BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

NHỮNG CHỮ CÓ LẼ DÙNG SAI TRONG NGÔN NGỮ VIỆT NAM?



1.- Sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt

 *CHUNG CƯ.  Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt vì tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.
 
*KHẢ NĂNG. “Khả năng” là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng (capacité, capable) với khả dĩ (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về năng lực mà con người mà thôi.
 
*QUÁ TRÌNH. Quá là đã qua, trình là đoạn đường. Quá trình là đọan đường đã đi qua. Nói thế nầy là đúng: “Quá trình thực hiện công việc đã gặp nhiều trở ngại. Nhưng tôi lại thấy trong sách báo câu đại loại thế nầy: “Quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi là sẽ rất thuận lợi.” Thực là sai lắm rồi. Trong trường hợp nầy, phải dùng chữ tiến trình, đúng cho cả 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai.
 
*HUYỀN THOẠI. Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pélé” “huyền thoại Maradona.”. Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? Huyền là màu đen, nghĩa bóng là sâu xa, mờ ảo, không có thực. Thoại là câu chuyện. Vậy huyền thoại là câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra. Thí dụ chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng nầy, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là huyền. Và 2 càu thủ đó là con người sao gọi là thoại được. Nếu muốn dùng chũ huyền thoại để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế nầy: “Cái tài của 2 ông nầy tưởng như chỉ có trong huyền thoại.” Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ, có đúng trong trường hợp nầy hay không?”
 
*HÔN PHU, HÔN THÊ. Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ. Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ (lễ cưới) hôn phối (lấy nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.
 

TÂN VỊ HỒ TRƯỜNG – Thơ Tường Linh


   
                  Nhà thơ Tường Linh


TÂN VỊ HỒ TRƯỜNG
(Tặng LM Thanh Lãng)
 
Gạo nhà CHU ta không ăn
Lộc nhà Chu ta không hưởng
Phổi no khí trời cao giọng hát nghêu ngao
Chen khúc hát ai ca lẫn tiếng gươm chiều CHIẾN QUỐC
Để mắt giai nhân sầu đằng đẳng ý XUÂN THU
 
Ôi ! Gái TRỮ LA về đâu
Nét đẹp nghìn xưa hiu hắt
Dãi lụa cuốn đài mây thơ níu nhạc
Không lãnh cung Tần sao cũng lạnh tần phi.
Xin lỗi người em cùng ta ngàn kiếp hẹn
Dang dỡ từ đầu phen tái ngộ mỗi chu kỳ
Như gió như sương như cách bèo bọt bể
Hỡi năm cung cung nào sầu bằng hai tiếng biệt ly
 
Tim ta mãi vì em rỉ máu
Bờ thu quạnh ngàn năm vết chân em còn dấu
Đôi gót son hằn trên núi khổ sông đau
Núi vò vỏ nhìn sông ăm ắp lệ
Bởi trái ngang nào sông núi lạnh lùng nhau
Ta lại nghêu ngao khúc ca người vọng quốc
Ngàn vạn cách tay tình ôm thác ngọc đèo châu
 
Ai giấu thánh thư sau cơn rừng rực lửa
Vách nứa thảo lư chê mắc áo khanh hầu
Ai vỗ cổ bồn khúc ca hay tiếng lệ
Sông VỊ đã qua mùa chờ vận buông câu
Đời vẫn trẻ hồn tự dưng buốt giá
Trời bốn phương mưa không loãng nổi men sầu
TÂN VỊ HỒ TRƯỜNG ta rót mời ai nhỉ
Hay chỉ mình ta lạnh buốt siết đêm sâu
 
