BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

TÌNH THƠ - La Thuỵ




          
           
   

                              TÌNH THƠ

                  Ruột tằm rút mãi đã xong chưa
 

                  Vấn vít đong đưa đến tận giờ 


                   Xướng họa gieo vần thêu ý bút 


                   Tâm giao nâng chén dệt đường tơ
 

                  "Diêu bông" lá mộng kìa ai đợi *


                  "Cổ điển" mùa mơ nọ khách chờ *

                   Cánh bướm Trang Chu còn lãng đãng
 

                   Đắm hồn ươm kén ủ tình thơ

                                                   La Thuỵ

                  * Lá diêu bông: Tên một bài thơ của Hoàng Cầm

                  * Mùa cổ điển:  Tên một tập thơ của Quách Tấn

   
                                  HOẠ


              1/            KHÔNG ĐỀ
                 Cái nợ văn chương trả chán chưa?
                 Đeo mang buổi ấy đến bây giờ
                 Ngôn từ vật vã bờ danh vọng
                 Chữ nghĩa hoa hòe mớ tóc tơ
                 Lụy ngã bạc tiền, cong bút múa
                 Thăng trầm cơm áo, nấu thi chờ
                 Thời nay lãng mạn ai cần đến?
                 Ngẫm ngợi càng đau mấy áng thơ
                                                         PyN

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

NGƯỜI VỀ SÔNG TƯƠNG - Trần Kiêm Đoàn

Tin Melbourne - Một trong những nhạc sĩ lão thành của Việt Nam, nhạc sĩ Văn Giảng tên thật là Ngô Văn Giảng, pháp danh Minh Thông, vừa từ trần tại Melbourne, Úc Đại Lợi ngày 9 tháng 5 năm 2013, hưởng thọ 89 tuổi. Tang lễ được cử hành tại chùa Quang Minh vào ngày 12 & 13-05-2013, sẽ được hỏa táng vào lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Ba 14-05-2013. Xin giới thiệu bài viết của tác giả Trần Kiêm Đoàn về vị nhạc sĩ tài danh này

        
                         Nhạc sĩ Văn Giảng (Thông Đạt)
    

         NGƯỜI VỀ SÔNG TƯƠNG

          Thầy Ngô Văn Giảng vừa tạ thế tại Úc, hưởng thọ 89 tuổi. Tin buồn loan ra, tôi bâng khuâng nhớ về 54 năm trước, năm 1959, thầy là giáo sư âm nhạc của chúng tôi tại trường Hàm Nghi, Huế. Thuở ấy, thầy mới ngoài 30, dáng điệu phương cường, đi chiếc xe gắn máy hiệu Zunndapp của Ðức nổ bịch bịch nổi bật cả sân trường.
            Tôi còn nhớ ngày đầu tiên khi Thầy bước vào lớp đệ Thất B1 của chúng tôi, trò Trương Phước Ni bắt tay làm loa đứng dậy chào thầy bằng câu: “Ðường trường xa muôn vó câu bay dập dồn…” Thầy cười rất tươi cho cả lớp, nhưng cũng lập nghiêm nhìn chú học trò rắn mắt ở dãy bàn cuối lớp. Ðây là câu mở đầu của hùng ca Lục Quân Việt Nam, một trong những bài ca mang tiết điệu hành khúc, hùng tráng nổi tiếng nhất của Thầy – nhạc sĩ Văn Giảng – như Thúc Quân, Ðêm Mê Linh, Qua Ðèo, Nhảy Lửa…
            Thầy đã là một nhạc sĩ thành danh, nổi tiếng trong cả nước, trước khi trở thành giáo sư âm nhạc của trường Hàm Nghi. Nhưng nhiều người chỉ biết Văn Giảng qua những bản hùng ca. Bởi thế, vào mấy năm đầu thập niên 1950, khi bản nhạc để đời của Thầy, Ai Về Sông Tương, trở thành một bản tình ca thời danh với tên tác giả là Thông Ðạt thì ít ai để ý rằng, trong góc khuất của những tâm hồn nghệ sĩ thì bên cạnh nhịp đời hào hùng vươn tới vẫn có tiếng thở dài chan chứa điệu buồn.

