BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

MƯA ĐÊM – Thơ Lê Phước Sinh


   


MƯA ĐÊM
 
Tí tách từng giọt như rót Rượu,
môi mềm, ngã ngựa giữa trời khuya.
Để trút ào ào cho bầu bể,
lênh lang chí lớn, mộng giang hồ.
 
                             Lê Phước Sinh

NÓI VỚI PHỐ - Thơ Trần Mai Ngân


   


NÓI VỚI PHỐ
 
Phố à, phố ơi...
Trả tôi ngày hôm qua
Trên cánh môi mượt mà
Ru nhau trong mùa hạ
Vỗ về sang mùa thu...
 
Phố à, phố ơi...
Trả tôi lại bầu trời
Biếc xanh lời hò hẹn
Dẫu không là trọn vẹn
Vẫn tràn đầy trong tôi
 
Phố à, phố ơi
Hôm nay đã xa xôi
Bằng những bước đơn côi
Nụ cúc vàng mùa cũ
Choá ngời trong mắt tôi...
 
Phố à, phố ơi...
Tôi... vết thương mưng mủ
Trong lòng vẫn y nguyên
Đem xuống cõi vẹn tuyền
Nụ cười xưa rất xa...
 
Trần Mai Ngân

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

CHUYỆN LẠ VỀ ĐẶT TÊN – Đặng Xuân Xuyến



                                   (Chuyện của nhà mình)
 
Mẹ đặt tên chị cả là Dung, bác (anh ruột của bố) đổi tên là Dỡ vì: "Bố nó tên là Dực thì nó tên là Dỡ". Sợ bố buồn nên mẹ không trái ý bác.
 
Rồi sinh anh trưởng, mẹ đặt tên là Tuấn, bác (anh ruột của bố) lại đổi tên vì: "Rực Rỡ thì phải Sao" (quê mình phát âm lẫn lộn mấy từ này). Vì không muốn bố buồn, mẹ lại lần nữa không cãi bác.
 
Đến đận sinh mình, Mẹ đặt tên là Xuân, bác (anh ruột của bố) dứt khoát quan điểm: "Đã Rực Rỡ Sao rồi thì phải là Vàng". Mẹ không nhất trí vì "tên đó xấu, lớn lên cháu nó dễ bị bạn bè trêu chọc, tổn thương". Bố cười với bác: "Hai cháu lớn bác đã đặt tên rồi. Thằng cu này, bác để mẹ cháu đặt tên cho cháu". Bác dỗi, không nói chuyện với bố đến mấy tháng.
 
Tưởng tên Xuân sẽ thành tên gọi chính thức của mình nhưng đến năm lên 5 tuổi, bà mợ (mợ của mẹ) thấy mẹ nhắc: "Xuân chào bà đi con!" thì mắng mẹ “dám lấy tên cụ của cậu đặt tên cho con”. Mẹ xin lỗi bà vì không biết có kỵ tên là Xuân nên "nhờ bà thay tên cho cháu". Bà chốt: "Anh nó tên là Xao thì nó tên là Xuyến". Thế là tên Xuyến theo mình đến giờ.
 
Rồi, sau khi mẹ sinh mình 2 năm, mẹ sinh thêm em gái, đặt tên là Nhung, không có ai ý kiến này kia về tên của em cả. Bố yêu em lắm, vì em đẹp nhất trong 4 đứa con. Tiếc là năm em 3 tuổi đã bỏ bố mẹ mà đi. Mẹ ngất lên ngất xuống ngày em mất. Bố đấm ngực kêu trời khi mất em. Có lẽ em mất là để đổi mạng sống cho mình vì cũng vào năm đấy, mình bị nhiễm trùng rồi "chết lâm sàng". Lúc hạ huyệt, mẹ nhất quyết không cho hạ huyệt, cứ một hai: "Con tôi còn sống! Con tôi còn sống!". Để xác thực với mẹ là "cu Xuân đã chết", mọi người "mở linh cữu" và giật mình khi thấy "cu Xuân" thoi thóp thở.
 
Chuyện lạ không chỉ ở chuyện mình sống lại vì tình yêu của Mẹ, mà lạ thêm ở chuyện đặt tên: 3 đứa lớn, khi mẹ đặt tên đều bị họ hàng phản đối, rồi buộc phải thay tên thì cứ "phởn phơ" sống, mặc giông bão cuộc đời xô đập, còn đứa út khi mẹ đặt tên, họ hàng không ai phản đối thì mới 3 tuổi đã bỏ bố mẹ mà đi.
 
