Nỗi lòng thương nhớ suốt 35 năm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với con trai và mối tình đầu
Nhạc
sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Tân Nhân
(đôi vợ chồng lạc nhau trong chiến tranh và
cách biệt hai miền giới tuyến)
“Hoài,
đứa con trai đầu lòng yêu quý của ba” - Cho đến năm 1987 -
nghĩa là 12 năm sau ngày Sài Gòn giải phóng, tôi mới nhận được lá thư đầu tiên ấy
của ba tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từ Mỹ gửi về.
“Chối
bỏ”. Từ ngữ ấy không hề có trong từ điển đời ba. Hoặc có chăng đi nữa, thì ba
chưa bao giờ dùng nó. Ba chưa bao giờ chối bỏ con. Suốt 35 năm trời nay, con
luôn ở trong ký ức của ba, trong trái tim của ba, trong tâm hồn của ba…”
Cho đến năm 1987- nghĩa là 12 năm sau ngày Sài Gòn giải
phóng, tôi mới nhận được lá thư đầu tiên ấy của ba tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từ
Mỹ gửi về. “Năm 1956, ba đã từ Sài Gòn ra
Đà Nẵng thăm ngoại con khi ba nghe tin mẹ con “đi thêm bước nữa”. Thăm ngoại
thì ít, nhưng cốt để hỏi thăm con thì nhiều. Năm 1958, ba đẻ em Thi Thi. Chính
lúc đó, ba nghĩ tới con nhiều nhất. Ba đã dùng cái tên Thi để đặt tên cho em
con, cái tên đầy kỷ niệm mà ngày xưa ba và mẹ con đã rất yêu và đã hứa với nhau
sẽ dùng để đặt cho đứa con đầu lòng của ba và mẹ con, là con. Và từ ngày đó, mỗi
lần gọi tên em Thi của con là riêng ba, ba nhớ tới con. Nhớ cho tới khi nào ba
không còn trên trần gian này nữa để gọi tên Thi.
Năm 1964, trong một hoàn cảnh vô cùng éo le, ba đã bỏ
nước trốn sang Nam Vang. Những ngày lén lút đó, biết rằng mẹ con đến đó trình
diễn, ba đã bất chấp hiểm nguy để liên lạc với mẹ con, với mục đích duy nhất là
biết đươc chút tin tức về con và mẹ con. Và ba còn nhớ rõ, nếu lúc ấy mẹ con
không quá dè dặt và không quá cứng rắn, ba đã trở lại nơi ba phải giã từ mẹ
con…Và có cơ hội sống bên con từ 1964!
Năm 1970, khi ba soạn phim “Người cô đơn”, ba đã hoàn toàn nghĩ tới con, dựng lên một nhân vật
bé bỏng, nhân vật mang tên bé Tâm, một nhân vật suốt đời cô đơn rất tội nghiệp,
một nhân vật mà vào đó, ba đã gửi hết nỗi niềm tâm sự của ba. Nhân vật đó, người
cô đơn đó, đứa bé cô đơn đó, chính là con, chính là Hoài, chính là cái kỷ niệm
quý đẹp nhất của một người nghệ sĩ họ Hoàng và một người nghệ sĩ họ Trương…Con
chớ giật mình, con nhé, con chớ ngạc nhiên, con nhé! Ba xác nhận một lần nữa,
người cô đơn chính là con, chính là Hoài, chính là người con đã tưởng rằng cha
mình đã chối bỏ mình.
Suốt 35 năm trời, ba hằng tự hào về một điểm: Đời ba,
trong đó có con và mẹ con, sao giống như một pho tiểu thuyết. Mà tiểu thuyết
nào mà lại không có nhiều tình tiết éo le, phải không con? Thôi chúng ta, ba+mẹ+con,
dù gặp những éo le, gập ghềnh, buồn sầu thì cũng cho đó là số phận của những
người có cuộc đời giống như tiểu thuyết…
Hoài con, nếu theo con, “con đã mất ba nửa cuộc đời rồi” thì chắc chắn nửa cuộc đời còn lại,
con sẽ có ba hàng ngày, hàng tháng, hàng năm…Còn đối với ba đã 35 năm nay, dù
chưa một lần được gặp, ba chưa bao giờ mất con và mẹ con một ngày, một tháng, một
năm nào. Vì không một ngày, một tháng, một năm nào, ba không có con và mẹ con
trong lòng ba, trong tâm hồn ba…
Nhắc đến mối tình đầu của mẹ con mà con viết: Tưởng hết
sức đẹp đẽ, ba hãnh diện xác nhận với con một lần là cho đến bây giờ mối tình
đó, đối với ba cũng như một số người đã biết mối tình đó, là mối tình đẹp nhất
trần gian. Ba không đại ngôn, không phóng đại khi ba nói như vậy. Ba và mẹ con
sẽ tìm thấy dần để hiểu thấu dần. Đối với ba, suốt đời, mẹ con là tuyệt vời,
Tân Nhân là tuyệt vời.
