BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

“BÀI CA HỌC TRÒ”, HAI BẢN NHẠC ĐƯỢC YÊU THÍCH TRONG GIỚI SINH VIÊN HỌC SINH HUẾ CỦA HAI NHẠC SĨ KHÁC NHAU (Phan Ni Tấn và Nguyễn Quyết Thắng) - La Thụy

Trước năm 1975, giới sinh viên học sinh miền Nam chúng tôi ở Huế rất thích 2 bản nhạc BÀI CA HỌC TRÒ của 2 nhạc sĩ Phan Ni Tấn và Nguyễn Quyết Thắng.
 
Đặc biệt 2 bản nhạc có phong cách và nội dung đặc thù thể hiện tâm trạng giới trẻ của chúng tôi thuở đó.
 
- “BÀI CA HỌC TRÒ” (1) – Nhạc và lời của Phan Ni Tấn, xuất phát từ bài thơ “Kính thưa thầy” ký bút hiệu N.D được đăng trong tờ Văn của nhà văn Mai Thảo trước khi nó chuyển thành nhạc phẩm “Bài Ca Học Trò” do chính tác giả bài thơ Phan Ni Tấn phổ nhạc. Bản nhạc “Bài Ca Học Trò” nói lên tâm trạng u uất của giới trẻ chúng tôi trước cuộc chiến nồi da nấu thịt dai dẳng, đau thương trên quê hương Việt Nam thuở đó.
 
Nhạc sĩ Phan Ni Tấn

- “BÀI CA HỌC TRÒ” (2) – Vốn là bài thơ “Những tối hoa xưa” của Đoàn Bằng Hữu được nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng phổ nhạc. Bản nhạc này nói lên tình cảm yêu đương trong sáng, thơ mộng của thanh niên chúng tôi. Bây giờ các trang mạng đều trả lại tên gốc bản nhạc là “Những tối hoa xưa” như tựa đề của bài thơ.
 
Nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng

Nhạc sĩ Phan Ni Tấn và nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng đều tham gia phong trào du ca Nguyễn Đức Quang trước 1975. Hiện cả hai nhạc sĩ đều định cư ở nước ngoài.
 
1/
“BÀI CA HỌC TRÒ” – Nhạc và lời của Phan Ni Tấn
 
Kính thưa thầy đây bài chính tả của con
Bài chính tả viết về nước Mỹ
Con viết hai lần sai chữ "America"
Con viết hai lần sai chữ "communist"
Con viết hai lần sai chữ "liberty".
 
Làm sao được, làm sao được bởi anh con vừa chết
Kính thưa thầy đây bài luận triết của con
Một căn nhà và một trái phá
Một đám cưới hồng bên cạnh một đám ma
Một kiếp sống tàn dưới biển người no ấm
Ôi tiếng hát nào bên lệ em tuôn mau.
 
Làm sao thuộc bài con học để vinh thân đời sau
Kính thưa thầy đây là bài toán của con
Những đường cong, đường thẳng đều có gài mìn
Từ trong thành phố có bar, có Mỹ, có con gái học trò
Đường vào rừng có hầm hố cá nhân
Đường vào đời có xương máu căm hờn.
 
Con đã chứng minh nhiều lần
Đường ngoằn ngoèo qua Mỹ, qua Paris thật ngắn
Nhưng không thể nối liền Sài gòn, Hà Nội
Nhưng không thể nối liền thành phố với làng quê
Con không đậu tú tài để đi sĩ quan Đà Lạt
Con không đậu tú tài để thành bác sĩ, kỹ sư.
 
Kính thưa thầy đây bài thuộc lòng của con
Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến
Một trăm năm Pháp thuộc, hai mươi năm đoạ đày
Làm sao con thuộc được truyện Kiều, Nguyễn Du.
 
Những bài thơ mùa thu Nguyễn Khuyến
Những bài công dân sử địa
Những bài học con ngại ngùng không dám đọc to
Trên đường phố hay những vùng ngoại ô.
 
Kính thưa thầy đây là quyển vở của con
Suốt một năm chưa một tờ có chữ
Con để dành ép khô những dòng nước mắt
Của cha con, của mẹ con, của chị con và của chính con.
 
