BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

KHÔNG AI - Thơ Chu Vương Miện


       


KHÔNG AI

Không ai
Thèm đọc
Thơ cũ mèm cổ lỗ sĩ
Gồm loại tóc điển, đầu điển, cổ điển, điền điển
Tống hết vào thư viện Hán Nôm
Để ngâm tôm “ma đọc”
Thơ mới “mới toanh” “thời tiền chiến tranh”
Các cụ Xuân Diệu và Huy Cận, Chế Lan Viên và Tế Hanh
Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử
Dành hết trọi từ và ngữ rồi
Trước đó thời cụ Nguyễn Du
Gom góp hết để làm thơ 6-8
Lớp theo sau chỉ còn hít bã mía
Có làm cũng dở ẹc
Thơ bi giờ “hại điện” “hiện đại”
Đương đại tiểu hậu hiện đại và tân hình thức
Chỉ là cái vỏ rỗng tuyếch
Nặng về bên ngoài
Bên trong trống rỗng
như thùng thiếc thùng gỗ
Gõ chả kêu
Thơ bây giờ
Hết thời
Bọn làm thơ nịnh kiểu Tố Hữu
Cũng không còn ăn khách
Vì khách đã về ba tàu
Bỏ quên mì vịt tìm và xì thẩu xì dầu

                              Chu Vương Miện

NGÀY VỀ TINH KHÔI – Thơ Tịnh Bình


   
                             Nhà thơ Tịnh Bình

  
NGÀY VỀ TINH KHÔI
 
Chắt chiu giọt mưa cầu tự
Hồi sinh vết nứt cánh đồng
Khói biếc nghiêng chiều gió lộng
Đàn trời nhạc sáo diều trôi
 
Mỏi cánh thiên di trời lạ
Về đâu cuối lối hoàng hôn
Khỏa nước đò chiều cô bóng
Về đâu trăm vạn nẻo đường
 
Phải lòng vô ưu sợi khói
Lụa trời trắng nẻo đồng quê
Tạm quên ngậm ngùi dâu bể
Tinh khôi dẫn lối ta về
 
Đêm cong vành trăng hờn dỗi
Lược tre chải tóc sau hè
Bình yên khoảng trời quê mẹ
Ta về thở gió quê ta
 
Manh áo phong sương bụi vướng
Ta về giặt nước sông quê
Đàn khuya nỉ non tiếng dế
Trắng đêm ôm nhớ vào lòng...
 
                         TỊNH BÌNH
                           (Tây Ninh)  
 

BÀI THƠ ĐẸP LÀ BÀI THƠ LÃNG MẠN, ANH YÊU EM THIẾT THA – Thơ Quách Như Nguyệt


   
                                Nhà thơ Quách Như Nguyệt


BÀI THƠ ĐẸP LÀ BÀI THƠ LÃNG MẠN  
 
Bài thơ đẹp là bài thơ lãng mạn
Thi sĩ ơi, em lãng mạn có thừa!
Anh gửi thơ cho em đọc sáng trưa
Thơ của anh giúp em thêm lãng mạn
Lãng mạn quá nên bỏ xa thực tế
Thực tế phủ phàng, thực tế đau thương!
Mãi làm thơ bỏ bê chuyện bình thường
Cứ tối ngày ngồi trên mây bay bổng
 
Hồn bay bổng nên làm thơ bay bổng
Thơ bay bay, bay khắp bốn phương trời
Một ngày nào mỏi mệt hết vẽ vời!
Ngày đó chắc em sẽ buồn chới với!
 
Cảm ơn anh làm thơ cho em đọc
Không có thơ chắc là em sẽ khóc
Khóc thật nhiều sưng cả mắt anh ơi
Cảm ơn đời… dù lắm lúc tả tơi!
 

