BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG: BA BÀI THƠ “MẪN NÔNG” CỦA LÝ THÂN – Đỗ Chiêu Đức



Theo “Vân Khê Hữu Nghị 云溪友議Cựu Đường Thư 舊唐書 ghi chép lại: Khoảng năm Trinh Nguyên đời vua Đường Đức Tông (799), chàng thư sinh LÝ THÂN 李紳 lai kinh ứng thí đã làm hai bài thơ MẪN NÔNG 憫農 (Thương xót cho nhà nông) dâng lên cho Tập Hiền Điện Hiệu Thư Lang LỮ ÔN 呂温 để cầu tiến thân, rất được Lữ xem trọng. Hai bài thơ đó như sau: 
               
其一                    Kỳ Nhất           
春種一粒粟,     Xuân chủng nhất lạp túc,          
秋收萬顆子。     Thu thâu vạn khỏa tử.           
四海無閒田,     Tứ hải vô nhàn điền,           
農夫猶餓死。     Nông phu do ngạ tử!
  
Có nghĩa:
                 
Mùa xuân một hạt gieo trồng,                 
Đến thu thu hoạch muôn lần nhiều hơn.                 
Khắp nơi chẳng có ruộng hoang,                 
Nông dân đói chết vẫn còn khắp nơi!

Bài thơ Mẫn Nông (kỳ nhất)
               

其二                    Kỳ Nhị           
鋤禾日當午,     Sừ hòa nhật đang ngọ,           
汗滴禾下土。     Hạn trích hòa hạ thổ.            
誰知盤中餐,     Thùy tri bàn trung xan,            
粒粒皆辛苦。     Lạp lạp giai tân khổ!
   
Có nghĩa:
                 
Cuốc cày giữa ngọ ban trưa,                 
Mồ hôi đổ xuống như mưa lúa trồng.                 
Ai người biết cơm trong mâm,                 
Từng hạt từng hạt muôn phần đắng cay!
     
Có học giả cho rằng bài ca dao sau đây của ta là bản phỏng dịch tuyệt vời của bài thơ MẪN NÔNG Kỳ Nhị nêu trên:
                
Cày đồng đang buổi ban trưa,            
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.                   
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,            
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!

Lý Thân và bài thơ Mẫn Nông (kỳ nhị)
     
Qua hai bài thơ MẪN NÔNG nêu trên, ta thấy LÝ THÂN quả là một chàng trai có bầu nhiệt huyết, có hoài bão lo cho dân cho nước. Thấy được sự bất công của xã hội và cảm thông với đời sống khốn khó của nông dân, những người làm ra hạt lúa để nuôi sống nhân dân lại là những người bị chết đói nhiều nhất; Cho nên, phải biết trân trọng từng hạt thóc hạt gạo do nông dân cực khổ lắm, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được, như hai câu ca dao đã nhắn nhủ:
                     
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,            
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!!!
 

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

Ý NGHĨA CHỮ TỬ (死) TRONG HÁN TỰ



Chữ TỬ (sǐ) là một chữ Hội Ý. Trong các dạng cổ văn, chữ mô tả hình ảnh một người quỳ gối khóc thương trước di cốt của người đã chết, theo quá trình diến tiến biến đổi dần thành hình thể như ngày nay. Chữ ở khải thư là hội hợp của hai bộ . NGẠT là hình ảnh của hộp sọ có vết nứt, tượng trưng cho bộ xương người chết, trong khi biểu thị cho người quỳ gối khóc thương, nên có nghĩa là chết hay sự chết.
 
TỬ là CHẾT, là trái với SINH, là Không còn sinh khí nữa, kể cả Sinh Thực Vật cũng thế!
Ngoài nghĩa TỬ VONG 死亡 là Chết Chóc ra, ta còn có ...
TỬ CẢNH 死景 : là Cảnh chết, cảnh giả không sinh động.
TỬ GIÁC 死角 : là Góc chết, là Cái thế không có lối ra.
TỬ LỘ 死路 : là Con đường chết, con đường không có lối thoát.
TỬ còn có nghĩa là Cố Chấp, Kiên Trì, như ...
TỬ THỦ 死守, TỬ CHIẾN 死戰, TỬ TÂM 死心 : Cố chấp giữ vững lòng mình, quyết không thay đổi!
 