BỠN ĐỜI ĐI TU - La Thuỵ



                   

                           BỠN ĐỜI ĐI TU
                               (Tặng Nguyễn Hải)

                      Bỡn đời xuống tóc bác đi tu
                      Vọng niệm trần thân hết mịt mù
                      Bể ái giờ đây tắt lửa hạ
                      Nguồn ân mai ấy thấm mưa thu
                      Hoa Đàm khai trí xa tường ngục
                      Đuốc Tuệ minh tâm thoát ngõ tù
                      Bát Nhã thuyền xuôi về bến giác
                      Chúc thành La Hán cưỡi lân cù
                                                          La Thuỵ


                                   VÔ ĐỀ
                      Lánh thế xa trần khổ luyện tu
                      Khai tâm mở dạ tránh sa mù 
                      Từ bi không cần điều chi phí 
                      Hỉ xả chả lo việc thất thu
                      Gõ mõ khua chuông rời cõi tục 
                      Niệm kinh đánh khánh bỏ đời tù
                      Quay lưng diện bích lòng chay tịnh
                      Xóa sạch ham mê bỏ đánh cù

                                                        Ký Gàn 


Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

NỖI NIỀM CÔ PHỤ - La Thuỵ


          


                           
NỖI NIỀM CÔ PHỤ

                                   (Tặng chị Minh Trinh)
                       Dõi bóng lang quân đã biệt ngàn
                       Ôm niềm nhung nhớ héo dung nhan
                       Chàng nơi âm cảnh mờ sương khói
                       Thiếp chốn phù sinh vịn xóm làng
                       Tứ đức sắt son cam khổ nhọc
                       Tam tòng chung thủy chịu tân toan
                       Chiều xuân đếm tuổi soi màu tóc
                       Hoài vọng tri âm dạo khúc đàn
                                                            La Thuỵ

                                           HOẠ


                                           CÔ PHỤ
                        Trống trải hoàng hôn lạnh gió ngàn
                        Một mình năm tháng mấy lo toan
                        Người đi chẳng hiểu câu tha thiết
                        Kẻ ở hoài trông giấc lỡ làng
                        Tình bạc quên đành ân nghĩa thắm
                        Thủy chung nhớ mãi sắc hương tàn
                        Nỗi niềm đơn lẽ sầu hiu hắt
                        Chẳng trọn tình yêu lỗi nhịp đàn

                                                              Nhã My


Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

THƠ HẠC THÀNH HOA



     Thi sĩ Hạc Thành Hoa tên thật là: Nguyễn Đường Thai .
 Sinh quán tại Xuân Phổ, Thọ Xuân, Thanh Hóa. 
 Tác phẩm đã xuất bản:
   + Trong nỗi buồn vàng (Nguyễn Đình Vượng, tạp chí Văn Sài Gòn – XB – 1971).
   + Một mình như cánh lá (Giao điểm Sài Gòn xuất bản – 1973), tái bản (Thư ấn quán Hoa Kỳ xuất bản) 2006.
   + Phía sau một vầng trăng (NXB Thanh niên – Hà Nội – 1995).
   + Khói tóc (NXB Lao động – Hà Nội – 1996).


                                           * * *

  Thi sĩ Hạc Thành Hoa làm thơ từ năm 1961, đã đăng thơ trên các báo, các tạp chí văn học trước năm 1975 tại Miền Nam Việt Nam. Ông được người yêu thơ biết đến trước đây khá lâu. Từ đầu thập niên 1960 , trên tạp chí Bách Khoa , nhà văn Tam Ích đã trang trọng giới thiệu  ông cùng thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn  như là những cây bút tài hoa trẻ  của thi đàn Miền Nam VN.
  Hôm nay, La Thụy hân hạnh được chính tác giả gửi thơ văn qua email . Được sự đồng ý của tác giả, trang Phudoanlagi.blogspot.com xin post lên cho chúng ta cùng thưởng lãm
                          

