BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Tư Nghĩa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Tư Nghĩa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

NÉN TÂM HƯƠNG NỒNG ẤM CHO BẠN ĐỖ TƯ NGHĨA TRỞ LẠI “QUÊ NHÀ” – Lê Mậu Minh



Nhà thơ Đỗ Tư Nghĩa


KHÁT VỌNG - NUỐI TIẾC !!!
(Như bông hồng đỏ thắm-nén tâm hương nồng ấm cho bạn ĐỖ TƯ NGHĨA trở lại “Quê Nhà” – “Thế Giới các Ý Niệm!!!”)                 
                                                                Thế Vân LÊ MẬU MINH
 
Bến vẫn rạo rực đợi chờ
Mà đò cứ lơ lơ lửng lửng!
Biết bao giờ về với bến đây!!!
Hoàng hôn giăng giăng mờ mờ bờ tre ven đê
Mà đàn chim mãi mê dật dờ chân trời mô chưa trở lại tổ ấm!!!
Trời xanh, xanh biếc!
Mà mây trắng lại lênh đênh nuối tiếc đâu, cũng chẳng thấy đoái hoài!!!
Cô Tôn nữ xứ Huế cổ kính...
Miệt mài ngóng đợi!
Cầu Tràng Tiền diệu vợi có là
“cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”
Thì nghìn năm... đôi mắt tuyệt trần Tây Thi vẫn vấn vương Người * Văn Khoa tài hoa ngày nào!!!
Đời đã nao nao xế chiều!
Nghe mơ hồ phiêu diêu tiếng hát ai từ cõi xa xăm nào vọng lại
Mà bạn mãi lang bạt đâu đâu chưa thấy tìm về!!!
Con người - Chiếc bóng đam mê...
Quờ quạng tìm kiếm??? trong bến mê hồng trần
Mà Chân- Thiện- Mỹ lúc gần lúc xa!
Khát vọng-Nuối tiếc “Quê Nhà”...
Không không có có ai mà biết đâu!!!
 
Gò Vấp, ngày 16 tháng 09 năm 2021
Thế Vân Lê Mậu Minh
 
...................
 
* Đại Học Văn Khoa Huế trước 1975.
 

GỬI NGƯỜI BẠN ĐỒNG SONG ĐỖ TƯ NGHĨA – Nguyễn Đình Hạnh

 

Nhà thơ Đỗ Tư Nghĩa


           GỬI NGƯỜI BẠN ĐỒNG SONG ĐỖ TƯ NGHĨA 
                                                                 Nguyễn Đình Hạnh
 
Nghĩa ơi…
 
Khoảng 3 ngày một lần, mình thay phiên gọi cho cô Nhiên, Thắng để hỏi thăm về bạn, đã mịt mù tăm cá bóng chim từ Covid… Vẫn hay dù căn bệnh oan nghiệt, trầm kha nhưng được chăm sóc tận tình nên mọi sự chưa đến nỗi nào. Bạn vẫn còn ở đó, vẫn bềnh bồng trên khoảng không bụi bặm này (trần gian), đang chờ nhau…. chờ Thắng, Đức, Hạnh chờ một ngày yên ổn để được gặp nhau… để nói với nhau những điều chưa kịp nói về muôn nỗi đa đoan, trầm luân, oan nghiệt cuộc đời… Để nói bao nhiêu điều nhiêu khê, thúc phược chất chứa trong lòng không thể nói cùng ai… Để nói cùng  thông, cùng chim, cùng nước Xuân Hương, cùng nai Bảo Lộc…
 

ĐÔI LỜI GỞI BẠN ĐỖ TƯ NGHĨA – Nguyễn Văn Quang



Nhà thơ Đỗ Tư Nghĩa


ĐÔI LỜI GỞI BẠN ĐỖ TƯ NGHĨA 
              (Trước lúc bạn đi xa)
                                                                   Nguyễn Văn Quang
 
Nghĩa ơi! Sáng nay nhận được tin bạn vừa từ biệt cõi trần, mình cảm thấy bàng hoàng, lòng trống trải vô cùng, vì từ nay mình mất đi một người bạn dễ thương, tài hoa và trí thức! Bạn ra đi, gia đình, bạn bè và nhất là những người tri âm tri kỷ, vô cùng thương tiếc, ngậm ngùi. Ngay thuở thiếu thời, bạn đã được bạn bè, đồng môn yêu mến cảm phục về tri thức và tài hoa của chàng trai mới lớn. Rồi con đường Triết học đã dẫn bạn lên một tầm cao mới về đời sống tinh thần. Nỗi đau thân phận, nỗi đau nhân thế, tác động vào tâm tư bạn và bạn đã đem hết ruột gan viết tâm tư mình "gởi tình yêu, gởi cuộc đời". Và rồi bạn đã được hồi đáp bằng những "tiếng vọng tri âm" đầy ắp tình yêu thương. Mọi người đã cảm thông, chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng bạn.
 
