BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2023

CHỮ NHO... DỄ HỌC (1) – Đỗ Chiêu Đức


                             
LỜI NÓI ĐẦU
         
"CHỮ NHO... DỄ HỌC". Trước tiên, đây là những hồi ức của một thời giảng dạy chữ Nho trên lớp, được viết lại để gợi nhớ cho một thuở vàng son đã đi qua, và cũng để tự ôn tập lại những kiến thức đã lâu ngày bị bỏ xó vùi chôn trong đống tro tàn của dĩ vãng. Vì thế, "CHỮ NHO... DỄ HỌC" là những bài viết trao đổi trên mạng qua hình thức email với các bạn bè, thân hữu, cựu học sinh, sinh viên ... ở hải ngoại trên khắp thế giới với mục đích vừa tiêu khiển, vừa gợi nhớ, vừa nhắc nhở lại những gì của quê hương Tổ Quốc đã qua để làm ấm lại chút lòng của những kẻ tha phương cầu thực đang sống tạm dung nơi xứ lạ quê người.
         
Vì là những bài viết trao đổi nhau để cùng học tập, nên "CHỮ NHO... DỄ HỌC" không phải là những bài học nghiêm chỉnh như sách giáo khoa chính thống. Đây chỉ là những bài giảng mang tính chất phiếm luận, tùy hứng và tự nhiên như là những lời đang giảng trên lớp của một giảng viên thỉnh giảng không một chút chính quy nào cả!
        
Cho nên, " CHỮ NHO... DỄ HỌC " được viết với những thói quen như sau:
   - Sử dụng từ ngữ tự nhiên của người dân đồng bằng Nam Bộ theo tập quán của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh. Sử dụng nhiều từ " Thì, Là, Mà..." như đang nói chuyện.
   - Giảng lan man tùy hứng như một bài phiếm luận không theo một trình tự nào nhất định cả. Vừa cổ vừa kim, khi Đông khi Tây, lúc văn ngôn lúc thì bạch thoại....
   - Đôi khi lặp tới lặp lui nhiều lần một điển tích, một giai thoại văn học, một từ ngữ đặc biệt... để người đọc dễ nhớ và khỏi phải tra cứu lại tài liệu hay mất công tìm lại ở những bài viết trước.
   - Không có phần bài tập cho mỗi cuối bài, mà thay vào đó là phần Câu Đố Chữ lý thú cho mỗi cuối bài học.
       
"CHỮ NHO... DỄ HỌC" được soạn là do sự cổ vũ khuyến khích của các thân hữu gần xa với chút lòng của kẻ tha hương dị quốc ước mong được góp một chút gì đó để duy trì văn hóa dân tộc cho các thế hệ mai sau.
   
Học hải vô nhai, biển học mênh mông, dù cho có cẩn trọng như thế nào cũng không thể tránh khỏi có điều sai sót. Kính mong các bậc cao minh niệm tình hạ cố chỉ giáo cho.       
Rất lấy làm hân hạnh ! 
                                                                                        杜紹德
                                                                                   Đỗ Chiêu Đức 
*             
CHỮ NHO ... DỄ HỌC 
                                      
Bài 1:
          
Như ta đã biết, chữ NHO tức là chữ Hán cổ, công cụ dùng để truyền bá đạo Nho của đức Khổng Phu Tử mà thành tên. “Chữ Nho … Dễ Học” là cách nói khuyến khích cho người học bớt thấy khó khi học chữ Nho mà thôi.            
Chữ Nho được hình thành bởi Lục Thư là : Tượng Hình, Chỉ Sự, Hội Ý, Hài Thanh, Chuyển Chú và Giả Tá. Bây giờ thì ta bắt đầu ...Vỡ Lòng bằng chữ Tượng Hình nhé!

1. TƯỢNG HÌNH 象形 :          
Tượng Hình tức là vẽ lại hình tượng của người, vật, sự vật một cách tiêu biểu, đơn giản để làm chữ viết. Tiếng Anh gọi là Chinese Pictographs.          
Ai cũng biết chữ NHÂN là người được viết như thế nầy . Đây là chữ Tượng Hình đơn giản nhất, cơ bản nhất và cũng... Tượng hình nhất : Hình người đứng xoạt 2 chân hiên ngang giữa trời đất đúng như sách Tam Tự Kinh ngày xưa dạy : Tam tài giả, THIÊN ĐỊA NHÂN 三才者,天地人。( TAM TÀI là TRỜI, ĐẤT và NGƯỜI ). Con Người là một thành viên của vũ trụ, hợp với Trời và Đất tạo nên cái thế giới nầy ! Nên ...
          
