BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

TRƯỜNG LÀNG TÔI – Thơ Văn Thiên Tùng


 

(Riêng tặng Thầy Hiệu trưởng Bùi Hữu Cơ đồng quý cô Hoàng Thị Bê, Tạ Thị Hai - Nguyễn Thị Mơ và các bạn đồng môn của trường Long Hưng - xã Hải Thượng cùng NK 1960 -1966 và 4 chị em XL, XM, Đ, L)… Hằng năm trường có đến 70% học sinh 2 lớp Nhất A&B (gần 120 -130 hs) đều đậu vào trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, còn lại là TH. Bồ Đề đến TH. Thánh Tâm).

 
TRƯỜNG LÀNG TÔI
 
Trên đồi cát nơi đây còn lưu dấu
Dáng trường xưa - thầy cô tự thuở nào
Khuôn viên trường tường bọc "hóp- dứa" bao
Bấy cây phượng - lắm hàng dương rợp mát
 
Bảy phòng lớp cùng lối đi rộng ngát
Tứ hướng quanh sân cờ đẹp nhường bao…
Tuổi thần tiên ươm dệt tự thuở nào
Ngần kỷ niệm hằn in trường - lớp học
 
Những chữ cái - học vần hay tập đọc
Còn thuộc làu từng con chữ hôm nao
Hình dáng cô, uy phong thầy thuở nào
Đã khơi sáng tâm hồn ta ngày đó…
 
Những mùa hè thắm rực hoa phượng đỏ
Làm sao quên những hè luyện học thêm
Tiếng gió Lào - ve hòa khúc nhạc êm
Từng tốp - tốp bày trò chơi nào chán
 
Từng cọng "chứa" * thành lắm trò không ngán
Xếp chóng quay, đồng hồ buộc vào tay,...
Từng lối vào căng khắc nhịp đều tay
Bên hàng "hóp" * hơn thua trò câu cút
 
Bắt "rầy môốc - rầy mè" ** nhọc hơn chút
Đứa trèo cây - thằng đào cát bắt nào
Những trò chơi ù mọi... rộn ràng sao
Còn tung thẻ - nhảy dây,... thuần thục thiệt,…
 
Lắm trò chơi không thể nào kể xiết
Tháng năm học trò... Ôi! tuổi thần tiên
Từ lớp "Năm - đến Nhất" *** một mạch liền
Nơi đây đúng khởi bồi lực - tâm - trí.
 
Chặng tiếp đến theo đà ta vững chí…
Ôi! Ngôi trường thuở ấy của chúng ta
Trường Long Hưng Tiểu học ấy ấy mà...
Cảm ơn Thầy, ơn cô đồng trang lứa
 
Đã ươm mầm tri thức chặng đầu tiên!!!
Nào về thôi ...
Ta cùng ôn ... .
 và lật trang ký hôm nào!!!...
 
                  Mai Vân Văn Thiên Tùng
                              23/5/2021.
 
(1) Trường tiểu học Long Hưng chính thức tên gọi vào sau những năm 1946-1975. Trường được thành lập vào những năm 1930 với tên trường Yếu Lược - đến Bình dân học vụ và sau cùng tọa lạc trên đồi cát La Lã Hạ của Làng Long Hưng - xã Hải Thượng, quận Hải Lăng (sau đó quận Mai Lĩnh) bên cạnh cái bốt của Pháp gọi là Bậc - Đôốc, trường gồm có 5 phòng học chính rộng 8x10m, 1 phòng học phụ rộng 8x8m và 1 văn phòng Thầy cô cùng 1 phòng nhỏ giáo vụ & tài liệu thành hình chữ L hướng ra cổng theo Tây Bắc.
 
Từ khi trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị được thành lập vào những năm 1952, hầu hết học sinh trường Tiểu Học Long Hưng đều lên học trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị cho đến năm 1975. Trường quy tụ học sinh các xã lân cận thuộc phía Tây Nam - Đông tỉnh lỵ Quảng Trị đến học và một phần con em các khu gia binh của căn cứ quân đội Miền Nam (TĐ1BB) xã Hải Trí cũng có khá đông hs về học tại trường....
 
