BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

CHÚC MỪNG NĂM MỚI HAI KHÔNG HAI HAI – Đức Hạnh và Thi Hữu


   

 
CHÚC MỪNG NĂM MỚI HAI KHÔNG HAI HAI
[Dĩ đề vi thủ]
 
CHÚC Tết Nhâm Dần dạ thảnh thơi
MỪNG nhân thế, nụ nở hoa cười
NĂM hoà biển mộng nguồn thơ thới
MỚI tỏ tình yêu nghĩa tuyệt vời
HAI hủy trùng Cô…trừ mọi mối...
KHÔNG tồn dịch bệnh nhiễm ngàn nơ
HAI khai cuộc sống lòng hồ hởi
HAI chúc bình yên khắp cảnh đời…
 
Đức Hạnh 
Happy New Year 2022
 
 
THƠ HỌA:
 
 
CHÚC MỪNG NĂM MỚI HAI KHÔNG HAI HAI
[Dĩ đề vi thủ]
 
CHÚC cả nhân loài Tết thảnh thơi
MỪNG vui cuộc sống nở môi cười
NĂM sang mộng ước đời tươi trẻ
MỚI đến toàn gia cảnh tuyệt vời
HAI mãi yên bình trên khắp nẻo
KHÔNG còn đói khổ giữa nhiều nơi
HAI miền thể hiện lòng nhân ái
HAI vọng tình Xuân ngát cõi đời..!
 
Anh Hân – California
Xuân 2022
 
 

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

TIỄN NGƯỜI ĐI PHƯƠNG NAM – Thơ Văn Công Toàn


   
                 Tác giả Văn Công Toàn


TIỄN NGƯỜI ĐI PHƯƠNG NAM
 
(Thân tặng các bạn Nguyễn Thông - Tạ Quang Sơn
- Đoàn Phú ... Cùng bạn bè CHS QH đang sinh sống
 tại Sài Gòn và các tỉnh Phía Nam)
 
Mùa xuân hành Phương Nam
Nhớ người xưa sắc chàm
Vượt đèo cao chim kêu vượn hú
Đất Miền Trung bão lũ gian nan
 
Đường vào Nam mênh mang
Trời Miền Nam nắng xuân nồng nàn
Ta đi thăm thẳm trùng dương mộng
Tri kỷ choàng vai rượu uống tràn
 
Rượu giữa giang hà không vơi cạn
Bạn ta nào ta cùng bạn ngất ngây
Ngã rẻ quanh co ta tìm khung trời rộng
Canh cánh chợ đời bao nỗi đổi thay
 
Đi ta đi không để tơ hồng vướng
Lòng sao còn ngoảnh lại xứ cố nhân ?
Đi ta đi không đợi mùa hoang tưởng
Sao hồn ta vọng ngưỡng ánh thiên thần
 
Thần giới thần tiên thần tục lụy
Thần linh hạ thế nhớ ta chăng ?
Phương Nam ơ hờ Nam Phương hỡi
Cuối đất cùng trời còn gió trăng !
 
Đầu bạc đốm ta đi tình chưa trọn
Ta còn bay qua vòng xoáy tào khê
Xoáy khúc giữa để hai đầu phấp phỏng
Xoáy vào tim thuở Quốc Học bạn bè !
 
Tôi từ Sài Gòn về
Anh tìm Phương Nam đến
Chưa hẹn đã chia tay
Nhớ nhau ngày gặp lại
 
Phương Nam hề Phương Nam mê mải
Có mấy người đi tung cánh hải hồ
Rượu chưa say thơ ngâm hoài đưa tiễn
Huế khuất dần phía đèo biển Lăng Cô...
 
Huế lặng chìm trong âm hưởng cố đô
Tiễn người đi nhớ một thời vụng dại
Phương Nam hề Phương Nam xa ngái
Rượu tràn ly mê mải cụng vơi đầy !!!
 