                                                         Tường Linh
                                                               1965

DANH CA HOÀNG OANH – Long Đàng



Nữ danh ca đình đám một thời quyết không hát vũ trường, phòng trà dù được săn đón nồng nhiệt
Danh ca Hoàng Oanh được đánh giá là 1 trong 10 nữ ca sĩ có sức ảnh hưởng lớn tại Việt Nam trước năm 1975.
Danh ca Hoàng Oanh (tên thật là Huỳnh Kim Chi) sinh năm 1946 tại Mỹ Tho nhưng lớn lên tại Sài Gòn. Bà được cha dạy hát khi mới 5 tuổi. Đến năm 8 tuổi, bà lần đầu biểu diễn trên sân khấu ở Liên trường Võ khoa Thủ Đức với hai bản nhạc "Hương lúa miền Nam" và "Có một đàn chim".
Nghệ danh Hoàng Oanh được chính người cha đặt năm 1958 khi bà gia nhập ban thiếu nhi của nhạc sĩ Lê Đô. Ông đã lấy câu hát "Chờ tin thư chim hoàng oanh đưa/ Còn xa bay trong áng sương mờ" trong bài "Bản đàn xuân" của nhạc sĩ Lê Thương để đặt nghệ danh cho bà.
 
Nhờ giọng hát trời phú, kỹ thuật điêu liệu, Hoàng Oanh được công chúng mến mộ ngay trong những năm đầu đi hát. Bà liên tục được mời thu âm và biểu diễn. Ở thời hoàng kim, danh ca Hoàng Oanh ngự trị trên hầu khắp các sóng phát thanh và truyền hình. Bà chính là ca sĩ được mời thu âm nhiều nhất, với hơn 200 đĩa nhạc tính đến năm 1975, tại nhiều hãng đĩa khác nhau.
Điều đặc biệt là trong sự nghiệp của mình, Hoàng Oanh không biểu diễn tại các vũ trường và phòng trà, dù thời ấy đa phần nghệ sĩ đều làm điều này. Bà từng giải thích điều này như sau: "Hồi nhỏ, Oanh ở với ông cậu rất nghiêm khắc nên ông không cho Oanh hát phòng trà hay vũ trường, thỉnh thoảng chỉ cho hát đại nhạc hội mà thôi". Dù sớm nổi tiếng, nhưng bà vẫn tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn với bằng Cử nhân văn chương, sau đó mới dành toàn bộ sự nghiệp cho âm nhạc.
 
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã từng so sánh Hoàng Oanh với Chế Linh để lột tả sự cao đẹp trong nhân cách của bà. Ông nói: "Hoàng Oanh thật là một con người trung hậu, nghĩa là cô nghĩ đến mình và cả đến người khác. Thêm một yếu tố quan trọng nữa là những cuộn băng, những đĩa hát, những CD, một khi cô đã phát hành cô đều lưu giữ lại và gìn giữ cẩn thận như đó là những đứa con tinh thần của cô.
Trong khi đó, ca sĩ Chế Linh thì lại khác, cuốn băng nào đã phát hành, những bài bản nào đã hát anh đều quên bẵng đi, giống như kiểu bán tiếng hát lời ca để làm thương mại mà trung tâm băng nhạc nào mời anh và khi "tiền đã trao và cháo đã múc" là anh vội quên ngay".
Không chỉ Bolero, Hoàng Oanh còn nổi bật ở tài năng đa dạng, khi hát được dân ca của tất cả các vùng miền đất nước, từ Bắc tới Nam. Ngoài ra, bà còn có giọng ngâm thơ thần sầu, đong đầy cảm xúc.
 
Chuyện tình đẹp của hai người nghệ sĩ
 
Về chuyện tình cảm, nữ danh ca lên xe hoa với nhạc sĩ Mai Châu vào năm 1972. Họ đã có một chuyện tình rất đẹp trước khi cưới 9 năm. Theo lời kể của nhạc sĩ Mai Châu, ông gặp nữ danh ca Hoàng Oanh lần đầu vào năm 1963, khi ông mới 18 tuổi và bà mới 17 tuổi. Thời điểm ấy, vì quá ái mộ người ca sĩ trẻ nên ông đã gửi thư cho Hoàng Oanh để bày tỏ nỗi lòng. Sau khi kết hôn, nữ danh ca và ông xã sống thuận hòa cho đến ngày nay, với một cuộc hôn nhân được nhiều người ngưỡng mộ.
 