Tôi lên Đà Lạt lần nào cũng để tâm đến thăm bạn, cầu mong bạn có cuộc sống an vui, vì cứ ngộ nhận rằng cuộc đời bạn quá ư cô đơn, buồn khổ. Nhưng khi nhìn cả một thư viện sách cá nhân đồ sộ của bạn, tôi lại thấy mình đã nhầm. Thì ra, Nghĩa có rất nhiều bạn tri âm. Họ đang lặng lẽ tâm tình với Nghĩa qua từng trang viết trong hàng ngàn cuốn sách dày cộm trên các giá sách vây quanh chỗ ngồi của Nghĩa. Họ là ai? Là những triết gia, giáo chủ các tôn giáo, những văn nhân thi sĩ đông tây, kim cổ đã tụ hội về đây và thỏ thẻ tâm tình cùng kẻ tri âm là Đỗ Tư Nghĩa - còn có biệt danh là Đỗ Tố Như! Giờ thì tôi cảm thấy chính mình bé nhỏ, cô đơn và biết bạn đang sống đời hạnh phúc, vì các triết gia, các nhà trí thức bao giờ cũng sống đời giản dị, lặng lẽ, không thích ồn ào.
 
Tôi mừng cho bạn và thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Những tháng ngày qua, bạn đã đem hết sở tài làm sở dụng để chuyển ngữ hàng chục tác phẩm quý giá trong kho tàng tri thức nhân loại ra tiếng mẹ đẻ, biến chúng thành những thông điệp, những món quà tinh thần và tình cảm gởi lại cho đời trước khi bước về cõi vĩnh hằng. Nghĩa ơi! Tôi làm sao hiểu hết được lòng bạn, làm sao hiểu hết những tư tưởng cao xa của bạn! Nhưng có một điều tôi biết chắc, đó là tình yêu của bạn dành cho cụ Nguyễn Du, bằng chứng là bạn đã lấy biệt hiệu "Đỗ Tố Như" ký vào tác phẩm của mình và dùng trên trang mạng cá nhân để chia sẻ tâm tư với mọi người. Ngày xưa, cụ Nguyễn Du còn băn khoăn: "Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?" Còn bây giờ, Nghĩa ơi! Có biết bao người thân yêu, tri âm tri kỷ, đang ngậm ngùi tiếc thương đưa tiễn Đỗ Tố Như rời xa cõi tạm! Không hiểu sao, giờ phút này tôi chợt nhớ 4 câu thơ của Vũ Hoàng Chương: "Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ, Một đời người u uất nỗi trơ vơ. Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị, Thuyền ơi thuyền, xin ghé bến hoang sơ!" Và, bạn đã nhanh chân hơn chúng tôi. Bạn đã lên thuyền về bến hoang sơ trong khi chúng tôi còn vướng chân trong cõi hồng trần. Từ nay, cái thân tứ đại của bạn không bị mục rữa trong lòng đất lạnh như bao người khác, mà đã biến thành những nắm tro hòa vào nước hồ Xuân Hương và các hồ xinh đẹp đầy mộng mơ của xứ Đà Lạt sương mù! Rồi đây, người thân và bạn bè sẽ lên Đà Lạt thăm bạn, và vào một đêm trăng thanh gió mát, ra bờ hồ Xuân Hương gọi Nghĩa cùng uống cà phê, kể chuyện quê hương, chuyện ngày thơ ấu, chuyện mùa hoa dã quỳ... và cùng tiếp tục viết lên những dòng tâm tư "gởi tình yêu, gởi cuộc đời" rồi lắng nghe tình yêu và cuộc đời vang lại "Tiếng vọng tri âm" chứa chan tình thân ái cho tình người thêm nồng ấm và cuộc đời này vơi bớt khổ đau, bạn nhé!
 
