BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn CÂU CHUYỆN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CÂU CHUYỆN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

ĐỌC MỘT BÀI THƠ NHƯ THẾ NÀO - Nguyễn Đức Tùng


Tác giả Nguyễn Đức Tùng

 1. Đọc mỗi lần một chữ

Khi tôi học lớp Năm, có lần được thầy gọi lên bảng đọc cho cả lớp chép một đoạn trích từ cuốn Tâm Hồn Cao Thượng, bản dịch Hà Mai Anh, nguyên tác Edmond De Amicis. Đó là sách dạy chính thức trong nhà trường miền Nam thời ấy. Giờ ám tả, học trò lắng nghe, chép lên giấy. Năm cuối bậc tiểu học, chuẩn bị thi vào trung học, nên bài cũng khó hơn. Phải đọc từng câu, dấu phẩy dừng ngắn, dấu chấm dừng dài, các chữ tiếng nước ngoài phải đọc chậm. Khi thấy tôi luống cuống, chữ nọ xọ chữ kia, thầy bắt dừng lại, đọc chậm, với lời khuyên: em hãy đọc mỗi lần một chữ. Tôi đọc lại.

Sáng nay, chúng tôi vừa vặn có dịp xét đoán anh Garônê.
Giờ vào lớp, ông Perbôni chưa có đấy, ba bốn cậu đang thi nhau chế giễu anh Crôtxi khốn nạn – tức là cậu bé tóc vàng, tay liệt, con bà bán hoa quả. Họ lấy thước đánh cậu, lấy vỏ hạt dẻ ném cậu, họ gọi cậu là con quỉ què và mếu máo giả cách làm người liệt tay. Ngồi trơ một mình ở đầu ghế, cậu thẹn thùng và đưa mắt nhìn người nọ, người kia như để van lơn họ khỏi hành hạ mình. Được thể, bọn học trò càng làm già. Cậu phẫn uất quá, máu đưa lên cổ và phát run người. Thình lình, Phranti, một đứa học trò mặt xấu như khỉ, đứng lên ghế, khuỳnh hai cánh tay như người khoác hai cái giỏ, bắt chước bộ tịch mẹ cậu Crôtxi những khi đứng đợi con ở cửa trường. (Đã mấy hôm nay, bà không đến đón con vì bị ốm). Coi tấn tuồng câm ấy, học trò cười ầm cả lên. Crôtxi điên tiết, vồ ngay lọ mực trước mặt ném Phranti, Phranti né mình, lọ mực trúng giữa ngực ông Perbôni ở ngoài bước vào.
Mọi người hết vía, chạy trốn về chỗ và ngồi im thin thít.
Thầy giáo lên bục cau mày hỏi :
– Ai ném lọ mực ?
Chẳng ai hé răng.

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

BÍ MẬT HÀN MẠC TỬ (KỲ 1)CHÍNH DANH ĐỊNH LUẬN: MẠC HAY MẶC? - Phanxipăng


 
“Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi bị phản bội lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật.”
                                                                             HÀN MẠC TỬ
                                                                        (Tựa Thơ điên, 1938)
 
Trong văn học Việt Nam hiện đại, Hàn Mạc Tử (1912 - 1940) là một tác giả được tôn sùng, hâm mộ. Năm 1942, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Từ ngày Hàn Mạc Tử trừ trần đến nay, mới khoảng hai năm trời mà người ta đã nói rất nhiều và viết nhiều về Hàn Mạc Tử”. Còn tính tới lần giỗ thứ 60 của thi sĩ vào cuối thế kỷ 20 này, hàng nghìn cuốn sách và bài báo trong lẫn ngoài nước đã đề cập đến tài năng yểu mệnh ấy. Riêng các tác phẩm của Hàn Mạc Tử không những được chọn đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường, mà còn liên tục được ấn hành và... bán chạy. Thế nhưng, vì lắm lý do, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hàn Mạc Tử vẫn tồn tại hàng loạt “bí mật”, khiêu gợi trí tò mò đối với chúng ta. Thời gian qua, nhờ sự nổ lực tìm kiếm của một số người yêu quý nhà thơ qúa vãng, bao điều “bí mật” kia dần dần được “bật mí”. Bằng khối lượng tư liệu thu thập từ nhiều nguồn, loạt bài này hy vọng sẽ cung cấp những thông tin mà bạn đọc chưa có thể nắm được đầy đủ. TGM cộng tác viên gần xa góp phần bổ sung, hiệu đính bằng những chứng cứ xác tín về Hàn Mạc Tử để chúng ta hiểu rõ hơn, đúng hơn thân thế và sự nghiệp của một tài hoa đất Việt.
 
Kỳ 1: CHÍNH DANH ĐỊNH LUẬN: MẠC HAY MẶC?
 