Sau năm 1975, trường thay đổi tên trương cấp 1&2 Hải Thượng, trường Cấp 1 Hải Phú đến trương Trung Tiểu Học Hải Phú ( 2019).
 
* Chứa: Cây dứa có bẹ gai nhọn hai bên ngày xưa thường trồng làm hàng rào che chắn sự xâm nhập của động vật và người lạ vào... Trẻ thơ thường cắt tước bẹ ra làm chong chóng 4 cánh, đồng hồ đeo tay, các con châu chấu, chơi cáo gai ngược xuôi…


Hóp: Hóp là cây tre nhỏ nhưng có lóng dài, thường trồng làm hàng rào; có 2 loại: hóp rặt nhỏ bằng que đũa, các bạn nữ dùng làm thẻ để chơi tung banh, hóp "mỡ" lớn hơn ngón tay cái, thưa đốt, nên trẻ nhỏ dùng làm ông phóc, làm lạt cột bánh đòn, lạt bó lúa, dây buộc các đồ dùng, củi ...

** Rầy mô ốc - Rầy mè: Rầy mô ốc con rầy màu đà to tướng, thường đậu & sinh sống bầy đàn ăn lá cây dương liễu, học trò thường bắt nó cột dây chơi và thi đoán số ở trong cánh mỏng; Rầy mè con nhỏ màu xanh biếc thường ở sâu dưới gốc cây dương liễu (phi lao) trồng ở vùng đất cát trắng. Đào bắt chơi hoặc đem về chiên mỡ ăn rất ngon.
 
*** Lớp Năm đến lớp Nhất: Bậc Tiểu học trước những năm 1970 thì lớp Năm tức là lớp 1, lớp tư là lớp 2, lớp ba là lớp 3, lớp Nhì là lớp 4, lớp Nhất là lớp 5 bây giờ...
 

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

BÀI THƠ TỨ TUYỆT CỦA THIỀN SƯ TUỆ SỸ – Nguyên Lạc


Thiền sư Thích Tuệ Sỹ
 
Nhân ngày sinh của Đức Phật Thích Ca – Phật đản sinh ngày trăng tròn tháng Vesakha/ Vaisakha theo lịch Ấn Độ (ngày 15/4 theo âm lịch), tôi có vài hàng về thầy Tuệ Sỹ - Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ.
 
. Sơ lược về đại lễ Phật đản Vesak:
Lễ Phật đản là 1 trong 3 ngày lễ lớn của đạo Phật: gồm có lễ Vu Lan, lễ Thành đạo và lễ Phật đản.
Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Phật giáo Nam Tông và Tây Tạng còn gọi đó là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật). Mỗi nước tổ chức kỷ niệm ngày Tam Hiệp (Vesak) vào thời gian khác nhau tùy theo quan niệm.
 
Một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì thường tổ chức lễ Phật đản vào 8/4 âm lịch hàng năm. Các nước theo Phật giáo Nam Tông tổ chức vào 15/4 âm lịch hoặc 15/5 dương lịch. Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật đản diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu (tháng 4 hoặc tháng 5).
Đại lễ Phật đản Vesak năm nay, Phật lịch 2565, rơi vào ngày Thứ Tư Wednesday, May 26, 2021, tức vào rằm tháng 4 âm lịch.
 