Chỉ là kể lại chuyện lạ về đặt tên của nhà mình mà khóe mắt thấy cay cay.
 
                                                          Hà Nội, 29 tháng 04 năm 2020
                                                                    Đặng Xuân Xuyến

MÙA THU GỬI ANH… - Thơ Trần Mai Ngân


   

 
Anh! Mùa Thu mây trắng đã bay về
Em như chiếc lá vàng những ủ ê
Vụng về, vụng về… từ chối lời yêu
Dù biết hối tiếc sẽ nhiều… nhiều lắm!
 
Anh!
Mùa Thu nhuộm vàng cả chiều mê đắm
Và khi không còn gửi lời tin nhắn
“Anh - cơm trưa cá kho, canh rau đắng
Em ăn gì… nhớ vui vẻ nhiều nghe…!”
 
Trái tim em đàn bà nên rất nhẹ
Sẽ xáo trộn và bộn bề bởi nhớ
Hãy để yên cho mùa Thu qua cửa
Làm mây bay… bay mãi chẳng quay về
 
Anh! Giữ lại đi những nỗi đê mê
Đừng cột chặt để em vào ảo tưởng
Thu đến rồi đi không cầu, không cưỡng
Em là Thu… anh mây trắng qua trời!
 
                                  Trần Mai Ngân

THÀNH NGỮ BỊ HIỂU SAI HƠN MỘT NGÀN NĂM QUA – Đỗ Chiêu Đức


Trang Tử với Tề Vật Luận
                       
Trong văn học cổ Trung Hoa, thành ngữ đánh giá phẩm bình cao nhất về dung mạo của nữ giới là "Trầm Ngư Lạc Nhạn, Bế Nguyệt Tu Hoa 沉魚落雁,閉月羞花" mà ta thường nói một cách nôm na là "Cá lặn chim sa, Nguyệt thẹn hoa nhường". Chỉ cần nhắc đến câu nói nầy thì tự nhiên mọi người đều nghĩ ngay đến bốn người đẹp cổ điển "Tứ Đại Mỹ Nhân 四大美人" là : Tây Thi 西施、Vương Chiêu Quân 王昭君、Điêu Thuyền 貂嬋、và Dương Ngọc Hoàn 楊玉環 (Dương Quý Phi).Với lý giải thường thấy như sau :
 

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

HỒ DZẾNH VÀ CHÂN TRỜI CŨ – Vũ Thư Hiên


Hồ Dzếnh - ảnh tư liệu.
 
Nhà văn Thanh Châu có một giang sơn riêng – một gác xép bằng gỗ ghép giống hệt gác xép của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, người mà chúng tôi đặt cho ông một biệt hiệu tếu: “Ông Giê Su khốn khổ ở phố Hàng Thuốc Bắc”. Cao, gầy, xanh, với những nét sắc như vạc bằng rìu trên mặt, nhìn anh tôi gặp một bản sao tượng Chúa Chịu Nạn. 
 
Thời ấy nhiều nhà có thứ gác xép như thế. Nó tăng diện tích ở không nhiều, nhưng tạo ra một mảng riêng tư. Gác xép của Thanh Châu là phòng văn của ông, cũng là chỗ ông tiếp bạn, người nhà không hề lai vãng.
 
Để lên cái gác xép ấy phải leo một cái thang dựng ngược, bám cứng vào hai thành lung lay của nó mà nhích từng bước mà chui lên.
 

ĐAU QUÁ ĐÒN HẰN RÁT HƠN LỬA BỎNG – Thơ Trần Vấn Lệ


 

 
Mạc Đỉnh Chi bực xé bức tranh
vẽ con chim sẻ đậu trên cành
cành tre biểu tượng người quân tử
chim sẻ đời coi đứa tiểu nhân!
 
Câu chuyện ngày xưa bên bữa tiệc
tưởng đùa mà triết lý cao sâu!
người Tàu đã hiểu người dân Việt:
yêu nước tâm can, cả cái đầu!
 
Đọc Sử, chúng TA không để ý,
học chơi và hiểu chỉ sơ sơ!
Văn xuôi, đọc đấy, câu nào nhớ?
đời nối tiếp đời cứ chuộng thơ!
 
