BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chu Vương Miện. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chu Vương Miện. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ CHU THẦN CAO BÁ QUÁT


   Cao Bá Quát2

   MỘT CHỐN QUỐC OAI

   làm giáo thọ
   đêm đêm rừng hoang nghe tiếng hú
   tài học sánh ngang đất với trời
   ngày nào cũng nghe tiếng kêu cú cú
   chết đứng chết ngồi hay chết nằm
   một ngày cho tới cả ngàn năm
   có ai sống mãi mà không chết ?
   nhưng mà được nhục hay vinh ?

   một thầy một cô một chó cái
   một vua và bầy quan ăn hại
   chi hồ giả giã
   lập đi và lập lại
   khuôn vàng thước ngọc
   vĩnh viễn ngàn thu ?

   ba hồi trống dục đù cha kiếp
   một nhát gươm đưa đéo mẹ thời
   đất nước loạn ly
   khói lửa bời bời
   nhiễu nhiễu nhương nhương
   toàn bọn hủ nho
   mặt úp vào cái nồi
   toàn cháo
   cái đạo làm người
   quyết xoay bạch ốc lại lâu đài

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

TRẦN DANH ÁN, HẬU LÊ, CƠ ĐỒ - Thơ Chu Vương Miện


   

   TRẦN DANH ÁN

   nỗi lòng
   bốn mươi năm tạm trú đất Hoa
   nơi tạm dung không cửa không nhà
   một số anh em bị đày đi Tây Vực
   kẻ Hắc Long Giang kẻ Tùng Hoa
   đào mỏ than, mỏ chì, mỏ thiếc
   một số bị đày đi I Lê, Nội Mông
   đào Bô Xit
   trồng bo bo, cao lương, lúa mì, lúa mạch
   ta cùng Lê Quýnh đi chăn bò chăn dê
   trên vùng Cam Túc
   y Tô Vũ thời Tiền Hán thời xưa
   còn số anh em thừa kế sự nghiệp Bách Lý Hề
   chăn bò đẻ để mà lấy sữa
   thân phận lưu vong nói càng xấu hổ
   ở với Tây Sơn tù mút mùa lệ thủy
   vọt qua đây, đời cửu vạn muôn niên
   thế sự lem nhem thế thái loạn cuồng
   nơi xứ người không thầy chỉ thợ
   vua được chức ngang hàng huyện phủ
   có nơi ăn chốn ở vô quyền
   làm huyện quan lắm lúc hóa điên
   chỉ tháng tháng chờ ngày lĩnh gạo
   các di thần một phường bát nháo
   lớp bốc vác lớp bổ củi thuê
   lớp đi bàn phùn xẩy phá xa
   lớp kéo xe ngựa, lớp phụ đòn đám ma
   sống đại khái chờ ngày phục quốc
   vua quan nhà Thanh khi này khi khác
   nói qua loa lừa phỉnh lũ lưu vong
   lực lượng thì không, thực phẩm thì không
   toàn là chuyện phù du nước chảy giữa dòng
   nên đức vua hộc máu mồm ra chết tốt
   lũ quan tòng vong hèn và ngu dốt
   vừa chăn dê cắt cỏ cho ngựa ăn
   bốn mươi năm nhìn xuống chả nhìn lên
   Tây Sơn với Càn Long tuy hai mà một
   toàn là cướp, nên một đồng một cốt
   lừa dê non Chiêu Thống ngây thơ
   Càn Long là rợ Tiên Ty từ đó tới giờ
   cũng chỉ là phường bắc di mọi rợ
   bên An Nam Tây Sơn cũng chỉ là lũ giặc
   chiếm miền Nam miền Bắc
   của Chúa Trịnh Vua Lê
   một bọn cướp Bắc, một bọn cướp Nam
   vui vẻ đề huề
   nâng chén rượu Thiệu Hưng chia hai thiên hạ
   vua tôi nhà Lê bị đưa vào xiếc cả
   kẻ chết không nhắm mắt
   kẻ sống lê lết kiếp phàm phu
   nhìn về quê hương mà rên hừ hừ


Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

BUỔI SỚM - Thơ Chu Vương Miện


  


    BUỔI SỚM

    buổi sớm
    giống buổi trưa
    buổi trưa giống buổi chiều
    buổi chiều giống buổi tối

    có kẻ điên vì thời cuộc
    có kẻ vì gái
    vì tiền
    có kẻ vì làm thơ
    có kẻ giả điên
    để được nói bậy nói bạ
    và ở truồng

    một đời được bao lần Xuân Tết
    xuân tết tới hoài người có hay
    bao năm xuân tết đi chạy giặc
    tết xuân có đến rừng cỏ may ?
    77 tuổi nhìn tết xuân
    phố xá nơi đây vẫn nhộn nhàng
    ai tết ai xuân thì cứ nhận
    ai không thì lặng lẽ qua đường
    tết ta nơi xứ nguời tạp chủng
    ngang gió đông về thổi dửng dưng
    còn hai ngày nữa là ngày tết
    nhìn mai vàng nở sắt se lòng

             CHU VƯƠNG MIỆN

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

     

    XUÂN XUÂN

     mấy chục năm không viết thơ xuân
     năm tàn tháng lụn cứ qua dần
     mới đó mà đã gần tám bó
     bây giờ xuân lù lù sau lưng
     xuân của thiên nhiên của đất trời
     hết đông xuân lại đến bên người
     người vui hay khổ xuân o biết
     bốn mùa bát tiết tiếp nhau trôi

     một năm 365 ngày
     xuân đi rồi xuân đến
     tết đến rồi tết đi
     một năm mười hai tháng
     thảo nguyên cỏ xanh rì
     phía này sơn ca hót
     vọng lại tiếng từ qui
     ngồi quên trên bãi cỏ
     gió ngàn qua vi vu
     chung quanh hoa rừng nở
     cánh bướm bay nhởn nhơ
     xa xa tràng pháo tết
     xuân đến tự bao giờ ?

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

CHU VƯƠNG MIỆN VIẾT VỀ BÀ CHÚA THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG


    

          

 TIỂU SỬ:

Tên thật Nguyễn Văn Thưởng
Bút hiệu khác Phương Hoa Sử
Sinh ngày 21-11-1941 tại Phục Lễ, Thủy Nguyên, Kiến An .
Vào Nam năm 1954.
Từng theo học tại trường Trung Học Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi...
Từ 1962 đến 1966 : Hạ sĩ quan trừ bị ngành truyền tin
Năm 1966 : Giải ngũ - Công chức hành chánh
Đến Hoa Kỳ năm 1984.
Bắt đầu cầm bút từ đầu thập niên 1960, tác phẩm đăng trên nhiều Tạp chí tại Sài Gòn: Thời Nay, Bách Khoa, Văn Học, Tiền Phong...

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

Ðêm Ðen Hai Mươi Tuổi (1964)
Tiếng Hát Việt Nam (1965)
Trường Ca Việt Nam (1966)
Phía Mặt Trời Mọc (1968)
Ðất Nước (1987)
Văn Học Dân Gian (1988)
Tác Phẩm, Tác Giả (1988)
Bằng Hữu (1987).