Bấy lâu, phần lớn sách báo - Trong đó có giáo khoa trung học và giáo trình đại học - đều ghi bút danh chính Nguyễn Trọng Trí là Hàn Mặc Tử. Cạnh đấy, một vài tư liệu lại đề: Hàn Mạc Tử (không có dấu ﮞ). Vậy nên thống nhất cách viết, cách đọc bút danh/ bút hiệu của nhà thơ sao cho chuẩn xác?
 
Về vấn đề này, thiết tưởng cần tuyệt đối tôn trọng ý muốn của chính bản thân tác giả. Sinh thời, Nguyễn Trọng Trí tự chọn bút danh thế nào thì chúng ta hãy giữ nguyên thế ấy.
 

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

“THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH”, THƠ TUỆ SĨ – Tâm Nhiên



‑Vào một ngày nọ, cách đây mấy năm rồi, trên đường Thiên Lý Độc Hành *, Thiền sư Tuệ Sỹ đi bộ từ Đamri lên Đà Lạt rồi băng đèo Khánh Vĩnh xuống Nha Trang...
Khi đến cầu Đại Ninh, bóng chiều tà bảng lảng gần sụp tối, Thiền sư ghé tạt vô chùa Vĩnh Minh, tạm trú qua đêm...
Sớm dậy, trước khi lên đường hành cước, thầy Nguyên Hiền đem giấy mực ra yêu cầu Thiền sư đề thơ và Thiền sư đáp ứng viết liền:
 
"Tam thập niên tiền học khổ không
Kinh hàm đôi lũy ám tây song
Xuân quang bấy cố xuân quang lão
Thúy trúc tà phi túy mộng hồn
Nhẫm nhiễm trường mi thùy hoại án
Ta đà tố phát bạn tàn phong
Nhất triêu tán thủ huyền nhai hạ
Thủy bả chân không đối tịch hồng"
 
Thầy Nguyên Hiền cũng nhanh tay cầm bút dịch liền tại chỗ:
 
"Ba mươi năm học khổ không
Cửa tây kinh điển chất chồng mờ xa
Xuân quang chẳng biết xuân già
Mộng hồn trúc biếc bóng tà lất lay
Mi dài rũ án thư phai
Dần dà tóc trắng gió bay chập chùng
Sáng nay dốc đứng tay buông
Ngắm vầng dương suốt ngọn nguồn Chân Không"
 
Bài thơ đến bây giờ vẫn còn treo trên vách chùa Vĩnh Minh, dưới mái tây.
 
                                                                                      Tâm Nhiên
 
* Thiên Lý Độc Hành, thơ Tuệ Sỹ

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

HÀ NỘI, DƯƠNG TƯỜNG - Nguyễn Đức Tùng

           Xin đăng lại bài này để mừng nhà thơ chín mươi tuổi 
           (4. 8. 1932- 4. 8. 2022. NĐT)
 

Ngày 6 tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội, chúng tôi đến thăm nhà thơ Dương Tường tại nhà riêng. Dương Tường ngồi sau một chiếc bàn nhỏ và thấp chất đầy sách vở và ly tách giữa một căn phòng rộng dùng làm phòng triển lãm tranh. Tranh treo kín các tường. Chúng tôi gồm có Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Tùng, và nhiều bạn bè văn nghệ khác, người từ Sài Gòn ra, người ở ngay Hà Nội. Trưa hôm đó Dương Tường dẫn chúng tôi đi thăm phố và ăn trưa. Chiều hôm sau, 7 tháng 4, một mình tôi quay lại địa chỉ trên theo lời hẹn.
Buổi chiều Hà Nội nhiều nắng, nhưng mát, dịu dàng. Chiếc ngõ dẫn vào nhà ông sâu, quanh co, vắng người, như ở chốn quê. Anh chị Dương Tường đón tôi ở cửa, tươi cười, thân ái.
Ngồi gần bên nhà thơ, hai người trong căn phòng rộng và im vắng, tôi có cảm giác chất nghệ sĩ trong người Dương Tường toả ra thành một với những bức tranh trên tường. Buổi chiều có vẻ siêu thực.
 