                                                                    Phan Ni Tấn
 
Thơ & nhạc: Phan Ni Tấn - Elvis Phương hát

https://www.youtube.com/watch?v=NL2kVyX3fxo
 
Nhạc sĩ Phan Ni Tấn trình bày bản nhạc BÀI CA HỌC TRÒ do chính ông sáng tác

2/ “BÀI CA HỌC TRÒ” –  Thơ Đoàn Bằng Hữu. Nhạc Nguyễn Quyết Thắng
 
NHỮNG TỐI HOA XƯA
 
Năm mười, mười lăm hai mươi
Tôi che mắt kiếm em cười rất trong
Con trăng sớm biết mặn nồng
Bay ngang một sợ mây hồng như mơ ơ ơ...
 
Thương em xé vở học trò
Đêm khuya cắn bút làm thơ tỏ tình
Trên giòng lục bát mông mênh
Gọi mưa về lá hồn nhiên ngủ vùi
 
Năm mười, mười lăm hai mươi...
Còn người xanh tóc yêu người tóc xanh
 
                              Nguyễn Quyết Thắng
 
 
Thơ Đoàn Bằng Hữu. Nhạc Nguyễn Quyết Thắng. Cung My hát

Nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng và ca sĩ Vành Khuyên trình bày bản nhạc NHỮNG TỐI HOA XƯA


                                                                                         La Thụy

VỚI PHAN NI TẤN, VẬN NƯỚC NỔI TRÔI VÀ GIÒNG NHẠC ĐẤU TRANH “HƯNG CA”, MỘT THUỞ MANG ĐÀN ĐI MỞ LỐI - Hoàng Lan Chi



Lời Giới Thiệu:

Phan Ni Tấn, một người đa tài với những bài thơ, nhạc phẩm nặng tình quê hương. Bài hát nổi tiếng là “Phải Lòng Con Gái Bến Tre” và bài “Bài Ca Học Trò”, một bài hát xưa từ trước 75 mà rất nhiều người không biết Tấn là tác giả. Đã rất nhiều người viết về Tấn. Mỗi bài nhận xét là một vẻ, một bông hoa về văn, thơ, nhạc của Tấn.
 
Tôi quen Phan Ni Tấn dịp nào thì không nhớ. Chỉ biết có thời Tấn đưa tên tôi vào một web do Tấn lập, mục “các người viết phụ nữ” hay đại loại gì đó. Mở ngoặc, tôi không phải là “người viết” chuyên nghiệp. Tôi yêu khoa học kỹ thuật và tôi cũng từ đó tốt nghiệp. Văn chương với tôi là son phấn và tôi nhẩy lò cò vào vài lãnh vực cho vui: văn, thơ, phỏng vấn, viết nhận xét. Nổi trội nhất là… thời sự cộng đồng và sau này thời sự Mỹ! Tuy vậy, nhiều độc giả ưa thích mục phỏng vấn vì theo họ, những câu tôi hỏi là hay. Họ cũng thích những bài nhận xét của tôi cho văn, thơ, nhạc vì họ cho rằng tôi nhận xét tinh tế và không quá “nịnh”. Đóng ngoặc. Giải thích thế cho vụ Tấn xếp tôi vào mục “người phụ nữ viết”.

BA NGÀY CÚM COVID 19 – Thơ Trần Vấn Lệ


   


BA NGÀY CÚM COVID 19
 
Nằm xuống.  Trở lưng.  Không thể nữa!
Thôi thì nhắm mắt để xuôi tay...
Coi như đó cũng thời Non Nước
Núi đứng và sông cứ thở dài!
 
Bài học:  chiến binh dù trúng đạn
Cố bò, cố lết, súng không buông:
"Tôi nhìn, tôi nhắm và tôi bắn...
Phát đạn!  Hôn nha!  Phút cuối cùng" (*)
 
Cái bài học chỉ vài ba chữ,
Hơi thở còn trong không khí bay...
Nay...cúm, nghĩa chi mà ngả quỵ?
Nay rồi, quên nhé!  Một đời trai!
 
Ngoài rào gai kẽm, em lau mắt.
Sông cứ trôi xuôi, núi chọc trời. 
Có nhột trời không, thì chẳng biết,
Con sông tìm biển, cứ đi thôi...
 