Ở quê nhà Quảng Trị xa xôi, đang trong mùa đại dịch, tôi không có điều kiện đến tiễn đưa bạn về Miền Tây phương cực lạc. Tôi viết mấy dòng này thay nén tâm nhang, nguyện cầu hương hồn bạn luôn an vui ở cõi vĩnh hằng!
VĨNH BIỆT BẠN THÂN YÊU!
 
Thị xã Quảng Trị, sáng 16/9/2021
            Nguyễn Văn Quang
 
 

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

NHÀ THƠ, DỊCH GIẢ ĐỖ TƯ NGHĨA QUA ĐỜI ĐỂ LẠI NHIỀU TÁC PHẨM CHƯA IN


 
Nhà thơ Đỗ Tư Nghĩa


TTO - Dịch giả Đỗ Tư Nghĩa vừa trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 75 tại nhà riêng nơi phố núi Đà Lạt lúc 6h15 ngày 16-9, sau thời gian nằm bệnh vì tuổi già.
 
Đỗ Tư Nghĩa thuộc lớp trí thức miền Nam trong chiến tranh, ông tốt nghiệp triết học ở Đại học Văn khoa Huế, sau đó dạy triết và tiếng Anh tại Blao (Bảo Lộc) từ trước 1975.
 

LỜI TIỄN BIỆT ĐỖ TƯ NGHĨA CỦA HAI NGƯỜI BẠN VƯỜN ĐÀO – Nguyễn Thắng và Đoàn Đức


Nhà thơ Đỗ Tư Nghĩa
 


6 giờ 15 phút ngày 16 tháng 9 năm 2021, Cành-Đào bỗng gãy! Hoa Đào ngát hương phủ đầy mặt đất. Than ôi! Nghĩa đã mất thật rồi! Thời gian như ngừng lại... Hai đứa Thắng – Đức mắt nhòa lệ, tưởng như nhìn thấy cô giáo cũ Nguyễn Thị Nhã đang nắm tay Nghĩa dẫn đến lớp Đệ Tứ 2, trong ngôi trường Nguyễn Hoàng 57 năm về trước.

Từ nay không còn đủ “Tam-Anh-Vườn-Đào” mà Cô thường nhắc, để cố gắng học hành cho xứng với tên.
Nhớ ngày nào ba đứa chúng ta cùng nhau sáng chiều, mưa nắng đến trường. Những buổi học chung, những lần bắt chim, những ngày chủ nhật đi hái sim, hái ổi tận An Đôn, Nhan Biều…
 
Trong lớp, ba đứa luôn ngồi bàn đầu trước thầy cô giáo. Nghĩa giành ngồi giữa để có được Thắng – Đức cả hai bên, sao khôn thế? Những buổi thuyết trình trước lớp, Nghĩa cũng giành đọc phần giữa, không chịu trình bày nhập đề và kết luận, bởi biết rằng có Thắng và Đức kề bên.
 
Lên Đệ nhị cấp, Nghĩa cùng Đức về một lớp Ban C. Tội cho Thắng một mình lạc lõng ban B. Từ ấy, ba đứa chỉ còn gặp nhau cuối tuần hoặc mỗi tháng. Rồi dù tay vẫn còn nắm, nhưng đã buông lơi. Bởi những bóng hồng xinh đẹp vờn qua hư ảo.
 
Chúng ta vẫn nhớ nhau, gặp nhau dù mỗi người đi một lối. Đôi lúc ngồi lại, nhắc chuyện thuở học Đệ nhất cấp…
 
Lên Đại học, Thắng rẽ lối Y Khoa, chỉ còn lại Nghĩa Đức cùng vào Văn Khoa. Bốn năm Nghĩa đi vào con đường Triết học, truy tìm chân lý cùng Mậu Minh, Đình Hạnh, Lương Tuấn, Như Ngân… chọn nẻo về của ý để diễn đạt hết lòng mình.
Thắng và Đức đứng xa, nhìn hạnh phúc trong vòng tay của Nghĩa.
 
Chúng ta lời chưa nói, đêm nào đã nói; thường chúc phúc cho nhau dù mỗi người một nẻo. Nhưng sợi chỉ hồng “Vườn-Đào” vẫn luôn kết nối chúng ta, dù mỏng manh - bởi Cô Nhã đã buộc vào ba đứa từ độ hoa niên – không tài nào gỡ ra được! Thế nên, chúng ta luôn nhớ về nhau và mong gặp mỗi khi có dịp. Cho dù xa xôi cách trở bởi sông núi, chúng ta luôn gần gũi vì hằng nghĩ đến nhau trong tâm hồn.
 