BÂNG KHUÂNG LỐI VỀ - Thơ Tịnh Bình


  


BÂNG KHUÂNG LỐI VỀ
 
Hò ơ... Cây lúa trổ bông
Câu ca ngọt lịm đẹp lòng quê ơi
Mênh mang sông nước đầy vơi
Bờ dâu bãi mía đã vời vợi xanh
 
Bếp chiều sợi khói quẩn quanh
Cánh diều tuổi dại chòng chành giấc mơ
Tìm đâu thuyền giấy ngày thơ
Gọi cơn mưa cũ vô bờ yêu thương
 
Mẹ còn gánh gió đội sương
Dãi dầu năm tháng dọc đường nắng chan
Thị thành bao nỗi ngổn ngang
Quê hương máu thịt đa mang vào lòng
 
Hò ơ... Cây lúa trổ đòng
Vườn sau bụi ớt còn không chim chuyền
Lối về giọt nắng rơi xiên
Bâng khuâng chân bước giữa triền cỏ may...
 
                                             TỊNH BÌNH
                                               (Tây Ninh)

NHỮNG NGƯỜI CẦM TRỊCH NỀN VĂN HỌC CẢ NƯỚC SAU 1975 TỪNG NHÌN NHẬN VĂN HỌC MIỀN NAM RA SAO? – Vương Trí Nhàn


Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn


Nguyên là bài "Hòa giải văn hóa" của Gs Nguyễn Văn Tuấn đưa trên trang mạng Tin tức hàng ngày, 25-5-2021. Khi đưa lại tôi có bỏ bớt câu đầu, một câu không có gì là quan trọng.
 
Nhìn tấm hình Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng (chắc ở tuổi 80), tác giả của 'Vòng tay học trò' nổi tiếng một thời, kí tặng sách cho các độc giả trẻ tuổi tôi thấy vui trong lòng. Vui là vì sau gần 50 năm thì những tác phẩm văn học kinh điển trước 1975 cũng đến tay các bạn đọc thuộc thế hệ trẻ. Nhưng sự kiện đó cũng làm tôi nhớ lại thời đen tối - vô cùng đen tối - sau 1975.
 

GỐC TÍCH “CON ĐƯỜNG NGỰ” TRƯỚC CỬA HẬU CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ - Đinh Hoa Lư


 
Trong bài ký ức HAI BÊN CON ĐƯỜNG NGỰ, người viết có giới thiệu sơ qua về lai lịch con ĐƯỜNG NGỰ. Nhưng do bài viết dài quá nên xin trích riêng GỐC TÍCH CON ĐƯỜNG NGỰ làm một bài riêng biệt để tiện bề cho bạn đọc theo dõi.
Trước tiên người viết xin dẫn trước Con Đường Ngự là con đường từ Cổng Thành Cửa Hậu (cổng Lao xá) ngó thẳng về tận con sông Vĩnh Định. Con đường này là con đường đất cao rộng, xe chạy được ngăn đôi cánh đồng Cổ thành ra hai. Nay Cửa Hậu thì còn nhưng ngó ra con đường đó thì bị xây nhà lấn chiếm hết dấu tích, chỉ còn một gờ đất mong manh ngoài đồng xa mà thôi.
                                                                                      Đinh Hoa Lư
 
CON ĐƯỜNG NGỰ là đường nào? Tôi viết đến đây chắc bạn đọc ít ai biết. Đó là con đường gắn liền với tôi lúc sinh ra cho đến lúc khôn lớn. Đó là chặng đường gần hai mươi năm tôi sống trước Cửa Lao Xá, Thành Cổ Quảng Trị.

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

ĐIỂM DANH CHÍN LOÀI CHIM ĐƯỢC KHẮC TRÊN CỬU ĐỈNH CỦA NHÀ NGUYỄN - Quốc Lê

Cửu Đỉnh của Nhà Nguyễn (tiếng Hán: 阮朝九鼎) là chín cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1 tháng 3 năm 1837.

Cửu Đỉnh nhà Nguyễn là nơi lưu giữ muôn đời những hình ảnh tượng trưng vẻ đẹp đất nước Việt Nam xưa. Mỗi chiếc đỉnh trong 9 chiếc đỉnh này lại tạc hình một loài chim khác nhau



1/
Cao đỉnh, chiếc đỉnh đầu tiên trong bộ Cửu Đỉnh nhà Nguyễn khắc hình tượng “Trĩ”, nghĩa là chim trĩ. Đây là các loài chim rừng có họ hàng gần với gà, sở hữu bộ lông mang màu sắc rất đẹp.
 


