Nguyễn
Đặng Mừng sinh năm 1953. Quê quán: Cổ
Lũy, Hải Ba, Hải Lăng, Quảng Trị. Làm
thơ viết văn. Sáng tác đăng trên các báo Văn Nghệ, Tia Sáng, Người Đại Biểu
Nhân Dân, Sông Hương, Kiến Thức Ngày Nay, Nhịp Cầu Đầu Tư…, các diễn đàn văn học
tiếng Việt trong và ngoài nước.
Tác phẩm đã xuất bản:
Bóng Chiều Hôm,
nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 2009.
NGÀY THƠ ẤU ƠI
Tặng
bạn bè Nguyễn Hoàng xưa)
Năm
1972, dân Quảng Trị chạy vào Đà Nẵng, thời
đó gọi là tị nạn chiến tranh. Lớp tôi con trai đi lính hầu hết, trong đó có bạn
thân là D. Trong thời gian chờ nhập ngũ, chúng tôi thường đi ngang trường Phan
Chu Trinh Đà Nẵng để đến trung tâm 1 trình diện hàng tuần. Thấy bạn bè tiếp tục đi học mà buồn chi lạ.
Chúng tôi, những đứa “giã từ áo trắng” thường rủ nhau đi uống cà phê, nghe nhạc
giết thời gian. Không đứa nào biết đến bia rượu, thuốc lá. Một lần đi ngược chiều
N, tôi đánh bạo băng qua đường tặng N tập nhạc của Cung Tiến có đề tặng câu: “Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy
nhau lần nữa” *. Tôi linh cảm đây là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. D đứng
lại bên kia đường nhìn sang, mắt buồn vợi. Linh cảm về sau này không vận vào
tôi mà lại là D. Chúng tôi có một bạn gái cùng lớp thân nhau, cả ba hơi bị “yêu yêu”. Yêu thời đó là nhìn nhau, chớp
mắt và đôi khi thở dài. Cô bé có thiện cảm với
cả tôi và D. Chúng tôi cùng ở trại tạm cư, nơi doanh trại của lính Mỹ để
lại. Gọi là tạm cư nhưng đôi chỗ còn cả máy lạnh. Một lần D bị sốt thương hàn,
tôi hẹn với cô bạn đi thăm. Tôi đi Honda đến nhà thấy cô ấy đã mặc áo dài và hộp
sữa trong tay. Lần đầu chở “người yêu”,
hồi hộp lắm. Vậy mà khoảng đường 5 cây số tới nhà D chẳng ai nói câu nào, sau
lưng “không nghe tin tức” gì. Chắc ai nhìn thấy là ngộ lắm - Cô ta ngồi
cách một khoảng “an toàn” quá mức cần
thiết.
Tôi và
N chia tay D, đó là lần cuối cùng D gặp N, mà theo tôi là người duy nhất D yêu,
là có thể gọi là mối tình đầu. Tôi chở N về, cũng chẳng nói gì với nhau. Mùa
thu năm đó mưa nhiều lắm. Ngồi trong căn phòng tạm cư, cứ mãi nhìn nhau, nhìn
mưa. Nhà N không biết đi đâu cả. Hai đứa ngồi đối diện trên chiếc bàn ăn và
cũng là bàn tiếp khách. Trời mưa nên tôi có lý do để ngồi với N lâu hơn. Tôi
cũng yêu N chớ bộ. N cứ nhìn chằm vào mắt tôi, mắt N ướt nhưng nghiêm trang như
cô giáo, thỉnh thoảng lại liếc ra ngoài mưa. Tôi cảm tưởng như cái liếc mắt đó
trôi về hướng Hòa Long, nơi có D. Hai chân tôi như thừa thải, nó ngọ nguậy, đụng
một chút vào chân N. N trừng mắt ngầm bảo đừng lộn xộn. Tôi ngoan ngoãn để yên
hai bàn chân một cách “nghiêm khắc”,
để chứng tỏ những cái đụng chân trước đó là vô tình. Mặt tôi lúc đó chắc tức cười
lắm. Rồi. Êm ái lạ thường, một cảm giác mềm mại và âm ấm trên mu bàn chân phải.
