BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

HÒA HỢP – Thơ Ngô Đình Miên


   
                         Nhà thơ Ngô Đình Miên


HÒA HỢP
 
Những gã giang hồ tự phong
Không đeo kiếm chỉ mang lòng huynh đệ
Hận thù chi kẻ chiến binh ngày trước
Cũng biến thành bầu rượu ấm tình thân
Nhớ năm xưa trên đồi Nora
Mày canh 105 ly bắn tao chết dí
Phải núp lại hầm trong ấp Bình Lâm
Nhờ vậy mà tao có một mối tình bí mật...
Ngày tao dẫn quân về đánh đoàn công voa dưới chân núi Tà Dôn
Một chuẩn úy nhà văn tử trận (¹)
Mày cũng suýt nữa là đi tong
Có những đêm mày rọi đèn pha
Sáng cả núi Xả Thô, thấy cả núi Bà
Mày nói xạo rằng thấy bóng tao đang xuống núi
Tao vội trốn chui vào lùm bụi
Mày không cho canon khai hỏa
Vì biết đâu có thể là anh em ruột của mình...
 
Hai thằng ngồi nhậu nhớ chuyện xưa
Những địa danh hằn sâu trong kí ức
Tam Giác, Nora, Tà Dôn, Thiện Giáo,
Ma Lâm, Sông Quao, Cây Táo, Khu Lê... (²)
Xác những đồng đội của tao và mày
Giờ đã hoàn toàn trả về cát bụi
Tao với mày còn may mắn ngồi đây
Tay không súng chỉ cầm ly rượu
Tao sẽ chiến đấu với mày tới cùng
Nếu có lỡ "hy sinh" cũng không để lại
Lịch sử chính trị đen cho cháu con tao
Đến nhiều đời sau làm người thua thiệt ...
Tao với mày chơi theo luật giang hồ
Cưa đều chia đôi cho hai bên chiến tuyến
Không có hàng rào kẽm gai gắn mìn
Chỉ có mấy con mực khô phơi mình ở giữa
Và chai đế 45 độ cồn như mồi lửa chiến tranh
Tao nhìn thấy mày bắt đầu nghiêng ngã
Mày vịn tao rồi hai đứa lăn quay
Cuộc hòa hợp dân tộc đã thành công mỹ mãn... (³)
 
                                               Ngô Đình Miên
 

   
                           Hình mang tính cách minh họa

*

Chú thích:
 
(¹): Nhà văn Y Uyên tên thật là Nguyễn Văn Uy, sinh 1940 (khai sanh 1943). Quê quán: huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc Hà Nội). Gia đình di cư vào Nam. Ông học trường Sư phạm Sài Gòn, ra trường được phân về dạy tại Tuy Hòa.
Sau đó bị động viên, học sĩ quan Thủ Đức. Đơn vị ông đóng tại đồi Nora (nay thuộc xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Nhà văn Y Uyên tử trận trong trận đánh dưới chân núi Tà Dôn (cách đồi Nora chừng 8 km) năm 1969.
Ông là nhà văn miền Nam chuyên viết truyện ngắn, đã để lại nhiều tác phẩm khá nổi tiếng trên văn đàn miền Nam VN trước 1975.

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10391&rb=06
https://vietmessenger.com/idevice/?title=coloaichimla

(²): Những địa danh nổi tiếng ác liệt ở Bình Thuận trong chiến tranh, trước 1975.

(³): "mày" và "tao" trong bài thơ là 2 người bạn của tác giả. Trước 1975, 2 người ở 2 bên chiến tuyến, đã không ít lần chạm súng nhau. Sau 1975, tình cờ gặp nhau, hiểu nhau, nhậu với nhau thường xuyên nên trở nên thân thiết. Cả 2 người đã mất. Anh sĩ quan pháo binh 105 ly mất trước anh bộ đội 4 năm.
 

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

PHÙ VÂN – Thơ Trần Mai Ngân


   


PHÙ VÂN
 
Bấy lâu đuổi mộng phù vân
Hương Hoàng Lan thoảng như gần như xa
Đuổi hình bắt bóng hoá ta
Cuộn tròn kinh kệ, ta bà lạc tâm...
Cầm lòng thương nhớ băn khoăn
Ùa theo huyễn mộng… tháng năm lạc tình
Tà huy thảng thốt một mình
Như nhiên đã hết - chùng chình nữa chi !
                        
