BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

HAI BÀI THƠ THÁNG SÁU – Quách Như Nguyệt


   


THÁNG SÁU KỶ NIỆM
 
Tháng Sáu, một tháng trong mười hai tháng
Nhưng với tôi, tháng Sáu lại không thường
Bao nhiêu ngày, bao nhiêu là kỷ niệm
Quá khứ đẹp ngời, vui giận yêu thương
 
Lễ Hôn Phối xa xưa hứa yêu thương
Tháng Sáu Mười Hai, ngày tôi nhớ mãi
Trao nhẫn cưới anh nhìn tôi yêu ái
Đâu nào ngờ tình nhòa nhạt, tàn phai
Còn quá trẻ để biết mình may mắn
Anh yêu tôi… tôi nghĩ chuyện bình thường
 
Hai đứa con ra đời vào tháng Sáu
Tháng Sáu mùa hè, tháng Sáu đổ mồ hôi
Ở Cali chỉ có phượng tím thôi
Không phượng đỏ chào mừng hè nóng bức
  
Đêm hôm nay tháng Sáu nằm thao thức
Tôi nhớ về tháng Sáu, ngày mười hai
Tôi cùng chồng làm giấy chia tay
Ôi tháng Sáu, mùa hè xưa… nhớ mãi…
 

KỶ NIỆM – Thơ Lê Phước Sinh


  
                Nhà thơ Lê Phước Sinh


KỶ NIỆM
 
Anh biết, mùa Hạ nắng gắt
Phượng hồng còn đỏ mặt kia
Viết vội vài dòng lưu bút
tháng năm nhớ thuở xuân thì...
 
                LÊ PHƯỚC SINH

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

VÀI NÉT VỀ NỮ SĨ MỘNG CẦM VÀ NHÀ THƠ HÀN MẶC TỬ - Nguyễn Như Mây sưu tầm


Tác giả bài viết Nguyễn Như Mây
  
Nữ sĩ Mộng Cầm tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, sinh ngày 17 tháng 7 năm 1917 tại Thu Xà, tỉnh Quảng Ngãi. Bà qua đời lúc 22 giờ 30, ngày 23 tháng 7 năm 2007 tại nhà riêng ở Phan Thiết (Bình Thuận), hưởng thọ 91 tuổi. Bà là cháu ruột gọi nhà thơ Bích Khê (tên thật là Lê Quang Lương) bằng cậu.
   
Lúc bấy giờ, bà là y tá ở trạm xá Mũi-Né từ một người anh lớn của nhà thơ Bích Khê. Còn Bích Khê đang dạy học tại các trường trung học Quảng Hiền, Hồng Đức ở Phan Thiết từ năm 1934 tới năm 1936. Nhà thơ Chế Lan Viên, bạn thân của Bích Khê, cũng đang dạy học tại đó.
 

PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM? - Vũ Đình Trọn

                        (Viết về bà Nguyên Sa Trịnh Thúy Nga)
 
Vợ chồng nhà thơ Nguyên Sa

Mười chín năm qua, từ ngày nhà thơ Nguyên Sa qua đời (18 Tháng Tư 1998), những đóa cúc vàng trên mộ ông trong nghĩa trang ở thành phố Westminster vẫn vàng rực, nhờ sự chăm sóc ân cần từ người vợ thủy chung.
 
Vợ nhà thơ Nguyên Sa, bà Trịnh Thúy Nga, người đi vào cõi thơ Nguyên Sa với những câu mở đầu “tếu táo”: “Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm/Như con mèo ngái ngủ trên tay anh /Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình /Ðể anh giận sao chả là nước biển!…”
 
Trên đời, chắc chỉ có mình ông, nhà thơ Nguyên Sa, viết thư thông báo đám cưới của mình bằng thơ. Cũng chẳng có ai đặt tựa cho bài thơ báo hỷ “cộc lốc” như ông – chỉ vỏn vẹn một chữ “Nga,” tên người con gái ông lấy làm vợ.
Thế mà người ta nhớ! Có ai mà không nhớ thơ tình Nguyên Sa!
 

