Nhân dịp trường TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ sắp tổ chức họp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập trường. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết TẢN CƯ của thầy Trần Kiêm Đoàn - cựu giáo sư của trường trước 1975
TẢN CƯ
Từ nhỏ, đi học ở Huế, tôi thường nghe người lớn than thở rằng, Huế là xứ sở đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương. Thời đó tôi không tin vì mỗi tuổi thơ đều có một bầu trời xanh và một cồn nắng ấm cho ước mơ tuổi dại theo diều căng gió mà nghe tiếng hát của Thằng Cuội ngồi gốc cây đa. Những cơn mưa thâm trầm và những trận lụt trùng trùng nước bạc của Huế đã khiến tôi nghĩ rằng, Huế là đất "đi để mà sợ, ở để mà kinh!".
Thế nhưng khi sắp sửa từ giã Huế tôi mới thấy cái lưu luyến vô hình của vùng đất đơn sơ nhưng lại có chất keo huyền hoặc và phù thủy nầy.
Tôi chọn về dạy học ở trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị với những lý do chẳng có bà con chú bác gì với Đinh Hùng, Nguyễn Bính hay Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên cả, nghĩa là chẳng có chút gì nên thơ giống như thời kỳ đi học tôi đã chọn về ở trọ tại Vỹ Dạ vì mê "nắng hàng cau" của Hàn Mặc Tử, tôi lại trổ chứng không muốn xa Huế để mà nhớ mặc dầu Huế không phải là nơi ở để mà thương. Khi ra trường sư phạm, đậu á khoa cộng thêm với mảnh bằng cử nhân văn chương còn "le lói" mực Tàu, tôi có được cái ưu tiên chọn một trong mấy chục nhiệm sở từ Quảng Trị đến Nha Trang, Bình Thuận, ngoại trừ Huế, vì nơi đây là cánh rừng già cổ thụ chằng chịt toàn các thầy, cô hàng tiền bối cả rồi. Dễ mấy ai giáo sinh mới ra lò mà được chen chân vào các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương, Kiểu Mẩu, Thành Nội. Vì vậy, thuở đó, Trần Hoài tốt nghiệp thủ khoa cũng phải ráng trèo đèo vô trường Nữ Trung Học Đà Nẵng. Tôi hàng thứ nhì lại chen chân ra vùng hỏa tuyến Quảng Trị cho gần với Huế, làm cho các chàng thầy mới ra lò người Non Mai, Sông Hãn thứ thiệt như Lê Đình Lộng Chương, Hoàng Thạch Tú cũng phải ngẩn ngơ với mấy nụ cười buồn.
Lý do tôi chọn về dạy học tại Quảng Trị vốn đã ít nên thơ mà kỷ niệm ban đầu với Quảng Trị lại càng không êm đềm chút nào, nếu không muốn nói là "rát da rát thịt". Làm sao quên được ngày đầu tiên đến Quảng Trị làm thầy.
Sáng hôm đó, tôi không còn nhớ là có sương thu và gió lạnh của Thanh Tịnh hay không, nhưng tôi đã chọn ra mắt Quảng Trị bằng bộ đồ đắc ý nhất với chiếc quần màu xanh đậm học trò và chiếc áo sơ mi cụt tay trắng toát. Tôi đã tra chiếc cà vạt vào cổ nhiều lần nhưng cuối cùng đành cởi ra vì thấy nó không hợp trên những con đường nhiều người còn đi chân đất từ quê mới lên với đôi quang gánh nặng chĩu lo âu hằn lên khuôn mặt rám nắng lấm tấm mồ hôi. Tôi cầm theo tập giáo trình quốc văn trên bàn tay có hai ngón giữa còn kẹp điếu thuốc Capstan lơ lửng khói bay và lững thững bước vào cổng trường Nguyễn Hoàng đầy tự tin. Bỗng tôi giật nẩy mình vì một ngọn roi nào đó vừa vụt ngang lưng cùng với một giọng nói ồ ề đanh đá và đầy dọa dẫm:
- Đồ học trò vô phép vô tắc, cả gan vô cửa thầy cô hỉ!?
Tôi quay phắc lại và thấy ngay bác cai trường cao lêu khêu, mặt hầm hầm đang cầm cái roi dài ngoẵng, lăm lăm, vừa mắng, vừa toan vụt cho tôi một roi nữa về tội hút thuốc lá trong trường. Tôi đủ kịp phản ứng hét lên:
-Trời ơi! Ông muốn chi? Tôi là thầy giáo trường nầy mà.
Bác cai trường cười như mèo vờn chuột:
- Cái thằng láu cá! Tau nói cho mi biết, tau đã mần việc ở cái trường ni khi mi còn rãi mũi. Ruồi đực ruồi cái bay ngang tau còn biết từ cái xứ mô tới nữa huống chi là quý thầy quý cô ở đây ai mà tau không biết. Để tao trị cho hết cái thói hỗn láo, xưng bừa thầy bà đi nghe chưa.
Trước khi tôi kịp có một lời nào đó để trần tình thì bác cai trưòng đã hùng hổ giáng roi lên. Rất may cho tôi là Lê Văn Mãn, thầy dạy sử địa đã nhảy vào giải cứu kịp thời bằng cách la to lên:
- Ê tầm bậy, ông cai, đây là thầy Đoàn, giáo sư mới của trường mình...
Tôi nghe giọng bác cai có vẻ hoảng hốt:
- Thôi, chết cha tui rồi, rứa mà tui không biết. Xin thầy bỏ lỗi cho chớ thầy còn trẻ quá lại ăn bận như học sinh nên tui lầm.
Tôi ráng mỉm cười rộng lượng, chứ cho dù có hẹp lượng đi nữa thì cũng chẳng làm gì được trong hoàn cảnh bi hài đó.
Trường Nguyễn Hoàng đối với Quảng Trị cũng giống như trường Sorbone đối với Paris hay Harvard đối với Boston. Đó là cơ sở giáo dục kỳ cựu nhất, bề thế nhất và nổi tiếng nhất đối với địa phương. Bởi vậy, Nguyễn Hoàng là niềm hãnh diện chung cho người học cũng như người dạy. Cái khổ nhất của thầy giáo trẻ trường Nguyễn Hoàng là phải trở thành những "viện sĩ" của viện đạo đức, bất luận là tự nguyện hay "bị" tự nguyện vì thành phố Quảng Trị quá nhỏ, phụ huynh và học sinh đều có truyền thống tôn trọng học đường và thầy giáo, nên sau giờ dạy, ló mặt đi đâu mà nghe hai tiếng "thưa thầy" rồi thì những nụ cười lãng mạn cỡ Trăng Rụng Xuống Cầu của Hoàng Thi Thơ cũng phải thành nét uy nghi Tam Tòng Tứ Đức của Khổng Tử! Tôi còn nhớ một buổi chiều lần đầu về ăn nem lụi Chợ Sãi với vài người bạn. Con đường dọc sông Thạch Hãn dẫn về Sãi đã nên thơ như con đường sông Hương đi về bánh bèo Vỹ Dạ, nhưng hai cô hàng trong quán nem lụi còn nên thơ hơn. Tôi thích nghe giọng nữ Quảng Trị khi phát âm chữ "t", chữ "n" sau cùng vì nó có cái âm hưởng đanh, gọn và xác quyết chứ không ỡm ờ như giọng Huế. Tôi đang bập bẹ nhái giọng Quảng Trị để vừa kêu món ăn, vừa để tán tụng vẻ đẹp trăng tròn, hồn nhiên, không đài các của cô hàng bằng những từ dễ thương nhưng không hợp với tự điển của viện đạo đức thì bị "pháo kích" bất thình lình khi cô hỏi lại bằng cái giọng lễ phép của Liêu Trai đã tu luyện ngàn năm:
- Thưa thầy, rứa còn về "mục" đồ uống thầy dùng thứ chi ạ?