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

VUÔNG CHIẾU THI NHÂN XƯA NAY - Thơ Chu Vương Miện


    


    VUÔNG CHIẾU THI NHÂN XƯA NAY 

     Bà chúa thơ nôm
     tọa trên gốc cây đề
     trước mặt bày mấy trái mít
     tay trái cầm cái quạt
     tay phải cầm bát bánh trôi nước

     Bà Huyện Thanh Quan
     lễ nghi học sĩ
     ngôì trên đống gạch hoàng thành
     cung miếu triều xưa đổ nát
     bên cạnh là một chiếc lồng
     nhốt con chim quốc ?

     Cụ Hồng Sơn liệp lộ
     đang đứng khóc
     một tay cầm bản văn tế thập loại chúng sinh
     một tay cầm pho bắc hành thi tập

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

THƠ LA THỤY QUA CẢM NHẬN CỦA HỒ TRỌNG THUYÊN VÀ CHU VƯƠNG MIỆN

Nguồn: 
http://chuvuongmien.blogspot.com/2017/11/chan-dung-nha-tho-la-thuy.html#more  

         

Giới thiệu Thơ, hay cảm nhận và phê bình Thơ cũng hoàn toàn do cảm nhận từ một cá nhân đến một cá nhân, dù khen hay là chê cũng chỉ là cảm quan của một người, tùy theo sở thích và trình độ, có bài thơ người này thích và có bài thơ người khác không thích và cũng tùy cảnh ngộ, người tha hương cảm được thơ người tha hương, người tù cảm được thơ người  ở tù, cuộc đời phong phú đa dạng, có đám cưới thì có chúc tụng mà có đám ma thì có những vòng hoa và lời phân ưu, mà đã có Thơ thì có ban Tao Đàn kèm theo đàn sáo và có người nghệ sĩ ngâm thơ và có người giới thiệu thơ, ngoài ra còn có người bình thơ 
Bình Thơ giống như bình nước, nho nhỏ chứa được chừng nửa "1/2" lít nước mà thôi, rất là giản đơn ngắn gọn, không giản kép như Ấm Thơ, Chậu Thơ, là hoàn toàn Tung tráng và Hoành tráng hơn, đại khái giống như người hát và người nghe hát vỗ tay, dù là hát rất dở, người M.C cũng đã nói như vầy: 'tàu chạy mau nhờ chân vịt, ca sĩ hát hay nhờ tiếng vỗ tay'
 
Người cảm nhận Thơ hay phê bình Thơ, không nâng thi sĩ lên được chút nào, ngược lại cũng không dìm nhà thơ xuống chút nào, chẳng qua là thủ tục hành chánh nó như vậy.
 
       Hỏi sông tuôn chảy âm thầm
       Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ
       Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ
       Người xa xăm ấy lặng lờ bặt tăm

                                              (HỎI)
 
       Đổi dời biển sóng dâu cồn
       Hồn nhiên "Sơn Nữ" mộng còn nguyên xuân
       Hoa tay lưu dấu mệnh phần
       Họa thi đan quyện chập chờn sắc không
       Bèo mây hụt bước phiêu bồng
       "Nằm nghiêng nhớ núi" sóng lòng vọng âm

                                         (Với Lương Minh Vũ)
 
       Thi hứng chừ đây có cạn nguồn
       Con tằm nhớ lá rối tơ vương
       Phải chăng kén khép chôn hoài niệm
       Lãng đãng hồn hoa đọng khói sương

                                       (Thơ không về)
 
Đọc những đoạn thơ trên của La Thụy, kẻ viết bài này liên tưởng tới bài thơ của Lý Thương Ẩn thời Trung Đường
 
 
       VÔ ĐỀ KỲ TAM
 
       Tương kiến thời nan biệt diệc nan
       Đông phong vô lộc bách hoa tàn
       Xuân tàm đáo tử ti phương tận
       Lạp cụ thành khôi lệ thủy càn
       Hiếu kính đản sầu vân mấn cải
       Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn
       Bồng lai thử khứ vô đa lộ
       Thanh điểu ân cần vị thẫm khan

                               Lý Thương Ẩn
 
       CHUYỂN NGỮ:
 
       Đoàn tụ làm chi muối sát lòng
       Gió đông thổi miết xác hoa tàn
       Thân tằm đến chết tơ còn vướng
       Nến đã thành tro lệ mấy dòng?
       Sáng ngó gương soi đầu tóc trắng
       Đêm ngâm thơ cổ ngó ánh trăng
       Bồng lai nơi đó đi bao lối
       Lạnh lùng nước dạt ngó chim xanh
 
Bài Liêu Trai cảm tác La Thụy làm dậy lại bầu không khí huyền hoặc, ma mị
 
       Chiêu niệm hồn hoa chờ hiển linh
       Hay là em hát khúc vong tình
       Trăng xưa tròn khuyết trời còn thắm
       Hạc cũ tụ tan đất có xinh?
       Một phút tâm đầu mơ dáng bướm
       Ngàn năm ý hợp mộng hình tinh

                           (Liêu Trai cảm tác)
 
Đọc bài thơ Liêu Trai cảm tác của La Thụy mà chợt nhớ Vương Ngư Dương:
 
       Cô vọng ngôn chi cô thính chi.   
       Đậu bằng qua giá vũ như ti.   
       Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
       Ái thính thu phần quỷ xướng thi !
 
        Nói láo mà chơi nghe láo chơi ?
        Dàn dưa lất phất hạt mưa rơi ?
        Chuyện đời nghe kể mà chán ngắt
        Nghe quỉ hồ ma nói mấy lời ?

                 (Bản dịch của cụ Tản Đà)
 
Một nhà thơ đương đại tức là “nhà thơ bây giờ” khác với nhà thơ Tiền Chiến và nhà thơ Cận Đại trước 1975. Nhà thơ Hiện Đại, là “nhà thơ thời Hại Điện” (là cúp điện lia chia), đựợc sáng tác trong ánh đèn dầu phụng, đèn sáp hay đèn cầy,  “Thơ Hiện Đại” so với Thơ Cận Đại trước 1975, hay so với Thơ Tiền Chiến trước 1945 thì hoàn toàn không bằng được một nửa !
 
Thơ bây giờ ngang với Nhạc bây giờ, nói chung là sáng tác vội vã và dở ẹc, không làm phiền người nghe “vì dở quá không ai nghe và dở quá không ai muốn đọc”.
 
Nhưng, thật may là thơ của La Thụy vượt lên trên cái xoàng xĩnh nhố nhăng của cái thời Hại Điện. Thơ La Thụy trong cái thời “Hiện Đại” này, đọc lên vẫn vương đậm chất thơ, hồn người, vẫn còn hương đồng cỏ nội, vẫn còn tình sông nghĩa núi, trân trọng và đáng quí vậy thay !
                                     
