BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

THẦY HỒ SĨ CHÂM, GIÁO SƯ DẠY ANH VĂN TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ - Đoàn Đức


     

Thầy Hồ Sĩ Châm
Dạy Anh văn lớp Đệ Nhất C (Lớp 12). NK 1966 – 1967
 
Năm lớp Đệ Nhất C, thầy Hồ Sĩ Châm dạy chúng tôi môn Anh văn, sinh ngữ 1. Được biết thầy tốt nghiệp chuyên ngành Cử nhân Văn chương Anh Mỹ (B.A. in English Literature) và sinh ngữ phụ là Pháp và Đức ngữ, tại Hoa Kỳ. Thầy xuất thân trong dòng tộc Hồ Sĩ có tiếng ở Quảng Trị nên chúng tôi rất ngưỡng mộ. Ngày đầu tiên thầy vào lớp, trông thật hiền lành, dáng người trung bình, nhỏ nhắn. Thầy đọc và giảng bài như các thầy tốt nghiệp ĐHSP Huế hay Sài Gòn chứ không có vẻ “Mỹ” chút nào cả, chỉ có khác là thầy nói tiếng Anh rất tự nhiên và lưu loát. Năm học lớp Đệ Nhất C, bạn thân của tôi, Đỗ Tư Nghĩa vì buồn tình nên xin học miễn chuyên cần, chỉ tới lớp học môn Triết mà thôi chỉ khi nào thi Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt hay Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt (tức học kỳ I và II) thì mới có mặt đầy đủ để thi các môn. Tôi thoạt đầu thấy trống vắng và buồn vì Nghĩa ngồi cùng bàn sát bên trái tôi suốt sáu năm liền; nay năm cuối chỉ còn lại mình tôi. Thế nhưng rồi cũng quen vì đã có người khác thay thế ngồi bên cạnh. Bấy giờ tôi phải giơ tay hoạt động nhiều hơn và lên bảng nhiều hơn vì lớp chỉ còn 13 người mà tiếng Anh là môn chính, hệ số 3, sáu giờ một tuần.

Thầy Châm vào lớp thấy học trò quá ít, ngồi một phần tư lớp. Thầy cười sung sướng vì đây là lớp lý tưởng nhất thời bấy giờ để học tiếng Anh. Bài tập đầu tiên để kiểm tra học sinh là một bài khảo sát nhan đề là: Education is a preparation for life (Giáo dục là chuẩn bị cho cuộc sống). Bài này tác giả đề cập đến một nền giáo dục từ bỏ kinh viện để chuẩn bị cho con người thích ứng với những vai trò trong cuộc sống, không còn thụ động nữa. Khi phát bài, thầy đã sửa những lỗi sai ngữ pháp và dịch thuật của học sinh. Thầy đề cập sự khác biệt giữa các nền giáo dục Anh, Mỹ và Trung Quốc. Mục đích của nền giáo dục Mỹ là đào tạo ra những công dân tốt cho xã hội (good citizens for society), nền giáo dục Anh đào tạo ra những học giả, nhà trí thức cho cuộc sống (scholars and intellectuals for life), còn nền giáo dục Trung Quốc chỉ với những mục đích kinh viện (with merely academic aims). Vì thế mà Mỹ phát triển xã hội nhanh, tiến lên cường quốc bá chủ, dù mới lập quốc chưa đầy hai trăm năm.

