BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI ẤT TỴ 2025 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2025

BÙI GIÁNG VÀ NÀNG HOA HẬU MỘT CON


Ảnh: Nhà thơ Bùi Giáng và hoa hậu Công Thị Nghĩa
 
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay

Bùi Giáng là một hiện tượng thơ ca đặc biệt của Việt Nam. Trong di sản văn chương ông để lại cho hậu thế có những bài thơ, câu thơ lạ lùng, gợi lên nhiều suy nghĩ.

"Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con"

Đọc câu thơ trên, rất nhiều người nghĩ rằng đây là một "hiện tượng lạ", đôi mắt của ai đó đang làm hai việc khác nhau. Một con mắt thì khóc và con mắt còn lại không biết đang làm gì?

Tứ thơ này cũng đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hiểu theo cách của ông và viết thành nhạc "Con mắt còn lại":

"Còn hai con mắt khóc người một con
Còn hai con mắt một con khóc người
Con mắt còn lại nhìn một thành hai
Nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ..."

Có thể hiểu nhạc của Trịnh Công Sơn là một sự ngẫu hứng dựa trên câu chữ chứ hoàn toàn không liên quan đến ý nghĩa thật trong câu thơ của cụ Bùi Giáng. Trung niên thi sĩ Bùi Giáng đã khóc một cách rất nghiêm túc, khóc bằng cả hai con mắt, khóc cho một đối tượng, một con người cụ thể đó là người phụ nữ đã có MỘT ĐỨA CON.

Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một (ĐỨA) con.

"Người một con" trong câu thơ của cụ Bùi Giáng là hoa hậu đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa năm (1955-1956) - bà Công Thị Nghĩa, tức hoa hậu Thu Trang. Bà Nghĩa yêu một ông đạo diễn có tên là T.N.H và có con với ông. Thế nhưng sau đó bà biết này ông này đã có vợ con nhưng giấu và lừa dối bà.

TRƯỚC CỬA THỜI GIAN - Thơ Trần Vấn Lệ

 
 

 
Hôm qua trời không mưa. 
Trời mù sáng đến tối.
Hôm nay không nắng rọi
là biết trời vẫn mù!
 
Bây giờ chưa mùa Thu
cũng chưa là mùa Hạ...
Đang Xuân.  Sao nhiều lá
chưa đủ xanh đã vàng?
 
Lá rơi xuống mặt đường. 
Lá bay trên lề cỏ.
Tội nghiệp, kia, con thỏ
nó đứng ngó đâu đâu...
 
đôi mắt nó chữ O,
tròn vo như hoa búp...
Có thể nó sẽ núp
khi mà gió lạnh qua...
 
Có thể tất cả già
mùa Xuân rồi mùa Hạ...
rồi rừng Thu thay lá
rồi mùa Đông tuyết băng!
 
Chỉ hai chữ Thời Gian
mà bốn mùa thay đổi!
Chỉ hai chữ nông nỗi
mà nước non Việt mình...
 
Những ngôi mộ làm thinh,
những bình tro câm lặng
... như hôm qua, không nắng
... như hôm nay, vậy thôi!
 
                         Trần Vấn Lệ

TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI, TỪ KHI MỚI RA ĐỜI, NGƯỜI ƠI! – Phạm Hiền Mây



I. TÌNH CA RA ĐỜI TRƯỚC KHI ĐẤT NƯỚC CHIA ĐÔI

Phạm Duy sáng tác Tình Ca vào năm một ngàn chín trăm năm mươi hai.
Tình Ca là tình yêu của một người Việt Nam đối với quê hương, đất nước Việt Nam của mình.
Yêu nước chính là yêu tiếng Việt, tiếng cha sanh mẹ đẻ, tiếng ầu ơ trưa hè, tiếng hò ơi ngoài đồng, cả tiếng khóc trẻ thơ lẫn tiếng cười đôi lứa, cứ thế, qua bao năm bao tháng, theo mệnh nước nổi trôi.
Yêu nước chính là yêu giang sơn gấm vóc, yêu  Trường Sơn hùng vĩ, yêu dòng Cửu Long xanh ngắt mơ màng, yêu bãi bồi sông Hồng, yêu lững lờ sông Hương, vốn từ ngàn xưa, trong cùng một dải nối liền tình nam nghĩa bắc.
Yêu nước chính là yêu giống nòi dân Việt, yêu những thôn nữ, những nông phu chân lấm tay bùn, yêu cả các triều đại xa xưa, biết thương dân và vì dân mà giữ gìn bờ cõi.
TÌNH CA không chỉ là một ca khúc về tình yêu, tình yêu non nước, mà TÌNH CA còn là một bài thơ, bài ca dao, dân ca, mượt mà, ngọt ngào, dịu dàng và vô cùng sâu lắng.