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2022

CÁC BÀI THƠ VIẾT TRONG TÙ CỦA THANH TÂM TUYỀN VÀ TÔ THÙY YÊN - Nguyên Lạc


Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền
 
 
THƠ THANH TÂM TUYỀN
 
1. Bài không tựa đề

Mời các bạn đọc trích đoạn sau đây của văn họa sĩ Tạ Tỵ - viết trong hồi ký "Đáy địa ngục", chương IV- có ghi việc thi sĩ Thanh Tâm Tuyền tặng ông một bài thơ khi hai ông đang học "cải tạo" ở trại tù Yên Bái, Bắc Việt.
(Trích đoạn)

[ ... tôi qua buồng bên thăm Thanh Tâm Tuyền. Chúng tôi mới gặp nhau cách đây ít hôm, tuy ở sát vách. Trước đó, tôi nghe nói có Tuyền ở đây, không tìm ra, tuy đội tôi và đội Tuyền ngồi sát bên nhau. Từ ngày đi cải tạo, thân xác mỗi người đều đổi thay và áo quần lao động tơi tả, rách rưới, nhơ nhớp. Người nào cũng chụp mũ xuống gần nửa mặt để không muốn nhìn ai, và cũng chẳng muốn ai nhìn mình. Một buổi chúng tôi nhận ra nhau. Tuyền mở to mắt nhìn hỏi:
- Ông đó hả?
- Còn ông đó ư?
Chúng tôi cùng phá lên cười. Anh em xung quanh không hiểu gì, sững nhìn. Đội tôi bị gọi đi lao động. Tôi đứng lên, nói với Tuyền, mai sẽ ngồi đúng chỗ này để nói chuyện. Từ đó, chúng tôi mới đỡ cô đơn vì còn có nhau để tâm sự. Tuyền vốn ít nói, nhưng mỗi lời nói rất chắc, cũng như anh viết văn hay làm thơ. Tuyền dặn nhỏ tôi:
- Cậu ạ! đừng gọi biệt hiệu, sợ tụi nó biết, gọi mình là Tâm nhé!
Tôi cười dí dỏm:
- Cậu đánh giá tụi nó kém quá thế sao?
Tuyền vốn có bệnh trĩ, nên thường được nghỉ ở nhà làm việc nhẹ. Còn tôi, đã chán việc khai bệnh vì quá nhục nhã, nên thà lao động còn hơn, bởi vậy vấn đề gặp nhau cũng thất thường.
Sáng nay, tôi sang thăm Tuyền vì thấy cửa mở.
Vừa sang đến nơi, Tuyền đã cười khà khà:
- Chiều qua, nhớ cậu, làm được mấy câu thơ đây.
- Đâu, đọc lên nghe. Nhưng còn thuốc lào không?
- Để đi xin.
Tuyền định đi thì Trung, Đội Trưởng của Tuyền nhanh nhẹn đứng lên, đi xin thuốc giùm. Trung mang về một dúm thuốc “3 số 8” thơm phức. Tuyền nói với Trung
- Ông xin đâu hay thế?
- Ô thiếu gì, anh em mới nhận được quà mà!
Tôi vê thuốc cho vào nõ, châm lửa rít một hơi dài, thở khói xanh um, cả người bần thần ngây ngất vì đã lâu mới được điếu thuốc ngon. Tôi đưa điếu cho Tuyền. Nhồi thuốc xong, Tuyền cũng kéo hơi dài, thật dài nuốt luôn khói. Đôi mắt Tuyền lờ đờ như đắm chìm vào chuyến viễn mơ! Sau khi hả cơn say, Tuyền đọc:
Chờ cơm ôm bụng lép trên giường
Muốn sang thăm bạn cửa gài then
Chiều đổ cơn mưa, trời sập tối
Buông sách ngồi lên, ngó trống không!
Tôi nói với Tuyền:
- Đời chúng mình lúc này chẳng có gì để nhìn ngắm. Sau hơn hai năm bị đầy ải, miệng lưỡi đã tê mùi tân khổ, còn gì để ngóng đợi? Ba chữ “ngó trống không” nó cho tôi nhìn thấy hư vô, nhìn thấy cái cõi “Bất khả tư nghị” của Chân Như. Nó thâu tóm được biết bao nhiêu hình ảnh của kiếp sống phù du, công danh và sự nghiệp nào đó, mũ mãng cân đai nào đó, cũng chỉ là hư ảnh, có đúng vậy không cậu?] - Đáy địa ngục, Tạ Tỵ.

(Ngưng trích)
 

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2022

NGƯỜI VỢ CỦA BÙI GIÁNG - Vũ Đức Sao Biển



Đọc thơ Bùi Giáng, người ta nghĩ ông chỉ có những tình yêu viễn mộng. Ít ai biết ông đã có một người vợ đẹp và những bài thơ tình hay nhất của ông là dành cho vợ. Người phụ nữ ấy chỉ sống với ông trên đời có 3 năm.
 

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

VÀI NÉT VỀ NỮ SĨ MỘNG CẦM VÀ NHÀ THƠ HÀN MẶC TỬ - Nguyễn Như Mây sưu tầm


Tác giả bài viết Nguyễn Như Mây
  
Nữ sĩ Mộng Cầm tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, sinh ngày 17 tháng 7 năm 1917 tại Thu Xà, tỉnh Quảng Ngãi. Bà qua đời lúc 22 giờ 30, ngày 23 tháng 7 năm 2007 tại nhà riêng ở Phan Thiết (Bình Thuận), hưởng thọ 91 tuổi. Bà là cháu ruột gọi nhà thơ Bích Khê (tên thật là Lê Quang Lương) bằng cậu.
   