Nguyễn Khuyến bực mình nên hạ bút
hai câu đủ giết hết người TA:
"Sách Vở Ích Gì Cho Buổi Ấy?
Xiêm Y Thêm Thẹn Cái Thân Già!"
 
Một ông Quan Bự vừa lên báo:
Lên Xuống Nhịp Nhàng, giỡn mặt chăng?
Uốn lưỡi bảy lần đau cái miệng!
Phát Ngôn Bừa Bãi Mới Là Quan?  (*)
 
                                   Trần Vấn Lệ
 
(*) bài báo đăng trên báo Đảng TA: 
https://thanhnien.vn/co-len-co-xuong-dan-thanh-van-hoa-viec-binh-thuong-trong-cong-tac-can-bo-185240709095333745.htm

THƠ 1-2-3 CỦA TRẦN MAI NGÂN


  

 
Khi em nhìn anh
Là em đang ôm anh bằng đôi mắt
Đôi mắt nồng nàn, đắm say và chìm sâu
Có lẽ tình yêu chân thành là vậy - sẽ bền lâu
Không cần nói, không cần dang đôi tay
Mà em vẫn cảm nhận từ anh - một bờ vai ấm!
 
                                                 Trần Mai Ngân

KHI BÉ ĐẾN - Nhạc Khê Kinh Kha



Bài thơ BÉ Và QUÊ HƯƠNG ANH của Khê Kinh Kha đã được GS Nguyễn Thanh Chí tại Đại Học San Jose State, CA, chọn dạy trong Chương Trình Vietnamese Culture từ hơn 5 năm nay.
Bài thơ cũng được chính tác giả Khê Kinh Kha soạn thành ca khúc KHI BÉ ĐẾN.

             


BÉ VÀ QUÊ HƯƠNG ANH
 
này bé hỡi, chiều nay trời lành lạnh
ở phương này anh nhớ một quê hương
bé đừng quên, chiều nay mình đã hẹn
anh sẽ ngồi kể hết chuyện quê anh
 
khi bé đến, nhớ mặc áo dài xanh
như mầu xanh của lúa mạ lên mầm
như mầu xanh của rừng thông Đà Lạt
áo bay mềm như dòng nước Cửu-Long
 
khi bé đến, nhớ để tóc xoã dài
xõa dịu dàng như liễu rủ ngang vai
xõa trong anh bóng tre già quê ngoại
xoã hương tình bao ruộng lúa Đồng-nai
 
khi bé đến, nhớ đừng thoa son nhé
để nắng chiều ửng đỏ nét môi thơm
để chiều nay mặt trời không ngủ sớm
như những chiều nắng phủ dãy Trường-sơn
 
khi bé đến, nhớ đừng thoa hương phấn
để hương trinh ngào ngạc gập vào hồn
như cúc vàng bên thềm xưa Vỹđạ
ngát hương nồng bên dòng nước sông Hương
 
khi bé đến, nhớ đừng mang kính mát
để trời xanh rơi rớt vào mắt trong
để anh thấy biển Hội-An, Đà-Nẵng
bãi cát dài sóng vỗ đến Nha-trang
 
khi bé đến, nhớ bước đi nhè nhẹ
để lòng anh không xao động nổi hờn
vì anh vẫn thấy hoài trong giấc mộng
phố Sài-gòn, Hà-nội, Huế buồn tênh
 
khi bé đến, đừng hôn anh bé nhé
hãy để dành hôn mẹ Việt Nam ta
mẹ Việt Nam bàn tay còn chai đá
nụ hôn nào sẽ xóa dịu lòng me
 
khi bé đến, nhớ cười vui bé nhé
để lòng anh như pháo nổ đầu xuân
anh sẽ ngắt cánh mai vàng vừa nở
tạ ơn đời và tổ quốc mến thương
 
                    KhêKinhKha
              (Trích tập thơ Tỏ Tình)

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

CHUYỆN TÌNH ĐIỀN DÃ – Truyện ngắn của Guy de Maupassant, Lê Quang Huy dịch

Tình cờ đọc được một truyện ngắn với nội dung khá lạ của nhà văn Pháp Guy de Maupassant và kết cục hơi bất ngờ, xin tạm dịch thô sang tiếng Việt gửi bạn bè đọc cho vui.
 