Hoàng Oanh cùng chồng tới Mỹ định cư vào năm 1975. Ban đầu, bà sinh sống tại một thành phố gần New York, tiểu bang New Jersey, nhưng sau đó bà chuyển về tiểu bang California. Bà mở trung tâm ca nhạc và dành nhiều tâm huyết trong việc bảo tồn văn hóa cổ truyền, nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam trong cộng đồng người Việt.
 
                                                        Theo Dân Việt.vn Sa Long Đàng

NẦY EM - Thơ Phan Quỳ


   


NẦY EM
 
Nầy em một cuộc hồng trần
Vui câu chào đón, buồn lần tiễn đưa.
Tiếng cười lảnh lót hôm xưa
Vào trong giấc mộng đã vừa sang canh.
 
Nầy em chật hẹp thế nhân
Được hơn, thua thiệt chia phần trước sau.
Trách người một lẽ nông sâu
Trách ta thiếu đủ trọn câu so bì.
 
Nầy em còn mất nghĩa gì
Trăng sao chiếu sáng không vì trăng sao.
Hoa kia tươi đẹp biết bao
Chim muông reo hót để trao ân tình.
 
Thế gian muôn vạn sinh linh
Đưa vui góp mặt với mình với ta.
Dẫu buồn khi ánh nắng tà
Vẫn mong đêm hết để qua một ngày.
 
Dẫu đầy hay vơi cạn tay
Nầy em đừng tủi, đừng rầy trách ai.
Cuộc đời vay trả trả vay
Nợ duyên, duyên nợ hai vai gánh đầy.
 
Trao em một cuộc sum vầy
Tình sâu như mộng, tình dày như mơ.
Nầy em hãy nhớ đợi chờ
Hoa kia đã hé cũng vừa mùa trăng.
 
                                      Phan Quỳ

VIẾNG THỦ PHỦ VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN: TÂN SỞ... – Võ Cẩm



Quảng Trị là vùng đất văn vật, địa linh, mang nhiều dấu tích lịch sử, nhưng cũng chịu nhiều tai ương, thiên tai bão lụt và hứng chịu nhiều đau thương trong chiến tranh. Quảng Trị một mảnh đất anh hùng, nhiều dấu tích mà khách du lịch trong và ngoài nước mong ước đến viếng như:
   * La Vang.
   * Thành Cổ.
   * Cầu Hiền Lương.
   * Bãi Tắm Cửa Tùng.
   * Địa Đạo Vĩnh Mốc.
   * Tân Sở Thủ phủ.
   * Khê sanh.
   * Tà Cơn. Làng Vây.
   * Cửa khẩu Lao Bảo.
 
Đây là những địa danh mang dấu ấn lịch sử, nó còn là những thắng cảnh của quê hương. Nơi đây đủ những yếu tố tâm linh, di tích lịch sử, làm cho khách du lịch không uổng công tham quan. Và chắc chắn lưu lại trong họ những chuyến đi thú vị.

BÂY GIỜ MÙA HẠ MAI MÙA HẠ - Trần Vấn Lệ



Mới sáu giờ thôi, trời nắng chói.  Bầy chim hót sáng tản đi rồi... Trời trong trời thật là trong vắt... "Áo đỏ người đưa trước giậu phơi"... (*)
 
Không nghĩ:  Hôm nay trời-nắng-mới... mà nghĩ hôm nay mùa Hạ về!  Mới hết mùa Đông, Xuân mấy bữa đủ cho hoa lá đẹp xum xuê!
 
Bây giờ mùa Hạ, mai mùa Hạ... Nắng điểm môi son những nụ cười!  Con gái đã thay màu áo ngắn, quần đùi đi dạo phố.  Vui vui...
 
Tôi cũng nhẹ nhàng, không áo vest, không giày da nữa mà Bata.  Nhẹ tênh.  Lòng nhẹ như mây trắng, không chỉ riêng đây, khắp mọi nhà!
 
Những mái nhà phô màu ngói đỏ, ngói xanh, ngói xám...Những bồ câu!  Bây giờ mới thật là Năm Mới!  Cửa kính nhà nào cũng mới lau...
 