Phần làm luận văn (Essay)
Ngoài bài tập làm ở lớp mỗi tháng một bài, hàng tuần thầy ra đề luận cho học sinh về nhà làm, sau khi chấm xong, thầy cho chọn điểm số của bài luận cao nhất trong bốn bài luận của mỗi tháng để vào sổ điểm. Bằng cách này học trò thoải mái về nhà tha hồ tham khảo các sách vở, học báo, các sách luận văn để làm bài. Nhờ đó học sinh nhớ các bài luận mẫu và phát triển kỹ năng viết và viết được nhiều. Một bài luận văn thi Tú Tài II ban C ít nhất cũng phải viết được ba trang giấy thi. Nhờ cách của thầy mà học sinh học được nhiều từ vựng, nhiều đoạn văn hay, hiểu thêm văn phạm và diễn ý phong phú; dù đàm thoại không mấy tốt nhưng để viết văn và thư từ bằng tiếng Anh thì thoải mái hơn.
Có lần thầy ra đề luận văn Out of sight, out of mind. Do you agree? (Anh chị có đồng ý: Xa mặt thì cách lòng không?). Khi phát bài có người đồng ý, có người không đồng ý với tục ngữ trên, các học sinh tranh luận suốt nửa giờ qua các chứng minh của mình. Cuối cùng thầy tóm lược: Câu nói trên đúng hay không tùy theo tâm thức và hoàn cảnh của mỗi người. Xem ra có vẻ phũ phàng, nhưng chính trong lòng câu ấy là một biện chứng phản diện, một sự thử thách đối với lòng chung thủy, lòng thương cảm và nhất là sự thiết tha vượt được thời gian và không gian. Nó đúng ở cả hai. Khi người ta quên thì chính người ta chân thành với chính mình. Vì sao mà out of mind, vì cái ấn tượng bây giờ đã khác cái ấn tượng trước đây, thì nhớ để làm gì cho vướng bận, nên để cho nó out of mind thì tốt hơn. Nếu nó không out of mind mà vẫn stay in mind thì cái ấn tượng này lại đồng nhất với cái ấn tượng trước. Cái hình ảnh (image) đó nó bất biến để câu tục ngữ trở thành một vế khác: Out of sight, near in mind (Xa mặt nhưng không cách lòng). Cho nên có thể kết luận câu Out of sight, out of mind chỉ là một câu nói thường tình của quan hệ giữa con người trong xã hội, và có vẽ trách móc trong quan hệ tình yêu mà các em nói là bội bạc. Tuy nhiên, nó cũng không hoàn toàn đúng, vì có những trường hợp “càng xa mặt thì càng gần trong tâm tưởng” (Si loin de nous, si près par la pensée), chẳng hạn những mối tình thiên thu với những cặp tình nhân vì hoàn cảnh mà phải xa nhau.
Thầy khuyên nên thuộc lòng các văn bản tiếng Anh, học sinh sẽ hiểu được văn phong, cách dùng từ, diễn ý và ngữ pháp của người bản xứ. Cấu trúc câu của tiếng Anh rõ ràng, có phần khác với tiếng Việt nhờ thế nó bổ túc thêm cho môn văn và làm rõ ngữ pháp tiếng Việt khi đối chiếu để dịch. Thầy ví dụ câu nói “Cô gái đẹp hơn hôm qua”, thoạt đầu ta nghĩ làm sao mà lấy “con người” (cô gái) so sánh với “thời gian” (hôm qua). Nhưng câu này trong tiếng Việt là một câu ẩn thể (elliptical). Nếu theo ngữ pháp tiếng Anh thì câu ấy cũng được viết hay hiểu như sau “Hôm nay cô gái đẹp hơn cô ấy hôm qua  (Today, the girl is more beautiful than she was yesterday). Nhưng ta dịch ra tiếng Anh The girl is more beautiful than yesterday thì không có gì sai cả, vì cũng dùng ẩn thể như tiếng Việt, hoặc là dùng mệnh đề “than she was yesterday” thì cũng đúng vậy.
Còn nữa, cách diễn ý và dùng từ của tiếng Việt cũng gây khó khăn cho người học khi dịch ra tiếng Anh:
Ví dụ:
   Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi

Các từ sóng soãi, lả lơi, gió đông cũng nhiều ý khó diễn đạt bằng tiếng Anh. Chúng tôi dịch gió đông là “wintry wind” vì thường nghe bài hát “Chiều nay, gió đông về trên bến sông”… Nhưng thầy giảng gió đông có nhiều nghĩa là gió mùa đông, gió phương đông, gió rạng đông. Câu thơ này diễn tả trăng xế tàn vào đêm mùa hè. Với cụm từ lả lơi, thầy chọn gió đông là “dawn breeze” để diễn tả gió sáng sớm, nhẹ nhàng đong đưa. Câu thơ trên được dịch như sau:

The moon lies lazily along the branches of the willow
Awaiting the caress of the dawn breeze.