Khi cần diễn tả sự to lớn thì chữ nhân dang thêm hai tay ra theo lối CHỈ SỰ 指事  ( Mượn việc dang hai tay ra để chỉ sự to lớn gọi là Chỉ Sự  ) thành chữ ĐẠI , theo diễn tiến của chữ viết sau đây:

                 
                 Giáp Cốt Văn                                 Đại Triện

              
                   Tiểu Triện                                       Lệ Thư    
                        
ĐẠI là To, là Lớn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng phát sinh : là Vĩ Đại, là Trưởng thành ... Nhưng ...         
Con người dù cho có cao lớn đến đâu cũng không thể cao lớn bằng Trời được, cho nên thêm một nét ngang tượng trưng cho bầu trời lên phía trên chữ Đại, thì ta có chữ THIÊN là TRỜI, được hình thành theo lối HỘI Ý 會意 , theo diễn tiến của chữ viết như sau đây :

                
                 Giáp cốt văn                                     Kim văn 

                 
                   Đại Triện            Tiểu triện             Chữ Lệ
                
Theo như Giáp cốt văn và Kim văn ở trên, ta thấy rõ ràng hình người có cái đầu to tượng trưng cho Đầu Đội Trời, Chân Đạp Đất, gọi là " Đỉnh thiên lập địa 頂天立地 " như Từ Hải vậy:
                     
ĐỘI TRỜI đạp đất ở đời,               
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.
 
Nên ...       
THIÊN là TRỜI, nghĩa phát sinh là Ngày, là Mùa. Như Kim Thiên 今天 là Hôm nay  (giống như chữ Kim Nhật 今日) , Đông Thiên 冬天 là Mùa Đông...
         
Nói đi rồi nói lại, về mặt thể chất con người không thể cao bằng Trời, lớn bằngTrời được, nhưng có những người cũng có chí muốn CHỌC TRỜI quấy nước làm nên những chuyện Kinh Thiên Động Địa. Cho nên, chữ Thiên mà nhô đầu lên theo chiều dọc để choc thủng trời thì sẽ thành chữ PHU là người đàn ông cao lớn mạnh khỏe hiên ngang đứng giữa trời đất, theo diễn tiến của chữ viết như sau:    
      
             

              

PHU : là Người đàn ông trưởng thành, mạnh mẽ, hiên ngang mà các bà các cô ai cũng ước mong trở thành người hôn phối của mình, nên ...
        
PHU còn có nghĩa là CHỒNG với các từ ghép nghe cho êm tai và âu yếm là : Phu Tế 夫婿, Phu Lang 夫郎, Phu Tướng 夫相, Trượng Phu 丈夫 ... Như trong Truyện Kiều tả lúc Từ Hải chia tay với Kiều để  lên đường lập nghiệp ...
                        
Nửa năm hương lửa đang nồng,              
TRƯỢNG PHU thoát đã động lòng bốn phương.
        
Chữ PHU lại làm cho ta ...
... Nhớ lại 2 câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là:
                
Duyên THIÊN chưa thấy nhô đầu dọc,               
Phận LIỄU sao đà nẩy nét ngang?
        
Duyên THIÊN là duyên trời run rủi, chưa thấy nhô đầu dọc, là chưa thành chữ PHU , nghĩa là chưa có chồng.        
Phận LIỄU   ( là Liễu bồ, là Phận gái) sao đà nẩy nét ngang  ? Chữ LIỄU mà nẩy nét ngang thì sẽ thành chữ TỬ là CON. Nên 2 câu thơ trên có nghĩa:
                 
Duyên trời nào thấy đâu run rủi,                 
Phận gái sao đà đã có con?
        
Trong dân gian Nam Kỳ Lục Tỉnh, lúc nhỏ tôi cũng thường nghe bà con lối xóm hát rằng:
                 
Không chồng có chửa mới ngoan,                
Có chồng có chửa thế gian sự thường!
        