                       GIỮA SAI GON GẶP CHÙM VẢI QUÊ NHÀ

                       Hình như có bóng ai theo dõi
                       Nên bước chân đi cũng ngập ngừng
                       Quay sang bỗng gặp ngay chùm vải
                       Chợt thấy tim mình rụng dưới chân

                                               *
                        Chùm vải còn tươi như mới hái
                        Vẫn còn vương chút nắng quê hương
                        Chợt nghe có tiếng chim tu hú
                        Ửng hồng trong lớp vỏ phong sương

                                               *
                        Ta đi những bước vô tình quá
                        Mắt quen nhìn những đám mây xa
                        Đâu biết bên đường chùm vải  đã
                        Nhận ra người cũ của quê nhà

                                                *
                        Mấy chục năm quen đời lưu lạc
                        Quê cũ chìm sau lớp khói sương
                        Bỗng dưng gặp lại chùm vải chín
                        Chợt nhớ mình cũng có một quê hương

                                                 *
                        Chùm vải vẫn là chùm vải cũ
                        Còn ta sống hết mấy kiếp người
                        Thân ở đồng xa hồn ở núi
                        Với một vầng trăng bạc cuối trời

                                                 *
                        Chùm vải bao dung và độ lượng
                        Nhìn ta  không một chút oán hờn
                        Xin gửi hồn theo vầng mây trắng
                        Chút tình còn lại với quê hương

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

NGUYỄN THỊ ĐÔNG YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẺ ... Hoàng Yên Lynh



          


           HẠNH PHÚC MONG MANH
                                    (Gởi  NTA.)

         Tương lai còn đó ... Anh đi
         Không lời nhắn nhũ  biệt ly ... Cuối đời.

         Em không thể nắm bàn tay anh mãi
         Kỷ niệm chúng mình se sắt con tim
         Khăn sô trắng , trắng đời em con dại
         Vỡ tan rồi bao hạnh phúc đắm say
         Anh đi rồi xa biệt cánh chim bay
         Em ở lại tím sầu người cô phụ
         Mất anh rồi vòng tay em quá nhỏ
         Để nuôi đàn con dại đến tương lai
         Chuyện chúng mình sao ngậm ngùi oan nghiệt
         Khăn tang buồn phủ kín cả đời em
         Đôi mắt anh ... Chạnh lòng em da diết
         Anh đã hứa chẳng bao giờ ly biệt
         Để bây giờ quạnh vắng chỉ mình em
         Trên đường đời em gọi mãi tên anh
   
     Hạnh phúc mình ... Hạnh phúc quá mong manh .
                                                  Nguyễn Thị Đông


Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

TRÊN ĐƯỜNG BỤI PHẤN - Trần Kiêm Đoàn

Chúng tôi xin giới thiệu một bài viết mới của thầy Trần Kiêm Đoàn mà thầy vừa gửi qua email

        


             TRÊN ĐƯỜNG BỤI PHẤN 
                                        Trần Kiêm Đoàn

Bình luận về một bài viết rất chi là “sư phạm chơn ngôn” của thầy Lê Duy Đoàn, một đóng góp văn chương kỷ niệm 45 năm Đại Học Sư Phạm Huế, dưới nhan đề “Sư Phạm -  một con đường”, thầy Đoàn Ứng Viên bèn ra thơ… nóng hổi:

rằng hay thì thật là hay
không hay sao lại đỗ ngay sư...phàm
bây chừ con cháu càm ràm
phải chi không học chắc làm quan to

(Đoàn Ứng Viên. Email: Vào 13:52 Ngày 01 tháng 4 năm 2013)