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

VẨN VƠ VỀ CHUYỆN NGỰA MUỐN HÓA RỒNG – Đặng Xuân Xuyến

(Nhân chuyện Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa bị khởi tố)
 

Đã tuổi ngựa thì chạy ở dưới đất thôi cho đắc dụng, hợp với lẽ tự nhiên của đạo Trời Đất lại viển vông đòi vút bay tận trời cao. Ừ, nếu chót ham hố thế thì cũng thôi mà làm con chim sâu đi, vừa thỏa thích lượn lờ trời cao, vừa nhẩn nha bắt sâu bọ để chén cho phĩnh cái bụng lại giúp môi trường được xanh sạch đẹp còn tạo thêm chút công quả, biết đâu nhờ thế sẽ được Trời cao thương tình miễn giảm tội rắp tâm “lách luật” mà cố phạm luật Trời, lại cứ khăng khăng đòi hóa Ngựa thành Rồng, mà phải là Rồng xanh nữa cơ thì oạch cái rớt xuống tận vực thẳm là “oạch” quá đúng với "quy trình” “kiến tạo".

CUỘC SỐNG & NHÂN SINH – Đức Hạnh cùng quý thi hữu


  

 
CUỘC SỐNG & NHÂN SINH
[Khoán thủ thi]
 
SỐNG đời giữ phận kẻo từ li
THỜI buổi tràn lan chuyện cũng vì
TIỀN bẩn tham ô thờ vật chất
BẠC giàu sách nhiễu xóa tôn ti
CHẢY nguồn mạch sống - nguồn khô khốc
RÒNG cảnh dân sinh - cảnh lạ kì
THÁC loạn tà tâm rồi xuống huyệt
KHÔNG HÒNG ĐƯỢC MỘT CẮC MANG ĐI.!
 
Đức Hạnh.
11 06 2022
 
[Cảm tác từ câu thơ: thi hào - Nguyễn Du]
“Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi”
 
 
THƠ HỌA:
 
SỐNG THỜI TIỀN BẠC CHẢY RÒNG THÁC KHÔNG...
[Khoán thủ đề]
 
SỐNG tình rộng rãi chẳng chi li
THỜI đã lên hương cũng tại vì
TIỀN của công minh dù tí tí
BẠC vàng sáng tỏ dẫu li ti
CHẢY dòng chính nghĩa ngời chân lí
RÒNG cánh nhân sinh rạng quốc kì
THÁC nước từ Nguồn luôn trọng quý
KHÔNG màng danh lợi vững vàng đi…
 
Hồng Xuyến
11.06.2022
 

NGẪU NHIÊN CÙNG MÙA HẠ - Thơ Khaly Chàm


   

ngẫu nhiên cùng mùa hạ
 
sấm chớp lóe trong vòm mây mùa hạ
siêu nhiên âm vỡ trắng giữa khôn cùng
điếng hồn chưa, trừng mắt nhìn cốc rượu
quán tưởng đời tro lạnh của riêng chung (?)
 
hình diễm ảo phủ lên niềm đau trắng
xếp lại đi em… dối trá với thật thà
dường như bóng hai ta đang xoắn xít
che dấu được gì lộ vết cắn tinh ma
 
hãy cố chạy vượt qua niềm tuyệt vọng
vấp ngã rồi nhớ mở mắt lặng thinh
con chữ ta cụt đuôi tìm ánh sáng
trong dạ người tình ngời sáng ý tâm linh
 
khởi sinh rồi, đã và đang biến chủng
hoa khắp cùng hiện hữu tỏa hương thơm
những tồn tại cứ trườn qua lồng ngực
đất thở nồng nàn sao phải tiếc nụ hôn?
 
hồn nhiên chứ, những hạt mưa mùa hạ
chân lý xoay vòng phúng dụ để tư duy
cát dưới chân cuộc lưu đày trôi mãi
ta là ai?
với hư vô, chạm cốc rượu, cười khì
 
                             ttcuchi mưa 2022
                                 khaly chàm
 

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

GIA LONG HAY QUANG TRUNG...? - Nguyễn Ngọc Luật



Nhân kỷ niệm 220 năm ngày vua Gia Long lên ngôi Hoàng đế, ngày 31 tháng 5 vừa qua Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của Hoàng đế Gia Long".