Lúc bấy giờ, bà là y tá ở trạm xá Mũi-Né từ một người anh lớn của nhà thơ Bích Khê. Còn Bích Khê đang dạy học tại các trường trung học Quảng Hiền, Hồng Đức ở Phan Thiết từ năm 1934 tới năm 1936. Nhà thơ Chế Lan Viên, bạn thân của Bích Khê, cũng đang dạy học tại đó.
 

PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM? - Vũ Đình Trọn

                        (Viết về bà Nguyên Sa Trịnh Thúy Nga)
 
Vợ chồng nhà thơ Nguyên Sa

Mười chín năm qua, từ ngày nhà thơ Nguyên Sa qua đời (18 Tháng Tư 1998), những đóa cúc vàng trên mộ ông trong nghĩa trang ở thành phố Westminster vẫn vàng rực, nhờ sự chăm sóc ân cần từ người vợ thủy chung.
 
Vợ nhà thơ Nguyên Sa, bà Trịnh Thúy Nga, người đi vào cõi thơ Nguyên Sa với những câu mở đầu “tếu táo”: “Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm/Như con mèo ngái ngủ trên tay anh /Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình /Ðể anh giận sao chả là nước biển!…”
 
Trên đời, chắc chỉ có mình ông, nhà thơ Nguyên Sa, viết thư thông báo đám cưới của mình bằng thơ. Cũng chẳng có ai đặt tựa cho bài thơ báo hỷ “cộc lốc” như ông – chỉ vỏn vẹn một chữ “Nga,” tên người con gái ông lấy làm vợ.
Thế mà người ta nhớ! Có ai mà không nhớ thơ tình Nguyên Sa!
 

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

NHÀ THƠ KIỆT XUẤT NGUYỄN ĐỨC SƠN – Tâm Nhiên


Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn và tác giả Tâm Nhiên
(Từ phải sang trái)

Không biết từ đâu ta đến đây
Mang mang trời thẳm đất xanh dày
Lớn lên mang nghiệp làm thi sỹ
Sống điêu linh rồi chết đọa đày
 
Mấy câu thơ thời tuổi trẻ, lúc mới 23 tuổi ấy đã theo suốt cuộc đời Nguyễn Đức Sơn, một thi sỹ kiệt xuất trên bầu trời văn nghệ Việt Nam hiện đại.
 
Rờn lạnh, hoang vu một tâm hồn cô độc, cô liêu khốc liệt, luôn luôn ngún cháy bên trong chiều sâu linh thức, một ngọn lửa tịch mịch vô hình, thường trực đứng giữa đôi bờ sống chết, giữa đỉnh cao và hố thẳm của tồn sinh bức bách, ngay từ những ngày còn chạy lông bông, đùa rỡn cùng sóng vàng, cát trắng vu vơ dọc mấy hàng cây dương liễu xanh ngút ven bãi biển Ninh Chữ xa mù.
 

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

CHUYỆN VUI VĂN HỌC SÀI GÒN: CƠM CHÁY CỦA NGUYỄN THỤY LONG VÀ NGUYỄN ĐỨC SƠN – Lê Văn Nghĩa

Hay:
Chuyện vui "Nguyễn Đức Sơn đãi cơm Nguyễn Thụy Long".
 
Quán Anh Vũ ở đường Bùi Viện – Sài Gòn
 
“Bữa cơm nầy không phải tớ đãi cậu do tiền bạc mà do rút kinh nghiệm phương pháp chống đói. Con heo mất một miếng cơm cháy cũng chẳng thể đói hơn được. Nó đói thì nó la, chủ nó phải lo cám cho nó, Người dưng nước lã không bỗng dưng phải lo cho nhau. Con heo gầy bán mất giá, chủ nó phải vỗ béo để bán cho được nhiều tiền hơn. Mi, tao béo gầy thì đời cũng mặc mẹ, chết mặc xác…”

*
Khi Nguyễn Thụy Long sống lang thang, không nhà không cửa phải ngủ ở vỉa hè thì gặp được Nguyễn Đức Sơn – “thằng người Quảng điên điên khùng khùng thường hay đang thơ trên Sáng Tạo, Văn Nghệ, Quan Điểm” – thuộc loại chuyên gia ngủ ở khách sạn “ngàn sao”. Sơn lạc quan nói với Long đang trong cơn ốm đói  “… Mình rong chơi, rong chơi mà no đủ kìa, tiền tiêu có thể là không có, nhưng no đấy, ngày hai bữa đựơc không?”.
 