Nay bạn ra đi, hai đứa còn lại buồn đau vì thấy mất đi một cái gì không nói được: đó là con tim thời thơ ấu chúng ta. Nó chiếm hết một phần ba đời người. Nghĩa là một phần đời của Thắng và Đức. Và ngược lại!
 
Nay về lại cố quận, Nghĩa được Cô Nhã, Thầy Bá, Thầy Tâm mừng đón rồi cùng họp mặt với các bạn đồng môn khác…
 
Nơi đây, Thắng với Đức luôn nghĩ Nghĩa không bao giờ mất đi. Nghĩa vẫn còn đó! Dalat là Nghĩa – Nghĩa là Dalat. Nghĩa hiển hiện phơi phới diệu kỳ giữa rừng thông cao vút, trên mặt hồ đầy sương mù, bên dòng suối thơ mộng và trong những cơn mưa nhạt nhòa hay nắng ấm vàng rực muôn ngàn cánh hoa dã quỳ thương nhớ. Thế là Thắng và Đức vẫn dễ dàng gặp Nghĩa dù âm dương cách biệt đôi đàng!
 
Thôi, chia tay với Nghĩa như ngày xưa, chia tay với con Phượng Hoàng gục chết giữa lửa hồng để hồi sinh trong những tác phẩm để đời!
 
Cho Thắng và Đức ngăn dòng lệ chảy tràn trên má để cố gắng mỉm nụ cười nhìn bạn đi xa.
 
                                     Viết cho Nghĩa ngày 17 tháng 9 năm 2021.
                                              Nguyễn Thắng – Đoàn Đức



      
Tam Anh Vườn Đào Trung học Nguyễn Hoàng (1960-1967)

Đỗ Tư Nghĩa và  Đoàn Đức

Đoàn Đức và Nguyễn Thắng





Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN THƠ ĐỖ TƯ NGHĨA CỦA MỘT NGƯỜI HỌC TOÁN - Hồ Sĩ Khang


       
                          Tác giả Khang Hồ


           ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN THƠ ĐỖ TƯ NGHĨA 
           CỦA MỘT NGƯỜI HỌC TOÁN
                                                                     Hồ Sĩ Khang

Cuộc sống hôm nay có những điều kỳ diệu, nhất là với những người thích sống một mình hoặc vì điều kiện khác, họ không thể tiếp xúc được với những con người thật trong cuộc đời. Nhưng chỉ cần có internet họ có thể kết nối với vạn vật. Tôi là một trong số đó. Trong thế giới điện tử này tôi gặp nhiều người bạn và đọc rất nhiều thơ của họ. Thơ của họ hay, mỗi người mỗi cảm xúc.
Tôi đã bắt gặp một Phan Quỳ với tâm hồn rất lãng mạn nhưng phảng phất một sự  mỏi mệt cùng thân xác, tôi  thấy một  “con ong thợ ” Hoàng Chẩm miệt mài làm thơ, đếm đong cảm xúc, chắt lọc ngôn từ rất hay. Một Liên Hưng có những giây phút thăng hoa bay bổng. Một nhóm Sông Quê với tháng ngày hoài niệm, cứ đến hẹn lại lên trên lối cũ ta về. Còn nhiều nữa…