 
                         Sư Phạm Đại Học Huế 
           - Một cảnh trại Hè, khóa Phan Châu Trinh 1970

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

HỒI CƯ - Trần Kiêm Đoàn

Sau bài TẢN CƯ  mà chúng tôi đã giới thiệu  (http://phudoanlagi.blogspot.com/2012/04/tan-cu.html ) thầy Trần Kiêm Đoàn đã từng viết thêm một số bài về ngôi  trường Trung Học Nguyễn Hoàng và vùng đất Quảng Trị trong những ngày còn vương khói lửa chiến tranh mịt mù từ 1972 đến 1975. Xin giới thiệu bài viết HỒI CƯ  trong loạt bài viết ấy của thầy Trần Kiêm Đoàn



      Thuở nhỏ, ít khi tôi và lũ bạn cùng lứa ở làng chịu bỏ sót bất cứ một gánh hát nào về diễn ở làng, ở xã. Chúng tôi phải coi cho bằng được từ đầu chí cuối, nghĩa là từ khi các đoàn hát dựng cột làm sân khấu đến ngày dỡ cột ra đi, dù phải “hy sinh” bị quỳ và đánh đòn vì không thuộc bài và ngủ gục trong lớp. 

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

CHÙM THƠ ĐỌC SỬ NHÂN NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG - Lê Ngọc Phái

   
     
             
     VUA HÙNG

     Hùng Vương Quốc Tổ dựng Văn Lang                                   
     Từ thuở sơ khai mảnh đất vàng                                   
     Mười tám đời vua bao thế hệ                                   
     Mười lăm danh bộ một giang san                                     
     Yêu thương bá tính chung nguồn cội                                    
     Phát triển cơ ngơi tận bản làng                                  
     Trải mấy ngàn năm lịch sử Việt                                   
     Trống đồng di vật mãi còn vang.
                            
     GIÀNH TỰ CHỦ (1)
                                
     Nghìn năm Bắc thuộc đã sang trang                                 
     Nghĩa sĩ Giao Châu viết sử vàng                                 
     Trưng, Triệu, Lý, Phùng danh mãi sáng                                 
     Mai, Dương, Quyền, Khúc tiếng hằng vang                                 
     Đánh tan Ngô, Hán… quân gian ác                                 
     Đuổi sạch Đường, Lương… lũ bạo tàn                                 
     Đất nước bắt đầu thời tự chủ                                  
     Nghìn năm Bắc thuộc đã sang trang.
  
1) Đất nước Việt Nam xưa đã trải qua hơn  một nghìn năm đô hộ của Nhà Hán, Ngô, Tấn, Lương, Tùy, Đường… bên Trung Hoa sang, tức là  từ khi Tể Tướng Lữ Gia và Triệu Dương Vương bị quân Tây Hán hại cho đến lúc Ngô Quyền phá quân Nam Hán (năm 111 trước CN  đến năm 939 sau CN). Nhiều nghĩa sĩ đã dấy binh chống lại sự tàn ác của ngoại xâm, nổi bật nhất là Hai Bà Trưng đánh quân Tây Hán, Bà Triệu  đánh quân Đông Ngô, Lý Bôn và Triệu Quang  Phục đánh quân nhà Lương, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng và Khúc Thừa Dụ đánh quân  nhà Đường, Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền đánh quân Nam Hán. Các cuộc khởi nghĩa của các vị anh hùng dân tộc nói trên, đặc biệt là của Ngô Vương Quyền, đã chiến thắng vẻ vang, giành lại quyền tự chủ và đưa đất nước ta thoát khỏi đêm dài Bắc thuộc chịu nhiều gian khổ. Thật đáng tự hào thay truyền thống chống  ngoại xâm của dân tộc Việt Nam!
                
     ANH VÀ TÔI        
                        
     Anh và Tôi lạ lẫm gì đâu                              
     Lịch sử nghìn năm đã đối đầu                               
     Nguyên, Tống, Minh… đọa đày Đại Việt                               
     Hán, Ngô, Đường… áp chế Giao Châu                               
     Thù xưa những tưởng đà chôn kín                               
     Chuyện mới nào ngờ lại khắc sâu                               
     Tình nghĩa láng giềng sao nỡ vậy                                
     Đừng vì tham lợi khổ cho nhau!
                     
