BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

THẮM THOÁT NĂM MƯƠI NĂM – Thơ Đỗ Chiêu Đức

                  
                 
                                          Thầy Đồ Đỗ Chiêu Đức


THẮM THOÁT NĂM MƯƠI NĂM
                                             
Thắm thoát thời gian khéo hững hờ                                     
Bóng câu, cửa sổ, thoáng như mơ                                    
Năm mươi năm cũ tình đeo đẵng                                    
Còn ngỡ hôm nào, khi tuổi thơ....                                      
                              
Năm mươi năm cũ tình chưa cũ                              
Còn nhớ không em tự thuở nào                              
Hai đứa tung tăng cùng đến lớp                               
Tan trường chung lối vẫn bên nhau
                                      
Em như Ngọc Nữ ngây thơ quá                                      
Đuổi bướm vờn hoa dại bên rào                                     
Anh thì ngờ nghệch nhìn ngơ ngác                                       
Chỉ cười khi thấy bướm bay cao 
                               
Phụng phịu dỗi hờn như trách móc                               
Suốt buổi lặng thinh chẳng nói gì                               
Anh ghẹo em cười ba bốn bận                               
Khi nhìn "Hồ điệp mãn viên phi"....(1)
                                                                      
Lần lữa, thời gian êm ả trôi                                        
Em tròn mười sáu, anh thế thôi,                                       
Sáng chiều hai buổi Phan Thanh Giản                                      
Bốn lượt đi về vẫn có đôi.
                                 
Xe đạp song song giữa nắng chiều                                 
Thướt tha trong gió nhẹ hiu hiu                                  
Phất phơ áo trắng bay theo gió                                 
Xao xuyến lòng anh tuổi chớm yêu !
                                          
Ngây thơ nào biết đến tình ai                                          
Em vẫn vô tư rạng nét ngài                                          
Nhìn anh vẫn mỉm cười trong nắng                                           
Để mặc gió lùa tóc rối bay...
                                    
Mười sáu em như nụ mai xanh                                   
Trong trắng trinh nguyên giấc mộng lành                                    
Đâu biết lòng anh đang rạo rực                                   
Mỗi chiều trong nắng gió mong manh
                                          
Từ đó anh thường hay ngẩn ngơ                                         
"Thi nhân Tiền Chiến" lẫn trong mơ                                             
Anh ngồi chép mãi thơ người khác                                            
Đâu biết chuyện mình cũng nên thơ
                                   
Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư....                                   
Đọc cả Đường thi lẫn Tống từ....                                    
Chép mãi trăm lần "Tình thứ nhất ,                                    
Đem cho em kèm với một lá thư..."(2)
                                             
Một buổi chiều kia anh đánh bạo                                              
Kẹp thư trong sách tỏ tình... thân                                           
Thẹn thùa ba, bốn, năm ngày tiếp                                           
Em chẳng nhìn anh lấy một lần !...
                                       
Im lặng, khiến lòng anh thấp thỏm                                      
Hỏi thì...Em lại bẳng như không:                                     
"Thấy ghét !". Em làm anh bối rối,                                      
Nhưng " ghét " là... yêu đó, phải không ?                                    
                                               
Rồi những chiều xuân ta có nhau                                                
"Thầy Cầu" vườn biếc, lá lao xao                                              
"Ninh Kiều" gió lộng, bao lưu luyến                                    
"Nhẹ bước" Đàn Tiên", những buổi nào !(3)
                                      
Anh với em như Điệp với Lan                                  
"Thanh mai trúc mã " đẹp muôn vàn                                    
Võ vẽ thơ Đường anh đọc thấy                                    
Chuyện mình sao giống khúc "Trường Can "...(4)
                   
Em bảo, em yêu thơ Thái Can                   
Thương người thiếu nữ khóc hoa lan                  
Ghét anh Hồ Dzếnh "Tình... dang dở"                  
Chê chàng Nguyễn Bính "...bước sang ngang"(5)
                                        
Em muốn duyên ta kết Tấn Tần                                       
Muôn đời vạn kiếp mãi không phân                                       
Xinh như Ngọc Nữ Tiên Đồng ấy                                       
Sớm dạo vườn đào, tối sông Ngân...
                                               
