BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

BÊN KIA MIỀN IM LẶNG – Thơ Lê Văn Trung


   

 
BÊN KIA MIỀN IM LẶNG
 
Rồi khi nắng tắt ngoài hiên vắng
Ai rót vào ta những nhạt phai
Ta đi cho hết vòng luân lạc
Ta qua cho hết trời thiên tai
 
Xin gọi nhau về bên cõi hẹn
Một MIỀN IM LẶNG giữa vô biên
Xin gửi thiên thu lời ánh sáng
Soi từng hạt bụi rơi ưu phiền
 
Ta đi như thế ta là mây
Ta đi như thế ta là gió
Ta đi như lá đã lìa cây
Là đi như hoa tàn hương nhụy
 
Ta đi nhẹ nhàng như khe suối
Ta đi vội vã như thác ghềnh
Ta xuôi về tận trời quên lãng
Ta về BÊN KIA MIỀN LẶNG IM.
 
                                 Lê văn Trung
                                   13. 09. 24

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

CHÂN DUNG “GIANG HỒ” CHỢ LỚN: TÍN MÃ NÀM - Vinhhuy Le


Huynh đệ "Mã thầu dậu" ở Cholon hồi đầu thế kỷ XX.

Tay anh chị Chợ Lớn Tín Mã Nàm là một trong những nhân vật được đề cập trong tập truyện ký “Những người săn bắt cướp” của nhà văn-nhà báo Nguyễn Như Phong. Sau đó, hình tượng nhân vật này được khắc họa hư cấu thêm, thành tuồng cải lương “Vụ án Mã Ngưu” [1] nổi tiếng một thời.
Những thông tin sai lạc ngày càng được bồi đắp, nhấn nhá, khiến sự thực về nhân vật truyền kỳ Tín Mã Nàm càng thành quái đản, dị dạng, tâm thần.
 
Chỉ riêng cái tên Tín Mã Nàm cũng được giải thích tầm xàm. Người thì lấy tiểu sử của “Tư Hải Phòng”, một du đãng hạng ba, hạng tư của Chợ Lớn để thêm thắt và khoác vào cho Tín Mã Nàm, biến Nàm thành Trần Hoài Tư với những thành tích gian dâm hạ đẳng. Kẻ thì cho Tín Mã Nàm tên là “Mã Thầu Dậu” mà không hề biết rằng cái tên Mã Thầu Dậu vốn không phải danh từ riêng, và chữ Mã trong đó chẳng hề dính dáng gì đến con ngựa [2]!
 

HÀ MAI ANH & TÂM HỒN CAO THƯỢNG – Trinh Anh Khoi


Dịch giả Hà Mai Anh
 
Nhà giáo Hà Mai Anh là thầy của rất nhiều học trò trước năm 1975. Trong dịch thuật, các tác phẩm của ông hầu hết đều chọn lọc nội dung hướng thượng, mang những lời dạy bảo của các bậc sinh thành.
 
Năm 1938, quyển Công Dân Giáo Dục của nhà giáo Hà Mai Anh xuất bản tại Nam Định, được chấp thuận dùng làm sách giáo khoa. Rồi quyển Tâm Hồn Cao Thượng, bản dịch của ông, đoạt giải thưởng Văn chương của Hội Alexandre de Rhodes, Hà Nội 1943. Quyển ấy được xem như một dạng Luân lý Giáo khoa thư của thế kỷ 20 và trở thành sách hay cho nhiều thế hệ thiếu niên Việt trong suốt nhiều thập niên. Sách được tái bản nhiều lần. (1)


Nên biết, có những tác phẩm mà bản dịch đã thể hiện rất tốt văn phong lẫn nội dung gốc, nên chính chúng cũng được nổi danh và lưu truyền qua nhiều thập niên. Điển hình như Thủy Hử, người ta phải nói đến bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải, hoặc The Godfather thì phải do Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ, thế thì Les Grands Coeurs của Edmondo De Amicis, là phải qua bản dịch của Hà Mai Anh.
 

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

VẦNG TRĂNG XẺ ĐÔI VẪN IN HÌNH BÓNG MỘT NGƯỜI! – Phạm Hiền Mây



Nếu như Phạm Duy có Bên Cầu Biên Giới khiến hàng triệu con tim khán thính giả phải bồi hồi, say đắm, đê mê, theo giấc viễn mơ của chàng trai trẻ, một giấc mơ đẹp không biên giới, lãng mạn và tình tứ, bay bổng và đầy khát khao, được viết năm một ngàn chín trăm bốn mươi bảy, khi Phạm Duy vừa tròn hai mươi sáu tuổi, thì...
 