Chuyến xe lửa vừa rời thành phố Gênes đi về hướng Marseille và chạy dọc theo bờ biển khúc khuỷu lởm chởm đá, nhẹ lướt giữa biển cả và núi non như con rắn sắt, trườn trên bờ biển cát vàng, nơi những đợt sóng nhấp nhô vỗ bờ trông như mảnh lưới bạc; và rồi đột nhiên chui vào cửa họng đen ngòm của những con đường hầm, như con thú chui vào hang.

Trong toa xe cuối cùng, một phụ nữ to lớn và một thanh niên ngồi đối diện nhau, không nói một câu, và thỉnh thoảng lại nhìn nhau. Chị ta trông độ hai mươi lăm tuổi; và ngồi cạnh cửa ngắm phong cảnh. Chị là một nông dân vùng Piémont, đôi mắt đen láy, bộ ngực đồ sộ, đôi má phúng phính. Chị đã đẩy mớ hành lý của mình vào dưới băng ghế gỗ, và ôm một chiếc giỏ trên gối.

Anh thanh niên khoảng hai mươi tuổi, gầy gò, đen sạm, cái đen đúa của người làm ruộng ngoài trời nắng gắt. Bên cạnh anh, trong chiếc khăn mù-soa là tất cả gia tài của anh: một đôi giày, một áo sơ-mi, một chiếc quần cụt và một áo vét. Dưới băng ghế anh cũng đã cất một vài thứ: một cái xẻng và một cái cuốc buộc lại với nhau bằng một sợi dây. Anh sang Pháp tìm việc làm.

Mặt trời đã lên cao, toả cái nóng gay gắt xuống vùng biển; lúc ấy vào cuối tháng năm, và những hương thơm ngây ngất bay lãng đãng, luồn vào toa xe qua các cửa kính đã hạ xuống. Những cây cam, cây chanh đang độ ra hoa, toả lên không trung êm ả những mùi thơm ngọt ngào dịu dàng, mãnh liệt làm ta ngây ngất, chúng hoà lẫn hương thơm ấy với mùi hoa hồng, những cánh hoa mọc khắp nơi như cỏ dại dọc theo đường, trong những khu vườn trù phú, trước cửa những căn nhà xập xệ, và cả trong cánh đồng.

CÀ CUỐNG, NHỚ CHÚT HƯƠNG XƯA - Vũ Thị Tuyết Nhung, Song Thao


Nhà văn Vũ Thị Tuyết Nhung

Tôi còn nhớ, mẹ tôi thuở sinh thời, cứ vào cữ tháng Bảy mùa thu trở ra đến tháng Mười chớm đông, lúc Người đi chợ Hàng Bè, thi thoảng lại được mấy bà hàng tôm cá quen gọi vào, thầm thì dúi riêng cho mấy con cà cuống mà các bà thường chỉ để dành cho khách ruột sành ăn.

Ngày ấy chưa có tủ lạnh, nên mẹ tôi đem cà cuống về là cho vào nồi cơm hấp chín. Sau đó, bà sai chị Trưởng tôi băm nhỏ, dặn thêm là nhớ băm nhẹ tay kẻo bắn ra thì phí lắm. Chỉ cà cuống đực có bọng tinh dầu thơm, mới băm ra như vậy, còn cà cuống cái thì để ăn trứng. Rồi bà chọn một chai nước mắm thực ngon, cho cà cuống băm vào ngâm. Thời bao cấp gọi là “nước mắm gái đẻ”, vì chỉ có phụ nữ khi sinh nở mới được cấp cho một phiếu mua hàng có ô nước mắm loại A. 

Mỗi lần nhà ăn bún chả hay bún nem, bà cẩn thận mở nút chai nước mắm cà cuống giấu kỹ góc chạn gỗ, dốc ra một chút, pha lẫn vào bát nước chấm cho dậy mùi thơm. Hay là cũng có khi, gặp mớ rau muống đầu mùa non mướt, bà cũng rộng lòng mở nút chai, chấm vào bát nước mắm chanh ớt một đầu đũa nhỏ. Thế mà thơm lừng khắp mâm cơm. Lúc nhà có cỗ bàn hoặc tết nhất, bà hay để ý xem chai nước mắm cà cuống đầy vơi đến đâu để còn liệu. Nhỡ mà quá tay thì đến lúc không có gì mà đãi khách. Đặc biệt là ba món: Bún thang, bánh cuốn, chả cá, mà thiếu một chút hương cà cuống thì thà đừng đụng đũa cho xong. Nhưng mà mẹ tôi thường dạy, hễ đã cho cà cuống thì chớ dùng hạt tiêu, hoặc là gừng, tỏi. Bởi ăn như thế thì thành ra ăn hổ lốn, không phải là cách ăn của người Hà Nội.

