Sau bài TẢN CƯ
mà chúng tôi đã giới thiệu (http://phudoanlagi.blogspot.com/2012/04/tan-cu.html
) thầy Trần Kiêm Đoàn đã từng viết thêm
một số bài về ngôi trường Trung Học Nguyễn
Hoàng và vùng đất Quảng Trị trong những ngày còn vương khói lửa chiến tranh mịt
mù từ 1972 đến 1975. Xin giới thiệu bài viết HỒI CƯ trong loạt bài viết ấy của thầy Trần Kiêm
Đoàn
Thuở nhỏ, ít khi tôi và lũ bạn cùng lứa ở làng
chịu bỏ sót bất cứ một gánh hát nào về diễn ở làng, ở xã. Chúng tôi phải coi
cho bằng được từ đầu chí cuối, nghĩa là từ khi các đoàn hát dựng cột làm sân khấu
đến ngày dỡ cột ra đi, dù phải “hy sinh”
bị quỳ và đánh đòn vì không thuộc bài và ngủ gục trong lớp.
Thời tuổi dại,
tôi thấy chú giúp việc trong nhà ông Hương quản cũng là “người nhà” của ông ấy, nên sung sướng vì mới một sớm một chiều bỗng
dưng mình được hóa ra “con nhà” nghệ
sĩ. Trong lũ nhỏ chúng tôi, chỉ có thằng Vê “đơ”
lớn nhất là thích các vở hát tình cảm như Đợi Anh Mùa Lá Rụng, Duyên Kiếp Lỡ
Làng... còn tất cả chúng tôi đều thích các tuồng có vua chúa, đấu võ, phi thân
ào ào trên sân khấu như Máu Nhuộm Thành Tây Đô, Đường Sơn Đại Huynh và hay nhất
là vở Tâm Sự Kẻ Sang Tần có đủ vai người đẹp như Tây Thi, người hùng như Phạm
Lãi, kiếm khách như Kinh Kha... Gánh hát diễn chưa tới một tuần thì đã xẩy ra
chuyện “con Tây Thi” ra Chợ Cần ăn
hàng thiếu tiền chưởi lộn với bà bán bún cháo; “thằng Phạm Lãi” tán vợ ông thư ký xã bị bắt trói nằm queo; “thằng Kinh Kha” ghen ông bầu Nhị cặp bồ
với “con Tây Thi” vác dao rượt nhau
khắp chợ. Khán giả dân làng cũng như bọn nhỏ chúng tôi bị sụp đổ thần tượng vì ảnh
hưởng ngoài đời, xem diễn tuồng không còn thấy hay nữa. Người xem thưa hẳn,
gánh hát phải vội vàng cuốn gói ra đi. Mãi cho đến khi ra đời làm nghề dạy học,
tôi vẫn còn bị ám ảnh hoài với cảnh “con
Tây Thi” đẹp diễm ảo trong ánh đèn màu sân khấu đã “chết” một cách xót xa trong
lòng tuổi dại của tôi vì đã để lộ khuôn mặt thật chanh chua, đanh đá ngoài đời.
Nỗi ám ảnh dường như vẫn còn chập chờn đâu đó trong lớp học, giữa sân trường,
trong quán ăn... khi tôi có mặt trong đoàn người hồi cư trở về Quảng Trị vào
năm 1973.
Quảng Trị hồi
cư. Tôi đứng trước ngả ba đường. Cùng với Quảng Trị tôi có thể ở lại Đà Nẵng,
vào Nam hay một nơi nào đó thích hợp khỏi về lại Quảng Trị. Ở vào lứa tuổi 25,
26 cộng thêm một chút máu giang hồ vặt hình như là còn quá trẻ để chọn một sự
yên thân. Tôi là thầy giáo trường Nguyễn Hoàng đầu tiên về lại Quảng Trị sau
mùa Hè đỏ lửa 1972. Vì trường Nguyễn Hoàng dự trù xây dựng trên khu Thị Tứ chưa
xong nên cơ sở chính của nhà trường vẫn còn đặt tại hai trung tâm tạm cư chính
là Non Nước và Hòa Khánh tại Đà Nẵng. Tôi dạy tạm thời tại trường Trung học Hải
Lăng và Hiền Lương Nghĩa Thục. Trường Hiền Lương Nghĩa Thục là trường tư thục
miễn phí đầu tiên của Quảng Trị trong buổi đầu hồi cư. Sau giờ học trường đã trở
thành trung tâm sinh hoạt ngoại khóa của học sinh và quán trọ cho những thầy
giáo hồi cư xa nhà. Giang sơn của một thầy giáo hồi cư chỉ vỏn vẹn trong một
cái túi càn khôn Air Việt Nam gồm mấy bộ áo quần vía lên lớp, vài bộ áo quần ngủ,
một ít sách vở và vật dụng linh tinh. Gối thì đã có cánh tay của chính mình và
mền thì đắp “ké”. Nhưng quan trọng nhất
trong mớ hành trang nhỏ bé đó có lẽ là một tâm hồn thoáng đạt, một tinh thần chịu
khó chia xẻ, một đôi tai thính quen nghe đạn bom cùng tiếng ngáy như sấm của mấy
ông bạn già nằm cạnh trong đêm và một đôi chân trần rắn rỏi sẵn sàng để... chạy!
Thế nhưng thầy giáo hồi cư cũng phải cần một chút xa xỉ phẩm của thế giới văn
minh, đó là cái cà vạt theo lời đề nghị của ông quận trưởng: “Các thầy nên có một dấu hiệu riêng để anh
em biết mà khỏi... quậy, như thắt cà-ra-vát chẳng hạn!”. “Anh em” ở đây là lính thủy quân lục chiến
đang trú đóng và bảo vệ vùng giới tuyến.
Quảng Trị
ngày hồi cư là một Quảng Trị rách nát và chia cắt. Sông Thạch Hãn trở thành
giòng sông biên giới thay cho sông Gianh mấy trăm năm xưa và sông Bến Hải một
năm về trước. Người dân Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà và một phần Triệu Phong vẫn
là những người dân di cư ngay trên trên quê hương của mình. Những người dân mất
cửa mất nhà, xa ruộng vườn và mồ mã tổ tiên lũ lượt kéo về tạm cư trên đồi cát
Hải Lăng. Vùng đất đất hoang lô nhô tràm chổi nầy trở thành “Khu Thị Tứ”. Khu
Thị Tứ Quảng Trị hồi cư là một tập thể những căn nhà tiền chế mái tôn và tường
là những tấm ván thông ghép lên nhau. Nhà nhà lớn cở bằng cái sạp bán hàng xén
đầu làng. Nhà làm theo quy hoạch có ghi trên bản đồ giấy mực hẳn hoi nên trông
có vẻ thẳng hàng, thứ lớp như các dãy ghế đánh bài chòi trước sân đình trong ba
ngày Tết. Khu Thị Tứ khác hơn các trại tạm cư Hoà Khánh, Non Nước ở Đà Nẵng là
có thêm ngọn gió Lào vi vút cát thổi, đá bay. Ăn, ngủ, nhâm nhi, giảng bài,
ngâm thơ và, kể cả... hôn nhau trong mùa gió Lào Quảng Trị mà thiếu một tí gió
cát là kể như chưa đạt. Trên đồi cát, mùa gió lửa, giếng vừa sâu, vừa hiếm nước,
cho nên nhiều thầy cô phải “tắm hơi”, nghĩa
là chỉ rửa sơ mặt mày tay chân cho đủ sáng sủa với đời là được. Bởi vậy, mỗi lần
có thầy cô nào mới ra lò, đến dạy Quảng Trị, chúng tôi thường đùa: “Chàng từ đi vào nơi gió cát. Đêm trăng nầy
chàng kiếm ‘nác’ phương nao?”.
