BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY “LA VANG ĐẤT MẸ” CỦA NHÀ THƠ XUÂN LY BĂNG

   

      Tập sách NHÀ THƠ XUÂN LY BĂNG CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM do L.M. Nguyễn Thiên Cung và nhà thơ Trần Vạn Giã sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn (Phương Đông xuất bản - 2011), có đăng một bài của mình viết từ năm 1999 dưới tên Ngô Minh (trang 201 - trang 207). Được tặng sách nhân ngày ra mắt (ngày 13/02/2012, tại khuôn viên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế - 37 Kỳ Đồng  - Quận 3 - TP HCM), mình đăng tải lại bài viết này, có bổ sung thêm gần như toàn văn bài thơ THA LA XÓM ĐẠO của nhà thơ Vũ Anh Khanh, đồng thời chỉnh lại tên tác giả là La Thụy để khỏi bị nhầm lẫn bút hiệu cũ của mình với nhà văn Ngô Minh trong Hội Nhà Văn Việt Nam.
  
              


         ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY “LA VANG ĐẤT MẸ” 
                    CỦA NHÀ THƠ XUÂN LY BĂNG

        Từ thời còn là học sinh, tôi đã rất đỗi mê say khi đọc bài thơ Tha La Xóm Đạo của nhà thơ Vũ Anh Khanh - Bài thơ viết về một xóm đạo thanh bình, êm ả đẹp như mơ bị giặc Pháp tàn phá gây tang tóc - Trước cảnh quốc phá gia vong, từng người dân Tha La đã bỏ lại tất cả ra đi, cầm vũ khí chống giặc thù cho quê hương trở lại hồi sinh. Thật hạnh phúc cho tôi, khi tìm lại được cảm giác ngất ngây, mê say ấy khi đọc bài thơ La Vang Đất Mẹ của nhà thơ Xuân Ly Băng (in trong tập “Kinh Sầu Trên Quê Hương”).
       Cũng bằng một thể thơ trường thiên phá thể, cùng bằng một chất giọng tự sự, cùng bằng những nhịp điệu bi tráng khi khoan khi nhặt, La Vang Đất Mẹ cùng Tha La Xóm Đạo của hai nhà thơ Xuân Ly Băng và Vũ Anh Khanh đã làm cho cảm xúc, tâm tình của người đọc như tan hòa, đồng nhất cùng giọng thơ kể đượm tình: khi bâng khuâng man mác, khi ứa lệ thương đau hoặc khi rộn rã hoan ca theo từng diễn biến sự kiện. Có lẽ do sống cùng thời với nhau nên chắc hai nhà thơ đã có sự đồng cảm và giao thoa trong nghệ thuật thi ca với nhau.
       Tuy nhiên, do không gian và thời gian cảm tác khác nhau, do bối cảnh lịch sử của hai câu chuyện khác nhau, nhất là do cảm quan và góc nhìn hai tác giả của hai bài thơ nói trên khác nhau, nên nội dung và kết cấu của hai nhà thơ thật khác biệt nhau.
       Là người khách qua đường, Vũ Anh Khanh đã ngây ngất trước vẻ đẹp thuần khiết, an bình của xóm đạo Tha La nên đã để cảm xúc trào tuôn:  

        Đây Tha La xóm đạo

        Có trái ngọt cây lành
        Tôi về thăm một dạo….
        Giữa mùa nắng vàng hanh

       Vì thế tác giả đã thực sự uất nghẹn, khi lần trở lại Tha La, nhìn thấy xóm đạo tang tóc điêu linh trong khói lửa chiến tranh do giặc Pháp gây nên. Xóm đạo Tha La lúc này hiện lên thật bi thương qua những vần thơ gợi cảm xúc mạnh: 


       Ngậm ngùi, Tha La bảo:

       Đây rừng xanh, rừng xanh,
       Bụi đùn quanh ngõ vắng,
       Khói đùn quanh nóc tranh,
       Gió đùn quanh mây trắng
       Và lửa loạn xây thành.
       Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi
       Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng
       Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng.
       Có trái ngọt, cây lành im bóng lá,
       Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ
       Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
       Về chi đây! Khách hỡi! Có ai chờ
       Ai đưa đón?
       Xin thưa, tôi lạc bước!
       Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
       Không có ai chờ, đưa đón tôi đâu!
       Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
       Tìm hoa rụng lạc loài trên vệ cỏ.
       Nghìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió
       Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
       Nhìn hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng
       Tha La hỏi: - Khách buồn nơi đây vắng?
       - Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!
       - Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
       Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn.
       Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít,
       Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch
       - Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
       Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
       Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
       Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán
       Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa
       Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa
       Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh
       Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh
       - Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La !

       Nhưng là lương dân ngoại đạo, là chiến sĩ Vệ quốc nên Vũ Anh Khanh thật dễ dàng khi viết:


         Lạy Đức Thánh Cha

         Lạy Đức Thánh Mẹ
         Lạy Đức Thánh Thần
         Chúng con xin về cõi tục để làm dâ
         Rồi ... cởi áo tu
         Rồi... xếp kinh cầu nguyện
         Thênh thang nhẹ bước về trần

       Chắc gì người dân xóm đạo Tha La thanh thản “nhẹ bước về trần”? Không! Để làm tròn trách nhiệm con dân thời chiến, họ ắt hẳn quặn lòng đớn đau khi từ giã mọi điều yêu thương: gia đình, cây đa, bến nước, xóm làng quê hương… và chắc chắn họ càng “nặng trĩu” cõi lòng hơn khi phải tạm gác công việc thiêng liêng sớm tối: “tiếng kinh cầu vang vọng” và “ơn tu nguyện hằng ngày”. Đúng, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, không thể mặc cho giặc thù giày xéo quê hương, người dân Tha La cương quyết dứt áo ra đi “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Nhưng họ chỉ “từ giã” chứ không có “từ bỏ” vì “ra đi” chính là khởi điểm cho “quay về”. Vâng, họ mơ ngày về trên quê hương sạch bóng quân thù; xóm làng lại yên ả thanh bình trong trái ngọt cây lành, trong tiếng kinh cầu an lạc như thưở nào. Xa hơn nữa họ mơ ngày về miền Đất Hứa, chốn Vĩnh Hằng thân yêu cho Đời Sau mà tổ tiên loài người - ông Adam và bà Eva đã gạt nước mắt “ra đi” trước đây.

       Cho nên dù không còn mặc áo tu, không cầu kinh thường xuyên, chắc hẳn người dân Tha La vẫn mãi ấp ủ trong tim từng câu kinh nguyện thầm lặng. Có lẽ khi dùng cụm chữ “nhẹ bước về trần” nhà thơ Vũ Anh Khanh chỉ “cách điệu hóa” sự quyết tâm của người dân Tha La khi họ sẵn sàng lên đường đền nợ nước. “Tha La xóm đạo” được bắt đầu bằng hình ảnh mơ mộng của xóm Đạo thời bình và kết thúc bằng hình ảnh tang thương của xóm Đạo trong lửa loạn chiến tranh và những vần thơ hào khí ngút trời được bốc lên từ tận đáy tâm khảm của tác giả Vũ Anh Khanh:

        Đây mênh mông xóm đạo với rừng già

        Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách
        Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch
        Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng
        Đang đón mây xa - Bỗng khách ngại ngần
        - Kính thưa cụ vì sao Tha La vắng?
        Cụ ngạo nghễ cười rung rinh râu trắng
        Nhẹ bảo chàng: “Em chẳng biết gì ư?
        Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù
        Người nước Việt ra đi vì nước Việt
        Tha La vắng vì Tha La đã biết
        Thương giống nòi đất nước lầm than"
        Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hang
        Ngày hiu quạnh: Hờ… ơ… ơ tiếng hát
        Tiếng hát rằng : Tha La giận mùa thu
        Tha La hận quốc thù
        Tha La hờn quốc biến
        Tha La hờn tiếng kiếm
        Não nùng chưa : Tha La nguyện hy sinh
        Ờ... Ơ... hơ... Có một đám Chiên lành
        Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy
        Quỳ cạnh chúa, đám Chiên lành run rẩy:
        - Lạy đức Thánh Cha!
        Lạy đức Thánh Mẹ!
        Lạy đức Thánh Thần
        Chúng con xin về cõi tục để làm dân...
        Rồi... cởi trả áo tu,
        Rồi... xếp kinh cầu nguyện
        Rồi... nhẹ bước trở về trần...
        Viễn khách ơi ! Viễn khách ơi !
        Người hãy ngừng chân,
        Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
        Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ
        Trời Tha La vần vũ đám mây tang,
        Vui gì đâu mà tâm sự?
        Buồn làm chi cho bẽ bàng!
        Ờ... Ơ... Hơ...ờ... ơ hơ... Tiếng hát;
        Rung lành lạnh, ngân trầm đôi khúc nhạc,
        Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
        Tha La thương người viễn khách quá đi thôi!
                                     ***
        Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ
        Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
        Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay...
        Giờ khách đi . Tha La nhắn câu này :
        - Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
        Hãy về thăm xóm đạo
        Có trái ngọt cây lành
        Tha La dâng ngàn hoa gạo
        Và suối mát rừng xanh
        Xem đám Chiên hiền thương áo trắng
        Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh...

                                   (VŨ ANH KHANH)


       Ngược lại, La Vang Đất Mẹ , ngoài phần tả cảnh nên thơ ở phần dẫn nhập thì diễn biến câu chuyện khởi đầu là sự ly tán tha hương, là sự lưu vong tủi nhục của những người dân Chúa và kết thúc bằng những hình ảnh diễm ảo siêu huyền của một Thánh địa vang danh. Là thi sĩ công giáo nên Xuân Ly Băng đã viết về La Vang - nơi Đức Mẹ hiển linh cách đây hơn 200 năm - với tấc lòng bái vọng thành kính, nên La Vang Đất Mẹ có chất liệu thơ nghiêm cẩn, hoành tráng và mang tính sử thi hơn. Bài viết này chỉ xin nêu lên vài cảm nhận về bài thơ hay La Vang Đất Mẹ ít được phổ biến của nhà thơ Xuân Ly Băng.

       Vâng, xin hãy dọn mình để cùng thi sĩ Xuân Ly Băng thả hồn vào khung cảnh thơ mộng của miền Đất Thánh thiêng liêng trong nhạc điệu trầm bổng du dương và lời kể chuyện của cây lá xạc xào:

        Đây, La Vang, Thánh địa

        Dừng bước lại khách ơi
        Khách có nghe tiếng gió rít ở chân đồi!
        Lời kể lể rừng hoa sim lá rụng
        Khách có nghe nhạc thùy dương lồng lộng!
        Suối tre vàng theo gió chảy chiều mơ
        Khách có nghe sớm chiều chuông ca hát!
        Rất ngọt ngào ru tình mẹ, khách ơi!

       Nào ai biết rằng có được miền đất lành chim đậu hôm nay, những người dân Chúa đã phải trải qua bao gian truân khổ ải trong máu và nước mắt của một thời “sát tả” thương đau trên khúc ruột miền Trung đất Việt ai oán nỗi niềm, họ đã phải dắt dìu nhau lưu vong trên con đường vô định mông lung


        Có một thời

        (Chuyện gần hai thế kỷ)
        Khách ơi!
        Dừng chân tôi kể một lời khách nghe
        Truyền rằng: thuở ấy Sơn Khê
        Tương tàn cốt nhục tư bề gươm đao!
        Trách ai đồn chuyện tầm phào
        Buồn người nông nổi gây bao thương tình
        Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình…
        Lệnh truyền sát tả, não tình dân con
        Xương trắng bãi, máu loang cồn,
        Xóm làng tan nát, Thánh đường tiêu ma !
        Đau lòng trẻ, khổ thân già
        Eo óc tiếng gà dắt díu nhau đi !
        Con đường vô định biết chi,
        Cây đa bến cộ biết khi nào về ?
        Nắng mưa sương gió dãi dề
        Ôm cây Thánh Giá lòng tê tái lòng !

       Ôi ! Biết bao nước mắt và máu đã tuôn đổ trên con đường lưu vong mờ mịt ấy, nhưng đoàn dân Chúa vẫn kiên trì nhẫn nại nhận lấy thử thách cam go, một lòng kiên trinh hướng về Thiên Chúa ngôi cao, họ đồng tâm thành khẩn dâng lên lời kinh nguyện trong suối lệ chan hòa tại La Vang - nơi tạm trú chân của bầy chiên phiêu bạt:


       Bỗng một hôm chiều rừng

       Âm u đàn gió lá
       Có đoàn người là lạ
       Thiểu não kéo về đây
       Trên trời có đám mây bay
       Đồi hoa sim tím hương bay ít nhiều
       Rồi từ đó chiều chiều
       Rồi từ đó đêm đêm…
       Rừng vang lên lời kinh nguyện
       Nhạc lên rung khí quyển
       Suối lệ chảy chan hoà
       Náo động cả gần xa
       La vang cùng sông núi!

       Lòng thành của đoàn dân Chúa làm cảm động đến trời cao, sự mầu nhiệm đã phát sinh: Đức Mẹ anh linh hiển thánh, ơn trọng thiêng liêng được ban phát, vỗ về:


       Một đêm kia, khách hỡi

       Có bà áo trắng hiển linh
       Huy hoàng bên một cỗ đình cành đa
       Tay tiên ẵm Chúa nõn nà
       Hào quang thiên sứ giãi ra một vùng …
       Miệng Bà ngọt ánh trăng trong
       “Các con ơi cứ vững lòng cậy trông
       Truân chuyên nhận lấy vui long
       Lời kinh Mẹ dạy đã ghi tấc vàng
       Ơn trời Mẹ sẽ trao ban
       Cho ai biết đến kêu van nơi này
       Các con bẻ lá vườn cây
       Đem về gia dụng thấy ngày diệu linh
       Dứt lời Bà mới biến hình
       Bâng khuâng gió tiễn hương trinh về trời

       La Vang, từ đây không còn là nơi hoang dại âm u đầy lam sơn chướng khí mà trở nên vùng đất thánh thiêng liêng phong cảnh hữu tình, được giáo hội tôn xưng là Vương cung Thánh đường cho toàn thể dân Chúa trên thế giới đến chiêm bái, ngưỡng vọng. Hằng năm, giáo lương trong cả nước (nhiều khi cả khách quốc tế nữa) tấp nập tìm về hành hương, miền Đất Thánh lại rộn rã hân hoan trong cuộc rước kiệu “Đức Mẹ La Vang” để mọi người cùng hợp lòng xưng tụng thánh danh Đức Mẹ sáng cả trên trời và dưới thế


        Rồi từ đó, khách ơi

        Đoàn di cư tị nạn!
        Lập nương rừng, đốn cây làm gỗ lán
        Xây dựng lại cuộc đời
        Ơn thiêng liêng đã lãnh bởi trời,
        Nguồn sinh lực hào hùng khôn xiết kể
        Non nước này là của riêng Đức Mẹ
        Danh tiếng đồn khắp núi sông gần xa
        Lộc trời xuống tựa sương sa
        Giáo lương tấp nập bao la hội về
        Rừng già chứng chuyện năm tê
        Đêm đêm trút lá nằm nghe ơn lành
        Đồi hoa sim tím trở mình
        Chiều mơ lại thấy hiển linh năm nào?
        Khách nhìn lòng thấy nao nao
        Dừng chân Thánh địa bước vào cửa thiêng
        Mênh mông nắng đẹp siêu huyền

                                  (XUÂN LY BĂNG)


     Bài thơ La Vang Đất Mẹ như là viên ngọc lấp lánh nhưng được cất kỹ, không được phổ biến nên ít ai biết để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ của chất ngọc quý un đúc từ lòng sùng tín mộ đạo của Xuân Ly Băng - một thi sĩ công giáo tài hoa - thì thật là đáng tiếc.

                                                                                                                                                                                                   LA THỤY

           
      

23 nhận xét:

Bình Nguyên nói...

Kiến thức của anh quả là trên cả tuyệt vời. Em sinh ra thì chiến tranh đã tàn nên không thể nào cảm hết được, và hơn nữa em cũng là kẻ ngoại đạo nên ..... Nhưng hôm nay, đọc xong cả áng thơ cũng như lời phân tích diễn giải của a em cảm thấy thán phục vô cùng. Chúc anh vui khỏe và thật nhiều hạnh phúc nhé

Bâng Khuâng nói...

Cám ơn Binhguyen222b ghé thăm và ghi còm nhé ! Chúc có nguồn thi hứng dồi dào và sáng tác nhiều bài thơ hay

khung nói...

Trước 1975 mình có ghé thăm nhà thờ La Vang mấy lần, đẹp.
Sau 1975 thì chưa ghé lại, nhưng nghe nói nhà thờ đã được xây lại, cây đa cũng đã được phục dựng ..

Unknown nói...

Xóm đạo La Vang , sau này trở thành Thánh Địa La vang , nơi có đức Mẹ bồng con hiện ra làm phép lạ khuyến khích con dân vững lòng cậy trong nơi Thiên Chúa , thì người sẽ độ phù và dọn đường cho ngày " Trở về vùng đất hứa "
Và quả tah65t như vậy , trước năm 1975 đã có một thời Thánh Địa La Vang được coi là khu nhà thơ linh thiêng cho con dân khắp nơi về đây cầu nguyện ... Nhưng năm 1972 Thánh Địa La vang lại một lần nữa bị tàn phá bởi đạn pháo kích của ... Chắc không cần nói rõ
Mẹ La Vang đã hiện ra với con dân La Vang cách đây hơn 200 năm , bài thơ của Xuân Ly Băng viết cũng không nói rõ quân thù là ai và đoàn người lạ mặt kia là ai ... Tôi thì nghĩ rằng quân thù là bọn thực dân pháp , và đoàn người lạ kia chắc hẳn là Lính quốc gia lúc đó đứng bên đây chiến tuyến
Tác giả Xuân Ly Băng không nói rõ , người viết bài cũng không nói rõ để có thể nhiều người mập mờ nghĩ rằng quân quốc gia tàn phá Thánh Địc La Vang , và đoàn người lạ kia đến để giải phóng để tái xây dựng cây đa bến cộ . Thưa không đúng vì chuyện xẩy ra cách đây hơn hai trăm năm là bối cảnh của bài thơ , trong khi đó chuyện thống nhất đất nước chỉ mới chưa đầy nửa thế kỷ
Vài dòng góp ý cùng tác giả bài viết , mình nên minh xác rõ ràng hơn về thời gian và hoàn cảnh của bài thơ để cho độc giả không bị lầm lẫn , trân trong

Bâng Khuâng nói...


Đúng thế! Nhà thờ La Vang đang được xây lại và phục dựng lại một số di tích. Chúc vui! :bh

HƯƠNG TRẦM nói...

Mình sắp đi Lavang, đọc được bài thơ này thấy nao lòng quá...

Unknown nói...

Đã đọc và thấy hay, Lời giới thiệu và lời bình đã nối hộ rồi, không bình thêm. Chia sẻ cùng bạn thơ.

Bâng Khuâng nói...


Mời bác Ký Gàn và quý bác xem nhé:

"Có một thời
(Chuyện gần hai thế kỷ)
Khách ơi!
Dừng chân tôi kể một lời khách nghe
Truyền rằng: thuở ấy Sơn Khê
Tương tàn cốt nhục tư bề gươm đao!
Trách ai đồn chuyện tầm phào
Buồn người nông nổi gây bao thương tình
Thừa Thiên , Quảng Trị, Quảng Bình …
Lệnh truyền sát tả , não tình dân con
Xương trắng bãi , máu loang cồn,
Xóm làng tan nát , Thánh đường tiêu ma !"


Tác giả Xuân Ly Băng nói về "Lệnh truyền sát tả" của triều đình Tây Sơn cách đây hơn 200 năm :

"La Vang từ thế kỷ XVII đã là đất khẩn hoang của làng Cổ Vưu, vì thế đa số cư dân nơi đây là người Cổ Vưu. Ngày thường La Vang chỉ là nơi người ta "đi rú " (trồng khoai, cấy lúa, trỉa bắp, chặt cây, đốn gỗ, bẫy thú...), nhưng trong cấm cách bách hại thì La Vang trở thành nơi ẩn náu cho những người công giáo trung kiên, như trong cuộc bách hại vào năm 1798.

Năm 1798, triều đình Tây Sơn Cảnh Thịnh bị lung lay trước sức tấn công vũ bão từ miền Nam ra tận đèo Hải Vân của Nguyễn Ánh. Trong cơn hoảng loạn, để báo thù Đức cha Bá Đa Lộc đã giúp họ Nguyễn, đồng thời khủng bố giáo dân mà triều đình luôn cho là kẻ nội ứng, vua Cảnh Thịnh đã ra chỉ dụ cấm đạo.

Cuộc bắt đạo diễn ra chớp nhoáng, dã man và tàn ác khiến giáo dân trở tay không kịp, nhất là trong địa bàn hai tĩnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Tại họ đạo Cổ Vưu nói riêng, vùng Dinh Cát nói chung có hàng trăm người bị giết, hàng ngàn người bị xô vào ngục thất, hàng ngàn người khác bỏ nhà bỏ cửa ra đi tìm nơi lánh nạn. Một số ít trong họ đã đến được La Vang, ẩn trú trong các chòi tranh, gốc cây, lùm bụi. Ngày khổ cực đói cơm rách áo, tối hãi hùng vượn hú cọp kêu... Lại bấy giờ đang lúc ôn dịch hoành hành, thuốc men không có, người chết như rạ. Giáo hữu chỉ biết nhìn nhau thương khóc. Thật muôn ngàn cơ cực, trăm bề đắng cay!

Nhưng dù nguy khốn cách mấy thì giáo hữu vẫn một lòng trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ. Vì thế không ai bảo ai, họ tự động ngồi sít lại gần nhau, dưới đám cỏ gần gốc cây đa, tay mân mê tràng chuỗi và những lời kinh đồng thanh vang lên, hòa trong màn đêm rùng rợn, gió buốt từng cơn, đêm này đến khác, lời kinh như lời kêu khóc bi ai não ruột thấu tận trời xanh như muốn kéo Mẹ thiên đình xuống cõi trần gian."


Nguồn :

http://lavanglasvegas.com/lichsulavang/lichsulavang.html



Bâng Khuâng nói...

" ...bài thơ của Xuân Ly Băng viết cũng không nói rõ quân thù là ai và đoàn người lạ mặt kia là ai ..." (Lời bác Ký Gàn)

- Như đã trình bày ở phần trên, "quân thù"như ý bác Ký Gàn thắc mắc, đó là triều đình Tây Sơn Cảnh Thịnh

- Còn "đoàn người lạ mặt" mà bác Ký Gàn hỏi, theo ý bài thơ lại là đoàn giáo dân phiêu tán:

"Bỗng một hôm chiều rừng
Âm u đàn gió lá
Có đoàn người là lạ
Thiểu não kéo về đây
Trên trời có đám mây bay
Đồi hoa sim tím hương bay ít nhiều
Rồi từ đó chiều chiều
Rồi từ đó đêm đêm…
Rừng vang lên lời kinh nguyện
Nhạc lên rung khí quyển
Suối lệ chảy chan hòa
Náo động cả gần xa
La vang cùng sông núi!


"Thế rồi một hôm, theo lời truyền tụng, trong khi giáo hữu đang đọc kinh cầu nguyện thì Đức Mẹ hiện ra rực rỡ tươi đẹp vô ngần. Người mặc áo choàng rộng, tay ẵm Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần hầu cận. Đức Mẹ hiện xuống đứng trên đám cỏ gần gốc cây đa, nơi giáo hữu đang cầu nguyện. Đức Mẹ tỏ vẻ nhân từ và âu yếm, an ủi các giáo hữu vui lòng chịu khổ, dạy hái lá quanh đó nấu uống sẽ lành các chứng bệnh. Đức Mẹ còn phán hứa rằng: "Các con hãy tin tưởng hãy cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện."
Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần như vậy. Đó là điều các tiền nhân loan truyền lại cho đến ngày nay."

Nguồn :
http://lavanglasvegas.com/lichsulavang/lichsulavang.html

linhvu59 nói...

Cám ơn anh Phú đã chia sẻ những bài thơ về La Vang thật hay ! Anh Phú tinh thông về nhiều thứ quá ha! LV cảm thấy thật hãnh diện vì đã từng gặp mặt nhà thơ Xuân Ly Băng! Tuy rằng đã lâu thật là lâu ... Hihi ... Chúc anh và gia đình luôn an vui !

Bâng Khuâng nói...


Rất vui khi Ngọc Anh ghé thăm. Chúc chuyến đi La Vang sắp tới của bạn vui và đầy ý nghĩa! :bh

Bâng Khuâng nói...


Chúc bác Ngọc Ước chiều vui thật nhiều nhé! :bh

Bâng Khuâng nói...


Nhà thơ Xuân Ly Băng (Đức Ông Linh Mục Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa) năm nay cũng 88 tuổi rồi. Hình chụp nhà thơ Xuân Ly Băng với anh em thi hữu chúng mình cách đây trên 10 năm rồi. Chúc vui! :bh

Xuân Đào nói...

Mình sang chỉ biết xem và nghe chứ không biết viết vào
Mà hình như halong đe dọa anh hay sao mà anh không sang nhà tôi nhỉ
Chúc anh vui vẻ!

huongphan nói...

Ghé thăm anh , đọc , luôn thán phục những gì anh sưu tầm và viết. Chúc anh những ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ , hạnh phúc .

Bâng Khuâng nói...


Chúc huongphan ngày mới vui thật nhiều nhé! :bh

Bâng Khuâng nói...


Bác Xuân Đào Czechowice lại thích đùa rồi!:D Ký này tôi rất bận, đã vào năm học mới rồi mà.:bh Rảnh sẽ ghé thăm bác. Chúc vui! :-h

Unknown nói...

Thật tuyệt đó anh..... đọc bài viết của anh lại hiểu thêm rất nhiều về La Vang
Chúc anh luôn khỏe mạnh và bình an trong Chúa và Mẹ La Vang

Bâng Khuâng nói...


Chiều an lành nhé! :bh

Bâng Khuâng nói...

https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xap1/v/t1.0-9/1604378_844098588944161_4877939767923647107_n.jpg?oh=a3041ea6203a459df6df7a80f1a860a7&oe=54988410&__gda__=1417945945_9cf4c1ba83ec3a43b34b0c568c3f0f99

Văn Nghệ QT nói...

https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-9/10690259_10152725592568501_2700428597573817293_n.jpg?oh=8d88c1f7d240b66e1eddf22ba4ceac61&oe=548992EC&__gda__=1418346387_7c8bf271871ae3855c0234586af6a26f

Bâng Khuâng nói...


http://www.youtube.com/watch?v=pK1LWD0Qtm0

Bâng Khuâng nói...


https://4.bp.blogspot.com/-1OEyi8jc1fY/WGnu2lrYZzI/AAAAAAAAExA/9Whq0SQhcoMCpR2E0mFns8X7rX4Y_ZG3wCLcB/s400/xuanlybang%2Bv%25C3%25A0%2Bthi%2Bh%25E1%25BB%25AFu%2Blagi.jpg