2/
Nhân đỉnh, chiếc đỉnh thứ hai trong bộ Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Khổng tước”, nghĩa là chim công. Đây là loài chim có bộ lông rực rỡ cùng chiếc đuôi dài có thể xòe ra như chiếc quạt. Vẻ đẹp lộng lẫy khiến công được mệnh danh là nữ hoàng của các loài chim.
 


3/
Chương đỉnh, chiếc đỉnh thứ ba của Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Kê”, nghĩa là con gà. Được thuần hóa từ loài gà rừng từ hàng ngàn năm trước, gà đã trở thành loài gia cầm gắn liền với các làng quê Việt Nam.
 
 

4/
Anh đỉnh, chiếc đỉnh thứ tư trong Cửu Đỉnh khắc hình “Khôi hạc”, nghĩa là chim hạc. Trong quan niệm của người xưa, hạc một loài chim tượng trưng cho tính cách của người quân tử. Đây cũng là hình tượng xuất hiện phổ biến trong nghệ thuật truyền thống Á Đông.
 
 

5/
Nghị đỉnh, chiếc đỉnh thứ 5 trong Cửu Đỉnh khắc hình “Uyên ương” là chim uyên ương. Đây là loài chim nước thuộc họ Vịt nổi tiếng với bộ lông muôn màu. Chim uyên ương cũng được coi là biểu tượng cho sự thủy chung do tập tính kết đôi đến trọn đời của chúng.
 


6/
Thuần đỉnh, chiếc đỉnh thứ 6 trong Cửu Đỉnh khác hình tượng “Hoàng anh”, nghĩa là chim vàng anh. Đây là một loài chim có bộ lông mang sắc vàng tươi, được nhiều người biết đến qua truyện dân gian "Tấm Cám".
 
 

7/
Tuyên đỉnh, chiếc đỉnh thứ 7 trong Cửu đỉnh khắc hình tượng “Tần cát liễu”, nghĩa là chim yểng. Đây là loài chim thuộc họ Sáo sống ở vùng đồi núi, thường được nuôi như một loài chim cảnh. Chúng nổi tiếng với khả năng nhại tiếng người.
 


8/
Dụ đỉnh, chiếc đỉnh thứ 8 trong Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Anh vũ”, nghĩa là chim vẹt. Vẹt là loài chim có màu sắc đa dạng, tính cách thú vị và cũng rất giỏi nhại tiếng người.
 


9/
Huyền đỉnh, chiếc đỉnh cuối cùng trong Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Thốc thu”, nghĩa là chim phù lão hay chim già đẫy. Đây là một loài chim thuộc họ Hạc, có ngoại hình lạ mắt với cái đầu trọc lơ thơ tóc bạc như lão nông. Chúng là loài chim điển hình ở các vùng đất ngập nước Nam Bộ.
 
                                                                                             Quốc Lê
 
Nguồn:
https://kienthuc.net.vn/di-san/diem-danh-9-loai-chim-duoc-khac-tren-cuu-dinh-nha-nguyen-1540986.html
 

KHÁT – Thơ Trần Mai Ngân


  


KHÁT...
 
Đêm không lặng lẽ
Đêm cồn cào khát...
Khát một vầng trăng vàng ánh mùa xưa
Khát cơn gió thoảng đẩy đưa cành lá
Khát hơi thở dập dồn trên đôi mắt khép bình yên...
Và khát... đêm triền miên - triền miên!
 
                                    Trần Mai Ngân
 

ĐỌC “DÒNG NHỰA THƠM NGUYỆN ƯỚC”, TẬP THƠ CỦA NGUYÊN BÌNH - Châu Thạch




Cầm tập thơ “Dòng Nhựa Thơm Nguyện Ước” của nhà thơ Nguyên Bình do bưu tá vừa đưa đến trên tay. Ngoài kia chiều xuống, phòng máy điều hòa chưa tắt, món ăn tinh thần biết là ngon đã đến, thôi thì cứ thưởng thức ngay. 
 