Chim Cardinaux bay chấp chới... Bay từ Texas tới Cali?  Bay từ Nam Mỹ lên miền Bắc, bỏ ổ đưa con lũ lượt về...
 
Chim có chỗ quê về với tổ... Người thì sông núi Cố Hương ơi!  Cà phê quán sáng thơm mùi khói, người gặp người vui một tiếng Hi!
 
Tôi thả khói bay, bay tới núi, núi người ta... núi của người ta!  Tôi cầm cái muỗng cà phê khuấy... đáy cốc mơ máng ánh nguyệt nga... (**)
 
                                                                                   Trần Vấn Lệ
........
 
(*). Thơ Lưu Trọng Lư:  "Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời - lúc Người còn sống, tôi lên mười, mỗi lần nắng mới reo ngoài nội, áo đỏ Người đưa trước giậu phơi...".
(**) Thơ Quang Dũng:  "Thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ!".

TÌNH NHỚ - Nhạc Lê Hữu Nghĩa, lời Nhã My, ca sĩ Ngọc Quy trình bày.

   
Nhà thơ Nhã My


               

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2024

NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ – Long Đàng



Hoàng Thi Thơ (16 tháng 7 năm 1928 - 23 tháng 9 năm 2001) là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam. Một số nghệ danh khác của ông là Tôn Nữ Trà Mi, Tôn Nữ Diễm Hồng, Bích Khê và Triệu Phong.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám, Hoàng Thi Thơ gia nhập Đoàn Văn nghệ Quảng Trị như một diễn viên ca kịch nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm trưởng đoàn.
 

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2024

VÀI DÒNG VỀ BÀI HÁT LỆ ĐÁ - Hà Huyền Chi



Lệ Đá trước hết không phải là một bài thơ phổ nhạc. Phải nói là tôi đã đặt lời cho bản nhạc (vốn không tên) của Trần Trịnh mới đúng. Do một cơ duyên đặc biệt Trung sĩ Nguyễn Văn Đông chơi Clarinet giới thiệu Trần Trịnh với tôi:
  - Nhạc Trần Trịnh khá lắm nhưng rất ít người biết đến. Xin anh giúp thằng bạn em một lần đặt lời ca giùm cho nó.
Tôi rất cảm mến Đông nhưng liền lắc đầu:
  - Em biết là anh vốn mù nhạc mà
Đông tha thiết:
  - Em biết chứ nhưng em thành thực nghĩ rằng chỉ có anh mới giúp được nó.
Trần Trịnh cười hiền:
  - Xin anh giúp cho. Tôi nghĩ là sẽ có cách...
Tôi thẳng thắn đặt điều kiện:
  - Nể thằng em coi như tôi thuận trên nguyên tắc. Tuy nhiên tôi cần nghe anh đàn bản nhạc này vài lần để có khái niệm về nhạc tính. Và tôi cũng cần ý kiến thẩm định về nhạc thuật của bài này với những Pianist như Dzương Ngọc Hoán (chồng Pianist ca sĩ Quỳnh Giao).

THƠ 1-2-3 THÁNG TƯ – Trần Mai Ngân


  

 
THƠ 1-2-3 THÁNG TƯ
 
Em chạm phải tháng Tư
 
Rồi ngập ngừng quay lưng
Cái nắng bốn mươi độ phải lòng
 
Trái tim thúc dục - lý trí bảo rằng: không!
Dưới chân em xác hoa Bằng Lăng nhuộm tím
Người đã xa sao cứ mãi đi tìm…
 
                                                Trần Mai Ngân

DỊCH THƠ NÊN ĐƯỢC NHƯ NGUYỄN BÍNH – Vũ Bình Lục

                               (Tặng Nguyễn Bính Hồng Cầu)

Nhà thơ Nguyễn Bính
 
DỊCH GIẢ VÀ THI SĨ

1.
Trần Mỹ Dung (Trung Quốc) có một bài thơ tình, tứ tuyệt, thật hay:
 
Nhất áp xuân giao vạn lý tình,
Đoạn trường phương thảo, đoạn trường oanh.
Nguyện tương song lệ, đề vi vũ,
Minh nguyệt lưu quân vị xuất thành.
 