Phần đông
học sinh ở khu Thị Tứ. Sau giờ học các em thích lân la ở lại trường chơi loanh
quanh ở khu sân trường hơn là trở về nhà nằm trong khu Thị Tứ trong căn nhà nhỏ
bé nóng hầm hập với vách hộp, mái tôn. Không một bóng cây, không một giòng nước,
không một con đường quê quanh co làm đẹp những gót chân chim của tuổi học trò.
Trong cảnh
cô quạnh ban đầu của những buổi chiều hồi cư, các em học sinh về muộn là những
cành lá xanh tươi giữa màu cỏ úa. Có em về nhà rang đậu phụng hay mang củi đến
nhóm lửa nướng khoai sắn nơi góc sân trường để thầy “ăn cho đỡ buồn”. Có một nỗi khổ tâm lớn nhất mà những người thầy hồi
cư xa nhà, chọn văn phòng trường làm nơi tá túc qua đêm như tôi là phải “tiếp” các em cho đến khi mãn cuộc. Một
thầy giáo trẻ, mới áo quần thẳng nếp lên lớp không lẽ lại ở trần, mặc quần xà lỏn
trước mặt những em học trò thướt tha sau giờ học. Đã bao lần tôi chịu trận với
nguyên bộ áo quần vía trên người, nghe gió Lào bay về phần phật và cảm thấy những
giọt mồ hôi bò nhồn nhột sau lưng. Lâu dần thành quen, có những chiều mùa Đông
thật lạnh, sau giờ học không có bóng học trò lai vãng, lại nhớ và thấy những
chiều hồi cư sao mà cô quạnh và buồn hiu hắt đến rợn người. Đến những ngày đẹp
trời, có bóng học trò quanh quẩn, thầy lại sợ để lộ “hậu trường” như cặp chân voi hay giò ông Táo. Người nhát gan nhất
lại là tôi, có lẽ vì bị ám ánh nặng nề bởi “con
Tây Thi” trong đoàn hát Phụng Vũ năm xưa, ăn hàng và cãi lộn chanh chua
ngoài chợ. Tôi sợ phải lên bục giảng bài nhìn xuống lớp, bắt gặp những nụ cười
bí mật một cách tinh nghịch của học sinh vì có tin phóng sự hậu trường cho biết
đêm rồi “thầy nhậu xỉn hay cầm đồng hồ
đánh bạc...”.
Trước khi
về dạy học ở trường Nguyễn Hoàng, thời sinh viên sư phạm, tôi đã dạy học nhiều
trường ở Huế như Phan Sào Nam, Bán Công, Bồ Đề, Hưng Đạo. Tôi cảm thấy học sinh
Huế dễ gần gũi và dễ có cảm tình vì cái “dáng”
và giọng nói. Mặc dầu cũng là “nhất quỷ,
nhì ma, thứ ba học trò”, nhưng học trò Huế nghịch ngầm nên lúc nào cũng có
cái dáng hiền và giọng nói dịu ngọt đủ sức thuyết phục thầy sửa số “3” thành số “8”. Khi ra dạy học ở Quảng Trị, tôi cảm thấy học trò nơi đây có vẻ
cứng cỏi, phong sương hơn và nhiều em già trước tuổi. Thêm vào đó, cái giọng Quảng
Trị “chắc nụi” của các em làm tôi dè
dặt. Nhưng cảm tình đầu tiên của tôi đối với tuổi trẻ Quảng Trị là đôi mắt. Ánh
mắt, lối nhìn, vẻ chau mày hờn giận, nét đăm chiêu trầm lặng suy tư hay cái
nháy mắt thoáng qua nói nhiều hơn miệng. Rất có thể vì cuộc sống khắc nghiệt của
vùng hỏa tuyến vốn là địa linh nhân kiệt một thời vang bóng mà tuổi trẻ Quảng
Trị kế thừa và chịu đựng đã tạo nên đôi mắt đó. Những đôi mắt như ẩn chứa cả một
huyền sử không lời. Từ trên bục giảng tôi có thể biết được tác dụng bài giảng của
mình khi nhìn trong đôi mắt học trò. Những đôi mắt như tấm gương phản chiếu cả
những ý nghĩ thầm kín của các em. Tôi không còn nhớ một học sinh nào đó đã nói
đùa, “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Nếu
ai chột mắt nửa hồn thương đau!”.
Cơ hội tôi
được gần gũi với tuổi trẻ Quảng Trị nhiều hơn là qua thực tế những tháng ngày
làm công tác xã hội trong sinh họat Hồng Thập Tự
Đoàn Thanh
niên Hồng Thập Tự Quảng Trị do tôi tổ chức, thành lập vào mùa Hè năm 1973 với sự
khuyến khích và hỗ trợ nhiệt tình của anh Lê Hữu Thăng, giáo sư Nguyễn Hoàng, đại
diện Hồng Thập Tự vùng I và anh Tôn Thất Nam, trưởng ty Thủy Lâm, đại diện Hồng
Thập Tự Quảng Trị. Số đoàn sinh có lúc đông tới 200 em, phần đông là học sinh
Nguyễn Hoàng, Hải Lăng, Triệu Phong. Trước “mùa
hè đỏ lửa 72” tôi chỉ biết tuổi trẻ Quảng Trị như là những học trò chăm chỉ,
lễ phép và dè dặt với thầy cô giáo có khi đến mức khô khan. Sau biến cố “đại lộ
kinh hoàng” và tiếp theo những ngày tản cư, tỵ nạn, hồi cư, có dịp sinh hoạt với
các em trong nhiều hoàn cảnh và va chạm trong nhiều mảnh vụn của cuộc đời, cái
nhìn của tôi về tuổi trẻ Quảng Trị đổi khác.
Suốt ngày
Chủ Nhật hàng tuần đoàn thanh niên Hồng ThậpTự chúng tôi đi làm công tác khắp
các vùng quê Quảng Trị nằm phía Nam sông Thạch Hãn với sự yểm trợ phương tiện
không riêng của cơ quan Hồng Thập Tự quốc tế mà còn từ phía các tổ chức từ thiện
khác nhờ tiếp tay. Càng đi nhiều, tôi càng thấy mình gần gũi với làng xóm Quảng
Trị, một Quảng Trị điêu tàn sau cuộc chiến bão lửa năm 1972. Không có một vùng
quê nào còn nguyên vẹn, tránh được dấu đạn bom trong ngày hồi cư. Ước mơ của
người dân thường Quảng Trị cũng như bao người dân Việt hiền hòa khác, là được về
lại quê xưa, sống nép đời trong thôn xóm với mái nhà khiêm tốn, có khu vườn nhỏ,
có ao rau và cánh đồng làng nhỏ bé, chia thành những thửa ruộng nhỏ nhắn thấp
cao nhiều đợt. Nơi đâu trên đồng lúa cũng có những mảnh cồn làng làm nơi an nghỉ
thiêng liêng của mồ mã tổ tiên.