                                Văn Công Toàn
                              (Hoài Phong Trần)
 

   

BÀI THƠ “ẨM TRUNG BÁT TIÊN CA” CỦA ĐỖ PHỦ - Đỗ Chiêu Đức



“Ẩm Trung Bát Tiên 飲中八仙 hay còn gọi là “Tửu Trung Bát Tiên 酒中八仙cũng thế, đều chỉ tám người bạn rượu với nhau là Lý Bạch, Hạ Tri Chương, Lý Thích Chi, Lý Tấn, Thôi Tông Chi, Tô Tấn, Trương Húc và Tiêu Toại 李白、賀知章、李適之、李璡、崔宗之、蘇晉、張旭、焦遂. Còn “ẨM TRUNG BÁT TIÊN CA” 飲中八仙歌" là bài thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ viết theo thể cổ phong nhạc phủ vào khoảng tháng tư năm Thiên Bảo thứ 5 đời vua Đường Huyền Tông (746) là thời gian Đỗ Phủ mới đến đất Trường An. Ông đã dùng lời thơ gãy gọn chấm phá nêu bật được những nét tiêu biểu nhất của từng nhân vật trong Ẩm Trung Bát Tiên như sau:
 

“NHẬU” VỚI NGHĨA CỦA TỪ - Ngô Đình Miên

Đầu năm nói chuyện nhậu...
 

“Nhậu” là một từ đơn, thuần Việt, nó sống động trong vốn từ của người Phương Nam. Cho tới bây giờ, tôi không biết có từ nào hay hơn, đủ nghĩa hơn có thể thay thế được từ “nhậu” “hoành tráng” này.
 
“Mời anh uống rượu”, lời người phương Bắc nói. Cụm từ “uống rượu” khá nghèo nàn về ngữ nghĩa, chỉ nói được một nghĩa đơn thuần là uống một thứ chất lỏng được gọi là rượu. Trong đó, từ “uống” chỉ đơn giản biểu đạt động tác uống, như uống nước, vậy thôi ! Trong khi đó từ “nhậu” chỉ rõ cho ta biết một lúc nhiều điều (nghĩa). Thứ nhứt, muốn có sự “nhậu”, trước hết phải có rượu (hoặc bia). Thứ hai, nhậu dứt khoát phải có mồi nhậu (thức nhắm, đồ nhắm của người phương Bắc), vì nếu chỉ uống rượu suông (như uống rượu nghiện) thì không ai gọi là nhậu. “Uống rượu” của người Bắc không nhất thiết phải có mồi (thức ăn), giống như ngồi trước quầy bar gọi một ly wisky để uống không. Thứ ba, nhậu không thể chỉ có mình êng mà nhậu được, vì vây phải có nhiều người (ít nhất là hai) mới gầy cuộc nhậu được. Thứ tư, nhậu đậm chất vui chơi hơn mang tính ngoại giao. Trong quan hệ ngoại giao, người ta có thể chạm ly (cốc) và uống rượu trong một tiệc đứng, nhưng dứt khoát không thể gọi đây là tiệc nhậu được. Thứ năm, khi nhậu phải có một vị trí cố định phù hợp để bày cuộc nhậu, không thể là vừa đi vừa "nhậu" như Chí Phèo nốc rượu. Thứ sáu, mục đich của nhậu là để vui, không phải để buồn, nên ở phương Nam, trong đám tang thường bày nhậu để lấy vui làm vơi bớt nỗi buồn. Trong khi “uống rượu” có thể là để “dục phá thành sầu...” Cuối cùng, người phương Nam chỉ dùng từ một âm tiết để biểu đạt cái sự “nhậu”, trong khi người phương Bắc phải dùng tới 2 từ gồm động từ “uống” và danh từ “rượu” để tạo thành cụm từ cố định, mà vẫn chưa phong phú nghĩa như từ “nhậu” đơn âm tiết mà đa nghĩa.
 
Với sự tổng hợp 7 ý nghĩa sống động trên đây, đã làm cho từ “nhậu” của phương Nam, từ sau 1975 liền hội nhập rất êm với dân nhậu toàn quốc. Lúc này, nếu ai ra Hà Nội sẽ nghe được tiếng “nhậu” quen thuộc khi các bạn bè ngoài đó hẹn gặp nhau ở quán nhậu. À, mà cũng có không ít tiệm nhậu bình dân, vỉa hè có bảng tên ghi “Quán nhậu...”.
 
                                                                                Ngô Đình Miên

“TÁM PHỐ SÀI GÒN”, THƠ NGUYÊN SA - Trần Hoàng Vy

Cũng như Paris, Sài Gòn đã lưu dấu trong thơ Nguyên Sa, “Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Nhưng bài thơ “Tám phố Sài Gòn” của Nguyên Sa đã tạo nên sự tranh cãi trong giới văn nghệ sĩ. Tại sao lại “Tám phố Sài Gòn” mà không phải con số nào khác, vì Sài Gòn đâu chỉ có 8 phố như “Hà Nội 36 phố phường”
 
Ảnh: Bruce Baumler/flickr|ManhHai
 
1.
 