                                      Trần Mai Ngân

THƠ VỤN – Quang Tuyết


  
                          Nhà thơ Quang Tuyết 
 

THƠ VỤN
 
Bài thơ tình xé nhỏ
Tựa tim người tôi yêu
Dẫu biết đời tan hợp
Vẫn đau theo nắng chiều
 
Ta ngỡ mình là mây
Mỏng manh và trong sáng
Chẳng như đời vô định
Mây lang thang tìm thơ
 
Hết mỗi lần hoa nở
Lòng bềnh bồng theo mây
Vàng theo từng chiếc lá
Ngậm ngùi cùng tháng ngày
 
Tóc xanh rồi bạc trắng
Tình nồng rồi tình phai
Anh một đời mê mải
Em buồn vui theo ai
 
Điểm tương đồng cuối nẻo
Kiếp tương sinh ngỡ ngàng
Nắng mưa nào ai biết
Để mây hoài lang thang
 
                Quang Tuyết

GIÓ CUỐI NĂM, HOẠ TÂM – Thơ Tịnh Bình


   


GIÓ CUỐI NĂM
 
Ngày đi về phía phai tàn
Cuối năm hờ hững những làn gió đông
Đàn chim vẹt một bầu không
Xòe tay hứng giọt tang bồng chậm rơi
 
Mùa đi về phía cạn vơi
Ngoảnh nhìn mây trắng đầy trời vấn vương
Tụng ca một khúc vô thường
Đông tàn xuân luyến cành sương tạ từ
 
Người về mộng với thiên thu
Gối lên đầu cỏ khúc ru nồng nàn
Phong phanh manh gió cơ hàn
Giũ tờ lịch mỏng sang trang xuân về...
 

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

TRỞ VỀ HIỆN THỰC – Thơ Khaly Chàm


 


trở về hiện thực
 
khi hôn nồng nhiệt chiếc lưỡi của ánh lửa
hương thơm tro bụi lan tỏa và tôi ngửi được
dù không nhìn thấy sự giao thoa hình ảnh sóng âm tần
nhưng tin là những bóng linh hồn đang nói với nhau thứ tiếng người
 
ở nơi này, sáng nay, dân thành phố không chưng diện quần áo mới
người ta vẫn đi rải rác trên vỉa hè mang khuôn mặt thất thần mất ngủ
có thể, niềm thương cảm tích tụ đang tố cáo bản thân luôn sợ hãi và cảnh giác
chẳng ai dám nghĩ ngọn lửa lò thiêu đã không còn bùng cháy suốt ngày đêm
 
sáng nay, tâm tưởng định vị ký họa con mắt mặt trời đang mù lòa
chim chích chòe thân lười đập cánh lạc điệu như muốn rùng mình
dường như gió phướng bắc đã được hơi nước nhuộm màu đen xám
em nói, nhìn mặt tôi như đồng hồ treo tường đang gặm nhắm thời gian
tôi thầm cười, cả thế giới này hai bàn chân người đang mọc rễ
 
sáng nay, em như giọt sương đã bị bóng đêm ngược đãi
hơi thở như mùi chuối chín xoay vòng rồi mất hút trong ban mai
bức xạ hồng ngoại dần triệt tiêu ánh nhìn và nụ cười của em
đã lâu rồi, ngoài ô cửa khép chúng ta chỉ nghe được tiếng kêu khàn của loài quạ đói
 
ngày mai, tất nhiên là năm mới với xác tín rõ ràng
loài người vốn dĩ đều mừng vui nên chẳng thích phán quyết điều gì
ngay bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu đi chứ
tìm cái bóng chính mình để tâm sự về nỗi buồn chưa được định nghĩa
thời gian sẽ điểm chuẩn… tiệt nhiên không thấy chùm pháo hoa bung nở
 
                                                                                    khaly chàm
                                                                             bgk ngày cuối 2021

VỀ NGƯỜI “BẠN QUAN” THỨ 2 CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN – Nguyễn Bàng


Tác giả Nguyễn Bàng

“Người bạn quan thứ hai” của nhà thơ trong bài “Bạn Quan” là một quan chức đang tại vị, về quê mở tiệc tẩy trần, khách mời là nhà thơ bạn cũ. Thằng bạn quan này thì khác thằng bạn quan bị ngã ngựa, bởi thế nhà thơ đã mượn rượu giả say để có cớ vạch trần bộ mặt thật của thằng bạn cũ lâu ngày gặp lại:
 
Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền
Chức ấy rẻ mà sinh lắm lãi
 
Mày là thằng đã bỏ tiền ra để chạy chức, xong rồi thì phải thu hồi vốn, thu hồi xong phải làm lãi bằng cách vơ vét, ăn không từ thứ gì của dân.
 

