BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

VĂN CHƯƠNG HẠ GIỚI, TÌNH CHỪ, ƯU ÁI VỀ, MỒI, TỰ TỰ DO - Thơ Chu Vương Miện


   


VĂN CHƯƠNG HẠ GIỚI
 
rẻ như bèo *
viết mỏi cả tay lẫn cả chân
rụng rời cả mình
cong cả đuôi
mèo vẫn hoàn mèo
nghèo vẫn hoàn nghèo
có anh xơi cơm bằng tay
có anh đói meo
cứ mãi mãi một kiếp ku li
xưa thời phong kiến
sĩ phu sĩ thê nho sĩ
phủ phịc trước bệ
và chỉ only quỳ
mòn sân tướng phủ huyện
thời này đi đoong
thì giới văn nhân nghệ sĩ
đa số là khóc không cười
vừa khom lưng vừa cúi đầu
không dám ấm ức
miệng ngậm hột thị
chỉ cười ruồi
đủ mọi thời
vào luồn ra cúi
chỉ đồng tình cùng vỗ tay
một chuyện văn chương thôi cũng nhảm **
trẻ già lớn nhỏ giống nhau thôi?
bằng bằng trằc trắc nom mà chán
hết cà lơ chăm lại lẫn hời
thời thế lem nhem lâu dài quá
100 năm rơm cỏ rạ tơi bời
nhà văn An Nam khổ như chó ***
số phận phơi trần một trò chơi
 
* thơ Tản Đà
** thơ Tú Xương
*** thơ Nguyễn Vỹ
 

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

THƠ ĐUỔI CHIM – Trần Vấn Lệ


Nhà thơ Trần Vấn Lệ

 
THƠ ĐUỔI CHIM
 
Hôm nay chắc không mưa.  Không mưa thì trời nắng?  Hỏi ai đây?  Im lặng!  Im lặng.  Buồn.  Buồn ghê!
 
Ôi câu thơ không dè đuổi bay bầy chim sẻ, những con chim be bé, hoa đào tàn rụng theo...
 
Mới vừa Rằm Nguyên Tiêu, mặt sân còn ánh nguyệt long lanh thảm cỏ biếc, long lanh nắng bình minh...
 
Tôi nhìn cái bóng mình, một vệt dài như gió.  Gió sáng nay không có.  Ngọn cỏ không ai đùa!
 
Nắng vàng vàng như tơ áo dài ai óng ánh.  Hình như còn chút lạnh trên bàn tay ai kia... 
 
Bây giờ là ban khuya ở quê nhà em nhỉ...trên cái giàn thiên lý hoa từng chùm sao đêm!
 
*
Buổi sáng anh nhớ em, thơ vài câu thêm nhớ... nhớ thơ Nguyễn Đình Chiểu có hai câu dễ thương:
 
"Lời quê dù vụng hay hèn / cũng xin lượng biển uy đèn thứ cho!".
 
Em có nghe trong mơ xin chìa anh ngón út, anh tin anh níu được tình em cả đại dương...
 
                                                                                       Trần Vấn Lệ

ĐỌC “BÓNG NÚI VÀ ANH” THƠ VẠN LỘC - Châu Thạch


   

 
BÓNG NÚI VÀ ANH
(Nhớ nhà thơ Tường Linh!)
 
Duyên thơ mới được gặp anh
Bốn mươi năm nhớ thời xanh một thời
Yêu thơ lại được gặp người
Khiêm nhường bóng núi, dáng ngồi cao hơn
 
Nhớ anh, nhớ Ngũ Hành Sơn
Nhớ mây đầu ải Hải Vân, Sơn Trà
Mỗi làng, mỗi xóm anh qua
Quảng Nam đâu chỉ ruột rà yêu thương
 
Nhúm nhau mẹ chôn sau vườn
Quế Sơn, Trung Phước nương hồn về quê
Chim vịt kêu chiều đèo Le
Trà My, Tiên Phước, sơn khê chín chiều
 
Thơ anh từng chữ chắt chiu
Nỗi niềm xa xứ luôn neo tim người
Lúc vui đọc nghe thơ vui
Khi buồn thơ cũng ngậm ngùi với ta
 
