Tiếng nói của bất cứ một dân tộc nào cũng vậy, đều biến
thiên theo thời gian, không gian, và nhất là trong giao tiếp giữa các dân tộc.
Biến thiên, nhưng là biến thiên để hoàn thiện.
Tiếng Việt cổ cũng vậy. Xưa, có rất nhiều tiếng còn
khá thô mà người thời nay nghe vô cùng lạ tai. Không nói tới tiếng gốc của cả đại
chủng trong đó có các nhóm Bách Việt, ngay cả tiếng Việt vào thế kỷ 17, khi các
vị linh mục Dòng Tên Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… qua Việt Nam và với mong muốn tạo
nên một loại chữ phục vụ cho việc truyền giáo (và cũng nhờ đó mà ngày nay ta có
được chữ Quốc Ngữ), đã vô cùng vất vả khi nghiên cứu dùng chữ cái Latin để ký
âm cho tiếng Việt.
Do các vị đều là những nhà trí thức, nhà ngôn ngữ học…
nên khỏi phải nói tới công cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng cho việc ký âm. Như câu sau
đây trong Kinh Lạy Cha, bản gốc in năm 1632, đã cho thấy công trình này vất vả
như thế nào:
“Cia
ciúm toi oẽ tlen bloèi ciúm toi nguyẽn daim Cia cã sám”.
Và theo chính tả được Alexandre de Rhodes chuẩn hóa
trong Tự điển Việt Bồ La in năm 1651, câu kinh này đã được viết lại như sau:
“Cha
chúng tôi ở tlên blời, chúng tôi nguiẹn danh Cha cả sáng”
(Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng).
Phải lan man như vậy để thấy rằng tiếng Việt ngày xưa
hãy còn thô thiển như thế nào. Nhưng cho tới ngày nay, bốn thế kỷ sau, tiếng Việt
cũng như chữ Việt đã trở nên hoàn thiện tới mức không còn thể nào hoàn thiện
hơn được nữa.
Trở lại với sự biến thiên của tiếng nói. Biến thiên
theo không gian, thời gian là điều đương nhiên. Nhưng biến thiên do giao tiếp
qua lại giữa các dân tộc với nhau mới là yếu tố quan trọng mà rõ nét nhất là tiếng
Hán Việt.
Trước tiên, cần minh định rằng tiếng Hán Việt là tiếng
Trung Hoa đọc theo giọng Việt. Theo “Trung
Quốc sử đại khái”, cổ thời người Trung Hoa tự gọi tên nước là Hoa Hạ, hoặc
cũng có khi chỉ xưng là Hoa hoặc là Hạ. Về sau, họ mới gọi là Trung Hoa. Chữ
Hoa ở đây không phải bông hoa mà phải hiểu là tinh hoa, và Trung Hoa tức là cái
tinh hoa nằm ở trung tâm (hiện nay thì họ dùng chữ Hoa là bông hoa vì lẽ viết
ít nét, gọn hơn).
Nhưng về sau, do hãnh diện về nhà Hán nên họ đã đồng
hóa với Hoa và tự gọi mình là Hán nhân tức người Hán, và Hán ngữ tức tiếng Hán.
Và do vậy, thứ tiếng Hoa đọc theo kiểu riêng của người Việt được gọi tên là tiếng…
Hán Việt (nhưng đáng lý ra phải gọi là tiếng Hoa Việt).
Thực sự là hai tiếng “Hán Việt” này, tuy chỉ có hai tiếng thôi, nhưng đã làm hao tổn biết
bao nhiêu là giấy mực của các học giả và các nhà ngôn ngữ học cả Hoa lẫn Việt
cũng gần trăm năm. Điển hình là nhà ngôn ngữ học người Hoa, Vương Lực, với bài
viết “Hán Việt ngữ nghiên cứu” dài
128 trang đăng trên tập san học thuật của Đại học Lĩnh Nam, Hongkong, năm 1948.
Trong bài viết này Vương Lực dựa theo nguồn gốc mà chia tiếng Việt thành hai loại
là tiếng Việt (nguyên văn: Việt ngữ) và tiếng Hán Việt (nguyên văn: Hán Việt ngữ).
Nhưng riêng trong tiếng Hán Việt, ông đã dựa theo thời điểm hình thành mà chia
làm ba loại là tiếng Hán Việt cổ, tiếng Hán Việt, và tiếng Hán Việt hóa. Tuy
cách phân loại này còn lủng củng và bất hợp lý nhưng lại được hầu hết các nhà
ngôn ngữ học Việt Nam tán thành và tiếp nhận.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta không phân tích về tính hàn
lâm của hai tiếng Hán Việt mà chỉ đơn giản là tản mạn đôi điều về vai trò của
thứ tiếng này trong tiếng Việt.