Thì, Nguyễn Văn Đông (1932-2018), vào năm một ngàn chín trăm năm mươi sáu, tức sau Phạm Duy mười năm, lúc vừa tròn hai mươi bốn tuổi, có Chiều Mưa Biên Giới.
 
Chiều Mưa Biên Giới của Nguyễn Văn Đông là một trong những sáng tác đầu tay của nhạc sĩ, và cũng là một trong những nhạc phẩm được khán thính giả bốn phương yêu mến nhất, là ca khúc hay nhất, thành công nhất của ông, cũng như, đem lại cho tác giả nhiều lời ngợi khen nhất.
 

NHỮNG NGƯỜI THƯỢNG ĐỨNG CƯỜI TRONG NẮNG ĐẸP CHỚ QUÊ NHÀ MÃI MÃI THƠ – Trần Vấn Lệ



Hôm qua... nắng lại giống hôm kia, chờ đợi hơi mưa chẳng thấy về!  Vài bữa nữa thôi, Hè chấm dứt, phượng trường xưa chắc rụng từ khuya?
 
Ờ khuya thì mát, đêm thì gió, chỉ nắng ban ngày, đủ xót xa!  Nhiều lúc tôi như người thượng cổ, cái thời đồ đá sống lê la...
 
"Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá...", thơ Trạng Trình vui, nhắc để vui.  Không biết bốn mùa trên tấm lịch. trong lòng sông suối mỗi ngày trôi!
 
Tìm ai như thể tim chim nhỉ?  Tìm tiếng còi xe lửa bỏ ga?  Tìm tiếng gà trưa eo óc gáy. Tìm móng tay người xé tim ta?
 
Ơi người xe lửa thời leo núi...mỗi tiếng rên đau từng vết thương.  Tàn tạ đã lành nhưng nước mắt mỗi buổi chiều đây mờ sương sương!
 
Ta làm thơ hay ta nghẹn ngào?  Mỗi con chữ rụng một vì sao!  Ngói trường xưa có rơi trong bão mà phấn sao thơm nước mắt trào?
 
Thương lắm các em!  Thầy đã biệt hết núi đồi, hết những lũng ngo...Những người Thượng đứng cười trong nắng, đẹp chớ!  Quê Nhà mãi mãi Thơ!
                                                                                      Trần Vấn Lệ

TRĂNG THU QUÊ NHÀ, VỚI MƯA KHUYA, TẮT MỘT BAN MAI – Thơ Tịnh Bình


   
 
 
TRĂNG THU QUÊ NHÀ
 
Quê nhà rụng ánh trăng thu
Vẳng nghe tiếng dế khúc ru đêm về
Vạc sành khản giọng lời quê
Chạnh thương hương bưởi bùa mê vào lòng
 
Phương trời lưu lạc long đong
Tìm đâu cánh bướm lượn vòng ngày thơ
Đồng xưa lọn khói xa mờ
Tiếng chim thôi hót... buồn vơ vẩn buồn...
 
Rèm mây nấp bóng trăng suông
Gió lùa hương thị in tuồng chiêm bao
Nàng tiên ông Bụt ca dao
Giấc mơ cô Tấm khát khao vọng tìm
 
Ngỡ gì con cá lìm kim
Quẫy đuôi đớp vội trăng chìm đáy ao
Phương xa có kẻ lòng đau
Ngẩn ngơ hoài vọng riêng màu trăng quê...
 

CHUYỆN CHỮ NGHĨA: “CHỮ PHÚC” 福 – Vinhhuy Le


                       
                                                           Ảnh 1: Chữ Phúc Giáp cốt văn

Với người Tàu, văn tự không chỉ là công cụ chuyển tải tư tưởng, mà còn là phương tiện giao tiếp với thần linh, chữ Hán thường được dành chỗ trang trọng ở nơi thờ tự. Người ta tin rằng những chữ tốt lành có chứa năng lượng siêu nhiên, hiệu dụng xua tan tà ma, xui rủi. Thường mỗi dịp xuân về, người Trung Hoa lại nhờ tay thư pháp viết những chữ đó lên giấy đỏ, để dán trong nhà cửa nghênh xuân. Và Phúc  luôn là lựa chọn đầu tiên, không thể thiếu.