⭐⭐⭐
 
Nội dung bài viết được trích xuất từ BỘ TÀI LIỆU HỌC CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage biên soạn theo nguồn gốc và lục thư.

*
Nguồn:
https://www.facebook.com/365156676938517/posts/2920826984704794/?locale=hi_IN

Phụ lục:


Chữ Tử trong Hán tự thông dụng nhất là , có nghĩa là con cái, con trai. Ngoài ra, chữ Tử còn có nhiều cách viết khác nhau trong Hán tự và có những ý nghĩa khác nhau:
 
TỬ : chỉ một cách viết thông dụng này, nhưng có nhiều nghĩa khác nhau:
Con. Bất luận trai gái đều gọi là tử.
Thầy, đàn ông nào có học vấn, đức hạnh đều gọi là tử cả:
Khổng-tử 孔子, Mạnh-tử 孟子, Tuân tử 荀子, Hàn Phi tử 韓非子
- Con cháu gọi người trước cũng gọi là tiên tử 先子, vợ gọi chồng là ngoại tử 外子, chồng gọi vợ là nội tử đều là tiếng xưng hô tôn quý cả.
Gã, dùng để gọi các kẻ tầm thường, như chu tử 舟子 chú lái đò, sĩ tử 士子 chú học trò, v.v.
Tước tử, tử tước 子爵 tước thứ tư trong năm tước (công, hầu, bá, tử, nam)
Mầm giống các loài động vật thực vật cũng gọi là tử, như ngư tử 魚子 giống cá, tàm tử 蠶子 giống tằm, đào tử 桃子 giống đào, lí tử 李子 giống mận, v.v.
Số lẻ, đối với số nguyên mà nói, như phần mẫu 分母, phần tử 分子. Phần vốn là mẫu tài 母財, tiền lãi là tử kim 子金, v.v.
Tiếng giúp lời, như tập tử 摺子 cái cặp, cháp tử 劄子 cái thẻ, v.v.
Có nghĩa như chữ từ .
Một âm là tí, chi đầu trong mười hai chi. Từ mười một giờ đêm đến một giờ đêm là giờ tí.

*
Ngoài ra TỬ còn có những cách viết khác nhau và có những ý nghĩa khác nhau
 
Tử : Màu đỏ tím, dây thao, họ “Tử”
Tử : Gánh vác, đảm nhận, cẩn thận, tỉ mỉ,…
Tử : Cây Tử (dùng để đóng đàn), vật làm bằng gỗ, quê cha đất tổ, cố hương, họ Tử,…
Tử : Hạt giống (cây trồng).
Tử : Rượu ngon.
Tử : Lấy đất đắp vào gốc lúa cho chắc.
Tử : Chê bai, phỉ báng, bệnh hoạn, uể oải, biếng nhác,…
Tử : Kém, yếu, cẩu thả, lười nhác, bại hoại,…
Tử : Cứng.
Tử : Cứng, kẽm, (Zn).

KHÓC MINH PHƯƠNG - Thơ Khê Kinh Kha


 

 
KHÓC MINH PHƯƠNG
 
Võ Thị Minh Phương em là ai
Mà phải tự hủy diệt đời mình khi tuồi mới 27
Khi mà đường đời em vẫn còn đầy tương lai
Khi mà 2 đứa con của em còn nhỏ dại
 