o0o
Bom bi! Một
nỗi kinh hoàng mới trong buổi đầu Quảng Trị hồi cư. Bom bi rơi rớt trên nương,
ngoài đồng, dưới ao, bên cống rảnh... Không biết bao nhiêu vạn bom bi đã cắm
vào da thịt Quảng Trị như những cái “dằm”
vô tình xóc vào bàn tay chơn chất của cô gái quê nghèo. Đã bao nhiêu lần tôi thắt
ruột nhìn những đứa em, những đoàn sinh, những đứa học trò với chữ thập đỏ viền
xanh nổi trên vai áo trắng, trên mủ lưỡi trai, tỏa vào đồng ruộng giúp nông dân
bơm thuốc rầy, hay đốn cây bới đất giúp bà con dựng căn nhà lá mới. Từ trong vô
thức, tôi nghe như râm ran có những mảnh bom bi đang rình rập và có thể nổ bùm
không ai biết trước. Tôi có thể dặn các em tránh sông tránh núi nhưng không thể
dặn các em tránh bom bi như các em thường nói, “sợ bom bi thì chỉ có về nhà đắp mền nằm ngủ!”. Tuần thứ hai công
tác ở làng Ngô Xá, xe chưa vào điểm hẹn đã phải dừng lại vì bom bi đã nổ ở thửa
ruộng kế bên. Một người thanh niên trẻ đang dãy dụa trên bùn với con trâu bị
thương còn chạy quanh như điên cuồng và cái cày đè trên mình người bị nạn.
Chúng tôi lập tức biến chiếc xe Hồng Thập Tự công tác thành xe tải thương, khẩn
cấp chở nạn nhân về bệnh xá quận. Trong đời, tôi đã thấy những đôi mắt thật buồn,
nhưng chưa bao giờ thấy một lúc những ánh mắt tuổi trẻ vừa thương cảm xót xa, vừa
đau buồn thăm thẳm đến thế. Các em tải thương. Những vết máu tươi loang vào chữ
thập đỏ trên áo của những người tuổi trẻ Quảng Trị “lá rách đùm lá nát” đã làm tôi xúc động đến lạnh người. Những em học
trò ít nói trong lớp đang vươn vai thành những người yêu nhân ái với tâm hồn lồng
lộng. Trâm nhút nhát trong lớp giờ linh hoạt như một nữ trợ tá chiến trường. Định
ấp úng trong lớp giờ xuôi ngược như giao liên mặt trận. Kháng “tếu”, cây cười của lớp, giờ mặt mày
nghiêm trọng, khom mình nâng cáng như viên cai tổng cẩn trọng chuyển hương án đầu
năm. Những đôi mắt đăm chiêu bâng khuâng mờ nước mắt khi chiếc xe tải thương
khuất dần trong bụi đỏ đường quê.
Chiều
Giáng Sinh hồi cư đầu tiên, chúng tôi chọn làng Phước Môn và Như Lệ gần thánh
đường La Vang làm công tác. Tất cả đều làm rất hăng để kịp đến tập trung tại
khu vực nhà thờ trước khi trời chiều. Các đoàn sinh dù có đạo hay không cũng có
cùng mẫu số chung: Đó là tình người,
tình quê hương và tình đồng bào ruột thịt. Tiếng còi họp chung vang vọng dưới
chân nhà thờ La Vang đổ nát sau chiến tranh trong buổi chiều Giáng Sinh lành lạnh,
mây vần vũ xuống thấp, có một sức hút huyền nhiệm lạ lùng. Chưa đầy một trăm
đoàn sinh, tóc tai, quần áo bơ phờ sau một ngày công tác xã hội tay chân hoạt động
như con thoi đang quây quần dưới tượng đài của Chúa. Nhà thờ La Vang ngày hồi
cư cũng trơ xương tả tơi chung số phận với người dân Quảng Trị. Bom đạn như gậy
người mù, đâu có trái tim để tránh giáo đường hay chùa tháp. Trâm vốn là đoàn
trưởng Thanh Sinh công giáo, nên chiều nay được giao cầm còi điều khiển. Cả một
trăm tâm hồn khác nhau chiều nay như mềm lại, hòa với đất trời để cùng hướng về
một sức mạnh nhiệm mầu. Chúng tôi chỉ có thể hát chung hai bài hát, đó là bài “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...”
và bài “Đêm Thánh Vô Cùng” (Silent
Night). Đặc biệt bài Đêm Thánh Vô Cùng với cung điệu thanh thoát và u trầm mà cố
hát đồng ca theo nhịp hành khúc là kể như đem thơ tao đàn vào hò giã gạo. Cái
tuyệt vời và ma thuật của âm thanh không phải là đúng hay sai mà nên dùng lúc
nào là hợp nhất. Nhịp “hành khúc” của
Silent Night dưới chân nhà thờ La Vang đổ nát có lẽ sẽ làm cho cả thế giới tức
cười nhưng lại làm cho Quảng Trị hồi cư thổn thức, vì hát lúc nầy không phải chỉ
là xướng lên âm giai, âm điệu, mà hát còn là sự mặc khải tâm hồn bằng lời nguyện
và âm thanh. Từ một trăm cửa miệng, lời hát “Nửa
đêm mừng Chúa giáng sanh ra chốn dương trần. Người mang ơn phúc cứu cho muôn
dân lầm than”, đã được đổi ra, “...Người
mang ơn phúc cứu cho La Vang lầm than!”. Đông đảo giáo dân đi lễ đã cùng
quây quần hát với chúng tôi trên đồi La Vang sương mù, càng về chiều càng thấm
lạnh. Trong khoảnh khắc xúc động, tôi ngước lên nhìn nóc giáo đường trơ xương đầy
dấu đạn bom và tự nhiên có cảm tưởng Chúa và những thiên thần có đôi cánh trắng
đang từ những vương cung thánh đường cao sang về ngự giữa bầu trời La Vang mây
phủ, về đậu trên bệ thờ đổ nát mang dấu vết thù hận chưa tan.
Lúc chia
tay, trời đã gần chạng vạng. Mấy em đoàn sinh có Đạo trao cho tôi và anh Niên
đoàn phó, mỗi người một gói quà nhỏ.
Chúng tôi cùng cám ơn và chúc các em một mùa giáng sinh an lành. Quà Noel cho
tôi là một cái cà vạt thời trang.
Cầm món
quà giáng sinh dễ thương của mấy em trên tay, tôi cảm thấy bình an pha một chút
bâng khuâng và rộn ràng vì tình nghĩa giữa vùng đất hồi cư còn nhiều khốn khó nầy
vẫn còn là một chút gì mong manh nhưng có thật.
Sau giáng
sinh là đến Tết hồi cư Đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự Quảng Trị cùng với thầy trò
trường Hiền Lương Nghĩa Thục cùng chuẩn bị tất niên. Vui nhất của đời hoạt động
thanh niên là được nghe tiếng đồng ca vọng xuống lưng đồi. Vui nhất của đời dạy
học cũng là tiếng hát vang vang của học trò chuẩn bị đón Xuân. Quan khách văn
nghệ tất niên hồi cư 1973 nghe đâu có cả ông tỉnh trưởng Quảng Trị, nên chúng
tôi chuẩn bị khá rầm rộ và công phu.