NGHỆ SĨ NHÂN DÂN TRUNG ĐỨC TỪNG MƯỢN DANH GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ ĐỂ “QUA MẮT” HỘI ĐỒNG NGHỆ THUẬT? – Hoàng Tuệ Lâm

Vì bài hát “Đi chơi chùa Hương” mà Nghệ sĩ Nhân dân Trung Đức dám mượn danh Giáo sư Trần Văn Khê để qua mắt Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát vào thập niên 80.
 
Bản gốc bài hát "Đi chơi chùa Hương" ký tên tác giả Trần Văn Khê. Ảnh chụp lại từ báo Văn nghệ
 

Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, “Đi chơi chùa Hương” là một ca khúc có đời sống rất rộn ràng nhưng lai lịch lại cực kỳ bí ẩn. Từng có một thời, nhiều người đi tìm tác giả đã phổ nhạc lời thơ của Nguyễn Nhược Pháp thành bài hát nổi tiếng nhưng đều không thể tìm ra nổi. Và sự thật cuối cùng đã khiến mọi người… "ngã ngửa".
 

NGĂN SÔNG, CẤM LŨ Ở ĐỒNG BẰNG NAM BỘ VÀ DƯ HẠI - Bs Phạm Ngọc Thắng



Bức ảnh này của tác giả Trung Chánh có chú thích: Cần đưa lũ quay lại những đồng ruộng lúa ba vụ không còn hiệu quả... được đăng trên tờ Kinh tế Sài Gòn online với chuỗi ba bài báo có tiêu đề: Miền Tây sau một thập niên đi theo lúa ba vụ.
 
Ba bài báo liên tiếp chỉ ra thất bại của chủ trương: Đê điều hóa Đồng bằng sông Cửu Long với tham vọng Trị thủy, loại bỏ Lũ ra khỏi đời sống Delta Mekong.

Chủ trương này có thể tóm gọn trong mấy chữ: Đắp đê, vắt kiệt đất mặt đồng ruộng; thâm canh, chuyên canh bằng đủ loại cây con... bắt đất nuôi cây con 365/365 ngày không ngừng nghỉ.

Kết quả:

- Không còn lũ về mặt ruộng- không còn nguồn phù sa bổ sung dưỡng chất, không còn nguồn nước rửa cuốn trôi sạch sâu bệnh.
- Cây trồng hút hết sạch dinh dưỡng từ đất, đất bạc màu thành đất trơ.
- Cây bây giờ sống bằng phân hóa học, bằng hóa chất... là chủ yếu.
Hệ lụy nhiều lắm, thảm hại lắm lắm cộng với việc thiếu nước đầu nguồn hàng năm, dẫn tới ngập mặn tới tận Tây ninh, đồng ruộng đang suy kiệt đến tàn tệ. Suy kiệt đến mức độ nào, chẳng nói ra, ai cũng tự hiểu và hiểu rất rõ.

TRĂNG THU – Thơ Lê Phước Sinh


   
 

TRĂNG THU
 
Vầng Trăng rụng lá
bọn trẻ thẫn thờ.
Cốm mới toe toét
Lũ cuốn xa bờ.
 
Cuội khóc mếu máo
cây Đa trốc gốc
(cứ tưởng ngậm Trầm)
Cô Tiên huyền hoặc
kể chuyện ngàn năm.
 
Ù ơ...
đường dài ngái ngủ giấc mơ.
 