Tiếc thay anh chẳng phải Tiên Đồng                                
Mơ mộng em anh khéo viễn vông !                                               
Mười sáu yêu nhau chừng quá sớm                                               
Nên ngòi ly biệt đã khơi dòng...
                                       
Ấy thế, tình ta sớm nhạt màu                                        
Người đời miệng tiếng lắm xôn xao                                      
"Hộ đối môn đăng" muôn kiếp vẫn                                       
Là rào ngăn cách kẻ yêu nhau !
                                                
Em là gái "Khuê môn bất xuất" !                                                
Phận anh nghèo "Bạch diện thư sinh"                                 
Thói đời đen bạc cho nên nỗi                                                
Dang dở vì đâu một chữ tình ?!
                                         
Mười bảy anh thi rớt Tú Tài                                        
Lên đường viễn xứ một thân trai                                        
Cầu thực tha phương trong khói lửa                                         
Lòng còn trĩu nặng bóng hình ai !....
                                                 
Nỗi biệt ly nào chẳng xót xa                                                 
Tiễn đưa không một chén quan hà (6)                                         
Nhìn nhau cố nén lòng không khóc                                                
Không khóc mà sao mắt cứ nhòa...                                 

Từ ấy, đường đời ai nấy đi                
Các thành gia thất các tương nghi (7)                                 
Chạnh lòng giây phút khi nghe trẻ                                  
Hát bài "Hồ điệp mãn viên phi" !
                                        
Trải bao thế thái với nhân tình                                          
Dâu bể, nổi chìm, lắm đảo khuynh                                           
Mới hay "Tình... đẹp, khi... dang dở "                                            
Trách chi Hồ Dzếnh thuở bình sinh !
                                  
Năm mươi năm cũ, tình đeo đẳng                                  
Lòng vẫn tơ vương... chiếc áo dài !                                  
Mỗi lúc nắng chiều phơn phớt gió                                  
Bồi hồi lại nhớ... áo ai bay !
                                            
Những lúc trà dư tửu hậu tan                                             
Chạnh niềm cô lữ, buổi xuân tàn                                            
Chiều nay chợt thấy lòng xao xuyến                                            
Ngậm ngùi đọc lại khúc "Trường Can"...
                                  
"Mai Trúc" ngày xưa đã dở dang                                    
Phương trời cách biệt vẫn băn khoăn                                    
"Thanh Mai" vẫn thắm như ngày trước ?                                    
" Trúc Mã " giờ đây... đã cỗi cằn !
 
Thắm thoát thời gian khéo hững hờ                                            
Bóng câu, cửa sổ, thoáng như mơ                                             
Năm mươi năm cũ... tình đeo đẳng                                             
Còn ngỡ hôm nào, khi tuổi thơ !!!
                                      1914                                                         
                              Đỗ Chiêu Đức

DAY DỨT MÙA NGÂU, CA DAO MÙA THU – Thơ Tịnh Bình


   
                            Nhà thơ Tịnh Bình


DAY DỨT MÙA NGÂU
 
Gửi mùa hạ cũ tiếng ve
Giỏ xe hoa phượng chở hè đi đâu
Ướt lòng thánh thót giọt ngâu
Áo dài nón lá tìm đâu một thời
 
Thương con diều biếc ngang trời
Chiều quê khói tỏa xa vời chân mây
Mênh mang gió với hàng cây
Triền đê rộn tiếng thơ ngây trẻ đùa
 
Mái chèo khoan nhặt êm khua
Trâu nằm nhai nắng đợi mùa rạ rơm
Tình làng nghĩa xóm thảo thơm
Dẫu bao dầu dãi áo cơm nhọc nhằn
 
Nghe làn khói mỏng bâng khuâng
Tiếng chim thưa thốt đầy sân nắng vàng
Chật lòng bao nỗi đa mang
Làm sao quên được cũ càng ngày xưa
 
Ngâu về day dứt thềm mưa
Gọi về quá vãng niềm chưa thành lời
Trong veo miền hạ khoảng trời
Một ta thơ ấu... Một thời bướm hoa...
 