NHỚ TÔI KHÔNG NGƯỜI ? – Thơ Thùy Châu


   


NHỚ TÔI KHÔNG NGƯỜI?                                   
(Viết thay một người)
 
Tôi đi giữa phố thưa ngươi
Bâng khuâng sầu nhớ nụ cười của anh
Con đường cũ vẫn cây xanh
Riêng tôi đành đã... đã đành mất ai
 
Bây giờ CÔ BÉ MẮT NAI
Còn ai để gợi “gót hài kiêu sa”
Tôi đi giữ bóng chiều tà
Buồn dâng vời vợi nhật nhòa mưa bay
 
Người đi tận cuối chân mây
Đường xưa in dấu cỏ may nhớ người
Người xa mất dấu nụ cười
Hanh hao vàng lạnh chín mười năm đi
 
Từ ngày cất bước vu qui
Lòng sao nghèn nghẹn mỗi khi nhớ người
Người ơi người ở phương trời
Tiếc chi không có một lời cho nhau !
 
Biết đâu... rồi có mai sau
Ta còn... dù đã nhạt màu tháng năm
Người đi theo bước phong trần
Người về... chắc hẳn biệt tăm ngóng chờ
 
Gọi người trong những giấc mơ
Tình cơn... phòng lạnh hững hờ gối chăn
Bây giờ người đã xa xăm
Nhớ người chỉ biết gọi thầm riêng tôi
 
Phương trời người mãi xa xôi
Người ơi NGƯỜI CÓ NHỚ TÔI KHÔNG NGƯỜI?
                   
                                                                 Thùy Châu

TỰ THÚ: CÂU TRỘM ĐIỆN - Thanh Mai


Một trường hợp ăn cắp điện bằng cách câu trực tiếp, không qua điện kế - Ảnh CTV

Ở Việt Nam sau 1975 điện tiêu dùng rất hạn chế. Nếu theo tiêu chuẩn cho phép thì làm sao mà đủ dùng nên rất nhiều gia đình phải câu trộm điện. Nói thiệt chứ khí hậu Việt Nam nóng quá mà trong nhà không dùng quạt điện hoặc tủ lạnh thì chịu sao nổi nên vợ chồng tôi cũng có ý tìm hiểu câu điện thêm mà dùng tránh bị chảy hết chút mỡ quí có được trong hai tấm thân ròm. Bần cùng sinh đạo tặc mà!
 

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

“PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN”, THƠ CỦA LƯ LUÂN – Đỗ Chiêu Đức


                 
             
“TÚY NGỌA SA TRƯỜNG” chỉ là cách nói hào hùng cho người chiến sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến, còn người CỰU CHIẾN BINH Hà Hoàng sống lây lất đến tàn cuộc chiến để rồi mỗi chiều lại một mình thổi khúc sáo buồn ngoài biên tái. Nhưng dù sao thì vẫn hơn những THƯƠNG BỆNH BINH sống oằn oại đau khổ với đói nghèo bệnh tật và với cái vết thương không bao giờ lành được do cuộc chiến gây nên vẫn hành hạ mỗi lúc giá buốt khi gió thu se sắt thổi về !... như bài PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN sau đây...

                               
   
逢病軍人                  PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN
 
行多有病住無糧,   Hành đa hữu bệnh trú vô lương,
萬里還鄉未到鄉。   Vạn lí hoàn hương vị đáo hương.
蓬鬢哀吟古城下,   Bồng mấn ai ngâm cổ thành hạ,
不堪秋氣入金瘡。   Bất kham thu khí nhập kim thương!           
          盧綸                                                Lư Luân.



LƯ LUÂN (khoảng 737-799 ). Tự DUẪN NGÔN, người đất Hà Trung thuộc Huện Vĩnh Tế tỉnh Sơn Tây hiện nay. Ông là một trong mười tài tử thuộc những năm Đại Lịch (Đại Lịch Thập Tài Tử ), đậu Tiến Sĩ cuối năm Thiên Bảo, hoạn lộ thăng trầm bất định. Đến đời Đức Tôn được triệu về làm Chiêu Ứng Lệnh, chuyển nhậm làm Phán Quan cho Hà Trung Nguyên Soái Phủ, sau thăng đến Kiểm Hiệu Hộ Bộ Lang Trung. Còn lưu lại một tập thơ "Hộ Bộ Thi Tập".                             
CHÚ THÍCH:

  1. BỆNH QUÂN NHÂN: Ở đây chỉ chung cho tất cả Thương Bệnh Binh, Thương Phế Binh.
  2. BỒNG MẤN: là Đầu bù Tóc rối.
  3. AI NGÂM: Ai là BI AI, là buồn bã, Ngâm là THÂN NGÂM 呻吟 là Rên rỉ (chớ không phải ngâm thơ đâu!), nên AI NGÂM là Rên rỉ một cách buồn thảm. (Chớ không phải ngâm thơ một cách buồn bã!).
  4. CỔ THÀNH: Ở đây chỉ những thành xưa được nối lại thành Vạn Lí Trường Thành đó.
  5. BẤT KHAM: là Chịu không nổi, Không kham nổi.
  6. KIM THƯƠNG: là Vết thương do kim khí gây nên. Thuốc Kim Thương là Thuốc để rịt những vết thương bị đứt đó.
 
DỊCH NGHĨA:
                        
GẶP THƯƠNG PHẾ BINH
      
Đi nhiều thành bệnh vì phải vượt đường xa, nhưng nếu dừng lại thì e sẽ không có đủ lương thực để ăn. Quê nhà xa tít ngoài vạn dặm đi hoài mà không thấy tới. Đầu bù tóc rối, đau đớn rên rỉ dọc theo bức cổ thành, vì không kham nỗi với khí thu se sắt làm nhức nhối những vết thương do đao kiếm gây nên.     
Quả là cảnh tình thê thảm của người Thương Bệnh Binh sau cuộc chiến ! Chanh đã hết nước rồi, còn ai ngó ngàng chiếu cố nữa đây?!!!
 
DIỄN NÔM:
                  
GẶP THƯƠNG BỆNH BINH
                  
Đi nhiều càng bệnh, ở, không lương,         
Muôn dặm về quê, muôn dặm đường!          
Rên rỉ dười thành đầu tóc rối,          
Hơi thu vật vả vết kim thương!
 
 
Lục bát:
          
Đường xa bệnh tật không lương,          
Về quê muôn dặm đường trường trông quê.          
Dưới thành rên rỉ ủ ê,          
Vết thương nhức buốt não nề hơi thu!
                                                                                           
                                                                                        杜紹德   
                                                                                   Đỗ Chiêu Đức

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

BÚN CHẢ HÀ NỘI – Song Thao



Ông Obama đã đánh cắp cái tên “bún chả Hà Nội”. Từ ngày ông ngồi trên chiếc ghế nhựa xanh thấp lè tè, không có lưng dựa, trong một quán ăn bình dân ở Hà Nội để trình diễn màn ăn bún chả Hà nội cùng ông đầu bếp lừng danh Anthony Bourdain thì thiên hạ gọi món ăn có hàng trăm năm tuổi của đất kinh kỳ là “bún chả Obama”. Bún chả đã mất tên. Tôi thường hay hóa giải nỗi nhớ Sài Gòn bằng cách vào coi trong YouTube những video quay cảnh đường xá của thành phố cũng đã mất tên và đã thấy một tiệm ăn to đùng mang bảng hiệu cũng to đùng nằm kín phía trước tiệm cái tên: “Bún Chả Obama”. Nhìn vào tên, thực khách nào cũng hiểu đó là tiệm bán bún chả Hà Nội. Cái tên mới phổ thông tới nỗi tôi cũng đã nhiều lần dùng với bạn bè rủ đi ăn cái món tôi yêu thích.
 