     NHỚ XƯA       
                       
     Nhớ xưa xâm chiếm Việt Nam tôi                            
     Tội ác anh gây động đến trời                            
     Cướp của giết người đà lắm bận                    
     Hiếp dân hại nước biết bao đời                            
     Tinh hoa Âu Lạc luôn gìn giữ                            
     Truyền thống Rồng Tiên mãi chẳng lùi           
     Đánh đuổi giặc thù ra khỏi xứ    
     Đau lòng Tổ Quốc máu xương rơi!

                             Lê Ngọc Phái
                    phaimai2013@gmail.com

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

THƯ XUÂN VỀ NHỚ MẸ - Nguyễn Thị Đông


Anh Hoàng Yên Lynh mới gửi email đến chúng tôi, nhờ đăng tiếp một bài thơ nữa của chị Nguyễn Thị Đông - bạn đồng môn trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị cũ.  Xin mời cùng đọc nhé!





Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

HOA YÊU THƯƠNG - Nguyễn Thị Đông


       Chị Nguyễn Thị Đông là  một cựu học sinh Trung Học Nguyễn Hoàng ( lớp 12 niên khóa 1973 - 1974 -  Trại 5 Non Nước, Đà Nẵng ). Hiện nay chị Đông đang định cư  tại Houston, Texas, Hoa Kỳ .  Chị Đông có bài thơ gửi anh Hoàng Yên Lynh và đề nghị chúng tôi  đăng tải  với hi vọng  tìm lại được bạn  bè đồng môn và  đồng hương xưa cũ



              



Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

LÝ SANG SÔNG - Hoàng Yên Lynh

                                     

                 LÝ  SANG  SÔNG .
                 Khúc ca buồn
                 Ai hát Lý sang sông ...
                 Rừng đước mênh mông
                 Rừng tràm xanh thắm
                 Tiếng chim chiều gọi bạn
                 Sao não lòng sông nước phương Nam ...

                 Xuồng ai qua sông
                 Tiếng hò ngân xa  bồng bềnh sông nước
                 Chim lẽ bạn rồi
                 Tiếng kêu buồn loang theo gió mây trôi .

                 " Con sáo sang sông
                 Con sáo xổ lồng ... "
                 Con sáo bay xa biết khi nào trở lại
                 Nơi  chốn nào người có nhớ tôi không ?

                 Nước lên bìm bịp kêu chiều
                 Không tình không bạn  liêu xiêu cuối trời
                 Nẻo về dẫm nát đời tôi
                 Nẻo đi còn lại mảnh đời bơ vơ .

                 Xuồng ai qua sông mang câu hò điệu Lý
                 Chia bớt tình tôi nỗi nhớ người đi .

                 Con chim chiều gọi bạn
                 Tha thiết  tựa cung đàn
                 Cung thương trầm ai oán
                 Như tiếng lòng tôi ...
                 Xào xạc lá tràm
                 Con nước ròng nước lớn
                 Nơi  cuối trời cuối đất phương Nam ...
                                           HOÀNG YÊN LYNH

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

ĐỐI THOẠI VĂN CHƯƠNG - Trần Nhuận Minh , Nguyễn Đức Tùng

Bìa cuốn Đối thoại văn chương do NXB Tri thức ấn hành.



Văn chương thôi “gây chiến” để "đối thoại" 


“Lâu nay, những gì chúng ta viết trên blog và báo chí hầu hết là hạ bệ nhau chứ chưa phải đối thoại văn chương đúng nghĩa” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu trong buổi ra mắt cuốn Đối thoại văn chương của hai tác giả Trần Nhuận Minh – Nguyễn Đức Tùng tại Hà Nội.

Cả hai người: Trần Nhuận Minh, một nhà thơ Việt Nam nổi danh (cũng là anh trai nhà thơ Trần Đăng Khoa) và Nguyễn Đức Tùng, một bác sĩ gốc Việt ở Canada, đều có chung những trăn trở về văn chương. Cuốn sách Đối thoại văn chương là một cuộc đối thoại đúng nghĩa, trải dài suốt 9 tháng, từ tháng 1 đến tháng 9/2011. Nguyễn Đức Tùng hỏi và Trần Nhuận Minh trả lời, chủ đề: văn chương ViệtNam.