Đôi mắt tôi và có lẽ cái giọng nói của tôi nữa, cũng phải đứng vào thế nghiêm lập tức để trả lời. Một thoáng, tôi bắt gặp nét nhìn rất nhanh của cô hàng, cái nét nhìn sắc, ướt và kéo dài đuôi mắt một chút nheo nheo mà tôi không biết mang ý nghĩa biểu đồng tình hay trách móc, nhưng tôi bỗng cảm thấy lòng vui xôn xao trong lặng yên. Tôi nói nho nhỏ với hai người bạn: "Giòng sông chảy về đây có tên Thạch Hãn là phải. Thạch Hãn là 'mồ hôi của đá'. Đá mà còn toát mồ hôi lạnh huống chi tau!"
Tôi đến và làm quen với Quảng Trị vào một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử xứ nầy, đó là giai đọan từ 1970 đến 1975. Trước "mùa Hè đỏ lửa 72", những bài giảng về văn chương Việt Nam với những bài thơ mượt mà tình bạn và xanh biếc tình quê của Nguyễn Khuyến, những tiếng cười xót xa của hàn sĩ lận đận Tú Xương, những tiếng gọi vào đời hào sảng của kẻ sĩ Nguyễn Công Trứ... đã bao nhiêu lần chững lại nửa vời vì tiếng máy bay trực thăng tải thương chở người lên xuống không ngớt trong khu quân sự Mỹ bên cạnh trường Nguyễn Hoàng. Tôi cũng đã trải qua nhiều đêm chấm luận văn của học sinh bên miệng hầm, đọc hoài không hiểu, vì đầu óc căng thẳng lắng nghe thử có tiếng "đề-pa" pháo kích hay không. Nhiều buổi sáng điểm danh, có vài ba em học sinh vắng mặt và sẽ không bao giờ trở lại vì đêm hôm qua đã lên rừng theo du kích. Tôi khó tránh khỏi nỗi mủi lòng xúc động khi có học sinh đến xin rút học bạ thôi học vì dưới quê bão lụt, mất mùa không đủ cơm ăn, áo mặc để tiếp tục theo học.
Mỹ Chánh, Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ, Khe Sanh đều ở trong cơn lốc chiến tranh trong cuộc chiến Hạ Lào, trước khi cơn lốc cuộn lại thành con mắt cuồng phong trên Cầu Dài của "Đại Lộ Kinh Hoàng". Con đường cái quan, quốc lộ số một, của quê hương Việt Nam yêu dấu bỗng biến thành "đại lộ kinh hoàng" trong mấy ngày ngắn ngủi 28, 29 và 30 tháng 4 năm 1972. Tôi là một trong đám người Quảng Trị khốn khổ cố băng qua đoạn đường có chiếc Cầu Dài trơ trụi, ngắn ngủi, bắc qua một giòng nước cạn. Cầu Dài lặng lẽ, vô danh như bao nhiêu nhịp cầu mà tôi đã đi qua từ Huế đến Quảng Trị bỗng rùng mình, biến thành cửa ngõ đi vào địa ngục. Buổi chiều khi tôi sắp sửa bước vào cửa địa ngục cùng với đoàn người chạy giặc thì bỗng nghe những tiếng thét kinh hoàng: "Chết! Chết! Chết hết rồi!” với sự triệt thoái hỗn độn ầm ầm như sấm động từ phía Bến Đá dạt ra. Tôi nghe rõ nhiều tiếng súng nổ chợt xa, chợt gần. Tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng khóc tang thương, tiếng la hét thất thanh và cuồng nộ của đoàn người di tản thối lui vì đạn pháo như trùng vây không biết từ đâu tới, đã đưa đẩy tôi nhào tới và dạt lui như một người say rượu. Tôi rùng mình thảng thốt nghe tiếng thét bên tai: "Vì răng tới giờ ni rồi mà thầy còn ở đây? Chậm chút nữa là chết cả đám. Chạy theo em! Thầy, chạy!". Tôi chạy theo sức đẩy mà tôi không còn nhớ là từ đằng sau đẩy hay đằng trước kéo. Hơn cả nửa giờ sau, khi chạy lúp xúp trên những độn hoang đầy cát trắng tôi mới nhận ra người lôi kéo tôi ra khỏi cửa địa ngục là Nguyễn Kháng, người học trò lớp 11A2 của tôi ở trường Nguyễn Hoàng. Tôi đã chạy bọc quanh về ngả Kim Long, Kim Giao dẫn về Mỹ Chánh theo phía Đông, gần đường biển, tránh càng xa càng tốt vùng Bến Đá, Cầu Dài đang mịt mờ trong khói lửa. Mãi đến khi tôi ngồi đối diện với Kháng trong quán kem Anh Đào ở Huế, nghe Hùng Cường và Mai Lệ Huyền hát bài "một trăm em ơi, chiều nay một trăm phần trăm...", một bài hát mà trước đó tôi cho là "sến" nhất, rẻ tiền nhất và dễ ghét nhất, bỗng nhiên lại trở thành quá hay vào giờ phút đó. "Quá hay" có lẽ vì đây là thông điệp của sự sống, là tiếng hát quen thuộc của dương gian chứ không phải lời kinh buồn dưới chín tầng địa ngục. Tiếng hát cho tôi biết rằng là tôi đang sống. Đơn giản thế thôi nhưng nếu chưa đứng trước ngưỡng cửa của "đại lộ kinh hoàng" thì tôi không bao giờ biết được.
o0o
Sau biến cố mùa Hè 72, một Quảng Trị hiền hòa và bình an đã trôi nổi và phân ly như cánh bèo giữa ngả ba giòng nước. Một số ở lại bên kia sông Mỹ Chánh. Số ra đi thì tạm gởi cuộc sống tại các trung tâm tạm cư ở Hòa Khánh hay Non Nước và lẻ tẻ nhiều nơi khác. Tôi chọn dạy tại Hòa Khánh. Đây là một căn cứ quân đội Mỹ bỏ lại cách Đà Nẵng chừng hai, ba chục cây số. Những bàn tay cần cù quen vỡ đất và những cánh tay đầy sức sống quen ôm lúa chín ngày mùa giờ đây phải ngửa tay lãnh từng bữa gạo để sống ngày lại ngày trên áo cơm cấp phát của trại tạm cư. Người nông dân Quảng Trị sống tạm bợ trong các trại tạm cư Đà Nẵng cũng giống như cá kình mắc cạn và chim nhốt trong lồng. Tuổi già dương đôi mắt tinh anh quen nhìn cỏ nội hoa đồng ngày trước, bây giờ lờ đờ nhìn ngày tháng phù du đi qua trên những dãy nhà tôn khô khan, những con đường cũng đầy bụi, nhưng toàn là thứ bụi mù mệt mỏi chứ không phải bụi gió Lào dấy lên từ bùn đất của quê hương. Ai cũng mơ một ngày về, nhưng ai cũng sợ hãi cái bóng đen không tên nhưng thật hãi hùng của bom đạn.
Trường Nguyễn Hoàng dã chiến của tôi ở Hoà Khánh cũng chia chung số phận nổi trôi với đám học trò tỵ nạn của mình. Trường mở trong một cái nhà kho quân sự cũ. Các lớp học rất "đoàn kết nhất trí" vì không có vách ngăn, nên thầy cô nào không có được cái giọng hùng hồn như nhạc xuất quân thì kể như là trở thành tiếng đàn "Ta Lư" trên núi, nghĩa là thầy trò ai nói nấy nghe. Nếu một buổi sáng đẹp trời nào đó mà thầy giáo Nguyễn Bảo với cái giọng oang oang "thiết giáp hành" lên lớp cùng một giờ với thầy giáo Trần Phò với cái giọng "cụ Tú Lãm" thì kể như học sinh lớp quốc văn của thầy Phò mắt thì lơ láo học thơ mà tai thì lùng bùng học toán của thầy Bảo. Không hiểu vì bản chất thông minh, lanh lợi hay vì được học theo kiểu "double majors" bất đắc dĩ như trên nên tỷ số học sinh Nguyễn Hoàng thi đỗ tú tài năm 1973 khá cao, dù phải đi học trong cảnh đời tỵ nạn đầy gian nan và chịu đựng. Tôi có cái giọng tuy không hào hùng như thầy Bảo nhưng cũng khá hơn cái giọng thu vàng của thầy Phò nên cứ sau mỗi 4 giờ dạy liên tiếp, cũng nhâm nhi vài ba ly cối nước đá để lấy lại hơi sức cho ngày lên lớp hôm sau.