Tất nhiên là Nguyễn Thụy Long thấy không được mà là… quá được. Và đây là hành trình ngày hai bữa cơm mà Nguyễn Đức Sơn chăm lo cho Nguyễn Thụy Long.

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

NHẠC SĨ DZŨNG CHINH, TÁC GIẢ BẢN NHẠC “NHỮNG ĐỒI HOA SIM” CHẾT TRÊN ĐỒI HOA SIM - Phạm Tín An Ninh


Nhạc sĩ Dzũng Chinh (*)
 
Đã có một vài bài viết nói về cái chết của Nhạc sĩ Dzũng Chinh, nhưng tiếc là không chính xác.  Bài viết này nhằm mục đích làm rõ cái chết của ông, một nhạc sĩ trẻ được nhiều người biết đến qua nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim”. Người viết bài này đã ở cùng một đơn vị với ông khi ông tử trận
 
Nhạc sĩ Dzũng Chinh không có nhiều sáng tác, nhưng nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim” đã làm nên tên tuổi ông. Bài hát được phổ biến trong những năm đầu thập niên 1960, thời điểm chiến tranh Việt Nam bắt đầu khốc liệt, hàng hàng lớp lớp thanh niên miền Nam, hầu hết là những học sinh, sinh viên tạm gác bút nghiên, lên đường tòng quân bảo vệ giang sơn. Bài hát Những Đồi Hoa Sim (viết theo ý bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, một nhà thơ sống ở miền Bắc) phổ biến rất rộng rãi và nhanh chóng được quần chúng đón nhận khá nồng nhiệt, đặc biệt trong hàng ngũ lính chiến miền Nam Việt Nam.
 

Nhạc sĩ Dzũng Chinh cũng là một người lính chiến thực thụ. Tên thật là Nguyễn Bá Chính, quê quán ở Bình Can -Võ Cạnh- Nha Trang (sinh ngày 18/12/1941). Trước khi theo học khóa sĩ quan đặc biệt ở Đồng Đế Nha Trang, anh là hạ sĩ quan phục vụ tại Tiểu Đoàn 2/14/ Sư Đoàn 9 Bộ Binh thuộc Vùng IV.  Cuối năm 1968, sau khi tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn Úy, anh chọn đơn vị Sư Đoàn 23 BB và xin được phuc vụ tại Trung Đoàn 44 (trú đóng tại Sông Mao, Phan Thiết).
 

CHUYỆN VUI: T.V.Đ. LÀ CÁI ĐÉO GÌ? – Lê Văn Nghĩa


Nhà văn Lê Văn Nghĩa

 
Bây giờ đố ai tìm thấy được ba chữ T.V.Đ trên các tờ báo. Nhưng đó là một sinh hoạt văn nghệ mà không nhắc lại thì e có phần thiếu sót cho văn học Sài Gòn một thuở.
 
T.V.Đ là viết tắt ba chữ “thi văn đoàn” của các bạn trẻ ở lứa tuổi thiếu niên đã biết mơ mộng văn chương, ham đọc, thích viết. Sang trọng thì ghi tên gia nhập vào những “gia đình” của các tờ báo thiếu nhi hoặc các trang báo thiếu nhi của những nhật báo lớn như “Gia đình Thằng Bờm” (báo Thằng Bờm), báo Tuổi Hoa, Mai Bê Bi (báo Chính Luận).
 
Gia nhập những “gia đình sáng tác” này có cái lợi là bài hay thì sẽ được đăng báo ngay, phát hành rộng rãi thì “sướng rên mé đìu hiu” (chữ của một nhà văn) như sắp thành nhà văn thứ thiệt. Cái không hay của những “gia đình” kiểu này thì ít khi được gặp nhau, không được trao đổi “kinh nghiệm sáng tác”.
 

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

CÒN KHỔ BAO LÂU NỮA? - Nguyễn Thị Tịnh Thy


Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy
 

Dù được xướng tên là người nhận giải thưởng Văn Việt lần thứ bảy trong lĩnh vực phê bình văn học do những nhà văn nhưng tác giả không dám nhận vì sức ép từ chính quyền.
Vào ngày 5 tháng 4, Văn Việt - một diễn đàn của Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập - đăng tải bức thư có tựa đề “Còn khổ bao lâu nữa?” của nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy, người được trao giải với cuốn sách “Dám ngoái đầu nhìn lại”.
Mở đầu bức thư, tác giả Tịnh Thy viết “Không biết trên thế gian này, trong nền văn chương Đông Tây kim cổ, đã có ai phải viết bài phát biểu này như tôi không. Bởi, đây là phát biểu XIN GIỮ GIÙM GIẢI THƯỞNG.”
Theo nhà phê bình văn học này thì dù rất vinh dự nhưng bà không thể nhận giải thưởng do Văn Việt trao bởi vì áp lực mà phía chính quyền gây ra.
Cụ thể, bà cho biết đã bị an ninh tiếp cận và đề nghị không đi nhận giải với lý do “để tránh ảnh hưởng đến tình hình an ninh chung”.
Sự việc này xảy ra hai tháng sau sự kiện nhà thơ Thái Hạo bị an ninh mặc thường phục hành hung nhằm ngăn cản ông đi nhận giải thưởng cũng của Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập, một tổ chức do các nhà văn nổi tiếng như Nguyên Ngọc lập ra nhằm bảo vệ quyền tự do sáng tác.
 