Về chữ LIỄU là Kết thúc, kết liễu, đồng âm với chữ LIỄU là Dương Liễu chỉ phái nữ mềm yếu dịu dàng ẻo lả như nhánh liễu. Ở đây, Hồ Xuân Hương đã chơi chữ bằng cách sử dụng từ Đồng Âm để đánh đồng 2 chữ Liễu theo âm Hán Việt. Chớ chữ Liễu là Dương Liễu thì làm sao có được nét ngang mà "nẩy"?!
   
Những chữ Tượng Hình tiêu biểu nhất là các chữ sau đây: 
  
              

                
           
* Chữ NHẬT là Mặt trời, là ngày.         
Hình mặt trời có một đường ngang ở giữa tượng trưng cho những vật thể ở bên trong mặt trời. Từ lúc mặt trời mọc cho tới lúc mặt trời lặn, là Ban ngày, là 1 Ngày. Lúc nhỏ, khi vào trường Tân Triều Cái Răng học làm câu đối với Bác Sáu (Thầy Hiệu Trưởng về mặt hành chánh của trường lúc bấy giờ). Bác có đọc cho một câu đối thật hay về Tết như sau:                
Nhựt nhựt nhựt nhựt bình an nhựt,  日日日日平安                
Xuân xuân xuân xuân như ý xuân!  春春春春如意春。
    
4 chữ Nhựt đi liền nhau có nghĩa: Hết ngày này qua ngày khác, nên câu đối trên có nghĩa là:
    * Hết ngày này qua ngày khác đều là những ngày bình an.
    * Hết xuân này đến xuân kia đều là những mùa xuân như Ý !

        
    


              

* NGUYỆT là Mặt Trăng, là Tháng:          
Hình lưỡi liềm của vầng trăng khuyết để phân biệt với hình tròn của mặt trời. Từ lúc trăng tròn cho đến lúc trăng khuyết, rồi lại tròn, chu kỳ là Một Tháng. Thường ta hay nghe nói đến từ TUẾ NGUYỆT 歲月. TUẾ là Tuổi. Mỗi tuổi là một Năm, nên Tuế cũng có nghĩa là Năm. Ta có từ Vạn Tuế là Muôn Tuổi. Và TUẾ NGUYỆT là Tháng Năm, là Năm Tháng như thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài Thăng Long Thành Hoài Cổ:
                 
Đá vẫn trơ gan cùng TUẾ NGUYỆT,                  
Nước còn cau mặt với tang thương!
        
Trong văn học ta còn thấy chữ NGUYỆT hiện diện trong bài hát nói CHỮ NHÀN của Cụ Nguyễn Công Trứ với 2 câu thơ chữ Hán rất nổi tiếng mà ai cũng đã từng học qua :
                 
Thị tại môn tiền náo,             市在門前閙,                
NGUYỆT lai môn hạ nhàn.   月來門下閒。
 
Có nghĩa:
* Chợ búa ở trước cửa nhà thì ồn ào náo nhiệt.
* Ánh trăng chiếu chênh chếch xuống trước cửa, thì cảnh trí trông rất nhàn hạ.
           
Đây là lối chơi chữ của cụ Nguyễn Công Trứ, vì chữ THỊ là Chợ đặt phía trước bên dưới chữ MÔN là Cửa thì thành chữ NÁO là Ồn Ào Náo Nhiệt.
Còn...          
Chữ NGUYỆT là Mặt Trăng đặt ở phía dưới chữ MÔN là Cửa thì thành chữ NHÀN là Nhàn hạ, Rảnh rổi. Nhưng đây là cảnh trí nhàn tản của ban đêm, ta còn có một chữ NHÀN nữa chỉ sự nhàn tản của ban ngày, đó là:
          
Mộc tại môn tiền dã thị nhàn.  木在門前也是閑.

Có nghĩa:       
Có một cái cây phía trước cửa để cho bóng mát và đón gió lúc trưa hè oi bức, thì cũng có vẻ Nhàn Tản lắm chứ !? Nên, chữ MỘC là Cây ghép vào chữ MÔN là Cửa thì cũng thành chữ NHÀN là Nhàn Hạ.
Vậy nên ... Ta có đến        
2 chữ NHÀN, một cho Ban Ngày , và một cho Ban Đêm ! ( Thật ra 2 chữ nầy là Dị Bản của nhau, đều có nghĩa là Nhàn Tản, Nhàn Hạ, là Rảnh Rổi, Ở Không ... Phân biệt ngày đêm chỉ là Phiếm cho vui mà thôi ! ).            