Hai Thế Kỷ qua... Tròn trái đất.
Trái tim co thắt... có nên buồn?
Ngoài rào gai kẽm em mờ mịt...
Tất cả còn hai chữ Cố Hương!
 
                           Trần Vấn Lệ
 
(*) Thấy trên bức tường trường Bộ Binh: "Tôi ngã xuống.  Tôi nhỏm dậy.   Tôi lết tới.  Tôi giương súng.  Tôi nhắm.  Và tôi bắn..."

HỎI – Thơ Trần Mai Ngân


   


HỎI
 
Tôi hỏi ngày hôm qua đâu?
Tôi hỏi mây - mây lững lờ bay, bay…
Tôi hỏi gió - gió miên man thổi
Tôi hỏi cây - chiếc lá vàng rơi khẽ mùa Thu
Tôi hỏi tình yêu - Cupid chiếc cung mù bắn vội…
 
Tôi hỏi ngày hôm qua đâu?
Tôi hỏi tội nụ cười trốn nấp hôm nay
Tôi hỏi chén rượu cay - cơn say không tỉnh
Tôi hỏi anh, tôi hỏi tôi - bình minh của chúng mình
Ờ ngay cạnh đây sao ta không nhìn thấy
 
Hỏi làm gì hôm qua đã đi đâu…?
 
                                                        Trần Mai Ngân
                                                           16-7-2024

GIẤC MƠ TRÔI RA BIỂN – Thơ Lê Phước Sinh


   

 
GIẤC MƠ TRÔI RA BIỂN
 
Rùng mình lạc giữa giấc mơ,
giời ơi ta vẫn dại khờ thế sao.
Tảo xanh phủ kín thân người,
dẫu dăm năm nữa vẫn trôi dật dờ...
 
                            Lê Phước Sinh

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2024

LÊ MẠC TƯƠNG TRANH DƯỚI THỜI MẠC MẬU HỢP (P2) - Tác giả Hồ Bạch Thảo



Trong giai đoạn này Lê – Mạc tiếp tục tranh hùng. Phía Mạc, sau khi dũng tướng Mạc Kính Điển mất, thế lực trở nên suy vi; phe Lê, Tiết chế Trịnh Tùng thừa thắng mấy lần xua quân ra Bắc.
 
Ngày mồng một tháng Giêng năm Sùng Khang thứ 8 [2/2/1573], tức Lê Thế Tông năm Gia Thái thứ nhất, Minh Long Khánh năm thứ 7, Tả tướng Trịnh Tùng và các quan tôn Hoàng tử thứ năm của Vua Anh Tông là Lê Duy Đàm lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu Gia Thái, đại xá, ban dụ đại cáo, đại lược nói:
 
 “Ta nghe thượng đế mở rộng công nuôi dưỡng muôn loài, tất ngay dịp xuân mà ban ân đức, vương giả giữ gìn buổi đầu tức vị, phải ra mệnh lệnh dụ bảo thần dân. Trên dưới hợp nhau, đồng lòng một chí. Nước nhà ta, nhân thời cơ mà mở vận, gây dựng nước bằng lòng nhân. Một tổ khai sáng đầu tiên, các thánh kế nối sau mãi, truyền nhau chính thống đã hơn một trăm năm. Vừa rồi, gặp cơn vận ách, giềng mối rối tung. May nhờ lòng người còn theo, mệnh trời còn đó. Thánh phụ hoàng thượng ta là dòng dõi nhà Vua, nối cơ đồ của tông tổ, khôi phục nghiệp lớn, trải hơn mười tám năm. Ngày 26 tháng 2 [10/3/1572], bị kẻ gian là bọn Cảnh Hấp, Đình Ngạn gièm pha, ly gián, đến nỗi xa giá phiêu giạt ra ngoài, thần dân trong nước không chỗ nương tựa. Ta là con thứ năm của hoàng phụ, đương tuổi thơ non nớt, nối nghiệp lớn khó khăn, chỉ sợ không cáng đáng nổi. Nhưng trên vâng mệnh trời yêu mến, dưới theo lòng người suy tôn, từ chối không được, nên vào ngày mồng một tháng Giêng năm nay, ta đã lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Thái năm thứ nhất, thực là nhờ được đại thần Tả tướng thái uý Trường quận công Trịnh Tùng và các quan văn võ đồng lòng giúp sức để dẹp yên xã tắc. Vậy ban chiếu mệnh 6 điều để các nơi gần xa được biết:
 
1. Người dân nào bị nạn binh lửa không còn tài sản gì đều được tha tạp dịch.
2. Dân nghèo xiêu giạt cho về quê cũ, và được tha thuế khoá, sai dịch.
3. Những người theo trộm cướp và những kẻ trốn tù, trốn tội nếu đến thú tội ở cửa quan thì được ân xá, tha tội.
4. Các nha môn trong ngoài nếu có người tù bị giam nào tội nhẹ thì thả cho ra.
5. Các quan văn võ người nào có công thì cho thăng tước một bậc.
6. Con cháu các quan viên, người nào bị oan khuất, kìm hãm, thì cho làm bản tâu lên, sẽ tùy theo tài năng mà bổ dụng. Các nha môn trong ngoài hãy kính theo đó mà thi hành.”

Bấy giờ, Trịnh Tùng sai bọn Nguyễn Hữu Liêu đem quân đến Nghệ An đón Vua Anh Tông, nhà Vua lánh ra ruộng mía. Bọn Hữu Liêu đến lạy mời:
 
 “Xin bệ hạ mau mau vào cung để cho tôi con trong nước được thỏa ý mong muốn. Chúng tôi chẳng ai dám có ý gì khác”.
 
Họ bèn đón nhà vua quay về. Tùng sai Bảng quận công Tống Đức Vị ngày đêm hầu ở bên nhà vua. Ngày 22 tháng Giêng [23/2/1573], đi đến Lôi Dương [huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa], Đức Vị ngầm bức bách giết chết nhà Vua, rồi giả vờ nói phao lên rằng nhà Vua tự thắt cổ chết.
 

TRẢ LỜI BÀI VIẾT CỦA DU TỬ LÊ VỀ NHÀ THƠ NGUYỄN TẤT NHIÊN - Nguyễn Thị Minh Thủy

Tác giả bài viết Nguyễn Thị Minh Thủy là vợ cũ của nhà thơ quá cố Nguyễn Tất Nhiên. Tựa bài do tòa soạn đặt.
 
Nguyễn Thị Minh Thúy
 
Cách đây không lâu, một người bạn có kể cho tôi nghe là nhà thơ Du Tử Lê đã tuyên bố ở đâu đó rằng bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên của tác giả “Thà Như Giọt Mưa” là do ông đặt ra cho người thi sĩ quá cố này. Tuy sự kiện này tôi chưa bao giờ được nghe chính anh Nguyễn Tất Nhiên kể lại trong suốt thời gian chung sống, tôi cũng không lấy gì làm bận lòng về tính khả tín của nó. Tôi nghĩ chẳng qua đây chỉ là một trong số những giai thoại văn chương nào đó mà ông Du Tử Lê, bậc thầy của chữ nghĩa, cha đẻ của nhiều thuật ngữ thi ca độc đáo như “tan theo ngày nắng vội,” “khi tôi chết hãy mang tôi ra biển,” “ở chỗ nhân gian không thể hiểu,” kể lại trong lúc trà dư tửu hậu để, hoặc lý thú hóa một mối duyên thi văn, hoặc phong phú hóa kho tàng đào tạo tên tuổi của ông, vân vân. Tính thật hư của sự kiện dù sao cũng chỉ trong vòng tương đối mà thôi, hơn nữa chấp làm gì một việc đặt tên trong quá khứ khi cuộc sống trước mặt có quá nhiều chuyện để đối phó và suy tư.

CHUYỆN TÌNH NGUYỄN TẤT NHIÊN VỚI MỐI DUYÊN CON GÁI BẮC - Tuy Hoà



“Chuyện tình khó quên” tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên sau 30 năm ông rời xa cõi tạm, giúp công chúng hiểu thêm số phận thi nhân. Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chỉ sống trên dương gian vỏn vẹn 40 năm.
 
Khoảng thời gian ngắn ngủi của một cuộc đời ấy, ông đã nếm trải không ít gian khó và ngậm ngùi. Thế nhưng, những tác phẩm ông để lại cho cộng đồng vẫn tiếp tục được nhiều thế hệ thụ hưởng và trân trọng.


“Chuyện tình khó quên”
về nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhắc lại những bài thơ được phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng như “Thà như giọt mưa”, “Cô Bắc kỳ nho nhỏ”, “Chỉ chừng đó thôi”, “Hai năm tình lận đận”, “Ngọn trúc đào”… Và phía sau mỗi bài thơ được chắp cánh giai điệu bay xa, là một cuộc tình nhiều mơ mộng nhưng không ít não nề của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên.
 

THUẬN THEO THỜI, BÀI VIẾT CỦA HOÀNG HẢI VÂN XUẤT HIỆN! - Tuấn Khanh


Nhà báo Hoàng Hải Vân

 
Chắc chắn là ông Hoàng Hải Vân phải lên tiếng. Chiếu theo mục đích và thời điểm tạo dư luận quen thuộc qua những bài viết của ông ta, đến lúc này thì có thể thấy ông Hoàng Hải Vân bắt buộc phải có một bài tấn công ông Thích Minh Tuệ.
 
Chiều dài cầm thẻ viết báo của ông Hoàng Hải Vân cho thấy ông luôn chọn đúng lúc để lên tiếng cho thế lực của mình, cho quyền lợi của mình hay phe cánh của mình, bất chấp việc lên tiếng có trơ trẽn hay đê tiện đi nữa.
 
Mới đây, ông Hoàng Hải Vân bóc ra vài ba chi tiết trên đường đi của ông Thích Minh Tuệ, và suy luận cạn rằng ông Thích Minh Tuệ chẳng có gì là khoan dung, tầm thường và sỉ vả một đám đông đang u mê với tên “đạo đức giả.”

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2024

TÌNH TỰ LÝ ĐẤT GIỒNG – Thơ Huỳnh Tâm Hoài, nhạc Phan Ni Tấn, ca sĩ Phúc Duy trình bày

    
          

GIÓ LEN LAU LÁCH CON ĐƯỜNG GIÓ - Thơ Trần Vấn Lệ


   

 
GIÓ LEN LAU LÁCH 
                  CON ĐƯỜNG GIÓ
 
Gió len lau lách, con đường gió,
ta, lách lau len, chẳng lối về!
Ta biết là ta - người mất nước,
sao còn giọng nói... rất nhà quê?
 
Con kiến không than cành cụt lỡ (*),
ta buồn chi vậy, gió bờ sông?
Cali sông cạn, sông không nước,
tháng Sáu mong hoài, mưa, cứ mong!
 
Trời nắng, nóng ran, hơn chín chục,
xe ngoài xa lộ chạy vu vu...
Đường đi không hỏi, không ai chỉ
... mà mở phone, lem hết bản đồ!
 
Ta ngó lau ngàn, len lách gió,
ta nhìn con sông, nắng rất vàng.
Nắng ngập cánh đồng xanh tưởng nước,
mà không!  Mà không!  Hoàng hôn tan!
 
Người ơi người ơi cho đi cùng
Ta muốn theo người đi mênh mông...
Cái thuở canh me buồn lắm lắm,
thêm thời trôi nổi, khác nhau không?
 
Lau lách len nhau chạm tiếng kèn
Nhiều con chim lạ hót thành quen
Khúc quân hành, ngộ!  Ngân từng đoạn,
có đoạn dài như trống ngũ liên!
 
Lau lách gió len, luồn, lách gió,
chập chùng, ta nhớ quá Trường Sơn...
xanh xao, ta nhớ con sông Cửu,
con mắt ai xanh, biếc, nỗi hờn!
 
Con kiến và ta, hai đứa khác,
ta cúi đầu, ta... kẻ bại binh!
Chỉ có em thương không mắng chửi
năm mươi năm rồi... em làm thinh!
 
                                   Trần Vấn Lệ
 
(*) ca dao:

Con kiến bò lên cành đào,
đụng phải cành cụt bò vào, bò ra...
Con kiến bò lên cành đa,
đụng phải cành cụt bò ra bò vào!

HẸN VỀ - Thơ Lê Văn Trung


  


HẸN VỀ
 
Hẹn về vun lại vồng hoa cũ
Chăm mấy giò lan mấy khóm hồng
Hoa ơi mở hết lòng nhung lụa
Gọi thức tình thâm chừng lãng quên
 
Chép tiếp bài thơ còn dang dở
Đã úa vàng trong nỗi đợi chờ
Chờ nắng đầu xuân mưa cuối hạ
Lòng hoài mơ tiếp những cơn mơ
 
Tiếng còi tàu hụ ngoài ga vắng
Như người về gọi giữa khuya sương
Những tưởng chưa quên lời ước hẹn
Năm mươi năm đốt đuốc soi đường
 
Hẹn về nhóm lửa đêm đông quạnh
Rót rượu vào thơ sưởi chút tình
Mai rồi xa hút phương trời lạ
Cũng ấm lòng nhau những nhớ quên.
 
                                   Lê Văn Trung
                                     10. 07. 24

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

XANH RÊU – Thơ Lê Kim Thượng


  

 
Xanh Rêu 1 - 2
 
1.
“Nhớ Quê”… nhớ nhất bóng hình
Cây Đa rợp bóng, mái Đình xanh rêu
“Nhớ Quê”… biết mấy mùa yêu
Cổng làng, giếng nước, cánh diều nghiêng chao…
Nắng sông óng ánh lụa đào
Ngàn dâu lá biếc, xanh xao góc trời
Bến sông, nước chảy bồi hồi
Sóng xô nhịp phách, ru hời thinh không
Sông quê nước chảy xuôi dòng
Chuồn chuồn rợp nắng, cánh đồng làng ta
Thoảng hương Cỏ Mật, Cỏ Gà
Trôi theo dòng nước, cánh hoa bềnh bồng…
Lúa về đòn gánh oằn cong
Tiếng kêu “kĩu… kịt”, tiếng đồng reo vang
Muộn chiều, cánh gió lang thang
Mùi hoa Sen nở, ao làng hương say
Tóc mây… dài lắm sợi mây
Em ngồi gội tóc cuối ngày tịch liêu
Mẹ về quảy gánh liêu xiêu
Đường xa, đồng vắng… đò chiều sang sông…
 
2.
Lũy tre “kẽo… kẹt” giữa đồng
Trưa hè nắng lửa, mắt trông xa vời
Nhớ quê mùa nắng dữ rồi
Mồ hôi nhỏ giọt, rơi rơi má đào
Mồ hôi mặn chát tuôn trào
Để câu Lục Bát ngọt ngào Nghĩa - Nhân
Nghĩa tình, Tình nghĩa phân vân
Đồng xanh chưa chín, ngại ngần lo âu
Nhớ quê miền nhớ thâm sâu
Lòng yêu còn tím hơn màu hoa Xoan…
Qua sông, nước mắt hai hàng
Có người viễn xứ quá giang… đi rồi
Dòng sông, nước chảy bồi hồi
Nhớ thương câu hát buông trôi dặm dài
Sông buồn, ai nhớ nhớ ai
Gió xuôi rét ngọt, u hoài nắng xiêu…
Bóng Quê… Bóng Mẹ xế chiều
Nhớ Quê, nhớ Mẹ, nhớ nhiều… Mẹ ơi!
Mẹ giờ vĩnh biệt… lên Trời
Cho con nỗi nhớ bời bời trong tim…
 
                 Nha Trang, tháng 7. 2024
                         Lê Kim Thượng 

PHÂN BIỆT CÁC MÓN ĂN "SỦI CẢO, HÁ CẢO VÀ HOÀNH THÁNH" CỦA NGƯỜI HOA - La Thụy sưu tầm và biên tập



Sủi cảo, há cảo và hoành thánh là những món ăn người Hoa khá phổ biến và được yêu thích ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người nhầm lẫn cho rằng chúng chỉ là một loại nhưng có nhiều tên gọi đó thôi. Thực sự, sủi cảo, há cảo và hoành thánh là những món ăn khác nhau có thể phân biệt được.
 
1/ SỦI CẢO
 
Theo Wikipedia:
Sủi cảo 水餃 có âm Hán-Việt là thủy giáo
Nghĩa đen: bánh bột nước, còn gọi là bánh tai hay bánh chẻo ("chẻo" bắt nguồn từ tiếng phổ thông Trung Quốc  jiǎozǐ 餃子" âm Hán Việt: giáo tử) là một loại bánh hấp của Trung Quốc phổ biến ở khu vực Đông Á. Đây là một trong những món ăn chính trong dịp Tết nguyên đán cũng như là món ăn quanh năm tại các tỉnh phía Bắc Trung Quốc. Được coi là một phần của ẩm thực Trung Hoa, sủi cảo còn phổ biến ở nhiều khu vực khác của Châu Á và các nước phương Tây.
Sủi cảo thường bao gồm thịt lợn xay hoặc rau băm nhuyễn làm nhân và cuốn trong một miếng bột bánh mỏng, sau đó được ép chặt lại bằng cách nhấn mạnh các góc bánh vào nhau hoặc xếp thành nếp.


Các loại SỦI CẢO
 
Sủi cảo được chia làm bốn loại khác nhau tùy thuộc vào cách nấu bánh:
- Sủi cảo luộc shuǐjiǎo 水餃 (âm Hán Việt thủy giáo).
- Sủi cảo hấp zhēngjiǎo 蒸餃 (âm Hán Việt: chưng giáo).
- Sủi cảo chiên trong nồi (tiếng Trung: 鍋貼; bính âm: guōtiē; âm Hán Việt oa thiếp, hay còn được gọi là sủi cảo chiên khô (tiếng Trung: 煎餃; bính âm: jiānjiǎo).
- Sủi cảo sử dụng trứng thay cho bột để bọc bánh được gọi là "Sủi cảo trứng".

Một đĩa sủi cảo luộc và nước xốt.

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

LA SÁT PHU NHÂN – Truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly



Thôn Lạc An có một thanh niên họ Nhậm từ Lac Dương đến. Tên thật của Nhậm là gì cả người lân cận cũng không nhớ, họ thấy Nhậm uống rượu tối ngày nên cùng gọi là Tửu Lang! Dù là đệ tử lưu linh, nhưng Nhậm luôn ứng xử phải phép nên được lòng mọi người. Tánh tình lại phóng khoáng, lòng ngay như trúc, thêm có văn tài, chữ viết đẹp như hoa bướm, nên dù mái dột cột xiêu mà bằng hữu sáng chiều đẩy nhà chật ngõ.

BÀI CA CỦA NGƯỜI DU TỬ - Truyện ngắn của Đoàn Dự

Thuỳ ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy
 
Nào ai dám nói một tấc lòng của cỏ
Có thể báo đáp được ánh dương của ba tháng xuân
                                                      (Thơ Mạnh Giao)


Tôi đậu Cử nhân Luật năm 1971, ít lâu sau thì xin được vào tập sự tại văn phòng của một vị luật sư nổi tiếng, bạn thân với bố vợ tôi. Làm luật sư tập sự thì nhàn, đồng lương tương đối cũng khá. Hàng tuần, đi làm về tôi thường tới Trung tâm văn hóa Nhật ở đường Phan Đình Phùng học thêm tiếng Nhật. Học cho biết vậy thôi, nghề luật sư không đòi hỏi phải biết tiếng Nhật.
 
Sau ba năm tập sự, tôi thi đậu và được Luật sư đoàn công nhận là luật sư chính thức, được phép treo bảng đồng, lập văn phòng riêng.
Chưa đầy một năm sau thì "giải phóng", tôi thôi không làm luật sư nữa mà cũng thôi không đi học tiếng Nhật, bởi vì các trung tâm ngoại ngữ đã đóng cửa. Tôi ở nhà trông nom con cái cho vợ tôi đi dạy, thỉnh thoảng cũng kiếm ăn được chút đỉnh do liên lạc với các trung tâm dịch vụ pháp lý. Người ta đưa các đơn từ, giấy má tiếng Nhật hoặc tiếng Anh đến cho chúng tôi dịch. Tiền bạc trung tâm trả rất sòng phẳng nhưng chẳng được bao nhiêu vì cũng có ít người thuê dịch.
 