                                               Hồ Trọng Thuyên & Chu Vương Miện
 

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

LA THỤY, THI CA THI NHÂN - Chu Vương Miện giới thiệu


            


          LA THỤY, THI CA THI NHÂN
                                          Chu Vương Miện giới thiệu

Nguồn:




          

     TIỂU SỬ TÁC GIẢ

     * Bút hiệu: La Thụy      
     * Tên thật :   Đoàn Minh Phú
     * Nghề nghiệp: Dạy học (đã nghỉ hưu)
     * Hội viên Hội VHNT Bình Thuận.
     * Tác phẩm đã in:  Thơ Đời Ngân Vọng – NXB Văn Học 2014
     * Những tác phẩm đã in chung:
     - Tác Giả Thơ Việt Nam Đương Đại – NXB Thanh niên 2009 – Hoàng Hương Trang chủ biên
     - Những Bài Thơ Hay Và Lạ Xưa Và Nay (tập II) –NXB Văn Nghệ 2009 –Long Nguyên Trương Quang Nguyên chủ biên
     - Những Bài Thơ Hay Và Lạ Xưa Và Nay (tập III) –NXB Văn Nghệ 2010 –Long Nguyên Trương Quang Nguyên chủ biên
     - Thơ Hay Ba Miền – NXB Văn Học 2008 do BBT Thơ Hay Ba Miền chủ biên
     - In chung trong nhiều tuyển tập thơ khác.

     HỎI

     Hỏi sông tuôn chảy âm thầm
     Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ?  
     Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ
     Người xa xăm ấy lặng lờ... bặt tin.
     Lá vàng rơi rụng bên thềm
     Sao khuya lẻ bóng niềm riêng u hoài
     Hỏi trăng chếch bóng non đoài
     Vì sao Cuội vẫn đêm dài... tương tư.
     Hỏi tình sao cứ ơ thờ
     Hỏi sương  nhỏ giọt... cho thơ... ướt mềm.

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

THI CA THI NHÂN: LA THỤY - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện giới thiệu

        
    

   
          TIỂU SỬ TÁC GIẢ
          Bút hiệu : LA THUỴ          
          Tên thật :  Đoàn Minh Phú.
          Hội viên Hội VHNT Bình Thuận
          Email : phudoan56@gmail.com


           THI CA THI NHÂN: LA THỤY 
            M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện


      

          Quảng Trị đường xưa ươm kỷ niệm
          La Gi phố mới vắng tâm giao
          Ly hương khắc khoải thương mưa Bấc
          Biệt xứ bâng khuâng nhớ gió Lào ?
                                  (Vọng Cố Hương)

Chỉ cần 4 câu thơ thôi, cũng là một trường ca bi thương thống khổ! Năm 1972 ở Quảng Trị thành phố địa đầu của miền Nam và mùa hè đỏ lửa, bà con cô bác dân Quảng Trị, ai còn may mắn sồng sót lặng lẽ ra đi, đi nhiều nơi nhiều xứ, có nghĩa là bất cứ nơi nào "đất lành chim đậu" chả khác nào bài hát của nhạc sĩ Đinh Miên Vũ:

          Tôi lớn lên bởi Tam Giang nước mặn
          Những chiều không mây trắng lững lờ trôi
          Rồi xuôi ngược theo dòng đời năm tháng
          Ơn quê người mà chẳng nhớ quê tôi
          Quê tôi từ thủa nào
          Tháng ngày đời gieo neo
          Con chim kêu chiều chiểu
          Nghe vời vợi hắt hiu
          Câu hò sâu lắng
          Ru đời mình nghĩa nặng
          Ơi hò, ơi ơi hò!
                             (Hai Quê)


Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

THI CA THI NHÂN: PHAN PHỤNG THẠCH - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện giới thiệu


          
          Nhà thơ Phan Phụng Thạch


       THI CA THI  NHÂN: PHAN PHỤNG THẠCH
                            M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện

Phan Phụng Thạch tên thật là Phan Ngọc Thạch sanh năm 1942 tại làng Đạo Đầu, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mất vào ngày 24 tháng 2 năm 1973 tại bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng. Học ban Sử Địa Văn Khoa Huế. Tốt nghiệp khoa Khả Năng Sư Phạm tại Sài gòn. Dạy học và làm Quản thủ thư viện tại trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Nghệ Thuật từ năm 1964 đến 1973. Viết báo ký tên Phan Thu Hạ. 


TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

- Lưu Bút mùa hạ, nhà xuất bản Hạnh Nhơn 1973.
- Thơ Tình tuổi 30.
- Di  Cảo Thơ, nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 2014.
- Mơ hồ sương khói (bản thảo bị thất lạc).

        
         Nhà thơ Chu Vương Miện

 
       Khi nắng hạ trở về trong mắt biếc
       Các em rồi trăm đứa sẽ trăm phương 
       Ta đứng đó giữa muôn ngàn cách biệt
       Mắt rưng buồn mà hồn cũng mù sương
                                    (Lưu Bút Mùa Hạ)

       Lòng ta đó như sân trường tháng hạ
       Có các em chân nhỏ bước tung tăng
       Nếu ngày mai thầy trò người mỗi ngả
       Ta chia lòng theo muôn hướng xa xăm
                                  (Nắng hạ tình phai)  


Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

THI CA THI NHÂN: XUÂN LÝ BĂNG - Chu Vương Miện & M.Loan Hoa Sử


   


       THI CA THI NHÂN: XUÂN LÝ BĂNG 
               Chu Vương Miện & M.Loan Hoa Sử

Nhà thơ Xuân Lý Băng hay Đức Ông LM JB Lê Xuân Hoa hiện đã về hưu dưỡng ở Tòa Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Ông tên thật là Lê Xuân Hoa, sinh ngày 23 tháng 4 năm 1926 tại Diễn Châu tỉnh Nghệ An, ông thường theo học ở Diễn Châu, Nghi Lộc, Hà Nội, Sài Gòn, Gia Định. Ông được thụ phong chức Linh Mục vào ngày 19-7-1959.
Đến ngày 25-1-1998 được phong Giám Chức danh dự của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Đệ Nhị
Các tác phẩm đã xuất bản :
    1- Nỗi Niềm
    2- Hoa Vàng Sa Mạc
    3- Thơ Kinh
    4- Hương Kinh
    5- Hình Thơ
    6- Xin Một mảng chiều
    7- Kinh Trong thời gian
    8- Sẽ như thế nào
    9- Sử thi
   10- Thơ từ chuỗi ngọc
   11- Tuyển Tập thơ  Xuân Lý Băng

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

THỜI NHÀ SÀN - Thơ Chu Vương Miện


      
         Chu Vương Miện


       THỜI NHÀ SÀN
  
       sống mọi cà lơ
       du canh du cư vài năm rồi bỏ
       vào tuốt rừng sâu chặt cây vạt cỏ
       dựng túp nhà sàn ở tạm dăm năm
       có khỉ dòm nhà có chó leo thang
       trâu gõ mõ chim bắt cô trói cột
       nương bắp nương khoai ăn bằng muối hột
       hết mỡ mầu cuốn gói ra đi
       bây giờ tắm xong cùng biệt cùng ly
       duyên đã tận tình chia hai ngả
       con thuyền ra khơi chả gì non nả

       mừng cho nhau ngày hai đứa lâm hành

                              CHU VƯƠNG MIỆN

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

BA BÀI THƠ VUI TẶNG HAI BẠN THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VÀ LẠI QUẢNG NAM - Nguyễn Khôi


  

Ba bài thơ vui tặng hai bạn thơ Chu Vương Miện và Lại Quảng Nam
     
     1- XUÂN HÀ NỘI
     "Khách xa gặp lúc mùa xuân chín "  
                              Thơ Hàn Mạc Tử

      Mưa phùn ướt đẫm áo em
      Môi thì nhợt nhạt, tóc mềm rủ thương
      Mịt mờ sương phủ hồ Gươm
      Chừng xa nghe vọng tiếng chuông Tây Hồ
      Nhớ xuân xưa đón Giao thừa
      Ta đi "hái lộc" bên bờ Thiền Quang
      Xuân mưa thả cái dịu dàng
      Bên nhau hơi ấm từ nàng tỏa ra
      Mưa phùn quấn quít hai ta...
                 