TÔI VÀ MÙI HƯƠNG ĐIÊN LOẠN – Thơ Khaly Chàm


                     


tôi & mùi hương điên loạn
 
ánh sáng đang cứu rỗi mùi hương của máu
tôi tự úp mặt vào bóng mình
lắng nghe nỗi đau của con thú hai chân
mơ hồ về cái chết cho niềm tin và tự do
 
cơn điên không sắc màu
đang trầm mình bơi trong vũng máu
tôi đã thấy những bóng ma
cố gắng lặng im gục đầu vào một xác thối
mặc nhiên sự tồn tại của những chiếc răng nanh
 
mùa xuân khoác chiếc áo màu máu lộng lẫy lên màu vàng mùa hạ
đột nhiên trong não bộ tôi những vì sao lần lượt nổ vỡ
mỗi đoạn khúc trang sử được viết bằng máu
dân tộc chúng ta hàng số mềm nhũn quặt quẹo
tức tưởi nhưng vẫn phải chấp nhận hào quang của những mùa thương tích
 
tôi và em cùng mọi người đừng nôn mửa
hãy ăn ngấu nghiến bầy cá thơm mùi lễ phục màu tang
chúng nó được nuôi dưỡng từ những ngọn triều màu đỏ
loài dã thú luôn sợ hãi ngôn ngữ phán quyết
tội ác không gì được bưng bít
có thể những kẻ sát nhân đang trôi chậm về miền bóng tối
tôi điên loạn cõng linh hồn mình chạy về phía trắng toát mùi hương
 
                                                                                     ttcuchi 6/2021
                                                                                       khaly chàm

TẠP NIỆM, GIỌT SƯƠNG – Thơ Tịnh Bình


   
                     Nhà thơ Tịnh Bình


TẠP NIỆM
 
Hoàng hôn rụng xuống bầu không
Mỏi không cánh nhạn long đong đường trời
 
Trà chiều đôi ngụm đầy vơi
Vài ba tạp niệm ghé chơi thình lình
 
Khách đi khách đến vô hình
Còn ta cười với bóng mình trong gương
 
Mây lồng bóng mộng ngàn phương
Nhọc nhằn chi gió hỏi đường sen thu
 
Lá về đậu cội vô ưu
Chim bay mất dấu sông lưu bóng chiều...
 

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

VẦNG TRĂNG VÀ TIẾNG ĐÀN CỦA CUNG TIẾN – Nguyễn Thị Hải Hà



Có mấy ai trong chúng ta không bị ảnh hưởng bởi cái đẹp của vầng trăng, trong đêm trăng sáng lại nghe văng vẳng tiếng đàn, hòa điệu với tiếng vỗ về của sóng nước, ngập tràn hơi lạnh của sương thu?
 
Vẻ đẹp này được thể hiện trong hai bài hát Hương XưaNguyệt Cầm của cố nhạc sĩ Cung Tiến. Hương Xưa mang cả vầng trăng và tiếng đàn vào bài hát. Nguyệt Cầm là bài hát nói về một bài thơ nói về tiếng đàn và tâm sự của người khảy đàn lẫn người nghe đàn. Nghe câu hát “Kìa thuyền trăng, trăng nhớ Tầm Dương, nhớ nhạc vàng, đêm ấy thuyền neo bến ấy” làm sao không nhớ đến Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị?
 

VÒNG NGUYỆT QUẾ CHO PHỐ NÚI CAO - Trương Đình Tuấn

Tưởng niệm 40 năm ngày từ trần của thi sĩ Vũ Hữu Định (3/4/21981 -3/4/2021)

Nhà thơ Vũ Hữu Định: “May mà có em đời còn dễ thương”
 


Thi sĩ Vũ Hữu Định làm bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” vào năm 1970 khi bị đày lên Pleiku để làm Lao công đào binh. Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Phạm Duy – “ông vua” phổ nhạc của Việt Nam đã lấy nguyên bài thơ làm ca từ không bỏ hoặc thêm bớt một từ nào cả. Bản nhạc nhanh chóng được công chúng đón nhận:
 
phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
 
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
 
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
 
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.
 