Bây giờ vời vợi chiều xa
Ngó bóng núi, thương quê nhà thơ anh                     
  
                                              Vạn Lộc

BÀI TẠ ƠN, BÀI NGỢI CA, LỜI XIN – Thơ Lê Văn Trung


  

 
BÀI TẠ ƠN
 
Xin cảm tạ ơn đất trời độ lượng
Cho tôi còn biết khóc giữa đời vui
Cho tôi còn mỉm cười trong vô vọng
Tạ ơn Người soi sáng cuộc đời tôi
 
 
BÀI NGỢI CA
 
Câu thơ viết mười năm còn thơm mực
Tóc mùa xanh xin thắm lại hương rằm
Hoa vẫn nở giữa nghìn thu nhan sắc
Tạ ơn NGƯỜI - ĐẤNG - MẦU NHIỆM vô biên
 
 
LỜI XIN
 
Cho tôi xanh với mây trời
Xanh như từ thuở áo người còn xanh
Cho tôi những giọt sương lành
Long lanh như thuở nụ tình đơm hương
Cho tôi say với rượu nồng
Như lòng Xuân nữ say cùng men Xuân
Đi cùng tôi đến vô cùng
Cho tôi trọn nghĩa thủy chung với đời
 
                    Tháng Giêng, Giáp Thìn
                           Lê Văn Trung

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

DÙNG TỪ NGỮ “GA TÀU THỦY BẠCH ĐẰNG” NHƯ VẬY CÓ ĐÚNG KHÔNG? - Nguyễn Gia Việt



Lịch sử, văn hóa Sài Gòn đã có sự khó hiểu, sai lệch từ những năm sau này, khi mà chữ nghĩa Miền Nam đã bị thay đổi.
 
Lịch sử Bến Bạch Đằng đơn giản. Đây vốn là đất Kompong Luông vùng Sài Gòn. Pháp qua đặt tên đường từ cột cờ Thủ Ngữ tới công trường Mê Linh là Quai le Myre de Vilers, đoạn còn lại tới Ba Son là Quai d’Argonne.
 
Sau 1955 tổng thống Ngô Đình Diệm nhập hai đoạn đường lại đặt thành Bến Bạch Đằng. Kêu là bến vì đây là đại lộ ven sông, dưới là bến sông nhiều ghe tàu. Sau 1975 Bến Bạch Đằng bị xóa tên, đặt thành đường Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên người Sài Gòn vẫn kêu là Bến Bạch Đằng. Và nay xuất hiện “ga tàu thủy” tại bến Bạch Đằng.

THÁNG GIÊNG CHƯA CỎ NON – Trần Vấn Lệ


Nhà thơ Trần Vấn Lệ


THÁNG GIÊNG CHƯA CỎ NON
 
Tháng Giêng mưa liên miên, bão rập rình kéo tới, cỏ xanh trên triền núi chỉ là tuyết đang rơi!
 
Thế là tháng Giêng vui không như người ta đợi!  Tháng Ba Tây sắp tới, tháng Giêng mình vẫn còn...
 
Cái còn đây là buồn...vì không vui thì vậy!  Rét mùa Đông còn đấy, chim én xa chưa về...
 
Santa Barbara mưa lê thê, chỗ quê chim én trống.  Những mái vòm lồng lộng, gió luồn vô luồn ra...
 
Đây không tháng Giêng Ta -  người Việt mình rất ít.  Người Tàu cũng quên hết những ngày tháng phương Đông!
 
Chỉ cần qua con sông là bắp đồng hết ngọt! Chỉ nhìn đồng mía sót là thấy trời hoang vu...
 
Nhiều khi tưởng còn Thu vì hơi Thu phảng phất.  Mùa Đông đang là thật khi băng ngang Parking!
 
Bão rập rình rập rình... Ta hay mình, cam phận.  Little Saigon nắng hay mưa, đều ngỡ ngàng...
 
Nhiều người về Việt Nam hẹn tháng Hai trở lại... hèn chi cỏ tai tái... hèn chi tuyết bay bay...
 
Nói thật lòng, thẳng, ngay:  Tôi làm thơ cho có. Nhập đề, tôi nói cỏ...nhớ Mai Thảo, nhà văn!
 