Sau này khi dạy học trò tôi cũng bắt chước thầy Châm ra bài tập rất nhiều cho học trò làm ở nhà rồi chọn điểm cao để vào sổ. Như thế học trò cũng thích và học nhiều. Đặc biệt sau 1975, thầy khỏi phải nâng điểm khống cho đạt chỉ tiêu học tập. Đây là phương pháp giảng dạy có lợi nhất cho thầy và sự học của các em, vì kích thích sự tìm tòi và hiểu biết; chỉ có điều là thầy phải bỏ nhiều công hơn để chấm bài.
Thầy dạy cuốn La Vie en Amérique là sách giáo khoa được sử dụng cho lớp Đệ Nhất C thời bấy giờ. Sách này do người Pháp soạn, tuyển chọn truyện ngắn hay trích các đoạn văn, thơ của các nhà văn và thi hào Mỹ như John Steinback, William Faulkner, Ernest Hemingway, Robert Frost, Walt Whitman. Tôi còn nhớ thầy giảng bài The Skyscraper and the Psychology (Tâm Lý Con Người và Tòa Nhà Chọc Trời). Thầy cho học sinh đọc và dịch từng đoạn, sau đó thầy ráp lại và dịch toàn bài. Học sinh cho từ đồng nghĩa, phản nghĩa; trả lời câu hỏi trong sách theo sự hiểu biết của mình, tìm hiểu ý định của tác giả và cho ý kiến đồng ý hay không. Đây là một cách thảo luận về một đoạn văn hay một đề tài để tập nói và diễn ý, vì thời đó chúng tôi yếu kém về nghe và nói; chỉ chú trọng về viết, chủ yếu là văn phạm, từ vựng để dịch và làm luận chuẩn bị cho kỳ thi mà thôi; dù khi thi Tú Tài II có phần vấn đáp nhưng vẫn xem nhẹ.
Bài văn ở trên kể lại câu chuyện của một cô gái có người yêu hiền lành chân thật, sửa giày ở một góc nhỏ dưới đất gần tòa nhà chọc trời, chấp nhận một cuộc sống bình dị như hiện tại. Nhưng cô gái thì không, luôn mơ ước một cuộc sống cao sang vì cô nghĩ: Cái bóng của tòa nhà chọc trời luôn che phủ cái tiệm nhỏ bé của anh thợ giày, họa hoằn lắm khi mặt trời lên thiên đỉnh trong thời tiết tốt, thì có một chút ánh sáng nhỏ nhoi chiếu xuống tiệm giày, đời cô sẽ như vậy sao nếu lấy người thợ giày? Cô không chấp nhận. Cô ước ao được đổi đời và có dịp đứng ở trên đỉnh tòa nhà chọc trời, mà anh thợ giày suốt đời chắc không bao giờ biết đến cánh cửa vào tòa nhà chọc trời dù sống sát bên. Cơ hội đến, có một nhà trí thức để ý đến cô gái và rủ rê cô lên tòa nhà chọc trời. Cô mừng rỡ chấp thuận, nhưng khi lên đến sân thượng ngắm nhìn bầu trời và nhìn xuống đất thấy mọi vật nhỏ bé như con kiến, rồi độ cao và gió lớn khiến cho cô choáng ngợp và nhận ra những gì đang thấy, đang cảm nhận không phải là cuộc sống thật của mình. Dù nhà trí thức săn đón, vỗ về giảng giải bằng tất cả kiến thức, sự thông thái cùng tài ăn nói nhưng cô lại càng cảm thấy xa lạ hơn rồi đâm ra sợ hãi, sợ độ cao, sợ tòa nhà, sợ nhà trí thức và sợ ngay chính mình. Trong khoảnh khắc đó cô chợt nhớ đến anh thợ giày, đến cái quán nhỏ bé và những đôi giày da đủ màu, cái kim may, cái ghế xếp anh thường ngồi… Cô kêu lên rồi ù té chạy xuống thang máy, tìm đến tiệm thợ giày ôm chầm lấy anh, nói yêu anh và từ nay không rời xa anh nữa. Còn nhà trí thức thì bơ vơ với bầu trời đầy sao, với ánh đèn màu sân thượng mà không hiểu vì sao cô gái lại chạy trốn.
Chúng tôi tranh luận với thầy về tình yêu, quan điểm sống, và tâm lý cô gái trong nhiều giờ học sau đó khi đề cập sự bỏ chạy của cô gái. Điều ấy có cần thiết hay không? Nếu cô không lên tòa lầu thì cô có tìm thấy tình yêu không? Chỉ có mất khi được lại mới quý. Thầy nói: Thế cô ta không trở về thì sao? Chúng tôi trả lời: Thì đành tội nghiệp cho cô gái đã đánh mất mình. Cái may mắn là biết thức tỉnh dù là bất chợt thức tỉnh hay thức tỉnh muộn màng. Cuối cùng, thầy trò đều chấp nhận khi thầy dẫn câu thơ của Dean Walley trong Happiness is Everywhere:

And when happiness seems to be nowhere around,
Remember… It’s waiting just to be found.

Và khi hạnh phúc tưởng chừng như không có quanh ta.
Bạn ơi hãy nhớ … nó đang kề bên và mong đợi ta tìm thấy

Trong cuộc sống, con người đôi khi vì ảo tưởng, đứng núi này trông núi nọ, rồi tự làm khổ mình. Hạnh phúc giống như đường chân trời, nếu càng bước tới đi tìm thì nó càng tiến xa; nếu biết dừng, đường chân trời cũng dừng theo. Hãy tìm hạnh phúc ngay giờ phút này trong hiện tại, không ở một không gian thời gian nào khác.

Đừng dại khờ như nhà thơ Phan Văn Dật:

Tôi không hay hưởng cùng cái hiện tại
Hững hờ, tôi thường để nó đi qua
Chuyện ngày nay sau tôi sẽ xót xa,
Tôi chỉ tiếc những giờ không trở lại.
(Bâng khuâng)

Tôi rất có ấn tượng với những lời giảng của thầy khi học tới nhà thơ Robert Frost. Nhờ sự giảng kỹ của thầy mà tôi vượt qua dễ dàng phần thi vấn đáp trong kỳ thi Tú Tài II, nên đến nay tôi vẫn còn nhớ và tâm đắc nội dung, ý nghĩa hai bài thơ này qua lời giảng. Đó là hai bài The Road not TakenStopping by Woods on a Snowy Evening.

Bài thứ nhất

The Road not Taken

Two roads diverged in a yellow wood,
And sorry I could not travel both
And be one traveler, long I stood
And looked down one as far as I could

To where it bent in the undergrowth;
Then took the other, as just as fair,
And having perhaps the better claim,
Because it was grassy and wanted wear;

Though as for that the passing there
Had worn them really about the same,
And both that morning equally lay
In leaves no step had trodden black.

Oh, I kept the first for another day!
Yet knowing how way leads on to way,
I doubted if I should ever come back.
I shall be telling this with a sigh

Somewhere ages and ages hence:
Two roads diverged in a wood, and I-
I took the one less traveled by,
And that has made all the difference.


Tạm dịch xuôi:

Con Đường Ta Không Chọn

Hai con đường rẽ trong rừng đầy lá vàng
Tôi tiếc không thể một lần đi cả hai
Là người lữ hành, tôi đứng tần ngần một lúc
Nhìn theo một con đường mãi cuối tầm mắt

Đến chỗ uốn khúc mất hút giữa lùm cây.
Rồi đường kia nhìn cũng xinh xắn chẳng kém
Và dường như có vẻ hấp dẫn hơn nhiều
Phủ đầy cỏ xanh như mời gọi bước lên

Xui ta nên chọn bước để qua lối này
Bởi hai con đường nào có khác chi nhau
Một sáng kia, hai đường trải ra trước mặt
Lá phủ đầy, chưa bước chân nào dẫm lên

Ồ! ta đành nhường đường trước cho lần khác
Nào hay đường đi lại nối tiếp đường đi
Còn biết bao giờ quay bước lại nơi đây.
Tôi kể lại chuyện này lẫn tiếng thở dài

Cho đến lúc tuổi đời nối tiếp chồng chất
Hai con đường chia ngã trong rừng - và tôi
Đã lỡ chọn con đường ít người qua lại
Chính điều này làm thay đổi cuộc đời tôi.