KHUYẾT TRĂNG – Thơ Lê Kim Thượng


  
                    Nhà thơ Lê Kim Thượng


KHUYẾT TRĂNG
 
Yêu nhau từ thuở trăng tròn
Bây giờ trăng khuyết... em còn nhớ tôi?
Vầng trăng thề hẹn đâu rồi
Nửa vầng trăng khuyết... đơn côi hao mòn...
Nhớ em đôi mắt đen giòn
Nắng rơi trên ngực căng tròn nguyên trinh
Nắng rơi, rơi giọt vô tình
Cho thơm da trắng, dáng hình đôi mươi
Vườn yêu chúm chím hoa cười
Xuân thì vừa chín, thắm tươi nõn nà
Mùi hương con gái thoảng qua
Rất gần hơi thở như là... nụ hôn...
Tóc thề đen mượt dài suôn
Sợi tình quấn quít... Tôi luồn tay đan
Em về sương sớm vừa tan
Chân quen lối cỏ, ươm vàng nắng mai
“Một mai, ai chớ bỏ ai
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim
Tìm em như thể tìm chim...”
Tôi đi mê mãi... Đi tìm bóng ai
Tôi – Em… Chung tiếng thở dài
Lời yêu chát đắng… u hoài chơi vơi
Trách nhau... thì cũng thế thôi
Làm sao níu lại một thời... chung đôi...
*  
Nối tình em với tình tôi
Dây Tơ Hồng đứt... Tình trôi cánh bèo
Em xa, dõi mắt trông theo
Bóng qua sông lạnh, lưng đèo hắt hiu
Ai ngồi bến đợi buồn thiu
Đếm mùa lá rụng... đìu hiu một đời
Em xa mất biệt tăm hơi
Đầy trời hoa nắng... Vàng rơi gió cuồng
Nhớ em... Nhớ nụ hôn buồn
Mỏng manh kỷ niệm... cánh chuồn ủ ê
Giấu vào đâu nỗi tái tê
Giấu vào đâu những lê thê ngày dài
Canh khuya chờ tiếng chân ai
Trăng in gối chiếc... Trăng cài mùi hương
Mùa trăng tình cũ còn vương
Bóng trăng lịm tắt… thê lương im lìm
Tìm em tăm cá, bóng chim
Hồn thơ lưu lạc... đi tìm ý thơ
Thuyền em lạc bến, lạc bờ
Tặng em một nửa câu thơ... làm chèo?
 
Nha Trang, tháng 08. 2023
Lê Kim Thượng
              

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

ĐỌC LẠI "Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC" CỦA PHẠM CÔNG THIỆN (2) - Nguyên Lạc


Phạm Công Thiện
 
VỀ PHẠM CÔNG THIỆN

1. Viết về Phạm Công Thiện
 
– Nguyễn Hưng Quốc
 
“… Mà cảm hứng của Phạm Công Thiện thì hình như bao giờ cũng dào dạt. Nó cuồn cuộn. Nó tràn bờ; nó vượt ra ngoài mọi khuôn khổ quen thuộc. Nó tạo nên đặc điểm đầu tiên và rất dễ nhận thấy trong văn phong Phạm Công Thiện: nồng nhiệt. Trong văn như có lửa. Lúc nào ông cũng ném hết tâm hồn và nhiệt huyết vào câu chữ. Không cần dè dặt. Đã tin, tin hết lòng. Đã thích, thích hết mực. Khen ai, ông khen không tiếc lời. Những từ ngữ như “đại thi hào”, “đại văn hào” “hay nhất”, “lớn nhất”… được dùng một cách thật hào sảng. Năm 1967, trong cuốn Im lặng hố thẳm, ông xem Nguyễn Du là một trong năm nhà thơ vĩ đại nhất của phương Đông; năm 1996, trong cuốn Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, ông đi xa hơn một chút nữa, cho Nguyễn Du là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của nhân loại, bên cạnh Hoelderlin và Walt Whitman. Ngoài ba nhà thơ ấy, có còn ai đáng kể nữa không? Hình như là không. Đó là “ba thiên tài lớn nhất của nền thi ca nhân loại trong hai ngàn năm hoang vu trên mặt đất.” Với Nguyễn Du, viết thế, dù sao, cũng được: Ở Việt Nam, Nguyễn Du là một biểu tượng; mà đối với một biểu tượng, người ta không cần đặt ra những giới hạn. Nhưng với nhiều nhà thơ khác, Phạm Công Thiện cũng hào sảng như thế. Trong cuốn Hố thẳm của tư tưởng, xuất bản năm 1967, Phạm Công Thiện viết về Quách Tấn: “Quách Tấn là thi sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam hiện giờ; Quách Tấn là người đã đánh dấu thi ca tiền chiến và thành tựu thi ca hậu chiến qua hai tập thơ