HƯƠNG CHẠC CHÌU – Đinh Hoa Lư


Hình dây chạc chìu
từ cây hoang giờ đây cũng như nhiều loại cây hoang dại khác chạc chìu đều thành thuốc nam trị bệnh
 
Chào bạn đọc
   
Thưởng thức hương hoa từ lâu là thú vui của tao nhân, mặc khách. Chuyện vui thú điền viên người đời thường lấy hoa đẹp và hương hoa làm trọng. Dù cảnh nhà chỉ một chiếc áo bông "nực làm gối lạnh làm mền" như Cụ Nguyễn công Trứ ngày xưa nhưng trong vườn ắt hẳn không thiếu gì kỳ hoa dị thảo...
 

HẾT THỜI, ĐOẢN CÚ, ĐÀO CŨNG NỞ, CHIM/NGƯỜI, 4/30, Ở QUÁ XA – Thơ Chu Vương Miện


   

 
HẾT THỜI
 
tụ đây ngưu ẩm rượu hoàng hoa
liếc quanh toàn một lũ vượn già ?
uống mãi mà sao chưa thấy xỉn
thì ra chỉ uống rặt nước trà
 
biết thế thà đừng có gặp nhau
cứ văn vói veo chuyện tào lao ?
đâu phải rú rừng đầy khỉ vượn
nhìn nhau một lúc váng cả đầu ?
*
trèo lên cây bưởi làm chi nữa
hỏi ra trất uất có chồng rồi ?
nụ tầm xuân nở đầy bờ rụộng
nói làm gì ? chỉ uổng công thôi ?
 
phía dưới một vùng hoa cà tím
phía trên hoa bưởi trắng bời bời
cá mắc câu nằm yên không cục cựa
chim trong lồng cũng đứng ngó nhau thôi ?
 

NGUYÊN SA: THI CA VỚI TÌNH YÊU VĨNH CỬU – Đỗ Trường

            (Bài nhắc lại tháng 4/ 27 năm ngày mất của Nguyên Sa)


Tôi đã đến với Paris rất nhiều lần. Song lần nào cũng cho tôi cảm giác như lần đầu vậy. Và chưa thu sang, vậy mà hình ảnh Paris với những con đường lá đổ của những Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa vẫn chợt hiện về trong tôi. Bởi, có lẽ ba ông thi sĩ cùng năm sinh (1932 tại Hà Nội), du học cùng thời, đều có những bài thơ hay viết về Paris, đánh đúng vào tâm trạng con người chăng?
Có thể nói, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa là những viên gạch đầu đặt nền móng cho Văn học Việt ngay từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Và tập thơ mang tên: Hy Vọng của Nguyên Sa ra đời vào năm 1954 tại Paris chứng minh thêm cho nhận định này, khi ta đi sâu vào nghiên cứu Văn học Việt nơi hải ngoại.

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2025

TÌNH YÊU MÀ BÀY TỎ NHIỀU KHI NÓ HẾT DUYÊN – Thơ Trần Vấn Lệ


   


Một ngày có bệnh,
nhiều ngày không có bệnh,
tất cả đều đã qua!
...như mây qua thành phố!
 
Mỗi ngày nhìn thấy cỏ
còn xanh là còn Xuân
coi như Hạ, Thu, Đông,
không chờ thì không tới...
 
Ai cũng lòng phơi phới
chắc đời không có buồn?
Mà tại sao thơ tuôn
có lời buồn mới đẹp?
 
Những bài thơ em chép
thuở mười lăm dễ thương!
Giống như nước trên nguồn
trong veo khi mình múc...
 
Mà lạ, sao em khóc
nước mắt cũng trong veo?
Ca dao có Chiều Chiều
ra cửa sau đứng ngó... (*)
 
Những giọt lệ em nhỏ
xuống bàn tay dễ thương!
Mười ngón tay dễ thường
có bài thơ nào nhắc?
 
