BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

DÂNG HIẾN – Thơ Khê Kinh Kha




dâng hiến
 
em yêu,
Nếu một ngày nào đó giấc mơ của anh và em là một
Anh sẽ bước đi bên em khi mặt trời lặn ở cuối chân trời
và ngắm nhìn những tia nắng muôn màu
trên đôi môi hồng của em mà anh mơ mộng mỗi đêm
 
Nếu một ngày nào đó anh có thể nắm bàn tay mềm mại và ấm áp của em
Anh sẽ đứng bên em vào một ngày đầy gió
để những giấc mơ yêu thương của anh quấn lấy mái tóc mượt mà của em
trên đôi vai em và cả trong tâm hồn anh
 
Nếu một ngày nào đó đời anh gắn liền đời em
Anh sẽ ngồi và nắm lấy bàn tay cánh sen của em
để tình yêu ấm áp của đôi ta quyện vào nhau
và cả đời anh ấm áp chìm đắm trong tình yêu em cả trăm ngàn năm
 
Nếu một ngày nào đó đôi ta chung bước trên đường đời
Anh sẽ vòng tay ôm em, dìu em qua trăm năm
anh sẽ sống những khoảnh khắc hân hoan nồng cháy
trong đam mê với tháng ngày đầy hương tình em
 
Nếu một ngày nào đó cuộc sống đôi ta là một
anh sẽ mãi nồng nàn hôn đôi môi ngọt lịm của em
ôi nụ hôn dài hơn hơi thở của chúng ta
mà đôi ta khao khát trong tim bao tháng năm
 
Nếu một ngày nào đó em ngự giữa đời anh
hoa hạnh phúc sẽ nở khắp vườn đời anh                
ôi khao khát một cuộc sống viên mãn
Dù có chết, anh vẫn hân hoan dâng hiến
bởi đời này anh đã trao tất cả cho em
bởi đời này anh dâng hiền trọn cho cưng
 
                                         Khê Kinh Kha

TỰ TÌNH LỜI QUÊ, TRÊN CÁNH ĐỒNG CHIỀU – Thơ Tịnh Bình


  

 
TỰ TÌNH LỜI QUÊ
 
Bần thần ngọn gió sang thăm
Gợi bao hồi ức xa xăm thuở nào
Quê hương cắt rốn chôn nhau
Bờ ao rau muống trăng sao quê nhà
 
Khói lam từng đợt xa xa
Nơi phương ấy... mái nhà ta có còn ?
Thềm rêu nhạc dế nỉ non
Thành giếng cũ mảnh trăng con ướt nhòe
 
Lối mòn râm mát bờ tre
Thân thương quang gánh mẹ về sớm hôm
Mồ hôi nên bát cơm thơm
Đồng sâu chẳng quản rạ rơm nên tình
 
Đò chiều gác mái im thinh
Vỗ về cánh gió tự tình lời quê
Dẫu là muôn dặm bùa mê
Quê hương vẫn chốn trở về trong tim...
 

NƯỚC ĐÃ XA NGUỒN – Thơ Lê Văn Trung


  


NƯỚC ĐÃ XA NGUỒN
(Xin gửi tặng những bạn bè 
một thời Đại Lộc Duy Xuyên)
 
Lần lửa mãi mà không về thăm được
Đã lâu rồi, lâu quá phải không em?
Bao khốn khó, bao mảnh đời xuôi ngược
Cứ hẹn dần hẹn mãi, cũng đành quên
 
Đêm xa xứ nhớ vầng trăng Giao Thủy
Nhớ hàm răng ứa ngọt trái bòn bon
Tóc ai bay mát rượi sóng Thu Bồn
Đôi mắt ấy xanh màu dâu ngọc biếc
 
Bàn tay ấy níu chân trời xa tắp
Chưa hẹn hò mà thuyền cứ chao nghiêng
Đêm tháng bảy trăng neo bờ Đại Lộc
Lòng Thu chưa về kịp bến Duy Xuyên
 
Đôi môi ấy thắm màu hoa gạo đỏ
Nắng như vàng tơ óng Mã Châu ơi
Tiếng ai hát bay qua lòng Phiếm Ái
Lời trăm năm chưa kịp gửi cho người
 