Mai Thảo từng bâng khuâng khi quê nhà đổi chủ... Nhiều năm ông cú rũ ngó cánh đồng cỏ non...
 
Ngó lại mình:  không còn thanh Xuân lòng phơi phới!  Rồi thì đi để tới... những tờ lịch tả tơi...
 
Rồi thì đi để tới những tờ lịch tả tơi, những con nai lạc loài đứng trên đồi...tát gió!
 
Nhiều nấm mồ xanh cỏ.  Cỏ đó, màu...Thiên Thu!
 
Trần Vấn Lệ

THEO THỜI, EM, THƯ BẠN, CAO THẤP, TRÂU BÒ CHẾT – Thơ Chu Vương Miện


   


THEO THỜI
 
Thời nhà tranh vách đất
Thì cô đầu cô đít con hát
Khi nhà ngói thị thành
Có vũ trường và borden militaire
Kèn trống xập xình
Inh tai nhức óc
Có đủ loại Tây trắng đen nhẩy đầm
Có villa ngói đỏ ngói xanh
Có snack bar có sexy có cởi truồng
Có nhộng
Có quay phim và báo ảnh
Playboy
Chung chung thì cũng là cái Ấy
Cái bướm và con chim
Cu đất & cu cườm
 

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

TRỊNH CÔNG SƠN VÀ TÔI - Trần Hoài Thư

 


I. NGÀY SINH CỦA MỘT THIÊN TÀI...
    
Ngày 28-2-1939 là ngày sinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong nước, ngoài nước, bạn bè ông đang tưởng nhớ đến ông, người yêu nhạc ông đang tưởng tiếc ông, và người ghét ông chắc thêm một lần không vui hay muốn quên. TCS là một thiên tài được may mắn. Như một bông hoa quý được chọn từ một vùng đất mà nẩy mầm.
   
Thử xem. Nếu ông được sinh ra ở miền Bắc, thì chắc chắn sẽ chẳng có bao giờ có TCS, như chẳng bao giờ có thêm những sáng tác của Văn Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân mà ta ngưỡng mộ như trong thời tiền chiến. Hoặc nếu có chăng, thì nhạc ông sẽ như thơ Tố Hữu, càng làm say máu căm thù trong buồng tim buồng phổi của tuổi trẻ miền Bắc.
Bởi vì, làm sao miền Bắc có thể chấp nhận gia tài của mẹ, ca khúc da vàng, nỗi buồn nội chiến, hay những bản nhạc tình đầy ủy mị, lãng mạn, không một chút gì đảng tính…   
Hoặc TCS sẽ điên hay sẽ tự sát, hoặc “sinh Bắc tử Nam” không biết chừng.
 

Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

EM ĐI TÌM – Thơ Quang Tuyết


  
                                 Nhà thơ Quang Tuyết


EM ĐI TÌM
 
Em đi tìm mùa Xuân
Chơi vơi khung trời rộng
Em đi tìm hoa mộng
Miên man giữa đời thường
    
Em tìm bằng trái tim    
Dõi đời trong mê mãi    
Tìm với niềm tê tái   
Nắng chưa về trong tay
 
Em đi tìm cơn say
Dập dìu trong nỗi nhớ
Môi còn vương hơi thở
Một ngày cùng hương bay
     
Ngõ xưa còn khép kín  
 Người đời hoài xôn xao    
Em về như kẻ lạ    
Hoa dại nở bên rào
 
Sáng 28 Tết...
Đường hoa còn khép cửa
Đinh Quang Tuyết

VIẾT CHO EM – Thơ Phan Quỳ


  
 
 
VIẾT CHO EM
 
Ta viết cho em bài thơ trường cũ,
Thầy đã xa, sách vở cũng phai rồi.
Nhưng trong ta tháng ngày như vẫn mới.
Bởi tim nầy, tình ấy chẳng phai phôi.
 
Ta viết cho em nỗi lòng chưa ngỏ
Đã ly tan cách biệt mấy phương trời.
Ta lưu lạc trên dặm dài gió bụi
Em quay về khâu vá những buồn vui.
 