Bao năm nay, từ ngày đi lấy chồng, tôi cũng đã nhiều lần đặt bánh chưng ở các cửa hàng nổi tiếng trong thành phố, hay là tự gói lấy bằng các thứ gạo đỗ, thịt thà thơm ngon nhất, mà sao ăn cứ không được nhưhương vị bánh chưng mẹ gói lúc sinh thời. Thì ra, ngày xưa, mẹ tôi khi ướp nhân bánh trước khi gói, bao giờ cũng nhớ rảy vào một chút tinh dầu cà cuống mà bà để trong một chiếc lọ bé xíu, gọi là lọ penixilin nút cao su, quấn mấy lần nilon như một thứ đồ gia bảo, cất trong ngăn trên của chiếc tủ chùa ở gác hai. Nếu không cho vào nhân bánh, thì khi xóc gạo gói bánh, bà cho nhàn nhạt muối đi một chút. Đến lúc bóc bánh ăn, mới chấm thêm chút nước mắm cà cuống, thì cũng hợp giọng khôn tả. 

Con cà cuống vốn là một giống côn trùng có cánh, trông hơi giống con ve sầu, song bộ cánh của nó có vẻ mỏng mảnh hơn, màu nâu nhạt. Nghe các cụ già truyền lại câu được câu chăng, thì hình như cà cuống vốn sống trong vùng rừng quế ở Thanh Hóa (chắc đó là cách các cụ giải thích về nguồn gốc hương thơm của giống cà cuống). Vào mùa hè nắng nóng, nó bay ra sinh sống ở các vùng đồng ruộng ngập nước. Và tối tối, nó hay tìm những nơi có nhiều luồng sáng tập trung thành vầng lớn để theo ra. Ở Hà Nội, trước đây, các nơi như quảng trường Lăng Hồ Chí Minh, hay thành cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cà cuống về dày đặc. 

                   

Nhưng có lẽ do bà con nông dân sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, nên cà cuống theo đó mà mất dần. Bây giờ, nhiều người Hà Nội nghe nói đến cà cuống thì ngớ người chẳng biết là con gì. Chứ thời trước, ở Hà Nội, trong các gia đình, cà cuống được coi như một thứ gia vị không thể thiếu trong các món ăn đặc biệt. Người ta đem con cà cuống về, tách hai bên cánh, khía một đường ở nơi có thể gọi như gáy của con cà cuống, chỉ con đực thôi, rồi rút ra một bọng dầu nhỏ như hạt gạo vàng. Đấy chính là phần tinh tuý nhất trong con cà cuống.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

BỚT XÀM LẠI VỚI NHẠC PHẨM “THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG” - Nguyễn Gia Việt



Tự nhiên truyền thông VN trong nước cùng vài ca sĩ a dua khẳng định "Thương về Miền Trung" bấy lâu nay là "nhầm" tên tác giả.
Họ dựa theo lời con gái của cố nhạc sĩ Châu Kỳ là bà Châu Huyền Khanh nào đó nói đây là bài hát của cha cô sáng tác chứ không phải của Minh Kỳ.
Bậy bạ!
 
Bà Khanh nói Châu Kỳ viết bài “Thương Về Miền Trung” và đưa cho Duy Khánh hát rồi đứng tên vào "thập niên 1940" là phi logic.
Thập niên 1940 là năm 1940 hay 1949 thì Duy Khánh (sanh 1936) mới 4 hoặc 13 tuổi thôi.
 
Năm 1952 Duy Khánh lúc đó 16 tuổi khi đoạt giải ca sĩ ở đài Pháp Á Huế mới tham gia văn nghệ và vô Sài Gòn.
Duy Khánh chỉ nổi lên bên viết nhạc ở những năm sau 1960.
Bài “Thương Về Miền Trung” là bài nhạc ra đời năm 1962 và nghe kỹ là theo cái e nhạc quen thuộc kiểu Duy Khánh, không phải kiểu Châu Kỳ.
 
Thành ra báo chí và các nghệ sĩ bớt cái miệng lại khi nói bài hát đó là của Châu Kỳ.
  