     2- PHÊ BÌNH CÁI ĐÈO NGANG
        "Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà"
              Thơ Bà Huyện Thanh Quan

     Một cái Đèo Ngang bao tranh cãi
     Cứ hoài hoài Quốc Quốc với Gia Gia
     Tới đây "đứng" lại hay "ngoảnh" lại ?
     Đâu "chợ" bên sông,"rợ" mấy nhà ?
     Chỉ thấy
     Núi trơ trụi, bãi sim mua cằn cỗi
     Bặt cánh chim, ầm ĩ biển vỗ bờ...
     Anh hay cãi
     Anh ăn sóng / nói gió
     Nổ "phê bình"... phải/ trái gió bay
     Ai yêu nước / ai Việt gian bán nước ?
     Hay gì cuộc Nội Chiến dằng dai ? !
     Ôi,
     đường Nam Tiến gánh gồng đi chiều dọc
     mà "phê bình" lại quay ngoắt
    Đèo Ngang !?!

                 
     3- CẢM THƠ LÊN ĐỈNH ĐÈO NGANG
           "Lòng một tấc son còn nhớ nước
            Tóc hai phần bạc vẫn thương thu"
                                    Thơ Hương Sơn

     Thực chẳng  may sinh ra là Người Việt
     ở Miền Trung nắng gió Trời đày
     Qua sông Gianh lại đến duềnh Bến Hải
     máu Việt tuôn thù hận ngút trời mây...
     Ta ở đây mơ sang Úc / Mỹ
     "Thế giới Tự do" được quyền làm Người
     được làm việc dưới Mặt trời chói lọi
     Lao động hết mình và được xả hơi...
     Ta ở đây dẫm chân tại chỗ
     lên Cao Tầng lại ngó xuống chân
     Ôi con "lộ" như đóng băng: xe cộ đứng
     lên đỉnh Đèo Ngang
     ca khúc "4000 năm
     Ta lại là Ta"
     chợt nghe tiếng Gia Gia / Quốc Quốc
     vạch Trời lên
     GÀO
     một tiếng
    Thầm !  (1)

     Hà Nội 15/3/2017
     NGUYỄN KHÔI

    ----

    (1) Đáo địa nhất vô thanh.

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

TRAO ĐỔI VỚI ÔNG CHU VƯƠNG MIỆN - Lại Quảng Nam


                
                  Nhà biên khảo Lại Quảng Nam


Kính gởi  ông Chu Vương Miện
1
Trưa nay nằm đọc lại email trên laptop, tôi kinh ngạc về lời trong thư của ông. Phàm khi muốn tranh luận với ai về một đề tài gì thì nguyên tắc chung là chỉ trích xuất các từ trong văn bản đó mà thôi. Vậy mà Ông đã sai ngay từ đầu. Trước khi tôi phản hồi với ông tôi xin nhắc lại hai điều mà tôi cảm  nhận về ông.

THƯ GỬI ANH LẠI QUẢNG NAM - Phiếm đàm của Chu Vương Miện


             
                   Nhà thơ Chu Vương Miện


              THƯ GỬI ANH LẠI QUẢNG NAM
                                     

Kính Anh!

Rất hân hạnh được đọc bài viết của anh do anh Nguyễn Khôi chuyển lại, không có đầu đề, chẳng qua là nối điêu "tiếp theo bài viết của nhà thơ Quách Tấn"
Qua nội dung của bài viết của anh, chúng tôi ghi nhận được vài điều xin ghi lại để tiện trao đổi :
1- An Chi là " học giả đừờng phố ".
2- Tiến sĩ thời nhà Lê Trần Danh Án là Việt Gian.
3- Xỉ vả không thương tiếc  Ban Giáo Sư Tiến Sĩ đã biên tập và chú giải một cách nhếch nhác về bài thơ này trong Ngữ Văn lớp Bảy (7) mấy mươi năm qua.
4- Các  giáo sư ngày trước (có nghĩa là trước 1975) đã không toàn tâm toàn ý... để hầu như 99% đều đọc là "Rợ mấy nhà".
5- Ngoài ra các lớp đàn anh, họ còn dựa vào Phép Ngụy Biện "Van vái tứ phương".
Đọc xong bài viết của anh Lại Quảng Nam, tôi Chu Vương Miện rất cảm động về tấm lòng yêu nước và tha thiết với văn học Việt Nam của anh, nhưng hoàn cảnh đất nước đổi thay, sách báo miền Nam bị tịch thu và đốt hết, tất cả các tác phẩm của các tác giả miền Nam "in thành sách" đều bị liệt kê vào loại sách Phản Động "cấm lưu trữ và lưu hành". Tôi (CVM) vần C, đứng gần đầu sổ, và trên 200 văn nghệ sĩ bị đi tù, có người đã chết như thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn...
Nhưng bài viết của anh quá ngắn và lại "không trích dẫn "Nhà văn An Chi là Nhà Văn Đường Phố". Nhà văn đường phố là loại nhà văn gì ? Tiến sĩ Trần Danh Án là Việt Gian ? Việt Gian ở chỗ nào ? Việt Gian cho ai ?
Rồi đến các vị soạn sách Giáo Khoa, sau 1954 đến 1975 thì Nam hay Bắc cũng giống nhau, đó là thời kỳ loạn lạc, trường học, lớp học cũng lôi thôi, có nhiều miền trong "vùng giải phóng" phải học ban đêm, dưới ánh đèn dầu.
Chu Vương Miện di cư vào Nam, giữa năm 1954, nhưng đến tháng 12 năm 1955 trường Trung Học Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi mới khai giảng, lý do là trường đang xây cất bị bão làm sập, thầy hiệu trưởng là thầy Nguyễn Văn Nghi, chỉ là giám thị trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang, chỉ có bằng Trung học rồi sửa thành bằng Tú Tài, sau một năm nội vụ bị phát giác thì bị cách chức Hiệu Trưởng nhưng lại thăng làm Quận Trưởng quận Tư Nghĩa, giáo sư Hà Như Hy (em ruột của giáo sư Hà Như Chi; anh ruột của bác sĩ Hà Thúc Như Hỷ) về làm hiệu trưởng, lúc đó trường chỉ có duy nhất giáo sư Bùi Đức Chu người Quảng Ngãi, giáo sư Bảo Phốc (người Huế)  và giáo sư Chu Duy Kham (cháu của giáo sư hiệu trưởng trường Nguyễn Hoàng tỉnh Quảng Trị là giáo sư Chu Duy Khánh) là có bằng Tú tài 2, phần còn lại toàn là Tú Tài 1 (tương đương  lớp 11 bây giờ) và các giáo viên tiểu học. mãi đến năm 1958 mới có các giáo sư tốt nghiệp Sư Phạm cấp tốc một năm về giảng dạy cho lớp Đệ Tam (đệ nhị cấp).
Xin bạn Lại Quảng Nam mở lòng từ tâm, mà chấp nhận  đất nước của chúng ta trong hoàn cảnh như thế, loạn lạc gần trọn một thế kỷ! Có chuyện cần làm ngay mà cũng có chuyện làm từ từ, chuyện người trước chưa làm xong thì để cho người đời nay làm. Trước làm sai thì sau sẽ số gắng làm cho đúng.
Theo cách bạn viết thì Học Giả An Chi "câm mồm không dám nói, không dám phản biện với bạn”, vì ngu quá ? Ban soạn sách giáo khoa toàn Tiến Sĩ cũng im luôn.
Suy nghĩ như vậy bạn tự trở thành một thứ Đông Phương Bất Bại, trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, và Độc Cô Cầu Bại trong Thần Điêu Đại Hiệp, không ai dám lên tiếng với bạn, vì họ ngu dốt qúa,hèn hạ quá! Còn những người đã qua đời như tiến sĩ Trần Danh Án và những vị soạn sách giáo khoa mà bạn chê cũng đành ngậm cười nơi chín suối!
Ý kiến của người viết bài này, rất thô lậu quê mùa, bài bạn viết hay những bài bạn đã viết, không ai dám lên tiếng ! Lý do giản đơn như sau :"là trong bài viết về Văn Học, Văn Hóa của bạn có quá nhiều Từ Ngữ "Chợ Búa Hàng Tôm, Hàng Cá & Đường Phố Bến Xe; Vỉa Hè, nên đa số dân cầm bút văn chương "trói gà không chặt" không hiểu là bạn nói cái gì ? bạn viết cái gì ? và bạn chửi cái gì ? và cũng hoàn toàn không đủ chữ nghĩa Hè Phố để bồi đáp bạn, " trao đổi với bạn ", đành chịu thua bạn.
Bạn là dân Quảng Nam, con dân của một miền đất có truyền thống cách mạng, là một nơi Địa Linh Nhân Kiệt,  nhiều Công Thần Danh Tướng, nhiều nhà Nho Lỗi lạc,  nhiều phong trào Văn Thân, Cần Vương, Duy Tân, bạn là một người có ăn học và  có học vị "Cao Học", lại là một người cầm bút nổi danh, chuyển dịch thơ Đường, các bài biên khảo giá trị. Bạn phải giữ tư cách cho bạn, Văn Chương; Văn Học đâu có phải là chỗ đầu đường hay bến xe  để cho bọn Chí Phèo Tung Hoành.
Viết đến đây có lẽ cũng cạn lời, bạn coi kẻ viết những dòng chữ tâm huyết này là thù hay bạn cũng tốt! Dù sao đi nữa thì giữa tôi và bạn cũng có môt thời coi nhau như bằng hữu.
                                                                                         Kính
                                                                               Chu Vương Miện