Thi sỹ Nguyễn Bính đã dịch bài thơ này của Trần Mỹ Dung, thành một bài thơ bốn câu, thể Lục bát:
 
Chén xuân chan chứa bao tình,
Cỏ xuân xơ xác, con oanh thẫn thờ.
Sớm mai chàng đã đi chưa,
Xin đem nước mắt làm mưa giữ chàng!
 
Nhà thơ Ngô Văn Phú có một bản dịch khác:
 
Một chén rượu xuân tình vạn dặm,
Cỏ thơm đứt ruột, não nùng oanh.
Xin đem nước mắt làm mưa nhỏ,
Mai sớm, chàng ơi, ở lại thành!
 
Thơ Trung Quốc, nhất là thơ Đường và một ít thơ Tống, được các dịch giả, chủ yếu là những người làm thơ dịch sang tiếng Việt, cũng thấy khá nhiều.
 
Có bài nguyên tác hay, và cũng có nhiều bản dịch khác nhau, mức độ thành công cũng khác nhau. Có một số bản dịch hay hơn cả nguyên tác. Điển hình là bản chuyển ngữ sang chữ Nôm CHINH PHỤ NGÂM KHÚC của Đoàn Thị Điểm, từ nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn.
Ví như câu:
 
“Thiên địa phong trần,
Hồng nhan đa truân”

Thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn mà Đoàn Thị Điểm chuyển ngữ ra:
 
 “Thủa trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”
 
Thì quả là hai câu thơ tuyệt bút, sáng tạo mà không xa nguyên tác và hơn thế, còn bồi đắp cho nguyên tác ở cả ngữ âm và ngữ nghĩa. Thành thử, câu thơ dịch ở mãi trong lòng người nhiều thế hệ; còn câu thơ nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn thì ít người biết đến.
 
 Có hai cách dịch thông thường: Dịch sát nghĩa và phỏng dịch. Dịch sát nghĩa và cả đảm bảo giữ nguyên thể thơ của nguyên tác, mà hay, thì quá đẹp. Tuy nhiên, những bài thơ dịch thành công loại này, hiếm lắm!
 Cách dịch thứ hai, phỏng dịch, tuy không đảm bảo sát nghĩa từng câu từng chữ của nguyên tác, nhưng đảm bảo được ý tình của nguyên tác, lại có phần sáng tạo linh hoạt của người dịch, nhất là thể thơ sáu tám giàu nhạc điệu của tiếng ta, thấy có nhiều bản dịch hay. Thi sỹ Tản Đà, Ngô Tất Tố hoặc Nguyễn Bính, là những người dịch thơ có thành tựu.
 
 Người làm thơ xưa nay, cũng có hai loại: THI SĨ & THỢ THƠ. Thi sĩ là tài hoa bay bổng, biết để tâm hồn vượt ra ngoài khuôn phép của câu chữ, cao hơn là khuôn phép của tạo hoá. Còn như Thợ thơ, chính là người làm thơ chỉ biết chuyên chú vào gọt đẽo câu chữ, làm dáng với câu chữ mà để tuột mất cái hồn thơ.
Giả Đảo, một nhà thơ nổi tiếng đời Đường, cũng có lần bị chê là Thợ thơ là vậy!
 

PHAI SẮC LỤA BUỒN BUỒN MỘT CHÚT NẮNG BÊN SÔNG – Thơ Trần Vấn Lệ


   

 
PHAI SẮC LỤA BUỒN BUỒN
MỘT CHÚT NẮNG BÊN SÔNG
 
Trời mới chớm Xuân vừa mấy bữa,
hôm nay nắng gắt, Hạ rồi chăng?
Nhiều người than thở sao mà nắng?
Có kẻ làm thinh, chắc nói thầm?
 
Ờ nhỉ hết Xuân thì tới Hạ
Chờ xem Nhật Thực... để xem chơi...
Hồn nhiên có lẽ là con nít,
nghe thở than thôi, chúng mỉm cười!
 