Vì sao hỡi em Minh Phương
người con gái ViệtNam da vàng yêu mến
mang trong tim giòng máu Lạc Hồng
và hơn 4000 năm văn hiến
 
tôi chưa bao giờ gặp em
mà cũng chưa bao giờ nghe tên em
chưa bao giơ biết đến
ấp Hòa Quới, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang
nhưng lệ tôi rơi khi tôi đọc tin em ôm con nhảy lầu tự tử
vì không kham nỗi làm tơ mọi cho người chồng Hàn quốc
 
tôi chưa bao giờ biết em
chưa bao giờ thở chung một bầu không khí
chưa bao giơ ngồi chung một lớp
chưa bao giơ dạo chung một con phố
hay trên cánh đồng lúa quê hương
chưa bao giờ chèo thuyền chung một giòng sông
chưa bao giờ ăn chung một bàn
chưa bao giờ nghe chung một ca khúc quê hương Việt Nam
chưa bao giở đi chung một đoạn đường
chưa bao giờ ngắm chung một vầng trăng
chưa bao giờ tất cả
nhưng em và tôi cùng một màu da vàng lúa chín
cùng một mầu tóc
cùng giòng máu tổ tiên
ra đi tư Động Đình Hồ
hơn 4000 năm trước
đem máu xương xây thảnh non nước
đem trái tim xây nền hòa bình
qua tháng năm xây thành dựng nước
một non sông gấm vóc
chạy dài từ ải Nam Quan cho đến Cà Mau
mà giờ đây sao nhiều rách nát
sao nhiều tan thương
sao nhiều nghèo đói
 
giờ em đã về đến cội nguồn
về bên tổ tiên, bên Mẹ Âu Cơ
chỉ còn hơn 80 triệu con tim dân mình
đang âm thầm sống trong gông xiềng
trong tả tơi
trong mục nát
như vì sao băng trong đêm tối
không một ngày mai, không một tương lai
mơ ước tự do hơn mơ cơm gạo
mơ ước nhân quyên hơn mơ lẽ sống
mà tự do và nhân quyền ở nơi đâu
sao tìm hoài không ra
làm sao lòng tôi không lắm lệ rơi
làm sao tim tôi không se thắt ngậm ngùi
làm sao hồn tôi không rách tả tơi
 
xin cho tôi gánh bớt những nỗi niềm dân tôi đang cưu mang
xin cho tôi gánh bớt những gian nan và tủi nhục mà em cũng như bao người con gái
Viêt Nam da vàng đang gánh chịu
xin cho tôi sẻ chia bớt những cơn mơ hải hùng
trong đêm vắng
trong tim óc
trên thịt da
trong đáy hồn mong manh cỏ xót
 
ôi ở nơi đó, ở cuối con đường
con đường hiu quạnh
con đường lưu vong
con đường non sông
tôi mãi là người cô đơn
vạn ngàn giọt lệ cho quê hương, cho dân tộc
vạn ngàn ngậm ngùi cho em,
 
em Minh Phương ơi,
từ nay trong gió thu bay
có người dân Việt ngậm ngùi khóc ai
 
                                  Khê Kinh Kha
                                        (2013)

TẢN MẠN THÁNG 12 – Thơ Tịnh Bình


  
          Nhà thơ Tịnh Bình
 

TẢN MẠN THÁNG 12
 
Đìu hiu lịch mỏng bàn tay gió
Cạn ngày tàn bỏ ngỏ niềm chi
Miền thương phai bước chân đi
Hoa vàng trước ngõ sầu gì rưng rưng
 
Ngược năm tháng lưng chừng tưởng tiếc
Mùa thiên di mải miết bên trời
Đông hờn xác lá khô rơi
Khói sương buốt nẻo đầy vơi lệ lòng
 
Nhặt câu chữ đôi dòng tản mạn
Khúc biệt hành bình thản sớm mai
Trăng khuya đối mộng canh dài
Người bên song vắng u hoài tịch liêu
 
Người thôi nhớ quên yêu mấy bận
Gợi chút gì sâu lắng hồn ta
Gió đông se sắt thịt da
Mịt mờ tâm tưởng nhạt nhòa bóng ai...
 