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỚI THẠC SĨ LẠI QUẢNG NAM - Phiếm luận của Chu Vương Miện


        
             Nhà thơ Chu Vương Miện


                      MA MỊ
          (Trao đổi với Thạc Sĩ Lại Quảng Nam)

Được biết anh, chưa tới 25 tuổi đã tốt nghiệp Cao học. Bây giờ sau 42 năm, chúng ta còn may mắn sống sót qua cuộc "kim kiếm điêu linh" thật là mừng. Xin trao đổi về từ Ma Mị, theo anh thì từ Ma không có nghĩa nào Tốt Đẹp cả.
Chu Vương Miện chỉ Thống Nhì với anh ở quan niệm này mà thôi, không thể thống nhất được. Nếu dùng từ Nhất Trí thì cũng chỉ là Nhất Trí Thôi, chớ không Nhất Trí Cao được.
Mở vài trang ở vài cuốn tự điển, thì Chu Vương Miện thấy như sau :
- Ma là một loại cây có vỏ, có thể tước ra phơi khô, xe lại thành dây để cột (như cây gai còn có tên là cây tầm ma, cây trữ ma)
- Ma có nghĩa là cha, các Hoàng Tử con của vua Khang Hy gọi Ngài là Hoàng A Ma, còn Hoàng A Nương Là Mẹ, là Hoàng Hậu"
- Ma thuật là chiến thuật tác chiến quân sự, khi ẩn khi hiện, làm cho quân địch không biết đâu là thật đâu là giả để dành lấy thắng lợi.
Chữ để diễn đạt nghĩa, không có từ nào chỉ để diễn tả cái xấu, và cũng không có từ nào chỉ để diễn tả cái đẹp ?
*
Từ MA MỊ mà nhà văn Lê Mai choàng vào thơ của nhà thơ Nguyễn Khôi, là quyền của nhà văn Lê Mai, còn đúng được bao nhiêu phần trăm lại là phần chung của người đọc, chứ không có nghĩa là ai cũng giống như nhà văn Lê Mai. Chúng tôi không có ý khen hay chê mà chỉ tham gia vào giải nghĩa từ chữ mà thôi.
Anh Lại Quảng Nam có đề cập tới Mị Nương và Mị Châu là hai Mỹ nhân có mang từ Mị, (hình như để trả lời riêng với bạn Phú Đoàn) mà không đề cập chi nhiều tới từ Ma. Vậy trước khi đi tới diễn giải từ Mị, chúng tôi xin lạm bàn về từ Ma trước.

MA
Ma Thiên Lãnh là một Ải tối quan trọng của nước Đông Liêu, tức là nước Cao Ly, vào thế kỷ thứ 7, thì Sử Trung Hoa còn chưa mở mang, họ cũng không biết nước Cao Ly là nước nào, mà họ chỉ biết nước Liêu ở Phương Bắc, tiếp giáp với Sơn Hải Quan của tỉnh Hà Bắc "bây giờ là Bắc Kinh" gần với sông Áp Lục mà qua sông này là nước Cao Ly, mà nằm về phía Đông của nước Liêu, nên họ gọi là Đông Liêu  (tức là nước nằm về phía Đông của nước Liêu). Ải Ma Thiên Lãnh là một vị trí chiến lược quan trọng vào bậc nhất, bên cạnh núi là vực thẳm của biển cả, vì nếu chiếm được Ải Ma Thiên Lãnh thì chỉ đi chừng 50 dặm nữa là đến một vùng mỏ vàng Lộ Thiên  Kim Ô, tha hồ mà tiếp thu, đó là lý do nhà Đại Đường mang quân chinh phạt nước Cao Ly. Lý do phụ là chậm ngày Cống Phẩm, đáng lẽ phái đoàn đi về phía Tây đến Lạc Dương, Hà Nam thì lại đi về hướng đông. Còn lý do chính là nước Cao Ly (Đông Liêu) có mỏ vàng lộ thiên, cứ xúc mang về nấu lỏng ra đổ vào khuôn là mang ra xài thoải mái, không phải mất nhiều sức lao động chi cả. Thành ra cứ thường xuyên lấy cớ mang quân sang chiếm "dạy cho bài học nhớ đời". Cứ bổn cũ soạn lại, đi Tiền Phong là các bạn Hỏa Đầu Quân dưới quyền Nguyên Soái Tiết Nhơn Quý, khi thành công thì toán này đi chỗ khác chơi, mà dành cho Lỗ Quốc Công Trình Giảo Kim với mấy chục chiếc xe goòng, cấp kỳ ngày đêm khuân vàng ròng lên xe, rồi chuyển xuống thuyền mang về nước Tàu. Càng học cho đến khi Mỏ Vàng Lộ Thiên hết ráo, thì người Hán không còn mang quân dạy cho nước Đông Liêu một bài học nào nữa.
- Đơn Kiếm Diệt Quần Ma là tác phẩm kiếm hiệp Chưởng cùng môn phái với đại văn hào Trà Lương Cấm Dùng.
- Lục Chỉ Cầm Ma cũng giống như trên, nhưng có xuất xứ từ pho Lục Mạch Thần Kiếm, dùng 6 đường chỉ lực để giữ con Ma lại không thì sợ con Ma biến mất!