Trong một lần “trà dư tửu hậu” có đủ các tay văn nghệ sĩ của cả ba miền nước Việt ở 81 Trần Quốc Thảo, một anh bạn bỗng cao hứng ngâm mấy câu thơ “Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều/ Cánh tay tà áo sát vòng eo/ Có nghe đôi mắt vòng quanh áo/ Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo…” (Tám phố Sài Gòn, Nguyên Sa), rồi đặt câu hỏi với mọi người: “Theo nhà thơ Nguyên Sa, thì Sài Gòn có… tám phố, vậy mấy ông ở Sài Gòn lâu năm có biết đó là tám phố nào không?”. Cuộc cãi vã, tranh luận ì xèo nổ ra, nhưng rốt cuộc cũng chẳng ông nào, bà nào xác định đủ Sài Gòn có bao nhiêu phố?…
 

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

NGHỀ NẾM RƯỢU - Truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly



Cao thám hoa người nước Sái, huyện lệnh đất Mạt Cùng.  Không hạp với đám quan trường tham lam vô độ, bòn rút của công, không chút sỉ liêm, lương tâm chó cắn. Lợi dụng Sái có dịch cúm Háng Thâm, chúng làm giàu lên cả vạn sinh mạng người dân. Cao cả giận, có miệng mà nói chẳng nên lời; bèn lột áo mão trả lại triều đình, về quê “làm người tử tế”!
 
Bởi lòng trong như nước suối, suốt thời làm quan không hề tơ hào của dân cây kim sợ chỉ, nên căn nhà xưa càng rách nát; nhờ xóm giềng và đệ huynh bốn biển; người thương hại, kẻ đáp ơn, nên cũng được sáng cơm chiều rượu.
 
Nửa năm sau, Thám hoa mở lớp dạy học, nhưng ngặt LỄ NGHĨA các vị trong ngành Bộ Lại còn đề nghị bỏ nên chẳng trẻ nào thèm học; bèn xoay qua nghề viết sách; nhưng sách kiến thức, sách dạy làm người cũng chẳng đất dung thân: Ra mấy đầu sách, lỗ nặng, bèn bóp bụng đem bán làm giấy lau khi đại tiện! Lại định làm thơ, nhưng lại thấy thi vương thi bá trùng trùng, vị nào cũng khoe đã in dăm ba chục đầu .. thơ, mỗi lần cả ngàn cuốn, nhưng vì các vị ấy quý văn chương nên không nỡ bán, mà chỉ đem cho, đem tặng; lại khoe có hàng trăm bài được phổ nhạc, nhưng tiếc rằng các ca sĩ người phàm mắt thịt, không hiểu được giá trị nên không thèm hát! Giận thay!
 
Nhà không còn hột gạo, Thám hoa mặt mày ủ dột, liền lấy bầu rượu ở góc nhà, tu một hơi, “khè” một cái vô cùng sảng khoái. Đoạn cười tràng lớn rồi nghĩ: “Sao ta không làm nghề nếm rượu như lúc theo thầy mài mực? Nghề nầy chẳng phải cho ta ngân lượng để đưa ta từ trường phán đến thi đình đó sao?”
 
Thời ấy nước Sái thanh niên uống rượu ve kêu, yêu rượu hơn yêu nước… giải khát, nên sáng chiều quán nhậu nghẹt người, vì thế nghề nếm rượu phát triển hơn xưa.  Vốn có biệt tài nếm rượu từ thuở xuân thời, nên rượu nào Thám hoa nếm mà ngài lắc đầu là kể như cho chẳng ai thèm uống; còn gật đầu nói “Hào! Hào!” (Ngon! Ngon!) thì kể như thùng rượu cả ngàn táo ấy đệ tử lưu linh tranh nhau mà uống, chủ đong sáng chiều không kịp!
 
Tiếng lành đồn xa, tại trường an có một đại nhân có lò nấu rượu để cung cấp cho hàng trăm đại tửu lâu của mình, ngài bèn cho tứ mã tức tốc thỉnh thám hoa về kinh.
 