Trăng vạn cổ treo buồn trên đỉnh tháp
Người xa quê, tình Chiêm nữ mang mang
Cuộc hưng phế mù trong lòng bụi cát
Mỹ Sơn ơi xa mất dặm Đồ Bàn
 
Đồi mua tím mấy mùa bông tím thẫm
Người qua cầu, cởi áo, gió bay xa
Tình gửi lại, không tình ai níu giữ
Quán bên đường ngồi uống một mình ta
 
Lần lữa mãi thôi cũng đành lỗi hẹn
Ôi trăm năm nước cứ mãi xa nguồn
Đời như nhánh lục bình trôi ra biển
Giữa muôn trùng, hun hút bóng quê hương.
 
                                              Lê Văn Trung

(Trích thi phẩm Cát Bụi Phận Người xuất bản năm 2006)

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

CD TÌNH NHẠC LÊ HỮU NGHĨA LỜI NHÃ MY

   
         

ĂN MÀY DĨ VÃNG – Thơ Trần Vấn Lệ


   

 
Có những người điên đi trong thành phố này,
Không ai mập béo, họ đều gầy.
Mình nhìn mình cũng xương và xẩu
mỗi lần chớp mắt thấy cay cay...
 
Mình người vong quốc... không còn nước,
Những người điên kia, các anh là ai?
Chúng ta không lẽ đều vong quốc
sao lá cờ sao nặng cứ bay? (*)
 
Năm mươi ngôi sao đều dấu nặng,
một dải Hoàng Sa kệ mẹ mày...
Tất cả máy bay đều sắp sẵn
Không bao giờ nữa xé tung mây!
 
*
Những người điên kia vừa mới điên?
họ vừa từ bỏ tuổi thanh niên?
họ đều bỏ nước ra ngoài biển
Đại Dương trăng và sao mỗi đêm!
 
Cũng đến bến bờ như bản đồ
mà không cờ xí tiếng hoan hô!
Họ buồn lắm chớ, ai mà biết
họ hóa ra người có con mắt khô!
 
Họ cũng như tôi, người bỏ núi
gọi tên Đà Lạt nghẹn như vừa
nuốt cơm có sạn ê răng quá
lau con mắt hình như cũng kịp mưa!
 
*
Mỗi đứa ngả lưng xuống đất nằm
mỗi thằng có nhớ thơ Thâm Tâm:
"Đưa người ta không đưa qua sông
sao nghe tiếng sóng nổi trong lòng..."
 
Không ai han hỏi gì ai cả,
người cán binh bồng cây súng ngó trăng...
 
                                           Trần Vấn Lệ

(*) Cờ Mỹ, nước Mỹ, USA, United States of America, có 50 ngôi sao. Lá cờ Mỹ rất nặng nếu ta cầm lên, thấy có 50 chữ Sạo!  Cờ Trung Quốc có 5 thôi.  Cờ TA thì một.  May mắn vô cùng nên lòng TA nhẹ tênh!  Nguyễn Công Trứ điên bèn ngâm thơ:  "Buồn buồn ngồi trách ông Xanh, khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười!  Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo...".  Ngũ thập niên tiền...Người điên khóc ngất!  Đà Lạt ơi em còn hay mất? "Hai Thiêng Liêng" tiểu thuyết của Nguyễn Vỹ... chỉ là một cơn say?

BÀI THƠ GÕ TRÊN VI TÍNH – Thơ Lê Phước Sinh


   


BÀI THƠ GÕ TRÊN VI TÍNH
 
Rời rạc chữ như những tờ lịch nghì canh,
mùa xuân chưa nứt, sương còn đọng lệ.
Em quay mặt nhìn về
khoảng không trống rỗng,
giữ chút niềm tin hoang đãng mơ hồ.
 
Quả lắc theo nhịp thời gian
đổ ngả về phía trước.
 