Anh gọi em Đà Lạt
hoa quỳ nở mùa này
nắng buổi sáng trên mây
tóc em đùa trên đó...
 
Tình Yêu mà bày tỏ
nhiều khi nó hết thiêng?
Anh biết em làm duyên
nói giả đò, chớ bộ...
 
                Trần Vấn Lệ
 
(*) Ca dao:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê Mẹ ruột đau chín chiều!

VỀ LẠI HUẾ XƯA – Đinh Hoa Lư



Khi tôi về, nhìn dân tôi ngỡ ngàng
Khi tôi về, nhìn quê hương điêu tàn
Nhìn tuổi thơ nghèo nàn, nuôi đời trong dối gian!
                     (Con Đường Tôi về / Lê Tín Hương)
 
Chiếc xe Bình Điền thả chúng tôi xuống gần Ga Huế thì trời chưa chiều lắm. Mấy anh em hối hả chia tay, xong tìm cách nhanh nhất về nhà.
 
Tôi ngơ ngác ngó quanh. Mấy năm xa vắng cố đô giờ tôi nhìn lại, Huế có vẻ gì xác xơ và xa lạ! Cũng như các bạn khác từ rừng xanh về lại chốn thị thành, mới biết quê hưong chỉ vài năm mà tiều tụy đến não nề! Ga Huế im lìm trong cơn nắng tháng Sáu. Cửa cái bể, cái vá. Quanh nơi tôi đứng, vài ba cái quán đìu hiu trong gió, vài thẩu kẹo, năm ba nải chuối đu đưa.
 

Tiếng mời đi xe của mấy người xe đạp ôm đưa tôi về thực tại:
- Đi xe khôn eng...? !
- Chú... chú ...đi xe cháu nì chú?!

LÀM SAO QUÊN ĐƯỢC - Nhạc Khê kinh Kha, Duy Quang trình bày

    

                

TRẦM KHÚC THÁNG TƯ, GIẤC QUÊ – Thơ Tịnh Bình


   
 

TRẦM KHÚC THÁNG TƯ
 
Chỉ một cánh cò thôi...
Sao lòng ta mê mải ?
Những hồi tưởng mùa xanh vô tận
Đứa trẻ thơ ngây bay lả cánh diều
 
Tháng Tư
Màu mặt trời bốc cháy trên đám cỏ khô
Chẳng thể nào tìm lại
Con đường mòn li ti hoa dại
Và khúc hát mùa xuân
 
Nhặt nhạnh tàn tro
Trong bụi mờ dư âm quá vãng
Những hoài niệm thường mang gam màu tươi đẹp
Và non tơ như tiếng chim lích chích trên cành
 
Bay về đâu hỡi giấc mơ
Những cánh diều cánh cò chấp chới
Góc trời quê thương đến nhói lòng
Buổi chiều đứng im hoa súng tím
Có nghe gió nói gì trong mắt lá tháng Tư ?
 

XUÂN XUÂN 60, XUÂN LAM ĐIỀN – Thơ Chu Vương Miện


   

XUÂN XUÂN 60
 
60 năm cuộc đời
Ngừơì chết không còn gì? để nói
chỉ để dành cho kẻ sống nói thôi?
mà noí cái chi? bây giờ
thiên hạ ghét nhất là cái tôi?
chỉ thích riêng mỗi cái nồi
nấu cơm cùng nấu cháo?
nấu hầm bà lằng và nấu xôi
người chết có khi khỏe cái thân
người sống bon chen nợ với nần?
tóc trắng trên đầu sao trắng quá?
nỗi sầu nản theo lá rụng đầy sân?
chả có ai? và cũng chả muốn gì?
mới ngày nào? chả biết cái chi chi *
bây giờ thời biết hết trọi
chờ mãi một chuyền xe đi?
kẻ soạn ra bản nhạc thời đã chết?
mà kẻ hát permanent cũng chả còn?
thiên hạ hầu như quên để ý
còn ta? thời chả làm sao quên?
60 năm cuộc đời?
Xào đi xào lại cũng thế thôi?
Đao to buá lớn tiền dông trước?
Không tiền đành đứng khóc thôi?
 