ĐỌC LẠI "Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC" CỦA PHẠM CÔNG THIỆN (1) - Nguyên Lạc


 Phạm Công Thiện
 
VỀ PHẠM CÔNG THIỆN

1. Tiểu sử Phạm Công Thiện:
Phạm Công Thiện ra đời (01/6/1941) bên dòng Cửu Long thơ mộng, khởi đi từ cao nguyên Tây Tạng ngút ngàn chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam.
Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một thần đồng, một thiên tài lỗi lạc biết nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Phạn, Pali, Tây Tạng, Tây Ban Nha…
 

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

HAI TẬP THI ẢNH "DƯ ÂM NGHÌN TRÙNG", "GIẤC THỤY DU" CỦA NHÀ THƠ TRẦN MAI NGÂN

                        Video tập thi ảnh “Dư Âm Nghìn Trùng”


                  

                         Album tập thi ảnh “Giấc Thụy Du”


                  
                                              ẢNH BÌA


                 

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

                

               

                

               

               

                

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

THƯ GỬI NGƯỜI THI SĨ TRẺ TUỔI - Rainer Maria Rilke, Phạm Công Thiện dịch



Kim chỉ nam không những cho những thi sĩ, dù trẻ hay già. Mà là cho tất cả những ai suốt đời lầm lũi trên con đường tịch liêu: Con Đường Sáng Tạo.
 
************

 LỜI MỞ ĐẦU CỦA DỊCH GIẢ

Mười bức thư sau đây của thi sĩ Rainer Maria Rilke là một kiệt tác trong văn nghệ hiện đại Đức quốc. Không ai còn lạ với thiên tài và tên tuổi của Rainer Maria Rilke, ông là thi sĩ nổi tiếng nhất và cô đơn nhất trong văn nghệ Đức ở thế kỷ XX. Những người quen thuộc với tư tưởng của Heidegger đều biết rằng Heidegger đã dành cho Rilke một vị thế trang trọng ưu liệt trong cuộc song thoại giữa tư tưởng (Denken) và thi tưởng (Dichten). Trong sự suy tưởng về Rilke, Heidegger đã viết những câu quyết định như vầy:
“Trong thời đại đêm tối của thế giới, hố thẳm của thế giới phải được học và học cho cạn. Mà muốn thế thì phải có người với tới hổ thẳm”.
Heidegger đã nói như trên trong buổi kỷ niệm ngày giỗ R.M. Rilke. (Rilke chết ngày 29, tháng chạp, năm 1926).
Cuộc đời của Rilke, nỗi cô đơn của ông những bước chân lang thang cô tịch của ông, đôi mắt diệu vợi sâu thẳm hừng lửa của ông, tất cả những cử chỉ ấy nói lên những gì cho con người trẻ tuổi Việt Nam hiện nay?
Mỗi một người trẻ tuổi của Việt Nam đều là một thi sĩ; mười bức thư sau đây của Rilke là mười tiếng nói được gửi về bất cứ người thi sĩ trẻ tuổi nào đang sống trên mặt đất trần trụi này. Sống và sống một cách thơ mộng trên thế giới sâu kín này, phải chăng đó là tiếng ca của con chim không tên, đồng vọng lên một sớm mai hồng đang nằm phong kín trong đêm tối sinh ly?

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

CẢM XÚC, LỜI NGƯỜI ĐI XA – Thơ Phan Quỳ


  
                            Nhà thơ Phan Quỳ

CẢM XÚC
 
Mưa về trên lá, mưa reo hát.
Nắng toả quanh đồi, nắng xuống chơi.
Mây nước trong veo cùng tiếng nhạc.
Mấy note trầm, cao thánh thót rơi.
 
Một cánh chim ngang liệng giữa trời
Bay về đâu đó, biển xa khơi?
Bóng núi chiều hôm sương lam phủ,
Có nghe trời lộng tiếng đàn lơi?
 
Thuyền ai đứng lặng, mái chèo vơi.
Xiêm áo bâng khuâng chợt nhớ người.
Đàn ơi khúc vắng, dòng sông vắng,
Bóng ngả bên trời, chiếc bóng tôi.
 