              

             

* MỤC là Con Mắt. Là Mục đích, là Mục Lục, là Đầu Mục.           
Hình vẽ Con Mắt theo hai ba kiểu, khỏi phải bàn cải ta biết ngay chữ MỤC có nghĩa là MẮT. Con mắt là " Cửa sổ của tâm hồn " không có mắt sẽ... không trông thấy gì cả ! Nhìn vào mặt người nào đó là ta thường nhìn ngay mắt của họ. Từ đó chữ MỤC có các nghĩa phát sinh như :
      MỤC là Mục Tiêu, Mục đích.
      MỤC là Mục lục, là Danh Mục.
      MỤC là Tên đầu xỏ : Đầu Mục.
      MỤC là Con số: Số Mục.          
Những thành ngữ ta thường gặp có chữ MỤC như:
      MỤC hạ vô nhân 目下無人"Dưới Mắt Không Người" để chỉ những người cao ngạo phách lối, xem ai chẳng ra gì.
      MỤC tiêu phấn đấu : Nói theo cách nói của từ Hán Việt là Phấn Đấu Mục Tiêu 奮鬥目標, nghĩa cũng như nhau.
      MỤC quang vô thần  目光無神 : là Tia nhìn đã không có tinh thần, ta gọi là Ánh Mắt Thất Thần để chỉ những người bệnh nặng hoặc sắp chết.      
 
Sau đây là ...    
Bảng chữ Tượng Hình tiêu biểu cho người, vật, sự vật:  
 
         
     
Bảng liệt kê ở trên gồm có 10 chữ theo thứ tự như sau:
  
1.     NHÂN : là Người. Hồi nhỏ khi mới học chữ Nho ở ấp Yên Thượng, quận Cái Răng, Tỉnh Phong Dinh, thường nghe bà con lối xóm đọc câu đầu tiên của Tam Tự Kinh như thế nầy:
2.    
                NHÂN CHI SƠ tay rờ cơm nguội,
                TÁNH BỔN THIỆN cái miệng đòi ăn!
 
     Lớn lên đi lính, thì nghe ông Đại Úy của đơn vị nói là:

                NGỌC BẤT TRÁC, BẤT THÀNH KHÍ.
                NHÂN BẤT HỌC, BẤT TRI LÝ !
                Nhỏ mà không học lớn làm Đại Úy!
     Theo quy chế trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Nếu không có bằng Tú Tài thì chỉ lên đến Đại Úy là... đụng la-phong, không thể lên Thiếu Tá được.
 
2. NỮ : là Con Gái, là Phái yếu.
    Ngày xưa, sanh con gái thì kể như không có con, với quan niệm Trọng Nam Khinh Nữ như sau:

                Nhất Nam viết hữu,      一男曰有,
                Thập nữ viết vô.           十女曰無。

Có nghĩa:
      Có một đứa con trai thì kể là CÓ MỘT đứa con. Còn...
      Có 10 đứa con gái thì kể như KHÔNG CÓ đứa con nào. Vì con gái đi lấy chồng sanh con sẽ mang Họ của người khác. Bà con lối xóm hay nói là: "Con gái ăn cơm nguội, ở nhà ngoài !".
 
3. NHĨ : là Tai. Vẽ hình cái Tai ở một bên mặt. 
      
Ta thường nghe câu:            
Khẩu thuyết bất như thân phùng,  說不如身逢,              
NHĨ văn bất như mục kiến.          耳聞不如目見。
 
Có nghĩa:           
Miệng nói không bằng đích thân gặp phải,           
Tai nghe không bằng mắt thấy.
 
4. MÃ : là Con Ngựa. họ Mã, như Mã Giám Sinh chẳng hạn.       
Chữ Mã tượng hình của con ngựa đầy đủ đuôi và 4 chân.        
Câu nói bắt đầu bằng chữ Mã trong Tăng Quảng Hiền Văn là:
          
Mã hành vô lực giai nhân xú,        馬行無力皆因廋,           
Nhân bất phong lưu chỉ vị bần.     人不風流只為貧。
 
Có nghĩa:          
Ngựa chạy không có sức đều do qúa ốm yếu,         
Người không phong lưu cũng chỉ vì nghèo mà thôi!
 