* Thơ Duơng Khuê

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2025

50 NĂM CUỘC CHIẾN VN, NHỮNG ĐỨA CON MỸ ĐEN CÒN SÓT LẠI – Đinh Hoa Lư


                

PHẦN MỘT    

Vừa lên khỏi con dốc Sơn Mỹ một đoạn là quán chè mụ Mít. Cái quán đơn sơ do chỉ có một cái bàn gỗ ọp ẹp, hai tấm ván bìa làm thành hai cái ghế dài, nửa tấm ván lớn làm bàn. Chỉ vậy mà quán chè mụ Mít khá đông khách. Khách của quán phần đông là đàn bà, con gái, những người đi bán than dưới chợ tỉnh La Gi về. Nhà họ đều ở cùng thôn này, nên không không xa lắm.

Hình cắt lại từ clip bạn cùng thôn - các cô gái thồ than người xã Sơn Mỹ hình tết 1987. 
Họ bán than tại thị trấn LAGI xong lên lại nhà và hay ghé hàng chè mụ Mít

Quán chỉ bán vài loại chè bình thuờng như đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh... không màu mè như chè đô thị, tuy vậy mà đông Khách. Tầng lớp lao động, rẫy rừng, ly chè, mụ Mít đập cho vài cục đá lạnh thế là họ 'thỏa mãn' rồi. Mụ nhớ, thì mụ rắc cho một giọt dầu chuối cho thơm ly chè, nhưng mụ quên thì thôi, không ai phiền hà.

Quán nước bên đường 1995 (dốc Sơn Mỹ xuống chợ Cam Bình, hình của ĐHL)

Trời xế chiều. Mấy o bán than, mấy ôn đạp xe buôn heo con, coi bộ cũng hết. Hơn nữa, mụ chỉ còn một ly chè cho thằng con út. Con trai mụ đi rẫy, chiều nào hắn cũng về sớm.

XÉT LẠI NGHI ÁN TÔN THẤT NHÀ LÝ BỊ CHÔN SỐNG

Sử chép rằng năm 1232, Trần Thủ Độ lập mưu chôn sống hơn 300 tôn thất nhà Lý khi họ đang tế lễ. Sự việc đến nay vẫn còn nhiều điểm đáng ngờ.

Chân dung Trần Thủ Độ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
 
Nghi án từ sử cũ Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ Trần Thái Tông chép: “Nhâm Thìn năm thứ 8 (1232)… Tháng 8, gió to, dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết. Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý. Khi ấy Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tôn, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ cúng các vua Lý đời trước ở Thái Đường xã Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu làm nhà lên trên, đợi khi người ta uống rượu say, giật máy chôn sống hết. (Xét thời Trần Anh Tôn còn có người họ Lý làm tướng; vả lại sử của Phan Phu Tiên không thấy chép, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm ghi lại)”

Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng chép tương tự Đại Việt sử ký đồng thời ghi chú thêm rằng: 
“Thái Đường: tên thôn, thuộc huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh; chỗ này là hành cung nhà Lý trước”.

Đại Việt sử ký toàn thư là cuốn sử cổ nhất chép về sự kiện này, các sử gia đời sau đều theo đó mà biên chép vào sách của mình như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sỹ. Tuy nhiên, ngay trong các lối chép của cuốn sử cổ nhất là Đại Việt sử ký ta cũng đã thấy có điều chưa chắc chắn. 
Sau khi chép lại sự việc trên thì Ngô Sĩ Liên viết thêm trong ngoặc rằng: Xét đời Trần Anh Tôn còn có người họ Lý làm tướng và trong sử của Phan Phu Tiên không thấy chép nên sự việc chưa chắc đã có, nay hãy cứ tạm ghi lại.
 

TÂN KỶ NGUYÊN NHỊP BƯỚC THỜI GIAN – Trần Vấn Lệ



Hết tháng Ba thì qua tháng Bốn, dòng thời gian cuồn cuộn cứ trôi, những người đi ngày một xa xôi, những người về hứa hoài cũng có...
 
Năm mươi năm giống một ngày triêu mộ vậy mà dài thành tháng thành năm, thành thế kỷ, thành kỷ nguyên... thành nhân, thành kết thúc một đời thành bại!
 
Không cần ở New York để nhìn giờ-thời-đại, cứ trước chợ Bến Thành nghe ngựa-hí-thời-gian.  Cái đồng hồ gắn trên tháp chợ vang vang tiếng hịch Trần Nguyên Hãn giữa bạt ngàn thăm thẳm...
 