Đêm trình
diễn văn nghệ tất niên, tôi phụ trách điều hợp chương trình. Niềm vui và tiếng
hát học trò đã mang chút hương hoa cho đồi cát Hải Lăng chưa xoá hết nỗi ám ảnh
kinh hoàng của bom đạn. Nhạc cảnh Đám Cưới Ngày Hoà Bình do tôi và Lê Hữu Nam đạo
diễn đã làm cho khán giả khao khát hòa bình và cả diễn viên lẫn “đạo diễn” còn bồi hồi nhắc nhở đến mấy
năm sau vì sự trình diễn xuất thần của vai cô dâu chú rể. Trâm thủ vai cô dâu
và Định trong vai chú rể. Cả hai đều là học sinh lớp 12 và cùng là đoàn viên
Đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự. Trâm trong y phục hoá trang rực rỡ của cô dâu bước
đến gần tôi đang điều động ở hậu trường khi người xướng ngôn đang giới thiệu
chương trình. Tôi hỏi:
- Định biến
đâu mất rồi?
Không có tiếng
trả lời...
Cả ban văn
nghệ đang dáo dác tìm thì Định bước vào, ướt sũng như con chuột lột, tóc tai áo
quần bê bết bùn đất. Định giải thích vắn tắt nhưng mọi người chợt hiểu:
- Em bị rớt
xuống hố bom B-52!
Ngày Quảng
Trị hồi cư, những hố bom sâu như cái hồ nhỏ còn loang lỗ cả xóm làng. Những đêm
tháng chạp sương mù dày đặc, ít ai dám đi ra ngoài vì sợ bị sỉa hố bom.
Bộ áo quần
chú rể với quần là, khăn đóng, áo thụng thuê ở Huế đem ra giờ chỉ còn là mớ vải
ướt tang thương trên mình Định.
Trong lúc
tôi đang lặng người bối rối, vì sự việc bất ngờ xảy ra vào phút chót thì tiếng
hát của ai đó thoảng nghe êm êm như một chút gió giữa trưa Hè đứng bóng: “Đường hành quân băng lau lách sương đêm. Sương
trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm...” Tiếng hát như một sự nhắc nhở rằng, vùng
đất nầy vẫn còn đang là vùng hỏa tuyến. Một nỗi buồn nào đó chợt hiện về trong
tôi. Tôi thấy khăn vành, áo hoa thêu kim tuyến lấp lánh trên mình Trâm nhòa đi.
Hình ảnh chữ thập đỏ loang máu người dân cày trúng mảnh bom bi giữa đồng hoang
làng Ngô Xá hiện về. Tôi kêu lên tiếng nói từ vô thức:
- Phù phiếm.
Không được!
Những ánh
mắt kinh ngạc kéo tôi về với thực tại. Tôi quyết đoán một cách không ngờ:
- Phải thay
đổi hết. Cô dâu phải là hình ảnh cô gái quê hồi cư và chú rể phải là người trai
làng thương binh vừa trở lại quê xưa. “Đám
cưới ngày hoà bình” trên mảnh đất còn khốn khổ nầy không thể là áo rộng
khăn vành được!
Có tiếng
phản đối của thầy Mãn:
- Quá trễ
để thay đổi. Còn không đầy 30 phút nữa là cô dâu chú rể phải lên diễn rồi.
Tiếng xôn
xao lại rơi vào im lặng khi tôi nói lên thực tế:
- Nhưng
đào đâu cho ra áo quần của chú rể. Cô dâu hóa trang lộng lẫy như vậy, không lẽ
chú rể lại mặc áo dài đen khăn đóng bạc màu lếch thếch mượn của bác cai trường?
Trâm lên
tiếng, đầy vẻ nghiêm trọng:
- Thưa thầy,
em nghĩ là được. Tất cả các nhạc cảnh giữ nguyên, chỉ có em và Định thay đổi
chiếc áo choàng và trang điểm lại chút xíu là được thôi. Để em tìm mượn...
Trâm chạy
biến vào rừng khán giả đang đứng ngồi chen chúc trước sân khấu. Có khá đậm màu
áo xanh của giới lính tráng xa nhà đến tìm vui với đêm văn nghệ học trò.
Những thầy
giáo nghiêm nhất cũng phải bật cười khi thấy Trâm kéo tay một người lính trẻ,
ngơ ngác, vén màn vào hậu trường sân khấu với giọng cầu nài khẩn khoản một cách
trẻ tội nghiệp:
- Thưa
chú, nhờ chú giúp đỡ tụi cháu. Xin chú chịu phiền cởi áo quần lính cho bạn em
mượn tạm để đóng kịch.
Nhìn bộ áo
lính ka-ki bạc màu sương gió trên mình người lính trẻ nhỏ nhắn, tôi bỗng mơ hồ
đâm ra có cảm tình với một chú rể tưởng tượng trong trang phục “Ngày trở về” ngay. Tôi cẩn thận giải
thích hoàn cảnh “lâm nguy” của màn nhạc
cảnh và ngỏ lời xin mượn tạm bộ quân phục cho Định sẽ thủ diễn trong vai chú rể.
Anh lính vui vẻ nhận lời ngay và còn góp thêm:
- Trước tôi
là trưởng ban văn nghệ trường Luật nên cũng có chút kinh nghiệm . . . Nếu quý vị
cho phép, tôi sẽ giúp một tay trong phần hóa trang cho màn kịch. Từ sau cánh gà
sân khấu, tôi đã bắt gặp đôi mắt người lính trẻ nhòa đi khi anh hé nhìn cô dâu
trong chiếc áo bà ba, chú rể trong màu áo trận bạc màu của chính mình, cầm tay
mẹ già với dư vang tiếng hát mừng tủi, nghẹn ngào : “Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ. Tiếc rằng ta, đôi mắt đã loà, vì quá đợi chờ...”
o0o
Năm học hồi
cư 1973 - 1974 qua rất nhanh. Những ngày tháng thân thương, êm đềm, gần gũi của
những người Quảng Trị hồi cư có chung hoàn cảnh laị bị giao động mạnh sau một
khoảng thời gian ngắn thử thách. Cũng mồ hôi, nước mắt đổ ra để làm lại cuộc đời
mới sau chiến tranh, nhưng niềm tin và thành quả dưòng như đang chao đảo, mỏi
mòn, chua cay hơn trước. Sức người, sức của đổ ra trên những vùng đất hoang
chưa khai phá ở đâu đó thuộc vùng Cam Ranh, Long Khánh, Cao Nguyên, Cửu Long...
có vẻ đầy hứa hẹn hơn là ở trên quê hương đã bị bom đạn cày nát và bị ám ảnh bởi
giông tố chiến tranh có thể ập đến bất cứ lúc nào. Gần đến Hè, rất nhiều học
sinh và đoàn sinh của tôi thường nhắc đến chuyện sẽ chia tay, đi vàoNam hay di
chuyển ra khỏi vùng “Khu Thị Tứ” để
theo gia đình sinh sống làm ăn. Có những lúc từ trên bàn thầy giáo, trầm ngâm
nhìn học sinh lặng lẽ làm bài hay những chiều cuối tuần họp chung sau giờ công
tác tôi nhận ra cái cảm giác nao nao của của sự sắp chia xa dâng lên trong lòng
mình và bóng “hoàng hôn trong mắt trong” của các em.
Trại Hè
chia tay năm 1974 là cuộc họp mặt sau cùng của đoàn sinh Thanh Niên Hồng Thập Tự
Quảng Trị và học sinh hai trường Hải Lăng, Hiền Lương Nghĩa Thục của tôi. Địa
điểm trại là vùng biển Hải Nhuận. Chúng tôi tập trung tại bến đò Vĩnh Tu, thuê
bốn chiếc đò băng qua phá Tam Giang để sang Hải Nhuận. Ba chiếc đò trước đi vào
buổi trưa để tránh bớt sóng gió thường nổi lên bất thường vào buổi chiều, gồm
những học sinh không sinh hoạt thường xuyên trong đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự.