MỊ
Thời Hùng Vương con trai Vua được gọi là Lạc Hầu (văn) và Lạc Tướng (võ), con gái gọi là Mị Nương tức Công Chúa. Vào thời Nhà Thục thừa kế nhà Hùng Vương thì gọi khác đi, con gái là Mỵ Châu. Nếu xét về từ chữ thì Mị Nương đã sai rồi , bài thơ ca dao truyền khẩu như sau :

Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu hát thì thậm hay 
Cô Mị Nương vốn ở lầu tây
Con quan Thừa Tướng ngày rầy cô cấm cung 
                                          (Lời ca dân gian) 

Như trên đã dẫn, từ Nương chỉ để dành cho con Gái nhà Vua  mà thôi (như Công nương Diana), còn con quan Thừa Tướng ai cho phép được gọi là Nương (Mị)?
Thôi bỏ qua chuyện này, chúng tôi trở lại với từ Mị, Giai nhân Mị Nương được chàng Ca Nhạc Sĩ Trương Chi ngưỡng mộ, còn Trương Chi thì cũng được ngưỡng mộ lại, nhưng khi gặp nhau thì kết quả không ra cái gì! Chàng Ca Nhạc Sĩ ôm mối tình tuyệt vọng mà thác, thân xác thì tan thành cát bụi để trộn với vôi xây lâu đài, còn trái tim thì được đục đẽo cải tạo thành cái ly uống nước trà, mỗi khi nàng Mị Nương uống trà thì hình ảnh anh chàng thuyền chài nghèo khổ mặt rỗ mắt toét, xuất hiện trên ly trà, và tiếng hát xa xưa vọng về. Mị Nương thương cảm rớt nước mắt trên ly nước, sau đó thì nước và ly nước tan ra thành nước hết.
Mị Châu là con vua Thục An Dương Vương, vì mắc vào Kế Nam Nhân nên thân bại danh liệt và bỏ của chạy lấy người. Chạy đến chân núi Mộ Dạ thì thần Kim Qui hiện lên và phán ngay rằng : "Giặc sau lưng nhà ngươi đó", thế là An Dương Vương bèn rút kiếm, chém một nhát cô con gái cưng Mị Châu đi đời nhà ma! Máu của Mị Châu từ cổ chảy lênh láng xuống biển, các loài nhuyễn thể như con trai, con sò, uống phải nên kết tinh lại thành những viên ngọc trai tuyệt đẹp tuyệt đắt giá.
Phần trên là trái tim của chàng Trương kết thành khối Ngọc Người. Phần dưới thì máu Mị Châu kết thành Ngọc Trai.
Ma Mị có nghĩa chung chung là mối tình lâm ly bi đát, có thể mang diễn thành tuồng tích hay soạn thành phim truyện để chiếu thành cinema.
Và người viết này tức Chu Vương Miện đang chờ Thạc Sĩ Lại Quảng Nam chỉ bảo cho đôi điều phải quấy.
                                                                                          Kính!
                                                                                Chu Vương Miện 

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỚI HAI ÔNG NGUYỄN BÀNG VÀ NGUYỄN KHÔI - Phiếm luận của Chu Vương Miện


          
               Nhà thơ Chu Vương Miện


TRAO ĐỔI

Kính gửi Huynh Nguyễn Bàng & Huynh Nguyễn Khôi.
Tiểu đệ đã đọc bài viết của Hai Huynh nặng về Ngôn Ngữ Học "kèm theo Thư Mục hoàn chỉnh của một thời quá độ mà giá trị thực tiễn không còn lại bao nhiêu" vì thời gian qua quá mau và quá nhanh, mọi sự mọi chuyện đã thay đổi, tiểu đệ mang tâm trạng của nhà thơ Phùng Quán để trao đổi với hai huynh, mục đích là tìm học tận cùng cái đích của sự hiểu biết :

           Hỡi cô bạn sinh viên trường đại học 
           Vẫn cùng tôi luận luận bàn bàn
           Kiến thức hai ta dù góp lại 
           So với đời chỉ độ tấc gang ?
                        (Thơ Phùng Quán)