Xưa, người mình thương yêu nhau lắm lắm...nên diệt được quân Nguyên, đuổi sạch bóng quân Minh!  Nay người mình cũng đem lại hòa bình hai-thế-kỷ-năm-mươi-năm-huyền-thoại...
 
Hãy dễ thương như trẻ con hay nói:  Hết Tháng Ba Thì Tháng Bốn Tiếp Theo!  Hãy dễ thương như bắc cái thang thì trèo...Trèo tới cửa Thiên Đường ta ngồi diễu thuyết!
 
*
Một bài Thơ Tự Do hay Tân Hình Thức nói về Chúa Trời, ai dám xé không?  Những bài Lục Bát Diễn Ca về Sư Minh Tuệ nghe êm êm, nghe dịu mát đường tu...
 
Chúng ta đi tới nhen, đừng có oán có thù, đếm Một Hai Ba Bốn rồi Thiên Thu Vạn Đại.  Chúng ta hãy nhìn cuộc diễu binh có trai có gái, chúng ta hãy nghe những bài diễu văn ca ngợi tuổi thanh xuân!
 
                                                                                        Trần Vấn Lệ

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2025

ĐƯA EM VỀ QUÊ HƯƠNG – Đinh Hoa Lư


                

Cách đây hơn nửa thế kỷ, có con đường mới trong đoạn đường từ Quảng Trị vô Huế được xây đắp mới. Thời gian đầu tiên khi con đường mới đó vừa hoàn thành có một thời gian rất ngắn chúng tôi thường gọi là "Xa Lộ Đại Hàn". Người kể xin thưa thật, đó là cái tên "truyền khẩu" do cái tên Đại Hàn do một số chúng tôi hay nói cho đúng là người thành phố Quảng Trị do thấy có một đơn vị Đại Hàn thực hiện công trình làm đường này mà gọi thế. Cái tên đó không có ai công nhận hay văn bản nào nói thế nên sau này không ai gọi nữa và chẳng ai nhớ.  Đầu tiên là con đường 'thử xe' cho những chiếc honda mới toanh cho "các cô, các cậu" từ thành phố QT chiều chiều 'vù' ra vừa thử tốc độ những chiếc honda mới tậu lại vừa hóng mát.
 

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2025

THIẾT THA 切磋 - Ung Chu, Hán Việt Thông Dụng



Trong Hán ngữ, "thiết tha" 切磋 có một nét nghĩa bóng là đau xót. Nghĩa đen là:
- thiết : cắt, như trong "thiết diện", "thảm thiết", "thống thiết"
- tha : mài cho nhẵn bóng.
Do đó, "thiết tha" 切磋 hay "tha thiết" 磋切 gợi lên nỗi đau xót thống thiết như cắt như mài. Chẳng hạn, tác phẩm nổi tiếng tại vùng văn hoá Hán tự là "Sở từ" 楚辭 ở thiên "Cửu hoài" 九懷 có câu thơ: "Bi tai vu ta hề, tâm nội thiết tha" 悲哉于嗟兮 內切磋 (buồn thay than ôi, trong lòng đau xót).
Trong tiếng Việt, "thiết tha" hay "tha thiết" có thể nói về cảm giác xót xa trong lòng, trong "Cung oán ngâm khúc" 宮怨吟曲 của Nguyễn Gia Thiều 阮嘉韶 có câu:
 
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu?
Trắng răng đến thuở bạc đầu
Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần?
 
"Thiết" còn có nghĩa là sát, thân cận, gần gũi, như trong "thân thiết", "thắm thiết". Trong tiếng Việt, "thiết tha" hay "tha thiết" còn có thể nói về tình cảm thắm thiết, gắn bó: yêu nhau tha thiết, thiết tha công việc... "Thiết" còn có nghĩa là cần kíp, cấp bách, như trong "cấp thiết", "cần thiết". Trong tiếng Việt, "thiết tha" hay "tha thiết" cũng có thể nói về cảm giác cần thiết, mong cầu được đáp ứng: nguyện vọng tha thiết, thiết tha yêu cầu...
Hiện tượng đa dạng hoá ý nghĩa của "thiết tha""tha thiết" trong tiếng Việt, ta có thể đánh giá là do yếu tố "tha" bị mờ nghĩa khi vận dụng thực tế vào ngôn ngữ, tạo cảm giác tổ hợp này bao gồm một yếu tố rõ nghĩa là "thiết" và một yếu tố hài hoà ngữ âm nhưng có vẻ rỗng nghĩa là "tha" (bị nhìn nhận như một từ láy). Vì thế, 3 nét nghĩa kể trên tuỳ vào cách hiểu yếu tố "thiết" là thống thiết hay thắm thiết hay cần thiết.
                                                                                            Ung Chu