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

CHÚC MỪNG NĂM MỚI HAI KHÔNG HAI HAI – Đức Hạnh và Thi Hữu


   

 
CHÚC MỪNG NĂM MỚI HAI KHÔNG HAI HAI
[Dĩ đề vi thủ]
 
CHÚC Tết Nhâm Dần dạ thảnh thơi
MỪNG nhân thế, nụ nở hoa cười
NĂM hoà biển mộng nguồn thơ thới
MỚI tỏ tình yêu nghĩa tuyệt vời
HAI hủy trùng Cô…trừ mọi mối...
KHÔNG tồn dịch bệnh nhiễm ngàn nơ
HAI khai cuộc sống lòng hồ hởi
HAI chúc bình yên khắp cảnh đời…
 
Đức Hạnh 
Happy New Year 2022
 
 
THƠ HỌA:
 
 
CHÚC MỪNG NĂM MỚI HAI KHÔNG HAI HAI
[Dĩ đề vi thủ]
 
CHÚC cả nhân loài Tết thảnh thơi
MỪNG vui cuộc sống nở môi cười
NĂM sang mộng ước đời tươi trẻ
MỚI đến toàn gia cảnh tuyệt vời
HAI mãi yên bình trên khắp nẻo
KHÔNG còn đói khổ giữa nhiều nơi
HAI miền thể hiện lòng nhân ái
HAI vọng tình Xuân ngát cõi đời..!
 
Anh Hân – California
Xuân 2022
 
 

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

TIỄN NGƯỜI ĐI PHƯƠNG NAM – Thơ Văn Công Toàn


   
                 Tác giả Văn Công Toàn


TIỄN NGƯỜI ĐI PHƯƠNG NAM
 
(Thân tặng các bạn Nguyễn Thông - Tạ Quang Sơn
- Đoàn Phú ... Cùng bạn bè CHS QH đang sinh sống
 tại Sài Gòn và các tỉnh Phía Nam)
 
Mùa xuân hành Phương Nam
Nhớ người xưa sắc chàm
Vượt đèo cao chim kêu vượn hú
Đất Miền Trung bão lũ gian nan
 
Đường vào Nam mênh mang
Trời Miền Nam nắng xuân nồng nàn
Ta đi thăm thẳm trùng dương mộng
Tri kỷ choàng vai rượu uống tràn
 
Rượu giữa giang hà không vơi cạn
Bạn ta nào ta cùng bạn ngất ngây
Ngã rẻ quanh co ta tìm khung trời rộng
Canh cánh chợ đời bao nỗi đổi thay
 
Đi ta đi không để tơ hồng vướng
Lòng sao còn ngoảnh lại xứ cố nhân ?
Đi ta đi không đợi mùa hoang tưởng
Sao hồn ta vọng ngưỡng ánh thiên thần
 
Thần giới thần tiên thần tục lụy
Thần linh hạ thế nhớ ta chăng ?
Phương Nam ơ hờ Nam Phương hỡi
Cuối đất cùng trời còn gió trăng !
 
Đầu bạc đốm ta đi tình chưa trọn
Ta còn bay qua vòng xoáy tào khê
Xoáy khúc giữa để hai đầu phấp phỏng
Xoáy vào tim thuở Quốc Học bạn bè !
 
Tôi từ Sài Gòn về
Anh tìm Phương Nam đến
Chưa hẹn đã chia tay
Nhớ nhau ngày gặp lại
 
Phương Nam hề Phương Nam mê mải
Có mấy người đi tung cánh hải hồ
Rượu chưa say thơ ngâm hoài đưa tiễn
Huế khuất dần phía đèo biển Lăng Cô...
 
Huế lặng chìm trong âm hưởng cố đô
Tiễn người đi nhớ một thời vụng dại
Phương Nam hề Phương Nam xa ngái
Rượu tràn ly mê mải cụng vơi đầy !!!
 