                                         Tịnh Bình
                                         (Tây Ninh)

CHÙM THƠ VỊNH VỀ SƯ TUỆ SỸ - Châu Thạch


   
               
 
VỊNH ẢNH
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA GẶP ĐỨC TUỆ SỸ
 
Giờ thần hai vị gặp nhau
Núi cao hai ngọn sáng màu từ bi
Một còn sừng sững uy nghi
Một tan vào cõi vinh quy vĩnh hằng
Đường xưa mây trắng vầng trăng
Dáng ai làm ngọn hải đăng biển đời!
Còn lưu thơm sử, bia lời
Nhân gian truyền tụng ý Trời vạn sao
Người xa cố quốc lao đao
Người sa tù ngục biết bao khổ nàn
Vẫn làm ngôi vị cao sang
Vẫn là đỉnh đạo vầng quang chói ngời
Sáng choang hai Đức hai nơi
Giờ thiên đoàn tụ trao lời bằng linh!
 

VỀ THĂM CỐ XỨ - Thơ Nguyên Lạc


    
                   Nhà thơ Nguyên Lạc

 
VỀ THĂM CỐ XỨ
 
Không biết mai này thăm cố xứ
Có còn gặp lại chốn ta xưa?
Quê hương ngày ấy cơn dâu bể
Vĩnh biệt lệ ngân rặng cây mờ!
 
Không biết mai này thăm cố xứ
Có còn gặp lại dấu yêu xưa?
Phố thân quán cũ tình ta đó
Âu yếm môi ngoan những hẹn hò
 
Không biết mai này thăm cố xứ
Có còn gặp lại những quen xưa?
Ta hết ta xưa người chắc thế
Phôi pha năm tháng tóc sương mù!
 
Thống hận nghìn năm chương bại sử
Thất chí còn gì ước với mơ!
Quê hương xua đuổi ta lữ thứ
Đất khách tìm đâu bóng nguyệt xưa?
 
Ta biết mai này về chốn cũ
Mình ta hiu quạnh khóc hoang vu
Không lẽ không về thăm cố xứ
Một lần... rồi miên viễn thiên thu!
 
                                Nguyên Lạc

MỘT THỜI MÙ CHỮ TRƯỚC CỔ NGỮ - Trần Ngọc Cư



Tôi cắp sách đến trường ở Huế từ cấp tiểu học cho đến hết bậc đại học, rất yên chí mình là một người biết chữ. Nhưng sự tự tin này đã bị thách đố, xói mòn khá nhiều trong những lần tôi đứng trước các bia văn, các câu đối, các cổng tam quan, thậm chí cả bia mộ viết toàn bằng chữ Hán, những di sản văn hóa vẫn tồn tại rất nhiều trong và chung quanh Cố đô Huế. Nhan nhản trong hoàng thành và tại các thắng cảnh địa phương gần đó có nhiều tấm bia ghi laị các bài thơ, nghe nói là của các vị vua triều Nguyễn — những di tích văn hoá lẽ ra rất sống động và đáng tự hào của dân tộc nếu người dân bình thường có thể đọc được.
 

Tôi dùng từ “nghe nói” vì trước những văn bia vua chúa ấy tôi là thằng dân mù chữ một trăm phần trăm. Sẽ lúng túng, sẽ “ốt dột” biết chừng mô cho một cư dân địa phương bị người nước ngoài nhờ giải thích những câu chữ hoặc những bài thơ trên các bia văn ấy. Nhất là trong bối cảnh cố đô Huế được UNESCO bầu chọn là di sản văn hoá thế giới. Mặc dù “Huế của ta ơi, ta có Huế tự hào”, nhưng tâm trạng của người mù chữ này biết đâu cũng là mặc cảm của rất nhiều người Việt khác khi đứng trước một di tích lịch sử mà ý nghĩa của nó mình không giải mã được.
 

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

"CHƯỞNG MÔN" HAY "TRƯỞNG MÔN" ?


  
Trong các tiểu thuyết về kiếm hiệp, khái niệm Chưởng Môn thường dùng để nói về người đứng đầu một môn phái, vậy còn Trưởng Môn thì sao?
    
Về mặt ngôn ngữ học, MÔN ở đây nghĩa là Môn phái, cái đó không cần bàn cãi, hãy cùng so sánh xem Trưởng và Chưởng có gì khác biệt theo văn hóa “võ lâm”.
    