TIẾC NUỐI – Thơ Bùi Thị Minh Loan


   
                Nhà thơ Bùi Thị Minh Loan


TIẾC NUỐI
 
Em đánh rơi nỗi nhớ
Nơi thềm cửa mùa xuân
Nỗi nhớ phảng phất hương
Anh vấn vương giữ lại
 
Kể từ ngày tháng ấy
Nỗi nhớ như mầm xanh
Mỗi ngày một lớn nhanh
Che bóng anh bên đời
 
Như thời gian vẫn trôi
Như dòng sông vẫn chảy
Nỗi nhớ không ngừng lớn
Tim anh rệu rã rồi
 
Chông chênh và chơi vơi
Anh tìm về chốn cũ
Nhưng thềm xưa rêu phủ
Và em cũng đi xa
 
Đường về mưa gió thốc
Lạc cánh chim bên trời
Đêm buông trong tiếng rít
Giá ngày xưa... giá như
 
          Bùi Thị Minh Loan
 

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

VŨ HOÀNG CHƯƠNG, CUNG TIẾN VÀ HOÀNG HẠC LÂU – Quỳnh Giao

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhạc sĩ Cung Tiến & ca sĩ Quỳnh Giao, tác giả bài viết, đều đã khuất bóng. Như một tưởng niệm ba nghệ sĩ nổi tiếng này, xin mời bạn cùng thưởng thức bài viết sau đây của Quỳnh Giao.

 

Sinh tiền, Vũ Hoàng Chương là thầy dạy Việt văn của Cung Tiến. Ông sinh năm 1916, trước người nhạc sĩ tên tuổi này 22 năm. Nhưng với thói quen khoáng đạt của một nhà thơ, ông không hề câu nệ, vẫn coi Cung Tiến như người bạn vong niên hơn là một đứa học trò.
  
Có lần ông nói đùa. Rằng Cung Tiến phổ thơ biết bao người mà chưa từng phổ thơ Vũ Hoàng Chương! Cung Tiến không quên điều ấy nhưng biến cố 1975 đã ụp trên cả nước và người nhạc sĩ thì lưu vong ra ngoài, còn nhà thơ kẹt lại ở bên trong với những Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Xuân Ninh, Phan Lạc Phúc, v.v….
  

ĐỒNG TIỀN, ĐỔI THAY, TIỄN ĐƯA? – Thơ Chu Vương Miện


   


ĐỒNG TIỀN
 
liền khúc rụột
nghèo không tiền
tai thường điếc
mắt thường lác
cuộc đời đã vị lừa
từ đầu tới đit
còn coi xiệc
 
ngày nào cũng nóng
từ 110 - 120 độ f
lò bánh mì lò piza
đóng cửa
nóng quá
những người già
những người hưu
ngồi không cũng mệt
cây rụng trái
lá hoe vàng
chim không bay cá không bơi
gió không thổi
chỉ có làm thơ
làm không nổi
 

ANH ĐỖ TƯ NGHĨA, MỘT NGƯỜI NHƯ MỌI NGƯỜI – Nguyễn Nam Giao

Gần đến ngày tiểu tường của em trai Đỗ Tư Nghĩa, thầy Đỗ Tư Nhơn gửi đến trang web blog Bâng Khuâng bài viết của anh Nguyễn Nam Giao. Mời quý bạn cùng đọc.
 

Nhà giáo, nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa


Nhìn bề ngoài, anh Đỗ Tư Nghĩa không khác chi người bình thường, một người như mọi người. Với chiều cao trung bình, dáng người gầy ốm, mái tóc ngắn, ăn mặc bình dị, rất ít nói và tính tình hiền lành; có khi anh chìm khuất trong đám đông…
Nhưng nếu quen biết và gần gũi anh lâu, mới biết Đỗ Tư Nghĩa là một con người lạ lùng, nếu không nói là một người có nhân cách đặc biệt.
Trước hết về lẽ sống. Đỗ Tư Nghĩa chọn cho mình cuộc đời để sống chứ không để cho cuộc đời dẫn dắt mình đi để sống như tầm gửi trong cõi tạm.
 