Từ rất nhiều năm, chúng ta đã có khuynh hướng giữ gìn “sự trong sáng của tiếng Việt” và tìm
cách loại bỏ dần những tiếng Hán Việt quen dùng, thay vào đó bằng tiếng Việt
thuần túy. Cụ thể như trực thăng, thay bằng máy bay lên thẳng, thật vô cùng
chính xác. Hay như thủy quân lục chiến, thay bằng lính thủy đánh bộ (riêng cụm
tiếng này cũng “hơi bị” lộn xộn vì trong đó vẫn còn vướng lại hai chữ thủy và bộ)…
Tại miền Nam trước năm 1975, đã có chủ trương bỏ chữ “văn
phòng”, thay vào đó là chữ “nhà làm
việc”.
Như vậy, rõ là chúng ta thấy có sự phân biệt giữa hai
loại tiếng, Hán Việt và tiếng Việt thuần túy mà ta vẫn quen gọi là thuần Việt.
Tuy nhiên, nói riêng về hai tiếng thuần Việt thì ở đây lại là cả một vấn đề. Và
là một vấn đề không nhỏ.
Vì thực sự, tiếng Việt không phải là một thứ tiếng
riêng. Và trước khi có được một quốc gia là Văn Lang có nhà nước đầu tiên với
các vua Hùng vào thế kỷ thứ 7 trước công nguyên (TCN), thì vào thời Hồng Bàng
(tính từ năm 2879 TCN, tức trước đó 22 thế kỷ), tại khu vực phía nam sông Dương
Tử là lãnh thổ của các nhóm Bách Việt như Đông Việt, Mân Việt, Âu Việt, Lạc Việt…
Do sự biến thiên theo khu vực địa lý rồi lại lai tạp nhau trong giao tiếp, các
nhóm này trở thành có tiếng nói khác nhau tuy vẫn còn giữ được một số tiếng
tương đồng do vốn cùng chung một gốc đại chủng.
Do vậy, tiếng Việt chúng ta ngay từ thuở xa xưa đã
mang trong mình nhiều thứ tiếng anh em cùng gốc nên thực sự là không thể có được
tiếng thuần Việt mà phải nói đúng rằng tiếng nước ta hiện nay là “tiếng Việt”. Vì cho dù có pha trộn bao
nhiêu đi nữa thì tới nay tiếng Việt đã trở nên hoàn thiện và giữ vai trò là tiếng
Quốc Ngữ.
Trở lại với tiếng Hán Việt. Chúng ta có thể thấy rõ
trước mắt rằng qua ba thời kỳ Bắc thuộc với tổng cộng một ngàn năm, trong vị thế
người bị trị, chúng ta bắt buộc phải giao tiếp với họ bằng tiếng Hoa. Dĩ nhiên
là tiếng quan thoại, thứ tiếng chính thống, vì họ có khá nhiều giọng của nhiều
tỉnh khác nhau.
Tuy nhiên, khi người Việt nói chuyện với nhau về các
văn bản hành chính hoặc về văn chương thi phú của họ, thì lại phiên âm theo giọng
Việt cho gần gũi dễ nói. Thành ra, tự nhiên mà tạo thành một thứ tiếng riêng tức
tiếng Hán Việt.
Thực sự, tuy cũng là tiếng đơn âm như tiếng Việt,
nhưng tiếng Hoa nói lên vần điệu không hay, khó nói và có âm hưởng khó chịu. Thử
nghe một bài thơ Đường tuyệt tác của thế kỷ thứ 8 sau đây, được phiên âm theo
pinyin (bính âm) của tiếng Hoa:
Yuè
luō wū tí shuāng mǎn tiān
Jiāng
fēng yú huǒ duì chóu mián
Gū
Sū chéng wài Hán Shān sì
Yè
bàn zhōng shēng dào kè chuán.
Thật lạ lẫm và kỳ dị, nhưng bài thơ tuyệt tác này
chính là bài Phong kiều dạ bạc lừng danh của nhà thơ Trương Kế, mà nếu đọc theo
tiếng Hán Việt chính là:
Nguyệt
lạc ô đề sương mãn thiên
Giang
phong, ngư hỏa đối sầu miên
Cô
Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ
bán chung thanh đáo khách thuyền.
Rõ là đọc theo tiếng Hán Việt thật dễ nói, thi vị, và
đầy cảm xúc. Và đây cũng chính là một trong hai nguyên nhân đã tạo nên sự hình
thành tiếng Hán Việt. Còn nguyên nhân
kia, ai cũng biết, chính là sự phản kháng âm thầm và bền bĩ đối với kẻ thống trị.
Là người Việt với nhau, cơn cớ gì khi chuyện trò cùng nhau lại đi dùng tiếng
nói của kẻ ngoài?