Từ TRƯỞNG () được đông đảo tầng lớp biết đến hơn, với ý nghĩa là lớn, đứng đầu, như Trưởng phòng, Trưởng ban… nên suy luận ra, Trưởng môn có nghĩa là người đứng đầu môn phái, hoặc dân dã hơn thì là người “lớn” nhất môn phái.
    
Còn từ CHƯỞNG có trong các từ “Chấp chưởng, chưởng quản, chủ quản..”, có nghĩa là nắm giữ, cầm; chức vụ nắm giữ, chức vụ phụ trách.
Ta có những từ ngữ sau:
Chấp chưởng 執掌: nắm (quyền lực)
Chưởng quản 掌管: quản lý, cai quản, nắm giữ
Chủ quản 主管: Người đứng đầu coi sóc công việc.
Chưởng lí 掌理: Quản lí, coi sóc, trông nom.
Chưởng ác binh quyền 掌握兵權 : nắm giữ binh quyền
Chưởng bạ 掌簿: Viên chức trông coi sổ sách.
Chưởng quỹ (掌櫃):  chủ hiệu, chủ quán, chủ hàng
Chưởng khế  掌契: Viên chức coi về việc giấy tờ mua bán, giao kèo….
Chưởng đà 掌舵: cầm lái (thuyền)

Cho nên:
CHƯỞNG MÔN  là người nắm giữ môn phái.
 
So về nghĩa, có thể thấy Trưởng Môn và Chưởng Môn không khác nhau quá nhiều. Song, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa Trưởng Môn và Chưởng Môn, từ đó tam sao thất bản, dần dà người ta thậm chí còn nghĩ Trưởng Môn và Chưởng Môn là một, hay nói cách khác là dùng từ nào cũng được.
    
Tuy vậy, trong những bộ tiểu thuyết võ học nổi tiếng, không chỉ của Kim Dung, có thể thấy danh từ “Chưởng Môn” là định nghĩa duy nhất dùng để chỉ những người đứng đầu một môn phái, ví dụ như Chưởng Môn Nga My – Quách Tương, hay Chưởng Môn Côn Lôn Hà Túc Đạo…
    
Có thể thấy, theo như nền văn hóa “võ lâm”, thì Chưởng Môn mới là danh từ chính xác nhất được dùng, chứ không phải là Trưởng Môn như người ta vẫn lầm tưởng.
 
Theo:
https://www.facebook.com/vuihocchuhan/posts/3512772112176942/

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

MÙA THU THÁNH CHÚA (THE HOLY AUTUMN OF GOD)– Thơ Khê Kinh Kha


   
                        Nhà thơ Khê Kinh Kha

Lời Việt:
 
MÙA THU THÁNH CHÚA
 
tạ ơn Chúa mùa thu lại về nữa
nắng vàng rơi trên lối cỏ chiều nay
lá trên cành hân hoan thay áo mới
khoe sắc mầu trong nắng ấm muôn nơi
 
cánh chim trời nhẹ chao trong trời rộng
gió đường xa về thăm lá thu vàng
ôi lòng con như cánh diều lơ lững
theo gió trời chao lượn đón thu sang
 
nhặt lá vàng để thấy lòng ấm lại
vì tình Chúa gói kín trong lá thu
vì tình Chúa đầy ngập trong không khí
cho đời con hít thở tình Chúa yêu
 
tạ ơn Chúa tặng con thu rực rỡ
rực rỡ muôn mầu ân sủng Chúa ban
con chợt hiểu vì sao thu vàng úa
vì thế gian này còn lắm đau thương
 
tạ ơn Chúa tặng con mùa thu nữa
thu tha hương trong nỗi nhớ chơi vơi
tình yêu Chúa bao la hơn vũ trụ
làm sao con đền đáp nổi Chúa ơi!
 
tạ ơn Chúa tặng đời thu muôn sắc
như tình yêu Chúa trao tặng nhân gian
Chúa chịu chết cho loài người được sống
cho đời này mãi mãi trong yêu thương
cho đời này đầy ơn phúc Chúa hiển linh
 
Khê Kinh Kha