AI LÀ NGƯỜI DỊCH TUYỂN TẬP “MAO TRẠCH ĐÔNG, CUỘC ĐỜI CHÍNH TRỊ VÀ TÌNH DỤC”? – Trần Trung Đạo

Nguồn:
https://www.trantrungdao.com/?p=5735

Tác giả bài viết Trần Trung Đạo

Kính mời quý anh chị đọc bài viết ngắn để biết ai là người dịch của tuyển tập “MAO TRẠCH ĐÔNG, CUỘC ĐỜI CHÍNH TRỊ VÀ TÌNH DỤC”. Xin lỗi làm phiền quý anh chị.
                                                                               Trần Trung Đạo

Bác sĩ Lý Chí Thỏa (Li Zhisui) là bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông. Sau khi Mao qua đời, bác sĩ được sang định cư ở Mỹ và tại đây ông xuất bản hồi ký The Private Life of Chairman Mao vào năm 1994. Tác phẩm này cũng được xuất bản bằng Hoa Ngữ tại Hong Kong.
 
Vì hồi ký rất hay và ngày đó chưa có nhiều sách viết về bộ mặt thật của các lãnh tụ CS nên tôi muốn dịch hết tác phẩm này sang tiếng Việt. Tôi mua bản Anh ngữ tại Mỹ và đặt mua bản Hoa ngữ từ một nhà sách ở Hong Kong.
 

TÀI CHI VÀ JUDO, KARATA, TAE KWON DO, AIKIDO… - Chu Tất Tiến.

(Viết lại theo yêu cầu)

Tác giả bài viết Chu Tất Tiến. 


Thời còn thanh niên, những năm trước 1963, tôi ham mê võ nghệ lạ kỳ vì bị ảnh hưởng phim ảnh. Hồi đó phim Nhật còn tung hoành tại miền Nam với những phim do Toshiro Mifune đóng như Rashomon, Bẩy chàng Samurai, Nửa đêm phục hận… làm tôi mê mẩn, cứ mong làm người hùng như người diễn viên tài ba, lừng khừng này. Rồi tới Yoshiho Yoshida, chàng thanh niên đẹp trai, tay kiếm tung hoành như chỗ không người mà miệng gào lên, gọi: “Mẹ ơi! Con đã về đây!” cũng làm tôi say mê như yêu người tình vậy. Sau đó lại có phim Nữ Độc Thủ Đại Hiệp mặc áo đỏ, đánh kiếm có một tay nhanh như chớp. Đến phim Vô thủ Đại Hiệp, một nữ võ sĩ cụt cả hai tay, lấy răng cắn kiếm mới là thần sầu. Nhưng, bất ngờ phim Nhật từ từ lui vào bóng tối, vì bị phim Hồng Kông sang thống lĩnh thị trường với Trịnh Phối Phối phóng một chùm đũa xuyên qua cả chục chiếc, xuyên qua các đồng tiền, cắm phập vào tường! Trong khi đó thì Địch Long, Khương Đại Vệ, ốm nhom ốm nhách, phi thân như gió, đánh vô địch thủ. Từ đó, vì mê phim đánh kiếm, đánh chưởng, tôi lao đi học võ. Sáng 2, 4, 6 đi học Judo với người Thầy đầu tiên là Võ Sư Nguyễn Bình. Sáng 3, 5, 7 học Aikido với Thầy Nakazono, chiều 2,4,6 học Karate, chiều 3,5,7 học Kendo (kiếm đạo) cũng dưới sự huấn luyện tận tâm của Thầy Nguyễn Bình. Tôi học mê man, bất chấp bị gẫy xương, lọi tay, lọi chân, trật ngón, cắm đầu gẫy cổ. Hầu như không còn khớp xương chuyển động nào của tôi mà không gẫy! Mỗi lần gẫy xương, bị bó bột, là bị mẹ mang võ phục của tôi vào bếp, đốt rồi đánh tôi không thương tiếc. Nhưng vì đã lỡ mê võ rồi, tôi đạp xe lên chỗ chị Hai tôi, xin tiền mua bộ võ phục khác. Cũng vì mê võ như thế mà tôi thi rớt Tú Tài, lại bị mẹ đánh, mắng, chán đời quá, tôi leo lên nóc nhà hai tầng, ngồi khóc lóc tơi bời rồi định nhẩy xuống tự tử, nhưng vì nhớ môt câu châm ngôn của Thầy Nguyễn Bình, “thắng không kiêu, bại không nản”, tôi lại tàn tàn leo xuống, nghiến răng học chữ và đỗ khá cao. 
 