Lại một dẫn chứng nữa. Năm 1956, thời gian ba soạn
sách, ba soạn cuốn “Để sáng tác một bài
nhạc phổ thông”, trang đầu của cuốn sách, ba in dòng chữ “Thân yêu tặng Tân Nhân”. Mặc dù ba biết
mẹ con đã đi thêm bước nữa. Ba yêu mẹ con là thế, từ những năm 49-50-51 đến 56
đến cả bây giờ 87, thì không có lý nào ba lại không yêu con và yêu ít hơn? Điều
này chắc con không biết nhưng điều này ba tin mẹ con biết. Có lẽ vì một hoàn cảnh
bắt buộc nào đó, vì gia đình, vì chính trị, mẹ con biết nhưng chẳng hề nói ra
cho con hay…
Thôi, dù biết hay chưa biết, với thời gian, với những
tác phẩm của ba mà rồi đây con và mẹ con sẽ dần dà tìm thấy, mẹ con và con có
ngày sẽ hiểu được lòng ba và tình ba. Sự muộn màng nào, hiểu nhau muộn cũng đau
thương nhưng sự muộn mằn nào cũng đẹp. Đó là sự muộn màng trong tiểu thuyết, sự
muộn màng trong cuộc đời tiểu thuyết của chúng ta…
Ba tôi đã nói vậy về mối tình của ba tôi và mẹ tôi.
Nhưng ba tôi không biết rằng, đó chính cũng là mối tình khổ đau nhất của mẹ
tôi, người đã trao cho ba tôi tất cả tuổi thanh xuân của mình. Hồi tưởng lại mối
tình ấy, mẹ tôi đã viết trong hồi ký:
“Cuối
năm đệ nhất Huỳnh Thúc Kháng (một trường học kháng chiến ở khu Tư thời kháng
Pháp), cùng với đợt ồ ạt vào lục quân khu 4, ra Việt Bắc nhận công tác của các
anh các chị, tôi gia nhập đoàn văn công mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào do
hai anh Đình Quang và Bửu Tiến lãnh đạo vào chiến trường phục vụ bộ đội. Đó là
thời kỳ gian khổ nhất của chiến trường Bình Trị Thiên.
Hiệu
quả hoạt động của đoàn hạn chế. Địch luôn rình rập càn lên chiến khu. Một lần,
chúng tôi bị bao vây tứ phía, trên trời máy bay, dưới sông ca nô, trên bộ địch
vây quanh…Quá bất ngờ, chúng tôi từng tốp theo hướng núi xanh mà chạy. Nhóm tôi
có 6 người, 4 đứa là con gái chui vào rừng sâu, đứt liên lạc với đơn vị...
Tin
đồn về Trường Huỳnh Thúc Kháng là Tân Nhân đã bị chết trong trận càn. Một người
bạn học cùng quê- nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã truy điệu tôi bằng bài hát: Xuân chết
trong lòng tôi. Cả trường đã hát, đã khóc, đã xót thương tôi ra đi quá trẻ…“Xuân
ơi xuân/chim xa đàn/xuân ơi xuân/ngỡ đâu xuân chết trong lòng tôi…”.
Nhưng
tôi đâu đã chết. Một thời gian sau, Bộ chỉ huy cho một số ít chúng tôi trở về
trường cũ Huỳnh Thúc Kháng học tập. Trên chuyến đò dọc Châu Phong-Bạch Ngọc, một
bạn gái lớp dưới đã hát cho tôi nghe “Xuân chết trong lòng tôi”, với lời bình:
“Phải có một tình yêu sâu sắc lắm, anh ấy mới như điên như dại khi hay tin chị
chết, đã lang thang cầm roi quất ngang quất dọc trên các nẻo đường Bạch Ngọc mà
khóc mà viết nên bài ca ấy”. “Ôi chim xa cành, bướm lìa hoa, trùng phùng xa lắm…”.