Phóng viên Đài Á châu Tự do đã liên hệ với nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy để đề nghị phỏng vấn, nhưng bà cho biết đã nói hết thông qua bức thư được đăng trên diễn đàn Văn Việt, và từ chối nói thêm.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Dũng, thành viên của Hội đồng chấm giải Văn Việt, cho biết sự việc xảy ra với tác giả Tịnh Thy là sự tiếp nối của một chuỗi các hành động sách nhiễu và đàn áp của chính quyền nhắm vào Văn Việt.
“Cái việc gây áp lực để người này phải rút bài, người kia rút bài, rồi rút giải thưởng, rồi ngăn chặn thậm chí đánh đập không phải bây giờ mới xảy ra.
 
Xin nói rằng chuyện của Tịnh Thy là nằm trong cả một cái chuỗi mà nhà nước ứng xử với Văn Việt nói riêng và nói chung là văn chương ngoài luồng. Người ta luôn luôn sợ hãi.”
Phó Giáo sư Hoàng Dũng lý giải nguyên nhân chính quyền sợ hãi là vì sự yếu đuối của thế chế chính trị, dẫn đến những phản ứng hoảng hốt và tiêu cực đối với các hoạt động nằm ngoài sự kiểm soát của chế độ. “Họ nhìn đâu cũng thấy địch” ông nói.
Ông cũng cho rằng kiểm soát văn chương là chính sách lâu dài và xuyên suốt của Đảng Cộng Sản chứ không phải mang tính tạm thời hay cục bộ. Để minh chứng cho điều này, Phó Giáo sư Hoàng Dũng đặt câu hỏi kể từ khi lên nắm quyền thì Đảng Cộng Sản đã bao giờ cho văn chương được tự do chưa, và cũng tự ông đưa ra câu trả lời là "chưa từng".
 
Bất chấp sự đàn áp và cản trở liên tục từ phía chính quyền, nhưng vị trí thức người Huế khẳng định Văn Việt sẽ tiếp tục các hoạt động của mình. Khi được hỏi về ý nghĩa của việc người cầm bút vẫn tiếp tục viết trong môi trường hà khắc hiện tại, Phó Gáo sư Hoàng Dũng nói:
“Trước hết là nó cho mọi người, cho đồng bào thấy rằng vẫn còn có những trí thức có lương tâm, có can đảm để chịu đựng những chuyện (đàn áp) đó. Và mong ước đất nước có ngày vấn đề tư tưởng được cởi mở hơn. Thực sự là một tập hợp trí tuệ của toàn dân để xây dựng đất nước.
Cái quan trọng là làm sao để cho mọi người thấy rằng đây là đất nước của mình, rồi góp tiếng nói để sao cho đất nước càng ngày càng tốt đẹp hơn.”
Còn đối với nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy thì bà đặt ra câu hỏi trong cuối bức thư của mình rằng, "nhà văn An Nam còn khổ bao lâu nữa?”
 
Nguồn:
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/security-forces-pressure-prevents-literature-critic-from-receiving-awarded-prize-05052022090902.html
 


Nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy lên tiếng nhân dịp nhận giải thưởng của Văn Việt 2022 về phê bình (Dám ngoái đầu nhìn lại). Chị hỏi: “còn khổ bao lâu nữa?” Sau đây là nguyên văn:
 
 
CÒN KHỔ BAO LÂU NỮA?
                                                  Nguyễn Thị Tịnh Thy
 
Kính thưa quý vị!
Bài viết này, phát biểu này, tôi xin gửi đến Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập (Văn Việt) cùng những ai quan tâm đến văn học và quyền tự do sáng tạo nghệ thuật của nước nhà.
Không biết trên thế gian này, trong nền văn chương Đông Tây kim cổ, đã có ai phải viết bài phát biểu này như tôi không. Bởi, đây là phát biểu XIN GIỮ GIÙM GIẢI THƯỞNG.
Đã có những người từ chối hoặc bị buộc phải từ chối giải thưởng, kể cả giải văn chương danh giá nhất hành tinh là giải Nobel vì rất nhiều lý do khác nhau. Nhưng e rằng, không mấy ai ký thác tâm nguyện nhờ giữ lại giải như tôi.