Ta biết tin một ngày xa trở lại
Vết rong buồn trôi mãi giữa sông xưa.
Em lặng lẽ khi chiều về bến cũ.
Ngỡ đâu đây còn vang tiếng gọi đò.
 
Em vội bước sợ trống trường đã gõ
Ta theo sau thương mến đến nao lòng.
Áo trắng trong màu tươi nguyên rực rỡ
Sáng trên đường một vạt nắng mênh mông.
 
Chuyện tình buồn cũng đã mấy mươi năm.
Ta gảy khúc bên sông thương thiếu phụ.
Ta khẽ hát em ơi người tình lỡ
Và nghe lòng buốt lạnh những tàn đông.
 
                                              Phan Quỳ

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

NGÀY HÔM QUA – Thơ Trần Mai Ngân


  

NGÀY HÔM QUA
 
Có những mùa chở tôi đi
Qua bến cũ, qua xuân thì môi thắm
Có những ngày như buồn lắm
Nhớ một người đã say đắm nơi đâu...
 
Có gian truân, có dãi dầu
Xin qua hết để nhiệm mầu ban phát
Trần gian lạ như khúc hát
Những nốt trầm buồn bóng Hạc bay xa
 
Ngày hôm qua, ngày hôm qua
Xin xua hết những nhạt nhoà quá thể!
                           
                                   Trần Mai Ngân

LẠI THÊM MỘT SỰ THAY TÊN ĐỔI HỌ NGU XUẨN – Thơ Bùi Chí Vinh




LẠI THÊM MỘT SỰ THAY TÊN ĐỔI HỌ NGU XUẨN
 
Từ nhỏ tôi đã chụp hình ở Bến Bạch Đằng
Ba má tôi không bao giờ gọi đó là "Ga Tàu Thủy"
Dân Sài Gòn không xuất thân từ khỉ
Từ rừng về chí chóe đổi thay tên
Từ Bến Bạch Đằng này tôi đã lớn lên
Đã cầm bút bảo vệ nền văn hiến
Đã cầm súng chống bọn ngoại xâm nham hiểm
Để được giữ vẹn nguyên ba chữ "Bến Bạch Đằng"
Giờ đây đứa nào đổi thành "Ga Tàu Thủy" cục cằn
Làm gì có đường sắt, có tiếng hụ còi tàu xình xịch
Ở bến cảng này chỉ có thằng bé hai tuổi ngày xưa mơ cổ tích
Mơ chiến thắng Bạch Đằng Giang, mơ yêu nước thương nòi
Các ngươi cứ việc bán mình nhưng đừng bán địa danh lịch sử của tôi... 
                                                                             Bùi Chí Vinh
                                                                               28-2-2024

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

NGHỆ THUẬT HÁT Ả ĐÀO - Hoàng Quốc Hải


Hát Ả đào. Tranh sơn dầu của Phạm Công Thành (2005)
 
Như mọi người đều biết, “Ả đào” vốn là lối hát thờ, và nó từ cửa đình vào cung đình, lại từ cung đình trở về gia đình, và trở thành một thứ nhạc thính phòng quý phái tồn tại suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta. Đây là lối hát, múa có nhạc do một tốp nữ trình bày. Nhưng từ hậu Lê sang Nguyễn, không hiểu do những nguyên nhân đột biến sáng tạo nào, mà nó được chuyển sang hình thức độc đáo như còn tồn tại tới ngày nay.
 

PHẠM HỮU QUANG, "GIANG HỒ TA CHỈ GIANG HỒ VẶT" - Phạm Hiền Mây



Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà, là hai câu thơ, thú vị và thi vị, nhiều năm nay, vẫn luôn được mọi người nhắc đến trong niềm yêu mến và thương tưởng.
 