Cuối năm 1973, Quảng Trị hồi cư. Cảnh "tình nguyện phân ly" của người dân Quảng Trị cũng có nỗi xót xa riêng không thua gì khi chạy loạn. Tất cả đều phải đối diện với một tương lai mịt mờ trước mắt. Ra đi bỏ vùng đất thân yêu với mồ mả tổ tiên lại đằng sau thì không nỡ mà trở lại quê xưa trên vùng đất hoang tàn với tất cả làng xóm, đình chùa miếu vũ đã bị san thành bình địa thì số phận cũng chẳng biết về đâu khi một nửa Quảng Trị đã mất, sông Thạch Hãn trở thành sông Gianh và sông Bến Hải. Cuối cùng sự chọn lựa nào rồi cũng mang nỗi đau riêng của nó. Mùa Giáng sinh năm 1973, người Quảng Trị bỗng trở thành dân Do Thái ngay trên đất nước của mình: Một số lớn hồi cư, số khác vào Nam lập nghiệp, số còn lại sống rải rác khắp các tỉnh từ Huế đến Cà Mâu.
Tôi lại khăn gói quả mướp trở về Quảng Trị dạy học. Ngày đầu tiên trở lại Quảng Trị, tôi đến thăm thành phố Quảng Trị cũ. Khó mà tin được có một nơi nào đó trên thế giới đã từng có một cuộc chiến diễn ra ác liệt như thế. Những hố bom to và sâu hoắm như một vùng nước xoáy rải rác khắp nơi. Những cây đà sắt lớn hơn gốc cây cau cong xoắn và chảy thành giọt như nhựa đường đã khô cứng và lạnh lẽo. Không có một căn phố hay một mái nhà nào còn đứng vững. Trường Nguyễn Hoàng với các dãy lầu ngang nhà dọc chỉ còn trơ lại một phần cái trụ gạch của cổng chính. Nhìn sang phía Cổ Thành, tất cả chỉ là một bãi tha ma của đổ vỡ và tan nát. Tôi xúc động và lặng lẽ chùi nước mắt khi có giọng hát nào đó của một người lính trú phòng hát ra từ trong căn lều che giữa căn nhà đổ nát: "Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười...” Việt Nam có những giấc mơ nhỏ nhoi và đằm thắm như một chút đùa vui của nhân thế, nhưng bao năm rồi vẫn còn mất dáng xa vời ngoài tầm tay với.
Thành phố Quảng Trị hồi cư tạm xây dựng trên đồi cát trắng Hải Lăng bằng tôn và gỗ. Đó là những căn nhà tiền chế, suốt mùa lộng gió bốn bề. Lúc đầu tôi dạy học tạm ở trường trung học Hải Lăng, chờ cho đến khi trường Nguyễn Hoàng xây dựng khá khang trang trên "khu thị tứ".
Cuộc chiến tạm chấm dứt trên chiến trường đất cát, nhưng vẫn còn tiếp diễn giữa lòng người Quảng Trị hồi cư. Cái nơm nớp lo sợ bị kẹt giữa vòng lửa đạn vẫn ám ảnh từng ngày với sự hiện diện của Thuỷ Quân Lục Chiến trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đêm dêm tiếng đại bác “nốt ruột” vẫn dội về từ trên các dãy rừng núi phía Tây. Hình như trong cảnh khổ người dân dễ dàng thông cảm và thân thiết nhau hơn. Tình đồng nghiệp và thầy trò cũng vậy. Tối tối, nhóm thầy giáo hồi cư quen tìm đến nhau để chia xẻ một bình trà, một ấm cà phê hay "bốc" hơn nữa là kiếm vài chai để đọc thơ "thiên địa mang mang ai người tri kỷ, hãy lại đây cùng ta uống cạn một hồ trường...". Trong suy nghĩ của những người trẻ tuổi, thầy giáo cũng như học trò, "Quảng Trị hồi cư" phải có một phong thái, một nhịp sống khác với những ngày "tiền Đại lộ kinh hoàng". Quảng Trị đã thấm thía với trò chơi không đẹp của mấy "ông to bà nậy", mượn tạm sự đau khổ khốn cùng của nạn nhân chiến tranh để quảng cáo và để vinh thân phì gia. Trước lễ Giáng Sinh năm 1973, các thầy giáo Nguyễn Hoàng như Lê Hữu Thăng, Lê Văn Mãn, Lê Hữu Nam và tôi gặp nhau nhiều lần tại Đà Nẵng, Huế và Hải Lăng để bàn về chuyện "mình phải làm cái gì cho Quảng Trị sau ngày hồi cư". Ý tưởng dễ thương và lãng mạn nhất là vận động thanh niên xung phong lập ra những làng xã tập thể kiểu "Kibbutz" của Do Thái trong giai đoạn lập quốc. Mô thức "kibbutz" chỉ là một ước mơ của những tâm hồn yêu thương Quảng Trị với nhiệt tình nóng bỏng nhưng đầy mơ mộng. Thực tế là gíup người dân vật lộn với cuộc sống muôn vàn khó nhăn trước mắt. Những chương trình và công tác xã hội giúp đồng bào hồi cư đã được các cơ quan xã hội lớn của miền Nam như Hồng Thập Tự, Asian Christian Social Sevices và Vietnamese Christian Social Services ủng hộ nồng nhiệt. Trước đòi hỏi cấp thiết của tình thế, một nhóm giáo sư Nguyễn Hoàng đã đứng ra thành lập Đoàn Giáo Chức Công Tác Xã Hội Quảng Trị và trường Hiền Lương Nghĩa Thục. Tôi đã ca bài "Never On Sunday" ở Huế hơn một năm trời vì lỡ ham vui nhận chức trưởng đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự Quốc Tế Quảng Trị nên ngày chủ nhật nào cũng phải lăn lộn cùng với mấy trăm đoàn sinh đi khắp các vùng quê Quảng Trị để sinh hoạt từ lợp nhà, lái máy cày... đến ca hát cho đời thêm vui!
Tôi dạy tại cả hai trường Nguyễn Hoàng và Hiền Lương Nghĩa Thục nhưng ngủ lại qua đêm nhiều nhất là tại trường Hiền Lương. Vùng đồi cát nơi trường tọa lạc có tin đồn nổi tiếng nhiều "ma" nhất trên Đại lộ kinh hoàng. Hằng tuần tối thứ hai và thứ ba chỉ có tôi và anh Lê Hữu Nam ngủ lại tại trường. Nam đặt lưng xuống là ngáy như sấm, trong khi tôi thao thức và lắng nghe tiếng vọng của "ma". Nhiều lần trong đêm khuya tôi nghe rất rõ tiếng gọi nhau ơi ới và tiếng la, tiếng gào tiếng thở dài dọc theo quốc lộ1 ngay trước cổng trường. Tôi không biết đấy chỉ là ảo gíác hay có ma thật, nhưng mỗi lần tôi ráng sức lôi cổ Nam dậy để cùng lắng nghe "tiếng ma" với tôi thì chỉ nghe tiếng trả lời ngái ngủ của Nam: "Ba láp, để ta ngủ!" và anh chàng lại ngáy như sấm trở lại, mặc tôi nằm queo chong mắt, trống ngực đánh thình thình. Trường Hiền Lương Nghĩa Thục một thời đã quy tụ hầu hết các thầy giáo và cô giáo cự phách của vùng Quảng Trị, từ những nhà giáo thâm niên như các anh Thái Mộng Hùng, Lê Mậu Tâm đến những thầy giáo mới ra trường như Dương Vạn, Nguyễn Phúc... đã chia xẻ với đồng nghiệp và học sinh nhiều kỷ niệm vui buồn chưa đầy hai năm học và sau đó, lịch sử đã sang trang: Trang 1975!
Mùa Xuân năm 1975, lần cuối tôi giã từ Quảng Trị như một quê hương thứ hai thân yêu của mình để nhập vào đoàn người chạy loạn vào Huế rồi Đà Nẵng. Tôi và anh Lê Hữu Nam ghé vào trường Hiền Lương Nghĩa Thục lúc đó đã thành trạm nghỉ chân cho đoàn người chạy giặc bơ phờ và mệt mỏi. Không có cảnh nào buồn hơn là cảnh trường học biến thành trạm xá bất đắc dĩ trong chiến tranh. Hai anh em chúng tôi buồn bã đi quanh trường như cố ghi lại lần cuối cùng những dư bóng dáng của kỷ niệm rồi đèo xe Honda vào Huế.