Những nụ cười xinh tuổi mới Rằm,
người ta ai cũng nhớ mười lăm
lòng không vương vấn điều chi cả
ánh mắt xanh ngời như ánh trăng...
 
Tôi nhớ ai rồi!  Ai sắp sửa
khăn nhung, áo lụa, bước lên đò
đò ngang hoa kết qua sông lớn,
chuyện đó bao giờ nay đã xưa!
 
Xưa đến khu vườn cau của Ngoại
chỉ còn chim hót buổi trưa vang
Nắng vàng lấp loáng chân ai nhỉ
Tóc mướt bờ vai thương nhớ thương!
 
Ngoại tuổi ngày cao, Ngoại mất rồi
Em rồi khôn lớn bỏ đi thôi...
Trăm người con gái, trăm như một
có một mùa thơm ngát nụ cười...
 
*
Hôm nay nắng rực, nắng tàn Xuân
Mai, nắng, em phơi áo lụa hồng
khi thấy thời gian phai sắc lụa
buồn buồn một chút nắng bên sông?
 
                                   Trần Vấn Lệ

VẪN RẠNG NGỜI Ý NGHĨA CỦA THƯƠNG ĐAU – Thơ Lê Văn Trung


  


VẪN RẠNG NGỜI 
Ý NGHĨA CỦA THƯƠNG ĐAU
 
Niềm khát vọng níu mùa Xuân trở lại
Nụ hồng phai còn sót nhụy hương tàn
Năm mươi năm những cuồng điên giông bão
Mong ơn đời giữ vẹn tấm lòng chung
 
Về tắm gội trong lòng sông dĩ vãng
Mà dòng xưa đã biệt biệt xa mù
Ai biết được giữa đôi bờ quên lãng
Mùa Xuân xanh còn réo gọi thiên thu
 
Niềm khát vọng lăn tròn trong ký ức
Con đường rêu in dấu bước Xuân thì
Còn nhớ chăng hàng cây im bóng mát
Tuổi son hồng ngày tháng bỏ nhau đi
 
Còn nhớ chăng gánh gồng qua khổ nạn
Nỗi đau nào hằng đọng giữa đời nhau
Ai biết được trên con đường giải thoát
Vẫn rạng ngời ý nghĩa của thương đau
 
                                      Lê Văn Trung

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

CHUYỆN TÌNH CỦA MẸ - Loan Ngẫn



Mẹ tôi dẫn chú Tình câm về nhà trong một chiều mưa đầu tháng Giêng. Cữ ấy mưa dầm dề suốt từ hôm mùng một Tết.
Chú Tình câm mặc cái áo màu gì không rõ, nom cứ lẫn vào hoàng hôn sau lưng chú và mẹ tôi. Mẹ tôi vào nhà trước, chú Tình bẽn lẽn bước theo sau, cái dáng cao to của chú như cố thấp xuống để bám víu dựa dẫm vào người đàn bà là mẹ tôi đang đi phía trước.

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

Ý LAN, “BÀ HOÀNG NHẠC NHẸ”, TUỔI U70 VẪN SANG TRỌNG VÀ ĐIỆU ĐÀ – Long Đàng



Ý Lan là nữ ca sĩ người Mỹ gốc Việt. Bà tên đầy đủ là Lê Thị Ý Lan, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1958 tại Sài Gòn, trong một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng: Mẹ là danh ca Thái Thanh, cha là tài tử Lê Quỳnh. Ca sĩ Ý Lan là trưởng nữ trong gia đình gồm 5 chị em (trong đó có ca sĩ Quỳnh Hương). Ý Lan có rất nhiều anh chị em (ruột và họ) là những nghệ sĩ nổi tiểng - trong đó có một người bằng tuổi với bà - đó là ca sĩ Thái Hiền.
Bà học tiểu học và trung học tại Sài Gòn. Tuy gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng bà đi vào lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp khá muộn: đến cuối thập niên 1980 cô mới trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và ra mắt CD nhạc đầu tiên.
 