HẾT RỒI! – Nguyên Lạc


Tranh Gustave Klimt

 
* Lời vào bài của tác giả:
 
Chủ đề của bài viết này là bàn về vấn đề “thân xác”, liên hệ đến “bản năng” của con người; không phải là truyện X, xin các bạn hiểu cho. Bản năng có thể được kiểm soát, thăng hoa hay buông thả là tùy theo mỗi cá nhân.
 

QUYẾT TÂM CHỐNG DỊCH COVID 19 - Đức Hạnh và thi hữu


  

 
QUYẾT TÂM CHỐNG DỊCH COVID-19
 
Chiến sĩ canh phòng tiêu hủy dịch
Ngành y chữa bệnh khỏi lây trùng
 
CHIẾN binh kiểm dịch mãi truy lùng
SĨ tiến biên thùy bảo vệ chung
CANH ngõ vùng biên trừ nhập cảnh [1]
PHÒNG phương dịch tễ nhớ khoanh vùng
TIÊU trừ những ổ đang bùng phát
HỦY diệt Cô... [2] nguồn hết trỗi tung
DỊCH đã lan tràn ta cảnh giác… [3]
NGÀNH Y CHỮA BỆNH KHỎI LÂY TRÙNG.
 
Đức Hạnh
20 05 2021
 
 
[1] Nguy cơ xuất nhập cảnh trái phép, các chủng vi-rút mới, lây lan ra cộng đồng rất nguy hiểm…
[2] Covid-19
[3] Thực hiện Thông điệp 5K & tiêm phòng vaccine Covid-19
 
 
HỌA:
 
 
DỊCH BÙNG PHÁT!
 
CHIẾN chưa kết cục phải săn lùng
SĨ gác biên phòng đảm nhiệm chung
CANH giữ phân luồng theo đối tượng
PHÒNG ngăn giãn cách ở trong vùng
TIÊU dòng Cô-Vít đường truyền nhiễm
HỦY những chủng loài khuẩn hết tung
DỊCH diễn biến toàn dân cẩn trọng…
NGÀNH Y CHỮA BỆNH KHỎI LÂY TRÙNG.
 
Hồng Xuyến
20 05 2021
 

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

MƯA GẦN SÁNG – Thơ Tịnh Bình


 


MƯA GẦN SÁNG
 
Trăng sao đi mất hút rồi...
Cơn mưa gần sáng
đơn côi
giữa trời
 
Phố phường im lặng chơi vơi
Đèn vàng
hứng giọt mưa rơi
ướt nhòa
 
Cụ già vé số co ro
Mái hiên nép vội
tràng ho
thay lời
 
Bao giờ ngừng giọt mưa ơi
Người trong chăn ấm
thương người
mưu sinh
 
Vội vàng mở một bình minh
Mưa gần sáng
có thình lình
ngừng rơi...?!
 
                        TỊNH BÌNH
                          (Tây Ninh)
 

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

TỪ DẠO ẤY NHUNG NHỚ HƯƠNG GIANG, NAY NHỚ BẠN HOÀNG EM – Đinh Hoa Lư




Từ ngày chúng mình được về thăm lại Hương giang đến nay gần MỘT THẬP NIÊN. Chín năm qua, Sông Hương còn chăng nước biếc khi tháng ngày vẫn nối tiếp qua mau chẳng có gì trở lại! Gần mười năm nhưng âm vang những bài ca Huế đó vẫn vương vấn mãi trong tiềm thức chúng mình như mới hôm qua?

THƠ VỀ DỊCH COVID CỦA VĂN THIÊN TÙNG


  
 

THẢM KỊCH NGƯỜI - BÀI HỌC TA
 
Nhìn sang Ấn chỉ dăm tuần trước
Lễ hành hương tắm nước sông Hằng
Nguyện cầu Thánh bậc toàn năng
Tín đồ chen lấn biết chăng điều nầy
 
Dịch Co vít đó đây bùng khởi
Biến thể nầy dạng mới chớ khi
Lây lan nhanh chóng vậy thì
Càng nên cảnh giác khinh khi họa vào
 
Nhìn thảm cảnh ngán ngao bão dịch
Chúng ngang nhiên hành thích bao người
Vật tư y tế kiệt rồi
Dàn thiêu thiếu củi không nơi ngúm người
 
Bởi khinh suất nên thời vỡ trận
Để dịch trùng quyét tấn tả tơi
Bài học nước Ấn nhớ đời
Thảm kịch nhắc nhở ai ơi nằm lòng
 
Nhìn lại nước canh phòng nghiêm ngặt
Từng đường biên giữ chặt không lơi
Thế mà có kẻ hám lời
Rước giặc Vũ Hán lẻn nơi thị thành
 
Có người diện cách ly chẳng chịu
Cam phận mình dan díu Cô Vi
Về rồi lại mặc sức đi
Để nay gieo rắc họa vì mình đây
 
Vùng dịch nhiễm bao vây phong tỏa
Lại truy tìm vét xóa nguồn lan
Cộng đồng khổ cực muôn vàn
Đội quân tuyến trước nào than vãn gì
 
Bài học Ấn ta thì quyết liệt
Giữ biên cương canh diệt từ đầu
Chớ nên để chúng luồn sâu
Gây nên thảm cảnh chuốc sầu vào ta…
 
                 Mai Vân Văn Thiên Tùng
                             04/5/2021
 

CHÙM THƠ “ĐẤT TRỜI” CỦA LÊ VĂN TRUNG


   

 
ĐẤT TRỜI ĐÂU PHẢI CỦA AI
 
"Dans l' attente
de la mort on retrouve
la vie. Et sa vie"
 
Bao năm đất đá còn mưng mủ
Thì sá gì ta khúc ruột mềm
Thì sá gì em lòng cô phụ
Sá gì tài tử với giai nhân
 
Đời như trăm nhánh sông bồi lở
Ta chảy về đâu cũng muộn phiền
Ta cũng đầu ghềnh em cuối bải
Mỗi người chảy một nhánh đời riêng
 
Trôi mịt mù theo dòng lãng quên
Trôi về đâu hỡi tuổi hoa niên
Hoa đang hương sắc, đương hàm tiếu
Vội úa tàn theo những biến thiên
 
Về đâu cũng dẫn vào mê lộ
Ta co tàu lạc mấy sân ga
Đất đá còn đau niềm cố thổ
Về đâu? Mờ mịt bóng quê nhà
 
Nơi nao ta cũng là lưu khách
Quán trọ tình em chẳng hẹn về
Chẳng hẹn, mà đau bầm gan ruột
Đất trời đâu phải của riêng ai!

DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI, ĐOẢN KHÚC 21 - 25 (TRONG 100 ĐOẢN KHÚC) – Thơ Khaly Chàm


  
                       Nhà thơ Khaly Chàm
 

trích đoản khúc: dọc đường gió bụi
 
21.
bầy đàn nếm máu thi ca
văn chương vò xé thiên hà bầm đen
bật cười cái sự đớn hèn
súc sinh rú mộng ngáo đèn hớp trăng
 
22.
bôi đen con mắt tiền căn
dị ngôn vuốt mặt vĩnh hằng hoang vu
xoay ly tròn đáy ngục tù
vịn đời chổng ngược nghẹn thù ta ơi!
 
23.
thật ra, đã ngất ngây đời
nhố nhăng “dĩ đại” bựa lời giọng chim
muôn năm sao lại lặng im
thủ dâm hôn bóng tối chìm vô minh
 
24.
ngày mai thắt cổ bình minh
treo lên ánh sáng hiện hình satan
rùng mình luyến ái lăn tăn
bật cười rồi khóc lằng tằng máu xương
 
25.
ngày câm nuốt khói quê hương
hồn cuồng hóa bướm vẽ đường khuya xanh
bóng cười chết sửng âm thanh
an nhiên sỏi đá lệ dành riêng ta!
 
                                                  khaly chàm

ĐỌC "TÂM TRẠNG CỦA TRỜI" THƠ PHẠM ĐỨC MẠNH – Châu Thạch


  
  

TÂM TRẠNG CỦA TRỜI !
 
1
Hình như tâm trạng của Trời
Còn vương vướng chuyện nợ lời nguyền xưa
Sáng thơm nắng, chiều đắng mưa
Buồn khê bất chợt rớt trưa nơi nào
 
Đi tìm trưa ở hồn ao
Chỉ nghe tiếng dũi cồn cào sóng bơi
Đi tìm xóm tiếng ve rơi 
Hàng tre cưa gió rối bời thời gian 
 
Hoàng hôn ám ảnh chiều tàn
Du dương vỡ mộng núi đàn mây bay
Thăng trầm nốt ánh sáng ngày
Cung mùa giao cảm thèm say màu người.
 
2
Thì ra tâm trạng của Trời 
Sợ ta nhớ mẹ lệ đời bầm đau
Yêu thương hùn hạp với nhau
Giữ ta ở lại ươm màu tình quê
 
Gỡ mùi chinh chiến trở về 
Thơm niềm kiêu hãnh lời thề với sông
Gối lòng biển mẹ mênh mông 
Càng thương đời mẹ ngóng trông mỏi mòn
 
Đếm đau thương - những mất - còn
Nhưng không để mất nước non của mình 
Mỗi ngày hỏi ánh bình minh
Hồn thiêng người lính lặng thinh chốn nào ?
 
Phạm Đức Mạnh 
20.05.2021
 
 *

Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC "TÂM TRẠNG CỦA TRỜI" THƠ PHẠM ĐỨC MẠNH
          (TÂM TRẠNG CỦA TRỜI HAY CỦA NGƯỜI?)
                                                                         Châu Thạch
 
Bài thơ “Tâm Trạng Của Trời” của nhà thơ Phạm Đức Mạnh không phải là bài thơ tình, cũng không phải là bài thơ đạo. Cùng không anh hùng hay bi hùng, chẳng lâm ly ủy mị, nhưng bài thơ vừa mới đăng lên facebook thì liên tiếp những lời khen tặng được gởi đến trong phần bình luận dưới bài thơ. 
 

PHỒN HOA – Thơ Trần Mai Ngân


  
                        Nhà thơ Trần Mai Ngân


PHỒN HOA
 
Ta ngồi đây giữa những toà cao ốc
Bỗng lòng buồn nhớ chái bếp nhà quê
Nhớ mùi rạ thơm, nhớ lối bờ đê
Ta nhớ lắm... nhớ ôi là nhớ...
 
Bỏ đường làng ta lên thành phố
Làm cư dân tạm trú kiếp chung cư
Sáng đi làm chiều tối ngất ngư
Đường đông nghịt ngựa xe khói bụi...
 
Quanh nơi đây mỗi người lầm lũi
Một ước mơ hoài bảo, một đợi chờ
Chen chúc nhọc nhằn tranh đua từng chút
Việc cuốn người chẳng phút thảnh thơi...
 
Cũng có cuối tuần thỉnh thoảng dạo chơi
Vào quán cà phê toàn là robot
Ngồi bấm máy bên nhau không tiếng nói
Thời đại 4.0... ôi đến lạnh lùng...
 
Ta bỗng thèm nghe tiếng nói thân quen
Của cu Tèo chọc quê cái Tý
Năm với tháng cuộc đời không như ý
Ta nơi đây cô quạnh chốn phồn hoa
 
Những chung cư cao ốc toà nhà
Cứ im lặng sáng đi về tối
Ta ở đây mà như lạc lối
Đi tìm hoài chẳng thấy ngày xưa!
 
                           Trần Mai Ngân