5. NGƯ : là Con Cá.      
Rất rõ ràng, chữ NGƯ từ hình con cá mà ra.       
Cá trong ao tù mà gặp được nước mưa đổ xuống, gọi là: Trì Ngư Đắc Thuỷ 池魚得水. Ta cũng thường diễn tả những chuyện xứng ý hợp lòng bằng câu: Như Cá gặp Nước!         
Để chỉ sự thành công vượt bực thì có câu ví : Như Hóa Long Như  如化龍魚, ta nói là Tựa Cá Hóa Rồng !
 
                 Hóa Long Ngư             
 
Cá Rồng

6. SƠN : là Núi.
       
Hình vẽ tượng hình của ba ngọn núi liền thành một dãy, làm ta nhớ đến câu Ca dao của Việt Nam ta:
                     
Một cây làm chẳng nên non,                  
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao!
       
Sơn đi liền với Thuỷ ta có từ Sơn Thủy 山水, chỉ Phong cảnh có núi có nước, nhưng khi đi với từ Hà là Sông, thì ta có từ Sơn Hà 山河, chỉ Núi Sông là Đất Nước! Ta nhớ câu thơ mở đầu bài Xuân Vọng của Đỗ Phủ là:
                
Quốc phá SƠN HÀ tại,    國破山河在
 
Có nghĩa:            
Nước mất, nhưng Núi Sông vẫn còn đó!
 
7. NHỰT : là Mặt Trời, là Ngày.       
Ta đọc một bài thơ Xuân mở đầu bằng 2 chữ Nhựt nhé!
               
日日人空老,     Nhựt nhựt nhân không lão,               
年年春更歸。     Niên niên xuân cánh quy.              
相歡有尊酒,     Tương hoan hữu tôn tửu,              
不用惜花飛。     Bất dụng tích hoa phi!
 
Có nghĩa:                   
Ngày ngày người thêm gìa nữa,                  
Năm năm xuân đến chẳng sai.                   
Cùng vui còn có chai rượu,                   
Tiếc làm gì cánh hoa bay!       

Đó là bài “Tống Xuân Từ” của Vương Nhai đời Đường.
 
8. NGUYỆT : là Mặt Trăng, là Tháng.          
Nhắc đến Nguyệt, đến Trăng là ta lại nhớ đến Mái Tây, đến Tây Sương Ký:
              
待月西廂下,    Đãi nguyệt Tây Sương hạ,               
迎風戶半開;    Nghinh phong hộ bán khai.        
拂牆花影動,    Phất tường hoa ảnh động,                
疑是玉人來。    Nghi thị ngọc nhân lai!
 
Có nghĩa:                
Đợi trăng dưới mái tây,                   
Cửa hé gió hây hây.                
Cách tường hoa lay động,                
Phải người ngọc tới đây!?
     
Làm ta lại nhớ đến 2 câu trong Kiều:
                     
Mái tây để lạnh hương nguyền,                
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng!

                 
                          
9. VŨ : là Mưa.       
Hình bầu trời nhễu những hạt mưa xuống. VŨ còn đọc là VÕ, đứng đầu trong Tứ Khoái của các cụ ngày xưa:

Cửu hạn phùng cam võ,     久 旱 逢 甘 雨             
Tha hương ngộ cố tri,        他 鄉 遇 故 知              
Động phòng hoa chúc dạ,   洞 房 花 燭 夜              
Kim bảng quải danh thì.    金 板 掛 名 時.
 
Có nghĩa:
                 
Hạn lâu, gặp được mưa rào,                 
Xa quê lại được chào người quen xưa,                 
Động phòng hoa chúc say sưa,                 
Bảng vàng bia đá cho vừa lòng em.!
 
Và...        
Một câu đối bất hủ của Việt Nam ta mà người Hoa không biết, đó là câu đối của thầy trò Nguyễn Giản Thanh đối đáp lúc tan trường trời mưa không về nhà được, Thầy đồ Đàm Thuận Huy đã ra vế trên như sau:
            
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách,   雨無鈐鎖能留客 -      
(Mưa không cần kềm khóa mà vẫn có thể giữ được khách).
 
Cậu học trò Nguyễn Giản Thanh liền đối lại là:
           
Sắc bất ba đào dị nịch nhân,     色不波濤易溺人 -   
(Cái sắc đẹp của phụ nữ, không có sóng gió, nhưng dễ làm chìm đắm con người).
 