Sau năm 1975, có những cuộc gặp lại học trò, bạn bè, đồng nghiệp, người quen Quảng Trị trong những cảnh vui buồn lẫn lộn. Tôi còn nhớ rất rõ năm học cuối cùng trước khi Quảng Trị chia hai sau mùa hè 72 có một nữ sinh xuất sắc về môn quốc văn do tôi phụ trách trong một lớp 11A. Đời vẫn thế, Bá Nha cần phải có Tử Kỳ thì tiếng đàn mới khởi sắc được, cũng như mỗi lần lên lớp, đôi mắt thông minh và những câu hỏi đầy suy nghĩ của những học sinh xuất sắc thưòng có tác dụng như một chút hương hoa đối với thầy cô giáo. Tôi lại là một thầy giáo văn chương trẻ nên Thuận, tên em nữ sinh xuất sắc, thường cho tôi một cảm giác an ủi là bài giảng của tôi khá hay đủ dể làm át đi tiếng máy bay trực thăng gào thét ngoài kia. Có một lần Thuận nghỉ học, hôm sau tôi hỏi lý do, tôi thấy lòng mình chùng lại khi nghe em trả lời : "Thưa thầy, vì trời mưa to quá em phơi áo không khô!". Sau đó, tôi mới hiểu rằng Thuận chỉ có một chiếc áo dài trắng duy nhất dể đi học, nên em phải giặt vào mỗi chiều thứ tư để có áo mà đi học cả tuần. Trong dịp làm báo Tết năm đó, tôi đã tổ chức một cuộc thi viết văn mà tôi chắc thế nào Thuận cũng chiếm giải nhất. Với bài tùy bút "Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu!", mượn tên một tác phẩm hay nhất của Alain Paton, Thuận chiếm giải nhất cuộc thi văn một cách dễ dàng. Giải thưởng cho bài viết của Thuận là phiếu may hai chiếc áo dài tại một nhà may lớn trên đường Trần Hưng Đạo.
Năm 1972, Thuận ở lại bên kia bờ sông Thạch Hãn. Năm 1976 tôi gặp lại người học trò cũ đó trong một hoàn cảnh thật ngỡ ngàng. Cũng như bao nhiêu người trong cảnh có đức lang quân là "thầy giáo, tháo giày", bà xã tôi phải đi buôn hàng chuyến Huế- Sài Gòn để nuôi sống gia đình trong buổi giao thời.
Một buổi chiều bà xã tôi về nhà với hai bàn tay không vì hàng hoá buôn chuyến Sài Gòn – Huế đã bị tạm giữ tại trạm thuế vụ Hương Thủy trước khi vào Huế. Sáng sớm hôm sau tôi theo bà xã về phòng thuế vụ Hương Thủy để nghe quyết định về vấn đề thuế khóa. Từ ngoài phòng đợi, tôi có thể nghe cái giọng nữ sắt và đanh nói về nguyên tắc, chính sách thuế má và buôn bán. Đến lượt chúng tôi được gọi vào văn phòng với một thái độ chờ đợi và căng thẳng. Bỗng tôi chững lại và người nữ cán bộ cũng hụt hẫng:
- Thầy!
Và:
- Ô, Thuận!
Là những gì mà thầy trò có thể nói với nhau trong hoàn cảnh đó. Tôi tính bước ra ngay cho khỏi cái hoàn cảnh khó xử nầy, nhưng Thuận đã giữ lại:
- Xin mời Thầy ngồi.
Cả ba người đều im lặng nhưng tôi có thể thấy được những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, trên má người học trò cũ. Chỉ là một phút phù du trôi qua thôi nhưng tôi biết cả một chiến trường khói lửa trong lòng người học trò giàu suy tư đó. Thuận như chợt nhớ ra điều gì và đứng phắt dậy, dáo dác nhìn quanh và cố nói to như cố tình cho mọi người xung quanh cùng nghe:
- Thưa thầy, cô. Xin thầy cô hiểu cho vai trò và giới hạn của em. Trong giai đoạn mới đầu còn tranh tối tranh sáng nầy, nhiều mặt hàng buôn bán và thuế khóa vẫn đang còn trong vòng thảo luận, nên những nhân viên thuế vụ như em trong một số trường hợp phải căn cứ vào sự lượng giá chủ quan của mình để đánh thuế. Mời thầy cô theo em để kiểm tra mặt hàng.
Thuận hối hả bước vào phòng tạm giữ hàng hóa và tự tay lôi ra tất cả các bao hàng của bà xã tôi có gắn biển "đợi xử lý" và vuốt nhẹ lên từng gói hàng nhưng không mở bao, rồi nói với một nhân viên khác đứng bên cạnh:
- Đây là những mặt hàng sản xuất nội địa. Miễn thuế!
Thuận nói nửa như dặn dò, nửa như ra lệnh:
- Thầy cô vui lòng chở hàng ra khỏi đây càng nhanh càng tốt vì hàng mới sắp nhập và kho hết chỗ chứa!.
Tôi giúp bà xã chuyển hàng đi như một người mộng du câm nín. Dù trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng cái hào khí Quảng Trị một thời vẫn còn lưu dấu. Thế đứng đầy bụi phấn trên bục giảng của một thời không thể ngã xuống thành chiếc nón trải xuống vệ đường đầu hàng cơm áo. Tôi băn khoăn tự hỏi không biết sự “lượng giá” của một cô học trò thông minh như Thuận có phải là một sự hy sinh. Tôi sẽ không đủ bản lĩnh để thản nhiên nhận sự hy sinh của một người khác, nhất là khi sự hy sinh đó của một người học trò cũ như Thuận. Lúc chia tay tôi chỉ còn biết cười buồn và lặng lẽ gật đầu khi nhìn đôi mắt gần như rơm rớm khóc của Thuận với câu hỏi nhỏ:
- Thầy còn nhớ “Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu” không thầy?
Không hiểu Thuận muốn “hãy khóc đi” vì hoàn cảnh, tình cảm hay cả hai trong những ngày gió bụi chấm dứt và khởi đầu cho một trang đời mới.
Gần 20 năm sau 1975, tôi về lại Quảng Trị. Khắp nơi đã dựng lại được màu xanh của thời gian trước "mùa Hè đỏ lữa 72". Cây rất xanh như mơ ước của con người. Gặp lại những khuôn mặt thân thương và quen biết hơn hai mươi năm trước tôi nghe như có tiếng thời gian thoáng qua với nhiều mái tóc bạc hơn. Tình cảm Quảng Trị trong tôi và trong những người cũ gặp lại thì hình như mới chia tay đêm qua, vẫn ấm áp, chan chứa và thuần hậu cho dù hơn 20 năm chưa gặp lại.
Tôi đã xa Quảng Trị, bỏ "Huế đi để mà nhớ" đành đoạn để đi xa năm đồng bảy đội. Đã bao lần tôi căng mắt nhìn nhưng vẫn bước đi với tâm hồn dửng dưng qua những thành phố lớn. Tôi cũng đã ăn dầm ở dề suốt mười mấy năm trên nhiều tiểu bang nóng, lạnh của Mỹ nhưng tôi vẫn chưa tìm ra một nơi nào đó "ở để mà thương". Buổi chiều chia tay đầy lưu luyến với anh em trên đồi La Vang, mùi tràm chổi và đất nắng hanh rất nồng làm tôi bâng khuâng nhớ đến những bạn bè và học trò cũ chắc chừ đã dày dạn phong sương tay bế tay bồng. Hỡi những người "bất tri hà xứ khứ", hình như trong tôi, khi vó đã chồn, chân đã mỏi, tôi mới thấy rằng Huế là nơi đi để mà nhớ vì chan chứa kỷ niệm và Quảng Trị là nơi ở để mà thương vì sâu nặng tình người.