Tôi sung sướng lịm người đi. Kiến bò râm ran từ đó lên tới đỉnh đầu. Tôi chăm
chú nhìn vào mắt N, như uống lấy, nuốt lấy đôi mắt đen láy nhường kia, má hồng
nhường kia. Tay tôi run lên thừa thải xoa xoa mặt bàn. Xoa dần. Xoa dần như
đoàn quân di hành trong đêm, lặng yên, dè dặt, đầy bất trắc phía trước. Năm
ngón tay phải tiến sát mục tiêu là năm ngón thon dài màu hồng phấn. Tôi nhẹ
nhàng áp lên đó. N đứng bật dậy, dang hết tay tát thẳng vào má tôi. Cái tát
không mạnh lắm do tay N mềm quá, đủ để nóng bừng má trái tôi. Tôi chờ thêm một
cái nữa như lời Chúa, hãy tát thêm cái nữa vào má phải của ta. Ha ha, là nói
dóc vậy, thật tình lúc đó tôi choáng váng, sợ sệt đến chảy nước mắt. Tôi rút
chân nhìn xuống gầm bàn, đứng dậy. Thủ phạm là con mèo vàng cào vào chân kêu meo meo. Tôi bực mình nói hậm hực “Té ra
là mày, vậy mà ta tưởng...”. Mặt N ửng hồng, lí nhí xin lỗi. Rồi khóc.
Tôi ra về,
không mặc áo mưa, rú ga hết cỡ. Mưa tạt rát mặt, tôi cứ chạy dọc sông Hàn,
không nghĩ mình sẽ về đâu. Ba ngày sau, D gửi tôi cuốn sách, nhờ chuyển cho N, ấy
là cuốn Ác Quỷ Trên Thiên Đàng của Henry Miller. Lật trang đầu có bốn câu
thơ, chữ đẹp mà như run rẩy:
Từ độ nắng vàng trưa hôm ấy
Mở lòng cho trắng một đường mơ
Từ hẹn hoa bay ngoài ngõ biếc
Hương nào ngai ngái suốt đêm xưa.
Tôi nhớ ra rồi, cái trưa hôm ấy rồi, cái đêm xưa ấy rồi.
Cái đêm
hôm ấy.
Tôi và D hẹn
nhau đi chơi nhân đêm lễ Phật Đản, mùa hè năm 1970. Phật tử cắm trại bên bờ
sông Thạch Hãn, bên kia bờ là Nhan Biều, làng của D. Nơi cắm trại là bãi cát
trước mặt chùa Tỉnh Hội, Mỗi sáng anh em D thường qua đò ngang lên bến ấy. Lễ Phật Đản là ngày hội hiếm có đối với bọn tôi. Dù thời đó
tiếng súng giao tranh ở các làng quê có lúc ở thị xã nghe rõ mồn một. Đêm Phật
Đản những năm đó tôi không nhớ là có hiệp ước đình chiến hay không mà dân chúng
vẫn đi lễ và dự trại, không phải giới nghiêm như thường lệ. Tụi tôi hẹn nhau từ
sáng. Tôi đứng đợi D ở bến đò. Mùa hè nước cạn, bãi cát chạy dài ven sông. Trại
đủ màu, trên mỗi trại có cờ phật giáo. Oanh Vũ mặc váy xanh áo lam, thiếu nữ áo dài lam. Các nam huynh trưởng mặc quần sọt,
đội mũ scout. Họ hát hò, chuẩn bị lửa trại. Đò D ghé bến. hai đứa lang thang dọc
bờ sông như trông chờ ai đó. Cuối bãi cát là xóm Hà, xóm của N. D và tôi cứ nhắm
hướng đó mà bước.