Với nỗi xúc động thơ trẻ chứa chan, tôi thầm nghĩ “Biết mình chết rồi mà vẫn yêu thương tiếc
nuối, phải chăng đó là tình yêu chân thật”. Xót xa thay, mối tình chân thật
ấy lại là một mối tình bất hạnh. Trong chuyến về thăm nhà vùng tạm chiếm, anh
Hoàng Thi Thơ bị mắc kẹt, và từ đó chúng tôi mãi mãi cách chia. Cháu Hoài, kết
quả của mối tình mà chúng tôi tưởng rằng rất đẹp đẽ ấy, hơn nửa cuộc đời mới biết
mặt cha. Và bao năm sống trên đất Bắc phải mang trong lý lịch của mình là con một
nhạc sĩ ngụy…
“Con
sinh ra là một giọt lệ đau/Giọt lệ ấy chẳng đủ soi lòng mẹ/Đừng giận con mẹ ơi
vì thơ bé/Con nào đã hiểu hết nỗi cuộc đời.../Con là vật kỷ niệm lúc chia phôi/
Mẹ muốn quên dáng người đi tội lỗi/Con lại mang khuôn mặt người cha ấy/Vì có
con mẹ chẳng thể quên cha”…
15 tuổi, khi còn là học sinh phổ thông ở Hà Nội, không
biết vì một nỗi tủi thân nào đấy, tôi đã viết bài thơ tâm sự trên và định gửi tặng
mẹ. Nhưng rồi tôi đã không dám gửi, mà chỉ để trong nhật ký. 17 tuổi tốt nghiệp
phổ thông, tôi làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và đi chiến đấu ở mặt trận
Trường Sơn và mặt trận Lào. Chính nơi lửa đạn ấy đã tôi luyện tôi trở thành một
người lính dạn dày và trở thành một cây bút trẻ (bút danh Châu La Việt). Những
bậc cha chú trong văn chương khen trong tôi có gen văn nghệ của Tân Nhân và
Hoàng Thi Thơ …
Năm 1976, lần đầu tôi vào Sài Gòn. Khi đó miền Nam đã
giải phóng. Mẹ tôi mong tôi có dịp gặp ba tôi, người mà từ khi chào đời, tôi
chưa một lần biết mặt. Nhưng ông đã ra đi từ trước giải phóng cho đến mãi năm
1987, cha con mới liên lạc đựợc với nhau qua lá thư đầy xúc động trên. Đến năm
1994 thì ba tôi lần đầu về nước và lần đầu cha con được gặp nhau, được những
đêm nằm bên nhau thổ lộ hết tâm can…
Tôi nhớ ở đêm đầu tiên gặp gỡ, có cả con trai tôi Hưng
Việt, ba tôi bộc bạch tâm sự với tôi rằng: “Bao
năm xa con rồi, ba biết con rất khổ. Giờ đây con muốn gì ở ba, con yêu cầu gì ở
ba?”.
Tôi đã lặng đi vì điều quan tâm ấy và thưa với ba hai
nguyện vọng. Một là, lúc này bà ngoại của tôi đang nằm ở bệnh viện Nguyễn Trãi,
thập tử nhất sinh, tôi nói với ba tôi rằng: Ngày xưa bà ngoại từng yêu quý ba lắm,
nếu được sáng mai xin ba hãy vào thăm bà, cũng là để bày tỏ ân tình với mẹ của
con.
Và điều thứ hai, là con lớn lên được như hôm nay là nhờ
ở đất nước, Nhân dân và bè bạn đã nuôi dưỡng, khi ba đẻ con ra nhưng không có
điều kiện nuôi con (ba tôi đã ra đi khi mẹ tôi còn mang thai tôi giữa một cánh
rừng kháng chiến), con muốn nhân dịp này, ba tổ chức một bữa liên hoan với tất
cả bạn bè của con để ba tôi nói những lời từ trái tim mình những lời cảm ơn họ…
Ngay sáng hôm sau, ba cùng tôi và cháu Hưng Việt vào bệnh
viện Nguyễn Trãi thăm bà ngoại của tôi, đang những giây phút cuối của cuộc đời.
Cũng chính ở đây, ba tôi đã xúc động gặp lại mẹ tôi sau 45 năm xa cách. (Mẹ tôi
đã bay từ Hà Nội vào trước đó một thời gian để săn sóc bà ngoại tôi…).
Rồi ít ngày hôm sau, tại nhà hàng Thanh Niên, một bữa
tiệc do chính ba tổ chức. Bạn bè tôi đến nhiều lắm, dù còn thiếu biết bao người
hoặc ở xa, hoặc là những đồng đội của tôi đã nằm xuống... Ba tôi đã nghẹn ngào
xúc động đứng lên cảm ơn tất cả bè bạn của tôi, nhiều năm tháng qua đã đùm bọc,
cưu mang, giúp đỡ cho con trai mình nên người. “Khi tôi là cha mà sinh con ra đã không nuôi được con”. Những ly rượu
nâng lên, có cả nụ cười và cũng có rất nhiều nước mắt...