                                                                               Nguyễn Gia Việt
*
Phụ lục:

Ca sĩ Duy Khánh trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Văn Nghệ VN quận Cam 1988, ông cho biết THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG là một trong những nhạc phẩm của ông về Huế...

BÀI HỌC YÊU ĐƯƠNG - Thơ Quách Như Nguyệt, Kim Kiểm diễn ngâm

     
      


BÀI HỌC YÊU ĐƯƠNG
 
Chắc anh đau lòng lắm
Bắt gặp em có người yêu khác
Đời sống này bẽ bàng, quái ác
Phụ tình, tình phụ… lẽ thường thôi!
Bao nhiêu năm nổi trôi
Vẫn không thể quên anh
Dẫu giờ đây anh nằm yên nơi huyệt lạnh
 
Sáng nay trời lành lạnh
Bỗng nhớ lại mối tình ngày trước
Ôi nghiệt ngã, một mối tình sa đọa
Em yêu anh, yêu bất chấp, mù lòa
 
Mỗi lần nghĩ đến anh, làm thơ… em khóc
Vết thẹo đời bị cào xới nên đau
Trái tim em tại ai mà nhuốm máu?
Hai mươi năm, vẫn rên rĩ kêu trời
Chẳng thể nào lành lặn lại anh ơi!
 
Một tình yêu thay đổi cả cuộc đời
Bài học yêu đương mà anh là thầy giáo
Em ngây thơ bước vào tình chao đảo
Yêu khạo khờ, yêu mê dại xiết bao!
 
Sáng hôm nay, chẳng biết tại vì sao?
Em nhớ lại, nhớ đến ngày hôm đó
Ngày mà anh đau khổ, …mất em!
Cố quên anh, em có người yêu khác
 
Anh hiểu cho, em không hề tàn ác
Người nhẫn tâm, đào hoa chính là anh
 
Bài học tình, học mãi chẳng nên thân
Vì thầy giáo kinh nghiệm và tàn nhẫn!
 
                                        Như Nguyệt

MỖI NGÀY MỘT BÀI THƠ CHO CON DỐC XƯA – Trần Vấn Lệ



Anh hứa với em:  Ngày một bài.  Thơ anh, anh làm không mượn ai.  Em, anh không mượn, nhưng anh trả cho xanh biếc hoài hoa lá Bồng Lai...
 
Làm một bài thơ không mấy phút, em ngàn Thế Kỷ anh tương tư!  Một câu đó đủ cho em nhíu cái cặp chân mày đã rất thơ!
 
Em chỉ là hoa mới dậy hương, anh đi làm thơ, anh lạc đường...Anh cảm ơn em Duyên rất ngộ, tình là mây bay là sương vương...
 
Có những buổi chiều xanh khói biếc, Mạ đang vần cơm, Mạ nấu canh?  Em vẫn nhảy dây hay cất cặp... hay nhìn xa xa đường Bà Trưng?
 
Ờ nhỉ hồi xưa em dễ ghét, học cho thị đậu Tú Tài thôi, ngày mai kệ nó em không biết mình trôi về đâu như mây trôi...
 
Không biết tại sao yêu lắm vậy, chân mày em chân mây xa xăm... Anh về, đã hết mười năm lính, em vẫn mùa Xuân với tuổi Xuân!
 
Bài thơ hôm nay, em nhìn đi -  em nguyên vẹn nhé thuở Xuân Thì... Em anh hoài nhỏ cho anh nhớ con dốc Nhà Làng anh mải mê...
 
... có mái tóc dài ai nhánh liễu... có chân mày ai như trăng non... có má hồng ai hoa mới nở... và có đôi môi trời ơi thương!
 
*
Đường Bà Trưng vẫn con đường mộng!
Mộng vỡ!  Ai bày cuộc biển dâu?
Con dốc Nhà Làng, tên biển gắn,
Bờ tường tựa núi sạch như lau...
 
                                                                                       Trần Vấn Lệ

BỘ PHẢN NGÀY XƯA - Thơ Châu Thạch


  

 
BỘ PHẢN NGÀY XƯA
     
Tôi có hai người bạn
Quê làng Trường Sanh
Nhà gần cầu Bến đá
Họ anh em một nhà
 
Xứ Quảng Trị mùa hè oi ã
Tôi về quê sống với bạn, vui chơi
Ngày tắm sông hưởng nước mát của trời
Đêm ngồi ngắm vầng trăng bất hủ
 
Bộ phản gỗ ba đứa tôi nằm ngủ
Chiếc gối cao dễ nằm mộng thấy em
Những năm thi cứ vào khoảng hết đêm
Ông cụ rút gối kêu chung tôi dậy học.
 