Từ những năm đầu thập niên 1990, Ý Lan đã là một biểu tượng của tân nhạc Việt Nam với chất giọng điêu luyện và phong cách âm nhạc đa dạng. Với những tình khúc như Nửa hồn thương đau, Mộng dưới hoa, Nghìn trùng xa cách và nhiều ca khúc khác, nữ danh ca đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lòng người yêu nhạc.

BÁO CHÍ HÀNG NGÀY – Trần Vấn Lệ



Mỗi ngày,
đọc trên báo, quá nhiều chuyện thương tâm!  Đau đớn quá Việt Nam lầm-than-và-lạc-hậu!
 
Quê Hương thì không xấu!  Nhưng nó đẹp chỗ nào?  Thành phố đầy. vũng ao, xe đi ngang nhào đổ!
 
Học trò thì mắc cỡ:  không nợ cũng bị đòi, bị dán hình khắp nơi, nhìn phớt thôi...bật khóc!
 
Công An quá cực nhọc, giải quyết đủ chuyện đời, có chuyện không thể cười:  người bán hàng mắng khách!
 
Nhiều chuyện không minh bạch, kệ nó, có đơn, xong!  Hôm qua là hoa hồng, hôm nay là hoa... họa!
 
Phải chi là hoa...Huệ để cúng Phật cúng tăng, để thắp ba cây nhang chụp cái hình đăng báo!
 
*
Thương cảm qua Ông Táo camera thu hình cuối năm mới đem trình mà hãng bay phá sản!
 
Tân Sơn Nhứt nhìn... chán!  Chữ â người ta tô... xóa mất cái chữ ư... xóa mất thời nhộn nhịp!
 
Dân Việt Nam tiền kiếp thuộc cái giống Tiên Rồng?  Tiên hình có thịt không?  Rồng có lông không cánh!
 
Không đọc báo:  Hiu Quạnh!
Đọc báo...thì buồn thêm! 
Ca dao in chữ nghiêng... nó biến thành Tục Ngữ!
 
                                                                                      Trần Vấn Lệ

QUÊ SỚM – Thơ Đặng Xuân Xuyến


   
 

QUÊ SỚM
 
Có gì nhộn nhạo sớm nay
Chim chèo bẻo sải cánh bay ngập ngừng
Phất phơ hương bưởi thơm lừng
Nắng non chộn rộn lưng chừng ngõ quê
 
Tiếng cười vắt vẻo triền đê
Liu riu gió nựng tóc thề xòa vai
Ngẩn ngơ câu lý ngân dài
Khoan thai rẽ nước thuyền ai ghé bờ
 
Mỉm cười tôi với bất ngờ
Vẳng lao xao tiếng tuổi thơ vọng về...
 
    Làng Đá, 09 tháng 04 năm 2024
              Đặng Xuân Xuyến

CHÙM THƠ THÁNG TƯ CỦA THI SĨ ÁI NHÂN


   

 
LỜI THÁNG TƯ
 
Sấm non gõ trống ì ầm
Tháng Tư mở hội đêm thầm rước mưa
Dập dìu từng hạt lưa thưa
Lúa xanh phơi phới, đêm vừa thức mơ
 
Rì rào từng đợt vu vơ
Lập lòe chớp liếc vào thơ ướt đầm
Tương tư ngâm khúc bè trầm
Nụ hôn tạo hóa âm thầm sinh sôi
 
Cầu vồng bảy sắc lả lơi
Nối tình trời đất say lời giao hoan
Rộn ràng ếch nhái râm ran
Bờ đê gạo đỏ miên man thắp trời
 
Loa kèn nà nõn tinh khôi
Vườn xanh tu hú hát lời tháng tư

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

NGHI ÁN VỀ NHẠC PHẨM “NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI” – Nguyễn Mạnh Hà

“Phổ thơ cũng được nhưng đấy là cái sai lầm nhất của Anh Bằng. Toàn bộ gia tài Nguyễn Bính không có bài thơ nào như lời bài “Nỗi lòng người đi”. Mà lúc đấy Nguyễn Bính tập kết ra Bắc ra Hà Nội rồi, không dính dáng đến miền Nam nữa mà viết cái đó. Đấy là kẽ hở của câu chuyện”.                                               

                                                    Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha


Ông Khúc Ngọc Chân (trái) và nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha. Ảnh: N.M.Hà
 
Mới đây, ông Khúc Ngọc Chân - nguyên nhạc công cello Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam - đứng ra nhận mình là tác giả bài hát. Theo ông Chân, bài hát tên thật là "Tôi xa Hà Nội" với một vài lời ca khác với "Nỗi lòng người đi" vẫn được nghe hơn nửa thế kỷ nay.
 