                                      Lê Phước Sinh

XUÂN NAY, VỀ THĂM QUẢNG TRỊ, QUÊ MIỀNG, TRƯỜNG XƯA, HAI BÊN CẦU, BỐN MƯƠI SÁU NĂM, THỜI GIAN - Thơ Chu Vương Miện


  

 
XUÂN NAY
 
Nhớ xuân xa
Quê người
Nhớ quê ta
Khi xưa trẻ
Nay đã già
Đôi khi nhớ mẹ nhớ cha
Cuối năm đoạn tháng
Bệnh dịch chết tràn hà
Hết châu này qua châu khác
Hết xứ này qua xứ khác
Đường mỗi ngày mỗi vắng
Hoạ hoằn chuyến xe qua
*
Tất cả đã lãng quên
Không thư
Không thăm
Không hỏi
Đất nước như dài thêm
Lòng người đang hẹp dần
Trước lạ sau quen
Tình cảm như cạn dần
Thơ càng ngày càng nhièu
Người thơ càng ngày càng đông
Không ai có thì giờ
ở không
mà đọc thơ chung chung
nhiều năm nhớ nhà
nhớ nhiều quá
 

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

CA KHÚC “THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG” DO NHẠC SĨ DUY KHÁNH HAY NHẠC SĨ CHÂU KỲ SÁNG TÁC ? – Đàng Sa Long

 

“Thương về miền Trung” là một ca khúc nhạc vàng, được nhạc sĩ Duy Khánh soạn nhạc và lời, trình diễn vào năm 1962.
 
Quê của nhạc sĩ Duy Khánh không phải ở xứ Huế, tuy nhiên phần lớn tuổi thơ của ông đều học Trung học và lớn lên ở Huế. Chính vì thế, ông đã xem Huế như là quê hương thứ hai của mình. Vì thế, sau này khi ông vào Sài Gòn, ông đã viết một loạt ca khúc nhớ quê hương, như Ai ra xứ Huế, Thương về miền Trung, Trăm năm bến cũ, Bao giờ em quên, Sầu cố đô, Xin anh giữ trọn tình quê,..
 

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2024

NHẠC SĨ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG VÀ CA KHÚC "ĐÊM CUỐI CÙNG" - Huỳnh Duy Lộc


Ảnh:  Phạm Đình Chương với ca sĩ Khánh Ngọc.
 
Anh Phạm Thành, trưởng nam của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đã chép tiểu sử của ông: "Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cả hai thân sinh ra ông đều chơi nhạc cổ truyền. Thân phụ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long. Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
 

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

MÙA XUÂN MỚI – Thơ Nguyễn Khôi


  
                            Nhà thơ Nguyễn Khôi


MÙA XUÂN MỚI
“Khách xa gặp lúc mùa Xuân chín”
                               (Hàn Mạc Tử)
 
Có một mùa Xuân mới đang về
Nghe lòng nao nức tự Sơn Khê
Đêm qua Nguyệt lặng bên bờ giếng
Hoa bưởi thơm lừng dọc ngõ quê…
 
Phố xóm bừng tươi mái ngói hồng
Sập xè cánh Én giỡn trời không
Xe hoa nghẽn lối đường tre nhỏ
Mé ấy hình như gái cưới chồng…
 
Rảo bước chân về xem Tết nhất
Cuối năm “trả lễ” (1) khối người đi
Dì em chừng mải buôn Chợ Tết
Bếp núc lạnh tanh chửa có gì…
 
Ai xa hẹn gặp đêm Trừ tịch
Đi hái Lộc Xuân, xem pháo hoa
Bánh chưng còn đợi trên mâm cỗ
Thịt mỡ, dưa hành… “Xuân ấm no.”
 
       Quê 23 Chạp - Giáp Ngọ 2015
                                Nguyễn Khôi
.....

(1) Trả lễ Bà Chúa Kho (Tp Bắc Ninh)

MÙA HẠN – Thơ Tô Thùy Yên

Bài thơ “Mùa Hạn” của Tô Thùy Yên, viết năm 1979 ở Nghệ Tĩnh. Bài thơ thất ngôn trường thiên gồm 47 khổ,188 câu, là một sử thi bao quát một giai đoạn hậu chiến tuy ngắn nhưng đau thương, tàn khốc và oan khiên nhất lịch sử dân tộc.