Xin được vào đề ngay, từ "Ma Giáo" hay "Tà Ma Ngoại Đạo" đa số chúng ta hiểu theo những bộ trường giang tiểu thuyết dã sử của Đại Văn Hào Kim Dung (được chế độ Hoa Lục công nhận là bốn vị Đại Văn Hào số 1 của Trung Quốc thời cận đại, Kim Dung chỉ đứng sau Lỗ Tấn và đứng trước Ba Kim, còn một vị thứ tư nữa thì tiểu đệ quên mất), những điều tiểu đệ trình bày ở đây là hoàn toàn có tham khảo vài vị "Sa Môn" và "Tỳ Khưu" kiến thức đã được cập nhật mới toanh.
- Tà Ma Ngoại Đạo có nghĩa là đạo từ bên ngoài truyền vào nước Hoa Lục  từ cuối thế kỷ thứ 5 đầu thế kỷ thứ 6 là Phật Giáo Thiền Tông, thời kỳ sau nhà Đông Tấn đến Nam Bắc triều, Hỏa Giáo thì truyền vào đầu thời nhà Bắc Tống thế kỷ thứ 11, Tà theo người miền Tây Nam Bộ và người Việt gốc Miên có nghĩa là Ông Thần.
Ma thì đúng là có tới 28 nghĩa như Huynh Nguyễn Bàng đề cập ở trên, nhưng ở bài này thì tiểu đệ diễn giải theo sự hiểu biết của tiểu đệ, theo Phạn Ngữ (Pali) thì :
- Bồ Đề Đạt Ma, chữ Đạt Ma ở đây có nghĩa là người đã đạt tới cảnh giác Ngộ Đạo, chấp pháp.
- Đức Đạt Lai Lạt Ma là vị Phật Sống "Hoạt Phật" ngang hàng với Ban Thiền Lạt Ma, vị Phật Tái Sinh.
Tà Ma có nghĩa là Ông Thần hiện đang còn sống, có phép mầu nhiệm cứu nhân độ thế, có nghĩa là một vị giáo chủ có võ công tuyệt luân như Trương Vô Kỵ dùng tuyệt học " Càn Khôn Đại Na Di Tâm Pháp" ghi trên tấm da dê cất dấu trong hang Quang Minh Đỉnh và bí quyết ghi trên sáu thanh Thánh Hỏa Lệnh, thắng được Lục Đại Môn Phái của Trung Thổ là Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Côn Luân, Không Động và... Sau Trương Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký thì tới Đông Phương Bất Bại với tuyệt học "Quỳ Hoa Bảo Điển" một phó bản của "Tịch Tà Kiếm Pháp" và Nhậm Ngã Hành giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo với đại công phu "Hấp Tinh Đại Pháp".
Nội Giáo của người Trung Quốc, cơ bản là Đạo Khổng và Đạo Lão Trang, Đạo Khổng là một đạo nặng về Luân Lý làm người công dân, trung với nước, hiếu với vua "Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung" hoặc Quân, Sư, Phụ, làm công dân thì phải tôn trọng Vua, rồi tới Thầy sau cùng là Cha.
Quan niệm nhân sinh là như thế, từ mấy ngàn năm rồi.  Thờ Trời, mà Hoàng Đế tức là Vua, là con Trời (Thiên Tử), khi không bây giờ xuất hiện một thứ Tôn Giáo du nhập từ bên ngoài vào mà chủ trương chỉ thờ Thần Linh mà thôi. Quan niệm này nó "chõi" với chế độ phong kiến đang lưu hành lúc đó, nên bằng mọi cách bị giai cấp thống trị liệt vào dạng Ma Giáo để tiêu diệt, chả hạn giặc Phương Lạp du nhập vào từ thời Bắc Tống có ngưồn gốc từ Ba Tư  (Iran) có tên là Mani giáo, truyền sang Trung Quốc chuyển thành Minh Giáo tức Hỏa Giáo chuyên ăn chay, thờ Ma (Thần) không uống rượu, không ăn thịt, không tà dâm, y như bài "Hỏa Ca":
Sống chả có gì vui, chết chả có gì buồn, hãy mang thân xác này đốt ra tro .
Giặc Phương Lạp là giặc chuyên dùng một cái thau bằng đồng để cỏ khô thơm vào đó, rồi đốt cho khói bay lên trời, còn tín đồ thì đứng thẳng người, hai tay dơ lên mà hát Hỏa Ca, bên cạnh là những dẫy đèn cầy, Phương Lạp là tên gọi của giáo Phái đầu tiên của Minh Giáo, sau đó thì chuyển thành Nhật Nguyệt Thần Giáo (vì chữ Minh vốn là hai chữ Nhật Nguyệt ghép lại), sau đó thì một bộ phận cùng giáo phái khác tông là Di Lạc Tôn, ở Tứ Xuyên thì có một bộ phận khác là Xí Hỏa Giáo và ở Vân Nam thì có một chi phái là Ngũ Độc Giáo.
Bài trao đổi lần thứ hai này, xin tạm kết thúc nơi đây. Rất mong là chúng ta còn trao đổi dài dài. Cả một rừng sách,tha hồ mà tham khảo, tha hồ mà trao đổi, anh em ta ở không, "đáp lời sông núi", tiểu đệ sẵn sàng bồi tiếp hai huynh
                                                                                         Kính.
                                                                             Chu Vương Miện

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỀ CÁC TỪ 'XÁCH MÉ", "MA MỊ" - Phiếm luận của Chu Vương Miện


         
               Nhà thơ Chu Vương Miện


                 TRAO ĐỔI VỀ CÁC TỪ 'XÁCH MÉ", "MA MỊ"
                                                                       Chu Vương Miện

Cùng các niên trưởng Nguyễn Bàng, Nguyễn Khôi, các thân hữu Châu Thạch, Phạm Đức  Nhì, nhà thơ Lê Mai, tiến sĩ ngữ học Nguyễn Ngọc Kiên... Toàn là những người quen cả.
Trong thời gian vừa qua,Chu Vương Miện phần thì tang gia bối rối, phần đau, máy vi tính thì bị " Sự ông Cố ", muốn lên tiếng minh họa nhưng không được. Nay tạm ổn nên có đôi dòng viết huề vốn là không khen ai, và cũng không chê ai, mà chỉ xin được giải nghĩa hai từ  :
1. Xách mé
2. Ma mị
Đầu đuôi cũng do hai từ này mà ra!
1. Xách mé :
- Là danh từ cũ cùng thời với từ cái trống Cổ, con vịt Cồ, Cổ và Cồ đều có nghĩa là Lớn, y như con Trâu Mộng vậy, ngoài ra còn chữ Kếch Xù nữa .
Ví dụ như chúng ta VÁC trên vai "ba lô, gùi, bó mía, bó rơm. Hai tay BƯNG nồi cơm, hai tay bưng chiếc mâm (dùng 2 tay). Nhưng XÁCH thì chỉ dùng 1 tay mà thôi (tay phải hay tay trái tay nào thuận) như xách va ly, cặp táp, xách đèn (đi câu ếch).
Nhưng dùng 1 tay để XÁCH đồ vật có chứa nước thì thường là nước chảy ra lênh láng, như xách cái nồi có nước, hay xách cái chảo có nước, ý nói là không hoàn chỉnh "không hoàn hảo"
2 Ma Mị :
Ma có nhiều nghĩa, nhưng giải cho nó đúng theo cái nghĩa của tác giả Lê Mai thì Ma có nghĩa là Con, chúng tôi ở miền Tây Nguyên bốn năm, có biết đôi chút về tiếng Rhade "Ede" và tiếng Chăm. Nguyên chữ ban đầu là A Mỉ Ma Thuột rồi chuyển đến là Buôn Thuột, rồi Buôn Ma Thuột, người Kinh Việt sửa lại thành là Ban Mê Thuột. Ban Mê Thuột là do người Việt sửa cho nó thống nhất, chứ thực ra không có ý nghĩa gì cả. A Mỉ Ma Thuột là quận nội thành, còn tên chính thức địa phương của tỉnh là DakLak, người Pháp cố sửa chữ Ê Đê có nguồn gốc giống người Pháp, là DacLac có nghĩa là cái nơi có Sông và Hồ
Bây giờ xin trở lại địa danh "A Mỉ, Ma Thuột" có nghĩa là " Bà Mẹ, Con Thuột". Bà mẹ thì rõ ràng là đàn bà, nhưng Ma Thuột chỉ có nghĩa là Người Con "không nam và không nữ " cũng như Người Tây Nguyên gọi :
- Ma Gà, Ma Chó có nghĩa là Con Gà, Con Chó không phân biệt gà lớn hay gà nhỏ, Gà Đực hay gà Mái, khi mang ra chợ bán,thì giá đồng hạng, gà trống nặng chừng 2-3 ký lô giá 1 đồng, gà mái nặng từ 1 đến 2 kí cũng 1 đồng và gà con bằng nắm tay cũng giá 1 đồng, và chỉ mua một con, trả tiền xong thì mua tiếp con thứ hai,
chứ mua một lúc hai con thì ngừơi Tây Nguyên không bán, lý do là trong số đếm họ chỉ có số duy nhất số Một (1) mà thôi.
MỊ : ngủ thì nằm mộng, nhưng thức thì hết mộng
          "Khi tỉnh rượu lúc tàn canh 
           Giật mình mình lại thương mình xót xa"
                                                              (Kiều)
Còn Mơ thì có thể không cần phải ngủ, thức cũng được, như trường hợp cô Bê Rét trong truyện của La Fontaine, cô này đầu đội bình sữa bò ra chợ bán chừng 5 lít, cô vừa đi vừa nghĩ bán xong cô sẽ mua một bầy gà con, rồi gà lớn cô bán đi... nhiều tháng cô để dành mua một con Bê, con Bê lớn thành con Bò cho nhiều sữa, tha hồ mà sung sướng, nghĩ tới đó thì cô vui mừng quá bèn nhảy lên, làm bình sữa đổ mất .
MỊ theo học giả Phạm Quỳnh khi phê bình thơ của cụ Tản Đà thì như sau : "Những người mắc bệnh MỊ thì cứ có cảm tưởng mình là Trích Tiên, hay Lý Thái Bạch bị trời đầy xuống trần gian, cứ rượu vào là trăm lần y như một, giống như có nhiều Diễn Viên (kép hát) thủ diễn xong vai tuồng trên sân khấu, trở về đời thường có nhiều người còn nhập vai có khi vài tháng sau mới hết, có người thì nhập vai luôn"
Vậy Ma Mị có nghĩa là một người được xếp vào loại không là Nam  và không là Nữ, thuộc vào loại Ma như Ma Gà... và MỊ là bị bệnh tưởng  na ná giống bệnh Mộng Du vậy!
Ma Mị có nghĩa là : " Nó bị bệnh MỊ "
Đây chỉ là ý kiến của "Cá Nhân" ? Vậy còn ý kiến của "Thịt Nhân" như thế nào ? Kẻ viết bài này xin lắng tai được nghe được chỉ bảo.