                                Văn Công Toàn
                              (Hoài Phong Trần)
 

   

BÀI THƠ “ẨM TRUNG BÁT TIÊN CA” CỦA ĐỖ PHỦ - Đỗ Chiêu Đức



“Ẩm Trung Bát Tiên 飲中八仙 hay còn gọi là “Tửu Trung Bát Tiên 酒中八仙cũng thế, đều chỉ tám người bạn rượu với nhau là Lý Bạch, Hạ Tri Chương, Lý Thích Chi, Lý Tấn, Thôi Tông Chi, Tô Tấn, Trương Húc và Tiêu Toại 李白、賀知章、李適之、李璡、崔宗之、蘇晉、張旭、焦遂. Còn “ẨM TRUNG BÁT TIÊN CA” 飲中八仙歌" là bài thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ viết theo thể cổ phong nhạc phủ vào khoảng tháng tư năm Thiên Bảo thứ 5 đời vua Đường Huyền Tông (746) là thời gian Đỗ Phủ mới đến đất Trường An. Ông đã dùng lời thơ gãy gọn chấm phá nêu bật được những nét tiêu biểu nhất của từng nhân vật trong Ẩm Trung Bát Tiên như sau:
 

“NHẬU” VỚI NGHĨA CỦA TỪ - Ngô Đình Miên

Đầu năm nói chuyện nhậu...
 

“Nhậu” là một từ đơn, thuần Việt, nó sống động trong vốn từ của người Phương Nam. Cho tới bây giờ, tôi không biết có từ nào hay hơn, đủ nghĩa hơn có thể thay thế được từ “nhậu” “hoành tráng” này.
 
“Mời anh uống rượu”, lời người phương Bắc nói. Cụm từ “uống rượu” khá nghèo nàn về ngữ nghĩa, chỉ nói được một nghĩa đơn thuần là uống một thứ chất lỏng được gọi là rượu. Trong đó, từ “uống” chỉ đơn giản biểu đạt động tác uống, như uống nước, vậy thôi ! Trong khi đó từ “nhậu” chỉ rõ cho ta biết một lúc nhiều điều (nghĩa). Thứ nhứt, muốn có sự “nhậu”, trước hết phải có rượu (hoặc bia). Thứ hai, nhậu dứt khoát phải có mồi nhậu (thức nhắm, đồ nhắm của người phương Bắc), vì nếu chỉ uống rượu suông (như uống rượu nghiện) thì không ai gọi là nhậu. “Uống rượu” của người Bắc không nhất thiết phải có mồi (thức ăn), giống như ngồi trước quầy bar gọi một ly wisky để uống không. Thứ ba, nhậu không thể chỉ có mình êng mà nhậu được, vì vây phải có nhiều người (ít nhất là hai) mới gầy cuộc nhậu được. Thứ tư, nhậu đậm chất vui chơi hơn mang tính ngoại giao. Trong quan hệ ngoại giao, người ta có thể chạm ly (cốc) và uống rượu trong một tiệc đứng, nhưng dứt khoát không thể gọi đây là tiệc nhậu được. Thứ năm, khi nhậu phải có một vị trí cố định phù hợp để bày cuộc nhậu, không thể là vừa đi vừa "nhậu" như Chí Phèo nốc rượu. Thứ sáu, mục đich của nhậu là để vui, không phải để buồn, nên ở phương Nam, trong đám tang thường bày nhậu để lấy vui làm vơi bớt nỗi buồn. Trong khi “uống rượu” có thể là để “dục phá thành sầu...” Cuối cùng, người phương Nam chỉ dùng từ một âm tiết để biểu đạt cái sự “nhậu”, trong khi người phương Bắc phải dùng tới 2 từ gồm động từ “uống” và danh từ “rượu” để tạo thành cụm từ cố định, mà vẫn chưa phong phú nghĩa như từ “nhậu” đơn âm tiết mà đa nghĩa.
 
Với sự tổng hợp 7 ý nghĩa sống động trên đây, đã làm cho từ “nhậu” của phương Nam, từ sau 1975 liền hội nhập rất êm với dân nhậu toàn quốc. Lúc này, nếu ai ra Hà Nội sẽ nghe được tiếng “nhậu” quen thuộc khi các bạn bè ngoài đó hẹn gặp nhau ở quán nhậu. À, mà cũng có không ít tiệm nhậu bình dân, vỉa hè có bảng tên ghi “Quán nhậu...”.
 