Đò “chỉ huy” chúng tôi xuất phát vào buổi xế chiều vì phải chuẩn bị tải những vật
dụng nặng cho cuộc cắm trại gồm các em đã có “kinh nghiệm chiến trường” với những
hoạt động thanh niên. Đò ra giữa phá Tam Giang, gió chướng bắt đầu nổi lên. Trời
như tối sầm lại vì gió cuốn bụi nước như sương đặc che khuất mặt trời. Sóng cuồn
cuộn nổi lên như từng đàn núi nhỏ biết đi. Bác lái đò hét lên đằng lái bằng một
giọng kinh hoàng chọc thủng cả tiếng máy dầu cặn đang bị át đi bởi tiếng gió và
ngọn sóng đánh liên tục vào mạn thuyền:
- Cha ơi, mạ ơi! “Mệ” về rồi. Hết “chộ” mặt
vợ con rồi, ôn mệ ơi!
Mỗi lần ngọn
sóng đánh vào mạn thuyền, nước phủ cả đầu người, các em hét lên một cách khủng
khiếp và ôm chầm lầy nhau cho khỏi bị bắn tung ra khỏi thuyền. Không hiểu do một linh tính nào đó, khi vừa
bước xuống đò, tôi lại nghĩ ngay đến bầu trời vần vũ mây trên đồi La Vang chiều
Giáng Sinh vừa qua. Tuy chẳng phải là
người dễ dãi phó thác số phận cho niềm tin tôn giáo, nhưng trước sự đe dọa kinh
hoàng của cái chết tập thể, tôi chỉ còn một vũ khí chèo chống duy nhất là chiếc
phao tinh thần và tôi lâm râm cầu nguyện đức Quán Thế Âm, đức Mẹ Maria. Dường như là đức tin đã giúp tôi thành người
bình tĩnh nhất trên đò trong lúc nguy cấp. Tôi bắt các em quăng tất cả đồ đạc
ra khỏi đò, chỉ giữ lại thau và nồi nấu cơm để tát nước. Gió vụt mạnh quá,
không ai nói ai nghe, tôi phải hét trong tai các em đội trưởng, bắt tất cả các
em phải đứng khom người, chống chân vào lòng thuyền, lưng áp chặt vào mạn thuyền
và khoác vai nhau để làm thành một “bức
tường người” cản bớt nước tuôn vào đò. Một số em phải dùng bất cứ vật dụng
gì có thể dùng được để tát nước ra ngoài. Sóng gió mỗi lúc một hung hãn hơn.
Tôi nghe tiếng kêu phía trước và lảo đảo chạy đến, vừa lúc nước bắn vào khoảng
trống giữa Trâm và Định. Tôi gào lên:
- Trâm, ép
sát vào Định. Trám ngay chỗ trống nầy tức khắc!
Trâm nhìn
đăm đăm vào khoảng không một cách thản nhiên. Vẻ bình tĩnh bất thường của cô học
trò lạ lùng trong giờ phút nguy cấp nầy làm tôi phát hoảng. Trâm vẫn ngồi yên,
nói một cách khó khăn:
- Thưa thầy,
ngồi rứa coi kỳ quá!
Tôi gắt lên:
- Không
cãi, đây là trường hợp khẩn cấp. Ngồi vào ngay!
Trâm vẫn bướng
bỉnh ngồi yên. Một đợt sóng gầm lên hất chiếc đò chao đảo. Tự nhiên tôi phản ứng
như một cái máy: Bốp! Tôi tát vào má Trâm. Tôi chỉ muốn làm một cử chỉ “thị uy” trong lúc khẩn cấp, nhưng sức
gió giật, độ giao động của chiếc đò trong cơn sóng dữ và thế đứng mất thăng bằng
của tôi đã biến cái tát mạnh toé nước một cách không ngờ. Trâm nhìn tôi hoảng hốt
với đôi mắt nai vừa bị thương và ngồi ép sát ngay vào người bên cạnh. Đó là lần
đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời dạy học tôi đánh học trò. Tôi
không có khoảng trống để suy nghĩ điều gì mình vừa làm. Tôi nhào tới đằng mũi
thuyền, cố nhắm mắt trước những đụn sóng hãi hùng và quỳ xuống cầu nguyện. Tiếng
máy đò yếu ớt, tiếng hét thưa dần để nhường cho tiếng ào ạt rít lên từng hồi của
sóng gió. Tôi có cảm tưởng con đò chạy nhanh hơn một chút và cơn gió có vẻ dịu
dần. Nắng chiều lại lên, con nước im dần. Chiếc thuyền và đám người tả tơi mệt
nhoài cặp bến. Trên đường di chuyển về địa
điểm trại, tôi ái ngại nhìn Trâm lặng lẽ cúi đầu đi tách lại phía sau với vết hằn
của cái tát vẫn còn in rõ trên gò má trắng xanh.
Ba chiếc
đò đi đầu đã chuẩn bị sẵn sàng cho bữa cơm chiều và đêm lửa trại. Chuyện đò gặp
bão và Trâm bị đánh trở thành đề tài nóng bỏng cho đến giờ khai mạc lửa trại. Trước khi Trâm đứng ra điều khiển đội nhảy lửa
như đã được phân công. Tôi đã kể lại vắn
tắt những diễn tiến đã xảy ra trên chuyến đò chót cho các trại sinh nghe và nhường
còi điều khiển lại cho đội nhảy lửa và quản trò. Sự lanh lợi và bản lỉnh của cô
học trò nầy làm cho tôi thầm cảm phục. Sau khi bắt nhịp bài đồng ca “Anh Em Ta Về”, Trâm thổi còi ra dấu im
lặng và nói một cách vắn tắt:
- Tôi
không bị thầy đánh. Tôi chỉ bị thầy phạt vì “không
theo đúng nội quy trại” trong khi khẩn cấp. Em xin lỗi thầy vì không theo
đúng lời thầy dặn. Quản trò chuẩn bị, đội nhảy lửa sẵn sàng!
Tuổi trẻ đã
quên rất nhanh chặng đường hiểm nghèo đã qua để hòa mình rộn rã trong đêm vui.
Cuộc vui
nào rồi cũng có lúc tàn. Tôi ngồi lại bên đống lửa cho đến khi những em chịu thức
khuya cuối cùng về lều ngủ. Chưa bao giờ tôi ngủ được trong những đêm lửa trại.
Gió biển và rừng thông Hải Nhuận về khuya không ngừng rì rào với tiếng sóng. Những
mảnh than ấm cuối cùng của bếp lửa trại cũng bắt đầu thiu thỉu thành tro. Tôi
thèm một điếu thuốc và một cốc cà phê như Quang Dũng nhớ “Khói thuốc khơi giòng xanh lối xưa. Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ...”.
Lửa sắp lụi tàn và Trâm, Hiền, Hồng, Nga hiện đến với những mớ củi nhỏ trên tay
làm sự trống vắng khuya khoắt trở thành
nỗi vui ấm áp, dịu dàng. Trâm hỏi, giọng hồn nhiên như hỏi bài trong lớp:
- Tụi em
biết thầy chưa ngủ nên đem củi thêm để “hâm
nóng chiến trường!”
Tôi hơi ngạc
nhiên thấy các em vẫn còn thức đến giờ đó. Tôi nói đùa nhưng đã làm cho một
chút sương khói đêm vui như trầm hẳn lại:
- Chiến trường
Bình Trị Thiên đỏ lửa đã đốt cháy Quảng Trị mình rồi. Mấy em còn đem củi hâm
nóng trở lại e lần này phải bỏ xứ mà đi!