 


MÙA HẠN
 
Ở đây, địa ngục chín tầng sâu
Cả giống nòi câm lặng gục đầu
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau
 
Bước tới, chân không đè đá sắc
Vai trần chín rạn gánh oan khiên
Nước khe, cơm độn, thân tàn rạc
Sống chẳng khôn, cầu được thác thiêng
 
Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc
Than ôi, trời đã bỏ rơi dân!
Nắng kim khí chảy, đá rạn nứt
Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn
 
Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng
Muông thú điên lầm lũi bỏ đàn
Dân làng lũ lượt kéo lên rú
Lùng sục đào khoai củ đã khan
 
Côn trùng kiệt sức lìa hang ổ
Lên chết thiêu trên mặt đất hừng
Ác điểu ngày đêm gào xáo xác
Cơ hồ cả thế giới lâm chung
 

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

NỮ TƯỚNG DUY NHẤT TRONG SỬ VIỆT GIẢ TRAI ĐI ĐÁNH GIẶC - Kim Nhã


Nguyễn Thị Bành là nữ tướng nổi tiếng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. (Ảnh minh hoạ)

Bà chính là Nguyễn Thị Bành, nữ tướng nổi tiếng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vợ của Nguyễn Chích - khai quốc công thần hàng đầu của nhà Hậu Lê.
 
Theo sử liệu, vào đầu thế kỷ XV, Nguyễn Chích dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược ở Hoàng Nghiêu (Thanh Hóa). Dựa vào địa hình hiểm trở, nhiều vách núi dựng đứng, Nguyễn Chích nhiều lần đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Minh.
 

NHỚ VỀ LÊ TRUNG, HỌA SĨ CỦA GIỚI BÌNH DÂN MIỀN NAM - Phạm Công Luận


Họa sĩ Lê Trung

Năm 1954, nhà văn kiêm nhà thơ Tô Kiều Ngân cùng nhà thơ Thanh Nam làm tờ tuần san Thẩm Mỹ. Trong quá trình làm tờ này, hai ông gặp một chuyện rắc rối không đỡ nổi.
 
Trong cuốn di cảo “Mặc khách Sài gòn” (Nhã Nam - NXB Hồng Đức 2014), ông Tô Kiều Ngân kể lại chuyện này: “Bài phê bình hội họa miền Nam của Tạ Tỵ dùng trong số báo ấy đã đụng chạm đến một số anh em cầm cọ quen biết. Tỵ chê tranh thiếu nữ của Lê Trung là “vẽ bức nào” cũng giống nhau như chụp hình, thiếu sáng tạo” trong khi Lê Trung được đa số độc giả, nhất là phụ nữ ưa thích. Tranh thiếu nữ mượt mà của họ Lê thường được dùng làm bìa báo tết và in lịch. Phản ứng lúc bấy giờ khá dữ dội. Ngày nào tòa soạn cũng nhận được thư hoặc gửi cho chủ báo, hoặc đề gửi cho Tạ Tỵ, mà hầu như thư nào cũng chứa đựng những lời mạt sát nặng nề, thô bạo. Chủ báo rầu thúi ruột. Chúng tôi cũng rầu nhưng sợ Tạ Tỵ buồn nên giấu nhẹm sự việc và hủy các lá thư đó đi.”
 

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

THƯ CA SĨ THANH MAI GỬI NHẠC SĨ QUỐC DŨNG – Đàng Sa Long



Đó là vào năm 1972, Mai được gặp anh ở nhà thầy của Mai là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Anh gặp Mai lần đầu nhưng Mai đã thấy và biết anh trên truyền hình, bởi lúc đó anh đã là một nhạc sĩ trẻ, tài năng. Chú Nguyễn Ánh 9 đã đệm đàn cho Mai và anh hát chung để thử hai giọng hát có hợp nhau không? “Ai Đưa Em Về” ra đời từ đó, một sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bay xa với hai tiếng hát lần đầu kết hợp và đây cũng là ca khúc đầu tiên hai anh em hát chung với nhau trên truyền hình. Ca khúc thứ hai, Mai còn nhớ là bài “Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời,” của nhạc sĩ Phạm Duy. Đây là hai ca khúc đầu tiên mà Mai và anh cùng hát với nhau.
 