Có tiếng
gọi của chị N,“Ê, hai chàng thi sĩ đi mô
mà không chộ hai hết rứa, lại đây”. Chị em N cũng đi chơi, xem cắm trại.
Gió làm tóc họ bay che cả mặt. Dưới trăng, N dễ nhận ra với mái tóc dài nhất. Vậy
là cùng nhau đi ngược lại. Tôi cố đi gần N, D lại cứ tách ra đi một mình. Mãi nói chuyện, nhìn lại D đi đâu mất. tôi chạy
quanh tìm, thấy D đứng bên mé nước nhìn lung ra sông, bảo: “Mày cứ đi với N đi,
tau thích đứng một mình”. Chị em N đứng đợi, vậy là tôi quay lại cùng đi với họ,
lòng cứ day dứt điều gì ấy. Chia tay chị em N, tôi quay lại, D vẫn đứng như thế,
nhìn sông.
Hai đứa
đi trở lại bến đò. Không ai nói chi. D lặng lẽ xuống đò ngang, con đò quẩy mái
chèo trôi đi. Trăng rằm sóng sánh, nhấp nhóa. Tôi đứng lặng nhìn bạn, thương cảm
và ân hận.
Tôi quay
lại tìm N, người đông quá không thấy chị em N đâu. Gió nồm thổi miên man, áo
dài một rừng vạt bay bay chới với. Con đò đã đến bên kia sông, rặng tre làng
Nhan Biều đen thẩm, ở đó chắc D đang leo mười mấy bậc lên bờ. D có buồn không,
có khóc không, ai mà biết được. Từ bến
đò về nhà D là đường xóm âm u dưới tre. Có khi D ngâm thơ cũng nên. Còn N, có thể theo chị về hướng xóm Hà rồi. Chắc N vẫn
vô tư nghĩ đến hai người bạn. Con gái có vô tư, có yêu yêu sớm như con
trai? N nhỏ hơn tụi mình hai tuổi mà.
Tôi trở lại
lấy xe, muốn chạy lên cầu ga qua nhà D bằng đường bộ. Nhưng sợ. Thời đó ban đêm
ai mà dám chạy qua Nhan Biều. Tôi quẹo trái về nhà, nhà tôi ở trên quốc lộ một,
ngược hướng Nhan Biều.
Hôm sau
không hẹn cả ba cùng đến lớp sớm. Tôi đến gần N hỏi, “sao hồi hôm về luôn à”. N gật đầu, ý nhị liếc mắt về phía D. Chàng
đang đứng nhìn ra sân trường, kiểu như đang chờ ai đó. Tôi theo ra đứng với D.
Nhiều nữ sinh đẹp đi ngang lớp tôi, có mấy
cô hoa khôi của trường nữa. Mãi sau này tôi chưa thấy cô nữ sinh nào đẹp như Thảo
lớp 10A3. Đẹp mong manh như sương, lại mũm mĩm như búp huệ trắng muốt. Có đứa đếm
một hai một hai theo bước Thảo, tội nghiệp cô bé cứ ríu cả chân. Tụi tôi hay đứng
ngắm các cô, thời đó gọi là “nghễ”.
Tôi nhìn vào lớp thấy N đang úp mặt xuống bàn, trên đôi tay khoanh lại.