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI BÙI GIÁNG - Mai Thảo

Thuở sinh tiền, khi nói đến thơ, nhà văn Mai Thảo thường nhắc nhiều đến Vũ Hoàng Chương và Bùi Giáng. Mỗi người một phong cách, nhưng theo Mai Thảo, đó là những “ngôi sao Bắc Ðẩu trên vòm trời thơ ca của ta”. 
Chúng tôi cho đăng lại bài viết này (Văn, số 26 tháng 8/1984, USA) như một hình thức tưởng nhớ đến một người yêu thơ rất mực: nhà văn Mai Thảo, và một người làm thơ tài hoa cũng rất mực: thi sĩ Bùi Giáng. 
Cả hai đã ra đi. 
Bên kia thế giới, có lẽ nhà văn Mai Thảo lại có dịp mời thi sĩ Bùi giáng một chai bia lớn, và lại sẽ được nghe ông nói, bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt: “vui thôi mà”, như độc giả sẽ thấy, trong bài viết dưới đây.
 
                                                                                          HỢP LƯU
 


MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI BÙI GIÁNG 
                                                                     Mai Thảo
 
Đặc San Hợp Lưu (số 44, tháng 12/1998 tháng 1/1999)
 
Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như năm 1962, đâu như năm 1965 (nếu sai, nhờ hai anh Cung Tiến, Phạm Công Thiện nhớ lại dùm cho) tôi thường được mời tới những họp mặt ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ.
 
Mỗi họp mặt với Thanh Tuệ, hồi đó là giám đốc nhà xuất bản An Tiêm, là nhà sư trẻ tươi tắn chưa cởi áo hồi tục, thường vì một cuốn sách. Một cuốn sách mới, vừa in xong chưa ráo mực. Và trước khi gởi sách vào nắng mưa đời, họp mặt An Tiêm với thân hữu là một tiệc rượu lạc thành cho sách.
 

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

CHUYỆN TÌNH CỦA NHÀ VĂN VŨ BẰNG VÀ CÔ VỢ HƠN 7 TUỔI

Nhiều nhà văn nổi tiếng có câu chuyện tình yêu khiến người ta phải xuýt xoa sao mà lãng mạn quá, văn thơ thế. Tuy nhiên, cũng có những chuyện tình còn khiến người ta phải xót xa thật nhiều.
Trai tân quyết cưới bằng được người vợ qua 1 đời chồng
Mở đầu cuốn sách Thương Nhớ Mười Hai, nhà văn Vũ Bằng viết: "Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngàn nào người bạn chiếu chăn Nguyễn Thị Quỳ. Thành mến tặng Quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu".


Nhà văn Vũ Bằng sinh năm 1913 tại Bình Giang, Hải Dương. Năm 16 tuổi, ông được in bài báo đầu tiên và bắt đầu hành trình cầm bút.
 
Năm 22 tuổi, ông kết hôn. Người vợ mà ông chọn là bà Nguyễn Thị Quỳ - đến từ miền quê Quan họ. Bà Quỳ hơn Vũ Bằng 7 tuổi, đã có một đời chồng và 5 đứa con riêng.
 
Chồng trước của bà là một nhà buôn nổi tiếng tại Hà Nội. Ông đam mê nghe hát cô đầu. Cũng vì mê một cô đầu mà ông hắt hủi bà Quỳ, dẫn đến ly hôn. Một thời gian sau, bà gặp Vũ Bằng và hai người nảy sinh tình yêu.
 
Vì sự chênh lệch ấy nên đương nhiên, mối quan hệ này đã bị hai bên họ hàng phản đối. Tuy vậy, Vũ Bằng đã quyết phải cưới được bà Quỳ làm vợ.
 

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

BIÊN NIÊN TIỂU SỬ LÝ BẠCH (701 - 762) – Đỗ Chiêu Đức




三杯通大道,    Tam bôi thông đại đạo,                          
 一斗合自然。   Nhất đấu hợp tự nhiên.                          
但得酒中趣,    Đản đắc tửu trung thú,                           
勿為醒者傳。    Vật vi tỉnh giả truyền !
          
Có nghĩa:
                           
Ba ly thông qua đạo lớn,                          
Một đấu hợp lẽ tự nhiên.                        
Chỉ cần được vui trong rượu,                           
Mặc cho kẻ tỉnh tuyên truyền !      
 

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

TIỄN XUÂN, ĐƯỜNG THI CỦA THÔI LỖ VÀ GIẢ ĐẢO - Đỗ Chiêu Đức



Hai ba tháng nay, chúng ta đã đón xuân, mừng xuân, chúc xuân, rồi... vui với nàng xuân. Đến nay thì Xuân đã sắp tàn, sắp hết, sắp tận rồi ! Thôi thì, ta hãy cùng nhau "Đưa Tiễn Nàng Xuân" nhé !