                    Lê Phước Sinh

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

THƯƠNG NHỚ HOÀNG LAN - Truyện ngắn của Trần Thùy Mai

Nhà văn Trần Thùy Mai tên thật là Trần Thị Thùy Mai, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1954 tại Hội An, Quảng Nam. Quê quán: làng An Ninh Thượng, xã Hương Long, huyện Hương Trà, (nay là phường Hương Long, Thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi đang học ở trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng. Tốt nghiệp Tú tài 2 từ 1972, chị thi đậu thủ khoa môn văn Đại học Sư phạm Huế. Sau 1975, chị học tiếp Đại học Sư phạm. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp, Trần Thùy Mai được giữ lại trường, làm công tác giảng dạy và nghiên cứu môn Văn học dân gian. Năm 1987, chị quyết định chuyển sang làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Thuận Hóa. Với lối rẽ này, Trần Thùy Mai đã chọn nghiệp viết làm con đường đi cho riêng mình.
Trưởng thành cùng thế hệ với Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc ở Sài Gòn, những người cầm bút đầu tiên sau chiến tranh. Có thể nói, đây chính là thế hệ dò đường đi tìm những đề tài hậu chiến. Tính từ truyện ngắn đầu tay "Một chút màu xanh" in trên Tạp chí Sông Hương đến nay, nữ nhà văn người Huế này đã có trên 30 năm cầm bút với hàng trăm tác phẩm truyện ngắn được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến. Trong đó, một số truyện ngắn nổi tiếng như: Gió thiên đường, Thập tự hoa, Quỷ trong trăng, Thương nhớ Hoàng Lan, Mưa đời sau, Người bán linh hồn, Trăng nơi đáy giếng, Thị trấn hoa quỳ vàng... của chị đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật...
 
Nhà văn Trần Thùy Mai

Tôi sinh ra dưới một mái chùa. Nghe kể rằng sư phụ tôi khi ấy còn trẻ, một hôm đi ngang bỗng động tâm hỏi: “Mô Phật, sao sau chùa lại phơi tã lót?” Nghe chuyện đời cha tôi, thầy bảo: “Hãy nhớ ngày này. Nếu có cơ duyên, mười năm sau ta sẽ trở lại”. Trở về thầy bỏ tăng viện, lên một ngọn núi hẻo lánh trong rú xa, dựng mấy nếp nhà cổ. Từ ấy, thầy ẩn tu, hiếm khi xuống núi.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

VỀ TÂM BÃO LŨ ĐI QUA – Thơ Võ Văn Hoa


   

 

 VỀ TÂM BÃO LŨ ĐI QUA
 
 Những chuyến xe không đồng
Những chuyến hàng ra Bắc
Từ trái tim đến trái tim
Máu chảy ruột mềm!
 
 Những chuyến xe ngày đêm
Những thùng hàng kịp đóng
 Đêm nay sôi động
Chị em chung tay phân từng gói quà
 
 Trên tuyến đường Nam Bắc
Những quán ăn không đồng
Những nhà nghỉ không đồng
Trao gửi niềm tin yêu
 
 Hai chữ Đồng bào!
Hơn bao giờ hết
Sống chết có nhau
Hoạn nạn có nhau!
 
Đau thương làng Nủ
Đau thương vùng bão lũ
Dòng máu Lạc Hồng
Tâm đồng bên nhau
      
             14.9.2024       
           Võ Văn Hoa

HAPPY TẾT TRUNG THU – Thơ Trần Vấn Lệ


  


HAPPYYYY TẾT TRUNG THU
 
Chưa Rằm Trung Thu mà đã Tết!
Chợ nào cũng bán bánh Trung Thu!
Chợ Tàu, chợ Việt...hàng năm Tết,
Chợ Mỹ, Trung Thu cũng...nụ cười!
 
Người Mỹ ngạc nhiên: "Sao Tết nhỏ
mà toàn người già mua bánh thôi?"
Mình không đáp được, cười vui vậy!
Mình cũng mua mà! Mua... để chơi!
 
Dạo một vòng quanh vài chợ Tết
Lòng nghe non dại... bỗng bây giờ!
Trăng không hiển hiện nơi quang đãng
Vẫn sáng trong lòng những ý Thơ!
 
Hộp bánh đem về, vui cả nhà...
Cháu con đứng ngắm cái hình hoa,
hình trăng, hình thỏ, hình chim lượn,
Không mắt đứa nào không ngó qua...
 
Hộp bánh, bàn thờ, nơi cúng kiếng...
Ông Bà, Cha Mẹ cõi âm ơi...
Làn hương, làn khói, lòng thương nhớ,
Ấm nhé coi như có mặt trời!
 
Nói Tết là vui! Năm mấy Tết,
Nếu nhiều hơn nữa: Hội Nhân Gian!
Hòa Bình, vui chớ? Ai không muốn?
Đồng nghĩa Hòa Bình là Hân Hoan!
 
Tôi vào bàn gõ vài con chữ,
đã thấy bài thơ Ngày Trung Thu!
Tôi thương tôi lắm đời xa xứ
Buồn chút: Quê Hương  cõi mịt mù!
 