Sự im lặng
bất ngờ kéo dài khá lâu khi mỗi người đều có sẵn trong tâm tư những ý nghĩ thật
buồn, trong lúc các em cố nhen bếp lửa hồng trở trại. Từ phía núi Trường Sơn tiếng
súng vẫn nao nao vọng về. Tự nhiên tôi nhớ đến những vẻ mặt buồn lặng lẽ của những
nghệ sĩ trong đoàn hát Phụng Vũ ngày xưa, trước giờ khăn gói ra đi.
Bếp lửa đỏ
trở lại, mang theo tiếng cười hồn nhiên của đám thầy trò hồi cư nhưng quê hương
bình an đích thực vẫn còn xa ngoài tầm tay với. Tiếng củi nổ lách tách bên ánh
lửa khuya khoắt bập bùng như gợi nhớ những ước mơ thần tiên hoang dại : Các em
lại tưởng tượng có bà tiên bay từ Biển Nam Hải bay vào và ban cho mỗi người ba
điều ước. Là người sau cùng được nói lên ba diều ước, tôi trả lời thành thật:
- Thứ nhất
: một tách cà phê; thứ hai: một điếu thuốc; thứ ba: một giấc ngủ ngon lành.
Đám học
trò phá lên cười:
- Uớc mơ của
thầy dễ quá nên ai cũng làm bà tiên được hết. Để tụi em làm bà tiên hết trơn
cho thầy coi.
Đám học
trò dành nhau làm “bà tiên” đã chạy
ào vào đêm tối. Nhìn bếp lửa lập lòe với gió biển, tôi ngồi đối diện với chính
mình để tự hỏi Quảng Trị đâu có phải là quê hương của mình mà chọn hồi cư về
đó, sao mình không chịu yên thân làm một thầy giáo với nếp sống bình lặng,
quanh năm, ngày hai buổi đi về với tập bài soạn vàng úa chữ nghĩa thánh hiền
như những ông thầy mình ở Huế. Tại sao tôi lại dễ dãi để sự xôn xao của hoàn cảnh
xã hội thêm những dấu chấm hỏi, chấm than vào những bài giảng văn, bình luận đã
được viết thẳng hàng, an phận trên những trang sách mang dấu ấn của thành trì
tư tưởng xuôi chiều giống mái sông con đang trôi về biển mẹ?
Một viên
đá nhỏ nào đó đã ném vào bếp lửa làm tôi giật mình cùng với tiếng cười trong trẻo
của Trâm. Trâm đưa que lửa cho tôi và nói như chiến thắng:
- Thầy thắp
thuốc đi. Em ăn cắp thuốc của thầy Vạn đó! Tụi nó còn đang lục túi thầy Mãn, thầy
Nam. Mấy thầy nớ hút thuốc như tàu hỏa, khuya mới còn thuốc. Em thắng rồi!
Khi hơi
thuốc Bastos xanh bay lên nhè nhẹ thì có tiếng thầy Vạn như ông già râu trắng vừa
tới đã khuấy động không khí chìm lắng của rừng thông về khuya.
- Ê! Ta bắt
được thầy trò bây ăn cắp thuốc rồi!
Trâm vẫn
reo vui hồn nhiên:
- Mô có thầy,
em đã được phân công làm đội trưởng nhảy lửa nên phải đi quanh “chia lửa” cho đều.
Bếp lửa lại
vui thêm với những khuôn mặt thân thương không ngủ được. Dưới xa, có tiếng máy
ghe đánh cá bắt đầu ra khơi. Trời sáng.
o0o
Huế - Quảng
Trị cách nhau chỉ một giờ đồng hồ mà hơn sáu năm sau tôi mới gặp lại cô học trò
đội trưởng nhảy lửa. Sau 1975, tôi lái xe Lam Huế - Bao Vinh nhưng vẫn bị anh
em kêu bằng “thầy” và kéo đi làm những
công chuyện có liên quan đến giấy tờ, chữ nghĩa. Lần nầy đội xe Lam ký hợp đồng
chở phế liệu chiến tranh nhập vào Huế từ Quảng Bình, lên ga Huế để xuất khẩu.
Tôi đã được nghe người làng đi nhặt phế liệu và anh em tài xế xe Lam nói về sự
khôn khéo và tài kinh doanh của “bà chủ”. Khi nhận lời đi ký hợp đồng với anh bạn đội
trưởng tài xế, tôi hình dung sẽ gặp một bà chủ kinh doanh phế liệu sồ sề lớn tuổi.
Khi đến nơi, hóa ra bà chủ là Trâm. Điều khá lạ là khi gặp lại tôi Trâm đã tỏ
ra không một chút ngạc nhiên. Tôi hơi thất vọng trước sự lễ độ mang tính xã
giao của người học trò cũ. Hợp đồng đã được soạn sẵn, thay đổi chút ít, thỏa
thuận và ký rất nhanh. Tôi cũng nói và làm những công việc cần phải làm một
cách khô khan rồi ra về cùng với anh đội trưởng.
Buổi chiều,
sau buổi họp phân công tại văn phòng hợp tác xã xe Lam Huế, khi tôi băng qua đường
Trần Hưng Đạo để ra về thì Trâm đã ở đợi ở bên kia đường. Trâm lại gần, tôi cố
giữ giọng rất thản nhiên, hỏi trước:
- Trâm đó
hả. Em cần thay đổi điều gì trong hợp đồng không?
Trâm che miệng cười:
- Thưa thầy,
vở kịch đã hạ màn rồi. Em xin mời thầy đi ăn cơm chiều có được không ạ?
Nhìn cô học
trò cũ đã già dặn, nhưng nét tinh anh và hóm hỉnh xưa vẫn còn đó, tôi thấy chút
chua xót trong lòng mình dịu lại. Tôi trả lời như phản ứng tự nhiên:
- Được. Đi
thì đi nhưng với điều kiện là em phải để tôi trả tiền.
Trâm cười
thành tiếng:
- Điều kiện
chi em cũng chịu nhưng ít nhất thầy cũng cho em cơ hội làm “bà tiên” vì theo sổ nợ đời, em còn thiếu thầy một ly cà phê chưa
kiếm được trong đêm trại hè Hải Nhuận.
Trong tiệm
ăn, tôi có cảm tưởng như Trâm vẫn còn y nguyên là cô học trò sáu năm về trước.
Tôi hỏi:
- Hình như
em thích sống về dĩ vãng hơi nhiều. Người thích quá khứ thường hợp cho việc làm
thơ, vậy mà em lại thành công trong buôn bán kể cũng lạ?
Vẻ buồn hiện
lên trong dáng ăn hờ hững và cách nói của Trâm:
- Hiện tại
có chi vui đâu thầy. Em đi buôn phế liệu, thầy đi lái xe lam. Em nghe mấy bạn
cùng lớp kể lại là thầy bị đuổi ra khỏi trường rồi hết lái xe lam đến ra bán chợ
trời. Em lăn vào đời tranh sống như hôm nay là do thầy dạy đó.
Tôi đính
chính ngay:
- Tôi có
dạy em đi buôn bán hồi nào đâu?
