BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

CHÂU THẠCH TÁC PHẨM TÁC GIẢ - M. Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện


Nhà thơ Châu Thạch


Châu Thạch tên thật là Trương Văn Trạn.
Sanh ngày 15.7.1943 [tuổi Quý Mùi].
Chánh quán xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Thơ và Bình Thơ đã được đăng trên một số web & blog VHNT trong và ngoài nước.
Tác phẩm đã xuất bản: “Tuyển Tập Thơ Văn Một Thời Để Nhớ” chung với 14 tác giả. “Tuyển Tập Bình Thơ (A và B)”

*

Nhà Thơ Châu Thạch cũng đã bước vào cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”, đó là quan niệm thời Trung cổ, bây chừ thế kỷ 21, tuổi 70 cũng chỉ là thanh niên. Mới đây vài năm, Đại Họa sĩ Trịnh Cung [tức nhà thơ Thương Nguyệt hồi 1960] cũng vào tuổi này. Gọi anh là Đại Họa sĩ có nghĩa là anh cao hơn các Họa sĩ thường một bực. Năm 67, anh được giải Huy chương Bạc, triển lãm hội họa Quốc Tế ở Pháp, nên anh thường bỏ hai tay vào túi quần, không bao giờ bắt tay với những họa sĩ nội địa. Phu nhân của anh phiêu diêu miền cực lạc, anh mới lập gia đình với một giai nhân tuổi chừng 20, và sau đó anh có thêm một đứa con nhỏ, cả nước ăn mừng “và hải ngoại cũng ăn mừng luôn”.
 
Anh cứ mơ về thời quá khứ
mái trường xưa thành gạch vụn lâu rồi
áo trắng xưa bay về phương trời áo trắng
bờ Cổ Thành loang lổ một vầng trăng
 
Anh cứ mơ về thời quá khứ
bụi cỏ xôn xao dưới gót ngọc sân trường
áo trắng bồng bềnh phố nhỏ mờ sương
em cứ đi đi về phương trời áo trắng
                (Phương áo trắng, trang 142)
 

GIẤU NHAU MỘT CÕI RIÊNG, NẮNG CÓ NHƯ XUÂN, MÙA XUÂN GỌI - Thơ Hoàng Chẩm


 
                   Nhà thơ Hoàng Chẩm


GIẤU NHAU MỘT CÕI RIÊNG
 
Em giấu hạt mưa trong mắt
Mong manh lòng nhớ hương xưa
Người xa... Bao lần hiu hắt
Buồn ơi biết mấy cho vừa
 
Em giấu chiều vàng trong áo
Sớm chiều sóng lụa thênh thang
Tóc chưa phai hồn dã thảo
Yêu thương ngày đã muộn màng
 
Giấu ngày xưa vào chốn cũ
Thời yêu nung nấu giấc mơ
Em qua từng mùa lá đổ
Tương tư về tới... ngẩn ngơ
 
Giấu giọt đông về qua ngõ
Bình yên nghe tiếng tình ru
Lời thương thơm lừng hương cỏ
Dường như em biết ngơ ngu.
 

“ĐÊM UKRAINE” TUYỂN TẬP CỦA NHÀ VĂN MARCI SHORE - Nguyễn Đức Tùng dịch và giới thiệu



Lời giới thiệu của dịch giả:
 
Đêm Ukraine là tuyển tập của nhà văn Marci Shore, viết về cuộc cách mạng Ukraine tháng Hai, 2014, còn gọi là cuộc cách mạng Maidan. Sự kiện này đã lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, dẫn đến sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine, cuộc chiếm đóng Crimea và sự hình thành hai vùng tự trị Donetsk và Luhansk.
Tám năm sau, tháng Hai năm 2022, lịch sử lặp lại trên quy mô thảm khốc hơn.
Dưới ngòi bút của Marci Shore, đó không phải chỉ là một cuộc cách mạng, một cuộc chiến tranh, không chỉ là những sự kiện, mặc dù chúng được mô tả chi tiết, kết quả của một quá trình điều tra tường tận, mà chính yếu là câu chuyện của những cá nhân, cuộc chiến đấu của họ, số phận riêng tư, tình yêu và cái chết của họ.
Shore sinh năm 1972, giảng dạy ở trường đại học Yale, Hoa Kỳ. Bà nghiên cứu về lịch sử văn học, khía cạnh chính trị của văn chương, hiện tượng học và chủ nghĩa Mác. Shore bám sát các vấn đề thời sự của Đông Âu, Ba Lan, Ukraine, và các nước lân cận. Nhà văn gốc Do Thái này còn là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng khác, như Mùi vị của tro tàn (The taste of ashes).
Cám ơn nhà văn Đinh Từ Bích Thúy và nhà văn Đặng Thơ Thơ đã giới thiệu văn chương Ukraine và văn chương viết về Ukraine cho tôi. Trong những ngày nóng bỏng của cuộc chiến tranh xâm lược do Putin gây ra, 2022, mời bạn đọc bốn truyện ngắn hay bút ký sau đây, để hiểu thêm phần nào một dân tộc anh hùng và đau khổ, một vùng đất xinh đẹp đang chìm trong lửa đạn, và tất nhiên, những con người tự do rất đáng yêu.
Tôi nghĩ, văn học không làm thay đổi được lịch sử, nhưng có lẽ nó giúp cho người đọc hiểu hơn những gì đã xảy ra, đang xảy ra, và giúp họ trong các chọn lựa riêng tư, khó khăn, của mình.
 