                                                                                Ngô Đình Miên

“TÁM PHỐ SÀI GÒN”, THƠ NGUYÊN SA - Trần Hoàng Vy

Cũng như Paris, Sài Gòn đã lưu dấu trong thơ Nguyên Sa, “Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Nhưng bài thơ “Tám phố Sài Gòn” của Nguyên Sa đã tạo nên sự tranh cãi trong giới văn nghệ sĩ. Tại sao lại “Tám phố Sài Gòn” mà không phải con số nào khác, vì Sài Gòn đâu chỉ có 8 phố như “Hà Nội 36 phố phường”
 
Ảnh: Bruce Baumler/flickr|ManhHai
 
1.
 
Trong một lần “trà dư tửu hậu” có đủ các tay văn nghệ sĩ của cả ba miền nước Việt ở 81 Trần Quốc Thảo, một anh bạn bỗng cao hứng ngâm mấy câu thơ “Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều/ Cánh tay tà áo sát vòng eo/ Có nghe đôi mắt vòng quanh áo/ Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo…” (Tám phố Sài Gòn, Nguyên Sa), rồi đặt câu hỏi với mọi người: “Theo nhà thơ Nguyên Sa, thì Sài Gòn có… tám phố, vậy mấy ông ở Sài Gòn lâu năm có biết đó là tám phố nào không?”. Cuộc cãi vã, tranh luận ì xèo nổ ra, nhưng rốt cuộc cũng chẳng ông nào, bà nào xác định đủ Sài Gòn có bao nhiêu phố?…
 

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

NGHỀ NẾM RƯỢU - Truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly



Cao thám hoa người nước Sái, huyện lệnh đất Mạt Cùng.  Không hạp với đám quan trường tham lam vô độ, bòn rút của công, không chút sỉ liêm, lương tâm chó cắn. Lợi dụng Sái có dịch cúm Háng Thâm, chúng làm giàu lên cả vạn sinh mạng người dân. Cao cả giận, có miệng mà nói chẳng nên lời; bèn lột áo mão trả lại triều đình, về quê “làm người tử tế”!
 
Bởi lòng trong như nước suối, suốt thời làm quan không hề tơ hào của dân cây kim sợ chỉ, nên căn nhà xưa càng rách nát; nhờ xóm giềng và đệ huynh bốn biển; người thương hại, kẻ đáp ơn, nên cũng được sáng cơm chiều rượu.
 
Nửa năm sau, Thám hoa mở lớp dạy học, nhưng ngặt LỄ NGHĨA các vị trong ngành Bộ Lại còn đề nghị bỏ nên chẳng trẻ nào thèm học; bèn xoay qua nghề viết sách; nhưng sách kiến thức, sách dạy làm người cũng chẳng đất dung thân: Ra mấy đầu sách, lỗ nặng, bèn bóp bụng đem bán làm giấy lau khi đại tiện! Lại định làm thơ, nhưng lại thấy thi vương thi bá trùng trùng, vị nào cũng khoe đã in dăm ba chục đầu .. thơ, mỗi lần cả ngàn cuốn, nhưng vì các vị ấy quý văn chương nên không nỡ bán, mà chỉ đem cho, đem tặng; lại khoe có hàng trăm bài được phổ nhạc, nhưng tiếc rằng các ca sĩ người phàm mắt thịt, không hiểu được giá trị nên không thèm hát! Giận thay!
 
Nhà không còn hột gạo, Thám hoa mặt mày ủ dột, liền lấy bầu rượu ở góc nhà, tu một hơi, “khè” một cái vô cùng sảng khoái. Đoạn cười tràng lớn rồi nghĩ: “Sao ta không làm nghề nếm rượu như lúc theo thầy mài mực? Nghề nầy chẳng phải cho ta ngân lượng để đưa ta từ trường phán đến thi đình đó sao?”
 
Thời ấy nước Sái thanh niên uống rượu ve kêu, yêu rượu hơn yêu nước… giải khát, nên sáng chiều quán nhậu nghẹt người, vì thế nghề nếm rượu phát triển hơn xưa.  Vốn có biệt tài nếm rượu từ thuở xuân thời, nên rượu nào Thám hoa nếm mà ngài lắc đầu là kể như cho chẳng ai thèm uống; còn gật đầu nói “Hào! Hào!” (Ngon! Ngon!) thì kể như thùng rượu cả ngàn táo ấy đệ tử lưu linh tranh nhau mà uống, chủ đong sáng chiều không kịp!
 
Tiếng lành đồn xa, tại trường an có một đại nhân có lò nấu rượu để cung cấp cho hàng trăm đại tửu lâu của mình, ngài bèn cho tứ mã tức tốc thỉnh thám hoa về kinh.
 