Phan Quỳ

CẠN LÒNG – Thơ Đặng Xuân Xuyến


   


CẠN LÒNG
(Viết tặng 1 người)
 
Ta trở về làng buổi chớm Đông
Đường xưa nhạt nắng vẹt gió đồng
Gió chiều xưa đấy sao mà lộng
Mướt cả triền đê, mướt cả sông.
 
Ta ngẩn ngơ lòng đến bến đông
Hỏi dò từ đấy có về không?
Chín năm, ờ nhỉ, bao biến động
Người ấy giờ sao chửa lấy chồng?!
 
Ta lặng lẽ tìm giữa thinh không
Ngược nắng mưa xưa ngược gió đồng
Chợt hiểu lòng người sâu hơn rộng
Nửa đời ngờ nghệch sắc sắc không.
 
Ta đành tạ lỗi với hư không
Tạo hóa trớ trêu nợ vợ chồng
Người ấy vì yêu mà sầu mộng
Vét cạn tơ lòng đốt cháy sông.
 
Hà Nội, 08:08 ngày 23/07/2023
Đặng Xuân Xuyến
 

TÌM LẠI MỘT DÒNG SÔNG – Thơ Nguyên Lạc


   
                            Nhà thơ Nguyên Lạc


TÌM LẠI MỘT DÒNG SÔNG
 
Tôi về tìm lại một dòng sông
Chảy suốt tâm tư tuổi xuân hồng
Chỉ thấy đục ngầu bờ bồi lở
Lạnh lùng hoa tím biếc mênh mông
 
Tôi về tìm lại một dòng sông
Chảy suốt trong tôi ký ức hồng
Lau lách hắt hiu chiều nắng quái
Thiết thê điệp khúc vọng muôn trùng!
 
Ngậm ngùi sông nước nỗi mông lung
Đỏ mắt tà dương rụng muộn phiền
Cổ độ nhấp nhô mờ khói sóng
Tìm đâu nhân ảnh thuở hồn nhiên?
 
Tôi về tìm lại một dòng sông
Tìm lại ngây thơ tuổi mơ mòng
Buốt lạnh gió luồn lau lách nhớ
Dòng đời sao níu được mà mong?
 
Tôi về tìm lại một dòng sông
Tìm lại tôi xưa thuở mộng cuồng
Cổ độ chiều nay hồn mơ thấy
Bóng người trầm mặc sóng mờ sương
 
Siddhartha - "Câu chuyện dòng sông" [*]
Thanh xuân cùng ý nghĩ lên đường
Thênh thang rộn bước trời muôn hướng
Luân lạc điêu tàn quy cố hương!
 
Tìm lại làm chi dòng sông cũ?
Để khóc tàn phai cổ độ chiều
Để thấy điêu linh đời dâu bể
Tà huy nghiêng bóng nỗi cô liêu!
 
Nguyên Lạc

.................

[*] Siddhartha: tiểu thuyết của Hermann Hesse (Nobel Prize 1946)

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

CÓ “SÓNG CUỒNG” TRONG THƠ TRẦN MẠNH HẢO? – Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì
 
Lời Nói Đầu:
 
Bạn bè chuyển cho bài viết của nhà thơ Chu Mộng Long nói về thơ Trần Mạnh Hảo. Chỉ riêng cái tựa của bài viết cũng dễ làm những người yêu thơ giật mình: Trần Mạnh Hảo: Sóng Cuồng Xô Dạt Đền Thơ. Ghê gớm quá! “Ấn Tượng” quá!
 
Muốn viết mấy dòng bình luận nhưng gặp lúc “vợ đẻ con đau nhà nước ngập” nên cứ nấn ná hoài. Mấy bữa nay con cái lấy “vacation” (phép) đưa các cháu đi chơi xa nên được ở nhà thảnh thơi, chợt nổi hứng, lấy máy ra gõ lóc cóc mấy đoạn góp vui với bạn bè yêu thơ.
Phải công nhận bài viết của nhà thơ Chu Mộng Long vóc dáng bề thế (2552 chữ), được viết trong lúc hứng khởi nên tuy là văn, mà lại khá nhiều cảm xúc, đọc cũng đỡ ngán. Đáng tiếc, có một chút hiểu lầm “nho nhỏ”.