- Dạ có,
nhiều lắm. Thầy đã dạy em về tình người trong công tác Hồng Thập Tự. Thầy đã dạy
cần phải hy sinh chiếc áo choàng, phải thay đổi nó khi cần trong đêm văn nghệ tất
niên để màn nhạc cảnh được thành công tốt đẹp. Thầy dạy em cần phải sử dụng sự
quyết đoán và cái tát tai đầy áp đảo trong lúc nguy khốn để cứu nhau. Thầy dạy
em những lặng lẽ suy tư khi trời yên biển lặng...
Tôi hoài
nghi về cách giải thích vòng vo của cô học trò cũ:
- Nhưng
đó chỉ là những phản ứng tự nhiên khi cần phải đối mặt với cuộc sống chứ có gì
liên quan đến thương mãi đâu?
Với giọng
lễ độ đầy tự tin, Trâm nói tiếp:
- Thưa thầy,
dạ có. Những bài dạy của thầy trong lớp
mới chỉ là sách vở và hình như thầy cô nào dạy cũng giống nhau. Theo em, hành động
của thầy trong thực tế cuộc sống mới là những bài học cuộc đời quan trọng nhất.
Chính vì không quên phong cách xử thế của thầy trong buổi đầu hồi cư mà em đã
không tiếc nuối thay chiếc áo sinh viên lăn vào đời buôn bán. Em đã thắng những
chủ vựa phế liệu khác vì biết trân trọng tình người; hay như sáng nay, em đã cố
ngăn những xúc động tự nhiên khi gặp thầy để khỏi lẫn lộn hợp đồng làm ăn thành
bản văn nhân nhượng thầy trò. Thưa thầy, thầy nói đúng, em sống hơi nhiều cho
dĩ vãng. Em vẫn cố tình giữ mãi những hình ảnh dễ thương của quá khứ học trò để
có niềm vui mà đi lên trong những khi buồn nhất, nhưng em không dừng lại ở đó.
Sau năm
1975, sau cơn giông bão “đổi đời”,
tôi như một ngư ông buông cần loanh quanh bến cũ đã quen với giòng nước nông sâu;
Trâm và thế hệ trẻ như những thủy thủ dương buồm ra khơi để khai phá những bờ bến
lạ. Gặp lại Trâm, tôi bỗng lạc quan tin vào sức bật mai kia của tuổi trẻ Quảng
Trị, tuổi trẻ Huế và tuổi trẻ ViệtNam.
o0o
Tôi viết về
Quảng Trị và Huế trong nỗi nhớ bâng khuâng về những người bạn thân, đồng hành,
nhưng đã khuất : Các anh Lê Hữu Nam, Lê Văn Mãn, Phan Phụng Thạch, Trần Văn Lữ
tức Thạch, Lê Mậu Tâm, Hà Thúc Định... những
thầy giáo trường Đồng Khánh, Thành Nội, Nguyễn Hoàng... đã thay nhau về
đất. Có những đêm rất lạnh, gác chân nhau mà ngủ ở trường Hiền Lương Nghĩa Thục
bên Đại Lộ Kinh Hoàng, cả ba đứa, Nam, Mãn và tôi đều mơ ước một ngày vui của Tổ
quốc thân yêu, đó là ngày hoà bình, ngày anh em Bắc Nam sum họp. Ngày đó đã đến
với Huế, ngày 26 tháng 3 năm 1975. Cuối cùng, Huế nặng tình như bà mẹ già đưa
bàn tay nhăn nheo ra đón những đứa con ngoan, nhưng đã mang sẵn cái nhân của những
tâm hồn viễn xứ.
Có những nụ
cười đã tắt rất sớm như Mãn, người thầy giáo sử địa đã vội rời bốn bức tường
vôi và sân phượng hồng trường Đồng Khánh, đuổi theo một giấc mơ phiêu lưu nào
đó, để rồi trốn lây lất phương nào hay đã nhắm mắt xuôi tay mà bao năm qua
không ai còn gặp mặt. Có những trái tim nồng cháy yêu nghề như Nam, vẫn tiếp tục
đứng vững vàng trước bảng đen và phấn trắng trong tay cho đến khi bị đột qụy gục
đầu trên bục giảng. Nam đã từ Quảng Trị, về với đất Huế có học sinh và bạn bè đứng
dài hàng cây số hai bên đường Thành Nội tiễn đưa trong ngày vĩnh biệt. Và những
tâm hồn lý tưởng như tôi đã theo số phận gập ghềnh trôi dài qua tới Mỹ.
Tôi viết
những giòng nầy ở thủ phủ của tiểu bang Cali, xứ Mỹ, trong những ngày mùa Thu.
Thu Cali đẹp tuyệt vời với những rừng Redwood xanh và những rừng cây du, cây
phong, cây phiến, cây sồi, cây phương lan đổi lá sang mầu đỏ, mầu vàng, mầu
cam, mầu tím, mầu thời gian nhuộm trắng tóc mây nên thơ như áo lụa học trò,
nhưng cũng rất lạnh lùng và hoang phế.
Chiều nay,
sau giờ dạy, nhớ những thằng bạn cũ, tôi châm một điếu thuốc và lặng lẽ đứng dưới
gốc cây du đang trút lá trong sân trường Cosumnes River Collegenhả khói một
mình. Một cô sinh viên người Việt, đi
ngang, dừng lại và nói với giọng ngạc nhiên gần như thất vọng:
- Úi dà!
Thầy hút thuốc? My God, it’s incredible!
Tôi nhìn
cô sinh viên người Việt, nhìn dãi tóc mây đen nhánh giữa giòng tóc nâu vàng như
hương mùa Thu, mĩm cười và im lặng.
Thật tình
tôi muốn nói với những người Việt trẻ tuổi sinh ra và lớn lên trên vùng đất
bình yên này rằng:
- Thu Vàng
của Cung Tiến khác Thu Vàng của Cali nên các em làm sao hiểu được có những cô học
trò cũ ngày xưa trên quê hương đầy chiến tranh khốn khổ của mình đã “ăn cắp” vài điếu thuốc cho thầy hút giữa
hai phần đêm chờ sáng. Tôi hiểu, hút thuốc hại cho sức khỏe, và tôi cũng hiểu
em đã sinh ra và lớn lên trong môi trường xứ Mỹ. Làm sao em hiểu được những vết
hằn thế hệ trong tôi, một người thầy hàng tuần giảng bài trước mặt các em, nói
tiếng Việt để thương và nói tiếng Anh để sống. Tôi đó, nhưng đó không phải là
tôi. Tôi như một mảnh vỏ san hô đơn độc, vỡ ra từ nhánh mẹ tận bên trời quê
hương, nằm chênh vênh trên bờ biển Long Beach, Monterey, Half Moon Bay sau gần
tròn một thế hệ đã chịu bao dập vùi trong đại dương sóng gió, nay trôi dạt về
đây từ bên kia bờ biển Thuận An, Cửa Việt, Tư Hiền.
Ngày đó,
trên đất nước khốn khổ, mỗi người còn có một quê hương nhỏ bé để hồi cư. Thế
nhưng giờ nầy, giữa thế giới bao la nầy, biết tìm đâu ra một chỗ để hồi cư sau
những tháng năm dài lang bạt. Có chăng một chốn hồi cư miên viễn là chính lòng
mình. Khi chưa đánh mất mình, mất trong đôi mắt, mất giữa đam mê, mất tự giòng
suy tưởng thì mình vẫn còn một chỗ để hồi cư, một quê hương thiên cổ để quay về.
28 nhận xét:
Hay qua
À! Bạn đã mở hàng bằng lời khen. Cám ơn nhé! Chúc tối an lành!