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2022

ĐỘNG VẬT TO LỚN – Phạm Đình Lân


Mammoth by James Havens
         
Chúng tôi có dịp nói qua về động vật khác nhau trên Trái Ɖất, đặc biệt về Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phụng (Phượng). Khi còn nhỏ chúng tôi nghe người lớn nói Tứ Ɖại Ɖộng Vật với:
 
- Nhất Ɖiểu (Chim)
- Nhị Xà (Rắn)
- Tam Ngư (Cá)
- Tứ Tượng (Voi)

tức những động vật có lông có thể bay trên không trung, động vật sống dưới nước, nửa đất nửa nước và động vật sống trên mặt đất.
 
Chúng ta thử lần lượt tìm hiểu Tứ Ɖại Ɖộng Vật qua nhận xét của tiền nhân.

VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI TRỊNH CÔNG SƠN (Kỳ 3) - Nguyễn Thanh Ty


Tác giả bài viết Nguyễn Thanh Ty
 
Sáng thứ Hai, trình diện tại Ty để chờ bổ nhiệm, chúng tôi gặp hầu hết các bạn khác từ các nơi cũng đã đến từ thứ Bảy, Chủ Nhật.
 
Sư phạm Qui Nhơn đủ mặt: Lê Thị Ngọc Trinh, Đỗ Thị Nghiên, Trương Khắc Nhượng.
Sư phạm Sài Gòn: Nam có Nguyễn Hảo Tâm, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Nghị. Nữ có: các cô Nguyệt, Châu, Hải, Trang...
Sư phạm Long An chỉ có một ngoe là Ngô Thanh Bạch.
 
Ty Trưởng đương nhiệm là Ông Trương Cảnh Ngôn, sắp về hưu. Đỗ Thị Nghiên, Trương Khắc Nhượng, Nguyễn Hảo Tâm và tôi cùng được bổ nhiệm về trường Tân Bùi, xứ Tân Bùi, cách trung tâm Bảo Lộc chừng năm cây số. Lê Thị Ngọc Trinh bổ về trường Nữ Bảo Lộc ngay trung tâm phố. Nguyễn Văn Ba phụ chân kế toán tại Ty. Riêng Trịnh Công Sơn được "biệt nhãn" hơn bổ về một trường Sơ Cấp Thượng, ở sát nách Ty, chừng non cây số. Với chức vụ là Trưởng Giáo. (Xin chú ở đây, theo qui chế Bộ Giáo Dục bấy giờ: một trường chỉ có lớp bốn trở xuống gọi là trường Sơ cấp. Đứng đầu là Trưởng Giáo, phải dạy lớp và không có phụ cấp chức vụ 200$. Trường từ năm lớp trở lên mới được gọi là trường Tiểu học. Đứng đầu là Hiệu Trưởng có phụ cấp chức vụ, vẫn phải đứng lớp. Truờng có từ mười lớp trở lên, Hiệu Trưởng mới được miễn dạy.
 
Ngạch chúng tôi là Giáo Học Bổ Túc, chỉ số lương tập sự là 320, ngân sách do Bộ Quốc Gia Giáo Dục đài thọ, như đã nói ở trên. Sau khi phân bổ xong, Ty cho chúng tôi được nghỉ một tuần để thu xếp nơi ăn chốn ở. Thứ hai tuần tới sẽ trình diện nhiệm sở mới. Khi về đến nhà, chúng tôi bò lăn ra cười với cái chức Trưởng giáo của Sơn. Lần đầu nghe tới chức Trưởng Giáo, ai cũng liên tưởng tới chức Trưởng Lão Hộ Pháp trong Ma Giáo, truyện chưởng Kim Dung.