Như vậy, với câu hỏi tiếng Hán Việt có chăng, câu trả
lời ở đây là có. Vì chúng ta đã lấy tiếng Hoa của họ và chuyển hóa theo cách đọc
của mình mà thành, do vì hai nguyên nhân như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, lại có một điều cần phải nhắc tới. Ai cũng
nói là chúng ta đã vay mượn từ tiếng nước ngoài để làm phong phú cho tiếng nước
mình. Thử ngẫm, vay mượn là vay mượn tiền bạc, vật chất chớ tiếng nói làm sao
mà vay mượn? Trong giao tiếp bán buôn giữa các dân tộc, dùng tiếng nói của nhau
là chuyện thường tình. Thích thì cứ dùng chớ chẳng phải vay mượn. Và trong trường
hợp tiếng Hán Việt, chúng ta đã chuyển tiếng Hán của người Hoa thành tiếng Hán
Việt của người mình. Bây giờ mà đưa câu Nguyệt
lạc ô đề sương mãn thiên cho người Hoa đọc, thì ắt hẳn anh chàng sẽ mù tịt,
vì giờ đây câu này đã trở thành một câu tiếng Việt của người Việt.
Và như vậy, với câu hỏi tiếng Hán Việt có chăng, câu
trả lời bây giờ lại là không. Đúng theo lý nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh, sắc tức
thị không. Vì giờ đây nó đã trở thành tiếng Việt. Cả ngàn, trăm năm nay, không
chỉ hòa nhập mà nó đã hòa quyện với tiếng Việt và trở nên một thành phần trong
tiếng Việt. Như về quốc gia, chúng ta dùng những tiếng độc lập, tự do, hạnh
phúc…; về giáo dục chúng ta dùng những tiếng hiệu trưởng, giáo viên, học sinh…;
về y tế là những tiếng bệnh viện, bệnh nhân, viện phí, y tá…; về giao thông là
xa lộ, lưu thông…; về kinh tế là công ty, giám đốc, kế toán, bảo vệ… Rất nhiều
và rất nhiều. Chúng bao quanh ta và trở thành quen thuộc tới mức chúng ta coi
là tiếng thuần Việt chớ không còn là tiếng Hán Việt nữa.
Thực sự, tiếng Hán Việt vốn ẩn chứa rất nhiều ưu điểm.
Trước tiên là tính hàm súc. Có những tiếng chỉ hai chữ nhưng nếu diễn đạt bằng
tiếng Việt phải cần tới nhiều chữ hoặc thậm chí cả câu. Như chỉ hai chữ “dân tộc” thôi, nếu “dịch” ra thì phải
là “người và họ tộc trong nước”. Thứ
hai là tính trang trọng. Chúng ta gọi là Bộ Giáo Dục chớ đâu có gọi là Bộ Dạy Dỗ?
Và thứ ba là tính thi vị. Chúng ta đặt tên con gái là Thiên Kim chớ đâu có đặt
tên là Ngàn Vàng?
Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây và bây giờ, là không cần
thiết phải phân biệt tiếng Hán Việt với tiếng Việt nữa mà hãy mạnh dạn xóa bỏ
danh xưng Hán Việt đi để chỉ còn hai chữ tiếng Việt thân yêu. Chúng ta đâu phải
dân tộc Hoa để mãi hãnh diện về nhà Hán mà cho tới nay nhiều người Việt vẫn tự
xưng mình là “anh hùng hảo hán”?
Tuy nhiên, thiết nghĩ vẫn còn một điều nữa cần nhắc nhở
nhau rằng, dẫu sao thì do vốn là từ tiếng Hoa nên đã dùng thì phải dùng cho
đúng nghĩa. Như hai tiếng "nhất thiết"
ta vẫn quen dùng sai là "bắt buộc",
thường trong câu "không nhất thiết
phải như thế". Nhưng hai tiếng "nhất
thiết" trong tiếng Hoa có nghĩa là "tất
cả" (nhất thiết học sinh tức tất cả học sinh). Hay như hai tiếng "xán lạn" nghĩa là "rực rỡ", ta vẫn dùng sai là "sáng lạng"! Ngoài ra, do
không hiểu rõ nên chúng ta thường hay dùng trùng lặp cũng khá nhiều: hà cớ gì, khả dĩ có thể, còn tồn tại, tái lập
lại… vốn là những hạt sạn làm mất đi nét đẹp trong tiếng Việt.
Bùi Kim Sơn
3 nhận xét:
"Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền."
Được nhà thơ Hồ Dzếnh phiên âm bằng giọng Quảng Đông như sau:
"Uỵt loọc, vú thày sướng mủn thín,
Coóng phống, dì phố, tui sàu mìn
Cú chấu sèng ngồi Hồn Sán sì.
Dề pun, chống séng tâu hác sin."
Trong TV từ "tiếng" được hiểu là thứ ngôn ngữ được một cộng đồng dùng nó dưới cả 2 dạng NÓI lẫn VIẾT để giao tiếp, như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật.... và thậm chí chỉ được NÓI ko được VIẾT như các thứ tiếng của các dân tộc chưa có chữ viết. Rất tiếc là cái gọi là 'tiếng Hán Việt' trong bài này xưa nay chỉ được VIẾT chớ chưa từng được ai NÓI trong giao tiếp (nhiều lắm chỉ là ĐỌC thôi, mà khi đọc chỉ có một số ít người hiểu được). Do đó, nói có 'tiếng HV' là ko đúng nhưng nói trong TV có lớp 'từ HV' thì ok.
Gọi là từ Hán Việt thì đúng hơn...
Đăng nhận xét