Khúc Ngọc Chân khẳng định, mãi tới năm kia ông mới biết đến sự tồn tại của "Nỗi lòng người đi". Bởi ông không thích và rất ít nghe nhạc hải ngoại. Thời gian về hưu, ông say sưa sáng tác thơ Đường thuần Việt (không dùng từ Hán Việt), trở thành Trưởng Chi hội thơ, ca nhạc Hương Chiều (Hội thơ Đường luật Việt Nam).
 

TƯỞNG NIỆM ANH TRẦN VĂN HÒA – Thơ Đoàn Thuận


   
                         Ảnh: em Thuận, anh Hòa
 

TƯỞNG NIỆM ANH TRẦN VĂN HÒA
 
Anh từng phiêu bạt xa khơi
Nay về yên nghỉ dưới trời quê hương.
Giã từ mưa nắng gió sương.
Bỏ buông bao nỗi đoạn trường bể dâu.
Quê Cha đất Mẹ rừng Dầu.
Thôn xưa Tân Lý cúi đầu đón Anh.
Bao năm xa xứ độc hành,
Nay về yên giấc mộng lành thiên thu.
Người từ cát bụi mịt mù.
Trở về cát bụi tầm vu vô thường.
Xác thân cõi tục tang thương
Hồn thiêng tịnh cõi thiên đường an nhiên.
 
                                   Gò Vấp, 9/4/ 2024
                                        Đoàn Thuận

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

TÌNH YÊU ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI NGƯỠNG MỘ CỦA NHẠC SĨ MAI CHÂU VÀ CA SĨ HOÀNG OANH – Đông Kha



Có một định kiến cho rằng tình yêu của những người trong giới nghệ sĩ thường không bền vững, vì họ đều là những người đa tình, dễ rung cảm…Tuy nhiên điều đó không đúng với những nữ ca sĩ nhạc vàng Việt Nam trước 75, ít nhất là đối với các ca sĩ Phương Dung, Thanh Thúy và Hoàng Oanh.
 

Với 3 nữ ca sĩ này thì tình đầu cũng như tình cuối: ca sĩ Thanh Thúy và phi công Ôn Văn Tài, ca sĩ Phương Dung và ông Võ Doãn Ngọc, và mối tình của ca sĩ Hoàng Oanh với nhạc sĩ Mai Châu – tác giả của bài hát Một Người Đi – được nhiều người ngưỡng mộ. Hiếm có cuộc hôn nhân nào giữa 2 nghệ sĩ nào mà được hòa thuận và bền vững như Hoàng Oanh và Mai Châu.
 
Nhạc sĩ Mai Châu tên thật là Mã Gia Minh, sinh năm 1945 ở Bạc Liêu. Tốt nghiệp tú tài trường Taberd, ông học Dược khoa và ra trường năm 1971, sau đó phục vụ tại Căn cứ Y dược Trung ương – Cục Quân y Saigon. Ông cũng là tác giả của một số bài nhạc vàng nổi tiếng như Một Người Đi, Tiếng Hát Chinh Nhân, Một Ngày Tôi Đi Qua…
Theo lời kể của nhạc sĩ Mai Châu, ông gặp nữ danh ca Hoàng Oanh lần đầu vào năm 1963, khi ông mới 18 tuổi và Hoàng Oanh vẫn còn là một nữ sinh Gia Long 17 tuổi.
Hoàng Oanh đã đi hát từ khi còn rất nhỏ tuổi, và khi là nữ sinh trung học cô đã thành danh và được hàng triệu người mến mộ, trong đó có chàng trai tên là Mã Gia Minh.