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

“LÀM ĐĨ”, TIỂU THUYẾT CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG - Vietales.vn


Bìa tác phẩm "Làm đĩ" trong bản dịch "Making a whore" của nhà Major Books.
 
Vũ Trọng Phụng viết xong "Làm đĩ" gần 100 năm trước. Khi mới ra mắt, nó gây tranh cãi dữ dội. Người cho rằng nó là tiểu thuyết dâm ô độc hại. Tuy nhiên, những người khác lại nhìn nhận đây là một quyển sách mang đầy giá trị nhân văn.
 

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

SỨC MẠNH CỦA CÁI ĐẸP TRONG “CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ” CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN - Thái Văn Phú


Hình ảnh: Hương Lê
 
Nhà văn thiên tài người Pháp thế kỉ XIX Vích-to Huy-gô đã từng cho rằng: “Tác phẩm nghệ thuật ưu tú là tác phẩm đạt đến tính tuyệt đối”. Nghĩa là nghệ thuật không chấp nhận cái bình thường, tầm thường mà phải luôn tìm kiếm và vươn tới cái hoàn mĩ, cái cao cả. Có lẽ khi viết “Chữ người tử tù”, một truyện ngắn mang đầy đủ những yếu tố đặc trưng của văn học lãng mạn, nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã từng nghĩ tới nhận định ấy.
 
Nếu Vích-to Huy-gô xem cái tầm thường giết chết nghệ thuật thì suốt đời Nguyễn Tuân theo đuổi và tôn thờ cái đẹp, đưa nó lên như một thứ tôn giáo, một thứ tín ngưỡng và niềm tin. Là nhà văn của chủ nghĩa duy mĩ, thích cái đẹp, cái độc đáo, thích sự cầu kì, Nguyễn Tuân đã tạo cho mình một thế giới những nhân vật đặc biệt, những hoàn cảnh đặc biệt và những cá tính không lặp lại. Dẫu nhiều độc giả có đôi lúc cũng tỏ ra khó chịu vì sự quá mức cầu kì trong câu chữ, trong những hình ảnh và hoàn cảnh được chọn lựa, song hiếm có ai không trân trọng sự lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, đầy công phu của nhà văn họ Nguyễn.
 

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

NĂM MƯƠI NĂM TẠI SAO HAI THẾ KỶ - Thơ Trần Vấn Lệ


   


NĂM MƯƠI NĂM
TẠI SAO HAI THẾ KỶ
 
Còn đấy chớ, những hàng phong chưa rụng,
lá vàng tươi... mà nắng cũng vàng tươi.
Mưa ở đâu? Đây vẫn có mặt trời,
nắng rực rỡ những ngày mùa Đông trắng!
 
Đôi tình nhân đi bên nhau im lặng.
Đã nhiều chiều chưa tới sáng ngày Xuân.
Những dãy nhà cao có lẽ quá gần,
chúng cản gió nên hàng phong không rụng?
 
Đôi tình nhân không vì yêu đời sống
mà họ yêu nhau nên mãi bên nhau!
Có nhiều điều ta chẳng hiểu tại sao:
Sông hai đầu nước chảy xuôi một hướng...
 
Chúa Jésus ra đời hai ngàn năm chưa lớn,
Cuối năm nào cũng có Lễ Noel!
Có nhiều điều mà chúng ta đã quên:
"Là Chân Lý Không Phải Là Chân Lý"!
 
Sắc tức thị Không!
Không tức thị Sắc!
Nhắm mắt đi!  Thấy chân dung của Phật!
 
Rồi
Hãy mở mắt ra
thấy cái gì Chúa cất
dành tặng ta là... Hai Chữ Tình Yêu!
 
*
Tôi hỏi hàng phong:  "Có biết chăng chiều...
đang lạnh lắm, lạnh chưa nhiều, có phải?
Hay lá phong ngửa lòng phơi mặt trái
nên nắng còn vàng mướt lá tương tư?".
 
Ai có bao giờ cầm giấy hôn thơ...
hôn cái chữ, cái tấm lòng thơ nhỉ?
Năm mươi năm, tại sao hai Thế Kỷ?
Ba đời người:  Ông Nội, Cha, Con...
 