Trần Kiêm Đoàn
TẢN CƯ
Từ nhỏ, đi học ở Huế, tôi thường nghe người lớn than thở rằng, Huế là xứ sở đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương. Thời đó tôi không tin vì mỗi tuổi thơ đều có một bầu trời xanh và một cồn nắng ấm cho ước mơ tuổi dại theo diều căng gió mà nghe tiếng hát của Thằng Cuội ngồi gốc cây đa. Những cơn mưa thâm trầm và những trận lụt trùng trùng nước bạc của Huế đã khiến tôi nghĩ rằng, Huế là đất "đi để mà sợ, ở để mà kinh!".
Thế nhưng khi sắp sửa từ giã Huế tôi mới thấy cái lưu luyến vô hình của vùng đất đơn sơ nhưng lại có chất keo huyền hoặc và phù thủy nầy.
Tôi chọn về dạy học ở trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị với những lý do chẳng có bà con chú bác gì với Đinh Hùng, Nguyễn Bính hay Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên cả, nghĩa là chẳng có chút gì nên thơ giống như thời kỳ đi học tôi đã chọn về ở trọ tại Vỹ Dạ vì mê "nắng hàng cau" của Hàn Mặc Tử, tôi lại trổ chứng không muốn xa Huế để mà nhớ mặc dầu Huế không phải là nơi ở để mà thương. Khi ra trường sư phạm, đậu á khoa cộng thêm với mảnh bằng cử nhân văn chương còn "le lói" mực Tàu, tôi có được cái ưu tiên chọn một trong mấy chục nhiệm sở từ Quảng Trị đến Nha Trang, Bình Thuận, ngoại trừ Huế, vì nơi đây là cánh rừng già cổ thụ chằng chịt toàn các thầy, cô hàng tiền bối cả rồi. Dễ mấy ai giáo sinh mới ra lò mà được chen chân vào các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương, Kiểu Mẩu, Thành Nội. Vì vậy, thuở đó, Trần Hoài tốt nghiệp thủ khoa cũng phải ráng trèo đèo vô trường Nữ Trung Học Đà Nẵng. Tôi hàng thứ nhì lại chen chân ra vùng hỏa tuyến Quảng Trị cho gần với Huế, làm cho các chàng thầy mới ra lò người Non Mai, Sông Hãn thứ thiệt như Lê Đình Lộng Chương, Hoàng Thạch Tú cũng phải ngẩn ngơ với mấy nụ cười buồn.
Lý do tôi chọn về dạy học tại Quảng Trị vốn đã ít nên thơ mà kỷ niệm ban đầu với Quảng Trị lại càng không êm đềm chút nào, nếu không muốn nói là "rát da rát thịt". Làm sao quên được ngày đầu tiên đến Quảng Trị làm thầy.
Sáng hôm đó, tôi không còn nhớ là có sương thu và gió lạnh của Thanh Tịnh hay không, nhưng tôi đã chọn ra mắt Quảng Trị bằng bộ đồ đắc ý nhất với chiếc quần màu xanh đậm học trò và chiếc áo sơ mi cụt tay trắng toát. Tôi đã tra chiếc cà vạt vào cổ nhiều lần nhưng cuối cùng đành cởi ra vì thấy nó không hợp trên những con đường nhiều người còn đi chân đất từ quê mới lên với đôi quang gánh nặng chĩu lo âu hằn lên khuôn mặt rám nắng lấm tấm mồ hôi. Tôi cầm theo tập giáo trình quốc văn trên bàn tay có hai ngón giữa còn kẹp điếu thuốc Capstan lơ lửng khói bay và lững thững bước vào cổng trường Nguyễn Hoàng đầy tự tin. Bỗng tôi giật nẩy mình vì một ngọn roi nào đó vừa vụt ngang lưng cùng với một giọng nói ồ ề đanh đá và đầy dọa dẫm:
- Đồ học trò vô phép vô tắc, cả gan vô cửa thầy cô hỉ!?
Tôi quay phắc lại và thấy ngay bác cai trường cao lêu khêu, mặt hầm hầm đang cầm cái roi dài ngoẵng, lăm lăm, vừa mắng, vừa toan vụt cho tôi một roi nữa về tội hút thuốc lá trong trường. Tôi đủ kịp phản ứng hét lên:
-Trời ơi! Ông muốn chi? Tôi là thầy giáo trường nầy mà.
Bác cai trường cười như mèo vờn chuột:
- Cái thằng láu cá! Tau nói cho mi biết, tau đã mần việc ở cái trường ni khi mi còn rãi mũi. Ruồi đực ruồi cái bay ngang tau còn biết từ cái xứ mô tới nữa huống chi là quý thầy quý cô ở đây ai mà tau không biết. Để tao trị cho hết cái thói hỗn láo, xưng bừa thầy bà đi nghe chưa.
Trước khi tôi kịp có một lời nào đó để trần tình thì bác cai trưòng đã hùng hổ giáng roi lên. Rất may cho tôi là Lê Văn Mãn, thầy dạy sử địa đã nhảy vào giải cứu kịp thời bằng cách la to lên:
- Ê tầm bậy, ông cai, đây là thầy Đoàn, giáo sư mới của trường mình...
Tôi nghe giọng bác cai có vẻ hoảng hốt:
- Thôi, chết cha tui rồi, rứa mà tui không biết. Xin thầy bỏ lỗi cho chớ thầy còn trẻ quá lại ăn bận như học sinh nên tui lầm.
Tôi ráng mỉm cười rộng lượng, chứ cho dù có hẹp lượng đi nữa thì cũng chẳng làm gì được trong hoàn cảnh bi hài đó.
Trường Nguyễn Hoàng đối với Quảng Trị cũng giống như trường Sorbone đối với Paris hay Harvard đối với Boston. Đó là cơ sở giáo dục kỳ cựu nhất, bề thế nhất và nổi tiếng nhất đối với địa phương. Bởi vậy, Nguyễn Hoàng là niềm hãnh diện chung cho người học cũng như người dạy. Cái khổ nhất của thầy giáo trẻ trường Nguyễn Hoàng là phải trở thành những "viện sĩ" của viện đạo đức, bất luận là tự nguyện hay "bị" tự nguyện vì thành phố Quảng Trị quá nhỏ, phụ huynh và học sinh đều có truyền thống tôn trọng học đường và thầy giáo, nên sau giờ dạy, ló mặt đi đâu mà nghe hai tiếng "thưa thầy" rồi thì những nụ cười lãng mạn cỡ Trăng Rụng Xuống Cầu của Hoàng Thi Thơ cũng phải thành nét uy nghi Tam Tòng Tứ Đức của Khổng Tử! Tôi còn nhớ một buổi chiều lần đầu về ăn nem lụi Chợ Sãi với vài người bạn. Con đường dọc sông Thạch Hãn dẫn về Sãi đã nên thơ như con đường sông Hương đi về bánh bèo Vỹ Dạ, nhưng hai cô hàng trong quán nem lụi còn nên thơ hơn. Tôi thích nghe giọng nữ Quảng Trị khi phát âm chữ "t", chữ "n" sau cùng vì nó có cái âm hưởng đanh, gọn và xác quyết chứ không ỡm ờ như giọng Huế. Tôi đang bập bẹ nhái giọng Quảng Trị để vừa kêu món ăn, vừa để tán tụng vẻ đẹp trăng tròn, hồn nhiên, không đài các của cô hàng bằng những từ dễ thương nhưng không hợp với tự điển của viện đạo đức thì bị "pháo kích" bất thình lình khi cô hỏi lại bằng cái giọng lễ phép của Liêu Trai đã tu luyện ngàn năm:
- Thưa thầy, rứa còn về "mục" đồ uống thầy dùng thứ chi ạ?
Đôi mắt tôi và có lẽ cái giọng nói của tôi nữa, cũng phải đứng vào thế nghiêm lập tức để trả lời. Một thoáng, tôi bắt gặp nét nhìn rất nhanh của cô hàng, cái nét nhìn sắc, ướt và kéo dài đuôi mắt một chút nheo nheo mà tôi không biết mang ý nghĩa biểu đồng tình hay trách móc, nhưng tôi bỗng cảm thấy lòng vui xôn xao trong lặng yên. Tôi nói nho nhỏ với hai người bạn: "Giòng sông chảy về đây có tên Thạch Hãn là phải. Thạch Hãn là 'mồ hôi của đá'. Đá mà còn toát mồ hôi lạnh huống chi tau!"
