Quang
Dũng thời Tây Tiến
Trong
tác phẩm “Đi vào cõi thơ”, Bùi Giáng đã viết về các nhà thơ, nhà văn: Tuệ Sỹ, Nguyễn
Du, Nguyễn Trải, Chu Mạnh Trinh, Trần Trọng Kim, Huy Cận, Xuân Diệu, Hồ Xuân Hương,
Rimbeaud, Apollinaire, Chế Lan Viên,
Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Nhượng Tống, Nhất Hạnh, Trí Hải, Nguyễn Thị Hoàng,
Hoài Khanh, Kiên Giang,Quang Dũng .v.v...
Các
bài bình thơ các tác giả nêu trên được Bùi Giáng viết như tùy bút văn học. Đọc những tùy bút này, ta nhìn thấy tâm hồn ông mênh mang ảo diệu,
thăm thẳm như bầu trời. Ông cảm nhận được những điều tinh vi huyền bí nhất của
thi ca. Ông đúng là tri âm của các thi văn sĩ.
Chúng
tôi xin giới thiệu bài viết của Bùi Giáng về Quang Dũng.
“KẺ
Ở” là môt bài thơ độc đáo được giới yêu thơ ở miền Nam trước 1975 chép tay và
chuyền nhau đọc. Đặc biệt “KẺ Ở” được thi sĩ BÙI GIÁNG viết lời bình và nhạc sĩ
CUNG TIẾN phổ nhạc. Do hoàn cảnh chiến tranh, thiếu tư liệu văn học để tham khảo
nên thi sĩ BÙI GIÁNG và nhạc sĩ CUNG TIẾN cũng như rất nhiều người cho rằng tác
giả bài thơ “KẺ Ở” là QUANG DŨNG. Thực ra, bài thơ đó chính là bài “DẶM VỀ” của
nhà thơ NGUYỄN ĐÌNH TIÊN. Dù có chút nhầm lẫn về tác giả bài thơ, nhưng thi sĩ
BÙI GIÁNG đã rất tài hoa khi bình thơ - Một cách bình thơ đặc dị “rất Bùi Giáng’.
Xin mời đọc!
BÙI GIÁNG BÌNH THƠ: “KẺ Ở”
Mai
chị về em gửi gì không
Mai
chị về nhớ má em hồng
Chỉ hai câu đầu đã khiến người tê lạnh. Không có gì cả,
không lời nào tha thiết, nhưng đúng như ông Huy Trân nói: “Thơ Quang Dũng ý đã nhiệt thành, cao đẹp, mà lời thơ lại êm ái gợi cảm
vô cùng. Nói về thơ nhẹ nhàng, êm dịu, mà đọc tới đâu lâng lâng chết cả lòng đến
đấy, thì thi ca hiện đại chỉ có Quang Dũng.”
Thi ca hiện đại hay thi ca ngàn đời, thi ca Việt Nam
hay thi ca thế giới – vâng – cũng chỉ riêng một Quang Dũng thôi.
Mai
chị về em gửi gì không
Mai
chị về nhớ má em hồng
Đường
đi không gió lòng sao lạnh
Bụi
vướng ngang đầu mong nhớ mong
Đó là chỗ sơn cùng thủy tận của ngôn ngữ. Ngôn ngữ thần
tiên hiển hiện tinh thể một cách không thấy hình hài máu me đâu cả. Người ta đã
bao đời đi tìm cõi huyền nhiệm của ngôn ngữ thơ. Mỗi phen trở về, mỗi phen như
bó tay lắc đầu, tuyệt nhiên không biết ăn nói ra sao cả. Đành chỉ nói quanh co.
Và biết bao thy sỹ hoằng viễn đã nghĩ rằng, nguyệt rằng, mình sẽ suốt đời không
làm một vần thơ nào cả - một phen để hội cái chỗ dị thường trống trải vắng vẻ
trong lời man mác thiên tiên kia.
Lại có những nhà tư tưởng như Heidegger, viết bao pho
sách lịch kịch nêu bao câu chất vấn u ẩn, đáo cùng vẫn chỉ nhằm mục đích nhiếp
dẫn tư tưởng tới chỗ mép bờ bất khả tư nghị của thi ca.
Nerval sau những lần thành tựu cõi miền ngôn ngữ đó,
ông bèn lao mình vào cõi ẩn mật vô ngần của một nguồn siêu thực không tiếng
không lời Les Chimères.
Apollineire, sau phút dị thường bước lên tột đỉnh đạm
nhiên kia, lập thời nhảy lùi làm thơ theo thể thái bông lông tầm phào, bất sá
lam hồng tố bạch.
Mai
chị về em gửi gì không?
Câu hỏi cũng lững lờ như lời đáp cũng lửng lơ. Hỏi mà
cũng không hỏi, không nói, không ngó, không nhìn nhau …Và chỉ sau khi lên ngựa,
chia bào, con người mới để lòng mình bay tỏa khắp đường đi.
Đường
đi không gió lòng sao lạnh
Bụi
vướng ngang đầu mong nhớ mong
Tâm sự của người đi, nhưng nhan đề là kẻ ở. Kẻ ở hay
người đi cũng một tâm tình ly biệt. Đi giữa không gian, thì cũng như đứng ở
trên dâu biển. Lòng sao lạnh? Vì lòng mang chứa tất cả khoảng vắng lạnh? Vì
lòng mang chứa tất cả khoảng vắng lạnh không gian… Và tiếng “mong nhớ mong” kia cũng chỉ vọng vào được
trong không gian xa hút mà thôi.
Nghĩa là vọng trở lại vào lòng mình. Từ lòng mình toả
vào lòng vũ trụ. Lại từ lòng vũ trụ dội lại lòng mình. Đó là cái vòng kỳ ảo của
mong nhớ mong. Và mong nhớ mong mênh mông như thế, thì mong nhớ mong là cõi của
từ bi tế độ vậy.
Quê
chị về xa tít dặm xa
Vì đó là một quê hương nào riêng biệt nằm tại một bến
bờ bỉ ngạn nào vô tức vô thanh, vô biên vô tế.
Quê
chị về xa tít dặm xa
Rừng
thu chiều xao xác canh gà
Hoa
rơi khắp lối sương muôn ngả
Ngựa
lạc cành hoang qua lướt qua
Ngựa lạc? Dẫu ngựa không lạc đường vẫn cứ là lạc nẻo.
Nghĩa là: ở trong cõi hư không bao la như thế, thì đâu cũng là lênh đênh, nhưng
lênh đênh theo nghĩa vô ngần: trụ vô sở trụ.
Người ngồi trên ngựa cũng lạc ngựa luôn. Hươu trong rừng
cùng một cảnh ngộ lạc loài như nhau, lại tam trùng lạc lõng nhau, vì bất ngờ sợ
hãi nhau, quay đầu bỏ chạy. Lời thơ lại thêm một chút niêm hoa vi tiếu “theo ngó theo”.
Ngựa
chị dừng bên thác trong veo
Nếu thác đục lầy cho một chút, ắt có phần gần gũi bụi
hồng hơn. Nhưng tại sao thác lại trong veo cắc cớ ra như thế? Thì trần gian còn
biết đem tâm sự hồng trần ký thác vào đâu? Đó là chỗ đạm nhiên huyền bí lô hỏa
thuần thanh vậy. Nó đốt cháy linh hồn bằng một tiếng trong veo. Nhưng đốt cháy
mà đâu có bỏng da bỏng thịt. Nó cháy để thăng hoa cho linh hồn về ba la mật,
sau một phút linh hồn tạm dừng trong một phen tư lự. Vì dù sao trận giũ áo cũng
còn vướng víu với nhân nghĩa nhân tình.
Ngựa
chị dừng bên thác trong veo
Lòng
chị buồn khi nắng qua đèo
Nơi
đây lá giạt vương chân ngựa
Hươu
chạy quay đầu theo ngó theo
Rồi sẽ xin khóc một cơn vô ngần cho trùng sinh trong
vĩnh biệt:
Rừng
đêm nhòa bóng nhớ hoang mang
Ngựa
chị dừng bên thác sao vàng
Sao
rơi đáy nước vương chưn ngựa
Buồn
dâng đôi mi hàng lại hàng
Ta lại gián tiếp với một sự tình kỳ dị. Nói ra là buồn
dưng đôi mi hàng lại hàng, nhưng có bao giờ mối sâu mênh mông và hầu như vô đối
tượng lại tràn ra thành hàng lệ. Nhưng đây là hàng lệ riêng biệt của hư không
đi về vui chơi êm đềm với không hư thái thiên nhiên tĩnh tịch. Người ta có thể
khóc, nhưng không phải khóc vì một mối đoạn trường riêng tây trong một cảnh ngộ
nhất định.