Sau khi chào hỏi, chủ nói rõ mục đích của mình, rồi tự tay cung kính đưa thám hoa chén rượu lớn. Thám hoa kề mũi ngửi nhẹ, nhấp một hớp nhỏ, chấp chấp vài cái rồi đặt chén xuống bàn, nhìn chủ nhân (vốn là cực phẩm đại thần), nói:
- Loại rượu đặc biệt được làm bằng loại nếp Giáng Nù nên có hương trinh nữ, được tẩm men Bách Vụ trong Bản Thảo Cương Mục Tần Hồ sơn nhân thời Minh nên vị ấm nồng, hậu ngọt, lại được chưng cất bằng thiên thủy ngày đoan ngọ nên cực kỳ tinh khiết. Rượu quý! Rượu quý!
 
Quan nhân mát lòng, cười sảng khoái:
- Thám hoa rõ là danh bất hư truyền. Thiên hạ gọi là “Tửu Thánh” không sai!
- Đây không phải loại rượu cho kẻ phàm phu; mà phải là rượu “Tiến Quân Vương” đó!
 
Quan nhân cười lớn:
- Không sai! Bản chức định dâng cho hoàng thượng đấy!
- Nhưng ngặt trong rượu có mùi tanh của máu người!
 
Quan nhân, ngạc nhiên, cả giận:
- Ta trọng thám hoa là đồng liêu, nhưng không vì thế mà ngài lại loạn ngữ sàm ngôn. Thật tiếc cho ta nể trọng thám hoa bấy lâu!
 
Thám hoa đứng lên, lắc đầu:
- Nhưng đó là sự thật! Hẹn tái kiến!
- Không tiễn!
 
Thám hoa đi rồi, đại nhân buồn vô hạn, ngài bán tín bán nghi vì xưa nay thám hoa luôn coi lời nói như đỉnh Thái Sơn chưa hề bỡn cợt bao giờ; vội cho người chiết rượu ra vò để rửa thùng rượu hàng ngàn…đấu (đấu=10 lít) xem sao!
 
Khi thùng rượu cạn, người nhà cả kinh vì thấy dưới đáy có xác một con … muỗi!
 
Đại nhân ân hận liền cho người túa ra tìm thám hoa, nhưng bóng chim tăm cá!
 
                                                                                KHA TIỆM LY

MIỀN BÌNH YÊN – Thơ Tịnh Bình


   


MIỀN BÌNH YÊN
 
Ngửa mặt nhìn đỉnh núi
Chạm vùng mây tinh khôi
Lênh đênh loài chim lạ
Dang cánh giữa biển trời
 
Dưới chân là cỏ dại
Sỏi đá nằm ưu tư
Lăn lóc một nỗi buồn
Chẳng cần chi bày tỏ
 
Thôi miên một ánh mắt
Đen lay láy hồn nhiên
Màu mặt trời không tắt
Xôn xao miền bình yên
 
Ta tìm chi ta nữa
Thắp bóng mình cô liêu
Không thuộc về ta nữa
Vô ngã khối tình yêu...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

CHÚC MỪNG NĂM MỚI – Thơ Nguyên Lạc


  


CHÚC MỪNG NĂM MỚI
(Happy New Year)
 
1.
Đêm trắng bông tuyết bay
Cố nhân người đâu biết
Tóc xanh giờ đổi thay
Bạc màu buồn da diết!
 
Năm cũ rồi giã biệt
Thời gian vèo qua song
Lột vỏ từng tờ lịch 
Còn ruột sầu bên trong!
 
Tháng năm rồi năm tháng
Quá khứ tờ lịch rơi
Tương lai người đâu biết
Hiện tại tiếng thở dài!
 
2.
Đêm cuối năm thắp nến
Soi từng phiến hồn xưa
Thấy sâu trong ngăn nhớ
Lời tình buồn tiễn đưa
 
Thôi em đừng khóc nữa
Khổ đau chi cũng thừa
Bể dâu đời vẫn thế
Tất cả rồi phai phôi
 
Đêm nay tờ lịch cuối
Lột bỏ thấy nỗi sầu
Treo lên trang lịch mới
Năm mới đời ra sao?
 
Cố hương vời xa đó
Lời thao thiết nhớ về
Chúc mừng người Năm Mới
Chúc Happy New Year
 
                          Nguyên Lạc

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

HỒN VÔ SỞ CƯ - Thơ Tô Thùy Yên


  

HỒN VÔ SỞ CƯ
 
Thôi đã mấy đời chim khách nôn nả
Ghé cổng báo mừng lầm.
Trúc ra hoa, trúc chết.
Khóm trúc nhà, thôi đã mấy đời hoa.
 