Giang hồ nghĩa là gì, mà sao trong thơ ca, văn chương và cả đời thường, lại nhắc tới nhiều vậy?
Học giả Đào Duy Anh trong Giản Yếu Hán Việt tự điển giảng hai chữ giang hồ như sau: Tam giang và ngũ hồ là chỗ ẩn dật - không có chỗ định trú - hư phù không tin được. Nghĩa rộng ra, giang hồ là từ dùng để chỉ cuộc sống phóng túng, rày đây mai đó, không ở yên một chỗ.
Từ nghĩa gốc sông to và ao lớn, chỉ cảnh thiên nhiên, người ta ám chỉ đến những người từng trải việc đời, rồi xa hơn nữa, người ta ám chỉ đến những người ngao du đây đó, thích du lịch, thích phiêu lưu, sống lang thang. Và nếu hiểu theo nghĩa xấu, thì giang hồ là làm giặc, là ăn cướp.
Trong tự điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh còn lấy hai câu sau đây để diễn giải thêm một nghĩa nữa của giang hồ, khi dùng cho nữ giới, thì đó là gái làng chơi, gái ăn sương:
 
Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ
Một mùa quan tái bốn mùa gió trăng
 

NỖI NHỚ MANG TÊN NHÀ CŨ, TỤNG CA GIÓ SỚM – Thơ Tịnh Bình


  
            Nhà thơ Tịnh Bình
 

NỖI NHỚ MANG TÊN NHÀ CŨ
 
Hình dung nỗi nhớ mang tên nhà cũ
Nơi tôi sinh ra và lớn lên
Và rời đi khi đã tự gắn cho mình đôi cánh
 
Nhà cũ
Lũ chuồn kim ngơ ngác đậu trên dây phơi
Sót vụn rơm khô tổ chim ở trọ mái hiên mùa trước
Gian bếp ố vàng chăng đầy bồ hóng
Hấp háy mắt lửa reo cười
 
Nhà cũ
Mảnh trăng treo lấp ló đầu hồi
Đèn dầu leo lét bóng
Dáng cha in nghiêng
Chỉ lên vách mẹ đùa con trẻ
Ú... òa...
Trên mái nhà gió giật mình trượt chân cười nắc nẻ
Tiếng thạch sùng đòi bắt đền chắt lưỡi kêu vang
 
Nhà cũ
Mắt giếng khơi xanh màu phong rêu phẳng lặng nhìn trời
Bầy con nít ngây ngô nô đùa dưới làn mưa đầu hạ
Tranh nhau trái ổi chín hườm
Thơm lựng cả giấc mơ
 
Chẳng thể nào thôi hình dung nỗi nhớ mang tên nhà cũ
Bước chân rời đi
Rồi lại trở về
Quấn quýt lòng dây bầu dây bí
Rộn tiếng chim đầy sân tranh sợi nắng vàng
Lũ hoa bướm rực rỡ sắc màu nhảy múa không ngừng trước gió
Vấn vít sợi khói nồng không nỡ bay lên từ chái bếp
Chợt thấy mình lạc về nơi xa lắc
Tóc hoa râm ước làm đứa ngoan đồng...
 

CHÙM TỨ TUYỆT XUÂN – Thơ Ái Nhân Bùi Cao Thế


  
        ÁI NHÂN
        Đ/c : 399/139 Ngọc lâm – Long biên - HN
        Đ/t: 0984470914

  
NẠM XUÂN
 
Phơi phới đào mai lấp lánh cười
Xuân thì đương độ thật xinh tươi
Eo thon, mắt biếc, trăng nà nõn
Xuân nạm vào thơ nét rạng ngời
 
 
MONG
 
Giấu nỗi nhớ người dưới đáy mùa đông
Trời trở gió lại chợt lòng thao thức
Mơ hội xuân xưa bóng yêu rưng rức
Tháng giêng này người ấy có về không?
 
 
CHỢT THỨC
 
Hạt thơ gieo xuống mơ màng
Cánh đồng năm cũ lỡ làng vội xanh
Nắng bừng lên lối mong manh
Hồi xuân chợt thức long lanh mắt cười
 
 
LẠI XANH
 
Vườn hoang giờ đã xanh cây
Vết thương liền sẹo mọc đầy cỏ non
Má hồng, da trắng, môi son
Vườn xuân chim chóc véo von hót mừng
 
 
MỌC THƠ
 
“Trúc xinh trúc mọc đầu đình”
Cho thương, cho nhớ đi rình rập yêu
Mầm tình tíu tít bao nhiêu
Thấy xuân xinh đẹp thơ liều… mọc sang

BỐN MƯƠI CHÍN NĂM TÔI XA ĐÀ LẠT - Trần Vấn Lệ


Nhà thơ Trần Vấn Lệ

Bốn mươi chín năm, từng đêm, giấc ngủ, tôi chiêm bao, Đà Lạt tôi về... Hơn nửa đời người mãi mãi một quê, tôi còn sống để nói còn yêu quý!
 