ĐỌC “LOẠN THỊ” THƠ TUỆ SỸ - Châu Thạch




VÀI LỜI PHI LỘ:

Đại lão hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người mà bất ký tôn giáo nào cũng kính phục. Ngài viên tịch, để lại vô vàn nỗi niềm thương tiếc cho những ai biết đạo lý làm người. Chúng tôi không phải là nhà phê bình thơ, không phải là người có học, không phải là người Phật tử, chỉ là người yêu thơ. Bởi kính trọng nhân cách làm Người của ngài và nhân cách thơ của ngài, chúng tôi rung động đặc biệt với 7 bài thơ của ngài, nên viết cảm nhận về 7 bài thơ ấy. Đó là những bài thơ:
- Khung Trời Cũ -Mưa Cao Nguyên -Hận Thu Cao -Ác Mộng -Bài Thơ Cuối Cùng - Loạn Thị -Tống Biệt Hành.
Hôm nay mời quý vị đọc cảm nhận bài thơ “Loạn Thị”. Mong góp cho đời chút hương vị thi ca. Trân trọng!
                                                                               Châu Thạch
 
LOẠN THỊ
 
Cắt gân máu chiêm bao quỉ hiện
Ai làm gì bên chiếc ghế mây
Vách tường trắng bàn tay năm ngón
Một bông hồng năm cánh đang xoay
Chồng gối cao không thấy mặt trời
Trên khung cửa con chim thắt cổ
Đàn kiến bò hạt cát đang rơi
Tôi nhắm mắt trầm ngâm ánh lửa
                                         Tuệ Sỹ
 
                    ĐỌC “LOẠN THỊ” THƠ TUỆ SỸ 
                                                                                      Châu Thạch
 
Loạn thị là gì? Loạn thị (Astigmatism) là tật khúc xạ ở mắt do giác mạc ghi nhận những hình dạng khác thường so với hình thực tế… Những tia sáng khi đi vào mắt thay vì hội tụ lại một điểm lại bị khuếch tán trên võng mạc, khiến hình ảnh thu được có hình dạng méo mó và nhoè. Bài thơ trên đây tuy lấy tựa đề là “Loạn Thị” nhưng ta không thấy gì là loạn thị như định nghĩa ở trên mà có vẻ như là tác giả đang bị rối loại tâm thần nên cái nhìn thấy toàn ảo giác
 

THẤY XANH XANH NHỮNG MẤY NGÀN DÂU – Trần Vấn Lệ



Nhắm mắt lại, nước mắt, cứ chảy ra... là Vui?  Nhắm mắt lại, thở thôi... ôi chao mình còn sống!
 
Muôn năm... Ngày Giải Phóng!  Bao nhiêu năm kiếp người?  Mẹ, Cha đi đâu rồi... Tôi tù về cứ hỏi!
 
Chiến tranh, Má đóng "gói" đem vào rừng, cho ai?  Cậu Mười bỏ đời trai sau mười năm ra Bắc, 
 
Anh Hai chân còn một,  chống gậy đi lãnh lương!  Cậu Tám ở Côn Lôn... ít nhiều được han hỏi!
 
Má về nằm bên Ngoại, Cha bên Nội.  Mồ!  Mồ!  Con thì đi ở tù, khiêng gỗ hò... hò dô!
 
Hạnh Phúc nhờ Cụ Hồ.  Có nhà nhờ...theo Ngụy... bây giờ không cãi lý.  Sống thái bình là Vui!
 
Hết cái thời chia đôi, bây giờ là thống nhất, bây giờ là bao cấp... rồi bao bố...dĩ nhiên!
 
Hãy chờ đợi Kỷ Nguyên -  Cái Kỷ Nguyên Mới Mẻ.  Lãnh Tụ đang nói thế, Nhà Nước đang thu gom...
 
