sự lắng nghe, chia sẻ. Các nhà thơ Canada Lorna Crozier và Patrick Lane , trong
một lần đến thăm Chile ,
đã nghe người dân nói: “chúng tôi kể cho các bạn nghe chuyện này vì các bạn là
người nhạy cảm, vì các bạn là những nhà thơ” (“we are telling you this because
you are sensitive people, because you are poets”). Có phải Nguyễn Quang Thiều
đã chọn cách trả lời riêng cho anh về vấn đề này: như một nạn nhân, trở về với sự
cứu rỗi?
Hỡi Chúa
Trời, xin cho con được quỳ dưới chân người, xin cho con được cất lời cầu nguyện
Ngôn ngữ thơ ca chỉ biểu hiện một trong ba thứ sau đây: sự
đau khổ của con người, đối thoại giữa những người đau khổ ấy, và sự thăng hoa. Tập
thơ Châu thổ có nhiều yếu tố của khuynh hướng siêu nghiệm (transcendence),
trong bối cảnh thiên nhiên thơ mộng và sụp đổ, vượt lên từ chứng nghiệm cá nhân. Dịu dàng đối với cuộc đời,
ít hài hước, ít châm biếm, thơ Nguyễn Quang Thiều buồn rầu nhưng không nghiêm
khắc. Ở trên tôi có nói rằng, Nguyễn Quang Thiều đã chọn phương pháp thứ nhất để
nói lên sự thật. Thật ra, nhiều hơn một lần, anh đã viết khác. Khi đó, anh gây
ngạc nhiên ở người đọc, làm họ bực bội, như chúng ta có thể đọc rải rác đây đó.
Những người đàn bà vác dậm đi thành
một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
Người họ bọc kín bởi những lớp vải
nâu và đen
Chỉ đôi tay, đôi chân và đôi mắt lộ
ra
Anh đã giản lược hóa các nhân vật, tối thiểu hóa
các xúc cảm thành hình ảnh của thị giác (khác với hình ảnh trong tâm trí), lột
hết phần hồn của họ, đi rất xa về hướng hậu hiện đại, vốn không phải là trung
tâm của thơ anh, ít nhất là cho đến nay. Anh là người kháng cự lặng lẽ.
*
Nhiệm vụ quan trọng nhất
của một bài thơ là chỉ ra cho người đọc cách đọc nó.
Nhưng người đọc đi tìm điều gì trong thơ? Họ đi tìm sự bù đắp
cho một tâm hồn thiếu sót, lời cắt nghĩa cho một vết thương, sự toàn hảo cho thế
giới không toàn hảo. Họ đi tìm lại giấc mơ trong đêm bị xóa dưới mặt trời, sự
tò mò hăm hở đối với vạn vật, lời an ủi trước khi nhắm mắt, bàn tay đặt lên cuộc
tình lầm lỗi, sự phẫn nộ trước nghịch cảnh, tội ác. Khi những nhu cầu ấy của
người đọc không được thỏa mãn, họ bỏ sách xuống, bài thơ thất bại. Họ hứa quay
trở lại, nhưng bạn tin tôi đi, never,
jamais. Người ta than phiền: thơ mới ngày càng khó hiểu và tối tăm.
Khó hiểu và tối tăm là hai tính chất khác nhau.
Khó hiểu là đặc trưng của thơ mới, tối tăm là đặc
trưng của thơ dở. Khi một vật đập vào mắt ta, đánh thức sự lãnh đạm của người
quan sát, sẽ làm bật lên sự chú ý. Sự chú ý có thể xảy ra trong chốc lát rồi biến
mất, có thể kéo dài nhiều ngày, hay biến mất rồi trở lại. Khi nào sự chú ý này
trở thành nỗi ám ảnh, dù đó là hình ảnh, âm thanh hay ý tưởng, lúc đó sự chú ý
mới chuyển thành trạng thái khác là cảm xúc có tập trung.
Hình như cho đến nay dư luận báo chí đối với thơ
Nguyễn Quang Thiều chỉ chú ý đến sự khác lạ của cách dùng chữ của anh, ví dụ:
- Cầu
thang gỗ đến giờ đau răng, rên rỉ
- Những chân trời gập khúc
xuống mùa đông
- Những sư tử,
những báo gấm, những hổ của rừng mang dáng vẻ kỳ vĩ đang mục ruỗng từ bên trong
Nhưng sự khác lạ này, ngay khi hoàn toàn thích hợp,
như vẫn thường xảy ra, không phải là tính chất cốt tủy của sự làm mới. Đó là sự
khác lạ của các thủ thuật tu từ, vốn có tính chất bài tập, và sẽ dễ dàng bị vượt
qua bởi các nhà thơ đến sau và dĩ nhiên, trước hết bởi chính anh. Nhưng khi sự làm mới nằm sâu hơn, như trong bài
thơ dưới đây, nó sẽ gây rung động như câu chuyện được bồi hồi nhớ lại vào buổi
sáng tinh sương:
Thức dậy từ cơn mơ, cả cúc áo cũng không
cài hết
Cả tóc không kịp buộc, không kịp cả dặn dò
Tôi và em chạy về từ hai miền xa lạ
Qua những cánh đồng, cỏ bần bật run lên
Cả tóc không kịp buộc, không kịp cả dặn dò
Tôi và em chạy về từ hai miền xa lạ
Qua những cánh đồng, cỏ bần bật run lên
Một
giấc mơ trong một giấc mơ.