10. VÂN : là Mây, Hình đám mây cuốn tròn trên bầu trời.          
Vân Vũ là Mây Mưa, là một hiện tượng thiên nhiên bị bàng dân thiên hạ hiểu lệch nghĩa thành... hành động làm tình của con người do thành ngữ VU SƠN VÂN VŨ 巫山雲雨 của anh chàng Tống Ngọc nước Sở đời Chiến Quốc đã viết bài "Cao Đường Phú", trong đó nói về một thần nữ ở Vu Sơn, sáng làm mây, chiều làm mưa" và Nữ Thần nầy thường thác mộng để ân ái với vua Sở, theo quan niệm cổ xưa thì nữ thần và vua giao hợp có thể làm cho phong điều vũ thuận, ngũ cốc phong đăng. Có nghĩa: Mưa thuận gió hòa, lúa thóc được mùa. Nhưng dân gian lại không chịu hiểu theo nghĩa đó, hễ nhắc đến Sở Vương và Thần Nữ thì sẽ nghĩ ngay đến "Mâymưa ân ái giữa trai gái" mà thôi !          
Để kết thúc chữ VÂN là Mây, cũng như để kết thúc bài thứ nhất nầy mời tất cả cùng đọc lại bài Ca Dao dân gian rất hay, rất gợi cảm và rất... Tượng Hình của ta sau đây:
                     
Trên trời mây trắng như bông,                  
Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây.                          
Cô kia má đỏ hây hây,                    
Đội bông như thể đội mây về làng!
 
         Trên trời mây trắng như bông,                  
 
Đội bông như thể đội mây về làng
 
                                                                                       杜紹德
                                                                                  Đỗ Chiêu Đức 

2 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...

LIỄU 柳
Cây LIỄU, cành lá mềm yếu, rủ xuống rất đẹp.
Như vậy LIỄU 柳 là cây Liễu, chỉ phái nữ mềm yếu dịu dàng ẻo lả như nhánh liễu.
Đoạn trường tân thanh có câu:
“Lơ thơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai”
*
Liễu bồ: 柳 蒲
Cây liễu và cây bồ (tức cây cói), hai loại cây mềm yếu, chỉ người đàn bà.
Đoạn trường tân thanh có câu:
“Hãy xin hết kiếp liễu bồ,
Sông Tiền đường sẽ hẹn hò về sau”.
*
LIỄU 了
Nghĩa là kết thúc, xong xuôi,
Chẳng hạn:
- Liễu kết 了結 còn gọi là kết liễu 結了 nghĩa là chấm dứt.
- Liễu trướng了帳 nghĩa là dứt nợ.
- Liễu sự 了事 nghĩa là xong việc.
*
Hai chữ LIỄU viết theo Hán tự có 2 nghĩa khác nhau rõ ràng.

Cho nên khi nghe ông Đỗ Chiêu Đức viết:
“Phận LIỄU 了 (là Liễu bồ, là Phận gái) sao đà nẩy nét ngang ? Chữ LIỄU 了 mà nẩy nét ngang thì sẽ thành chữ TỬ 子 là CON”
La Thụy tôi thấy ngờ ngợ sao sao đó !!!
*
Nhưng, ông Đỗ Chiêu Đức đã nói lại ở đoạn sau:
“Về chữ LIỄU 了 là Kết thúc, kết liễu, đồng âm với chữ LIỄU 柳 là Dương Liễu chỉ phái nữ mềm yếu dịu dàng ẻo lả như nhánh liễu. Ở đây, Hồ Xuân Hương đã chơi chữ bằng cách sử dụng từ Đồng Âm để đánh đồng 2 chữ Liễu theo âm Hán Việt. Chớ chữ Liễu là Dương Liễu thì làm sao có được nét ngang mà ‘nẩy’?!”

Bâng Khuâng nói...

Theo La Thụy
Chữ LIỄU chỉ phái nữ mềm yếu dịu dàng ẻo lả như nhánh liễu là THÙY LIỄU 垂柳 , có lẽ không phải là DƯƠNG LIỄU 杨柳 (楊柳) còn gọi là “cây Phi lao”
Thuỳ 垂: rủ xuống, xòa xuống, buông, cúi
Thùy liễu 垂柳: cây liễu rủ
Nguyễn Du viết:
“Thành nam thùy liễu bất câm phong” 城南垂柳不禁風
(Thương Ngô Trúc Chi ca)
Phía nam thành, liễu rủ không đương nổi với gió.