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

THÁNG TƯ, LÊ ĐẠT - Nguyễn Đức Tùng thực hiện

Để nhớ tháng tư, mười lăm năm trước, ở Hà Nội.
                                                Nguyễn Đức Tùng
                                                (4. 2007- 4. 2022)
 
Từ trái sang phải: Du Tử Lê, Lê Đạt, Nguyễn Đức Tùng
(Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo)
 
Người đầu tiên mà chúng tôi đến thăm trong dịp ghé Hà Nội tháng 4. 2007, là nhà thơ Lê Đạt. Chúng tôi gồm có Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Tùng và một số bạn bè văn nghệ, đến nhà riêng của ông. Lê Đạt vừa dọn đến ở chung với người con trai được một năm, trong một khu phố yên tĩnh, hơi khó tìm đường. Trời Hà Nội sáng sớm mây mù, gió lao xao, mát mẻ dễ chịu. Đường nào cũng có nhiều cây xanh, nhưng không nghe tiếng chim hót. Trước ngõ nhà ông có vài gánh hàng rong, làm tôi nhớ đến Hà Nội ba mươi sáu phố phường của Thạch Lam. Lê Đạt tiếp chúng tôi trên căn gác nhỏ, nụ cười vui, dáng điệu nhanh, hỏi và trả lời dứt khoát. Trong câu chuyện, thỉnh thoảng ông phá lên cười. Trên vách tường sau lưng chỗ ông ngồi, có treo hai tấm hình. Một là tấm poster lớn đem về từ Ngày hội Thơ Việt Nam 15 tháng Giêng âm lịch, tổ chức ở Văn Miếu Hà Nội, chụp chân dung của ông, phía sau là nền hoa mimosa vàng. Poster được chuẩn bị bởi nhà thơ trẻ Hữu Việt. Bên cạnh là giấy chứng nhận Giải thưởng Nhà nước 2007.
 
                                                               Nguyễn Đức Tùng (4. 2007)
 

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

XUÂN DIỆU, CHỦ SOÁI TRƯỜNG THƠ TÂN CON CÓC - Trần Mạnh Hảo.


Tác giả bài viết Trần Mạnh Hảo
 
Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường tập tọe làm thơ, chúng tôi thành khẩn thú nhận từng là đệ tử của trường thơ “tân con cóc” do thi sĩ Xuân Diệu làm chủ soái. Vì sao một thi hào từng có hai tập thơ lớn: “Thơ, thơ”“Gửi hương cho gió” trước 1945 nay lại lập ra trường phái thi ca không giống ai thế?
 
Từ bỏ dòng thơ lãng mạn, Xuân Diệu đi theo cách mạng, lên chiến khu Việt Bắc kháng chiến, được đảng cộng sản cải tạo thành con người mới, nên ông đã phải từ bỏ hai tập thơ lớn trên để được công nông hóa, giai cấp hóa, để được vào đảng. Hồi đầu kháng chiến, nhà văn Nguyễn Tuân, sám hối đến mức treo các tập tùy bút tuyệt vời của mình viết trước năm 1945 lên cây như treo một con dê cỏn (chữ của Hồ Xuân Hương) lên cành cây rồi dùng roi quất nát bét tác phẩm của mình để đẹp lòng đảng mà hóa thành người vô học, là con người lý tưởng của thời bần cố nông cai trị treo khẩu hiệu diệt trí thức.
 

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

LỮ QUỲNH, CÁI CÁN CÂN CỦA VĂN HỌC MIỀN NAM – Đỗ Trường

                       (Mục chân dung nhà văn - Đỗ Trường)
 
Nhà văn Lữ Quỳnh

Sau 1954, Việt Nam bị cắt làm đôi, với hai thể chế chính trị hoàn toàn trái ngược nhau. Cũng như kinh tế, và xã hội, mỗi miền đều có nền văn học riêng của mình. Nếu văn chương miền Nam như bản nối dài của dòng văn học hiện thực lãng mạn, thì miền Bắc mở ra thời kỳ văn học tuyên tuyền, minh họa đường lối lãnh đạo của Đảng CS. Ngoài ra, do điều kiện địa lý tự nhiên cũng như lịch sử để lại, chúng ta có những đặc tính văn hóa của mỗi vùng, miền khác nhau. Từ đó đã sản sinh ra những nhà văn, nhà thơ với ngôn ngữ, văn phong, bút pháp nghệ thuật mang dấu ấn đặc trưng của từng vùng, miền ấy. Do vậy, khi đọc một cuốn sách, nếu tinh ý một chút, ta có thể nhận ra, quê quán, nơi sinh trưởng của tác giả.