Chàng chưa về.
Sao chàng mãi chưa về?
Gió nước cầu âu mọi nhắn hỏi.
Họa bèo mây biết loáng thoáng tin chàng,
 
Mảng mảng huyền thoại lữ khách rách tứ tán.
Kẻ chiêm nghiệm trần gian
Miên viễn đang trên đường…
Mộng rủ dẫn…
Tâm tư trời đất nghe chưa trọn,
Nỡ nào tự ý bỏ ra ngang?
Lịch sử mỗi thời, một mặt nạ.
Đất thay tên,
Người chẳng nhận ra nhau.
Đời có sao sống vậy?
Ai vừa ý chính mình?
Thơ đã viết trăm bài,
Vẫn tình si một bài chưa tụ tứ.
 
Ta thấy lạ lẫm mặt trời mọc,
Tạo vật chừng đang mở, mở ra.
Rừng lên tiếng rừng, biển tiếng biển,
Tràm vui xôn xao mênh mang ta.
 
Mừng dun rủi gió đưa gió đẩy…
Quán dốc, đường quan,
Tình cố tri đãi người sơ ngộ.
Chim hối giục chiều,
Cạn, cạn này chén hôm nay.
 
Trời đất, ồ, tính khí thất thường,
Chén mai sau nào dám hẹn.
Đứng chỗ kiếp người,
Nhón chân, phóng mắt,
Xây xẩm muôn trùng cuộc hậu lai.
Con vượn non cao khóc cách biệt…
 
Bóng ta tách vượt ta.
Gió thổi qua truông, gió kéo qua đầm.
Ta mờ người chạy đuổi,
Càn, càn băng hiện đại lạnh rồi thây…
Ngồi, ngồi lại, định thần cõi sáng tối,
Rũ bỏ mọi bình sinh,
Dẫy, dẫy phá tự thể tù ngột,
Chàng hóa thân từ mỗi độ hoa.
 
Bước, bước tiếp khỏi tầm tiếng hú cất thăm dò,
Hú, hú tiếp…
Sao nghĩa đời không xuất lộ cho?
Hoa nở hẳn đau nở
 
Mỗi bài thơ, một biển dâu riêng.
Cùng nỗi chết ăn đời ở kiếp,
Mọi việc chừng không đáng nói thêm.
Đêm nao, chợt động lòng trăng sáng,
Thiền sư mơ màng như chuyện ai.
Cát nổi, cát lặng, cát nổi, lặng…
Hồn hỡi hồn, hồn vô sở cư…
 
                                      Tô Thùy Yên
                                          9-2005
 

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

KÝ ỨC VỀ TRƯỜNG XƯA, BẠN CŨ: LÊ MINH VÀ NHỮNG THỦ KHOA TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ - Nguyễn Đặng Mừng


Tác giả Nguyễn Đặng Mừng.    

Duyên cơ đã cho tôi được quen thân cả ba thủ khoa vào đệ thất Trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, Lê Minh niên khóa 1965, Lê Đức 1966, và Nguyễn Đức Tùng 1967. Đậu vào Nguyễn Hoàng đã khó, đậu thủ khoa là một vinh dự. Cả ba rất giỏi các môn khoa học mà lại đặc biệt yêu văn chương. Chúng tôi thường trao đổi với nhau những cuốn sách văn học, những tạp chí hay như Văn, Bách Khoa, Văn Học thời đó.
 
Số phận của ba thủ khoa ấy giờ thế nào?
 

NGÀY CUỐI NĂM DƯƠNG LỊCH – Thơ Trần Mai Ngân


  


NGÀY CUỐI NĂM DƯƠNG LỊCH
 
Ngày cuối năm dương lịch
Chị bán hàng rong đạp vòng xe mỏi
Tiếng rao mềm theo tờ lịch vừa rơi
Một năm qua rồi chơi vơi chới với…
 
Ngày cuối năm dương lịch
Anh vá xe bên lề đường
Khâu nốt cái ruột cũ mèm cho ông xe ôm
Tỉnh lỵ nhỏ nên đường đi cũng ngắn… Chắc không sao!
 