Tìm trên mạng có nhiều bản dịch nhưng không hay hơn và thanh thoát như bản thầy Châm cho học sinh chép dưới đây. Không biết thầy sáng tác hay của người nào dịch mà tôi tìm không thấy. Tôi chỉ còn nhớ hai khổ thơ dịch như sau:

 
Một thân khôn dễ chia đôi,
Đứng nhìn đường nọ, trông vời đường kia.
Rồi đường kia cũng xin ta chọn
Đường không đi định bụng lần sau.
Nào hay đường nối tiếp nhau,
Ra đi ta biết rằng đâu khứ hồi.
Thế hệ sau bồi hồi nghe chuyện,
Hai con đường một chuyến viễn du
Ta đi đường vắng hoang vu,
Còn đường tốt đẹp nhường ru cho người.

Khác với ý nghĩa các bản dịch trên mạng ngày nay, thầy đặc biệt giảng ý hai câu cuối như sau: Con đường hai ngã là một ẩn dụ rõ ràng. Mỗi một chúng ta phải chấp nhận hậu quả sự chọn lựa dù đúng hay sai, rồi mang hậu quả của nó trong suốt cuộc đời. Có điều dù muốn hay không, lúc đó ta không thể nào sáng suốt, khách quan suy nghĩ để rồi chọn lựa; mà chính số phận đã đẩy ta vào trong chọn lựa theo cảm tính hay linh cảm tình cờ. Chính sự chọn tình cờ này đã quyết định toàn bộ tương lai của một con người. Ta có thể tự hỏi sao Frost lại chọn con đường ít người đi nhất (the one less travelled by) phải chăng sự chọn lựa này chính là điềm báo (omen). Tác giả không nói với chúng ta ở câu cuối là tác giả có hối tiếc không? Có bằng lòng vì mình là kẻ chiến thắng hay là cay đắng vì chọn nhầm? Nhưng chắc chắn ta có thể xác quyết rằng tác giả đã ngậm ngùi nuối tiếc và nếu cho cơ hội lần nữa tác giả sẽ chọn ngược lại.

Qua bài thơ thứ hai:

Stopping by Woods on a Snowy Evening

Whose woods these are I think I know.
His house is in the village though;
He will not see me stopping here
To watch his woods fill up with snow.

My little horse must think it queer
To stop without a farmhouse near
Between the woods and frozen lake
The darkest evening of the year.

He gives his harness bells a shake
To ask if there is some mistake.
The only other sound’s the sweep
Of easy wind and downy flake.

The woods are lovely, dark and deep,
But I have promises to keep,
And miles to go before I sleep,
And miles to go before I sleep.

Tôi không còn nhớ bài dịch của thầy Châm, xin chọn bản dịch của Đông Yên trên mạng:

Dừng Chân Ven Rừng Một Chiều Tuyết Xuống

Rừng trước mặt thuộc về ai ta biết.
Nhà chủ nhân ở mãi tận trong làng;
Ông đâu biết có ta đang dừng lại
Để nhìn rừng phủ kín tuyết đang rơi.

Con ngựa nhỏ cũng dường như tự hỏi
Sao lại ngừng trong chiều vắng cuối năm
Khi phía trước không nhà không trang trại
Từ khu rừng đến hồ nước đóng băng.

Nó giật nhẹ chuông cương như muốn hỏi
Phải chăng đây là lầm lẫn nào chăng.
Lời hồi đáp là gió ngàn đang thổi
Là mênh mông tuyết phủ xuống bốn bề.

Rừng khả ái, âm u và thăm thẳm,
Nhưng ta còn những hứa hẹn phải đi,
Trước khi ngủ, một hành trình vô tận,
Một hành trình vô tận sẽ phải đi.
Đông Yên

Thầy Châm giảng thể thơ tám chữ này là hiệp vần như thể thơ tứ tuyệt Việt Nam. Câu 1 vần với câu 2 và câu 4. Có đôi khi câu 1 vần với câu 2 và câu 3 vần với câu 4.