Viết một cuốn để ghi lại những gì mình nghĩ, 2 tác giả đã chọn làm chung công việc này và chọn một hình thức không phải là độc nhất vô nhị nhưng vẫn mới hơn so với nhiều cuốn sách bình văn thơ chủ yếu độc thoại trong nước lâu nay.

 
Hai tác giả Trần Nhuận Minh (trái) và Nguyễn Đức Tùng.

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG -Truyện ngắn của Sheila Brown Sandray. Nguyễn Khắc Phước dịch



                          BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG
                                                 
Nguyên tác: A Man of Dignity.
Truyện ngắn của Sheila Brown Sandray.
Dịch giả:  Nguyễn Khắc Phước

Cha mẹ và bà con bên nội của Sheila Brown Sandray sống ở Nam Phi nhưng bà thì ở nhiều nơi trên thế giới.
Bà sinh tại York, Anh quốc vào năm 1924, trải qua tuổi ấu thơ tại Colombia, Tích Lan. Học tại Queen Anne, Caversham, Anh quốc. Khi bố của bà đóng quân tại Gibraltar (một vùng lãnh thổ thuộc Anh gần Tây Ban Nha), bà thường về đó nghỉ hè mặc dù Tây Ban Nha đang có nội chiến. Khi Thế Chiến thứ hai bùng nổ, bà dời đến sống ở Madeira, một quần đảo thuộc Bồ Đào Nha, tại đây, bà học ngôn ngữ với một nhà phê bình sách người Đức sống tha hương. Trở lại nước Anh trong thời gian chiến tranh, bà làm việc cho Cục Tình báo Chính trị thuộc Bộ Ngoại giao ba năm và sau đó làm việc cho Liên Hiệp Quốc tại Vienna ba năm. Bà sống ở Canada một thời gian rồi về sống với cha mẹ tại Nam Phi. Rồi bà lấy một nhạc sĩ người Mỹ và sống tại Phoenix, bang Arizona với ba người con.

                                            


Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

CA KHÚC PHỔ NHẠC TỪ THƠ - Nguyễn Khắc Phước



   Nguồn :  http://chumkhechua.blogspot.com/

Cần ghi rõ tên thi sĩ vào audio, video hoặc lời nhạc nếu đó là ca khúc phổ nhạc từ thơ



Ca khúc LỜI RÊU do nhạc sĩ Phú Quang sáng tác là một ca khúc phổ một bài thơ buồn da diết tựa như lời trối trăn của một người sắp bỏ trần gian ra đi trong tuyệt vọng. Tuy nhiên giai điệu của Phú Quang không làm cho lời ca thêm thảm thiết, tuyệt vọng mà chỉ là một lời thở than nhẹ nhàng khiến người nghe không cảm thấy buồn nặng nề, trái lại bay bổng thoải mái, thoát vòng hệ lụy để tan vào hư vô.


Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

TRÊN BỤC GIẢNG MÙA XUÂN - La Thụy

   
   


TRÊN BỤC GIẢNG MÙA XUÂN

Tơ xuân nhè nhẹ rải                  
Lộc biếc khẽ đâm chồi                    
Đất trời nghe phơi phới                    
Hoa xuân hé môi cười                    

Sương thu bao lần trải                   
Áo trắng sắc không phai                   
Một đời yêu phấn bảng                   
Thân thương tiếng giảng bài                  

Nhặt cỏ vườn hoa bé                   
Nâng niu từng nụ hồng                   
Nhựa xuân rung se sẽ                   
Mộng hồn bay lâng lâng                   

Sắc hoa cùng thắm rộ                   
Ủ hương đầy bâng khuâng                   
Thì thầm tia nắng cựa                    
Nguồn thơ chợt trào dâng

                        LA THUỴ