Ngày cuối năm dương lịch
Bên cửa sổ trên toà nhà cao thiệt cao
Có chị bếp đôi mắt buồn da diết
Đếm tiền gửi về quê - biết niềm tin vẫn còn…
 
Ngày cuối năm dương lịch
Những mảnh đời thấp bé mỏi mòn
Hy vọng một ngày mai
Của tương lai hai không hai hai (2022)…
 
Và em…
Cũng ngày cuối năm dương lịch
Quay lại bến sông xưa
Thả nỗi buồn theo dòng nước
Cầu ước một bình an…
 
                                         Trần Mai Ngân

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

NÚI NHẠN PHÚ YÊN, ĐÂU ĐÓ NỖI LÒNG ANH CÒN NỢ EM - Nguyễn Quyết


Tác giả Nguyễn Quyết


Từ Nam ra Bắc, miền Trung là khúc ruột, nơi đây đất cằn lên sỏi đá, bỏng rát gió Lào và lũ lụt cả mùa đông. Đâu đây vang vọng khúc ca “Hận Đồ Bàn”, những di tích xưa cổ còn đó, chứng nhân bao thăng trầm biến cố.
 

XƯA EM GẮP MIẾNG THỊT GÀ ! – Đoàn Xuân Thu



Thưa bà con! Giống như người Tàu ở Hong Kong, ở Macau, người Tàu ở miền Nam Việt Nam mình, nhứt là ở Chợ Lớn, đa số nói tiếng Quảng Đông (Cantonese), kế đến mới tới tiếng Triều Châu; chứ không nói tiếng Quan Thoại (Mandarin) - tiếng Phổ Thông, trừ ra những ai có đi học trường Tàu mới biết...
 
Dân Sài Gòn thường chê những người ưa nói Thánh nói Tướng; nói Trời nói Đất; nói không đâu vào đâu là: “Đồ nói Quảng nói Tiều!”
Bà con người Việt rặt ri mình vốn tánh xởi lởi, không xét nét nhỏ mọn, chi li: ai là người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam hay Khách Gia (người Hẹ) gì hết ráo. Mà gọi chung là: Các Chú, Chệt hoặc Ba Tàu.
(Đất lành chim đậu mà! Đến đây thì ở lại đây… Bao giờ bén rễ xanh cây… hết về…)

Đàn ông thì mình gọi là Chú Ba; đàn bà thì mình gọi là Thiếm Xẩm. Chú và Thiếm hết ráo, coi như ai cũng bà con hết trơn hết trọi hè!
 

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

CHÙM THƠ MỪNG GIÁNG SINH - Châu Thạch


  

BÊN CÂY THÔNG GIÁNG SINH
 
Bên cây thông Giáng Sinh
Em đứng thật là xinh
Mừng em mùa Giáo Lễ
Em thấm nhuần lời kinh
 
Em là người nên thánh
Em người nữ thức canh
Em là chiên ngoan đạo
Chúa ban em phước lành!
 
Một mai em cất cánh
Bay qua từng vì sao
Trong chỗ ngồi sự sống
Em vui hưởng ngọt ngào
 
Anh là anh rất mọn
Trong chuồng chiên có nhau
Hôm nay và mãi sau
Ta cùng Cha Thiên Thượng
 
Gởi em một lời mến
Gởi em một lời thương
Mai sau trên Thiên Đường
Dẫu không là chồng vợ
 
Tình không còn cách trở 
Bởi dục vọng trần gian
Hóa thân về Thiên Đàng
Linh gội hồn ta sạch
 
Tình không còn xa cách
Tình trong trẻo vô biên
Tình như thánh như hiền
Bởi không còn nguyên tội
 
Ta không còn chịu lỗi
Của A-Đam, Ê-Va
Vườn Ê-Den chúng ta
Không còn cây trái cấm!
 

NGẬM NGÙI TIỄN BIỆT NHÀ THƠ TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG – Trần Kiêm Đoàn




 Chuẩn bị mở quà Giáng sinh năm 2021 và đón năm mới dương lịch 2022 thì được tin nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vừa ra đi, tôi nhớ ngay bốn câu thơ đã trở thành “Poetry Logo” gắn liền với tên tuổi của chị mà ai cũng sẽ rất ngạc nhiên nếu có một vị nào đó không thích:
 
 Còn gặp nhau thì hãy cứ vui,
 Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
 Lợi danh như bóng mây chìm nổi
 Chỉ có tình thương để lại đời.
                      (Còn gặp nhau)
 
 Sở dĩ bốn câu thơ nhẹ nhàng, đơn giản và đại chúng đó trở thành “biểu tượng thi ca” của chị vì nó vừa nói lên một điệu sống quá hài hòa và tươi mát, vừa là lời minh họa cho chính cuộc đời riêng tư và nghệ thuật của chị.