Tôi gặp bạn bè biết bao điều thủ thỉ:  Đà Lạt dễ thương nhờ con dốc Nhà Làng!  Con đường lát đá thôi, người xưa mở đi ngang / cái lưng núi và leo lên ngọn núi... lên khu Hòa Bình nhìn sương mù trôi nổi / từ Lang Bian về tới Cam Ly...
 
Đà Lạt ít chỗ bằng để đậu cái xe... nên xe đậu cứ gối đầu sườn núi, yên tâm nằm ngàn năm không có bụi / chỉ phấn thông vàng thơm ngát bay bay...
 
Đà Lạt có vườn Bích Câu, có rừng Bồng Lai, có thác Goughga, có thác Pongour, có thác Ankroet... có Suối Vàng... có Lạc Dương... dễ thương từng tên gọi, cái nghĩa của từng địa danh không trong sách vở!
 
Thí dụ Suối Vàng... bạn đi tới đó, bạn đãi được vàng chớ chẳng phải chết nha!  Rồi bạn lên Lạc Dương đứng lại ngà ngà, bạn hít thở khí trời thơm ngát...
 
Nhiều người nói Đà Lạt xưa là Xã Lát / điểm khởi đầu của một bản Tình Ca... có một người đàn ông từ bé đến già yêu chỉ một người Tiên trong giấc mộng...
 
Người con gái đó, nàng Tiên, còn sống trong thơ tôi mỗi tối hiện thành hoa... Cẩm Tú Cầu người ta trồng ở Ga / cùng hoa huệ mượt mà ấp Hồng Lạc!
 
Mình đi xuống Datanla ngồi bên bờ thác, bạn với tôi, mình thắp nhé lò hương, gọi tên ông Nguyễn Du bày tỏ nhớ thương, vầy lửa cũ và tôi nghe bạn hát...
 
Bài Tình Xa...bạn tiễn tôi đi!  Bốn mươi chín năm tôi vẫn nhớ về / tóc của bạn tóc thề tóc nguyện / sóng lòng tôi đầy biển bọc năm Châu...
 
                                                                                      Trần Vấn Lệ
 
(*) Thơ Nguyễn Du: “Mai sau dẫu có bao giờ, đốt lò hương ấy so tơ phím này.”

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

KHÓI NẮNG THÁNG GIÊNG, EM VÀ THÁNG GIÊNG – Thơ Tịnh Bình


  

 
KHÓI NẮNG THÁNG GIÊNG
 
Mơ màng khói nắng tháng giêng
La đà chái bếp thương miền xuân xưa
Vàng tia nắng rót lưa thưa
Lao xao ngõ vắng hàng dừa tóc xanh
 
Tiếng chim ríu rít chuyền cành
Xuân khoe lộc biếc trên nhành nắng mai
Gió vờn áo mới tung bay
Lả lơi ong bướm vờ say giêng nồng
 
Tiếng gà trưa vắng bên sông
Nhặt hương cổ tích bềnh bồng ca dao
Mẹ ngồi gội nắng cầu ao
Chợt mềm khúc gió khẽ chao cánh bèo
 
Giêng hai hương bưởi về theo
Dáng mưa khói mỏng quê nghèo mái tranh
Đong đưa hoa trái ngọt lành
Chắt chiu nắng gió mà thành vị quê...
 

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

RẰM THÁNG GIÊNG – Thơ Nguyễn Khôi


  

 
RẰM THÁNG GIÊNG
 
Mưa phùn trăng ẩn trời sương
Thoảng hương hoa bưởi ngoài vườn trước sân
Chong đèn rót chén nghênh xuân
Rét non giam mộng mấy vần thơ xưa.
 
                                        Nguyễn Khôi
                               Quê Bắc Ninh 25/2/2024