[img]http://img.tamtay.vn/files/photo2/2009/10/19/2/368332/4adb6d54_3aa4108f_006.gif[/img]
Nếu ai cũng có suy nghĩ như Trâm như nhân vật tôi của bài viết !
TĐ chuyên gia sưu tra các bài như này , thật quý hóa .
ah , R comment bên nhà chị CTT được rồi Thầy ạ w-)
Hồi ức của một người thầy từ những năm binh lửa, đọc để biết thêm về thời quá khứ mà có lẽ không còn ai kể ra.Cảm ơn bài viết của thầy về vùng quê Qủang Trị, một Qủang Trị mà đôi khi PT bâng khuâng muốn tìm hiểu vì là quê hương của một người thân đã khuất lâu rồi!.
Chào R! Ngày mới an lành nhé!
Mình có ghé nhà cô giáo CTT, thấy còm của NẶC DANH là biết ngay nữ hiệp sĩ đang lên đường hành hiệp :D .
Nhưng, sao nữ hiệp không tạo cho mình một cái tên , chí ít chỉ một ký tự (như R) chẳng hạn, nick NẶC DANH nghe sao sao ấy!:-? ( ẨN DANH nghe thuận tai hơn)
Cám ơn Phượng Tím đã chia sẻ sự đồng cảm nhé! Nếu Phượng Tím có thời giờ, mời click chuột đọc bài TẢN CƯ (cũng do thầy Đoàn viết theo đường link http://phudoanlagi.blogspot.com/2012/04/tan-cu.html ngay trong lời dẫn ở đầu bài viết này).
Chúc ngày mới vui nhiều!
[img]http://img1.imagehousing.com/1/dd39920b086ba6f4f39340afc6226334.gif[/img]
Đâu có Thầy , bên nhà chị CTT R ghi tên Rốôc mà , còn giới thiệu là quen với Thầy nữa , chỉ có nhà Thầy với chị HM lười gỏ tên nên mới nặc danh thôi ! Như thay vì gỏ hẳn chữ rốôc , lười nên ghi có chữ r .
R mất chìa vào BlogSpot nên mất luôn blog...mỗi lần ghi comment phải gỏ tên chứ ko tự động hiện như bên yh , chán thiệt :-L
Đầu tuần "bui diều" hỉ :D
Mình đã đọc còm của Rôôc trong entry TẮT ĐIỆN 2 ở blog cô giáo CTT rồi. :-?
Trong entry TẮT ĐIỆN 1 còn có một còm ghi NẶC DANH đó mà ! :-/
Tat dien 1 , R chua comment duoc ma . Ai cung co the dung an danh de comment , dau phai moi minh R :
Khi chưa đánh mất mình, mất trong đôi mắt, mất giữa đam mê, mất tự dòng suy tưởng thì mình vẫn còn một chỗ để hồi cư, một quê hương thiên cổ để quay về.
Đúng vậy TĐ nhỉ!
Chiều an lành nhé!
[img]http://i1303.photobucket.com/albums/ag154/Holananh78/5784592246382314384.jpg[/img]
"Bây giờ ai biết hỏi ai
Dù lòng biển rộng sông dài thênh thang" :D
"Người đời thử ngẫm mà hay.
Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!
Còn ai ai tỉnh, ai mê,
Những ai thiên cổ đi về những đâu?"
TẢN ĐÀ
[img]http://3.bp.blogspot.com/-3wl7maVZ_yo/UWUmaBxFmmI/AAAAAAAABOE/0M11ZZPN3c4/s1600/THANKYOUFRIEND-1+(1).gif[/img]
Tuần mới an lành thành công nhé anh Thay Do ơi ời (~_~)
[img] http://www.pictures16.com/p/good_afternoon/good_afternoon_042.gif[/img]
HỒI CƯ-Biết quay về đâu,không gian và thời gian ư?Chỉ về trong tâm tưởng thôi!Vào thời điểm ấy Q cũng đang học ở Huế,rồi 75 tan đàn xẻ nghé.Lưu lạc phương Nam đi mãi chưa về.Vừa đọc vừa sống lại với hồi ức...Cảm ơn bạn đã cho mình được dịp quay về,dù chỉ là kỷ niệm.
Chiều an vui bạn nhé!
Cám ơn nhé!
[img]http://ng3.upanh.com/b1.s21.d4/51ade2d409adcc51c02b0f8e30978291_38808443.4.gif[/img]
Được sự đồng cảm và chia sẻ của bạn thì ấm lòng thật. Cám ơn nhé!
[img]http://calyne.c.a.pic.centerblog.net/qxdshfjf.gif[/img]
Từ lâu nghe nói thế mạnh của TRần Kiêm Đoàn là viết ký, nay mới biết quả thật như vậy. Quá khứ lùi về sau thật nhanh, mới đó mà chuyện sinh viên Huế một thời binh lửa đã như chuyện đời xưa. May mà có những cây bút ký như TKĐ ghi lại. Cảm ơn Phu Doan nhiều.
Em cahof anh. Chúc anh ngày mới vui vẻ.
Sang thăm anh đọc bài viết hay và em hiểu thêm được nhiều anh à
(Hình như anh cũng là người Công giáo phải không?)
[img]https://lh5.googleusercontent.com/_QdWeX4sHlQo/Talr17AESQI/AAAAAAAAD0E/a0JIrMaozEI/s720/IMG_3346.JPG [/img]
Đúng, đây là hồi ký, nhưng mình có cảm giác như là truyện, cụ thể là tự truyện.
Buổi tối an lành nhé!
Mình là người Thên Chúa Giáo. Nhâm nhi với nhau một chút nhé!
[img]http://i1142.photobucket.com/albums/n606/Robert_Nguyuen1/fa83e1cb4a3237de00cbab81061f0815.gif?t=1319013607[/img]
Buổi chiều vui thật nhiều gia chủ hí!
[img]http://images.yume.vn/wall/20130425/thaydo09/source/1366887191_Evening1.gif[/img]
Ờ! Chúc chiều về thân tâm an lạc!
[img]http://img.photo.yume.vn/wall/20130411/thaydo09/thumbnail/381x302/1365676709_evening.gif[/img]
Đã đọc nhiều lần, đọc lại vẫn thấy thật hay và có một chút gì thương nhớ...
Cám ơn chủ nhà và tác giả.
Rất vui khi bạn ghé thăm và đồng cảm! Tối an lành nhé! :bh
Không ai có thể hiểu được ý nghĩa của ĐI và Về như người Quảng Trị đâu !
Dù sống đời quan ngủ nhưng tôi chưa tiếp cận với chiến tranh, trận địa và hiểm nguy như người Quảng Trị. Câu chuyện "Hồi cư" làm cho tôi như đi vào cõi chiến tranh, đi vào tận đáy lòng mình để cảm nhận tình người Quảng Trị, lòng của một thầy giáo và nó nhắc tôi nhớ lại một bóng hình, có lẻ cũng giống như Trâm, cô học trò Quảng Trị.
Tiếc câu chuyện không kết thúc sớm, nếu không có đoạn cuối, đoạn TKĐ đã qua Mỹ thì câu chuyện đã đi xa, đã thấm sâu hơn trong lòng người đọc.
Tiếc một điều, tôi không còn trẻ để có thể dựng lại thành một chuyện phim.
Cám ơn tác giả.
Rất vui khi bạn ghé thăm và đồng cảm! Ngày Giỗ Quốc Tổ nhiều ý nghĩa nhé!
http://d4.violet.vn/uploads/blogs/748599/gio_to_vua_hung_01.gif
Đăng nhận xét