CA SĨ THÁI THANH, NGỌN HẢI ĐĂNG ĐÃ TẮT - Khánh Ly


Hình ảnh Khánh Ly và chị Lệ Thu chụp cùng bà Thái Thanh tại Sài Gòn 1969

Đến thăm bà, tôi cứ im lặng ngồi. Chuyện của tôi cả Sài Gòn đã biết. Bà đưa cho tôi một gói tâm sen bảo uống đi, uống cái này có thể ngủ được, đừng dùng thuốc ngủ nữa. Tôi chảy nước mắt nghe ra niềm thương cảm bà dành cho tôi.
 
Thật chẳng bao giờ bà kêu bọn chúng tôi lại nhà một chốn rất riêng của bà không phải ai muốn đến cũng được. Bà thương tôi! Năm 1969, tôi làm cái phòng trà QueenBee. Bà đóng đô Đêm Màu Hồng để bắt đầu cuộc đời làm bầu mà tôi không biết không có chút kinh nghiệm nào. Tôi rất trân trọng mời bà về làm điểm chính của chương trình, bà là chính chứ không phải là tôi hay ai khác.

BÙI GIÁNG “NGƯỜI VIẾT SÁCH VỚI TỐC ĐỘ KINH HỒN” - Lê Hồng Thiện

Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998), quê Quảng Nam. Suốt hơn bốn thập kỷ sống cuộc đời giang hồ, chân đất túi vải, rong chơi mọi nẻo phố đường quê, nghêu ngao ca hát, làm thơ, vẽ tranh, ứng xử với đời như một thiên tài và cả như một... kẻ khùng!


Có lần, Bùi Giáng tự họa chân dung mình, qua mấy nét:
 
"Nhe răng cười trong bóng tối
Không bao giờ bắt chuồn chuồn, mà cứ bảo rằng mình luôn bắt chuồn chuồn
Không thiết chi đọc sách, mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài..."
 
Ông được mệnh danh là "Người viết sách với tốc độ kinh hồn" và suốt đời cặm cụi đọc sách hoài. Đúng thế, đời Bùi Giáng đã lắm phen bị sách vở "thôi miên". Nghe kể lại, vào thời trên đường Đặng Thị Nhu còn có một chợ sách cũ, ông hay lang thang ở đó, xem sách và uống cà phê.
 

MÀY VỚI TAO UỐNG BIA – Trần Vấn Lệ



Sau cái ngày Hạ Chí, Cali là... Mùa Hè!  Triệu người đi chưa về / thấy lại trời Cố Quận!
 
Nóng là bởi vì nắng.  Tháng Sáu trời không mưa.  Những ánh mắt dại khờ... nhìn nhau thương nhau quá!
 
Nắng làm mềm cả lá.  Nắng tơi tả cả hoa.  Nắng đứa bé khóc òa, mẹ cha ôm con dỗ...
 
Mừng:  thuyền có bến đỗ.  Buồn vì phận Tha Hương!  Nín đi con đi con!  Người Mỹ nghe... ngơ ngác!
 
Triệu triệu người đi lạc... thà vậy, vẫn yên tâm:  chi cũng có chỗ nằm, một biển, hai bình đất!
 
Nắng... mà run bần bật!
Bạn ơi, bài thơ này...
 
*
Bốn chín năm, ô hay!  Nửa Thế Kỷ rồi nhỉ?  Người ở Pháp, ở Mỹ... mùa Hè, nóng giống nhau.
 
Chỉ ai ở Úc Châu, tháng Sáu:  mùa lạnh buốt!  Ở đâu chân cũng bước, ở đâu lòng cũng tê!
 
Bạn rót hết chai bia vào ly hai đứa uống.  Ngày ở Mỹ tắt muộn... khi nó gần nửa đêm!
 
Tôi hỏi bạn:  "Uống thêm?".  Bạn cười:  "Không ai cấm".  Màu bia vẫn đen sẫm.  Tóc bạn trắng như mây...
 
"Ly khách! Ly khách!  Con đường nhỏ!  Chí lớn không về bàn tay không!" (*) Đừng nghe mà nhói lòng!  Đừng nghe mà trách móc...
 
Danh Dự - Trách Nhiệm - Tổ Quốc.  Uống bia hay uống nhục?  Mày với tao hai thằng... Sĩ Quan!
 
                                                                                  Trần Vấn Lệ
 
(*) Thơ Thâm Tâm, bài Tống Biệt Hành.