Tôi đến và làm quen với Quảng Trị vào một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử xứ nầy, đó là giai đọan từ 1970 đến 1975. Trước "mùa Hè đỏ lửa 72", những bài giảng về văn chương Việt Nam với những bài thơ mượt mà tình bạn và xanh biếc tình quê của Nguyễn Khuyến, những tiếng cười xót xa của hàn sĩ lận đận Tú Xương, những tiếng gọi vào đời hào sảng của kẻ sĩ Nguyễn Công Trứ... đã bao nhiêu lần chững lại nửa vời vì tiếng máy bay trực thăng tải thương chở người lên xuống không ngớt trong khu quân sự Mỹ bên cạnh trường Nguyễn Hoàng. Tôi cũng đã trải qua nhiều đêm chấm luận văn của học sinh bên miệng hầm, đọc hoài không hiểu, vì đầu óc căng thẳng lắng nghe thử có tiếng "đề-pa" pháo kích hay không. Nhiều buổi sáng điểm danh, có vài ba em học sinh vắng mặt và sẽ không bao giờ trở lại vì đêm hôm qua đã lên rừng theo du kích. Tôi khó tránh khỏi nỗi mủi lòng xúc động khi có học sinh đến xin rút học bạ thôi học vì dưới quê bão lụt, mất mùa không đủ cơm ăn, áo mặc để tiếp tục theo học.
Mỹ Chánh, Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ, Khe Sanh đều ở trong cơn lốc chiến tranh trong cuộc chiến Hạ Lào, trước khi cơn lốc cuộn lại thành con mắt cuồng phong trên Cầu Dài của "Đại Lộ Kinh Hoàng". Con đường cái quan, quốc lộ số một, của quê hương Việt Nam yêu dấu bỗng biến thành "đại lộ kinh hoàng" trong mấy ngày ngắn ngủi 28, 29 và 30 tháng 4 năm 1972. Tôi là một trong đám người Quảng Trị khốn khổ cố băng qua đoạn đường có chiếc Cầu Dài trơ trụi, ngắn ngủi, bắc qua một giòng nước cạn. Cầu Dài lặng lẽ, vô danh như bao nhiêu nhịp cầu mà tôi đã đi qua từ Huế đến Quảng Trị bỗng rùng mình, biến thành cửa ngõ đi vào địa ngục. Buổi chiều khi tôi sắp sửa bước vào cửa địa ngục cùng với đoàn người chạy giặc thì bỗng nghe những tiếng thét kinh hoàng: "Chết! Chết! Chết hết rồi!” với sự triệt thoái hỗn độn ầm ầm như sấm động từ phía Bến Đá dạt ra. Tôi nghe rõ nhiều tiếng súng nổ chợt xa, chợt gần. Tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng khóc tang thương, tiếng la hét thất thanh và cuồng nộ của đoàn người di tản thối lui vì đạn pháo như trùng vây không biết từ đâu tới, đã đưa đẩy tôi nhào tới và dạt lui như một người say rượu. Tôi rùng mình thảng thốt nghe tiếng thét bên tai: "Vì răng tới giờ ni rồi mà thầy còn ở đây? Chậm chút nữa là chết cả đám. Chạy theo em! Thầy, chạy!". Tôi chạy theo sức đẩy mà tôi không còn nhớ là từ đằng sau đẩy hay đằng trước kéo. Hơn cả nửa giờ sau, khi chạy lúp xúp trên những độn hoang đầy cát trắng tôi mới nhận ra người lôi kéo tôi ra khỏi cửa địa ngục là Nguyễn Kháng, người học trò lớp 11A2 của tôi ở trường Nguyễn Hoàng. Tôi đã chạy bọc quanh về ngả Kim Long, Kim Giao dẫn về Mỹ Chánh theo phía Đông, gần đường biển, tránh càng xa càng tốt vùng Bến Đá, Cầu Dài đang mịt mờ trong khói lửa. Mãi đến khi tôi ngồi đối diện với Kháng trong quán kem Anh Đào ở Huế, nghe Hùng Cường và Mai Lệ Huyền hát bài "một trăm em ơi, chiều nay một trăm phần trăm...", một bài hát mà trước đó tôi cho là "sến" nhất, rẻ tiền nhất và dễ ghét nhất, bỗng nhiên lại trở thành quá hay vào giờ phút đó. "Quá hay" có lẽ vì đây là thông điệp của sự sống, là tiếng hát quen thuộc của dương gian chứ không phải lời kinh buồn dưới chín tầng địa ngục. Tiếng hát cho tôi biết rằng là tôi đang sống. Đơn giản thế thôi nhưng nếu chưa đứng trước ngưỡng cửa của "đại lộ kinh hoàng" thì tôi không bao giờ biết được.
o0o
Sau biến cố mùa Hè 72, một Quảng Trị hiền hòa và bình an đã trôi nổi và phân ly như cánh bèo giữa ngả ba giòng nước. Một số ở lại bên kia sông Mỹ Chánh. Số ra đi thì tạm gởi cuộc sống tại các trung tâm tạm cư ở Hòa Khánh hay Non Nước và lẻ tẻ nhiều nơi khác. Tôi chọn dạy tại Hòa Khánh. Đây là một căn cứ quân đội Mỹ bỏ lại cách Đà Nẵng chừng hai, ba chục cây số. Những bàn tay cần cù quen vỡ đất và những cánh tay đầy sức sống quen ôm lúa chín ngày mùa giờ đây phải ngửa tay lãnh từng bữa gạo để sống ngày lại ngày trên áo cơm cấp phát của trại tạm cư. Người nông dân Quảng Trị sống tạm bợ trong các trại tạm cư Đà Nẵng cũng giống như cá kình mắc cạn và chim nhốt trong lồng. Tuổi già dương đôi mắt tinh anh quen nhìn cỏ nội hoa đồng ngày trước, bây giờ lờ đờ nhìn ngày tháng phù du đi qua trên những dãy nhà tôn khô khan, những con đường cũng đầy bụi, nhưng toàn là thứ bụi mù mệt mỏi chứ không phải bụi gió Lào dấy lên từ bùn đất của quê hương. Ai cũng mơ một ngày về, nhưng ai cũng sợ hãi cái bóng đen không tên nhưng thật hãi hùng của bom đạn.
Trường Nguyễn Hoàng dã chiến của tôi ở Hoà Khánh cũng chia chung số phận nổi trôi với đám học trò tỵ nạn của mình. Trường mở trong một cái nhà kho quân sự cũ. Các lớp học rất "đoàn kết nhất trí" vì không có vách ngăn, nên thầy cô nào không có được cái giọng hùng hồn như nhạc xuất quân thì kể như là trở thành tiếng đàn "Ta Lư" trên núi, nghĩa là thầy trò ai nói nấy nghe. Nếu một buổi sáng đẹp trời nào đó mà thầy giáo Nguyễn Bảo với cái giọng oang oang "thiết giáp hành" lên lớp cùng một giờ với thầy giáo Trần Phò với cái giọng "cụ Tú Lãm" thì kể như học sinh lớp quốc văn của thầy Phò mắt thì lơ láo học thơ mà tai thì lùng bùng học toán của thầy Bảo. Không hiểu vì bản chất thông minh, lanh lợi hay vì được học theo kiểu "double majors" bất đắc dĩ như trên nên tỷ số học sinh Nguyễn Hoàng thi đỗ tú tài năm 1973 khá cao, dù phải đi học trong cảnh đời tỵ nạn đầy gian nan và chịu đựng. Tôi có cái giọng tuy không hào hùng như thầy Bảo nhưng cũng khá hơn cái giọng thu vàng của thầy Phò nên cứ sau mỗi 4 giờ dạy liên tiếp, cũng nhâm nhi vài ba ly cối nước đá để lấy lại hơi sức cho ngày lên lớp hôm sau.
Cuối năm 1973, Quảng Trị hồi cư. Cảnh "tình nguyện phân ly" của người dân Quảng Trị cũng có nỗi xót xa riêng không thua gì khi chạy loạn. Tất cả đều phải đối diện với một tương lai mịt mờ trước mắt. Ra đi bỏ vùng đất thân yêu với mồ mả tổ tiên lại đằng sau thì không nỡ mà trở lại quê xưa trên vùng đất hoang tàn với tất cả làng xóm, đình chùa miếu vũ đã bị san thành bình địa thì số phận cũng chẳng biết về đâu khi một nửa Quảng Trị đã mất, sông Thạch Hãn trở thành sông Gianh và sông Bến Hải. Cuối cùng sự chọn lựa nào rồi cũng mang nỗi đau riêng của nó. Mùa Giáng sinh năm 1973, người Quảng Trị bỗng trở thành dân Do Thái ngay trên đất nước của mình: Một số lớn hồi cư, số khác vào Nam lập nghiệp, số còn lại sống rải rác khắp các tỉnh từ Huế đến Cà Mâu.
Tôi lại khăn gói quả mướp trở về Quảng Trị dạy học. Ngày đầu tiên trở lại Quảng Trị, tôi đến thăm thành phố Quảng Trị cũ. Khó mà tin được có một nơi nào đó trên thế giới đã từng có một cuộc chiến diễn ra ác liệt như thế. Những hố bom to và sâu hoắm như một vùng nước xoáy rải rác khắp nơi. Những cây đà sắt lớn hơn gốc cây cau cong xoắn và chảy thành giọt như nhựa đường đã khô cứng và lạnh lẽo. Không có một căn phố hay một mái nhà nào còn đứng vững. Trường Nguyễn Hoàng với các dãy lầu ngang nhà dọc chỉ còn trơ lại một phần cái trụ gạch của cổng chính. Nhìn sang phía Cổ Thành, tất cả chỉ là một bãi tha ma của đổ vỡ và tan nát. Tôi xúc động và lặng lẽ chùi nước mắt khi có giọng hát nào đó của một người lính trú phòng hát ra từ trong căn lều che giữa căn nhà đổ nát: "Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười...” Việt Nam có những giấc mơ nhỏ nhoi và đằm thắm như một chút đùa vui của nhân thế, nhưng bao năm rồi vẫn còn mất dáng xa vời ngoài tầm tay với.
Thành phố Quảng Trị hồi cư tạm xây dựng trên đồi cát trắng Hải Lăng bằng tôn và gỗ. Đó là những căn nhà tiền chế, suốt mùa lộng gió bốn bề. Lúc đầu tôi dạy học tạm ở trường trung học Hải Lăng, chờ cho đến khi trường Nguyễn Hoàng xây dựng khá khang trang trên "khu thị tứ".
Cuộc chiến tạm chấm dứt trên chiến trường đất cát, nhưng vẫn còn tiếp diễn giữa lòng người Quảng Trị hồi cư. Cái nơm nớp lo sợ bị kẹt giữa vòng lửa đạn vẫn ám ảnh từng ngày với sự hiện diện của Thuỷ Quân Lục Chiến trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đêm dêm tiếng đại bác “nốt ruột” vẫn dội về từ trên các dãy rừng núi phía Tây. Hình như trong cảnh khổ người dân dễ dàng thông cảm và thân thiết nhau hơn. Tình đồng nghiệp và thầy trò cũng vậy. Tối tối, nhóm thầy giáo hồi cư quen tìm đến nhau để chia xẻ một bình trà, một ấm cà phê hay "bốc" hơn nữa là kiếm vài chai để đọc thơ "thiên địa mang mang ai người tri kỷ, hãy lại đây cùng ta uống cạn một hồ trường...". Trong suy nghĩ của những người trẻ tuổi, thầy giáo cũng như học trò, "Quảng Trị hồi cư" phải có một phong thái, một nhịp sống khác với những ngày "tiền Đại lộ kinh hoàng". Quảng Trị đã thấm thía với trò chơi không đẹp của mấy "ông to bà nậy", mượn tạm sự đau khổ khốn cùng của nạn nhân chiến tranh để quảng cáo và để vinh thân phì gia. Trước lễ Giáng Sinh năm 1973, các thầy giáo Nguyễn Hoàng như Lê Hữu Thăng, Lê Văn Mãn, Lê Hữu Nam và tôi gặp nhau nhiều lần tại Đà Nẵng, Huế và Hải Lăng để bàn về chuyện "mình phải làm cái gì cho Quảng Trị sau ngày hồi cư". Ý tưởng dễ thương và lãng mạn nhất là vận động thanh niên xung phong lập ra những làng xã tập thể kiểu "Kibbutz" của Do Thái trong giai đoạn lập quốc. Mô thức "kibbutz" chỉ là một ước mơ của những tâm hồn yêu thương Quảng Trị với nhiệt tình nóng bỏng nhưng đầy mơ mộng. Thực tế là gíup người dân vật lộn với cuộc sống muôn vàn khó nhăn trước mắt. Những chương trình và công tác xã hội giúp đồng bào hồi cư đã được các cơ quan xã hội lớn của miền Nam như Hồng Thập Tự, Asian Christian Social Sevices và Vietnamese Christian Social Services ủng hộ nồng nhiệt. Trước đòi hỏi cấp thiết của tình thế, một nhóm giáo sư Nguyễn Hoàng đã đứng ra thành lập Đoàn Giáo Chức Công Tác Xã Hội Quảng Trị và trường Hiền Lương Nghĩa Thục. Tôi đã ca bài "Never On Sunday" ở Huế hơn một năm trời vì lỡ ham vui nhận chức trưởng đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự Quốc Tế Quảng Trị nên ngày chủ nhật nào cũng phải lăn lộn cùng với mấy trăm đoàn sinh đi khắp các vùng quê Quảng Trị để sinh hoạt từ lợp nhà, lái máy cày... đến ca hát cho đời thêm vui!
Tôi dạy tại cả hai trường Nguyễn Hoàng và Hiền Lương Nghĩa Thục nhưng ngủ lại qua đêm nhiều nhất là tại trường Hiền Lương. Vùng đồi cát nơi trường tọa lạc có tin đồn nổi tiếng nhiều "ma" nhất trên Đại lộ kinh hoàng. Hằng tuần tối thứ hai và thứ ba chỉ có tôi và anh Lê Hữu Nam ngủ lại tại trường. Nam đặt lưng xuống là ngáy như sấm, trong khi tôi thao thức và lắng nghe tiếng vọng của "ma". Nhiều lần trong đêm khuya tôi nghe rất rõ tiếng gọi nhau ơi ới và tiếng la, tiếng gào tiếng thở dài dọc theo quốc lộ1 ngay trước cổng trường. Tôi không biết đấy chỉ là ảo gíác hay có ma thật, nhưng mỗi lần tôi ráng sức lôi cổ Nam dậy để cùng lắng nghe "tiếng ma" với tôi thì chỉ nghe tiếng trả lời ngái ngủ của Nam: "Ba láp, để ta ngủ!" và anh chàng lại ngáy như sấm trở lại, mặc tôi nằm queo chong mắt, trống ngực đánh thình thình. Trường Hiền Lương Nghĩa Thục một thời đã quy tụ hầu hết các thầy giáo và cô giáo cự phách của vùng Quảng Trị, từ những nhà giáo thâm niên như các anh Thái Mộng Hùng, Lê Mậu Tâm đến những thầy giáo mới ra trường như Dương Vạn, Nguyễn Phúc... đã chia xẻ với đồng nghiệp và học sinh nhiều kỷ niệm vui buồn chưa đầy hai năm học và sau đó, lịch sử đã sang trang: Trang 1975!
Mùa Xuân năm 1975, lần cuối tôi giã từ Quảng Trị như một quê hương thứ hai thân yêu của mình để nhập vào đoàn người chạy loạn vào Huế rồi Đà Nẵng. Tôi và anh Lê Hữu Nam ghé vào trường Hiền Lương Nghĩa Thục lúc đó đã thành trạm nghỉ chân cho đoàn người chạy giặc bơ phờ và mệt mỏi. Không có cảnh nào buồn hơn là cảnh trường học biến thành trạm xá bất đắc dĩ trong chiến tranh. Hai anh em chúng tôi buồn bã đi quanh trường như cố ghi lại lần cuối cùng những dư bóng dáng của kỷ niệm rồi đèo xe Honda vào Huế.
Sau năm 1975, có những cuộc gặp lại học trò, bạn bè, đồng nghiệp, người quen Quảng Trị trong những cảnh vui buồn lẫn lộn. Tôi còn nhớ rất rõ năm học cuối cùng trước khi Quảng Trị chia hai sau mùa hè 72 có một nữ sinh xuất sắc về môn quốc văn do tôi phụ trách trong một lớp 11A. Đời vẫn thế, Bá Nha cần phải có Tử Kỳ thì tiếng đàn mới khởi sắc được, cũng như mỗi lần lên lớp, đôi mắt thông minh và những câu hỏi đầy suy nghĩ của những học sinh xuất sắc thưòng có tác dụng như một chút hương hoa đối với thầy cô giáo. Tôi lại là một thầy giáo văn chương trẻ nên Thuận, tên em nữ sinh xuất sắc, thường cho tôi một cảm giác an ủi là bài giảng của tôi khá hay đủ dể làm át đi tiếng máy bay trực thăng gào thét ngoài kia. Có một lần Thuận nghỉ học, hôm sau tôi hỏi lý do, tôi thấy lòng mình chùng lại khi nghe em trả lời : "Thưa thầy, vì trời mưa to quá em phơi áo không khô!". Sau đó, tôi mới hiểu rằng Thuận chỉ có một chiếc áo dài trắng duy nhất dể đi học, nên em phải giặt vào mỗi chiều thứ tư để có áo mà đi học cả tuần. Trong dịp làm báo Tết năm đó, tôi đã tổ chức một cuộc thi viết văn mà tôi chắc thế nào Thuận cũng chiếm giải nhất. Với bài tùy bút "Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu!", mượn tên một tác phẩm hay nhất của Alain Paton, Thuận chiếm giải nhất cuộc thi văn một cách dễ dàng. Giải thưởng cho bài viết của Thuận là phiếu may hai chiếc áo dài tại một nhà may lớn trên đường Trần Hưng Đạo.
Năm 1972, Thuận ở lại bên kia bờ sông Thạch Hãn. Năm 1976 tôi gặp lại người học trò cũ đó trong một hoàn cảnh thật ngỡ ngàng. Cũng như bao nhiêu người trong cảnh có đức lang quân là "thầy giáo, tháo giày", bà xã tôi phải đi buôn hàng chuyến Huế- Sài Gòn để nuôi sống gia đình trong buổi giao thời.
Một buổi chiều bà xã tôi về nhà với hai bàn tay không vì hàng hoá buôn chuyến Sài Gòn – Huế đã bị tạm giữ tại trạm thuế vụ Hương Thủy trước khi vào Huế. Sáng sớm hôm sau tôi theo bà xã về phòng thuế vụ Hương Thủy để nghe quyết định về vấn đề thuế khóa. Từ ngoài phòng đợi, tôi có thể nghe cái giọng nữ sắt và đanh nói về nguyên tắc, chính sách thuế má và buôn bán. Đến lượt chúng tôi được gọi vào văn phòng với một thái độ chờ đợi và căng thẳng. Bỗng tôi chững lại và người nữ cán bộ cũng hụt hẫng:
- Thầy!
Và:
- Ô, Thuận!
Là những gì mà thầy trò có thể nói với nhau trong hoàn cảnh đó. Tôi tính bước ra ngay cho khỏi cái hoàn cảnh khó xử nầy, nhưng Thuận đã giữ lại:
- Xin mời Thầy ngồi.
Cả ba người đều im lặng nhưng tôi có thể thấy được những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, trên má người học trò cũ. Chỉ là một phút phù du trôi qua thôi nhưng tôi biết cả một chiến trường khói lửa trong lòng người học trò giàu suy tư đó. Thuận như chợt nhớ ra điều gì và đứng phắt dậy, dáo dác nhìn quanh và cố nói to như cố tình cho mọi người xung quanh cùng nghe:
- Thưa thầy, cô. Xin thầy cô hiểu cho vai trò và giới hạn của em. Trong giai đoạn mới đầu còn tranh tối tranh sáng nầy, nhiều mặt hàng buôn bán và thuế khóa vẫn đang còn trong vòng thảo luận, nên những nhân viên thuế vụ như em trong một số trường hợp phải căn cứ vào sự lượng giá chủ quan của mình để đánh thuế. Mời thầy cô theo em để kiểm tra mặt hàng.
Thuận hối hả bước vào phòng tạm giữ hàng hóa và tự tay lôi ra tất cả các bao hàng của bà xã tôi có gắn biển "đợi xử lý" và vuốt nhẹ lên từng gói hàng nhưng không mở bao, rồi nói với một nhân viên khác đứng bên cạnh:
- Đây là những mặt hàng sản xuất nội địa. Miễn thuế!
Thuận nói nửa như dặn dò, nửa như ra lệnh:
- Thầy cô vui lòng chở hàng ra khỏi đây càng nhanh càng tốt vì hàng mới sắp nhập và kho hết chỗ chứa!.
Tôi giúp bà xã chuyển hàng đi như một người mộng du câm nín. Dù trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng cái hào khí Quảng Trị một thời vẫn còn lưu dấu. Thế đứng đầy bụi phấn trên bục giảng của một thời không thể ngã xuống thành chiếc nón trải xuống vệ đường đầu hàng cơm áo. Tôi băn khoăn tự hỏi không biết sự “lượng giá” của một cô học trò thông minh như Thuận có phải là một sự hy sinh. Tôi sẽ không đủ bản lĩnh để thản nhiên nhận sự hy sinh của một người khác, nhất là khi sự hy sinh đó của một người học trò cũ như Thuận. Lúc chia tay tôi chỉ còn biết cười buồn và lặng lẽ gật đầu khi nhìn đôi mắt gần như rơm rớm khóc của Thuận với câu hỏi nhỏ:
- Thầy còn nhớ “Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu” không thầy?
Không hiểu Thuận muốn “hãy khóc đi” vì hoàn cảnh, tình cảm hay cả hai trong những ngày gió bụi chấm dứt và khởi đầu cho một trang đời mới.
Gần 20 năm sau 1975, tôi về lại Quảng Trị. Khắp nơi đã dựng lại được màu xanh của thời gian trước "mùa Hè đỏ lữa 72". Cây rất xanh như mơ ước của con người. Gặp lại những khuôn mặt thân thương và quen biết hơn hai mươi năm trước tôi nghe như có tiếng thời gian thoáng qua với nhiều mái tóc bạc hơn. Tình cảm Quảng Trị trong tôi và trong những người cũ gặp lại thì hình như mới chia tay đêm qua, vẫn ấm áp, chan chứa và thuần hậu cho dù hơn 20 năm chưa gặp lại.
Tôi đã xa Quảng Trị, bỏ "Huế đi để mà nhớ" đành đoạn để đi xa năm đồng bảy đội. Đã bao lần tôi căng mắt nhìn nhưng vẫn bước đi với tâm hồn dửng dưng qua những thành phố lớn. Tôi cũng đã ăn dầm ở dề suốt mười mấy năm trên nhiều tiểu bang nóng, lạnh của Mỹ nhưng tôi vẫn chưa tìm ra một nơi nào đó "ở để mà thương". Buổi chiều chia tay đầy lưu luyến với anh em trên đồi La Vang, mùi tràm chổi và đất nắng hanh rất nồng làm tôi bâng khuâng nhớ đến những bạn bè và học trò cũ chắc chừ đã dày dạn phong sương tay bế tay bồng. Hỡi những người "bất tri hà xứ khứ", hình như trong tôi, khi vó đã chồn, chân đã mỏi, tôi mới thấy rằng Huế là nơi đi để mà nhớ vì chan chứa kỷ niệm và Quảng Trị là nơi ở để mà thương vì sâu nặng tình người.
Trần Kiêm Đoàn
4 nhận xét:
Đọc và nhớ một thời của bọn mình ngày xưa. Cảm ơn Trần Kiêm Đoàn và Phu Doan (tức Bâng Khuâng).
Rất vui khi Rhum ghé thăm và ghi còm hí! Lai rai một chút hè! :D
[img]http://img1.123tagged.com/en/recoverynewyear/30.gif[/img]
Đọc văn Thầy lòng rưng rưng đầy kỷ niệm. Em Vũ Văn Chính.
Thật vui khi bạn ghé thăm và chia sẻ cảm xúc chân tình!
http://image.blingee.com/images19/content/output/000/000/000/7c4/781439367_45106.gif
Đăng nhận xét