Có
một yêu cầu chung đối với các nhà thơ làm mới đương thời: khả năng tự làm trống rỗng mình.
Không
còn căn cước nữa.
Nguyễn
Quang Thiều không viết nhiều thơ tình, nhưng hình ảnh người phụ nữ bàng bạc
trong thơ anh. Anh mô tả họ với tình yêu nồng nàn và bao giờ cũng với lòng
thương xót, nghĩ ngợi, với một niềm hối hận mà tôi không rõ nguyên cớ từ đâu.
Đêm nay anh không biết
em ở đâu
Nhưng chúng ta cùng
chung một cơn mưa
Đó là nghệ
thuật của tính riêng tư. Khi anh nói về phụ nữ, ngôn từ tìm được sự giản dị, bộc
lộ trước hết trong nhịp điệu. Thơ Nguyễn Quang Thiều có nhịp dồn dập vì anh có
nhiều gánh nặng: gánh nặng của đời sống đô thị, gánh nặng của giấc mơ đầy tình
yêu con người, và gánh nặng của quá khứ, của những người khác. Tôi có cảm giác
anh không hoàn toàn miễn nhiễm trước một thứ gì như là sự ngưng trệ quanh anh,
như vũng lầy của đời sống, nhưng anh, như một người thừa bản sắc tốt đẹp, mãi
mãi, mỗi ngày, tìm cách vượt lên khỏi chúng. Gánh nặng quá khứ trong anh là gì?
Đó là sự chia sẻ các truyền thống, là sự kế thừa các giá trị ngắn hạn và dài hạn
do hoàn cảnh riêng. Từ rất sớm, anh đã bước đi trên mảnh đất của văn hóa đương thời,
nhưng mặt khác thỉnh thoảng vẫn quấn chân vào đám cỏ dại ven đường, vốn là thứ cũng
thân thuộc. Nếu phải chọn hình ảnh tập trung nhất, nỗi ám ảnh thường xuyên, tôi
sẽ chọn cánh đồng và người phụ nữ.
Thiên
nhiên và phụ nữ. Đó là hai mối nương tựa chính yếu của thơ anh, bao giờ cũng gắn
bó mật thiết với ký ức nông thôn, với bụi bặm kinh thành, với mối thương yêu mà
trời ban cho để anh sống qua những thời kỳ đen tối của trí tuệ cộng đồng. Có một quan hệ, một đường dẫn truyền về
hình tượng cắm sẵn trong vùng sáng tạo, khiến chúng ta quay đi rồi trở lại, có
thể đi thật xa mà không lạc đường, khi nào mối quan hệ ấy trở thành chất liệu,
chúng ta thấy ngôn ngữ và ý nghĩa được sắp xếp đẹp đẽ.
Da thịt nàng là buổi hừng đông, tóc nàng lấp lánh
Ta không thể tin đêm qua nàng thiếp ngủ bên ta
Nguyễn Quang Thiều viết nhiều về sự khổ đau, sợ
hãi, bóng tối, nhưng thơ của anh cũng đầy hạnh nguyện và tình yêu đời. Bằng
cách di chuyển mau lẹ, băng qua những lối tắt, trong những bài đạt tới, anh có
thể tìm kiếm lại dấu vết con đường chúng ta đi qua. Nếu đọc lại thơ anh, đọc chậm,
thong thả, đặt mình vào tâm trạng người viết, tự cho phép mình can dự vào hành
động của các nhân vật, chúng ta có khả năng nhìn thấy cánh cửa, những cánh cửa
khác nhau, trong một bài thơ của anh. Khác với nhiều người hiểu, đọc thơ không
phải là một hành vi thụ động, đọc là quá trình vận động, một hành vi có chủ ý.
Thơ mới ngày nay cần nhiều sự can dự của người đọc, vì bài thơ bao giờ cũng là
gợi ý, là dàn bài, là sự phóng chiếu của các cuộc đối thoại lẽ ra đã có thể xảy ra, điều mà anh muốn nói và điều mà anh thực sự đang nói, điều
mà chúng ta đọc và điều mà chúng ta thực sự muốn đọc, bởi vì bài thơ không đưa
ra những chỉ dẫn rõ ràng, như nơi ngã ba đường người bộ hành hoang mang lựa chọn.
Người đọc phải đi qua ngã ba ấy nhiều lần, lắng nghe, nhìn ngắm, tìm kiếm, đặt
câu hỏi với văn hóa đã mất, nương tựa vào bài thơ để thăm dò sự im lặng, phá vỡ
sự im lặng, quay về với im lặng, tìm đường trở lại mái nhà xưa, đôi khi bằng
cách dấn bước về phía tương lai.
Nguyễn Đức Tùng
Vancouver, Phục sinh 2012