Hai Thế Kỷ nai lưng, sông cạn, đá mòn,
Giọt lệ cứ còn... cho lá phong tươi, mãi mãi...
 
                                                 Trần Vấn Lệ

LỖI SAI CỦA CHƯƠNG TRÌNH “VUA TIẾNG VIỆT” TRÊN VTV VỀ THÀNH NGỮ: “LIỆU CƠM GẮP MẮM” – Hoàng Tuấn Công



Trong chương trình Vua Tiếng Việt (1/11/2024), cố vấn chương trình, Nhà thơ Hữu Việt giảng:
“Người ta nói là liệu cơm gắp mắm, ngoài cái việc tức là nếu mình mà gắp nhiều quá thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi, nhưng mà nó còn ý nghĩa sâu sắc hơn, tức là chúng ta phải liệu cái chừng mực trong cái công việc, hay trong hành xử làm sao cho nó hợp lí,…”
Cách giảng trên đây là một kiểu “Dĩ hư truyền hư”, làm hỏng cả di sản tục ngữ của cha ông (*).

 1-   GIẢNG SAI NGHĨA ĐEN

Xưa kia, nhà nông thiếu thốn đến từng hạt muối trắng. Với thức ăn thì càng thiếu thốn, khan hiếm. Tương cà, mắm mặn phải chia ra ăn dần ăn dè trong cả năm (Thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản – Tục ngữ).  Câu tục ngữ “Có cà thì thôi gắp mắm”, “Có dưa thì chừa rau”, “Liệu cơm gắp mắm”, khuyên người ta phải tằn tiện, vén khéo, có cái này ăn thì cái kia phải để dành; phải tính toán, chi dùng sao cho tiết kiệm, vừa đủ, tránh lãng phí. Thế nên ông Lê Văn Bài (Thanh Hoá) mới có đôi câu đối:

-Tích cốc phòng cơ, chớ xa hoa, hãy nhớ thiên tai còn khắc nghiệt,
-Liệu cơm gắp mắm, không lãng phí, đừng quên đất nước vẫn chưa giàu.

Và ông quan triều Lê Nguyễn Minh Triết (1578 – 1673) thuở hàn vi từng có bài thơ “Hà tiện”, trong đó “Dặn vợ có cà đừng gắp mắm”:

“…Dặn vợ có cà đừng gắp mắm,
Bảo con bớt gạo bỏ thêm khoai.
Thế gian mặc kẻ cười hà tiện,
Ta chẳng phiền ai chẳng luỵ ai.”
                                    (Hà tiện)

Riêng với mắm, mỗi bữa ăn người ta phải trù liệu để “gắp ra” sao cho vừa đủ dùng cho cả nhà. Nếu gắp quá nhiều, mắm thừa (đã đụng đũa vào) thì không thể bỏ lại vào chĩnh/vại nữa (bỏ mắm đã ăn dở vào dễ hỏng cả chĩnh mắm), mà để lại ăn bữa sau thì không bảo quản được.
Mắm ăn thừa để lại mất ngon, úp đầu chạn cuối chạn, cuối cùng bỏ đi, rất phí phạm. Thế nên dân gian mới có câu ca:

Liệu cơm mà gắp mắm ra,
Liệu cửa liệu nhà em lấy chồng đi
Nữa mai quá lứa nhỡ thì
Cao thì chẳng tới thấp thì chẳng thông.                                                                                               (Ca dao)



Hãy lưu ý các cụm từ “liệu cơm”“gắp mắm ra” của dân gian.
“Cơm” ở đây bao gồm tất cả đồ ăn thức uống trong một bữa ăn. Ví dụ “Nấu cơm cho ba người ăn” là chuẩn bị bữa ăn cho ba người. “Liệu cơm gắp mắm” có nghĩa là tính toán nhu cầu thức ăn tương ứng với  lượng cơm và số người ăn cơm. Bởi thế “gắp mắm” không phải là “gắp” để “bỏ vào bát của người ăn cơm”, “để trộn mắm” với cơm trong bát, mà là “gắp mắm” từ trong chĩnh/vại RA BÁT nhỏ, để DÙNG LÀM THỨC ĂN CHUNG cho BỮA CƠM CỦA CÀ NHÀ.