                                        Trần Vấn Lệ

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

BÀI THƠ NÀY TÔI NHẮC TỚI YÊN THAO – Thơ Trần Vấn Lệ


   

BÀI THƠ NÀY TÔI NHẮC TỚI YÊN THAO
 
Có lẽ cũng đã mười hôm rồi nhỉ?
Mình không thơ.  Mình chẳng có bài thơ!
Cũng tại Trời!  Ai biểu chớ không mưa?
Nắng ba tháng chưa cháy hết rừng, thật uổng!
 
Tôi nói lảng?  Tôi nói mê?  Tôi không biết ngượng
với em sao? - Người yêu quý ngọt ngào.
Anh muốn em là cờ có một ngôi sao
anh chấm dấu nặng, anh nói mình "sạo ơi là sạo"
 
Cờ ba que... hỡi ơi con sáo
nó sổ lồng nó bay sang sông!
Em dễ thương ghê!  Hồi đó má em hồng
trăng tháng Chạp có một vòng ngũ sắc!
 
Ôi câu thơ này - câu thơ đẹp nhất
Rồi cả bài thơ, em có thật của anh...
Của một thời tóc xanh...
Long lanh long lanh hai con mắt!
 
Anh tưởng tượng em:  Một Người Không Biết Mặt,
không biết tên - chỉ biết em-tuyệt-vời
Em chưa bao giờ đi có một đôi
em trinh nữ, nụ hoa cười chúm chím!
 
Ít có họa sĩ nào ưa dùng màu tím,
chỉ có một nhà thơ thấy tím gọi Trời Ơi!
"Tim tím khung cầu tim tím núi
Trời ơi!  Nhiều tím quá em ơi!"
*
Nhà thơ Yên Thao nghe nói chết bên đồi
hoa lau nở khi người thơ hết thở,
hoa lau nở cho muôn đời muôn thuở,
gió rì rào thì thào nao nao nao nao...
 
Bài thơ này, anh nhắc tới Yên Thao,
anh nhớ em, cái thuở nào em-áo-tím
dốc Bà Trưng em thành kỷ niệm:
Đà Lạt của anh... suối tóc em dài...
 
                                  Trần Vấn Lệ

MỘT ĐÔI (2 OF 2) - Pictures by Quách Như Nguyệt

     
     

HẾT ĐÔI HẾT CẶP

Anh và em một đôi, một cặp
Hai con chim trên cành cũng một cặp, một đôi
Hai chiếc dép đâu thể nào thiếu một
Đôi dép mà… thế mới gọi là đôi
Hầu hết muôn loài đều có đôi, có cặp
Thế cho nên em chẳng thể thiếu anh
Không có anh, ai an ủi dỗ dành?
Ai hiểu em, ai thương, ai hiền lành chăm sóc?
Đời buồn lắm, một mình ngồi chải tóc
Em sẽ buồn, sẽ khóc ngất anh ơi…
 
Anh và em giờ hết đôi hết cặp!
Anh và em giờ xa cách lạnh lùng!
Anh và em như chim kia lẻ bạn
Bản nhạc chùng buồn bã những âm vang
Anh và em buồn ngày một leo thang
 
Không còn ở bên nhau, không một đôi, một cặp
 
Thắp nến lên … ôi quạnh hiu, buồn bã
Em bây giờ ngồi nhớ tháng ngày qua…
 
                                           Như Nguyệt

NGƯỜI YÊU CỦA ĐỜI ANH – Thơ tình Khê Kinh Kha




Người Yêu c
ủa Đời Anh
(dch t "A Love of My Life" by khêkinhkha)
 