Cũng xin được nói thêm rằng, buổi tiệc ấy không hiểu
sao vòng trong, vòng ngoài rất đông người. Thì hóa ra nhiều người hằng biết mặt
ba tôi ở Sài Gòn trước đây, buổi ấy vô tình nhìn thấy ba tôi vào nhà hàng, với
họ như một sự kiện lớn vì như thế là nhạc sĩ họ ngưỡng mộ Hoàng Thi Thơ đã về
nước, đã về Sài Gòn, người nọ thông báo người kia cùng kéo đến nhà hàng nhìn tận
mặt Hoàng Thi Thơ. Và họ vô tình được chứng kiến những tâm sự của ba tôi, những
dòng nước mắt của ba tôi, những dòng nước mắt của họ cũng trào ra. Họ mới hiểu
thêm tình sử của người nhạc sĩ “Thi ơi Thi ơi Thi Thi biết biết không Thi”, hiểu
thêm sự éo le, bi kịch trong cuộc đời ông, và cũng hiểu thêm tấm lòng nhân ái
cùng tình thương con thăm thẳm của ông…
Và họ cũng hiểu rằng, cuộc trùng phùng của cha con nhạc
sĩ Hoàng Thi Thơ sau 42 năm xa cách, người Bắc kẻ Nam, người khoác áo chiến trận,
người mải miết với những bản tình ca trên đồng lúa vàng, có lẽ là cuộc trùng
phùng lạ kỳ, ân tình nhất của đất nước sau hàng chục năm cách chia, mà mỗi số
phận đứng một bên chiến tuyến, mỗi số phận đều có một con sông Hiền Lương chảy
qua...
Châu La Việt
2 nhận xét:
Một bài thơ anh em kháng chiến gửi Hoàng Thi Thơ:
GỬI HOÀNG THI THƠ
Chiều qua đi Đức Thọ
Tau gặp Hồng, Hồng nói nhỏ
Mi đã về với giặc rồi Thơ ơi
Không có thật mi đã về với giặc?
Tau còn nhớ, mi nói vào liên lạc
Thăm mẹ già heo hút sáu năm thương
Rồi mi trở ra kháng chiến với anh em
Chưa chắc gặp tau trên vùng núi thẳm
Nay tau chưa về trên núi thẳm
Mi đã về, mi đành đoạn bỏ anh em
Thơ ơi!
Mi có đây Tân Nhân. Mi có đây sách vở
Mi có đây cây đa làng, mi còn đây bè bạn
Mi đi không, mi đi thật biền biệt bóng ngày đêm
Theo kháng chiến mấy năm liền mi chẳng biết
Sức nhân dân như sóng cuộn tràn bờ
Thương cho mi quá nửa đường xa
Nay cạn nghĩ phút về với giặc
Mi chỉ biết sướng riêng thân
Còn thì thôi mặc...
Buồn cho mi bạc bẽo với tình đời
Tau thường nghe mi chưởi bùn tanh hôi
Nay mi lại lao đầu vào úa thúi
HỒNG cũng giận mi lắm, mắt lầm lì
Đường gan nổi cứ nhìn tao không nói
Đèn chợ THƯỢNG buồn khuya le lói
Sao trên trời vạch lá chết nơi mô
Chiều nay giữa tiệc cờ
Có kẻ hát bài mi
Lòng tao không xao xuyến
Như dạo mi còn vui ở bên ni.
Em THÁI hỏi, phải anh THƠ về với giặc
Buộc lòng tao phải nói dối mi ơi
Mẹ DƯƠNG còn nhắn gởi mấy lời
Về trong nớ nhớ nói THƠ về với mẹ.
Mi về chi bên nớ
Sao mi không trở lại bên ni.
THƠ ơi, mi có biết nước triều đang mạnh
Đồng bào reo đoàn kết giết thực dân
Bộ đội xuôi rầm rộ rợp đông làng
Người đi về nô nức đến trắng chợ
Ngày mai thúc quân về giữa phố
Cờ hồng bay tao đi về giữa phố
Lúc bên hè bọn phượng bay
Thấy tao đến mi mần răng mà nói.
KHUYẾT DANH
Theo một số nguồn tin, bài thơ này do Tố Hữu làm
Đăng nhận xét