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

GẶP DỊCH GIẢ ĐỖ TƯ NGHĨA - Võ Cẩm


        
                 Đỗ tư Nghĩa và Võ văn Cẩm tại Đà Lạt 14/6/2019


           GẶP DỊCH GIẢ ĐỖ TƯ NGHĨA

Đỗ tư Nghĩa em ruột Đỗ tư Nhơn thầy giáo trường Trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Đỗ tư Nghĩa là một trong số học trò xuất sắc thế hệ NH 60/67, cùng lớp với Đoàn Đức, Nguyễn Thắng, Lê mậu Minh, Nguyễn Đình Hạnh, Nguyễn Văn Quang...
Cô Nguyễn Thị Nhã giáo viên chủ nhiệm gọi Đức - Nghĩa - Thắng là “3 anh em kết nghĩa sân chơi Nguyễn Hoàng Quảng Trị”.
Đoàn Đức kể: Khi học lớp 12C, Nghĩa xin nghỉ học, không đến lớp. Chỉ dự vài giờ Triết của thầy Lê mậu Tâm. Nghĩa vẫn đậu Toàn phần loại cao năm ấy. Học giỏi đến như vậy là cùng.
Nghĩa học Văn Khoa Đại học Huế, tốt nghiệp cử nhân Triết, có những lúc thầy Tâm bận việc thường nhờ nghĩa đứng lớp thay thế thầy.
Nghĩa rất giỏi Anh, Pháp. Nhiều năm dạy học ở Đà Lạt. Sau 1975 Nghĩa nghỉ dạy, chuyên dịch sách đặc biệt là loại sách Triết học, những tác phẩm nổi tiếng của những nhà văn tên tuổi. Nghĩa dịch nhiều tác phẩm của Tolstoy và cuộc đời tác giả “Chiến tranh và Hòa bình”
Cách đây hơn 10 năm gia đình Nghĩa được định cư ở Mỹ. Vợ con đi nhưng Nghĩa ở lại Việt Nam sống một mình tại Đà Lạt với cuộc sống hết sức đơn giản. Đơn giản đến mức tôi phải chịu thua. Con gái của Nghĩa tốt nghiệp Đại học ở Mỹ đang về làm việc ở Việt Nam, quản lý tập đoàn Grab tại Sài Gòn. Hàng tháng cháu lên thăm bố hai lần. Già, bệnh nhưng Nghĩa ăn uống hoàn toàn tự túc. Nghĩa đã ăn trường trai nhiều năm. Riêng khoản này tôi cũng thua.
Ai về Đà Lạt, Nghĩa thường tặng sách mà anh là dịch giả. Lúc cô Nguyễn Thị Nhã còn sống, lên thăm con gái là bác sĩ, cô trò thường gặp nhau. Không lần nào lên Đà Lạt mà tôi không gặp Nghĩa. 

                                                                                   Võ văn Cẩm

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

LỜI RIÊNG…TRONG TẬP SÁCH "ĐOÀN ĐỨC VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ THẦY CÔ CŨ" - Đoàn Đức, Lê Mậu Minh, Đào Văn Nhẫn, Đỗ Tư Nhơn, Tống Văn Thụy, Đỗ Tư Nghĩa, Nguyễn Thắng, Nguyễn Đình Hạnh, Hồ Trị, Trần Phong Dũng,Ngô Thị Hương Thủy,Nguyễn Lương Tuấn, Trần Quang Chu, Nguyễn Văn Trị, Võ Thị Quỳnh, Huỳnh Bá Huy, Trần Ngọc Hợp, Lê Mậu Trúc, Nguyễn Phụng Lương Nhi, Lê Duy Đoàn, Hoàng Văn Thắng, thầy Hồ Si ̃Châm


       

LỜI RIÊNG…TRONG TẬP SÁCH 
"ĐOÀN ĐỨC VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ THẦY CÔ CŨ"