Như thế, “Liệu cơm gắp mắm” ở đây là lời khuyên phải biết tiết kiệm, tính toán, trù liệu, tránh tình trạng “gạo thiếu cơm thừa” (cái này mới là đáng để đúc kết thành tục ngữ), chứ không phải khuyên người ta cách ăn mắm sao cho vừa miệng, “gắp nhiều quá ấy thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi”.

Dân gian đâu có hời hợt, nông cạn như vậy.

Nên nhớ, dù trên mâm chỉ có hai món, mắm và rau chăng nữa thì cũng không ai gắp đầy mắm vào bát một lần, sau đó trộn đều, rồi nếu lỡ có quá tay, mặn đắng cũng đành ăn liên tù tì cho hết cả bát, đến bát sau lại chuyển sang ăn những rau là rau. Vả lại, câu tục ngữ nói về sự tính toán, trù liệu, tiết kiệm trong ăn uống, chi dùng, chứ đâu phải kinh nghiệm ẩm thực, mà bảo “nếu mình mà gắp nhiều quá ấy thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi”?

 
2- GIẢNG NGHĨA BÓNG THIẾU CHÍNH XÁC
 
Lời giảng “liệu cái chừng mực trong cái công việc, hay trong hành xử làm sao cho nó hợp lí” dành cho câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm” không rõ ý, thậm chí là thiếu chính xác. Bởi nếu hiểu câu giải thích của vị cố vấn gồm hai ý: Liệu cái chừng mực trong công việc làm sao cho hợp lí, thì quá chung chung, mơ hồ;  còn hành xử sao cho hợp lí, thì “hành xử” là nói về thái độ, cách xử sự, ứng xử giữa người và người, chứ không phải cách thức tiến hành công việc.
 
Vậy nghĩa của câu “Liệu cơm gắp mắm” nên được giảng như thế nào?
 
Như chúng tôi đã phân tích ở trên, “Liệu cơm gắp mắm” vốn có nghĩa đen (hiện vẫn được dùng trong thực tế), đó là ước lượng, trù liệu để lấy mắm ra ăn sao cho vừa đủ, tiết kiệm, không lãng phí. Nghĩa bóng được hiểu khá rộng:
1-Căn cứ vào yêu cầu, hoàn cảnh cụ thể mà trù tính, liệu biện cho hợp lý, sát đúng;
2-Tuỳ theo điều kiện, khả năng cụ thể của mình mà đưa ra cách làm thích hợp.
 
Có thể đưa ra một số ví dụ. Ít người ăn mà lại nấu cơm quá nhiều, hoặc ngược lại, nhiều người ăn mà lại nấu cơm quá ít; lại như tiền không có nhưng lại bày vẽ ra làm quá lớn,… thì đều có thể gọi là KHÔNG BIẾT LIỆU CƠM GẮP MẮM. Đây không phải là “hành xử”, mà là tính toán, trù liệu trong công việc.
 
Với thành ngữ tục ngữ, một khi không hiểu đúng nghĩa đen, thì khó lòng mà hiểu nghĩa bóng cho sâu sắc và chính xác.
Như vậy, thêm một lần nữa, Vua Tiếng Việt không chỉ thất bại với mục đích "giúp người chơi và khán giả khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt" do chính Chương trình này luôn tự đề cao, mà ngược lại còn phá hỏng cả di sản tục ngữ của cha ông.
 
                                                                              Hoàng Tuấn Công
                                                                                     9/12/2024
--------
(*) Ghi chú:
Cách giải thích của cố vấn chương trình Vua Tiếng Việt có thể được xem là “Dĩ hư truyền hư”, bởi từ năm 2022, chúng tôi đã có bài viết “TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI “LIỆU CƠM GẮP MẮM”, phản biện lại rất nhiều cái sai, trong đó có một điểm sai giống như vị cố vấn Vua Tiếng Việt đã giảng (Đoạn chúng tôi chia sẻ trên đây được trích ra một phần từ bài viết này). Mời bạn đọc tham khảo trong TCTP:
 
https://tuancongthuphong.blogspot.com/.../trao-oi-voi-tac...