Toàn dân lại Biết Ơn!  Biết Ơn!  Sống và Sống!  Thở than là Phản Động!  Hy Vọng...Bao Cao Su!
 
Từ Cách Mệnh Mùa Thu đến bây giờ:  Đời Mới.  Có ăn và có nói... năm mươi năm...cờ bay!
 
*
Tôi rút nhang từng cây cắm xuống từng nấm đất.  Tôi không lau nước mắt... Anh Hai tôi đứng cười...
 
Mây trên trời cứ trôi...Trôi về đâu, không biết.  Ôi con sông chảy siết xanh biếc cánh đồng dâu!
 
Cùng ngó lại mà cùng chẳng thấy...
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu!
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? (*)
 
                                                                               Trần Vấn Lệ
                                  
* (Thơ Đoàn Thị Điểm, Chinh Phụ Ngâm Khúc)

HÒA HỢP HÒA GIẢI DÂN TỘC 50 NĂM SAU CÒN SỚM, VỪA TẦM HAY ĐÃ MUỘN – Trần Kiêm Đoàn


Gặp nhau trên hai chiến tuyến 1972 và 50 năm sau gặp nhau anh em cùng một nhà.
 
Kỷ niệm 50 năm, ngày chấm dứt chiến tranh, Việt Nam thống nhất đất nước; nhưng dân Việt vẫn còn phân hóa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi vậy mới có vấn đề “Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc” đặt ra 50 năm sau như một vấn nạn dân tộc chưa có một giải pháp đồng thuận, vừa tầm hay một cách tiếp cận hài hòa cho cả hai phía thắng và thua, trong nước và ngoài nước.

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2025

NÓI VỚI THỜI GIAN – Đinh Hoa Lư

                                    Thương tặng Bà Xã

               

Trời vào đông ngày ngắn dần. Ánh chiều vội buông khi vạt nắng vàng cố gắng sưởi ấm mấy lùm bach đàn bên vệ đường. Ngày lễ Tạ Ơn xe cộ ít chạy. Mọi người đoàn tu ấm cúng với gia đình. Lò sưởi nhà ai đang nhẹ nhàng tỏa khói. Những làn khói xám mang mùi thơm nồng nàn của nhựa thông bốc lên lơ lững trong không khí lành lanh đầu đông làm ấm lòng khách bộ hành. Người ta liên tưởng đến mùa NOEL đang đến, rất gần.

LA JACARANDA XA XA – Trần Vấn Lệ



              Một mai sau cơn mê, qua cuộc đời bềnh bồng...
                                  (Lời nhạc của Trần Nhật Ngân)
 
Cánh đồng cỏ, bạn thấy:  Đó là một Nghĩa Trang.  Bạn không thấy hoa vàng mà hoa tím.  Đẹp chứ?
 
Đất bằng phẳng, không mộ.  Đừng nghĩ thế mà lầm!  Đây, yên nghỉ ngàn  năm... của nhiều người đã chết!
 
Một người đi mải miết, hoa tím nở trên đầu.  Tím!  Ôi tím, một màu, lòng nào vui cho được?
 
Bao nhiêu người đi trước, hoa tím nở tiễn đưa... "người đi độ trước mình đưa tiễn, đến lượt mình đi... (*) hoa tím bay!
 
Tôi, hết phố, tới đây:  cổng nghĩa trang rộng mở.  Nhớ Phạm Tăng (*), tôi nhớ:  Hai Câu Thơ Nghẹn Ngào:
 
(*) "Người đi độ trước, mình đưa tiễn... Đến lượt mình đi - vắng một người!".  Biết thế ... là khi mình đã chết... còn câu thơ để gió bay hơi?
 
*
Còn chừng tháng nữa, mùa hoa tím.  La Jacaranda buồn.  Xa. Xa.   Xa... Tôi mở giấy, nhìn, trang giấy trắng, mực trào ra, tím,... sẽ phôi pha?
 
Tôi viết gì đây?  Hay chẳng viết?
Viết chi thì cũng chuyện quê nhà!
Chuyện đi, về lại, chia rồi tụ
Non Nước... trong thơ của Tản Đà!
 
Ông Tản Đà đi năm mốt tuổi, đường về Tiên Cảnh hoa nào bay?
 
                                                                                   Trần Vấn Lệ