Em yêu quý,
Đã rất khuya rồi; mọi thứ quanh đây đều im lặng ngoại trừ tiếng mưa rơi bên ngoài, trên mái nhà, trên cành cây và trên mặt đất. Cô đơn đang chiếm lấy tâm hn anh, và anh khao khát sự ấm áp của tình yêu dịu dàng mà em đã trao cho anh kể từ khi chúng ta yêu nhau hơn năm năm trước đây. Tình yêu mà trước đây anh chưa bao giờ cảm đưc trong cuộc đời mình. Tình yêu mà anh không thể diễn tả bằng lời. Nó chỉ là một cảm giác, một cảm giác sâu lắng trong tâm hồn, trong suy nghĩ và trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống thường ngày của anh. Em hiện diện trong mọi thứ mà anh có. Mỗi khi nghĩ về em, anh luôn cảm ơn Chúa đã gửi thiên thần của Ngài xuống thế gian và trở thành một phần của cuộc đời anh. Anh sẽ không bao giờ quên rằng mình đã may mắn thế nào kể từ ngày chúng ta yêu nhau.
Anh ước mình có thể làm thơ như em, để có thể bày tỏ cảm xúc của mình với em trong một bài thơ tình.
Đã thực sự lâu như vậy rồi sao cưng yêu? Dù anh biết thi gian qua nhanh, nhưng anh vn cm thy thật kỳ diệu khi cuộc sống của anh đã thay đổi kể từ ngày anh gặp em tại buổi ký sách  Barnes & Noble. Từ xa, anh đã ngưỡng mộ mái tóc dài, đen bóng của em chảy xuống vai và kết thúc ở đâu đó sau lưng. Đôi mắt to của em, màu đen pha lẫn xám, rất khác biệt đối với phụ nữ phương Đông. Khi em ngước lên nhìn anh từ bàn ký tên, anh cảm nhận được sự kỳ diệu trong đó. Đôi mắt ấy thực sự đã ht hn anh. Anh còn nhớ em đã hỏi anh vài lần em nên ký tên quyển sách cho ai trước khi anh có thể trả lời: “Cho Joe, không… Ý anh là “Cho Nam, với tình yêu…” Em mỉm cười, viết và ký tên... Rồi em nói, “Em thích tên anh, anh trai em cũng tên Nam, nghĩa là Việt Nam…” “Anh cũng vậy, bố anh đã đặt cho anh tên Việt Nam. Ông ấy yêu Việt Nam. Ông ấy đã ở đó vào cuối những năm 60”.
 

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

RAU TẦN, RAU TẢO CÓ PHẢI LÀ ĐỒ CÚNG TẾ NGÀY XƯA Ở TRUNG HOA KHÔNG? La Thụy sưu tầm và biên tập


                                        Một loại rau Tần: 
Rau bợ nước

Tôi chia sẻ STT “Nguồn gốc hai chữ ‘tảo tần’ của trang face “Chiết tự chữ Hán” vào trang face của tôi. Nội dung phần đầu của STT đó như sau:
 
  “ ‘Tảo tần’là một từ để chỉ đức tính đảm đang, chịu thương chịu khó, thường là của phụ nữ. Nhưng nguồn gốc của từ này là như thế nào?
‘Tảo tần’, chữ Hán viết là 藻蘋, trong đó:
     - TẢO  là rong rêu, chỉ chung các thứ cỏ mọc ở dưới nước. Như “hải tảo” 海藻 là rong biển.
     - TẦN  còn đọc với âm "bình", có lẽ TẦN là một loại rau lục bình nổi trên mặt nước, ta thường gọi là bèo.
 Như vậy, ‘tảo tần’ là rau tảo và rau tần. Người xưa dùng rau tảo và rau tần để dâng lên cúng tổ tiên. Hái rau tảo và rau tần là việc chuyên trách của người phụ nữ xưa. Rau tần thường mọc hoang dại bên bờ suối, còn tảo thì sinh trưởng trong lòng suối như các loại rong, cả hai đều không dễ mà hái được. Do đó người vì đạo hiếu với tổ tiên mà lặn lội đi tìm rau tảo rau tần là người đảm đang, đáng khen ngợi.....”
 
Khi tôi chia sẻ bài này lên trang face của tôi, nhiều bạn vào ghi còm, khen chê và thắc mắc đủ cả. Đặc biệt có một bạn ghi còm như sau:

“Đúng là lươn lẹo suy luận cách ngờ nghệch khi tần, tảo là những thứ rau cỏ mọc hoang kém giá trị mà dám bảo đem về thờ cúng !”.
 
Tôi trả lời bạn ấy:

“Những rau cỏ mọc hoang trong thiên nhiên đâu phải là những thứ kém giá trị, có khi là thảo dược quý hiếm có giá trị rất cao như: đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi... mà người ta săn lùng đỏ mắt và đang cố gắng đem về trồng trong vườn nhưng sản phẩm thu hoạch do người trồng có phẩm chất không bằng sản vật trong thiên nhiên.
TẢO và TẦN mà người phụ nữ Trung Hoa xưa vất vả tìm kiếm và thu hái để cúng tế, hẳn là loại TẢO và TẦN đặc biệt có ý nghĩa và giá trị cao chứ đâu phải thứ tảo và tần vô giá trị, bạ đâu vơ nấy...”