 
Đời thanh thản những ngày xanh mái tóc
Bộ phản kia như người bạn thứ tư
Ba chúng tôi với phản cứ từ từ
Nằm tâm sự chuyện tình qua năm tháng
 
Rồi một buổi non sông thành ly loạn
Ba chúng tôi xếp sách vở lên đường
Khói lửa về đốt cháy cả quê hương
Tôi không nhớ không thương gì bộ phản
 
Sáu mươi năm đã qua thời khủng hoảng
Bạn tôi về thăm lại từ đường
Báo tin rằng bộ phản thuở thân thương
Còn nguyên vẹn chờ chúng tôi trở lại
 
Tôi cảm thấy lòng đã qua trường trại
Bỗng niềm vui trẻ lại buổi thơ ngây
Ở trong tôi nhớ lại hết những ngày
Phản như bạn, đắm say từ độ ấy.
 
Phản còn giữ hương xưa nhiều biết mấy
Hương tình yêu, tình bạn tình quê
Hương ba thằng ngổ ngáo với đam mê
Còn phảng phất ở trong mùi hương gỗ.
 
Tôi mơ ước được quay về cổ độ
Có một lần ba đứa ngủ cùng nhau
Trên phản xưa nằm kể chuyện vàng thau
Phản ghi nhớ vào trong lòng gỗ quý!
                         
                                      Châu Thạch

THƠ 1-2-3 CỦA TRẦN MAI NGÂN


  

 
THƠ 1-2-3
 
Tờ lịch đắn đo buông ngày hôm qua rơi xuống
Cẩn trọng ngày hôm nay
Nhìn rõ trái tim người qua nụ cười thật ngọt
Chọn ngày mai tử tế
Ân cần và bao dung
Để khi thành ngày hôm qua - không ngại ngùng!
 
                                                    Trần Mai Ngân

MẮC NỢ - Thơ Lê Kim Thượng


  


Mắc Nợ 1 – 2
 
1.
Người đi mắc nợ… “Ngày Xưa”
Người đi mắc nợ nắng mưa… “Quê Nghèo”
Sông buồn tím ngắt cánh bèo
Lời ru xa vắng, gió reo, sóng tràn
Ngân Hà – Chức Nữ - Ngưu Lang
Quạt mo đổi chác, nghênh ngang Thằng Bờm
Được mùa lúa chín vàng ươm
Được mùa, canh cá, bát cơm tràn đầy
Cánh cò bay lạc tầng mây
Đàn trâu nhai cỏ, nằm đầy gốc me
Lành yên những buổi trưa hè
Sông dài in bóng lũy tre gió lồng
Hai sương, một nắng trên đồng
Dù cho mưa nắng vẫn không quản gì
Đất phèn theo bước Cha đi
Chân bùn, tay lấm không gì thở than
Ruộng đồng đâu quản gian nan
Đông về giá rét, chang chang nắng Hè
Tình quê ấm mái tranh che
Nép mình dưới bóng lũy tre xanh ngần…
 
2.
Trăm năm Con Tạo xoay vần
Một đời hạnh phúc cũng ngần ấy thôi
Thơ rơi chén đắng rượu mời
Gió trăng còn đó, cuộc chơi vội tàn
Đọt tre đọng bóng trăng ngàn
Rạ rơm, sương khói quyện tràn âu lo…
Bến sông vọng tiếng gọi đò
Để cho câu hát câu hò mênh mông
Còn tôi đứng với dòng sông
Nhìn câu thơ cũ lạc dòng lênh đênh
Chảy qua bao thác, bao ghềnh
Chỉ là trôi nổi bồng bềnh buông xuôi
Bãi sông của tuổi lên mười
Cho tôi ngụp lặn, nụ cười thân yêu…
Bóng quê… Bóng Mẹ xế chiều
Nhớ quê… Nhớ Mẹ, nhớ nhiều Mẹ ơi!
Con còn nỗi nhớ mù khơi
Mái tranh nghiêng cả một thời trở trăn
Chỉ là hoài niệm băn khoăn
Mắt xưa ghim vết dấu hằn chân chim…
       
                 Nha Trang, tháng 10. 2024
                         Lê Kim Thượng