   Khổ thứ nhất: Know - though - snow
   Khổ thứ hai: Queer - near - year
   Khổ thứ ba: Shake - mistake - flake
   Khổ thứ tư: Deep - keep - sleep

Đây là một bài thơ rất đúng quy tắc, đơn giản, phần hiệp vần này trước đây thầy Trương Ngọc Hội đã dạy chúng tôi năm Đệ Ngũ (lớp 8) rồi, nên chúng tôi có thể tự hiểu. Nhưng về ý tưởng thầy Châm triển khai rất kỹ: Khi tác giả viết little horse who thinks trong thơ là đã nhân cách hóa, hàm ý con ngựa đã nói lên những ý nghĩ mà đáng lẽ một thị dân phải thốt lên giá như họ có mặt nơi đây, mà nói gì nếu chủ nhân của khu rừng có mặt lúc đó có thể có cùng một cảm nghĩ như con ngựa không? Thay vì phải vội vã về nhà ngay trong thời tiết băng giá, thì lại lẩn thẩn tự hỏi mình khi đứng tại một thời điểm và địa điểm dừng chân này. Bài thơ này muốn nói đến điều gì khác ngoài cảnh dừng lại của một người mệt nhọc: Đó là hình ảnh lão ngư ông của Hemingway đã tự hỏi “Tại sao lại sinh ra ta khi vật lộn với thiên nhiên để đưa vào bờ con cá lớn lần đầu tiên ông đánh bắt được, nhưng sau bao gian khổ khi vào được bờ thì con cá kia chỉ còn lại cái khung xương tàn vô giá trị. Thế thì nỗ lực vật lộn với cuộc sống để làm gì?”. Tương tự, khu rừng với thời tiết như thế là biểu tượng cho cuộc sống hiện thực của con người. Đặc biệt câu cuối tác giả đã từng nhắc nhủ mình trong âm vang của cụm từ miles to go được lặp lại như lão ngư ông khi còn ngoài khơi với chiếc thuyền và con cá sống, đó là tiếng thì thầm của người lữ hành tự nói với mình để tự trấn an trước khi thật sự buông tay để tròn cuộc sống And miles to go before falling asleep. Đoạn thơ này cũng không che được sự mệt mỏi nản chí, dù rằng đã tự dối để an ủi mình have promises to keep trước cái hư vô hiển hiện trong kiếp người. Đây cũng chính là hư vô đã toát lên trong thơ của Xuân Diệu:

Hư vô bóng khói trên đầu hạnh,
Cành biếc run run chân ý nhi.

Chân ý nhi run lên như chính lòng lữ khách run run trong chiều tuyết trắng. Rồi cũng về với hư vô. Còn gì mà have promises to keep như chính Robert Frost đã nói sau cùng, năm 1963: I would have written of me on my stone, I had a lover’s quarrel with the world. (Trên mộ chí của mình ta viết sẵn: Ta với đời như tình nhân giận nhau.)

Hai bài thơ này và bài giảng của thầy Châm in sâu trong trí nhớ tôi là vì năm 1967 khi vào thi vấn đáp Tú Tài II, tôi bốc thăm trúng Robert Frost với hai bài thơ trên. Tôi mừng thầm vì may mắn. Sau khi đọc và dịch xuôi bài The Road not Taken. Giám khảo hỏi tôi: Trong khổ thơ cuối (last stanza) em có thể tưởng tượng ra điều khác biệt gì mà tác giả muốn nói ở đây? Tôi trả lời như thầy đã giảng: Frost muốn nói với chúng ta rằng: Con người có tự do để đối mặt với sự lựa chọn, và điều khác biệt của sự lựa chọn đó làm thay đổi số phận của một con người. (Frost told us that man is free to face the choices and the difference of this choice will make a man’s destiny changed).

Qua bài Stopping by Woods on a Snowy Evening, giám khảo hỏi: Âm nguyên âm nào (vowel sound) được nhấn mạnh và lập lại trong khổ thơ đầu, và âm này được sử dụng nhiều lần cho cảm giác gì? Tôi nhớ bài học và trả lời: Âm nguyên âm được sử dụng nhiều là âm [əʊ] “know – though – snow” diễn đạt cảm giác cô tịch của con người hiện hữu trước thiên nhiên im lặng và giá buốt (Expressing the solitary of man’s existence in front of nature full of silence and frost)

Và câu hỏi sau cùng “cho từ đồng nghĩa với động từ sleep trong câu cuối”. Tôi trả lời: “To die”, mà biết chắc là mình sẽ “sống – survive”! Giám khảo mỉm cười và cho ra. Thế là vượt qua kỳ thi, cảm ơn thầy Châm và Frost!
Năm lớp Đệ Nhất học Triết, điều tuyệt vời nhất là môn tiếng Anh của thầy Châm hỗ trợ môn Triết học của thầy Tâm. Tôi nghĩ: Nếu thầy Tâm là người diễn giảng, thì thầy Châm là người minh họa bằng những bài text và thi ca tiếng Anh. Bài giảng của thầy Châm về hai thi phẩm này với tôi thực là đầy đủ khi được học với thầy, coi như kết thúc môn tiếng Anh ở thời kỳ Đệ Nhị Cấp, lớp cuối cùng ban C và dùng làm hành trang vào Đại học.
Muôn vàn kính yêu đối với thầy Châm, tôi xin mượn bài viết này để bày tỏ sự tri ân đối với thầy và chắc lòng thầy sẽ vui lên một chút khi biết có những học trò đến bây giờ, sau năm mươi năm, vẫn còn nhớ những gì thầy giảng!
Một ngày Hè, năm 2010 vợ chồng tôi đến Nha Trang tìm thăm, thầy cô sống trong một căn nhà khang trang; vừa gặp, thầy gọi ngay tên của hai vợ chồng chúng tôi. Thầy vẫn giữ phong cách hiền hòa như xưa. Chúng tôi ngồi lắng nghe thầy tâm sự: “ Trước 1975, thầy có thời gian dạy trường Trung học Võ Tánh ở Nha Trang, nhà trường xếp thời khóa biểu đủ các lớp từ Đệ Nhất Cấp đến Đệ Nhị Cấp (Lớp 12C, sinh ngữ chính Anh văn, cũng chỉ có 12 em, nhưng lúc đó thầy dạy cuốn English for Today, book six). Sau năm 1975, thầy tiếp tục dạy ở trung học Lý Tự Trọng (trường Võ Tánh cũ) suốt 15 năm. Năm 1990, con thầy có cơ hội xuất ngoại học tập, nên thầy mới ra dạy tại trung tâm Ngoại Ngữ Nha Trang, các lớp trình độ A,B,C. Rồi sau đó dạy hợp đồng với Đại học Hà Nội, môn tiếng Anh hệ Cử Nhân tại chức, cũng tại Nha Trang. Trình độ sinh viên tốt nghiệp rất yếu, không bằng lớp Đệ Nhất C thời các em. Các môn thầy dạy là Reading, Economics, Business EnglishGrammar Theory.
Năm 2004, thầy và cô qua Mỹ thăm con gái ở San José và một vài nơi khác như, San Francisco, Washington DC và Las Vegas. Thầy ở lại Mỹ chơi ba tháng rưỡi mới trở về lại Nha Trang.”
Trời đã chiều đành phải chia tay, Thầy tiễn chúng tôi ra tận cổng, để về Saigon.
Năm 2014 cô qua đời, chắc hẳn thầy buồn và cô đơn vì chỉ sống với hai người con trong căn nhà rộng lớn. Còn nhớ, lúc thầy đưa cô vào Sài Gòn chữa bệnh, vợ tôi và các bạn có đến bệnh viện thăm, thầy dù buồn vì sức khỏe của cô nhưng vẫn cười khi thấy học trò. Sau khi cô mất, thầy có vào dự họp Đầu Xuân 2015, các học trò cũ hân hoan chào đón, thăm hỏi thầy nồng nhiệt.
Sau dịp ấy, tôi không còn được gặp lại thầy. Nhưng tôi tự hứa là phải đến Nha Trang một lần nữa trong năm 2017 này để thăm thầy.
Xin hẹn sớm được gặp lại thầy!

                                                                              ĐOÀN ĐỨC
                                                                   Viết xong ngày 28/01/2017

7 nhận xét:

Nặc danh nói...

Anh Đoàn Đức ơi, Hoàng Văn Thắng đây nè. Tình cờ vào được Trang Đồng Môn Nguyễn Hoàng thấy có những bài anh viết về những kỷ niệm cũ hay quá. Chưa thầy ai viết chi tiết và bác học như vậy. Bây giờ mới biết bộ ba Nguyễn Thắng (bac sĩ), Đỗ Tư Nghĩa (triết gia, học giả) va anh Đoàn Đưc, giáo sư Anh Văn (và la triết gia) Đúng là Quảng Trị một thời có được những tài năng có một không hai như vậy.
Thắng có học với Thầy Châm nhưng khong phải là học sinh ưa thích cũa Thầy vì Thắng khong giỏi môn nào cả, lai hay nói chuyện trong lớp. Đọc bài anh viết về các thầy cô, bái phục quá vì anh co trí nhớ quá tốt va cách diễn tà chỉ có bác học văn chương mới viết và dịch nổi. Anh cho biết tin tưc cá nhân về email của Thắng la giohocduong@yahoo.com để tiện liên lạc. Thắng cũng có một trang Facebook có tên là Daniel Hoàng, có hình chụp với bà xã trên ghế đá công viên và hình 2 con trai của Thắng...nhơ là hình ngồi tren ghế đá công viên nhé...mấy trang facekhac1 là ảo....

Bâng Khuâng nói...

Tôi đã chuyển comment của bạn đến email ông Đoàn Đức.
Thân chúc chủ bạn cùng thân quyến năm mới Mậu Tuất 2018 an khanh hạnh phúc !

http://4.bp.blogspot.com/-EXcyVKnlwAA/VOQsuEUpRBI/AAAAAAAADNE/n9J4F7ZhsvQ/s1600/Movehjk.gif

muctim nói...

MT sang chúc anh và gia đình năm mới Mậu Tuất vạn sự như ý

https://thiepmung.com/source/cau-doi/demo/demo-3.jpg

Unknown nói...

Xin cam on anh. Chuc anh va gia dinh mot nam moi an khang!

Bâng Khuâng nói...

Mình cũng chúc muctim cùng tân quyến như thế nhé!

http://2.bp.blogspot.com/-ux5qzMo-bwc/VH1SMMfGHcI/AAAAAAAAGj4/0qdTatbofdw/s1600/2zxD0-BXFB-1.gif

Bâng Khuâng nói...


https://ci3.googleusercontent.com/proxy/e2fblBhiVm3KJJ2NXk6vv82OMmPW23AuYt5Tkf2y0xbxRuI04gl7-GOGgpr_OXtERawKnud10pqwuiKOIRVF2WET0CCF-47i_uvnaFAwQ7oXjUEMPU7cvkYXS-wogeOkBc6txEJeq2KWu38PbHb1cboeOFnA0pHPKFKoNjYkpFbbPxfCEMgZoe2bRThQvYcQ3n8laJ9jo_Twm0d5j1SH7es92cBoNFFgYGj6FqFz1uF2bHtXmV2C4zt6-bE3uW4IqPURYMgfghw4Bbvy6zcfVNlX4wMhEq8sCMZ1OFjVRiq6RJ6-yCUl31zJunI_lgRDRcpVcKgz-KJNhN94ZC1bowcFvtPZuw=s0-d-e1-ft#https://images-blogger-opensocial.googleusercontent.com/gadgets/proxy?url=http%3A%2F%2F3.bp.blogspot.com%2F-XKxsVNqnCQw%2FVOUt1nGy33I%2FAAAAAAAABkg%2FstD3Hsau-Zg%2Fs1600%2Fsecuredownload.gif

Bâng Khuâng nói...


http://i1196.photobucket.com/albums/aa417/tranngochoangle/1.gif