                                                                             Nguyễn Đức Tùng
                                                                                     3. 2022
 
1. ĐẤT CỦA GOGOL
 
Vào tối thứ Tư, ngày 19 tháng 2 năm 2014, nhà nghiên cứu chính trị và trí thức nổi tiếng người Ukraine Mykola Riabchuk thuyết trình trước một căn phòng đông đúc ở Vienna. Mykola nói một cách bình tĩnh, trầm tư. Dù không lạc quan nhưng ông vẫn hy vọng. Ông hoàn toàn tin rằng cuộc chiến giành tự do ở Ukraine sẽ tiếp tục. Có lẽ lần này cuộc chiến sẽ không thành công; nhưng Mykola chắc chắn rằng, nếu không phải là lúc này, thì một ngày nào đó nó sẽ thành công.
Ông trả lời tất cả các câu hỏi một cách cởi mở. Ông không hề nói gì với khán giả, rằng vợ ông và đứa con trai hai mươi sáu tuổi của họ, đang ở Kiev, và đứa con trai Yuri, đã trở về nhà lúc 4 giờ sáng hôm ấy và bây giờ lại có mặt trên Maidan, một lần nữa, rằng Mykola không biết liệu Yuri có bị sát hại vào đêm hôm ấy hay không, hay có lẽ bây giờ chàng trai ấy đang đứng nói chuyện trong thư viện của Viện Khoa học Nhân văn.
(Cha mẹ của anh không bao giờ yêu cầu anh ở nhà, Yuri nói với tôi khi chúng tôi gặp lại nhau sau đó ở Kiev. “Bạn vượt qua ranh giới…,” anh nói thế.
“Bạn có nghĩ rằng bạn có thể bị giết hại?” Tôi hỏi anh.
“Vâng, tôi đã sợ thế.”)
“Chúng ta có thể làm gì?” một phụ nữ Ba Lan trẻ tuổi trong số khán giả lên tiếng hỏi.
Đáp lại, Mykola mô tả một cảnh trong vở kịch của Nikolai Gogol, vở Quan thanh tra. Vào cuối vở kịch, một người chủ nông trại tên Piotr Ivanovich Bobchinsky tiến lại gần quan thanh tra đến từ thủ đô Saint Petersburg với một lời “yêu cầu khiêm tốn,” anh ấy cầu xin vị quan của mình một cách hết sức cung kính, khi ông ta trở lại Saint Petersburg, xin làm ơn nói với sa hoàng rằng có một người đàn ông tên là Piotr Ivanovich Bobchinsky đang sống ở thị trấn này.
Chỉ thế thôi, đơn giản xin nhớ rằng có một người đàn ông tên là Piotr Ivanovich Bobchinsky, thế thôi.
“Chỉ cần nhớ,” Mykola trả lời người phụ nữ trẻ, rằng “Có một đất nước tên là Ukraine.”
 
(Nguyên tác: The Land of Gogol, The Ukrainian Night)
 

LỜI DI CHÚC – Thơ Taras Shevchenko (Ukraine), Nguyễn Viết Thắng dịch


Nhà thơ Taras Shevchenko

Mời quý anh chị và các bạn đọc bài thơ "My Testament" (Di chúc của tôi) của thi sĩ Taras Hryhorovych Shevchenko. Bài thơ có tựa đề và được viết ra ngày 25 tháng 12 năm 1845.  Tác giả sáng tác bài thơ này cách đây gần 180 năm nhưng đọc bài chúc thư ấy chúng ta có cảm tưởng như đây là một lời tiên tri tác giả đã viết sẵn cho thế hệ những thanh niên Ukrainian hiện đang cầm súng lên đường chống lại cuộc xâm lăng của Putin từ Nga Sô! Nghĩ lại tôi thấy điều này thật ra không có gì là lạ. Đó là vì dân Ukraine bị Nga hoàng thống trị dưới chế độ nông nô (serfdom) trong một thời gian dài, mãi cho tới năm 1861 thì họ mới được giải phóng và chế độ nông nô mới chính thức sụp đổ. Bài thơ "My Testament" đã được Nguyễn Viết Thắng dịch sang tiếng Việt năm 2007 như sau:
 
LỜI DI CHÚC
 
Khi tôi chết xin hãy chôn
Trên đất Ucraina yêu thương.
Xin hãy đào mộ
Giữa thảo nguyên rộng mênh mông
Để tôi được nằm giữa đồi mộ cổ
Bên trên con sông
Để được nghe tiếng gầm réo
Của sông Đnhép chuyển dòng.
Và khi từ những cánh đồng
Máu của quân thù đáng ghét
Bị cuốn phăng
Thì khi đó
Tôi bước ra từ ngôi mộ
Tôi bước lên đạt đến ngưỡng thánh thần.
Và tôi sẽ nguyện cầu
Chứ bây giờ tôi chẳng biết có Chúa trời đâu.
Xin hãy giấu đi rồi đứng dậy
Gông cùm xin bẻ gãy
Và máu quân thù
Hãy tưới bằng khí phách hiên ngang
Còn về tôi trong Đại gia đình
Đại gia đình tự do và mới.
Xin hãy đừng quên nhắc tới
Một lời tốt đẹp thì thầm.
 
Nguyễn Viết Thắng dịch
 


Taras Hryhorovych Shevchenko (tiếng Ukraina: Тарáс Григóрович Шевчéнко;( 9 tháng 3 năm 1814 – 10 tháng 3 năm 1861) là Đại thi hào dân tộc, là chiến sĩ đấu tranh vì dân tộc Ukraina, người đã có công phát triển và hoàn thiện nền văn học và ngôn ngữ mới của Ukraina. Bài thơ Lời di chúc của ông đã và đang có một sự ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa Ukraina, đặc biệt là trong thời nay, khi Ukraina là một quốc gia độc lập.
 

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022

THI SĨ, DỊCH GIẢ ĐỖ TƯ NGHĨA: ÂM VỌNG CON NGƯỜI – Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa (sinh năm 1947) vừa qua đời để lại bao thương tiếc cho bạn bè. Cả cuộc đời ông được biết đến như một Dịch giả đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng về Triết học, Sống đẹp, Danh nhân... nhưng ít ai biết rằng ông còn là một Thi sĩ. Ông trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 75 tại nơi phố núi Đà Lạt lúc 6h15 ngày 16-9 để lại nhiều bản thảo giá trị...

Nhà thơ - nhà văn Nguyễn Hữu Hồng Minh 
 
Bây giờ nghĩ lại, tôi mới nghiệm ra tất cả mọi điều trên đời sống chỉ tựu trong một chữ Duyên. Có người ta may mắn được duyên gặp cố tri, có người duyên chỉ tới mức hình dung qua giọng nói.
Với tôi, Đỗ Tư Nghĩa chỉ là một giọng nói. Một giọng nói giữa non cao, rừng thẳm.


Dạo ấy có một người bạn yêu văn chương tên là Văn Cát Tiên. Cuộc đời cũng lạ! Thi sĩ làm thơ chỉ muốn "giải nghiệp" vì khổ quá. Vậy mà bao kẻ cứ muốn đâm đầu vào thơ. Lại chạm đến chữ duyên chăng? Văn Cát Tiên có mang đến cho tôi tập thơ "Phù Hoa" mà anh rất tâm huyết. Viết đến thổ cả máu. "Cải ngồng còn đó hay thôi / Ai đem dưa muối một thời xanh non". Tôi đọc tập đó mới thấy Tiên bị thơ hành như thế nào? "Phù hoa" dễ gợi nhớ đến nhưng chắc chắn là không phải cái "hội chợ phù hoa" của nhà văn William Makepeace Thackeray, tiểu thuyết gia xuất sắc của nền văn học Anh, điển hình cho trào lưu chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19. Nhưng có lẽ Tiên cũng đã đọc nó nên mang tham vọng viết về xã hội "kim tiền" đương đại hôm nay sau hai thế kỷ vẫn "chảy máu" và băng hoại.
 

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2022

CHÙM THƠ “MÙA” CỦA LÊ VĂN TRUNG


   

 
MÙA CẠN
 
Lòng hoang vu tình như bãi cạn
Ta con còng khổ bò quẩn quanh
Vắt kiệt đời xanh đau mùa hạn
Gió cháy cồn lau cúi rạp mình
 
Nắng sém ghềnh run nghe đá vỡ
Cây trơ cành úa quặn khô mầm
Khói cuộn cuồng phong trời hấp hối
Lửa đốt hờn căm đất nát bầm
 
Ta ném đời ta như hòn sỏi
Lóc cóc khua hoài một cõi mê
Ta ném đời ta viên ngói vỡ
Mặt đời lếch thếch trượt lia thia
 
Ta búng đời ta mẩu thuốc tàn
Tình bay màu khói lụn tro than
Đành dối lừa nhau cơn say ảo
Ta buồn như kẻ vừa cư tang
 
Ta nhặt đớn đau từng sợi tóc
Cơ hồ như sợi máu tàn phai
Ta nén vào tim từng tiếng nấc
Giọt máu nào rơi tiếng thở dài
 
Đời lăn đau xác thịt khô gầy
Đời mộng du suốt cuộc lưu đày
Ai gióng vội hồi chuông báo tử
Tình xanh chết yểu từ trong thai
 
Nằm nghe gió hú rên mùa cạn
Năm tháng đui mù lấp bãi khuya
Vì sao rụng tắt mù phương hướng
Thiên thu lệ cháy mộng tan lìa
 
Vung tay vạch một đường sinh tử
Dẫu chết bên này hay bên kia
Ta ngồi đọc hết trang cuồng sử
Máu biển xương rừng khóc mộ bia.
 

TRƯỜNG CA MƯA – Thơ Nguyên Lạc


  

  
Dẫn:

"Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu. Ai khóc ai than hờ"

(Trích lời nhạc: Giọt mưa thu - Đặng Thế Phong)
 
Nhập:

Mưa chi? Mưa mãi không thôi!
Mưa ơi! Có biết động tôi một trời?
Tôi van mưa hãy thôi rơi!
Để tôi đừng nhớ một thời bể dâu
 
Mưa ơi! Ngừng đi thôi
Mưa buốt lạnh lắm rồi
Tôi ơi! Ngừng đi thôi
Nhớ thêm chi? Đủ rồi!
 

TRÍCH: TÌNH KHÚC TẶNG BẠN BÈ – Thơ Khaly Chàm


  


.trên đời còn ta
 
qua cầu soi bóng biệt tăm
vòng cung mấy độ thăng trầm cuộc chơi
cuối mùa trắng khói sương rơi
giật mình chợt biết trên đời còn ta

 
.tìm trong vô hạn
 
giọt thời gian trắng hằng sa
tìm trong vô hạn nhạt nhòa sắc hương
cung xưa gầy ngón đoạn trường
hát đi em. Khúc vô thường tử, sinh!
 
 
.lệ buồn trăm năm
 
đường nào tịch diệt - vô minh?
với ta: rượu đắng đóng đinh linh hồn
em về ướt đẫm hoàng hôn
hong khô tóc úa lệ buồn trăm năm
 
                                    khaly chàm
 

CHÙM THƠ NĂM CHỮ CỦA CHÂU THẠCH


  


NHỚ MÔI EM HƯƠNG CÀ PHÊ!
 
Môi em hương cà phê
Nụ hôn tràn cơn mê
Nhớ hương nhớ thắm thiết
Nhớ em nhớ bộn bề!
 
Em cà phê Buôn Mê!
Em cà phê Kontum!
Em cà phê Pleiku!
Hay em cà phê Khe Sanh!
Em cà phê riêng anh
Trong con tim riêng dành!

Sáng nay ly đen nóng
Thơm làn môi em mọng
Ngọt đường và vị đắng 
Cho anh tình trăm năm

Anh nhớ em trời nắng!
Anh nhớ em trời mưa! 
Anh nhớ em buổi sáng!
Anh nhớ em buổi trưa!
Hoàng hôn về càng nhớ!
Nhớ em, nhớ bốn mùa!
 
Mùa xuân mây trải lụa
Hương cà phê bay cao
Mùa hạ nắng lao xao
Hương cà phê trong đá
 
Mùa thu rừng thay lá
Hương trong gió thu vàng
Mùa đông mưa mênh mang
Hương cà phê ấm thế!
 
Anh xin dâng lời thề
Hết cả tình đê mê
Môi em hương cà phê
Yêu em, yêu mãi mãi!
 

THƯƠNG VỀ QUẢNG TRỊ - Thơ Vương Lệ Hằng


  
                      Nhà thơ Vương Lệ Hằng
              (Thi văn đoàn giới tuyến Quảng Trị)
 
 
THƯƠNG VỀ QUẢNG TRỊ
 
Mai kia, mốt nọ, tháng ngày gần
Nếu bạn có về thăm Việt Nam
Nhớ ghé thăm giùm tôi, Quảng Trị
Quê hương tôi, một thời dấu yêu.
 
Ơi Quảng Trị, một thời tuổi nhỏ
Những con đường nối lại tình người
Những con đường mía lau, mật ngọt
Trao cho nhau tình thương, nụ cười.
 
Thach Hãn đó, con sông hiền hòa
Tắm mát thanh xuân tôi một thời
Thạch Hãn đó, con sông hò hẹn
Của những đôi tình nhân Nguyễn Hoàng.
 
Gia Long, bờ sông, hàng phượng đỏ
Dập dìu những đôi tình nhân, vòng ôm
Những lua vàng, trắng áo bay trong gió
Môi mềm, tóc xõa, những lời thăm.
 
Quảng Trị, Chợ Sãi, bánh hỏi lòng heo
Một thời cùng bạn bè thường lui tới
Bãi cát vắng, Chùa Tỉnh Hội, những hàng thông
Những dấu chân xưa còn chăng hay lạc lối?
 
Quảng Trị xưa, những địa danh mãi nhớ
La Vang, Cổ Thành, Cầu Ga, Ái Tử
"Mẹ bồng con ra ngồi cầu Ái Tử"
Lời ru xua vang vọng một trời thơ.
 
Quảng Trị ơi, xin hứa tôi sẽ về
Uống lại nước sông xưa nuôi tôi lớn khôn
Thăm lại những con đường xua, ngày hai buổi đến trường
Thương biết mấy, Quảng Trị ơi, thương biết mấy.
 
                                                    Vương Lệ Hằng
 

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2022

QUỐC GIA UKRAINE (УКРАÏНА) – Biên khảo của Từ Vũ

Loạt bài này nhằm mục đích tìm hiểu về những cuộc đấu tranh của người dân Ukraine trên đường gian nan tìm tự do thoát ách nô lệ của đế quốc láng giềng Nga.
Điển hình thật gần đây, ngày 24 tháng Hai năm 2022, ngày Vladimir Poutine, Tổng Thống Nga đã dã tâm xua quân sang xâm chiếm nước Ukraine, mưu đồ lật đổ chính phủ Dân Chủ của Tổng Thống Volodymyr Zelensky để thành lập một chính quyền tay sai bất chấp những phản kháng, phẫn nộ của nhân dân yêu chuộng công lý hòa bình các nước trên toàn thế giới.
 
                                                                                             Từ Vũ
                                                                                           14.3.2022
 
Mặt trận xâm lược nước Ukraine của quân đội Nga


Молитися... А до того –
Я не знаю бога.
Поховайте та вставайте.
Кайдани порвіте
І вражою злою кров'ю
Волю окропіте.
І мене в сім'ї великій,
В сім'ї вольній, новій
Не забудьте пом'янути
Незлим тихим словом.
1845
TARAS CHEVTCHENKO
(9.3.1814 - 10.3.1861)
 
..............................

Nhưng cho tới lúc này
Tôi chưa biết Chúa là ai !
Hãy chôn tôi và hãy đứng thẳng lên!
Bẻ gãy những xích xiềng quanh bạn,
Rồi tưới rải đi máu không tinh khiết của kẻ thù
TỰ DO !
Sau đó, trong đại gia đình ta,
Đại gia đình mới , đại gia đình tự do,
Đừng quên hoà nhịp trong kỷ niệm về tôi
Một lời hoàn mỹ ! (*)
 
 
PHẦN I
 
U kraine là một quốc gia rộng lớn nằm ở phía Đông Âu Châu với diện tích 603.550 Km2. Ukraine lớn hơn Pháp một chút và là quốc gia lớn nhất ở châu Âu, ngoại trừ Nga (nằm nửa châu Á, nửa châu Âu).
 
Nổi tiếng với các nhà thờ Chính thống giáo, các bãi biển nằm dọc Biển Đen (Mer Noire) và những ngọn núi với rừng cây rậm rạp những cánh đồng hướng dương hay lúa vàng rực .
 
Phía Bắc giáp Biélorussie, phía Đông Bắc và Đông giáp Nga, phía Nam giáp Biển Azov sau đó là Biển Đen (Mer Noire) và các nước Moldavie và Romanie, phía Tây Nam giáp Hongrie (Hung Gia Lợi), phía Tây giáp Slovaquie và Pologne (BaLan).
 
Tổng sản phẩm quốc nội (PIB) bình quân trên mỗi đầu người dân Ukraine là 3726,93 dollars (năm 2020) đứng hàng thứ 118 trong số 192 nước (theo bảng sắp hạng 2017 của Qũy Tiền Tệ Quốc Tế – Việt Nam đứng hàng thứ 129).
Vào năm 2020 nợ quốc gia của Ukraine là 82.831 triệu Euro, (94.610 triệu đô la) hay nói một cách khác tỷ lệ nợ / PIB là 60,78%), và nợ công tính theo đầu người là 2.000 € euro (2.284 đô la) (PIB=Tổng sản phẩm quốc nội )
 

Hryvnia là đồng tiền của Ukraine.

Ukraine đặt thủ đô tại Kiev.
 
Thủ đô của Ukraine nhìn ra dòng sông Dnepr, Kiev là "Mẹ của các thành phố Nga", một trong những thành phố lâu đời nhất ở châu Âu, thành phố lớn nhất của Ukraine với gần 3 triệu dân và là một trung tâm tôn giáo, công nghiệp, khoa học, học thuật và văn hóa quan trọng của Đông Âu.

NGŨ TUẦN - Thơ Bùi Thị Minh Loan


  
                   Nhà thơ Bùi Thị Minh Loan

 
NGŨ TUẦN
 
Ngũ tuần nương theo búi tóc
Nâng niu những sợi khô xơ
Ấp iu sợi bạc hững hờ
Ai ngờ duyên càng nũng nịu.
 
Ngũ tuần lẫn vào lá liễu
Gió reo trĩu xuống đôi bờ
Hoàng hôn nghiêng mình vờn sóng
Ai ngờ duyên cả dòng sông.
 
Ngũ tuần như trưa đứng bóng
Chang chang nhưng thật nồng nàn
Ôm bầu không gian lắng đọng
Cho người đôi phút thoáng mơ.
 
                 Bùi Thị Minh Loan

BÂNG KHUÂNG – Thơ Quang Tuyết


  
                Nhà thơ Quang Tuyết
 

BÂNG KHUÂNG
 
Có khi nào anh chợt nhớ đến em?
Nắng sớm bên hiên
Mưa chiều giăng ngõ?
Em im lặng giấu tình trong hơi thở
Và môi cười ray rứt dấu hồn đau
 
Có lúc nào mưa ướt trái tim anh?
Thấm ngõ xưa từng mòn dấu chân mềm
Hương tóc rối lạ bước về trìu mến
Có bồi hồi trông đợi
Ánh trăng lên?
 
Có khi nào anh ngắm bóng chiều phai
Lòng chợt nhớ bài thơ xưa tình cũ
Nhớ hương lúa ngát thơm đời lãng tử
Xõa tóc mềm ai thổn thức cùng trăng
 
Có lúc nào
Anh hỡi lúc nào đây
Ngày chưa qua - đêm đã về tỉnh lặng
Đừng nhớ nhau
Để lòng không lên tiếng
Tháng ngày trôi như gió nhẹ nhàng bay
 
Ôi nỗi nhớ
Có bao giờ khép lại
Nên hằng đêm em thầm hỏi
Có khi nào?
 
                                        Quang Tuyết

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

CÁCH NHỚ VÀ VIẾT CHỮ ĐỨC 德 THEO HÁN TỰ CHO DỄ DÀNG - La Thụy sưu tầm và biên tập




Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm
 
- Bên trái có bộ xích (ở đây có hình tượng con chim chích đậu trên cành tre) – Chích và Xích cũng cùng âm.
- Bên phải
Trên cùng có chữ thập:
Dưới chữ là chữ Tứ:
Dưới nữa là chữ Nhất:
Dưới cùng là chữ Tâm: