BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Đức Tùng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Đức Tùng. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

TÂN LIÊU TRAI - Nguyễn Đức Tùng




Hoan vốn người miền Trung, trôi nổi vào Sài Gòn làm nghề buôn bán lặt vặt, trơ trọi một thân, không vợ con, chẳng điền sản gì ráo ngoài các căn nhà nhỏ. Nhưng đó không phải là nhà của chàng. Rằm tháng giêng Hoan vào vườn Tao Đàn. Người đi lễ bái đền Hùng rất đông. Trên loa phóng thanh đọc đi đọc lại rền rĩ bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, trước cửa đền Hùng vô số con đồng hát, mỗi người đem theo hàng chục đệ tử, quỳ lạy lung tung trước một bàn thờ. Hoan không hiểu sao trong đền Hùng có ba bàn thờ, một thờ vua Hùng ở chính giữa, một thờ mẹ Âu Cơ ở một bên, một thờ một bậc bô lão râu dài ở bên kia, mà chàng không biết là ai, đoán là vị hoàng tử nhỏ nhất của vua Hùng, chỉ lấy làm lạ là nhiều người thắp nhang khấn bái ở đó, rút tiền ra không ngớt cho vào cái khe hẹp ở bụng của tượng, dưới rốn.
 

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

HALLOWEEN - Tùy bút Nguyễn Đức Tùng



Halloween nhằm ngày cuối tháng Mười, cũng là ngày cuối của mùa thu. Thời tiết chuyển giao, người ta tin rằng có một thế giới siêu nhiên hiện ra khi mùa màng thay đổi, lúc con người có thể chạm được vào thế giới thần linh. Đêm nay trong cảnh đất trời mờ ảo, vật chất và tinh thần giao hòa nhau, người sống và người chết nhìn thấy nhau. Ma quỷ không sợ hãi con người như mọi khi, cũng không làm con người sợ hãi bằng họ sợ hãi nhau. Tối nay, bạn đi ra đường, nếu sẵn sàng đón nhận thế giới vô hình bạn sẽ nhìn thấy những điều ngày thường không thấy được. Đêm nay bạn đặt mấy chiếc đèn lồng trên lối vào nhà, nhiều kẹo trước cửa, trong một cái giỏ ngay ngắn, ghi một tấm giấy nhỏ bên cạnh "take one", lấy một cái, "take two", lấy hai cái. Những đứa trẻ sẽ lấy đúng như thế. Đôi khi cũng có một thằng bé sáu hay bảy tuổi quay lại, thò tay lấy thêm một cái nữa, vì không cưỡng nổi cám dỗ. Thằng bé ấy là Tony. Hay chính bạn thời bé.
 

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2021

CÂU THƠ LỤC BÁT - Nguyễn Đức Tùng




Thơ lục bát là tâm hồn dân tộc: nếu thế thì tâm hồn ấy đang thay đổi. Lục bát như một nghệ thuật thơ ca cần thay đổi theo, tự làm mới, để tồn tại cùng dân tộc, một dân tộc vừa văn minh hơn vừa dung tục hơn, có học hơn nhưng bé bỏng hơn, dễ tổn thương.
Nghệ thuật thơ lục bát là nghệ thuật của câu thơ.
Câu thơ là một đơn vị ngôn ngữ đặc biệt, khác với câu văn phạm. Câu thơ là một sở hữu riêng của các nhà thơ mà các nhà văn không chia sẻ được. Sở hữu ấy, quyền năng ấy nằm ở chỗ tận cùng bên phải của câu.
Câu thơ là yếu tố mang tính âm nhạc, trong khi câu văn phạm mang tính ý nghĩa.
Mỗi câu thơ tạo ra khoảng cách giữa nó và câu sau. Rất ít câu văn xuôi đứng một mình, nhưng câu thơ có thể đứng một mình. Hơn nữa, đặc điểm của lục bát là hai câu đi kèm nhau, ít có câu nào giữ giá trị độc lập; chúng phụ thuộc nhau. Chúng ta hãy xem ví dụ sau đây trong Kiều:
 
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chưn mây cuối trời
 

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

NGUYỄN LINH KHIẾU, NẾU TA CÓ MỘT NẮM ĐẤT - Nguyễn Đức Tùng


Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu
 

Thơ Nguyễn Linh Khiếu là dòng thơ trữ tình mới. Anh tin vào khả năng của ngôn ngữ trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa, mang đi ý niệm truyền sinh, phồn thực, ca ngợi thiên nhiên, trong khi vẫn thường xuyên tra hỏi các vấn nạn lịch sử. Đó là kết hợp giữa tự sự sinh thái và trữ tình xã hội. Những điều ấy được thực hiện trong thể thơ tự do, với những câu dài, kỹ thuật trùng điệp, với các nút thắt mở của trường ca. Nguyễn Linh Khiếu cần thơ trữ tình để vượt qua các khoảng cách, kết nối sự vật trong không gian và thời gian. Anh cũng vượt qua các tập quán, thiết chế, điển lễ, các rào cản xã hội, bằng cách đối thoại với thiên nhiên; và tôi cho rằng đó là chọn lựa thích hợp. Thơ của anh mở ra từng đợt như sóng, nhiều bài nối tiếp nhau, ngay cả những bài ngắn, độc lập, cũng dễ dàng được đặt vào giữa các bài khác, thành những chuỗi, thành chủ đề.
 
nếu ta có một nắm đất
ta sẽ vùi hạt hạnh vào trong
cầm trên tay đợi khi mùa xuân tới
hạt hạnh trong tay sẽ lặng lẽ nảy mầm
nếu ta có một cánh đồng
ta sẽ cày bừa xới vun đất đai màu mỡ
trên cánh đồng ta chỉ trồng hoa hạnh
ai đi qua cũng trầm trồ cánh đồng hoa hạnh của nhà thơ
nếu ta có một quốc gia
trên lãnh thổ nhiệt đới phì nhiêu của mình ta chỉ trồng hoa hạnh
người yêu hoa khắp thế gian hành hương về chiêm ngưỡng
thiên đường hoa hạnh của thi nhân.
 

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

BÀI THƠ VŨ HÁN - Nguyễn Đức Tùng


  


BÀI THƠ VŨ HÁN
 
Trong bản tin chiều nay
Trong phản ứng dây chuyền phân tử
Trong phép thử nhanh
Em đã chết. Hoặc anh
Một người đi qua nhà, bấm chuông
Cửa không mở. Có tiếng thầm nức nở
Không phải tiếng người, chỉ là cơn gió thổi
Trong cành lá tối ngoài sân, bên ảng nước
Ba con chim bồ câu
Đứng chụm đầu vào nhau
Than khóc
 

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

MỘT NGÀY KHÔNG QUÊN - Nguyễn Đức Tùng



Ngày thứ ba, 11 tháng 9 năm 2001, khoảng sáu hay bảy giờ sáng, tôi đứng trong phòng cấp cứu của bệnh viện Richmond. Tay tôi cầm cái khay nhỏ có bánh xe chứa dụng cụ, từ buồng bệnh đi dọc theo hành lang đến khu vực y tá. Trên hành lang những chiếc giường do xe cấp cứu đẩy vào nằm la liệt, tôi tự nhủ, sẽ là một ngày bận rộn. Tôi dừng lại, một điều gì đang xảy ra, trên màn vô tuyến truyền hình gắn ở cuối hành lang, nhưng không phải chỉ trên màn hình, mà trong không khí lan toả, trên vẻ mặt mỗi người, y tá và bệnh nhân, nhân viên cứu thương và nhân viên bảo vệ, cảnh sát và bác sĩ, một điều gì tựa như sự nối kết vô hình, một thông điệp sợ hãi lập tức nhận ra. Tôi thấy những ngọn lửa đỏ hừng hực, những đám mây đen, những tro tàn lả tả. Người chạy ngược trên đường, tất tả, hoảng hốt, chạy ngược về phía tôi đứng.
 

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

THƯ GỞI CON TRAI NHÂN NGÀY TỰU TRƯỜNG - Nguyễn Đức Tùng giới thiệu thơ của Wallace Stevens




Căn nhà im lặng và thế giới thì an bình.

Mở đầu chương trình môn văn năm nay, cô giáo của con yêu cầu mỗi học sinh tự chọn lấy một bài thơ mà mình thích, học thuộc lòng, rồi đứng đọc trước cả lớp. Điều kiện là bài thơ ấy đã in trong sách, bất cứ sách nào, nhưng không phải trên báo chí hoặc các truyền thông xã hội. Vào lứa tuổi của con, có lẽ điều ấy để đảm bảo tiêu chí giáo dục. Con đã hỏi ý kiến của ta về chuyện này. Ta lấy làm vui sướng, không, ta cảm thấy may mắn. Chúng ta thường làm việc với nhau về toán, đôi khi căng thẳng, nhưng những môn học khác, chúng ta không có dịp. Ta giới thiệu với con bài thơ “The house was quiet and the world was calm” của Wallace Stevens, một trong những nhà thơ lừng lẫy của Hoa kỳ.
 

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

BÀI THƠ AFGHANISTAN – Thơ Nguyễn Đức Tùng


    


BÀI THƠ AFGHANISTAN
 
Tôi ngồi trước màn hình ti vi nhấp nháy
Nhìn khuôn mặt mệt mỏi của tổng thống Joe Biden
Tuyên bố về Afghanistan, rút quân, sự tháo chạy
Cuộc chiến tranh đã kéo dài quá lâu, nhiều người chết, nước Mỹ đã kiệt sức
Chúng ta không thể tiếp tục chiến đấu ở nơi người dân không muốn chiến đấu cho đất nước họ, ông nói
Giọng bực tức, khuôn mặt u tối, của một người thất bại
Tôi thấy lòng không dưng buồn rũ
 
Khi bạn ở một mình, cô độc, bất lực, bạn cũng có một khuôn mặt như vậy
Rút quân là cần thiết
Rút quân vội vàng là tự huỷ diệt
Tôi biết, tôi biết, nhưng bạn biết để làm gì?
Sau hiệp ước Doha bậy bạ
Đôi khi vầng trăng chiếu sáng xa ngoài cửa, nhưng bạn không nhìn thấy
Một đứa bé bấm chuông bạn không nghe được
Buổi sáng ở đây không có người nào bấm chuông, người đưa thư chưa tới
Tôi mặc áo lạnh đi ra đường, cơn mưa vừa dứt
Sau hai mươi tám ngày không mưa
Bạn cảm thấy mùi đất xông lên, mùi hoa cúc, mùi dâu chín thơm lừng
Bầy sáo đen bay tưng bừng trước mặt
Tôi nhớ cái chết của một người lạ
Trên đường ngày hôm qua, dưới chiếc xe tải
Tôi nhìn thấy những đoàn người trốn dịch nhễ nhại kéo nhau bồng bế ra khỏi Sài Gòn
Những đứa bé chân còn đi chưa vững
Không ai mặc áo rách, nhưng những khuôn mặt mệt mỏi
Tôi đi chậm, bàn chân phải nhức buốt khi tôi đi nhanh lên
Tim đập rộn ràng như tới cuộc hẹn hò
Chia cho người khác buồn đau
Gió thổi mạnh, đám cỏ lau dạt đi
Nằm nhớ những bàn chân thanh tân
Lòng tôi buồn lạ lùng
Như vừa đánh mất một điều gì
Tôi thấy khó thở, người nghiêng về phía trước
Như khi tôi nghe được tiếng khóc thút thít trên tàu
Từ Huế vào Sài Gòn những ngày lầm than
Vừa hết chiến tranh, giặc giã, lại đến bạo tàn, đói rách
Tôi ăn bữa cơm tươm tất cuối cùng ở quán cơm Âm phủ
Trước khi bỏ Huế ra đi, đêm trời không có sao
Một con tắc kè kêu mải miết trên đường Lê Lợi
Tôi buồn ngất như ngày mất quê hương
Dù đã lâu tôi không mất điều gì cả
Vài năm một bận về thăm nhà
Nằm nghe con chim sẻ kêu khuya trên mái ngói
Tìm thăm thằng bạn học cũ, lưng khòm tuổi già
Lụi cụi với đàn gà
Tôi có gia đình, vợ con, bạn bè, có công việc
Làm việc tối mặt tối mày, đôi khi hài lòng
Vì gặp may cứu được một người, nhiều khi tức giận
Vì thức viết mãi không xong bài thơ
Trễ hẹn với hai tờ báo
Thứ văn chương mơ mộng hão, thời nay chẳng mấy ai cần
Chiều mưa nằm buồn tênh gối đầu lên tay mình
 
Nhưng chưa bao giờ buồn như sáng nay, khi nghe tin
Một dân tộc thất trận
Không phải thất trận, họ chẳng hề đứng lên
Không có một kháng cự nào, trong khi quân Taliban tiến như vũ bão
Các cố vấn cao cấp Nhà Trắng sững sờ kinh ngạc
Đọc không ra bước tiến của kẻ thù
Giới tình báo ngu ngơ đấm ngực thở dài
Ngay những tờ báo cổ vũ hòa bình nhất chống chiến tranh nhất như New York Times, New Yorker cũng bất bình
Vì sự rút lui cuống cuồng của người Mỹ
Và phản ứng ích kỷ của nhân loại
Và các đồng minh phương Tây không hề được nhắc tới trong diễn văn của Tổng thống
Bốn mươi ngàn quân Canada đã chiến đấu ở đó
Và tôi nhớ khuôn mặt một người lính Canada bị mìn cụt chân ngay cửa ngõ Kabul
Thế giới im lặng như chú nai con
Trước mắt cọp, sững lại, bàng hoàng, đóng băng
Nhiều người bắt đầu nói về sự tốt đẹp của Taliban
Nhiều người than khóc những trường học dành cho phụ nữ
Nhiều người tiếc thương hai mươi năm một không khí tự do
Điều mà hình như người dân Afghanistan chưa cần thiết lắm
Hoặc chưa cần đến mức phải dùng mạng sống để đổi lấy
Nhiều người nói thế
Có người nói về ngày tận thế
Sự trả thù tắm máu
Có người bảo vệ sự rút quân vội vã
 
Tôi không tin tất cả những điều này
Một nhân dân mới học bài học dân chủ
Đã không thể tự mình tập hợp lại, đứng lên
Như những đứa trẻ thơ ngây không biết cầm súng
Bạn muốn nói họ hèn nhát ư?
Đúng
Nhưng bao giờ cũng vậy
Những kẻ tàn bạo sẽ không cần tàn bạo vào lúc này
Những kẻ giết người chưa cần phải giết người vào lúc này
Những kẻ chống lại tự do của nhân dân chưa cần phải ra mặt
Không một lãnh tụ tối cao nào được gọi tên
Bạn chỉ nhìn thấy những người chiến binh súng đạn đầy mình
Mỗi người cầm trên tay một chiếc khăn đen
Sẵn sàng bịt mặt phụ nữ bất kể họ đồng ý hay không
“Vì đó là luật của Islam”, một lãnh tụ Taliban giải thích với CNN
Tôi hình dung những ngôi nhà ổ chuột nheo nhóc
Những gia đình đa thê, số phận người như rác, tôi đã từng gặp
Một người phụ nữ, đứa con thứ ba mươi sáu
Kết hôn lúc mười sáu tuổi với một ông già bảy mươi hai
Đã có mười ba bà vợ
Tôi ngồi lắng nghe câu chuyện của chị ở bệnh viện Vancouver
Sau lần sẩy thai thứ hai
Tôi nhìn thấy chị khóc
Tôi lật những trang sách đầu tiên của mình nói về một xứ sở xa lạ
Ngày xưa gọi là A Phú Hãn
Một đất nước tươi đẹp, man mác mùi hương bưởi hương cam
Những cánh chim bay đôi
Mùa xuân chập chờn đồi cỏ sương trắng
Những huyền thoại, những câu thơ cổ
Tôi hiểu rằng mỗi người có một chọn lựa
Tôi hiểu rằng mỗi dân tộc có một chọn lựa
Nhưng có những chọn lựa trá hình
Những ý chí giả dối
Cũng như những cuộc bầu cử gian lận
Những hạnh phúc bị áp chế
Những lịch sử bị viết lại
Những mái nhà trũng xuống vì mưa nắng đời đời nô lệ
Tôi hiểu nước Mỹ đã cố gắng
 
Một số quốc gia như Canada đã cố gắng
Tôi hiểu nhiều người cầu nguyện cho Afghanistan
Và đặt hy vọng vào họ
Và đó là điều làm tôi khốn khổ hôm nay
Tôi nhìn thấy những người đàn ông và những người đàn bà chạy theo máy bay
Bám lấy cầu thang trong tuyệt vọng
Một người đàn bà xa lạ tôi gặp trên đường sáng nay nhìn vào mắt tôi khi hỏi đường
Trong ánh mắt sâu thẳm ấy có một quê hương tan tác
Châu Á hay châu Phi
Tôi không biết làm gì khác để giúp chị ngoài việc chỉ đường
Nhân loại xót thương không biết phải làm gì
Chúng ta buồn nỗi buồn bất lực
Trước cái buông tay hờ hững
Cũng phải buông thôi
Nhưng đó không phải là nỗi buồn
Từ nay những ngày thứ hai nhân loại không biết phải làm gì, những ngày chủ nhật trống không
Một nhân loại bấn loạn trước kẻ mạnh
Người đầu hàng người chạy trốn người phủi tay nói nói cười cười
Tha hồ tranh cãi
Nước Mỹ lẽ ra phải làm sao trước sụp đổ
Không ai hỏi: chúng ta phải làm gì
Đã từ lâu con người trút bỏ hết trách nhiệm của mình cho người khác
Cho nước Mỹ
Từ lâu mỗi chúng ta chỉ sống lẩn lút trong căn nhà của mình
Không chỉ trong mùa đại dịch
 
Một nhân loại quá mệt mỏi vì đại dịch
Ngày càng trở nên cô lập, ngày càng ích kỷ
Để mặc cho ý chí của những người có súng
Nắm vận mệnh tương lai
Người Afghanistan cũng có nhu cầu hòa giải
Họ cũng có một Hội đồng hòa giải tối cao
Nhưng khi kẻ địch mạnh lên chúng liền vứt bỏ
Mọi thứ hoà giải
Tôi nhớ đến lịch sử của chính chúng ta
Sự rút lui, sự bỏ chạy, sự sụp đổ, không phải là ai chiến thắng hay ai thất trận đâu
Mà là điều gì sau đó
Sau đó ư?
Ba mươi năm, năm mươi năm, bảy mươi năm, cả dân tộc lầm than
Đâu phải riêng gì Nam hay Bắc
Nhiều người bắt đầu trở giọng, nói tới việc Taliban sẽ đổi thay
Một nhân loại chỉ biết cầu may và hy vọng
Một nhân loại không thể hành động
Là một nhân loại sụp đổ
Các nhà độc tài vui mừng chìa tay ra, chúng sắp bá vai nhau, nâng cốc
Trong căn lều chật những tâm hồn dật dờ trôi đi
Dân tộc trẻ con như những đứa trẻ
Thơ thẩn suốt ngày ngoài đường thổi còi lá chuối
Câu cá, bắt ốc, đánh nhau
Một nhân loại thường xuyên bị xô ngã
Những kẻ khôn ngoan nhất đã tìm xong cách thỏa hiệp
Không có gì dính líu giữa văn chương và thời cuộc
Cầm nắm đất lên chỉ thấy máu hồng
 
Một nhân loại quá bận rộn vì những điều viển vông nhỏ nhặt, những cuộc thất tình cay đắng
Cãi nhau chí chóe vì bữa ăn
Sẵn sàng văng tục
Sẵn sàng chia rẽ
Một thế giới thường xuyên tụt lại phía sau so với chính mình
Nhưng tội ác không nhầm
Chúng biết nên giết ở đâu nên tha ở đâu
Nơi nào nói chuyện hòa bình, nơi nào hạ thủ vi cường
Như ngoài biển Đông
Chúng đánh cho tan tác những nhành hương
Những thành lũy của lương tâm
Không phải vì chúng mạnh
Mà vì lòng ta yếu kém
Không phải vì thiếu vũ khí
Mà vì một dân tộc chưa đánh đã chạy
Bao nhiêu người lính ngã xuống chẳng ý nghĩa gì
Bao nhiêu cuộc chia ly thành lời hứa hão
Người vợ trên sân ga lủi thủi bồng con quay về
Ý nghĩa không còn, trong đầu óc lãnh tụ cao nhất
Sinh ra những ý tưởng khinh bạc, chủ bại trước tội ác
Quay lưng dễ dàng
Tôi hình dung một dân tộc hoang mang tan nát
Những đứa trẻ không còn trường học, những người phụ nữ thường xuyên bị che mặt
Chống lại ý chí của họ
Bị đè xuống đẻ con
Chống lại giấc mơ của họ
Chống lại tình yêu đầu đời như vầng trăng thanh sạch
Một nhân loại phải bịt mắt trước roi vọt
Kẻ thù có ở đâu xa, ở trong chính ngôi nhà của mình
Trong cuộc sống bình an êm ả
Tự do mới nhú lên thì bị dập tắt
 
Đất nước học làm dân chủ mới sáng ra thì tối lại
Bọn cai tù mới nghênh ngang đi ngoài đường
Thói nịnh bợ tràn khắp
Không gặp mặt lãnh tụ thì không ngủ được
Không viết thơ ca ngợi thì không thỏa lòng
Không đập tay lên ngực mà thề thì không có chỗ ngồi trong bữa tiệc
Chúng quàng hoa hiếc lên nòng súng
Viết tên những kẻ độc tài vào mây trắng
Hái cả sen hồ cho bọn khủng bố
Trời xanh ở đâu, không xanh ở đây
Không có phút giây nào lòng ta yên ả
 
Tôi đi trên đường gặp toàn người lạ
Những người cẩn thận mang khẩu trang
Lén lút nhìn nhau sợ hãi
Những kẻ chiến thắng thổi kèn ca hát vung tay nhảy múa
Nhân loại nằm thở hào hển trên chiếc bàn đẻ
Sắp sửa sinh ra một nền hòa bình nhục nhã
Đến lượt nó, nền hòa bình ấy sẽ đẻ ra chiến tranh và nô lệ
Tổng thống Biden nói: tôi sẽ không để chiến tranh kéo dài đến tổng thống thứ năm
Ông không biết: di sản lương tâm tệ hại này sẽ còn sống với tổng thống thứ mười lăm
Nước Mỹ sẽ còn ăn nằm với nó
Nhân loại sẽ còn điêu đứng vì nó
Tôi buồn bã ngồi xuống cát bỏng
Mặt trời tháng Tám nóng rừng rực đi qua
Như con mắt mù, trong nạn cháy rừng nhiều ngày
Khí độc bay đầy trời
Bầy chim sẻ sà xuống quanh tôi
Cất tiếng kêu oan về những cánh rừng đã cháy
Tôi tưởng tượng một cơn mưa sắp tới
Không phải cơn mưa hồi sáng
Lắc rắc vài hạt
Cái gàu nước để ngửa ngoài sân không đầy
 
Mà cơn mưa dữ dội, nặng hạt, tuôn trào như thác lũ, trút qua ngàn lỗ hổng, qua những đèo những suối
Trút qua những kẽ tay cuối của thời gian hiểm nghèo
Thấm khắp mặt người
Thấm vào hồn ta
Ngọn nguồn dũng cảm bao la xô đổ lòng sợ hãi
Xóa sạch những ngụy biện, chua ngoa, xóa sạch khuôn mặt
Của tổng thống Ashraf Ghani bỏ chạy, tôi nghe tiếng thét gào
Của những tâm hồn bị bắn hạ
Những đứa bé gái mười ba mười bốn tuổi bị hãm hiếp
Những tượng Phật bị đập nát ở Afghanistan
Dưới bầu trời sao băng nhức buốt
Tôi ngồi đọc lại cuốn sách của Fawzia Koofi, Letters to My Daughters
Câu chuyện của một người phụ nữ vượt qua bi kịch gia đình, người cha bị Taliban bắn hạ
Người phụ nữ sống chết với tình yêu, những bức thư gởi con của người đàn bà dũng cảm
Tôi nhìn khuôn mặt dịu dàng như một nhành hoa, như mặt nguyệt
Những hạt thóc vàng bay tung tóe
Những bài thơ ca ngợi tự do và các thi sĩ
Những triết lý hư ảo về cuộc đời
Nhưng cuộc đời sẽ đục hơn, đời người trở lại phù du
Non sông hai mươi năm tàn phá, sắp được mùa, nay mất mùa
Cuộc đời đập tan hy vọng của chúng ta
Hòng chúng ta quên đi không nhìn ra số phận của mình trong dân tộc ấy
Một ngày hóa tình nhân một ngày bỡ ngỡ
Mọi người ngoảnh mặt đi để sống cuộc đời mình
Bằng lòng, trống không, rỗng tuếch
Lo cho thân mình còn chưa xong
Cần biết gì đâu những mênh mông nhân loại
Tôi từng mơ ước có ngày được đến Afghanistan
Uống chén trà thơm, ngồi giữa những anh em
Vắt kiệt lòng nhau bằng những đóa hoa sen
 
Những kẻ sợ chiến tranh mang chiến tranh trở lại
Cơn động đất số hai, cơn bão số ba
Những tên hề ngồi ở các văn phòng xa hoa
Không cần biết những người tối tăm mặt mũi
Lo toan trồng một gốc đào dưới mưa xuân
Những cánh cửa tự do mở ra rồi khép lại
Trong lễ tang này tôi tới đứng nghiêm trước hàng bia mộ
Thôi đi chúng ta đã mơ mộng quá nhiều
Sao lại quên sự sống cầm trên tay
Quên tình yêu như hạt muối
Rồi sẽ qua đi những ngày đại dịch
Những ngày ta giãn cách với người yêu bằng mặt nạ
Nhân loại vượt qua thời gian khốn quẫn
Nhưng không thể vượt qua chính lòng mình, như mùa hè không còn mật
Đành lòng sống những ngày vô vị
Quên đi những ôm hôn rạo rực đất trời
Tôi tự hỏi nhà văn nữ Koofi đang ở đâu, lưu lạc nơi nào trong lửa khói
Trong cuốn sách của mình, bà nói: “they often try to kill me”.
 
Buổi trưa tôi đi dưới mây trời lắng nghe nhân loại tập nói lần thứ nhất
Tiếng nói thiêng liêng, không phải nhiều lời
Như khi em nghiêng người bên bờ suối
Mê một cụm mây bay
Em của lòng tự do, của tận cùng yêu thương
Chống chất những đêm buồn
Một dân tộc không có nỗi một kháng cự nào
Một nhân loại không có sự phẫn nộ nào
Trong khi khuôn mặt em đầy khói súng, nằm giữa ngã ba đường
Một ngày không cạo râu, một ngày không chải tóc, tôi đi dọc bờ mương, không biết nói với ai về nỗi buồn của mình
Nói ra chỉ tổ làm chúng cười
Như một thằng điên
Ai quan tâm đến một vùng xa lạ?
Đi theo đám tang dưới trời mưa không biết tên người chết
Đám tang của một đất nước đi tới tự do rồi sẽ có những đất nước khác đứng lên vì họ
Như anh trai đỡ đần em gái
Như người vợ đỡ đần chồng trong ngày nằm bệnh
Sau cơn mưa, tiếng một cành cây khô gãy
Sau vườn, tôi thức dậy trong đêm
Nghĩ đến những cô bé Malala đang đi chân không ngoài bóng tối
Tôi tắt ti vi, ném tờ báo vào đống rác, lại mở cửa đi ra đường
 
Trăng lưỡi liềm lộn ngược
Một mùi hương thơm phảng phất đâu đây
Như khi cơn giận dữ đã qua, nỗi buồn man mác, lửa ma trơi chập chờn
Thấy con nai đi mãi giữa rừng sâu, qua suối
Thế giới đẹp vô cùng, dòng nước mát lịm
Máu ứa trên vết thương đã khô
Bão táp nhạt nhòa
Tôi viết bài thơ chẳng biết gởi cho ai
Chắc không có ai chịu đọc
Hay đọc mà lắc đầu
Nỗi buồn có mà như không có, ơ đẩu ở đâu
Vô duyên chi lạ
Tôi mở tung các cánh cửa
Sau những ngày hạn hán, không khí ngột ngạt
Tôi muốn thở rào rạt đất trời
Tôi trở lại chiếc võng ngoài hiên nhà
Nằm nghe tiếng dế thì thầm
Kêu trong cỏ, lắng nghe giọt lệ rơi trên má
Của một người em xa
Cuộc đời già mà vẫn thanh tân
Một nhân loại già mà còn biết khóc
Trên trang giấy, rơi những chữ vỡ lòng.
 
                               Nguyễn Đức Tùng
                                 August 15, 2021
 

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

THƯ GỞI CON TRAI NHÂN NGÀY LỄ CHA - Nguyễn Đức Tùng




Khi lên năm tuổi, một hôm con gọi điện cho ta nhắc rằng bảy giờ chiều hôm ấy có chương trình Jeopardy mà ta thích theo dõi, vậy ráng thu xếp về sớm. Ta cám ơn con về lời nhắc. Bất cứ cha mẹ nào khi nghĩ đến con, không phải chỉ nghĩ đến lời cám ơn của chúng dành cho mình, điều vẫn xảy ra, mà còn nghĩ đến lòng biết ơn của họ đối với con cái. Nhờ trẻ con mà chúng ta lớn lên, nhờ có chúng mà chúng ta được hạnh phúc làm người đi trước, che chở, chỉ đường. Nhờ có lời nhắc của con, hôm ấy ta về nhà sớm hơn mọi khi, mặc dù việc bận rộn, và có một buổi tối cả nhà cười phá lên trước cái ti vi vui nhộn, những câu hỏi hóc búa. Những cha mẹ đi làm việc bên ngoài thỉnh thoảng nên nhận được lời nhắc về nhà sớm như vậy, vì tuổi thơ mau chóng qua đi, khi bạn thu xếp được thì giờ thì bọn trẻ đã lớn, không cần chúng ta nữa. Ngày trước thỉnh thoảng cha của ta, tức ông nội con, vẫn dành thì giờ đạp xe chở con trai đi chơi nơi này nơi khác, hay từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Thật là những kỷ niệm khó quên. Một lần lúc lên bảy tuổi, ngồi sau yên xe đạp mải ngắm cảnh vật bên đường ta đút bàn chân vào nan hoa xe, ngay chỗ xích xe đang quay. Bàn chân phải. Ta thét lên hãi hùng vì đau đớn. Ta ngã xuống, máu chảy đầm đìa trên da thịt, trên mặt đường. Cái xích xe đạp và những nan hoa đã nghiến qua mắt cá chân trong, kéo rách một mảng da thịt rộng. Cơn đau làm ta ngất đi.
 

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

VÔ CÙNG DỊU DÀNG HOÀN TOÀN NGUY HIỂM – Nguyễn Đức Tùng



Có người nhìn thấy cô ta leo qua thành cầu, bước theo tay vịn đi lần ra xa. Đây là cây cầu bắc qua khe núi, rất xa mặt nước, có sáu tuyến đường, hai bên có đường dành cho người đi bộ, xe đạp, thành cầu khá cao, ở giữa những nhịp cầu chỗ dây cáp treo có thêm những ô nhỏ nhô ra ngoài, có lẽ để cho nhân viên tu sửa làm việc. Bốn giờ chiều ngày thứ sáu, giờ tấp nập nhất của thành phố. Người đàn bà mặc áo len màu xanh dương, quần jean xám trắng, đi giày thể thao, tóc quấn cao. Cô ta đang chập chờn leo tới sát mép cái ô nhỏ, chồm người ra cúi xuống, hai tay đeo chặt dây cáp, một chân gác lên chuẩn bị leo qua tay vịn cuối cùng. Đoạn này sông vừa ra khỏi núi, chảy như thác trút nước xuống réo ầm ầm, rồi khi qua khỏi cầu gặp vực sâu đột ngột trở nên im lặng. Xe cộ chớp đèn ra hiệu cho nhau, những người đi bộ dừng lại mỗi lúc một đông nhưng không ai dám đi thêm bước nữa. Cô ta xua tay ra dấu cho mọi người không được bước qua thành cầu, những người lái xe chạy chậm lại, tò mò, kinh ngạc. Một người đàn ông tìm cách trò chuyện với cô trong khi chờ cảnh sát tới. Một người nào khác đã kịp gọi cảnh sát. Họ đang trên đường chạy tới, nhưng di chuyển chậm chạp vì chiều thứ sáu xe cộ quá đông. Trong những phút ngắn ngủi này, trước cái chết, đây là cuộc đối thoại giữa người đàn ông và người phụ nữ đứng trên cầu.
- Xin lỗi, nhưng bạn có thể quay lại đây được không?

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

CÔ MÙI CÒN KHÔNG - Nguyễn Đức Tùng



Giữa hai nhân vật chính, Siêu và Mùi, trong tiểu thuyết “Xóm Cầu Mới” của Nhất Linh, có những câu chuyện lai rai tán gẫu nhỏ nhặt thế này:
Mùi hỏi:
- Quả trứng gì?
- Cô không biết à? Bây giờ cô muốn để một quả trứng đứng dựng trên đĩa, cô làm thế nào?
- Em chẳng bao giờ để nó đứng cả. Để nó nằm tiện hơn.
Siêu cười nói:
- Cô ngớ ngẩn lắm, đấy là nói thí dụ thế.
 

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

TÔ THÙY YÊN NGỌN GIÓ LẠ THƯỜNG SẼ THỔI TỚI – Nguyễn Đức Tùng


 
Con người có thể bị số phận vây khổn, bị lỗi lầm săn đuổi, bị thời gian ruồng bỏ, nhưng khi đêm tối xuống, vầng trăng là của hắn.
 
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi
 
Thơ Tô Thùy Yên là một đứa trẻ. Đó là tấm lòng thương yêu đối với cuộc đời.
Con người là sự sống tự ý thức về nó. Không những ý thức về nó mà còn về người xung quanh, về những mối quan hệ, ý thức về sự yếu đuối của cá nhân, cô đơn, sự cần thiết của người khác. Con người biết rằng khi tách khỏi nhân loại, tồn tại đơn lẻ, cuộc sống trở nên không thể chịu đựng được. Con người chỉ có thể tìm ra bản thể của mình trong mối quan hệ với người khác. Toàn bộ những quan hệ ấy đặt trên một điều cốt lõi, khởi thủy và kết thúc, đó là tình yêu. Không có nó, mọi thứ khác sụp đổ.
 
Trời dậy sáng
Như một lời nói mới
Hồng loang đám ruộng xa, hồng lên khóm tre cao
Mặt trời xao xuyến mọc
Ôi có hừng đông nào chẳng làm ta muốn khóc
Một ngày nữa xuống với đời ta
Vui biết mấy
Mà cũng buồn biết mấy
 

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

TRẦN MỘNG TÚ, MÌNH EM MỘT NGÔN NGỮ - Nguyễn Đức Tùng


Nhà thơ Trần Mộng Tú


Sức mạnh của một bài thơ nằm ở các chi tiết. Các chi tiết này cần phải được tả lại một cách sống động, với những màu sắc, vị trí, âm thanh, mùi vị của chúng. Đó chỉ là công việc của người làm thơ. Về phía mình, người đọc thơ cũng làm công việc của họ: bạn phải hình dung được nhân vật ấy, buổi tối ấy, ngửi được mùi máu, nghe được tiếng đọc kinh, nhìn thấy khung cảnh ấy. Khiếm khuyết từ một trong hai phía, nếu xảy ra, bài thơ sẽ thất bại.
 
Em gửi cho anh
ly cà phê buổi tối
mùi ngô non
nướng dưới cột đèn
 

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

THẦY DẠY VĂN CỦA TÔI - Nguyễn Đức Tùng


Thầy giáo Đỗ Tư Nhơn


Khi mọi chuyện qua rồi, tâm trí mờ ảo, ký ức không nguyên vẹn, tôi vẫn tin rằng ngôi trường của tôi, thầy và bạn, cũng như ngôi nhà của cha mẹ tôi, sẽ ở lại sau cùng. Kỷ niệm bao quanh những con người ấy, đường đi học, dòng sông tập bơi, trang sách dưới hiên thơm lài lý, sẽ dẫn tôi về chốn cũ.