Thoạt đầu Lê Mậu Minh khởi xướng và yêu cầu tất cả các bạn viết bài cho đặc san về khối lớp 1960-1967 của trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị và lấy tên là Hoa Bất Tử. Tôi lúng túng làm một bài thơ gởi cho Mậu Minh đăng, thì vợ tôi chê dở. Hai tháng vẫn không viết được một chữ nào, trong khi đó các bạn tôi đều viết xong để gởi đăng, tôi lo lắng vì đến hạn mà vẫn chưa xong. Bạn Nguyễn Thắng ở Huế cá với Nguyễn Đình Hạnh ở Đông Hà 10 triệu đồng rằng tôi viết không tới hai trang giấy A4. Đình Hạnh điện thoại nói với tôi: “Hồi xưa bạn học ban C văn chương, sinh ngữ mà nay không viết được chữ nào để Thắng cười à. Hãy giúp mình thắng cá độ đi”. Tôi liền ngồi viết một mạch về thầy Trần Thương Bá, được 34 trang viết tay A4. Ban biên tập gồm Lê Mậu Minh, Nguyễn Văn Quang… khi duyệt bài thì bảo rằng: “Không đăng được vì quá dài, mà cắt ngắn thì không nỡ”. Hơn nữa, đã có anh Đỗ Tư Nhơn viết về thầy Bá nên Ban Biên tập đề nghị tôi nên viết về thầy cô cấp II. Tôi tự ái trả lời: “Thế thì tôi sẽ viết luôn một loạt bài về quý thầy cô, các bạn muốn đăng sao thì đăng”. Nói là làm, tôi viết liên tục về bảy thầy cô. Sau khi đọc xong các bạn khuyên tôi không nên đăng vào tập san chung nữa mà in riêng thành một tập dành tặng cho quý thầy cô, các bạn cùng lớp và cho cả chính tôi. Trong quá trình viết, tôi nhận được rất nhiều niềm vui trong đó có sự động viên của hiền nội tôi - Cao Thị Thanh Nhàn, công đánh máy của con gái và con dâu tôi (dù tôi biết các cháu đôi lúc cũng thấy phiền vì sự lẩm cẩm của ba chúng), cũng không quên ơn cô Thoa – một người bạn vui tính – đã đánh máy cho tôi khi các con tôi bận. Tôi chắc sẽ không quên vẻ mặt nhăn nhó của Đào Văn Nhẫn khi phải đọc và sửa lỗi các trang viết qua email, tranh cãi về trích dịch tiếng Pháp từ nguyên tác dù đây là ký ức chứ không phải tôi dịch hay sáng tác. Còn Nguyễn Đình Hạnh thì hứa mà chỉ sửa sơ lược phần thi ca trong bài. Đỗ Tư Nghĩa thì lười. Nguyễn Văn Quang, Tống Văn Thụy thì tế nhị, cả nể. Nguyễn Thắng thì bận rộn khám bệnh, Nguyễn Văn Hóa chịu khó đọc lại các bản nguyên tác Hán - Nôm để sửa, không những về từ ngữ, dấu chấm phẩy mà còn lo cả phần kiểm duyệt (Đúng là nguyên thầy giáo chuyên văn kiêm giám đốc nhà in!). Riêng cảm ơn Nguyễn Trường Thi, học trò cũ của tôi, đã giúp đính chính những thiếu sót, thêm vào một số nguồn có liên quan đến Anh ngữ và về thầy Gary Carkin, trình bày vi tính, dàn trang và đề nghị khổ sách… trước khi gởi bản thảo cho nhà xuất bản. Cũng không quên cảm ơn nhà tài trợ chuyến đi Đà Lạt - Nguyễn Thắng, do thua cá cược 10 triệu đồng nên tháng 3/2017 đã cùng vợ vào Sài Gòn đưa Đình Hạnh, Mậu Minh, vợ chồng tôi, Võ Cẩm, cô Thoa đi Đà Lạt thăm Đỗ Tư Nghĩa để tiêu cho hết tiền thua độ. Tiếc là Mậu Minh không đi được.
Ôi qua bao nhiêu năm mà tôi vẫn còn được trở về “tuổi thơ chí chóe cùng chúng bạn”. Thật diễm phúc biết bao!

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

THƯ ĐỖ TƯ NGHĨA GỬI ĐOÀN ĐỨC, BẠN ĐỒNG MÔN TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG 1960-1967


      


THƯ ĐỖ TƯ NGHĨA GỬI ĐOÀN ĐỨC, 
BẠN ĐỒNG MÔN TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG 1960-1967

Dalat, 30.9. 2017
Đức ơi,
Nhớ xưa, cô Nhã gọi Đoàn Đức, Nguyễn Thắng và Đỗ Tư Nghĩa là “Tam anh Vườn  Đào xứ Quảng.”
Thuở ấy, chúng mình chưa có lần nào “uống máu ăn thề” theo kiểu người xưa, đúng không? Chỉ nhớ, thời trung học, chúng mình luôn ngồi bàn đầu – mình ngồi giữa Đức và Nguyễn Thẳng. Hiếm khi rời nhau. Chỉ biết, vắng nhau thì nhớ.
Nhà Đức ở làng Thạch Hãn, um tùm cây lá vây quanh. Mình vẫn thường đến đó. Có anh Đoàn Liên, Đoàn Minh... Lúc ấy, hình như còn song thân của Đức. Có cô cháu gái Đoàn Thị Hoa, vẫn còn bé xíu. Ngày đó, Đức và mình đều thích nhạc của Trúc Phương. Đức thích Mưa nửa đêm, Chiều cuối tuần... Còn mình thì thích Con đường mang tên em, Ai cho tôi tình yêu...
Nhà Nguyễn Thắng ở tận phía cầu ga, gần bệnh viện Quảng Trị. Thắng có hai cậu em trai, là Nguyễn Thái, Nguyễn Lang, và một người anh, mình đã quên tên. Một chị gái tật nguyền, nhưng có khuôn mặt xinh đẹp, hồng nhan bạc mệnh. Nhớ ca khúc "Một bàn tay" của Phạm Duy, mà Thắng vẫn thường ôm đàn và hát. “Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người / Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời / Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái / Nhạc ru tiếng khóc trần ai...