Thầy X dạy tiếng Anh, còn trẻ mà mặt lúc nào
cũng khó đăm đăm. Thầy đang ưu thời mẫn thế. Lớp tôi gần một sân bay trực thăng
dã chiến. Mỗi lần máy bay hạ cánh là hai mươi phút thầy trò ngồi yên nghe tiếng
động ầm ào, có lúc bụi khói còn bay cả vào lớp học. Sân bay mấy tuần nay ngày
nào cũng thế, có khi cả buổi sáng chẳng học hành gì. Mỗi lần dứt tiếng động là
thầy X lại một phen chửi Mỹ, chửi chính quyền miền Nam. Học trò tụi tôi, dù nhỏ
đã có chính kiến. Một số thích kiểu phản chiến, là mode thời đó bằng những bản
nhạc do một nữ sinh tập như bài Tuổi trẻ VN. Tôi nhớ một đoạn như sau:
Tuổi trẻ Việt Nam là hầm hố chông
gai
Mắt đăm đăm nhìn những xóm thôn lửa
vùi
Sáng mai nào nhìn đoàn quân qua đầu núi
Nghe trong lòng một nỗi ngậm ngùi.
Tôi, T N,
TV, QT lại thích nhạc Phạm Duy. Văn nghệ trường tập hợp ca Mẹ Trùng Dương, hát
ba bè, xúc động lắm. Chúng tôi yêu nước một phần từ những bản nhạc như thế.
Trận Hạ
Lào được gọi là cuộc hành quân Lam Sơn 719.
Từng đoàn xe nhà binh nối đuôi nhau chạy về hướng Đông
Hà. Trên trời máy bay đủ loại gầm rú lao về hướng tây. Nhà tôi ở trên Quốc lộ một,
đêm ngày chứng kiến không biết bao nhiêu là xe với nhiều sắc lính . Những khuôn
mặt sạm nắng buồn bả nhìn xuống đồng bào
đứng hai bên đường đưa nón vẫy. Có khi gặp cả người thân chạy lúp xúp theo gửi
gói quà, hay vẫy tay đứng khóc . Họ đang
cùng đi đến chỗ chết, một nơi xa lạ không tên nào đó về hướng đường 9 Nam Lào.
Rồi mùa
hè 1972, mùa đỏ lửa. Chúng tôi trôi dạt người một phương. Tạm cư, đi học đi
lính. Chiến tranh đóng sập cửa về ngày thơ. D mất ở miền Tây. Tôi nhận được tin
từ một thư gửi D bị trả lại, ngoài bì có chữ “đương sự đã tử trận”. Cao nguyên
mùa đông lạnh buốt, gió từng trận lật phật lá thư trong tay. Vậy là thêm một bạn
tóc xanh ra đi vĩnh viễn. Nhớ câu thơ của D:
Ngày mai qua cuộc phong trần
Tàn phai giọng bướm một lần
sang sông.
Đêm đó
tôi mơ thấy nhiều cánh bướm bay về, có cả giọng kêu than của loài bướm biết
khóc, nhấp nhóa loang loáng mặt sông Thạch Hãn, nơi giấc mơ cả hai đứa chưa với
được bao giờ. Bật dậy tôi viết:
Hoa nửa mùa xuân rụng hết rồi
Mời em về giữa cõi trần ai
Nửa đêm đom đóm sầu đôi cánh
Rớt giữa rừng mơ tiếng thở
dài.
Cánh bướm
ma quái thường về thăm tôi, không nên thơ như giấc mơ tuổi nhỏ. Những năm gần
đây điều kiện sống có khá hơn, lớp chúng tôi thường tổ chức họp mặt. Ngạc nhiên
là con trai đứa nào cũng nhớ từng chi tiết về kỷ niệm, con gái thì hay quên.
Tôi đùa “Các mệ lẫn rồi’. Qua đây tôi cũng xin các bạn nữ thông cảm về
cái tên N tưởng tượng của tôi và D. Chúng tôi thường gọi một bạn gái nào đó có
cảm tình đặc biệt là Nàng, gọi trại ra là Nường, Nường Thơ, chỉ để làm thơ
thôi. Và tất cả các bạn có quyền tưởng mình là một nường nào đó, N nào đó,
trong thơ, tuổi thơ chúng mình. Như mỗi lần Thu Vàng hát Những Ngày Thơ Ấu.
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG
* Lời trong bài Hoài Cảm của Cung Tiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét