BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

MÙA XUÂN EM ĐẾN THĂM ANH - Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc: Hùng Hit, ca sĩ Phương Oanh trình bày


  


MÙA XUÂN 
EM ĐẾN THĂM ANH
 
Mùa Xuân
Em đến thăm anh
Bầu trời trong xanh
Mùi hoa thanh thanh
Đôi mắt hiền lành
 
Mùa Xuân
Em đến thăm anh
Mây trắng trôi nhanh
Líu lo đôi chim
Nhẩy nhót trên cành
 
Mùa Xuân
Ta tìm đến nhau
Tình Xuân phơi phới
Hai má đỏ au
Hớn hở tươi cười
 
Mùa Xuân
Thảm cỏ xanh xanh
Nằm xuống đi anh
Bên em quên hết
Ngủ giấc mộng lành
 
Quách Như Nguyệt
 

       

NHÀ QUÊ – Thơ Lê Kim Thượng


  
             Nhà thơ Lê Kim Thượng

 NHÀ QUÊ 1, 2 

1.
Tôi về gặp lại… “Ngày xưa…”
Đồng quê cuối vụ, ruộng dưa đầu mùa
Nắng qua kẽ lá chen đua
Chao nghiêng cả tiếng chuông chùa ngân nga
Làng Quê sau lũy tre ngà
Quê nhà tôi vẫn rất là… “Nhà Quê…”
Vườn cây xanh lá sum suê
Chào mào, sáo sậu bay về thân thương
Chợ Quê nhóm họp bên đường
Người Quê rao tiếng bình thường… “Xứ Quê…”
Gió lùa: “Kẽo kẹt…” cành tre
Ve sầu ngân tiếng não nề buồn thiu
Dòng sông nước chảy liu riu
Hoa Mù u… đợi hắt hiu bướm vàng
Cây đa ngả bóng đình làng
Một đàn trẻ nhỏ xếp hàng… “Kéo co…”
Vụ mùa nhiều nỗi âu lo
Đồng xanh chưa chín, cánh cò về đâu?
Ruộng đồng Cha, Mẹ dãi dầu
Quần đen bạc phếch, phèn nâu đậm màu…
 

NGÔI NHÀ CỦA CHÚNG TA – Thơ Tịnh Bình


  
          Nhà thơ Tịnh Bình

   
NGÔI NHÀ CỦA CHÚNG TA
 
Ta giam linh thể mình trong căn nhà tối
Ngôi nhà được kết tinh bằng triệu tỷ tế bào tứ đại
Lưu cữu hằng hà sa số kiếp
Và yêu cái gọi là tự ngã đến kiệt cùng
 
Đôi khi vài cơn chớp lóe
Rọi vào âm u mờ mịt vạn năm
Những đất nước gió lửa chờ ngày băng hoại
Mục rã chưa hỡi tự ngã không thấy nổi mình?
 
Ngôi nhà của bạn
Ngôi nhà của tôi
Ngôi nhà của chúng ta
Bóng đêm kiêu mạn lấp đầy
Nhưng chỉ tồn tại sự trống rỗng vĩnh hằng
Không ai thấy...
 
                                                  Tịnh Bình
                                                  (Tây Ninh)

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2024

“BÓ TAY” TRƯỚC MỘT CÂU HỎI KHÓ VỀ CHỦ ĐỀ VĂN HỌC TRONG CHƯƠNG TRÌNH “AI LÀ TRIỆU PHÚ”

Đây là một câu hỏi rất khó ngay cả đối với người giỏi Văn.
 

Tham gia chương trình Ai Là Triệu Phú phát sóng tối 16/1 trên VTV3, anh Chu Duy Thái (Hà Nội), hiện đang là kiến trúc sư, đã có phần thi hết sức ấn tượng. 9 câu hỏi đầu tiên, anh Thái đã vượt qua một cách hết sức thuận lợi. Phải đến mốc quan trọng là câu hỏi số 10, anh Thái mới gặp phải thử thách thực sự.
 
Câu hỏi anh nhận được thuộc lĩnh vực văn học - một lĩnh vực không phải sở trường của anh. Cụ thể câu hỏi như sau: "Nhà thơ nào còn được mệnh danh là 'Thi bá Việt Nam', từng được đề cử giải Nobel Văn học năm 1972?".

BỘ ÂM LỊCH ĐANG DÙNG LÀ DO CÁC LINH MỤC CÔNG GIÁO SAN ĐỊNH - Mt Nguyen Chuong


Gặp gỡ giáo sĩ Matteo Ricci, từ đó đại quan Từ Quang Khải tìm hiểu và theo đạo Công giáo

Tết Nguyên đán một ngày lễ được người Việt tổ chức long trọng nhất trong năm đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới theo Âm lịch của Trung Quốc. Theo lịch âm dựa trên sự vận động của mặt trăng, mỗi tháng bắt đầu vào một ngày trăng mới. Sau ngày 21 tháng Giêng, ngày đầu tiên mà mặt trăng xuất hiện chính là ngày mùng 1 Tết nguyên đán.

LIÊN KHÚC TÌNH NGƯỜI LƯU VONG 3 - Nhạc Khê Kinh Kha, tiếng hát Thanh Thúy

   

              

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG: DƯƠNG GIỐC AI VÀ TẢ BÁ ĐÀO – Đỗ Chiêu Đức


Dương Dốc Ai và Tả Bá Đào
                                           
Như ta đã biết, cặp TRI KỶ nổi tiếng ở thời Xuân Thu là QUẢN TRỌNG 管仲 và BÀO THÚC NHA 鲍叔牙. Cả hai đã chơi với nhau và kết giao với nhau từ thuở nhỏ. Sau Bào Thúc Nha hiển đạt nhờ theo phò Tề Hoàn Hoàn. Tề Hoàn Công định phong cho Bào Thúc Nha làm Tể Tướng. Bào Thúc đã giới thiệu và nhường chức vụ đó cho Quản Trọng. Hai người cùng nhau phò Tề Hoàn Công trước sau như một. Quản Trọng đã có câu nói như sau: Ta từng ba lần ra trận, ba lần thua chạy trước, Bào Thúc chẳng cho là ta nhát gan, vì biết ta còn mẹ già; Ta từng ba lần xin ra làm quan đều bị từ chối, Bào Thúc không cho là ta bất tài, vì biết ta chưa gặp thời; Ta từng cùng Bào Thúc đi buôn và luôn chia phần lãi nhiều hơn, Bào Thúc chẳng cho là ta tham, vì biết ta nghèo. Sanh ra ta là cha mẹ, còn hiểu được ta là chỉ có Bào Thúc mà thôi!

                          Quản Trọng 管仲 và Bào Thúc Nha  鲍叔牙                           
     
Từ xưa đến nay hễ nhắc đến bạn bè TRI KỶ kết giao, là người ta nhớ ngay đến QUẢN BÀO CHI GIAO 鲍之交, là sự kết giao giữa Quản Trọng và Bào Thúc Nha. Hôm nay ta cũng nói đến hai người bạn tình cờ gặp gỡ, rồi cùng kết giao huynh đệ và cùng chết để bảo vệ cho nhau, lưu lại tiếng thơm muôn thuở. Đó là tình bạn kết giao sinh tử giữa TẢ BÁ ĐÀO 左伯桃 và DƯƠNG GIỐC AI 羊角哀 như sau:
 

TỤC LỆ ĐÁNG YÊU NGÀY TẾT – Thạch Lam



Những tục lệ cổ truyền từ bao đời của người Việt trong ngày tết, hầu như người Việt nào cũng biết tới, qua ngòi bút của Thạch Lam càng trở nên thi vị và đáng yêu vô cùng. Bài này được Thạch Lam viết vào một dịp Tết từ hơn 85 năm trước, đăng trên tạp chí Ngày Nay số Xuân 1939.


HÁI LỘC
 
Hai chữ “ăn tết” của ta nghĩa đã rõ rệt lắm: mấy ngày tết là ngày của cái miệng, những ngày đầy các món ăn ngon, các thứ mứt thơm, rượu ngọt và bánh chưng mới. Những ngày tết còn nhiều thi vị khác nữa; cái thú sum họp của gia dình, những đêm thức khuya nói chuyện, những tục lệ xinh xắn và rất có duyên. Có một tục lệ xinh đẹp ý nhị nhất mà năm nào chúng ta cũng phải nêu diễn lại: đi hái lộc. Bởi vì một cành lá tươi hay một búp mầm non, ấy là tất cả mùa xuân mới vui vẻ và may mắn mà chúng ta đem về. Trong cái với tay ấy, có cả một hy vọng vui đẹp, cả cái liên lạc mật thiết của người với cây cỏ xung quanh. Những năm gặp giờ xuất hành tốt về đêm, người ta đi hải lộc lúc khuya đề về còn xông nhà. Trong đêm tối dầy hương thơm ngát, các đình chùa là nơi hội họp: lòng hòa tín-ngưỡng với tình yêu, khói hương hòa lẫn với khói pháo. Thật là vui vẻ, ấm cúng và hiền từ. 


Ngày lễ Noël, người ta đi nhà thờ dự lễ, rồi trở về ăn tiệc. Sao chúng ta không đi hái lộc đêm ba mươi thật đông và thật vui, rồi trở về đem cành xuân điểm thêm vào bữa ăn thân mật của gia đình? Đó là một tục lệ xinh đẹp và ngây thơ, làm tươi thắm linh hồn và khiến cho chúng ta trẻ lại.


DÒNG SÔNG CŨ – Thơ Lê Văn Trung


   

 
DÒNG SÔNG CŨ
(Gửi một thời tắm nước sông Vu Gia)
 
Người về tắm lại dòng sông cũ
Con nước ngày xưa đã đổi màu
Thầm hỏi lòng mình hay trời đất
Mất còn gì sau cuộc binh đao
Người ngồi soi bóng mình trong nước
Chỉ thấy mây bay trắng cả chiều
Thầm hỏi mà lòng không giải được
Bao giờ trăm họ hết thương đau
Ngồi nhẩm thời gian tính tuổi đời
Năm mươi năm vật đổi sao dời
Sá gì duyên nợ nghìn năm cũ
Hà tất vì đâu mà ngậm ngùi
Người về tắm lại dòng sông cũ
Nước có còn xanh màu áo xưa
Hỏi lòng là hỏi niềm quên lãng
Hỏi để mà ươm nỗi đợi chờ.
 
                      Lê Văn Trung

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

TÙY BÚT TẾT - Trần Mạnh Hảo


Nhà văn Trần Mạnh Hảo
 
Chiều ba mươi tết hôm qua, khi đi mua hoa trên đường Trần Não, quận 2 Sài Gòn, nghe ba mẹ con một bà cán bộ sang trọng đi xe hơi đời mới to tiếng về việc mua sắm tết, cậu con út phán: “Rõ khổ, đang yên đang lành, tự nhiên sinh ra tết báo hại cả nhà !”
Tự nhiên sinh ra tết! Cậu – đứa trẻ con đã “thất thập cổ lai hi” – bỗng bồn chồn gan ruột thương nhớ những tết nghèo thiêng liêng xưa.
Giữa nắng gắt chiều ba mươi tháng chạp Sài Gòn, cậu nhớ rét toát mồ hôi. Hôm nay, chừng như tết không đến với nhà giàu, tết không đến với đám trẻ con chưa biết thế nào là đói, là rét, là tù đầy, bắt bớ, là nỗi sợ hãi bị kẻ khác rình rập cả đời như cậu ngày xưa ở cái làng Bình Hải Đoài Thiên Chúa giáo!

PHỐ KHUYA THÁNG CHẠP - Chùm thơ Đặng Xuân Xuyến


  
                Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến

 
PHỐ KHUYA
 
Gió lạnh cong mình cóng mái hiên
Mưa táp song thưa buốt dáng thiền
Dật dờ phố nhỏ hai thằng nghiện
Một gã xe thồ đạp như điên.
 
Định Công, 22:38 ngày 11-01-2024
(Mồng Một/Chạp năm Quý Mão)
 
 
THÁNG CHẠP 2021
 
Lấp ló đầu thôn tháng Chạp về
Thốc chiều, cóng lạnh cả triền đê
Thoảng xa xa vọng lời kinh kệ
Nấc tiếng ai cầu, nghẹn bến mê!
 
Hà Nội, chiều 06 tháng 01-2022
(Mồng Bốn/Chạp-Tân Sửu)
 
 
THÁNG CHẠP 2023
 
Ô hô tháng Chạp về đầu ngõ
Mấy gánh chèo thôn lại bộn trò
Tấp tểnh mừng xuân mừng trăm họ
Xáo xác xóm nghèo húng hắng ho.
 
Đường Láng, 16:05-11/012024
(Mồng Một/Chạp-Quý Mão)

CÂU ĐỐI TẾT GIÁP THÌN 2024 – Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức


Ông đồ Đỗ Chiêu Đức
     
CÂU ĐỐI TẾT là những mong ước hay lời chúc tết gồm có hai câu diễn hai ý song song nhau hay đối chọi nhau theo thể văn Biền Ngẫu 駢偶 bốn sáu hay năm bảy... hoặc theo thể thơ ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn... CÂU ĐỐI nhiều khi là những lời mong mõi và chúc Tết thật nên thơ, nên còn được xem như là một bài thơ ngắn chỉ có hai câu, như câu đối cho năm nay, năm con rồng GIÁP THÌN 2024:
             
到處鶯歌燕語,   Đáo xứ oanh ca yến ngữ,             
漫天鳳舞龍飛。   Mạn thiên phụng vũ long phi.
    
Có nghĩa:
               
Khắp nơi oanh ca én hót,               
Đầy trời phượng múa rồng bay.
   
Quả là cảnh đẹp của một mùa xuân thái bình thịnh vượng vui vẻ:
                     
Oanh ca én hót khắp nơi,              
Rồng bay phượng múa một trời xuân mơ.

Thư pháp của Ông đồ ĐCĐ

Hay như câu đối năm chữ sau đây:
                
辰時龍起舞,   Thìn thời long khởi vũ,               
春日燕翻飛。   Xuân nhật yến phiên phi.
    
Có nghĩa:
                  
Giờ Thìn rồng lộn múa,                  
Mùa xuân én lượn bay.
 

BÙI GIÁNG, “XIN CHÀO NHAU GIỮA CON ĐƯỜNG” – Phạm Hiền Mây



Đọc Bùi Giáng càng nhiều, tôi càng nhận ra, trong cõi đời ông, tức, cõi thơ ông, hoặc, chẳng gì quan trọng, hoặc, hết sức thiêng liêng, rất đáng để thờ phượng, rất đáng để dấu yêu.
Đọc Bùi Giáng càng nhiều, tôi càng nhận ra, thơ nói chung và thơ Bùi Giáng nói riêng, chỉ có thể cảm, chớ rất khó để luận bàn, phân tích. Thậm chí, hiểu thôi, cũng đã là việc bất khả.
Nói về Bùi Giáng, viết về Bùi Giáng, là quyền của người ta, chớ giờ đây, ông Bùi Giáng, ổng có gật đầu thừa nhận, hay lắc đầu phản kháng gì nữa đâu. Ổng đã về hẳn cõi của ổng rồi, một miền xa lăng lắc, chỉ khói và sương.
Mưa Nguồn là tập thơ đầu tiên của Bùi Giáng, xuất bản năm một ngàn chín trăm sáu mươi hai và có cả thảy một trăm bốn mươi bài. Những bài này, đã lần lượt được viết, bắt đầu từ những năm một ngàn chín trăm bốn mươi tám.
Trong một trăm bốn mươi bài ấy, tôi thích nhứt là hai bài: Mắt Buồn Chào Nguyên Xuân.
 
MẮT BUỒN
Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi
(Nguyễn Du)
 
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
 m trang sử lịch thu triền miên trôi
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
 
Câu “dặm khuya ngắt tạnh mù khơi” mà Bùi Giáng mượn từ truyện Kiều của Nguyễn Du để làm lời dẫn cho Mắt Buồn, được trích ở đoạn, Kiều từ biệt mẹ cha, cùng Mã Giám Sinh về Lâm Truy: dặm khuya ngắt tạnh mù khơi / thấy trăng mà thẹn những lời non sông. Đêm ấy, nàng ngước nhìn trăng và nhớ về cái đêm mà nàng cùng với Kim Trọng “vầng trăng vằng vặc giữa trời”, tự tình, thề nguyền hẹn ước, bằng những lời vàng đá, sắt son.
Đưa vào, thì chắc phải có ý nghĩa gì rồi, chớ chẳng thể là không.
Có thể đó là một ngậm ngùi nhắc nhở. Cũng có thể đó là một nhẹ nhàng trách than. Là tôi đoán thế thôi. Đọc thơ, rồi dùng trí liên tưởng của mình mà đoán này đoán nọ. Hên thì trúng. Nghĩ quá cạn cợt hoặc nghĩ quá xa xôi, thì trật. Mà trúng hay trật gì, thì cũng ích chi cho tác giả. Trúng hay trật gì thì giờ này, tác giả cũng có cãi được đâu. Ổng mất rồi, lấy đâu mà đối chứng.

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

BÀN VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM VÀ CÁC NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH NGHỀ KHÁC - Bà giáo Mai Thị Mùi



Không có một đất nước nào mà lại lắm ngày truyền thống như nước ta. Ban bệ, ngành nghề nào cũng có ngày riêng, quân đội, công an, luật sư, nhà giáo, nhà báo, nhà may, nhà thổ... Tất tật phải cố đặt ra một ngày nào đó để tự tôn và được tôn vinh.

Ngày nhà giáo VN có lẽ là ngày dễ nhớ nhất vì ai trong đời cũng là học sinh, không thì cũng là phụ huynh để PHẢI nhớ mà cúng cô hồn cho yên thân cả cha mẹ lẫn con cái.

Tôi hỏi quý vị đồng nghiệp, quý vị hãnh diện và hân hoan chào đón cái ngày này để làm gì?
Một năm 365 ngày, được “tôn vinh” một ngày rồi cả xã hội PHỈ NHỔ 364 ngày có đáng không quý vị?

TUỆ SỸ VIẾT VỀ BÙI GIÁNG

Thầy Tuệ Sỹ viết về ông Bùi Giáng trên Giai phẩm Văn - Số đặc biệt về nhà thơ Bùi Giáng, ngày 18.5.1973
 

THI CA VÀ TƯ TƯỞNG
 
Với cái tựa đó, tôi không cốt ý bàn riêng về một tập sách của ông Giáng, viết rải rác về các nhà thơ. Thi ca và Tư tưởng, cái đó muốn được đặt ra trong cách điệu Chung và Riêng, từ một cuộc Hội thoại trong cõi Hằng thể Tịch nhiên, vang dội những âm hưởng Nguyên sơ hiện hình ra giữa dòng Lịch sử, và vang dội với một câu hỏi ngân dài bất tận: “Và để làm gì, thi nhân trong thời buổi điêu linh thống khổ?” (M. Heidegger, Wozu Dichter; Sương Bình Nguyên của Bùi Giáng). Câu hỏi đột ngột đứng lên giữa lòng Tư tưởng, như để đánh dấu chỗ sơn cùng lộ tuyệt trong bước đường phiêu lưu khốc liệt của Lịch sử, và cũng như là nỗi Ưu tư (die Sorge) của Tại thể (Dasein) đang hoài vọng những phương trời Viễn mộng Ban sơ trên bước đường Lữ thứ của Thi ca:
 
Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
 
Nơi đó, nơi “Ngõ ban sơ” đó, còn là nơi của một cõi miền Hội thoại trong cách điệu tài hoa, mà Thiên nhiên đã phơi mở tất cả xiêm y lồng lộng của Tuế nguyệt phiêu bồng, đã giũ áo mù sa, đã trút quần phong nhụy, và kỳ cùng, tà huy lãng đãng bay cao cùng với Lời Thơ vọng về Hằng thể:
 
Được lời như cởi tấm lòng
Giở bom đạn với phi thuyền trao tay

GIÁP TẾT – Thơ Tịnh Bình


  
                  Nhà thơ Tịnh Bình

 
GIÁP TẾT
 
Chợt nghe hương nắng bâng khuâng
Giao mùa khúc gió tần ngần buổi mai
Nửa đông se sắt bờ vai
Nửa xuân e ấp hoa cài tóc mây
 
Cuối năm lòng Chạp như say
Dập dờn khói biếc thơ ngây nụ chồi
Vài ba cánh én xa xôi
Chưa xuân lòng đã bồi hồi tháng Giêng
 
Đường hoa trăm sắc khoe duyên
Chợ quê giáp Tết huyên thuyên chào mời
Lão mai thả lá về trời
Nõn nà nụ búp hong phơi nắng vàng
 
Giấc sương ban sớm mơ màng
Lời chim thỏ thẻ rộn ràng hiên xuân...
 