                                                                                Chu Vương Miện

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

PHÚ ĐOÀN, LA THỤY & TRẦN MINH TẠC - Thơ Chu Vương Miện


 
                  Ảnh Phú Đoàn


        PHÚ ĐOÀN

       Ta ra đi, mười năm sau
       bạn vào lớp đệ thất

       ta năm nay 76 tuổi, cũng đang ngồi chờ chết
       nắm xương tàn xin gửi lại quê người
       chúng mình sinh ra giữa thế kỷ 20
       ngoảnh mặt lại ôi buồn da diết
       bạn xa quê nghèo định cư Phan Thiết
       quê vợ hụt cuả ta! Bình Thuận năm nao!
       bắt chước nhà thơ Bùi Quang Đoài
       ngó lên vòm trời đếm những vì sao
       bao nhiêu vì sao
       anh còn yêu em hơn thế nữa!
       chuyện vàng thau cám heo lòng chợ
       từ xưa chừ vẫn chuyện dở dang
       chuyện váy chuyện quần
       chuyện phấn chuyện son
       chuyện guốc dép mỗi ngườì mỗi nẻo
       ta đâu  phải Chế Mân chết ngoẻo
       thành quách tháp vàng thau dùng để gối đầu
       cùng voi ngựa hàng hàng xếp lớp
       chả còn gì /ngoài một cánh đồng lau
       tình với nghĩa đỏ đen nơi sòng bạc
       vào quá vui tay nhẵn lại quay về
       tình với tiền không mũ nón cũng ra đi
       ơi Bình Thuận, Bình Tuy cũng là Phan Thiết ?
       60 năm toàn ly toàn biệt

       bạn giáo viên giờ cũng về hưu
       sáng sáng, trưa trưa, rồi lại chiều chiều
       nhìn khói tàu xuyên Việt chạy qua Mương Máng
       đời chúng ta nơi nào cũng là cõi tạm
       sống ít năm khăn gói rồi dông
       bấy nhiêu năm vẫn chỉ ngọn gió nồm
       ngoảnh mặt lại chốn nào, quê hương nhỉ ?

                                        Chu Vương Miện


      
        Anh Trần Minh Tạc và La Thụy


        LA THỤY & TRẦN MINH TẠC

        Một ngườì cùng lớp đệ ngũ năm 56-57
        Một người sau mười năm mới vào lớp đệ thất
        Cũng cùng nhau nhìn một ánh trăng rằm
        Mà kẻ Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam
        La Gi, Bình Tuy, Hàm Tân 
        Trước cùng sau, chúng ta 
        đều đồng khói đồng môn
        cùng chung nhau trường trung học Nguyễn Hoàng
        thời loạn lạc mỗi người mỗi nẻo
        năm 1972 lửa bay, đạn réo
        chỉ một đường binh duy nhất
        Quảng Nam, Đà Nẵng, Sơn Chà
        Vùng cát vàng bờ bãi Tiên Sa
        dăm túp lều căng camp book
        qua chuỗi ngày chạy loạn
        sau năm 1973 chia ra từng đoàn từng nhóm
        lớp Vũng Tàu, Bà Rịa, lớp Đồng Nai
        lớp Phan Rang, Phan Thiết 
        Hướng Quảng, Đồng Xoài
        Dân mất đất biến thành dân tứ chiếng
        những bước đầu du canh du cư
        khai hoang lập ấp
        đời giáo viên, lại tiếp tục giáo hòn
        mắt rợp nhìn toàn những rừng buông
        dọc theo hai bên đường tàu xe hỏa
        thời loạn ly kẻ đi người ở
        nước non mình từ Quảng Trị vô đây
        theo gót Huyền Trân ngậm ngái tháng ngày
        bao loạn lạc rừng thiêng khí độc
        bao thương nhớ cả một đời Phan Thiết
        heo hắt buồn Hàn Mạc Tử nơi nao!
        Lầu Ông Hoàng, Ghềnh Ráng ở phương nào?
        Nhà thơ ở Quy Hoà rên xiết
        Bình Thuận, Bình Tuy vẫn quê nhà Phan Thiết
        nước non Chàm bỗng chốc lại phân hai
        chuyện anh em mình  
        vừa đồng hương đồng khói
        lại đồng môn đồng khoai...

                                       Chu Vương Miện

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

TẠP THI - Chu Vương Miện


          
            Chu Vương Miện


            TẠP THI

             tục và tu
             tu và tục
             tục đẻ ra tu
             tu cứu lại tục
             ôi hoạ cùng phúc ?

             đời nội ăn mặn
             đời cha khát nước
             đời con không còn nước
             mà uống

             độc lập
             rồi độc ruột
             kẻ chết
             kẻ chờ chết
             dở sống dở chết
             sống cũng bằng thừa
             sống cũng như không

             không biết sống để làm gì ?
             chả lẽ đây là con tiên cháu rồng
             chả lẽ đất nước này
             là của vua Hùng
             tổ tiên là Lạc Long Quân ?

                          Chu Vương Miện