BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2022

NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ: “PHỤ NỮ 婦女” – Đỗ Chiêu Đức




Chữ NỮ theo "CHỮ NHO...DỄ HỌC" là một trong 214 bộ của hệ thống chữ Nho, được hình thành theo lối Tượng Hình 象形 trong Lục Thư 六書 là sáu cách hình thành chữ viết, có diễn tiến như sau:
 
                     
Giáp Cốt Văn   Kim Văn      Đại Triện        Tiểu Triện        Lệ Thư
  
Ta thấy:
             
                    
        
Giáp Cốt Văn 甲骨文 (là văn tự khắc trên xương trên sừng và trên mai rùa...) và Kim Văn 金文 (là văn tự được khắc trên kim loại, còn gọi là Chung Đỉnh Văn 鍾鼎文) là hình tượng ẻo lả của một cô gái đang qùy gối hai tay vòng về phía trước như đang hầu hạ hay phục thị cho ai vậy; Điều nầy cho ta xác định lại thời gian hình thành chữ viết là sau thời kỳ của Chế Độ Mẫu Hệ. Đến Đại Triện 大篆 và Tiểu Triện 小篆 thì các nét được lược giản và kéo thẳng ra thành chữ viết, và đến Lệ Thư đời Tần (221-206 trước Công Nguyên) thì nét chữ đã thành hình giống như là chữ viết hiện nay. NỮ là Phái Nữ, là Con Gái; trái ngược với NAM là Phái Nam, là Con Trai.
     
Ban đầu, NỮ chỉ có nghĩa là con gái, sau dùng rộng ra mới chỉ chung cho phái nữ; và để phân biệt các cô gái đã lớn, đã kết hôn, ta còn có chữ PHỤ là Đàn Bà, theo diễn tiến của chữ viết như sau:

 
Giáp Cốt Văn    Kim Văn        Đại Triện        Tiểu Triện        Lệ Thư
                
Ta thấy:           
          
Giáp Cốt Văn là hình tượng của cô gái bên phải, bên trái là hình tượng của một cây chổi được bó bằng các nhánh cây với cán cầm và đầu chổi xù ra được vẽ tượng trưng bằng ba nét chéo về phía trên; đến Đại Triện và Tiểu Triện thì vị trí của cây chổi được đổi từ trái sang phải cho chữ ghép được ăn khớp với nhau hơn, và đến Lệ Thư thì đã như là chữ viết của hiện nay. Chữ PHỤ được ghép theo cách thứ 3 của Lục Thư với nghĩa Hội Ý như sau:
     
PHỤ do bộ NỮ ở bên trái ghép với chữ TRỬU ở bên phải với nghĩa Hội Ý là : Khi cô con gái đã có trách nhiệm phải cầm cây chổi để quét dọn nhà cửa thì đã là chủ của một gia đình rồi, đã kết hôn rồi. Nên nghĩa đầu tiên của chữ PHỤ là VỢ, chỉ các cô gái đã có chồng; nghĩa rộng là dùng để chỉ các bà lớn tuổi; nên ta có từ PHỤ NHÂN 婦人 là Đàn Bà, và một từ ghép mà ta thường sử dụng hằng ngày là:
    
PHỤ NỮ 婦女 để chỉ chung "Đàn bà Con gái" gồm tất cả phái nữ: Còn trẻ hay đã già; Kết hôn hay chưa kết hôn; Xấu hay đẹp gì... tất cả đều là PHỤ NỮ !
    
Trong cuộc sống thường ngày ta có rất nhiều từ ghép với chữ NỮ và chữ PHỤ nầy, dưới đây chỉ là những từ tiêu biểu mà ta thường gặp phải và thường sử dụng:
   
 - NỮ NHI 女兒 hay NỮ TỬ 女子 là Con GÁI nói chung, để phân biệt với NAM NHI 男兒 hay NAM TỬ 男子 là Con TRAI. 
- NỮ LƯU 女流 : là từ chỉ chung Giới Nữ, Phái nữ. Ta thường gọi là Giới Nữ Lưu.   
- NỮ LANG 女郎 : Từ chỉ các cô gái trẻ, tương đương như từ THIẾU NỮ 少女. Đây là từ xuất phát từ tư tưởng "Trọng nam khinh nữ"; vì LANG là Chàng, gọi Nữ Lang để tôn vinh cô gái được xem ngang hàng như một chàng trai. Tương tự, ta còn có từ:   
- NỮ SĨ 女士 : là người con gái có tài giỏi về bộ môn nào đó được đánh giá ngang hàng với nam nhân như : Nữ Thi sĩ, Nữ Văn Sĩ, Nữ Họa Sĩ...  
- NỮ CÔNG TỬ 女公子 : Từ dùng để gọi "Con gái của người khác" một cách tôn vinh và lịch sự. Như thấy ba bốn cô gái trong nhà bạn, ta muốn biết "Đứa nào là con gái của bạn", thì sẽ hỏi một cách trịnh trọng rằng:"Xin cho biết vị nào là NỮ CÔNG TỬ ?". Tương tự...   
- NỮ ANH HÙNG 女英雄 : ANH với bộ Thảo ở phía trên tượng trưng cho hình cây cỏ mới mọc vươn lên một cách mạnh mẽ, nên ANH có nghĩa là phần tinh hoa, phần tốt nhất của sự vật; là HOA của cây cỏ, là thành phần vượt trội hơn cả; HÙNG là Giống đực, là con trống, là Đàn ông con trai. Nên ANH HÙNG 英雄 là người đàn ông vượt trội hơn các người đàn ông khác về phẩm chất cũng như về thể lực, tài năng. Tương tự, ta có THƯ là Giống cái, là con mái, là Đàn bà con gái. Nên ANH THƯ 英雌 cũng có nghĩa là người phụ nữ vượt trôi hơn các phụ nữ khác, là người phụ nữ phi thường có tài giỏi; Nhưng trong xã hội phong kiến "trọng Nam khinh Nữ" giới nữ thích được goi là NỮ ANH HÙNG hơn là ANH THƯ, vì lòng tự ái muốn nâng địa vị xã hội của mình lên ngang hàng với giới mày râu tu mi nam tử ! Trong lịch sử nhân loại từ Âu sang Á xưa nay cũng có rất nhiều NỮ TƯỚNG, NỮ VƯƠNG, NỮ HOÀNG... và nhan nhản trong thế giới ngày nay cũng đã có rất nhiều NỮ CHÍNH TRỊ GIA, NỮ DÂN BIỂU, NỮ THỦ TƯỚNG, NỮ TỔNG THỐNG... Nhưng dù cho có là nguyên thủ quốc gia, trong gia đình các bà vẫn phải chú trọng đến...   
- NỮ CÔNG 女功 : Đứng đầu trong bốn tiêu chuẩn để đánh giá về người Phụ Nữ ngày xưa là CÔNG DUNG NGÔN HẠNH 功容言行. Nữ Công còn được gọi là Nữ Hồng ; chỉ các việc làm khéo tay để tô điểm thêm cho cuộc sống trong gia đình của phụ nữ, như : Dệt vải, Thêu thùa , may vá, nấu nướng... Ta gọi chung là NỮ CÔNG GIA CHÁNH 女功家政.
 
   
Sau cùng, xin được đề cập đến một từ NỮ đứng đầu, nhưng lại là một nam nhi, đó chính là...
   
- NỮ TẾ 女婿 : là Chồng của con gái, là chàng Rể. Nhắc đến Nữ Tế lại nhớ đến câu đối của cụ Phan Bội Châu làm năm 1900 cho một người có cha vợ vừa mất đến xin cụ làm cho đôi câu đối để điếu tang. Cụ đã căn cứ vào câu "Nhất nam viết hữu, Thập nữ viết vô  一男曰有,十女曰無" (Có một đứa con trai thì bảo là có một con, còn có mười đứa con gái thì bảo là không có đứa con nào cả !) và câu "Tế vân bán tử 婿云半子" (Chàng rể thì được kể là nửa đứa con) mà làm đôi câu đối rất hay như sau:
                                            
無, 惜;          
Nữ tắc viết vô, thiên lý khởi ưng vô thống tích;                   
婿 半,           
Tế tuy vân bán, nhân tình thùy khả bán ai tư ?
 
Có nghĩa:
            
Con gái thì bảo là không, lẽ trời sao nở không thương tiếc;    
Chàng rể tuy cho là nửa, tình người ai lại nửa buồn thương ?
      
Câu đối hay ở chỗ đã dùng chính "giáo điều" của Nho Giáo rồi căn cứ vào đời sống thưc tế và tình cảm vốn có của con người để phản bác lại một cách rất nhân bản, rất tài tình ! Cha xem con gái như không có, nhưng theo lý trời khi cha chết con gái đâu thể không thương tiếc được sao; Chàng rể tuy ví như chỉ có nửa đứa con, nhưng tình cảm con người, ai mà có thể chỉ buồn thương có phân nửa cho được ?!
           
Ngoài ra, chữ NỮ còn được ghép với một Hình Dung từ đứng trước để chỉ tính cách, phẩm hạnh hay bản chất của chữ NỮ đứng sau như :
   
    - TÀI NỮ 才女 : là Người con gái tài hoa.
    - CA NỮ 歌女 : là Người con gái sống bằng nghề ca hát; bây giờ là Nữ Ca Sĩ.
    - KỸ NỮ 妓女 : là những cô gái lầu xanh trẻ đẹp giỏi ca múa ngày xưa; Ngày nay từ Kỹ Nữ dùng để chỉ các cô gái điếm.
    - THƯƠNG NỮ 商女 : là người con gái buôn hương bán phấn; nên THƯƠNG NỮ đồng nghĩa với CA NỮ và KỸ NỮ của ngày xưa. Ta hãy đọc lại bài thất ngôn tứ tuyệt Bạc Tần Hoài 泊秦淮 (Ghé bến Tần Hoài) của Đỗ Mục đời Đường sẽ rõ:
              
煙籠寒水月籠沙,   Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa,            
夜泊秦淮近酒家。   Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.             
商女不知亡國恨,   THƯƠNG NỮ bất tri vong quốc hận,
隔江猶唱後庭花。   Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.
 
Có nghĩa:
                
Khói mờ nước lạnh cát trăng nhòa,                
Đêm ghé Tần Hoài cạnh tửu gia.               
THƯƠNG NỮ biết đâu hờn mất nước,                
Cách sông còn hát Hậu Đình Hoa !
 

   - TỐ NỮ 素女 : Chữ TỐ gồm có 2 bộ ghép lại mà thành; phần trên bộ Sanh là Sống, phần dưới bộ Mịch là sợi tơ; Nên TỐ có nghĩa là "Sợi tơ sống", Sợi tơ còn chưa được nhuộm màu nên trắng nõn. Vì thế, TỐ có nghĩa là Màu trắng, là nguyên chất, là Thuần khiết... Ta có các từ như : TỐ THỦ 素手 là bàn tay trắng nõn, TỐ TÂM 素心 là một tấm lòng trong trắng, NGUYÊN TỐ 原素 là chất thuần khiết không có pha lộn tạp chất, TỐ THỰC 素食 là Ăn chay... và TỐ NỮ là cô gái còn trong trắng cả thể xác lẫn tâm hồn; khác với...

  - TRINH NỮ 貞女 : là cô gái còn trinh trắng về thể xác; xem trọng về thể chất hơn tinh thần, như Thúy Kiều đã phân bua với Kim Trọng:
                     
Chữ TRINH còn một chút này,                    
Chẳng cầm cho vững lại vầy cho tan !
 
  - THỤC NỮ 淑女 : Chữ THỤC có 3 chấm Thủy bên trái làm Ý, chữ Thúc bên phải làm Âm; nên THỤC có nghĩa là làn nước trong veo hiền hòa. THỤC NỮ là cô gái trong trắng hiền hòa lương thiện (đẹp hay không "tùy người đối diện"). Trong Kinh Thi hay nhắc đến câu : Yểu điệu THỤC NỮ để chỉ người con gái vừa hiền lành nết na, đẹp người đẹp nết như các câu trong Thiên "Chu Nam. Quan Thư 周南. 關雎 " sau đây:
  
Bài 1:
         
參差荇菜,左右流之。Sâm si hạnh thái, Tả hữu lưu chi.        
窈窕淑女,寤寐求之。Yểu điệu THỤC NỮ, Ngụ mị cầu chi. 
求之不得,寤寐思服。Cầu chi bất đắc, ngụ mị tư phục.        
悠哉悠哉,輾轉反側。Du tai du tai, Triển chuyển phản trắc.                  
Có nghĩa:
         
So le rau Hạnh, phải trái xuôi dòng.        
Yểu điệu thục nữ, đêm nhớ ngày mong.        
Cầu mà chẳng được, thức ngủ nhớ mong.         
Dài thay dài thay, trăn trở mấy vòng!
 

Lục bát :
                    
Kìa xem rau hạnh so le,             
Theo nước trong xè phải trái chảy đi.                   
Cô em yểu điệu nhu mì,            
Ngày mong đêm nhớ kể gì thời gian.                 
Cầu mà chưa được chẳng an,            
Thức ngủ mơ màng đêm nhớ ngày mong.                  
Dài ghê đêm tối mông lung,             
Nằm mãi trong mùng trăn trở trở trăn!
  
Bài 2.
                   
參差荇菜,     Sâm si hạnh thái,                   
左右芼之。     Tả hữu mạo chi.                  
窈窕淑女,     Yểu điệu thục nữ,                   
鐘鼓樂之。     Chung cổ lạc chi!
     
Lục bát:
                       
So le rau hạnh trong ao,                  
Hai tay bẻ lấy ấp vào lòng ta.                      
Yêu kiều thục nữ như hoa,                 
Trống chuông lễ nhạc giao hòa sánh đôi.
      
Ngoài từ THỤC NỮ để chỉ các cô gái nết na đẹp đẽ ra, ta còn có các từ như : Mỹ Nữ, Lệ Nữ, Kiều Nữ, Diễm Nữ...mỗi người một vẻ đều là các cô gái đẹp cả !

    - LIỆT NỮ 烈女 : là người con gái mạnh mẽ, cứng cỏi, có thể hy sinh vì tiết nghĩa mà không chịu nhục.
    - NGHĨA NỮ 義女 : là Con gái kết nghĩa mà có, là Con Gái Nuôi.
    - XUÂN NỮ 春女 : là các cô gái đang xuân; trong một ngữ cảnh nào đó XUÂN NỮ còn là những cô gái hoài xuân, những cô gái đang tìm kiếm tình yêu, đang khao khát yêu đương... và còn... rất nhiều rất nhiều từ... NỮ nữa mà phạm vi bài viết không thể đề cập hết được. Bây giờ thì ta trở lại với từ PHỤ nhé !
       
Ngoài PHỤ NỮ 婦女 và PHỤ NHÂN 婦人 để chỉ đàn bà con gái ra, PHỤ còn có nghĩa là VỢ trong các từ như:

   - PHU PHỤ 夫婦 : là Chồng vợ, là Vợ chồng. Nhớ hồi còn nhỏ ở trong vườn hay nghe má tôi hát ru em bằng câu:
                               
Sông dài cá lội biệt tăm,                 
Phải duyên PHU PHỤ ngàn năm em cũng chờ.                             
Lòng dạ anh có nghi ngờ,                     
Mực đen giấy trắng làm tờ cam đoan.                            
Thùng thùng trống đổ vừa tan,                       
Vắng anh một bữa ruột gan rã rời !
 

    - PHỤ ĐẠO 婦道 : là cái đạo làm vợ, tức là cái bổn phận và cái trách nhiệm phải chu toàn của một người làm vợ.
    - HIỀN PHỤ 賢婦 : là Vợ hiền, vợ giỏi giang. Trái với...
    - ÁC PHỤ 惡婦 : là Vợ dữ, vợ hung ác, Đàn bà hung dữ.
    - DÂM PHỤ 淫婦 : là Vợ dâm, là Đàn bà dâm dật, dâm đãng. Có chồng mà còn lăng nhăng, có vợ mà còn dụ dỗ vợ người khác thì gọi GIAN PHU DÂM PHỤ 奸夫淫婦.
    - PHU XƯỚNG PHỤ TÙY 夫唱婦隨 : là Chồng hát thì vợ họa theo; chỉ cảnh vợ chồng thương yêu hòa thuận hạnh phúc cùng nhau.
     
Ngoài ra ta còn gặp các từ có liên quan đến đàn bà phụ nữ như:

    - THIẾU PHỤ 少婦 : Đàn bà trẻ, có chồng nhưng còn son sắt.
    - LÃO PHỤ 老婦 : là người đàn bà già, còn gọi là LÃO PHỤ NHÂN 老婦人.
    - QUẢ PHỤ 寡婦 hay SƯƠNG PHỤ 孀婦 : Đàn bà goá, đàn bà chồng chết hay ở vậy có một mình. Trong bài "Tiền Xích Bích Phú" của Tô Đông Pha còn gọi là LY PHỤ 嫠婦 khi tả tiếng tiêu thổi lên trong đêm trăng trên dòng sông Xích Bích :
                 
舞幽壑之潛蛟,  Vũ u hác chi tiềm giao,                    
泣孤舟之嫠婦。  Khấp cô chu chi LY PHỤ!
 
Có nghĩa:
        
Như... Con giao long quẫy múa dưới vực sâu, và...                 
Tỉ tê như tiếng người LY PHỤ khóc chồng trên chiếc thuyền côi đơn lẻ...
 
 
Khác với...

    - CÔ PHỤ 孤婦 : là người đàn bà cô độc có một mình, như câu:
            
Người CÔ PHỤ trông chồng nơi biên ải;           
Người chinh nhân chích bóng nhớ vợ hiền cô lẽ ở quê xa !...
 
    - MỆNH PHỤ 命婦 : là người đàn bà có tước hiệu và bổng lộc được vua sắc phong đàng hoàng, nên sau từ Mệnh Phụ còn có hai chữ Phu Nhân nữa, thành : MỆNH PHỤ PHU NHÂN 命婦夫人. Ngày nay nhóm từ MỆNH PHỤ PHU NHÂN thường dùng để chỉ các bà vợ của các quan chức từ cấp Quận trưởng, Tỉnh trưởng trở lên cho đến hàng Thứ trưởng, Bộ trưởng...
    - TỨC PHỤ 媳婦 : là Con dâu, là vợ của con trai.
    - ĐỆ PHỤ 弟婦 : là em dâu, là vợ của em trai.
    - TRINH PHỤ 貞婦 : là đàn bà trung trinh tiết liệt. Còn...
    - TIẾT PHỤ 節婦 : là đàn bà giữ gìn danh tiết và xem trọng tiết tháo của phụ nữ, như chồng chết thì sẽ ở vậy thờ chồng, không bước thêm bước nào nữa cả, hay như đã có chồng thì sẽ một lòng một dạ theo chồng mà sẽ không còn dan díu với ai khác nữa, cho dù đó là người yêu cũ. Mời đọc bài thơ "Tiết Phụ Ngâm 節婦吟" nổi tiếng của Trương Tịch 張籍 sau đây:
              
君知妾有夫,        Quân tri thiếp hữu phu,               
贈妾雙明珠。        Tặng thiếp song minh châu.               
感君纏綿意,        Cảm quân triền miên ý,              
繫在紅羅襦        Hệ tại hồng la nhu
              
妾家高樓連苑起,    Thiếp gia cao lầu liên uyển khởi,              
良人執戟明光裡。    Lương nhân chấp kích minh quang lý.       
知君用心如日月,    Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt,  
事夫誓擬同生死。    Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử.               
還君明珠雙淚垂,    Hoàn quân minh châu song lệ thùy,    
恨不相逢未嫁時!    Hận bất tương phùng vị giá thì.
 
     
Bài thơ nầy đã được cụ Ngô Tất Tố diễn Nôm rất hay như sau:
                
Chàng hay em có chồng rồi,                 
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.                 
Vấn vương những mối cảm tình,                 
Em đeo trong áo lót mình màu sen.                
Nhà em vườn ngự kề bên,                
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.                
Như gương, vâng biết lòng chàng,                 
Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.                 
Trả ngọc chàng, lệ như mưa,                
Hận không gặp gỡ khi chưa có chồng.                                                       
                                Ngô Tất Tố diễn Nôm
 
                

Song thất lục bát:
                           
TIẾT PHỤ NGÂM
                 
Chàng biết thiếp lấy chồng từ thuở...                 
Tặng minh châu để tỏ tấm tình...                 
Lòng yêu quyến luyến rành rành,                
 Đeo vào yếm thắm cho đành lòng nhau !
                                   
Nhà em sát cao cao ngự uyển...                 
Đền Minh Quang chồng tuyển trông coi.                
Tình chàng nhựt nguyệt sáng soi,                
Thờ chồng thiếp nguyện suốt đời có nhau !                
Trả ngọc chàng lệ chảy mau...                
Hận không gặp gỡ lúc màu còn son !!!                                                 
                        Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm                  
       
Hơn một ngàn ba trăm năm trước, đời nhà Đường mà có được tư tưởng phóng khoáng, nhân bản và tình cảm chân thật của tình người, dám nói lên tiếng nói của con tim như nàng TIẾT PHỤ trên đây, thật qúy hóa lắm thay !...      
Những từ ngữ về Phụ Nữ còn rất nhiều rất nhiều, kể không xiết kể!...       
Hẹn bài viết tới !
 
                                                                                         杜紹德
                                                                                    Đỗ Chiêu Đức

2 nhận xét:

Vũ Nho Ninh Bình nói...

Cám ơn chủ trang đã giới thiệu!
Cám ơn tác giả ĐỖ CHIÊU ĐỨC!
Xin phép chép về trang cá nhân cho nhiều người cùng đọc!

Bâng Khuâng nói...

Rất vui khi giáo sư Vũ Nho ghé thăm. Bác cứ tự nhiên chia sẻ nhé!