Sau khi chào hỏi, chủ nói rõ mục đích của mình, rồi tự tay cung kính đưa thám hoa chén rượu lớn. Thám hoa kề mũi ngửi nhẹ, nhấp một hớp nhỏ, chấp chấp vài cái rồi đặt chén xuống bàn, nhìn chủ nhân (vốn là cực phẩm đại thần), nói:
- Loại rượu đặc biệt được làm bằng loại nếp Giáng Nù nên có hương trinh nữ, được tẩm men Bách Vụ trong Bản Thảo Cương Mục Tần Hồ sơn nhân thời Minh nên vị ấm nồng, hậu ngọt, lại được chưng cất bằng thiên thủy ngày đoan ngọ nên cực kỳ tinh khiết. Rượu quý! Rượu quý!
 
Quan nhân mát lòng, cười sảng khoái:
- Thám hoa rõ là danh bất hư truyền. Thiên hạ gọi là “Tửu Thánh” không sai!
- Đây không phải loại rượu cho kẻ phàm phu; mà phải là rượu “Tiến Quân Vương” đó!
 
Quan nhân cười lớn:
- Không sai! Bản chức định dâng cho hoàng thượng đấy!
- Nhưng ngặt trong rượu có mùi tanh của máu người!
 
Quan nhân, ngạc nhiên, cả giận:
- Ta trọng thám hoa là đồng liêu, nhưng không vì thế mà ngài lại loạn ngữ sàm ngôn. Thật tiếc cho ta nể trọng thám hoa bấy lâu!
 
Thám hoa đứng lên, lắc đầu:
- Nhưng đó là sự thật! Hẹn tái kiến!
- Không tiễn!
 
Thám hoa đi rồi, đại nhân buồn vô hạn, ngài bán tín bán nghi vì xưa nay thám hoa luôn coi lời nói như đỉnh Thái Sơn chưa hề bỡn cợt bao giờ; vội cho người chiết rượu ra vò để rửa thùng rượu hàng ngàn…đấu (đấu=10 lít) xem sao!
 
Khi thùng rượu cạn, người nhà cả kinh vì thấy dưới đáy có xác một con … muỗi!
 
Đại nhân ân hận liền cho người túa ra tìm thám hoa, nhưng bóng chim tăm cá!
 
                                                                                KHA TIỆM LY

MIỀN BÌNH YÊN – Thơ Tịnh Bình


   


MIỀN BÌNH YÊN
 
Ngửa mặt nhìn đỉnh núi
Chạm vùng mây tinh khôi
Lênh đênh loài chim lạ
Dang cánh giữa biển trời
 
Dưới chân là cỏ dại
Sỏi đá nằm ưu tư
Lăn lóc một nỗi buồn
Chẳng cần chi bày tỏ
 
Thôi miên một ánh mắt
Đen lay láy hồn nhiên
Màu mặt trời không tắt
Xôn xao miền bình yên
 
Ta tìm chi ta nữa
Thắp bóng mình cô liêu
Không thuộc về ta nữa
Vô ngã khối tình yêu...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

CHÚC MỪNG NĂM MỚI – Thơ Nguyên Lạc


  


CHÚC MỪNG NĂM MỚI
(Happy New Year)
 
1.
Đêm trắng bông tuyết bay
Cố nhân người đâu biết
Tóc xanh giờ đổi thay
Bạc màu buồn da diết!
 
Năm cũ rồi giã biệt
Thời gian vèo qua song
Lột vỏ từng tờ lịch 
Còn ruột sầu bên trong!
 
Tháng năm rồi năm tháng
Quá khứ tờ lịch rơi
Tương lai người đâu biết
Hiện tại tiếng thở dài!
 
2.
Đêm cuối năm thắp nến
Soi từng phiến hồn xưa
Thấy sâu trong ngăn nhớ
Lời tình buồn tiễn đưa
 
Thôi em đừng khóc nữa
Khổ đau chi cũng thừa
Bể dâu đời vẫn thế
Tất cả rồi phai phôi
 
Đêm nay tờ lịch cuối
Lột bỏ thấy nỗi sầu
Treo lên trang lịch mới
Năm mới đời ra sao?
 
Cố hương vời xa đó
Lời thao thiết nhớ về
Chúc mừng người Năm Mới
Chúc Happy New Year
 
                          Nguyên Lạc