NHÀ THƠ KIỆT XUẤT NGUYỄN ĐỨC SƠN – Tâm Nhiên


Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn và tác giả Tâm Nhiên
(Từ phải sang trái)

Không biết từ đâu ta đến đây
Mang mang trời thẳm đất xanh dày
Lớn lên mang nghiệp làm thi sỹ
Sống điêu linh rồi chết đọa đày
 
Mấy câu thơ thời tuổi trẻ, lúc mới 23 tuổi ấy đã theo suốt cuộc đời Nguyễn Đức Sơn, một thi sỹ kiệt xuất trên bầu trời văn nghệ Việt Nam hiện đại.
 
Rờn lạnh, hoang vu một tâm hồn cô độc, cô liêu khốc liệt, luôn luôn ngún cháy bên trong chiều sâu linh thức, một ngọn lửa tịch mịch vô hình, thường trực đứng giữa đôi bờ sống chết, giữa đỉnh cao và hố thẳm của tồn sinh bức bách, ngay từ những ngày còn chạy lông bông, đùa rỡn cùng sóng vàng, cát trắng vu vơ dọc mấy hàng cây dương liễu xanh ngút ven bãi biển Ninh Chữ xa mù.
 

KHÚC THỤY DU – Nguyên Lạc



1. Nghĩa của hai chữ Thụy du
 
Theo nghĩa Hán Việt, Thụy : giấc ngủ, thí dụ “thụy y” 睡衣 quần áo ngủ. Du : Đi. Đi từ nơi này qua nơi khác
Vậy “Thụy du” : Đi trong khi ngủ, mộng du. Mộng du là tình trạng đi trong giấc ngủ (Sleepwalking). Đây là một loại rối loạn giấc ngủ có nhiều khi nguy hiểm, nó là chứng bệnh somnambulism.
Khúc Thụy du là khúc hát khi mộng du.
 

KHÚC MƯA CHIỀU THÁNG SÁU – Thơ Tịnh Bình


 


KHÚC MƯA CHIỀU THÁNG SÁU

Vấp cơn mưa chiều cuối hạ
Đâu hay phía tháng ngày trôi
Khoảnh khắc lạc mình đâu đó
Ký ức mùa xưa bồi hồi
 
Chớm nở nụ tình tháng Sáu
Bâng khuâng một ánh mắt cười
Mái hiên ngập ngừng mưa trú
Xa người khoảng lặng chơi vơi
 
Gửi cánh bướm hiền chấp chới
Tình thơ bãng lãng không lời
Hoa tím sầu lên mấy độ
Hờn gì cánh mỏng rơi rơi...
 
Tiếng chim treo ngoài hiên vắng
Dường như khắc khoải tri âm
Tháng Sáu nhòa miền hư ảnh
Xốn xang riêng giấc mơ thầm
 
Khuất xa một tà áo gió
Một thời ai nhớ, ai quên
Bỏ ngỏ khoảng trời tháng Sáu
Mưa rây giọt mỏng đi tìm...
 
                          TỊNH BÌNH
                           (Tây Ninh)
 

THI NHÂN VÀ THI CA: HẠ THÁI TRẦN QUỐC PHIỆT - Chu Vương Miện & Khanh Tương thực hiện

Ba mươi lăm năm nhìn lại con đường
Thời gian dài tưởng chừng rất ngắn
 

Hạ Thái Trần Quốc Phiệt tên khai sinh là Trần Quốc Phiệt.
Sinh năm 1945, quê quán An Lưu, Triệu Phong, Quảng Trị.
Từng là:
- Nội trú sinh VBA Huế (56 – 63)
- Học sinh các trường Trần Quốc Toản Huế, Kỹ Thuật Huế, Nguyễn Hoàng Quảng Trị, Quốc Học Huế.
-  Sĩ Quan QL/VNCH, khóa 22 Trừ Bị Thủ Đức. Phục vụ đơn vị tác chiến từ Trung Đội Trưởng đến Tiểu Đoàn Trưởng.
- Qua các trại tù: Long Giao, Sơn La, Nam Hà, Xuân Lộc, Cây Gừa Cà Mau.
 
Đến Mỹ năm 1991, nhân viên Stanford University Hospital, về hưu ở tại thung lũng hoa vàng (Silicon Valley).
 
Sinh hoạt Văn Nghệ:
Cộng tác với Nhân Văn (San Jose) Chứng Nhân (Texas) 1991 – 1993.
- Phụ trách mục Văn Học, mục Thơ và thơ Đường xướng họa trang mạng saigonecho 2009.
- Chủ biên trang web Hương Đồng Cỏ Nội.
- Cộng tác thường kỳ tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Cỏ Thơm ở Virginia & DC từ 20 năm nay.
- Cộng tác với saimonthidan.com, và vài trang blogspot khác khắp nơi.
- Chuyển dịch toàn tập “Tiên Sơn Thi Tập” của Hiệp Biện Đại Học Sĩ Trần Đình Túc với hai thể thơ Cổ Phong và Đường luật gồm 220 bài, xuất bản năm 2017 tại San Diego California.
- Có mặt trong các tuyển tập Quốc Học Đồng Khánh vùng Vịnh và các đặc san Quảng Trị ở Nam Bắc Cali và các nơi khác.
- Hiện tại đang săn sóc một mảnh vườn văn nghệ … với chủ đề lịch sử, địa lý, nhân văn…và một vườn cây kiểng đa sắc tộc.
 
Dòng Cuối: (trích đoạn lời bày tỏ cuối cuốn sách)
Cuối cùng thì “Trôi Giữa Dòng Đời” đã trình diện với gia đình, bà con và bằng hữu, trong đó chứa đựng những vần thơ chơn chất mộc mạc của một người đã luống tuổi từng kinh qua cuộc đời đầy cam go thử thách với biết bao khó khăn do thời thế tạo nên.
….
“Những ngày ra tù sống lang thang, thơ tôi làm thường viết trên bao thuốc lá cũng mất đi cả. Ngoại trừ một vài bài bạn hữu thân hiết còn giữ và gửi lại cho tôi sau này. Một phần nữa xin thưa là tôi làm thơ rất tài tử, làm đâu bỏ đó không bao giờ có ý lưu trữ để in ấn thành tập.”
….
“Dẫu sao đứa con tinh thần của tôi dù có muộn màng nhưng xem như mẹ tròn con vuông. Thì đây là một thi tập mang tính kỷ niệm, ít ra cũng mang màu sắc hoàn cảnh từng chặng đời tôi giẫm bước chân qua.
….
“Xin đa tạ với cao xanh đã cho tôi còn có mặt tới hôm nay giữa cuộc đời đầy giông bão sau bốn bận thương tích ngoài chiến trường, rồi hai cuộc tù cộng lại mười năm.

Nhờ vậy tập “Trôi Giữa Dòng Đời” mới hình thành và có mặt hôm nay
 
                                                                    Trân trọng kính chào
                                                                   San Jose, Sep 0 , 2020
                                                                  Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
 

NÉN HƯƠNG LÒNG CHO ANH – Đỗ Tư Nghĩa

                   (Thương gửi hương hồn Anh Trần Thương Bá)
 

Trong bài viết của mình, chị Trần Thị Thu Tâm đã phân vân không biết nên nói về Trần Thương Bá như là một nhà thơ, hay một người anh. Và sau cùng, chị đã quyết định chọn phương án thứ hai. Còn tôi, tôi cũng phân vân không biết nên viết về Trần Thương Bá như một người Thầy, một nhà thơ, hay là một kẻ tri âm. Lần này, tôi xin chọn phương án thứ ba – tôi muốn viết về Anh như một kẻ tri âm.
 
Cuối năm 1999 của thế kỷ trước, tôi đã in một tập “thơ” mang tên Gởi Tình Yêu – Gởi Cuộc Đời. Để tạm gọi là “chia tay thế kỷ 20”. Tác giả “bao sân” từ A đến Z trên computer. Xong đưa đi in lụa 200 bản, chỉ dành tặng bạn bè và thân hữu.
 

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

TƯ LIỆU QUÝ: “TRỊNH CÔNG SƠN NÓI VỀ 'BÁC HỒ' ”

LTS:
Bài viết dưới đây do chính tay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ra, được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, vào ngày 27-4-1979, trang 4, được coi như là một tư liệu quý của Hà Nội về một thái độ quy phục tuyệt đối của một trí thức miền Nam cũ. Và đây cũng là một trong những bằng chứng quan trọng để kết thúc tất cả mọi sự tranh luận mơ hồ rằng “Trịnh Công Sơn có thực sự đứng về phía những người cộng sản sau 1975 hay không”.
 
Ảnh chụp lại từ báo Tuổi trẻ, nguồn từ Thư Viện Quốc Gia, Sài Gòn.
 
Đã bốn năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng. Trên đất nước độc lập và thống nhất của chúng ta, thời gian ấy tuy chưa dài nhưng cũng tạm đủ để những gì còn xa lạ trở nên gần gũi, những nhớ nhung được đền bù, những ngộ nhận bị xoá tan và những vết thương được hàn gắn.

ĐỌC “MÀU CỦA GIÓ” THƠ NHƯ KHÔNG - Châu Thạch




Châu Thạch hân hạnh vừa nhận được tập thơ “Màu Của Gió” do tác giả, nhà thơ Như Không gởi tặng. Nhà thơ Như Không là một quân nhân mũ đỏ trong quân lực VNCH và là một nhà thơ miền Nam trước năm 1975. Tác giả đã xuất bản “Thơ Như Không” (2012), “Những Đóa Hoa Tật Nguyền” (2021) và nay là “Màu Của Gió” (2022).  
   
Thành thật cảm ơn tác giả, tuy là một nhà thơ kỳ cựu nhưng vẫn nhớ đến con Dế già Châu Thạch mới gáy nghiệp dư và vu vơ bên bờ cỏ xóm làng những năm tháng gần đây. 
  

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

XỨ KHỈ KHỌN - Truyện ngắn của Tràm Cà Mau

Tràm Cà Mau, một cái tên đặc sệt miền Nam nhưng tác giả với tên thật Nguyễn Thiệp, lại sinh ra ở Quảng Trị, lớn lên ở vùng địa đầu giới tuyến từ cuộc phân chia Nam Bắc. Tràm Cà Mau đã từng xẻ chia những trằn trọc chung của những thế hệ bất hạnh vì chiến tranh.


Vào một đêm đã khuya, trăng sao lờ mờ, giữa mùa xuân năm 1975, đoàn thám hiểm Phi Châu gồm bảy nhà sinh vật học người Na Uy đang bị bộ lạc khỉ vây hãm tấn công mà không biết. Người canh gác uể oải ngồi cầm súng ngáp dài nhìn ra xa, ông cũng không ngờ hiểm nguy gần kề. Sáu người khác đang ngủ yên giấc trong lều sau nhiều ngày theo dõi sinh hoạt của bộ tộc khỉ đặc biệt này.
 

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

ĐOÁ HỒNG NHUNG – Thơ Trần Mai Ngân


   


ĐOÁ HỒNG NHUNG
 
Bình minh chưa về hẳn
Đang còn ở giữa đêm và ngày
Một đoá hồng vội nói lời chia tay
Chia tay những đêm trắng và nỗi đau
Đoá hồng tựa vào mênh mông yên ngủ…
 
Những vì sao trên trời ủ rũ
Nhấp nháy, nhấp nháy tiễn đưa
Một chút nữa thôi - mặt trời lên cao
Những vì sao cũng chia tay, chia tay đêm…
 
Tiếng chim hót buổi sáng bỗng lạ thêm
Ngày như rơi vào lẻ loi một mình
Trong thinh không nhan sắc ngủ ngoan
Hương bay lên về phía thiên đàng…
 
EVETTE đoá hồng nhung rực rỡ
Mãi ở trong tim mọi người - hương sắc của hôm qua!
 
                                                            Trần Mai Ngân
                                                                 8/6/2022
 
EVETTE con mãi như là những đóa Hồng xinh đẹp nhất này trong trái tim của cô. Ngủ yên con nha! Yêu con!


NẮNG MƯA – Thơ Nguyên Lạc


  
                           Nhà thơ Nguyên Lạc
 

NẮNG MƯA
 
"Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung" [*]
 
I.
Mưa nào lất phất nhớ không?
Tóc thơm em ướt nâng càm tôi thương
Nắng nào hồng thắm khu vườn
Trên đầu chim hót môi hường tôi hôn
 
Tội tôi không tội tôi không?
Còn đâu mưa nắng môi hồng ngây thơ
Tội tôi chưa tội tôi chưa?
Cô đơn ngồi nhớ nắng mưa ngày nào
Làm cách gì? Biết làm sao?
Để tôi tìm lại thuở nao xuân hồng!
 
II.
Quán buồn góc vắng bâng khuâng
Xót xa đáy cốc đọng hình bóng xưa
Trời không nắng cũng không mưa
Nắng mưa tôi vẫn hoài mơ một người
Mưa ơi! Có buốt em tôi?
Nắng ơi! Có nhớ nụ môi thu nào?
Khói ơi vương vấn thế sao?
Để cay đôi mắt lệ sầu cố nhân
 
Nắng hay mưa cũng nhớ nhung
Trời hiu hiu rét nỗi buồn thấm sâu
Câu thơ xưa cũ đã lâu
Bổng dưng nhớ lại!...
- Không sao đâu mà!
Nhói đau ngực trái sẽ qua
Phải không tôi hỡi... chỉ là chút thôi!
 
Trời không nắng mưa đang rơi
Mưa rơi lất phất rét đời tha hương
Cố nhân hình bóng khói sương
Nghìn trùng xa cách đoạn trường thế thôi!
 
                                              Nguyên Lạc
 
............
 
[*] Thơ Hồ Dzếnh

TRÀ KHUYA – Thơ Tịnh Bình


   
                  Nhà thơ Tịnh Bình

 
TRÀ KHUYA
 
Chợt nghe trên đỉnh ngày tàn
Cánh chim cô lữ neo hoàng hôn xưa
Sóng xô chi chít âm thừa
Mây sầu vạn nẻo hóa mưa lệ trời
 
Cạn ngày trăng ghé hiên chơi
Trà khuya đành nguội rót mời tri âm
Người từ khuất dạng xa xăm
Tưởng hình dung ấy giọt cầm chơi vơi
 
Triêu dương lưu một dấu cười
Cúi đầu sụp lạy tạ người trần gian
Mốt mai bỏ lại hoang đàng
Thiên thai còn động hoa vàng chờ ta...?
 
                                      TỊNH BÌNH
                                        (Tây Ninh)

CÓ MỘT THỜI HOA NIÊN – Thơ Nguyễn Vô Cùng


  
                 Nhà thơ Nguyễn Vô Cùng


CÓ MỘT THỜI HOA NIÊN
 
Có một thời hoa niên
Lòng chưa biết muộn phiền
Cơn mưa vùi mộng mị
Giọt nắng ấm hồn nhiên
 
Cấn chi câu hẹn thề
Tình đẹp tựa trăng quê
Đơn sơ như guốc mộc
Đình xưa những hội hè
 
Trang vở nháp học trò
Cắn bút tập làm thơ
Thơ bay vườn cải nhỏ
Con bướm vàng ngẩn ngơ
 
Thời hoa niên rồi qua
Cỏ dại phủ sân nhà
Đêm nào cơn mộng dữ
Đổ vỡ và chia xa
 
Người cuối biển đầu non
Đôi guốc mộc không còn
Bên đình ai vàng võ
Tiếng tắc kè nỉ non
 
Cuốn vở nháp ngày xưa
Tan theo khói bụi mớ
Câu thơ còn sót lại
Một chút tình ngây ngô.
 
         Nguyễn Vô Cùng

MÙA HẠ - Thơ Nguyễn Đức


   


MÙA HẠ
 
Trong nắng hạ cớ sao như thầm lặng
Mây lên cao chim vỗ cánh bay xa
Con nước chảy xuôi dòng mê mãi
Đi về đâu có trở lại quê nhà
 
Đêm cứ tàn mà hồn còn thao thức
Nhớ mùa trăng đôi bóng giao kề
Người đi đâu trong mịt mù dĩ vãng
Ta chôn chân làm sỏi đá u mê
 
Mùa hạ nhớ những cành phượng đỏ
Phượng bây giờ tím ngắt cả sơn khê
Trong mộng tưởng ta vẫn còn bỡ ngỡ
Biết nơi đâu mà trở gót quay về
 
Đường cát bụi tình cờ qua lối nhỏ
Nhặt lá vàng mơ thấy dấu chân chim
Cơn gió thoảng chợt cay mùi tục lụy
Còn chi đâu mà mê mãi đi tìm
 
Mùa hạ vẫn rực vàng nắng cháy
Mà dường như buốt lạnh cõi lòng tôi
Con chim hót giữa dòng đời trôi nỗi
Buồn vui gì cũng chỉ giấc mơ thôi.
 
                                  Nguyễn Đức