                                         Tịnh Bình
                                         (Tây Ninh)

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

NGƯỜI MIỀN NAM CHƯNG TRÁI CÂY NGÀY TẾT - Nguyễn Gia Việt




Người Miền Nam mà nói “chưng mâm ngũ quả” nghe kỳ cục
Một bạn hỏi rằng, “ngũ quả” là cách của Miền Bắc trăm phần trăm, vì chữ “quả”. Bạn nói nếu trúng Nam Kỳ phải kêu là “chưng trái cây”
 
1. Người Miền Nam không có “quả”, kêu “trái” hết

Ca dao Nam Kỳ thì có câu:
 
“Đưa em cho tới Đông Hồ
Em trả trái mít, em bù trái thơm”
 
Nam Kỳ kêu “trái”, Bắc Kỳ kêu “quả”. Người Miền Bắc kêu bưởi, đào, táo, cam, quýt... đều là “quả” hết. Chữ QUẢ là chữ Hán Việt, quả là trái cây
 
“Đôi ta ăn một quả cau
Cùng mặc áo vá nhuộm nâu một hàng
Bao giờ cho gạo bén sàng
Cho trăng bén gió, cho nàng bén anh”

Nhưng người Miền Nam lại không kêu quả, mà kêu là “trái”. Chữ “trái” là chữ bổn địa Miền Nam
 
“Nghe vẻ nghe ve, nghe vè trái cây
Dây ở trên mây là trái đậu rồng,
Có vợ có chồng là trái đu đủ,
Chặt ra nhiều mủ là trái mít ướt
Hình tựa gà xước, vốn thiệt trái thơm
Cái đầu chơm bơm, thiệt là bắp nấu
Hình thù xâu xấu, trái cà dái dê
Ngứa mà gãi mê là trái mắt mèo
Khoanh tay lo nghèo là trái bần ổi
Sông sâu chẳng lội là trái mãng cầu”
 
Người Bắc đọc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thì Nam Kỳ dạy“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.
Sơn Nam trong “Cá tính của Miền Nam” viết về “Đào mương lên liếp” của Miệt Vườn. Miệt Vườn là văn minh Miền Nam, là nơi trồng nhiều trái cây
Cây ổi thì cho ra trái ổi và trái bưởi,... Trái cam, trái nho, trái lựu, trái bòn bon, trái dâu, trái măng cụt, trái cà chua, trái dưa leo, trái nhãn... đều là trái hết.

Hãy đọc những câu ca dao của người Nam Kỳ

“Đói lòng ăn trái ổi non
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa”
 
Và:

“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng nhồi biết tấp vào đâu?”
 
Nam Kỳ là xứ sở của vườn trái cây, của những vựa trái cây, chành trái cây...
Bài vè “Bậu lỡ thời” so sánh con gái quá lứa như trái cây chín rục:
 
“Bậu lỡ thời như trái chín cây
Trái chín cây người ta làm mứt
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
Giấy trôi sông không ai thèm ngó”
 
Miền Nam có quả, nhưng là “quả phụ” tức đàn bà góa chồng còn kêu là “cô phụ”, “sương phụ”. Ngoài ra còn có “nhơn quả”, “công quả” trong nhà Phật
Trong thể thao môn túc cầu hay còn kêu là môn “đá banh”, các cầu thủ giành nhau “trái banh”

SUỐT NGÀN NĂM ĐỘC LẬP, NGƯỜI VIỆT KHÔNG BAO GIỜ CHỌN TÊN NƯỚC LÀ "AN NAM"! - Matthew Nchuong



Hình ảnh:
Đại Nam Nhất Thống Chí (mộc bản triều Nguyễn)
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Đại Nam Quốc Âm Tự Vị
 
"An Nam" (安南) là cách gọi của Tàu, áp xuống nước Việt / Vạch trần cách thức dẫn dắt dư luận trong xảo thuật chữ nghĩa của "Wikipedia" / "Giải ảo" về việc sách vở Âu Tây dùng cách gọi "Annam".
Đời nay, một số kẻ gọi "An Nam là danh xưng đáng trân trọng" (!), Không lẽ họ mù tịt về lịch sử, họ được học hành kiểu gì mà tệ hại đến vậy? Hay là họ không mù tịt mà có dụng ý khi "đội lên đầu" hai chữ An Nam!
 

NGUYỄN THỤC QUYÊN, NHÀ KHOA HỌC NỮ GỐC VIỆT “LÀM MƯA, LÀM GIÓ” TRÊN THẾ GIỚI - Hồng Anh



Giáo sư Nguyễn Thục Quyên người Mỹ gốc Việt đã vượt qua tất cả và trở thành một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới.
Tuổi thơ theo mẹ đi khắp nơi để kiếm sống, sang Mỹ thì bị bạn bè chê cười vì không biết tiếng Anh, nhưng Nguyễn Thục Quyên đã vượt qua tất cả và trở thành một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới.